Di tích kiến trúc cổ Nậm Dầu thuộc thôn Nậm Thanh, xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Di tích nằm ở ngã 3 sông - nơi hợp lưu của suối Nậm Dầu và sông Lô, trên phần trán rồng - một trong những đỉnh núi đất cao thuộc dãy núi Rồng. Bên trên hiện có đền Nậm Dầu. Phía trước hướng ra dòng sông Lô và suối Nậm Dầu. Phía đông và tây của núi Rồng là 2 núi khác hình mâm xôi, nên cũng có tên là núi Mâm Xôi.
Từ năm 2005 đến năm 2007, Viện Khảo cổ học đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh Hà Giang đào thám sát và khai quật di tích Nậm Dầu. Kết quả là đã phát hiện được ở đây khá nhiều dấu vết kiến trúc cổ và nhiều di vật thời Trần ở cuối thế kỉ 14.
Di vật phát hiện được tương đối phong phú, gồm nhiều thời đại, nhưng chủ yếu là vật liệu kiến trúc và trang trí kiến trúc thời Trần.
Di vật thế kỷ XIII – XIV gồm có đồ gốm sứ và vật liệu kiến trúc, trang trí kiến trúc.
Đợt khai quật này đã phát hiện được 70 lá đề, trong đó có 10 lá đề tương đối nguyên vẹn, có 2 loại: lá đề lệch trang trí rồng và lá đề cân trang trí hình tháp 5 tầng và hoa cách điệu.
Lá đề lệch, có 22 hiện vật, lá đề lệch (dùng để lắp ghép với ngói bò trang trí ở bờ nóc của kiến trúc), hai mặt in nổi hình rồng, dáng thon, mỏng, diềm là hai tay hoa uốn hình sin, cuống ở phía dưới đấu lưng vào nhau hình chữ "X”. Toàn thân lá đề là hình một con rồng miệng nhả ngọc, một tay trước vuốt râu, bờm tốc ngược lên phía trên, mào dài, hình ngọn lửa.
Lá đề cân có 50 hiện vật, một mặt trang trí hình tháp 5 tầng và hoa hình móc cách điệu, đế tháp có 2 bông hoa cách điệu nâng đỡ. Lá đề cân được gắn với ngói mũi sen kép, lợp ở mái hiên. Ngói sen hiên được làm theo kiểu 1 viên ngói sen to ở giữa, xen lẫn một nửa của 2 viên ngói sen nhỏ ở hai bên.
Ngói thu được gồm có các loại: ngói mũi sen, ngói mũi vát, ngói bò… Tổng số có 4702 hiện vật, trong đó có nhiều viên ngói mũi sen và mũi vát còn nguyên vẹn.
Ngói mũi sen phát hiện được 877 viên, hầu hết đều bị vỡ, có 12 viên còn nguyên vẹn. Ngói mũi sen chỉ có duy nhất một loại. Đó là ngói có mũi nổi cao, từ giữa thân đến đầu mũi ngói có hai đường khắc chìm thể hiện 3 lớp cánh sen. Ngói sen thường có kích thước 33x19,3x1,5cm và 34,1x19,8x1,8cm .
Ngói bò (Ngói úp nóc) phát hiện được 82 hiện vật, chỉ có 10 hiện vật còn đủ dáng, số còn lại đều bị vỡ. Ngói bò cũng chỉ có một loại: Ngói bò mặt cắt hình chữ V doãng, bên trên có gắn hoặc lắp ghép lá đề lệch trang trí rồng.
Ngói bò gồm có 3 bộ phận: thân ngói, đế ngói và lá đề. Bộ phận thân ngói có sống nổi ở giữa lưng, hai bên bản ngói vát hình chữ V, một bên bản ngói được trổ lỗ hình chữ nhật để lắp ghép bộ phận đế và lá đề lệch. Loại ngói bò này cũng có phần cổ ngói. Cổ ngói nằm ở bộ phận thân ngói. Ở diềm giáp với cổ ngói thường có khắc các chữ Hán Đồng Quang, chưa hiểu được ý nghĩa của từ này. Thân ngói có chiều dài từ 37,9cm đến 39cm, dày từ 2,4cm đến 3,2cm. Bộ phận đế ngói liên kết giữa lá đề và thân ngói. Đế ngói có hình dáng gần giống như ngói bò mặt cắt hình chữ D, lưng cong, bụng hơi lõm lòng máng. Giữa lưng có một lỗ trổ thủng hình chữ nhật để tra cán của lá đề. Thông thường cán lá đề được tra dài hơn xuống mặt sau của đế ngói chừng 5- 7cm, cuối của cán lá đề có lỗ thủng hình tròn để chốt đinh tre hoặc kim loại. Đế và lá đề được lắp với nhau từ khi đất còn ướt bởi trên lưng của đế và lá đề, bụng của đế còn vết miết kín bằng đất sét. Ở hai bên sườn hoặc đầu của bộ phận đế có khắc các chữ Hán khác nói rõ vị trí, thứ tự của lá đề lắp ghép với viên ngói bò được lợp ở nóc kiến trúc: nhất, nhị, tam, ngũ, cửu, thứ thập...Bộ phận lá đề được gắn trên lưng ngói bò chỉ là loại lá đề lệch. Đặc trưng của lá đề ở đây dài, mỏng và chốt cắm dài, in nổi hình rồng ở hai mặt. Một số viên còn tương đối nguyên vẹn. Cuống lá đề gắn trên lưng ngói bò, bụng ngói có chốt hình chữ nhật. Mặt lưng ngói đánh số thứ tự bằng chữ Hán (có 2 tiêu bản, 1 tiêu bản viết chữ “ngũ” và một tiêu bản có viết chữ “thứ thập” cho biết vị trí của viên ngói bò được lợp trên bờ nóc.
Tất cả những viên ngói bò đều có mặt cắt chữ V và khắc chữ Hán đánh dấu vị trí lợp đã được chúng tôi xem xét và thống kê lại và thấy rằng, viên có số thứ tự cao nhất chỉ có đến số 10. Nhưng chắc chắn rằng trên một bờ nóc, người ta chỉ có thể lợp một loại ngói bò mà thôi, bởi nếu là hai loại thì cổ của chúng sẽ không thể lắp khít với nhau.
Như vậy, tạm giả thiết rằng: nếu ngôi nhà có bờ nóc lợp bằng loại ngói bò mặt cắt chữ V, mà chiều dài nhất của loại ngói này là hơn 39cm thì nhà sẽ chỉ có chiều dài là 3,9m, sẽ rất vô lý. Trong khi đó chúng tôi lại phát hiện được hai loại ngói sen và ngói bò bị đổ xuống trên cùng một nền kiến trúc. Các viên ngói sen khi bị sập xuống vẫn còn giữ nguyên hướng đổ, giữ nguyên trạng thái bị trút xuống từng mảng. Như vậy có thể là ngói bò nóc sẽ được lợp cho một gian, mỗi gian sẽ có 10 viên. Điều này có vẻ hợp lý hơn. Thông thường thì nhà thường có 3 gian, hoặc 5 gian. Khoảng nền cổ phát hiện được cũng chỉ phù hợp với kích thước của nhà 3 gian. Nếu giả thiết này là đúng, thì kiến trúc lợp ngói bò nóc mặt cắt chữ V tìm thấy ở đây sẽ có chiều dài khoảng hơn 39m. Kiến trúc lợp ngói bò nóc hình chữ V doãng được xác định nằm ở hướng tây nam.
Chúng tôi đã phát hiện được 3083 mảnh ngói mũi vát. Ngói mỏng, độ nung không cao, mấu ngói được ấn bằng tay, ở khoảng giữa của chiều dài hai bên được cắt vát tạo cho ngói có mũi vát nhọn. Mặt phải của ngói thường có các vết vuốt tay tạo hình cánh sen. Đợt khai quật đã phát hiện được 13 mảnh của tấm trang trí kiến trúc đất nung, trong đó tấm còn nguyên vẹn dài 33cm.
Loại di vật này hiện chưa rõ công dụng và vị trí của nó trong kiến trúc. Nó được phát hiện tương đối nhiều trong các kiến trúc thời Trần muộn và đặc biệt là trong các di tích kiến trúc thời Trần - Hồ như Ly Cung, thành nhà Hồ và đàn Nam Giao (Thanh Hoá). Tấm trang trí hình chữ nhật chia làm hai phần, phần trên trang trí các băng hoa văn theo thứ tự từ trên xuống dưới: băng chấm tròn nổi, hoa dây hình sin, băng sóng nước hình sin…; Phần dưới để trống không có hoa văn trang trí.
Tượng Uyên ương, phát hiện được 3 hiện vật gồm: 2 mảnh thân, 1 mảnh đầu. Đầu uyên ương: Giống đầu vịt, mỏ, cổ dài, gầy, gờ mày cao, mắt tròn, không có mào lửa, ít chi tiết trang trí.Thân uyên ương: Mình chim, mất đầu, tư thế đang đậu, đầu ngẩng cao. Thân khắc chìm lông vũ, cổ khắc chìm nhiều ngấn hình cung, thể hiện các lớp lông cổ, cánh xoè, ngắn, phần thân còn lại cao 15,5cm. Trong đợt đào thám sát năm 2005 cũng phát hiện được 2 thân uyên ương cùng loại.
Tượng rồng được trang trí ở trên bờ nóc của kiến trúc phía bắc. Kiến trúc này có bộ mái lợp bằng ngói mũi vát. Trong đợt điều tra di tích Nậm Dầu vào năm 2005, Bảo tàng tỉnh Hà Giang cũng phát hiện một số mảnh thân rồng cùng loại. Rồng có thân tròn, rỗng, lưng có vây, thân tạo vẩy, là những đường vòng cung.
Đầu tượng quái thú cao 17cm, bằng đất nung đã bị vỡ không rõ hình dáng, lưỡi và râu xoắn ốc, hàm dưới tuy chỉ bị vỡ một phần nhưng không nhận rõ.
Trong đợt khai quật này, chúng tôi cùng nhân dân phát hiện một số đồ gốm men ngọc Việt Nam thời Trần và đồ gốm men ngọc thời Nguyên (thế kỷ XIII – XIV) ở bờ sông Lô, dưới chân núi Rồng, đối diện với di tích kiến trúc Nậm Dầu đều là bát dáng phễu, chân đế gần đặc, lòng in nổi hoa cúc dây hình sin.
Ngoài ra còn phát hiện cả đồ sứ Trung Quốc với 2 chiếc đĩa men ngọc thời Nguyên, màu xanh rêu, lòng in nổi 2 con cá ngược chiều nhau.
Tại khu vực hậu cung của đền (xây đầu những năm 1990), chúng tôi đã phát hiện được trong lớp đất tôn nền một số mảnh chậu hoa in nổi cây cảnh và 1 chiếc bình cắm hoa bằng đất nung, thân in nổi hình rồng mây. Có lẽ đây là những đồ thờ còn lại của ngôi đền cổ ở đầu thế kỉ XX.
Di tích chùa cổ Nậm Dầu không hề có một dòng ghi chép nào trong cổ sử cũng như sách địa chí cổ. Di tích Nậm Dầu có rất nhiều di vật mang đậm phong cách thời Trần muộn, khoảng cuối thế kỷ XIV. Ngói bò đặc trưng ở di tích Nậm Dầu là loại mặt cắt hình chữ V doãng, bản ngói vát và chỉ được lắp ghép với lá đề lệch. Loại ngói này có từ thời Lý, ở các giai đoạn sớm, ngói dày, nặng, độ doãng của bụng ngói rộng. Ngói bò không chỉ được gắn với lá đề lệch mà còn được gắn với lá đề cân. Lá đề được gắn trực tiếp trên lưng ngói, gồm có hai bộ phận lá đề và ngói. Phần lá đề, cuống là mây ba chẽ, ngọc báu, bên trên là thân lá đề in nổi rồng hoặc phượng. Ngói bò ở Nậm Dầu lại có ba bộ phận: ngói, đế và lá đề. Đây là lần đầu
Hình 1&2: Các bộ phận của ngói bò- Ngói bò được lắp ghép hoàn chỉnh
Hình 3: Kiểu lắp ghép thứ hai (Ly Cung)
tiên tìm được. Loại ngói bò có ba bộ phận có thể cũng có ở các giai đoạn sớm. Ở giai đoạn muộn, cách lắp ghép lá đề, về đại thể tương tự như nhau. Tại Ly Cung cũng tìm thấy ngói bò có ba bộ phận, tuy nhiên cách lắp ghép các bộ phận với nhau thì lại khác với ở Nậm Dầu. Ngói bò ở Ly Cung có hai kiểu lắp ghép lá đề:
- Kiểu thứ nhất: đế ngói được khoét lỗ mộng có hai bậc cấp bên trên lắp lá đề, cuống lá đề có lỗ thủng tròn chốt ở mặt trên của đế ngói (hình 1, 2).
- Kiểu thứ hai: giữa lưng ngói nhô lên một mấu nhỏ lắp ghép với cuống lá đề ở bên trong khoét hình tứ giác, hai mặt cuống có một lỗ tròn thủng.
Kiểu lắp ghép lá đề ở Nậm Dầu chỉ có một kiểu: lá đề được lắp ghép liền với phần đế từ khi đất còn ướt. Đế lá đề trổ lỗ thủng hình tứ giác để toàn bộ chốt lá đề xuyên qua lỗ thủng ở đế và một bên bản của ngói bò. Chốt ngang được cài ở dưới bụng của ngói bò. Một bên bản lá đề trổ khung hình tứ giác có hai lớp, lớp trong thủng, lớp ngoài được trổ sao cho độ dày của nó tương đương với độ dày của đế lá đề. Lưng của đế lá đề được làm hơi cong để dễ thoát nước. Có thể là sau khi lắp ghép người ta sẽ dùng một loại keo hay nhựa cây tự nhiên để miết vào khe hở giữa đế lá đề và bản ngói được trổ thủng.
Cách lắp ghép lá đề ở chùa Báo Ân (Gia Lâm - Hà Nội) kết hợp tương tự cả hai kiểu ở Ly Cung.
Như vậy, ở giai đoạn muộn, cách lắp ghép lá đề trên ngói bò phong phú hơn vì được thừa hưởng truyền thống kỹ thuật mà khởi đầu là từ thời Lý.
Trong các di tích kiến trúc thời Lý – Trần ở Hoàng thành Thăng Long, đền Trần, chùa Phật Tích, đàn Nam Giao Thăng Long… cũng đã phát hiện được tượng uyên ương hoặc lá đề gắn trên ngói cong hình lòng máng doãng. Nhưng chúng ta chưa hề biết làm cách nào để các viên ngói này liên kết với nhau thành hàng trên bờ nóc mà không bị đổ? Với phát hiện ngói bò của di tích Nậm Dầu thì chúng ta đã biết được rằng phần ngói cong có gắn uyên ương hoặc lá đề trang trí rồng, phượng, chỉ là một bộ phận của viên ngói bò. Muốn lợp được thì bộ phận đó còn phải liên kết với đế ngói. Các viên ngói muốn liên kết được với nhau thì ở một đầu của đế ngói, phải có cổ ngói – phần được cắt khấc để nối với một viên ngói bò hoàn chỉnh khác. Lá đề lệch ở Nậm Dầu mang phong cách Trần muộn với những đặc điểm mỏng, thon, không có các lỗ thủng ở diềm, thậm chí cả ở thân lá đề. Diềm lá đề hình hoa lá cách điệu, không còn là những ngọn lửa nhỏ. Cuống lá đề cũng trang trí đơn giản hơn chỉ là những hình móc xoắn, chấm tròn. Đáng chú ý là hình rồng giảm bớt các chi tiết trang trí mang, mào, gờ mày, má. Và đều là loại rồng tay trước vuốt râu cằm, tay sau túm lông bờm. Phong cách trang trí này phổ biến ở giai đoạn muộn.
Cũng giống phong cách của lá đề lệch, lá đề cân mang phong cách của lá đề thời Trần muộn: diềm và trang trí bên trong là hoa lá cách điệu và các chấm tròn nổi. Tuy nhiên trang trí trên lá đề cân ở Nậm Dầu có những nét đặc thù riêng với hình tháp cách điệu, có các tầng phảng phất hình ảnh của nhà sàn, phong cách tạo hoa văn cứng gần gũi với trang trí trên đồ thêu hoặc đồ đan lát của các dân tộc miền núi phía Bắc. Lá đề in hình tháp hiện mới chỉ thấy có mặt ở thời Trần. Hình tháp trên lá đề được cách điệu lần đầu tiên thấy ở di tích Nậm Dầu. Tuy nhiên hình hoa móc xoắn đã phát hiện được ở lá đề trên góc mái của mô hình nhà đất nung thời Trần ở Nam Định.
Uyên ương vẫn mang nét thời Trần thể hiện ở các chi tiết mình ngắn, mập, cánh xoè ngang, trang trí giản lược. Tính đặc thù của uyên ương ở di tích Nậm Dầu là: trong khi uyên ương ở các công trình kiến trúc cung đình miền xuôi lấy hình mẫu của con phượng thì ở Nậm Dầu lại lấy hình mẫu của con chim, mặc dù hai vùng đều có mẫu số chung là phần đầu khá giống đầu.
Nhiều khả năng, khi di tích kiến trúc cổ Nậm Dầu đổ nát đã bị bỏ hoang suốt từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX.
Cuối thế kỷ XIX, trên nền của kiến trúc này (hiện là khu vực hậu cung) đã có một miếu thờ nhỏ tồn tại cho đến cuối thế kỷ XX. Kết quả khai quật ở hố 3, trên nền sân hậu cung đó phát hiện được lớp nền đổ đè lên đống vật liệu kiến trúc thời Trần. Trong lớp nền này, phát hiện được một số mảnh đồ thờ bằng sứ có niên đại cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Những vật liệu kiến trúc và trang trí kiến trúc phát hiện được ở di tích này cho thấy ở nơi đây đã có một kiến trúc có quy mô lớn.
Qua 6 hố đào, gần như là đã kiểm tra được phạm vi phân bố của nền móng và vật liệu kiến trúc. Chúng tôi có thể hình dung một cách giả thiết rằng có thể Nậm Dầu là một kiến trúc cổ hình chữ Công. Cửa kiến trúc quay ra hướng ngã ba sông (hướng đông bắc). Theo chiều từ bắc xuống nam có các thành phần kiến trúc như sau:
- Đằng trước là một kiến trúc nhà ngang, hướng đông tây, mái lợp ngói mũi vát, bờ nóc gắn tượng rồng bằng đất nung, có thể góc mái gắn tượng uyên ương.
- Kiến trúc tiếp theo là một nhà dọc quay theo hướng bắc nam, mái hiên lợp ngói sen trên có gắn lá đề cân trang trí hình hoa lá cách điệu và tháp. Móng của kiến trúc này được kè bằng đá cuội mà dấu vết để lại thể hiện qua hai hố đào 5 và 6.
- Một kiến trúc nhà ngang hướng đông tây có bộ mía giống như của nhà dọc. Bờ nóc của nhà này có lợp ngói bò gắn lá đề trang trí rồng.
Chủ nhân của kiến trúc hẳn là nhân vật có địa vị cao trong xã hội. Những lá đề trang trí rồng, tượng uyên ương chỉ dùng cho những nhân vật có liên quan đến hoàng tộc. Như một số di tích có liên quan đến hoàng hậu thời Lý như chùa Bà Tấm, chùa Dạm và một số kiến trúc cung điện khác xung quanh thành Thăng Long mới được trang trí kiến trúc trên mái. Đây là một kiến trúc có quy mô lớn, trang trí cầu kỳ, bộ mái lợp bằng ngói mũi sen 3 lớp, bờ nóc có ngói bò gắn lá đề trang trí rồng.
Nậm Dầu là 1 di tích kiến trúc cổ hiếm có, trang trọng có vị trí ở miền núi giáp biên cương phía bắc của Tổ quốc. Di tích này thể hiện khá rõ văn hoá Đại Việt thời Trần, vừa mang nét chung, vừa mang những nét riêng của vùng cao, nơi có các dân tộc anh em sinh sống.
Những đặc trưng của văn hoá Đại Việt thời Trần được thể hiện qua bố cục kiến trúc, đặc biệt là qua vật liệu và trang trí kiến trúc như ngói sen, tượng uyên ương rồng, phượng, tấm trang trí hình chữ nhật, ngói mũi vát, đầu quái thú… Đây là những di vật thường thấy trong các di tích thời Trần.
Đặc trưng của các ngôi chùa mà chủ nhân của chúng là những quý tộc cao cấp thời Lý - Trần là trên bộ mái của kiến trúc thường có uyên ương, lá đề, tượng rồng, quái thú. Đặc trưng này cũng thấy ở chùa Nậm Dầu. Rõ ràng là từ phong cách kiến trúc, trang trí kiến trúc đến vật liệu kiến trúc đều chịu ảnh hưởng đậm nét của văn hoá Việt. Tuy nhiên những ngôi chùa vùng miền núi phía tây bắc Việt Nam cũng có những đặc trưng riêng, có cách thể hiện các trang trí kiến trúc riêng, khá gần gũi với những mô típ sẵn có trong môi trường khu vực như hình trang trí trên lá đề, tượng uyên ương, tấm trang trí kiến trúc. Ở các vật liệu trang trí kiến trúc này thì các mô típ hoa văn hoa lá phát triển hơn.
Hiện nay, chúng ta đã biết đến 3 tỉnh ở miền núi phía Tây Bắc là Yên Bái, Tuyên Quang và Hà Giang, là những tỉnh đều có những ngôi chùa cổ thời Lý - Trần.
Hệ thống chùa tháp thời Lý - Trần ở vùng cao Tây Bắc phát hiện được không nhiều:
- Tại Tuyên Quang: có số ngôi chùa còn để lại dấu tích kiến trúc là Núi Man (Phật Lâm Tự), Bảo Ninh Sùng Phúc (Làng Tạc, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hoá), chùa Phúc Lâm Tự (xã Thượng Lâm, huyện Nà Hang), chùa cổ thôn Cao Đá, xã Sơn Nam, huyện Sơn Dương mới phát hiện năm 2009.
Ngoài ra theo truyền thuyết thì xung quanh khu vực thị xã Tuyên Quang còn có một số ngôi chùa nữa. Tuy nhiên việc xác minh còn phải mất nhiều thời gian.
- Tại Yên Bái: ở khu vực huyện Lục Yên có quần thể chùa tháp thời Lý - Trần quy mô lớn là Hắc Y - Bến Lăn, Chùa Hang và một số địa điểm khác.
- Tại Hà Giang: cũng chỉ mới phát hiện được hai ngôi chùa thời Trần là Nậm Dầu (thôn Nậm Thanh, xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên) và chùa tháp Bình Lâm (xã Phú Ninh, huyện Vị Xuyên).
Trong số các chùa tháp thuộc hệ thống này chỉ có 2 chùa là Núi Man và Bến Lăn - Hắc Y là đã được khai quật một cách có hệ thống, các ngôi chùa khác như Bảo Ninh Sùng Phúc (Tuyên Quang), Nậm Dầu (Hà Giang) chỉ mới được khai quật một phần. Chính vì thế tư liệu khảo cổ học về hai ngôi chùa ở vùng núi phía bắc này có một vị trí rất quan trọng trong việc tìm hiểu lịch sử văn hoá, tôn giáo, kiến trúc thời Trần. Các ngôi chùa khác cần phải được tiếp tục khai quật và nghiên cứu đầy đủ hơn.
Các di tích kiến trúc Phật giáo, đặc biệt là chùa tháp ở miền núi không hoàn toàn giống với các chùa ở miền xuôi. Nếu ở miền xuôi hệ thống chùa làng phát triển mạnh thì ở miền núi do những đặc thù về cảnh quan môi trường, điều kiện kinh tế, giao thông và cả là những điểm then chốt trong việc phòng thủ, che chắn cho miền xuôi nên chùa ở miền núi còn là một tụ điểm văn hoá xã hội và tôn giáo lớn của một vùng; là nơi quy tụ đồng bào người Kinh và đồng bào các dân tộc ít người của một vùng. Với ý nghĩa này ảnh hưởng của một kiến trúc Phật giáo ở vùng miền núi là rất rộng lớn. /.
Tài liệu tham khảo
1. TRẦN ANH DŨNG 2009. Báo cáo kết quả khai quật di tích kiến trúc cổ Nậm Dầu. Tư liệu Bảo tàng tỉnh Hà Giang.
2. TRÌNH NĂNG CHUNG 2005. Báo cáo kết quả khảo sát Khảo cổ học khu vực xã Nhữ Hán, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Tư liệu Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang
3. TRẦN ANH DŨNG 2006. Báo cáo khai quật di tích chùa cổ Núi Man. Tư liệu Bảo tàng Tuyên Quang.
4. TRẦN ANH DŨNG và LẠI VĂN TỚI 2009. Báo cáo khai quật di tích chùa cổ Núi Man (lần thứ hai năm 2007). Tư liệu Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang.
5. TRẦN ANH DŨNG 2009. Báo cáo kết quả đào thám sát di tích chùa Bảo Ninh Sùng Phúc. Tư liệu Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang.