Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.137
123.227.506
 
Gặp lại ngày xưa
Vinh Anh

Vậy là ba mươi năm đã qua.

Họ ngồi đối diện nhau qua một chiếc bàn tròn. Im lặng trùm trong khoảng không gian vốn đã rất trầm và yên ả. Không gian tĩnh mịch mang mùi vị của mùa thu buồn, của môi trường buồn đưa họ về với ngày xưa, tạo cảm giác dễ chịu hơn, nhẹ nhàng hơn. Những phút yên lặng đó mới tuyệt diệu làm sao. Cả hai đều không muốn nói. Cả hai đều như sợ và không muốn phá vỡ giây phút này. Mà hình như họ đều cảm thấy, nói cũng chẳng ích gì. Đổ vỡ cũng đủ rồi, xa xôi và chia li cũng đủ rồi.  Một đời người dài có là bao mà lại muốn đổ vỡ thêm nữa, chia li thêm nữa. Hình như họ đã thấm cái sự đổ vỡ. Cái sự thấm ngấm ấy chẳng lấy gì để mà đong đo được, chẳng lấy gì để mà so sánh được. Nó là một đại lượng mà chỉ những con người trải qua cảnh đó mới thấu hiểu. Người khác cũng tương tự ư? Vâng, nhưng chỉ có thể thông cảm thôi, còn cái sự thấm ngấm thì khó san sẻ lắm, cả khó thổ lộ nữa. Diễn đạt một vấn đề về tình cảm quả vô cùng phức tạp và khó khăn. Nếu như lại có thể lặp lại, cái sự ngẫm để thấm thía chắc chắn phải nhiều hơn cái sự nói.

 

Ư, thì đã ngần ấy thời gian! Tưởng như thời gian có thể sói mòn tất cả, tàn phai tất cả. Đâu phải là như vậy. Nàng đấy! Anh đấy! Hiển hiện như một chứng nhân. Không tàn phai và cũng chẳng sói mòn. Vô lí! Cả hai đều đã phôi phai, cả hai cũng đều mệt mỏi. Và một điều nữa, cả hai đều nhận thấy, ở trong nhau cùng đang chảy những dòng lũ. Cơn lũ tình cảm chứa chất đầy ứ nhưng bị vùi lấp suốt mấy chục năm trời. Nhiều điều tưởng như vô lí, nhiều điều tưởng như trái ngược… Cơn lũ tình cảm đang trồi lên dữ dội mà cả hai lại đều kìm nén, và họ kìm nén được.

 

“Hình như nàng hơi đẫy ra trông ra dáng mệnh phụ quá”. “Sao mà anh ấy già đi nhiều thế nhưng vẫn cái cốt cách ngày xưa.” Cả hai như cùng muốn bật lên những câu hỏi tiếp. Họ chưa nghĩ gì về xa xôi, càng chưa có dịp ôn lại những ngày xưa. Ngay cả câu hỏi đầu tiên của phút gặp lại họ cũng chưa kịp thốt ra. Họ có đôi chút lạng vạng, nghĩa là có đôi chút không thăng bằng, chỉ thoáng thôi, cái tích tắc đó qua đi rất nhanh, người ngoài chẳng ai nhận biết, nhưng loáng qua cái ánh mắt bắt gặp, họ ngỡ ngàng phút giây, và rồi, mọi sự đều bình thường trở lại.

 

*

 

Đôi chiếc lá rơi bay bay qua đầu nàng, có chiếc nửa xanh nửa vàng đậu trên mái tóc nàng. Nàng không để ý. Chiếc lá đậu trên mái tóc cho ta cảm nhận cái sự bạc bẽo của thời gian. Không, không, tóc nàng vẫn còn đen lắm! Vậy mà tại sao loáng trong ý nghĩ, anh lại so sánh chiếc lá rơi còn nửa xanh nửa vàng và mái tóc nàng. Anh yên lặng khi ngắm nàng một cách rất nhẹ nhàng, nhẹ nhàng như ngày xưa, cái ngày hai người còn rất trẻ. Đôi khi nhìn ra xa xa, cái nhìn có phần mơ mộng, mơ mộng như ngày xưa nàng thường nhận xét về anh, với hàm ý ở trong anh có ẩn chứa một sự yếu đuối, không mạnh mẽ, không nam tính. Nàng thường chê anh nhút nhát. Anh không cảm thấy như vậy nhưng anh không cãi. Anh chỉ cười. Tiếng cười che dấu một câu phản đối. Lúc đó, anh cầm tay nàng, bóp mạnh, để đến nỗi nàng phải kêu hoặc nhăn mày anh mới chịu buông. Chẳng hiểu sao, nàng lại để anh bóp tay mình mạnh thế. Có thể, nàng muốn tìm hiểu sự mạnh mẽ của anh?

 

Nàng nhớ lại một lần đi chơi. Họ đi bộ bên con đường rợp bóng me bên hè vắng của thành phố ngày chiến tranh. Chiến tranh ở đâu xa chứ không phải nơi đây. Nàng chưa có ý thức gì về cuộc chiến. Cuộc chiến là ở nơi xa đâu đó, cuộc chiến nằm ở tầm cỡ “ông bà”. It ra, cuộc chiến cũng là ở các chú bộ đội. Còn nàng, nàng vẫn còn đang tuổi thiếu niên, ngấp nghé vào tuổi thiếu nữ. Hồn nhiên và trong trắng. Nét hồn nhiên và sự trong trắng mà bản thân nàng không nhận biết được. Chỉ có anh, anh nhận ra như một phát hiện và anh nâng niu nó như một báu vật. Điều đó mãi sau này, anh mới nói với nàng. Không nói trực tiếp mà là qua những bức thư khi hai người đã xa nhau. Anh viết: “ Em có biết cảm giác của anh thế nào khi thấy em nhìn anh hơi bĩu môi và hơi đánh đôi mắt đen dài, khi nghe anh nói “hái lấy chùm lá me này để nhớ lại ngày bé, trèo me trèo xấu” và anh đưa nó cho em. Sau này anh viết thư và hay nói về con đường với những cây me của chúng mình. Hồi đó, những cây me còn thấp lắm, với tay là ngắt được mà. Bây giờ con đường đó là con đường nào em còn nhớ không?

 

Anh vẫn nhớ. Nhưng cái lưu vào anh, hình ảnh của em ấy, lại là đôi mắt và cái bĩu môi nửa vời kia. Ngoài ra, vắt vẻo sau lưng là lọn tóc tết đuôi sam, tóc em dài thế, vắt vẻo như ngúng nguẩy, như dỗi hờn ở phía sau tấm lưng mỏng mảnh ấy, em có nhận ra điều đó không? Ôi ngày hôm đó, hình như cũng là mùa thu. Đúng là mùa thu. Trời dịu mát, hai đứa ta thanh thản và vô tư và khờ dại. Cả hai đều đang muốn làm người lớn. Em biết không? Hồi đó mới chỉ có một mình anh là lớn, còn em, em chưa từng được làm người lớn. Anh biết rõ điều đó. Anh tuy được làm người lớn nhưng anh lại vụng về. Anh chưa biết đư ợc tâm lí con người, không phải chỉ là với em mà là đối với tất cả mọi người trong gia đình, và với cả bạn bè nữa.

 

Anh chưa từng có bạn gái. Thực ra thì cũng có, nhưng không rõ ràng. Ơ cùng khu nhà với anh, có một cô bé. Hình như nhỏ hơn em bay giờ một chút. Hồi mà anh biết cô bé đó, anh còn nhỏ, đâu như mới học lớp năm. Con trai mười ba mười bốn tuổi, con gái mười hai tuổi, có thể nhỏ hơn hoặc lớn hơn, anh không chú ý, bởi vậy anh không coi cô bé kia là bạn. Còn coi là gì anh cũng chẳng có khái niệm. Cô bé đó rất thích chơi với anh. Không phải anh tự khoe đâu mà là thật đấy. Cái ý thích buồn cười nhất của cô bé cùng khu nhà là muốn cù vào người anh, để anh cười, để anh buông cuốn truyện đang cầm trên tay mà chơi với nó. Chơi như thế nào, anh cũng chẳng nhớ. Có thể là nghe cô bé nói chuyện, có thể là cùng đi chơi hay cùng nấu cơm gì đó… Đấy, cô bạn bé nhỏ của anh thời anh còn đi học là thế đấy. Sau này khi đã kha khá lớn, nghĩa là ba bốn năm sau, gia đình cô bé chuyển đi nơi khác, đôi lúc nhớ lại, thấy vắng thiếu một bóng dáng tuổi ấu thơ và anh nghĩ ra, đó chính là cô bé hàng xóm. Anh tiếc và anh giận mình, sao ngày đó mình lại quá ư là ngốc nghếch, ngốc nghếch đến dở hơi.

 

*

Từ chuyện về chùm lá me có thể kể thêm nhiều chuyện khác. Nàng đưa mắt ra xa. Chúng ta đã ngồi với nhau như thế này bao nhiêu buổi. Nàng nhớ về một chiều hẹn đến nhà anh. Thời chiến, các em của anh đi sơ tán theo mẹ. Căn nhà chỉ có tháng đôi lần, bố anh tạt qua, gọi là cho nó có hơi người, gọi là nhà vẫn còn có chủ. Trước khi em đến, anh có dịp quan sát cái khu tập thể mà gia đình đã sống. Phía kia là nhà bách hoá với vài thứ hàng lèo tèo bày mẫu được bố trí ở tầng trên, còn phía dưới là cửa hàng lương thực và thực phẩm, chuyên bán những thứ tối thiểu cần thiết cho cuộc sống con người, tất nhiên theo một tiêu chuẩn nhất định.

 

Từ căn nhà, có thể quan sát được em đến từ xa. Vì phải xem khi nào em đến, nên anh mới có điều kiện quan sát khu tập thể mà gia đình mình sống. Từ đó có thể nhìn thấy cửa hàng bách hoá và cửa hàng lương thực thực phẩm. Nhưng cái đáng nhớ hơn, ngoài xa nữa kia, ngôi trường cấp hai vắng tanh. Học trò theo gia đình sơ tán về nông thôn hết. Ngôi trường cũng như các toà nhà trong khu tập thể có nét gì hao hao giống nhau ở dáng cao cao, vuông vuông với màu sơn tường vàng và các cánh cửa màu xanh. Kiểu nói của các cụ ta ngày xưa: cứ như trứng gà trứng vịt, như anh em một mẹ. Giống hệt nhau. Nét tự hào của một thời. Cuộc sống con người luôn lấy cái sự phục vụ nhân dân làm thước đo, có ý thức đối với tập thể làm sự sống. Cuộc sống cần gắn liền với tập thể, với xã hội. Hàng cây bên hè phố ngày đó còn nhỏ lắm, chưa vươn cao, toả bóng. Nó cũng thấp bé như hàng me chiều thu nào đó, em đi cùng anh, để anh thấy ánh mắt đen dài và cái bĩu môi nửa vời.

 

Khi đã mỏi mắt chờ và cũng mỏi mắt nhìn ngắm cái khu tập thể yêu quí của mình mà em không đến, anh lăn trên  giường mơ một giấc về cánh buồm đỏ thắm, về công chúa và hoàng tử, về biển cả và chim hải âu. Em đến ngoáy mũi anh, giống như cô bé ấu thơ ngày nào cù vào người anh. Chúng ta làm gì chiều hôm đó nhỉ? Anh chỉ nhớ, sau khi em ngoáy mũi anh, anh mở mắt dang rộng đôi tay, kéo em nằm đè lên anh với những nụ hôn ngọt lành, một mùi thơm mát lành thoang thoảng. Da thịt con gái mát thế. Chúng ta ôm nhau, cơn khát nhớ thương, cơn khát yêu đương đã làm chúng ta quấn lấy nhau. Chẳng biết thời gian trôi về đâu, chẳng biết trái đất quay thế nào, em nhắm mắt đón chờ những cái hôn, khi thì dồn đập , khi thì lướt mướt, khi thì hôi hổi lửa cháy từ môi anh. Vậy mà em vẫn tỉnh. Con gái luôn biết giữ mình. Dù cả khi bất ngờ khuy áo em bật ra, làn da trắng như sáp và ngọn núi đôi làm anh chao đảo, làm anh mê đắm, ngất ngây,cả tò mò nữa, nhưng anh vẫn không thể chạm được vào . Chiều ngày hôm đó là thế, tối ngày hôm đó cũng thế. Em vẫn bất khả xâm phạm, anh bất khả chiến thắng. Nhưng mà ta lại càng quí nhau hơn, yêu nhau nhiều hơn. Đó là cái điều bí ẩn mà lại rõ ràng của tình yêu. Những nụ hôn cứ dài mãi, bất chấp thời gian hay là nó tự bản thân dài như thời gian không biết.

 

Chúng mình ngày hôm đó không đói. Chúng mình ngày hôm đó ăn bằng tình yêu. Nhưng những ngày như vậy không nhiều. Ngày tình yêu của chúng mình ít lắm. Những ngày riêng đó của nhau đếm trên đầu ngón tay cũng không hết. Thời gian thì không thiếu mà thời gian lại chẳng phải của mình. Có lẽ vì thế mà anh nhớ như in những buổi chúng mình là riêng của nhau, cho nên, anh yêu bằng tưởng tượng nhiều hơn. Anh luôn hình dung em với cái bĩu môi nửa vời, với ánh mắt đen và sâu thăm thẳm, với chiếc đuôi sam vắt vẻo sau lưng và đặc biệt, anh luôn mơ về những nụ hôn ngọt ngào, mềm mại. Ngọt cũng là tưởng tượng. Mềm cũng là tưởng tượng. Tất cả những điều này, chỉ  sau những giờ phút bên em, anh mới thấm.

 

*

Anh nói về chuyện thời gian. Thời gian của đời thì nhiều mà thời gian của riêng chúng ta thì ít. Chiến tranh mà. Em nhớ không? Ngày đó chúng ta đang sống trong thời chiến. Anh mặc áo chiến binh như bao thanh niên học sinh thời đó. Anh cũng không ngờ màu áo đó theo mãi cuộc đời anh. Anh tự hào  về nó. Niềm tự hào mà anh dần nhận ra không có ở em. Đấy có phải là những hạt cát trong tình yêu của chúng ta?

 

Sau những ngày của tình yêu, anh phải lên đường. “Lên đường” nghĩa là vào tiền tuyến, xa hậu phương, xa em. Chiến tranh. Ngay từ những ngày “non nớt” đó, anh đã suy nghĩ rất nhiều về chiến tranh. Anh đọc nhiều sách. Sinh viên mà! Thời đó, có bao nhiêu sách dịch từ những cuộc chiến tranh Vệ quốc, đến những chuyên tình lãng mạn của nền văn học Xô viết bọn sinh viên các anh đều đọc hết. Cả em cũng vậy. Anh nhớ, trong túi của em luôn có một quyển truyện. Có thể là truyện của Anh, của Pháp đã được dịch. Thời đó, sao lứa chúng ta quí sách thế!

 

Chúng mình cũng đã có những lần nói về sách phải không em? Nhưng chúng ta không nói theo kiểu “Thép đã tôi”. Anh rất thích “Con đường đau khổ” và đặc biệt thích tập đâu “Hai chị em”. Anh cũng dùng lời nhân vật trong truyện nói với em, lời của nhân vật cũng là lời của anh, tiếng nói từ trái tim của anh, từ những suy nghĩ của anh: Những cuộc chiến tranh sẽ trôi qua, những cuộc cách mạng sẽ thôi gầm thét, và chỉ còn lại, tình yêu của anh đối với em”(1). Ôi sao mà lãng mạn! Giá như lúc đó anh cầm tay em và nói bằng âm hưởng của tình yêu, chúng ta chắc chẳng khác gì hai diễn viên đang đóng phim. Phim ngày đó cũng chỉ lãng mạn đến thế là cùng.

 

*

Em thân yêu, anh nằm trên võng giữa những cánh rừng già Trường Sơn và nghĩ đến em. Thoảng đâu đây lời bài ca nói về đời người trai chinh chiến. Người trai sống giữa núi đồi. Đương nhiên là buồn và nhớ. Anh không dấu lòng mình trong những giờ phút của riêng mình. Nghĩ đến em và nghĩ về chiến tranh và cả những con người, những thân phận trong cuộc chiến đó. Em biết không, may cho anh là có một tình yêu để nhớ, để tưởng tượng ra những gì sẽ cao hơn, xa hơn cả tình yêu. Em biết  đó là gì không? đó chính là cái ngày mà em sẽ là vợ anh. Anh đã nghĩ quá xa? Hình như vậy! Trong anh có những phút giây lẫn lộn giữa lí tưởng phải cống hiến và hạnh phúc cá nhân mà mình đáng được hưởng. Mà chắc em không thể biết, sự lãng mạn của tình yêu chúng ta là “lãng mạn tiểu tư sản”, có thể bị phê phán vì nó làm lu mờ đi sự hi sinh vì Tổ quốc. Âu cũng là một thời!

 

Cũng trong thời gian này, anh cảm thấy anh lớn lên rất nhiều. Mười mấy năm trên ghế nhà trường không thể là không có ích. Những kiến thức học được trên ghế nhà trường và mấy năm thời sinh viên sôi nổi giúp anh rất nhiều, đặc biệt là cách nhìn nhận đánh giá sự việc. Có thể nói anh tự tin hơn vào bản thân. Chẳng dễ gì có được sự tự tin đó, nếu không tự bản thân trải qua giờ phút giữa sự sống và cái chết. Anh nói anh lớn lên là nhờ đã trải qua những giờ phút đó. Anh cũng tự hào, điều này chỉ nói riêng với em, chẳng mấy ai có được niềm tự hào đó, vì giữa sự sống và cái chết, bộc lộ rất rõ bộ mặt thật của những con người. Một cậu sinh viên cùng lứa với anh đã thể hiện được điều đó. Trong thâm tâm, anh rất phục cậu ta. Nhưng bề ngoài, anh lại không muốn lộ ra điều đó. Anh cũng rất xấu phải không em? Con người ta muốn đi lên thì bên cạnh anh ta, đám đông kia phải thấp xuống. Đã có những lúc anh ghen với cậu sinh viên nọ và khi chỉ còn riêng mình, ngẫm lại, thấy nhục nhã quá. Có lẽ vì thế, anh  trở nên khá hơn. Đúng là những điều đó anh học được nhờ vào môi trường thực tế và em biết không, còn nhờ ở một điều khác  nữa, những cuốn sách anh đọc được ngày còn trên ghế nhà trường. Cũng không thể không kể đến, trong tim anh, có một tình yêu trong trắng. Những nét thơ ngây học trò của cô bạn ngày xưa trong khu tập thể cũng xuất hiện trong anh những giờ phút buồn âm thầm giữa mưa rừng đại ngàn. Trộn lẫn trong anh là mọi thứ. Từ đây anh bắt đầu nghĩ về chiến tranh. Chiến tranh trong suy nghĩ của anh là tình bạn thời ấu thơ, là tình yêu của em, là sự xa cách, là sự so sánh và ghen tức âm thầm với cậu bạn sinh viên, là những bộ mặt thật con người bên sự sống và cái chết. Anh thấy cái nghiệt ngã và cả sự dã man vô lí của nó trong từng tiếng bom rơi, tiếng pháo nổ. Vừa mới tiễn đưa các bạn về nơi yên nghỉ bên ngọn đồi không tên lại là những tiếng cười của những con người được hưởng phút giây hạnh phúc nào đó vì những sự hi sinh, mất mát kia. Cay đắng, buồn vui và nước mắt đã hoà trộn trong dòng máu của anh.

 

Cuộc chiến có lẽ còn dai dẳng. Anh và biết bao người nữa là người trong cuộc nhưng không một ai có thể trả lời được khi nào thì cuộc chiến kết thúc. Hoà bình, không bom đạn chỉ là niềm mong ước xa xa. Không một ai có thể trả lời được. Anh từng nhìn bầu trời trong xanh của mình và mơ một ngày nào đó đi trên đường không còn lo tiếng có máy bay ném bom. Anh từng mơ sẽ được nô dỡn trên biển Quảng Bình. Nghĩ và mơ và anh vẫn âm thầm lao vào cuộc chiến như một mắt xích của cỗ máy khổng lồ. Không được ngừng và cũng không thể ngừng. Trước mắt bọn anh, hai từ ‘Thắng lợi”luôn là những lời động viên, những lời cổ suý hay nhất và cũng chỉ có như vậy, chiến tranh mới có thể kết thúc. Không biết bên kia chiến tuyến thế nào, cũng vẫn là những con người thuộc dòng giống con Rồng cháu Tiên, nói ra một tiếng là hiểu nhau, vậy mà chúng ta bỗng dưng trở thành kẻ thù của nhau. Những ngày đó, anh nghĩ về chiến tranh là như thế. Anh lớn lên và trưởng thành là như thế. Anh hiểu cuộc sống theo cách vào đời của anh. Chẳng hiểu có giống ai không?

 

*

 

Anh yêu, anh lính binh nhì của em, tướng quân của em! Anh là thế nào nhỉ? Em không hiểu nổi. Đang hoc hành tử tế thì đi lính. Chỉ còn hai năm nữa thôi, vội gì. Anh không đi theo phong trào đấy chứ. Không, nhất định không. Em đã phần nào hiểu được con người anh, tướng quân của em ạ. Đấy có phải là “Trai thời loạn” không anh? đấy có phải là ý chí, cũng là bản chất con người của anh? Có phải anh đang “Sống như Anh” không đấy?

 

Ngày đó em chưa thật hiểu nhiều lẽ của đời. Đừng chấp em làm gì. Một đứa con gái mới lớn như em, có người nọ người kia để ý là lẽ đương nhiên. Anh sống “nhà binh” quá, dứt khoát quá. Còn em, em quá thơ ngây. Anh chẳng vẫn bảo em “trẻ con” là gì. Có lẽ em còn “trẻ con” hơn cả cô bé hàng xóm ngày xưa của anh. Anh cứ bảo anh không để ý đến cô ta. Chắc là có đấy. Anh không dám nhận phải không? Khi anh bị cô ta cù, anh có tức không? Anh cười cơ mà, cười thì làm sao lại tức được. Vậy nhất định là có cảm tình rồi!

 

Em hỏi anh thật nhé. Trên đường hành quân vào chiến trường, anh đã quen bao nhiêu cô gái và khi nói chuyện với các cô ấy, anh có nhớ tới em nữa không? Em nghe nói, các cô gái khu tư là mạnh bạo lắm. Đúng không anh? Có cô nào đã chủ động hôn anh chưa? Anh còn nhớ những cái hôn của chúng mình không?

 

Sau ngày anh vào trong đó, em vào đại học. Công việc học hành của bọn em cũng vất vả. Em sơ tán trên Lạng Sơn. Chẳng hiểu sao em cứ nghĩ quẩn khi đứng bên nàng Tô Thị. Liệu em có phải như vậy hay không. Cái dáng bồng con, chờ chồng đó làm em bồn chồn lắm, em đã khóc cho nàng Tô Thị, em cũng khóc cho bao nhiêu người đàn bà khác. Chẳng hiểu rồi em có khóc cho em không? Ôi, chiến tranh! Chẳng hiểu anh nghĩ về chiến tranh thế nào, còn em, em căm ghét nó lắm. Em biết một bài hát Nga. Em tin là sẽ đồng cảm với anh. Bài “Người Nga có muốn chiến tranh?”. Chẳng ai thích chiến tranh cả, đặc biệt là phụ nữ. Khi nào gặp anh, em sẽ hát cho anh nghe. Mau về đi anh nhé, anh lính binh nhì của em, tướng quân của em!

 

Chàng binh nhì của em. Em chỉ muốn anh là binh nhì mãi thôi. Anh đừng làm tướng. Làm tướng sẽ suốt đời phải chinh chiến. Em bỗng nhớ câu: “Nhất tướng phong hầu vạn cốt khô”. Vinh quang cho một người nhưng lại cay đắng cho nhiều người. Tướng quân ạ, chẳng hiểu sao em nghĩ cuộc chiến này “nồi da xáo thịt” lắm. Lịch sử chưa xa đã có sông Gianh. Ngày nay lại Bến Hải. Vẫn là nước mình cả mà lại thành ngăn cách. Buồn không?

 

Lớp em hơn năm chục đứa, có chín đứa con gái. Con gái là hoa của lớp anh ạ. Em cũng là bông hoa trong số hoa ít ỏi đó. Đa phần chưa có người yêu. Hình như mới chỉ có em là đã xác định rõ ràng. Bọn chúng biết chàng binh nhì của em. Vì vậy bọn con trai cùng lớp cũng đều biết, khố chàng theo tán tỉnh em. Em nói đừng ỡm ờ với tướng quân của em. Chúng nó chạy xa.

 

Nới sơ tán buồn lắm anh ạ. Ngước mắt lên là thấy rừng. Có lẽ vì vậy mà em hiểu binh nhì của em ở Trường Sơn. Màu xanh của rừng thăm thẳm và huyền bí làm em lo. Đôi khi ở đây cũng có máy bay địch bay qua. Mỗi lần nghe thấy tiếng bom nổ là em lại nghĩ về anh nhiều hơn. Binh nhì ơi, mau ra đây với em…

 

*

 

Sau chiến dịch, anh và đồng đội được ra ngoài an dưỡng, đồng thời cũng để củng cố lại ý chí và xây dựng lại lực lượng. Anh mong được gặp em, gặp lại tình yêu của anh. Mơ ước của những người lính trong chiến trường là như vậy. Chúng ta đã gặp nhau như thế nào nhỉ? Anh như đã mơ hồ nhận ra. Có phải con đường chúng ta đi không trùng nhau. Thời gian làm chúng ta hiểu thêm về nhau, nhìn rõ thực chất vấn đề. Trong chuyện rất đỗi riêng này, đừng bị đánh lừa bởi ám ảnh dĩ vãng tình yêu và những lời hoa mĩ. Cũng đừng bị mê đắm bởi khát vọng cuồng si nhưng tầm thường. Chính dịp này, em lại bảo anh tỉnh táo hơn. Anh yêu và anh tỉnh táo. Một lời khen hay một câu trách khéo? Sau này, đã bao lần anh đặt lại vấn đề đó với chính mình và tự trả lời, anh vẫn yêu em. Sự tỉnh táo có được là do cuộc sống thật mang lại cho anh. Anh đã trải qua nhiều nỗi đau và vì thế, anh tỉnh táo.

 

Chúng ta đạp xe trên đường Cổ ngư và đi xa hơn nữa. Hàng phượng vĩ vẫn xoà bóng. Bấy giờ đang là cuối hè. Trời xanh, xanh đến trong veo. Cuộc vui không có chủ đích. Đơn giản là chúng ta được ở bên nhau. Anh thoả mãn và em cũng thoả mãn. Lần đầu tiên anh được đi quanh Hồ Tây. Chẳng biết là bao lâu và bao xa, chỉ biết đêm đó về mỏi dừ toàn thân và một giấc ngủ không mộng mị một mạch đến sáng bạch. Hôm đó, mình ngồi ở ven sông, một nơi vắng vẻ, trên triền đê. Cỏ mịn màng và sạch sẽ. Một tầm nhìn phong quang phía ngoài xa, bãi cát sông Hồng ngút ngát. Những căn lều tạm bợ của những cuộc đời có hoàn cảnh éo le xô đẩy. Một thảm xanh những ngô non và đậu và lạc. Cảnh quê ngày đó còn đậm nét lắm. Chẳng hiểu sao, với anh, mỗi khi nhìn thấy cánh đồng làng là tâm hồn anh dịu lại, nhẹ nhàng và thanh thoát. Lòng lâng lâng  như muốn trải ra, muốn một được ôm một không gian gì đó thoang thoảng chất quê và hương quê ấm áp, mơ hồ nhưng lại cụ thể như là cỏ xanh kia, như bãi ngô mềm mượt hay những luống khoai xanh mướt. Bỗng dưng anh lại nghĩ về dáng em ngồi trên chiếc xe đạp  rất “mốt” xe Mi-pha thời đó. Cái dáng nó thế nào ấy, hơi khó khăn với người đi lần đâu, người cứ phải duỗi dài ra dọc theo thân xe. Có thể về tạo dáng rất đẹp với con gái nhưng anh lại thấy thiếu một sự tinh tế, kín đáo của những cô gái ngồi trên chiếc xe “Pơ- giô”. Đấy có phải là sự mơ hồ của anh? Và anh đã như nhìn thấy cái sự mơ hồ của mình, có phải em la biểu tượng của sự đổi mới, còn anh, anh vẫn mộc mạc, đơn sơ quá.

 

Anh đã ôm em bên bờ sông lộng gió chiều hôm đó. Hình như đấy mới là lần thứ hai chúng ta tuyệt đối của nhau. Gốc cây ổi mồ côi bên sông đã chứng kiến chúng ta yêu nhau. Những nụ hôn cứ mát lành và dài dằng dặc như những ngọn gió sông Hồng. Chẳng còn gì mơ mộng hơn và lãng mạn hơn nữa. Bãi cỏ xanh bỗng chốc là tấm thảm mượt mà. Những lọn tóc dài của em xổ tung bay dạt theo chiều gió. Anh có cảm tưởng như đấy là nàng công chúa chứ không phải là em nữa. Em đã hoá thân, đã biến đổi chính bởi từ sự trong trắng, dịu dàng.

 

Trời tối thật nhanh. Hà Nội dạo này thường mất điện. Từ bãi sông nhìn về thành phố chỉ thấy nhập nhoà một vài đốm sáng. Thay vào đó là trăng. Em có hỏi anh “Thời ở Trường Sơn, anh thấy điều gì đẹp nhât?” Anh trả lời là “trăng đẹp nhất”. Chắc em không biết trăng rừng đẹp và sáng đến mức độ nào. Đêm nay cũng vậy, anh liên tưởng tới cái ngày anh ở Trường Sơn, anh lại nhớ tới câu hỏi của em. Trăng bên sông đêm nay còn đẹp hơn nữa, bởi bên anh, em như một nàng công chúa dịu dàng.

Đêm nay anh và em đã là của nhau. Của nhau với ý nghĩa một tình yêu trong sáng.

 

*

Không ai hiểu vì sao tình yêu tan vỡ.(2)

Sau chiến tranh, nàng ra nước ngoài tu nghiệp  một thời gian. Anh vẫn lặn lội trên biên giới, hết phía Nam lại lên phía Bắc. Mỗi lần nghĩ đến cách gọi anh của nàng, khi thì anh lính binh nhì, khi thì tướng quân, anh lại mỉm cười. Cái cười thơ trẻ và đẹp. Như cái thủa cô bạn hàng xóm cùng nhà trêu anh. Rồi sau đó, anh được đi học. Không phải học tiếp ở Bách Khoa mà là ở học viện Quốc phòng. Anh trở thành nhà lí luận quân sự chiến tranh. Những quan điểm, quan niệm về chiến tranh của anh có lẽ không hợp thời. Anh vốn tính “nhà binh” con nhà nòi và vì thế, đối với anh, đường đời gập ghềnh như vốn có từ ngàn xưa khi chưa có con người trên trái đất.

 

Họ đã ra cái nơi toàn nước loang loáng và lóng lánh bởi phản chiếu của ánh điện. Một hòn đảo di động giữa hồ. Một chỗ ngồi lí tưởng của những cặp tình nhân, khi mà tiếng nói của tình yêu và những ve vuốt tình yêu đã không thật sự cần thiết. Thay vào đó, là được ngẫm cái sự xa cách bên nhau, nghĩa là được ngẫm về những ngày đã qua. Cái đó cần hơn, bởi nó chìm và lắng. Nó đọng lại tự mấy chục năm và hôm nay mới dần dần tự nó được xé mở. Chứng tỏ họ đã già, người già cần quá khứ! Gió như im ắng, một vài hạt nước li ti bắn lên từ mặt hồ theo vòng quay tuốc bin của nhà hàng nổi. Con tầu đi dưới trăng và sao. Lãng mạn ngày nào lặp lại, nhưng nó có vẻ đài các và quí tộc. Một cái gì đó gờn gợn trong con mắt anh.

- Sao ngày đó chàng binh nhì bỏ em. Đã bao lần em đi tìm anh mà anh không tìm em? Có khi nào anh đi tìm em không?

- Công chúa vì sao lại ra nước ngoài? Công chúa không chịu được cuộc sống đầy rẫy khó khăn ngày đó? Công chúa bỏ binh nhì để đi với hoàng tử?

- Không hẳn là như vậy! Tướng quân. Mà đừng tra cứu nhau làm gì nữa. Cái đó đâu còn tác dụng cho ngày hôm nay. Mặc dù em công nhận, cuộc sống có tất cả các điều đó. Tướng quân chân chất có hiểu mình muốn gì ở cuộc đời không?

- Anh không là tướng quân, anh muốn là binh nhì ngây thơ trong mắt em.

- Em cũng mong như vậy, nhưng anh lại không thể hiện như vậy. Anh vẫn muốn làm tướng.

- Đó là thói xấu của anh, của người đời và anh phải trả giá. Em nghĩ gì về những ngày đã qua, của anh và của em?

- Em chẳng nghĩ gì hết. Em chỉ nghĩ đến nàng Tô Thị bồng con. Cả nước có biết bao nàng Tô Thị đứng chờ các anh, các binh nhì và các tướng quân. Và em sợ. Nỗi sợ rất đỗi đàn bà. Tướng quân biết không? “Nhất tướng phong hầu…”.

- Anh không biết!

- Vậy thì lúc này anh là chàng binh nhì của em.

- Anh cảm thấy em rất “thời đại”. Em là mốt người đàn bà hiện đại. Anh hướng tới, có thể gần như ngưỡng vọng nhưng anh lại không muốn làm một chi tiết trong đó.

- Tướng quân, tướng quân là người bảo thủ. Nhìn cách ăn mặc của anh, trong mắt em, anh là binh nhì. Với suy nghĩ của anh, trong mắt em, anh là tướng quân. Cái nét yêu của anh rồi cũng phai phôi. Cái đáng ghét của anh là lực cản đường. Ngày đó, chúng ta chia tay nhau là đúng, dẫu rằng có nuối tiếc nhưng tình cảm vẫn theo suốt cuộc đời cả hai chúng ta.

 

Đoạn đối thoại không lời trên còn diễn ra cả buổi tối, nếu con tầu không cặp bến. Mỗi người một ý nghĩ. Họ vẫn trả lời những câu hỏi của nhau và hình như, họ thoả mãn. Có chăng, một nét buồn bâng quơ bay ngang, khi hai người chia tay bên chiếc xe ô-tô chờ sẵn đón người phụ nữ. Người phụ nữ chủ động ôm người đàn ông. Họ đứng bên đường khá lâu trước những ánh mắt lạ lẫm, ngạc nhiên, tò mò của những người qua lại./.

                                                                           

10/7/08

 

(1)     ý lời đối thoại trong tiểu thuyết “Con đường đau khổ”

(2)     lời bài hát “Mối tình đầu”

 

Vinh Anh
Số lần đọc: 2097
Ngày đăng: 26.08.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Con Cưng Của Mẹ /Sinh Nhật Ông Nội Hả Bố? /Mẹ Giận /Gặp Lại Thơ Tôi - Nguyễn Tam Phù Sa
Nhạc vàng - Huỳnh Văn Úc
Những chiếc áo màu xanh da trời - Võ Thu Hương
Một Đêm Huyền Ảo - Ngô Lạp
Truyện cực ngắn liên hoàn - Nguyễn Viện
Những Mảnh Vỡ (19) - Nguyễn Thị Hậu
Những tiếng thở dài - Võ Thu Hương
Vợ hay Mẹ? Mẹ hay Vợ? - Nguyễn Hồng Nhung
Ghi chép của người đàn bà bán bún chả có máu văn chương - Nguyễn Hiếu
Những cô gái điếm - Ngô Nhân Đức
Cùng một tác giả
Mưu sinh (truyện ngắn)
Chuyện vặt (truyện ngắn)
Lão và hắn (truyện ngắn)
Phượng (truyện ngắn)
Công chức (truyện ngắn)
Gặp lại ngày xưa (truyện ngắn)
Lời từ nơi hư ảo (truyện ngắn)
Vào hội (truyện ngắn)
Bãi giữa (tạp văn)
Mùa thu (tạp văn)
Người quê (truyện ngắn)
Nhớ làng (truyện ngắn)
Bạn thời lính (truyện ngắn)
Ánh mắt sông quê (truyện ngắn)
Ngõ nhỏ ngày xưa (truyện ngắn)
Đất làng (tạp văn)
Ở rừng (truyện ngắn)
Chuyện tình kể lại (truyện ngắn)
Hai thằng nó và tôi (truyện ngắn)
Hương vô tình (truyện ngắn)