Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao
Sáng nay, trong lúc đứng chờ ở quầy tính tiền, tôi tình cờ thấy tấm hình thái tử Charles mặt mũi phơi phới trên trang bià của tờ tạp chí. Tấm hình cũng cho thấy đó là người đàn ông sáu mươi tuổi thật sự thỏa mãn. Bỗng nhiên tôi nhớ đến mối tình tay ba mà ông đã gây ra, tốn khá nhiều giấy mực hơn mười năm về trước.
Có phải bạn cũng nghĩ như tôi, người đàn bà hạnh phúc là người đàn bà được người đàn ông hết lòng đắm đuối thương yêu suốt một cuộc đời, phải không? Cái may mắn diễm tuyệt hiếm hoi mà hầu như người phụ nữ nào cũng mơ ước lại rơi vào người đàn bà tên Camilla Parker Bowles.
Không hiểu sao, hôm nay tôi muốn gợi lại đề tài này. Có lẽ, bởi sau nhiều năm tháng, nhìn lại đôi uyên ương vương giã tuy không còn trẻ nữa mà thời tuổi trẻ, họ đã từng bất chấp mọi áp lực, mọi tai tiếng để đến với nhau. Bây giờ càng ngày họ càng gắn bó một cách lạ lùng. Điều này khiến tôi có chút tò mò.
Ai cũng biết, bà Camilla không phải là một người đàn bà đẹp, vừa không có gu thẩm mỹ, thậm chí ăn bận lại luộm thuộm. Khi còn trẻ, nhan sắc của bà cũng làng nhàng không gì nổi bật. Ấy vậy mà ông hoàng tương lai của nước Anh khi gặp bà lần đầu tiên trong trận đấu Polo vào năm 1970 lại đem lòng yêu bà say đắm . Tình yêu đơn phương không được đáp lại, cô Camilla lập gia đình với ông Andrew Parker Bowles. Chẳng bao lâu, không hiểu sao, bà trở lại tán tỉnh và dan díu với ông Thái tử, mặc dù ông đang chuẩn bị cưới vợ, một cô gái nguyên trinh ngây thơ xinh đẹp tên Diana.
Cũng tưởng đâu mối tình đầy tội lỗi sẽ chấm dứt sau khi thái tử cưới vợ. Thì ai chẳng đinh ninh vậy. Nhưng, cuộc tình tay ba này như mớ bòng bong ầm ĩ kéo dài suốt mười mấy năm trời và cuối cùng mới chịu chấm dứt sau một phiên toà và một cái chết. Bà công nương Diana chết thật thãm thương. Câu hồng nhan bạc phận thật thấm thiá.
Cuộc tình đẹp 35 năm của họ cuối cùng được toại nguyện. Vào ngày 8 tháng 4 năm 2005. Hôn lễ của Thái tử Charles và bà Camilla được tổ chức tại Windsor Town Hall với sự chứng kiến của hoàng gia. Cô dâu mặc áo cưới của nhà thời trang Antonia Robinson và Anna Valentine và đội chiếc mũ trang trí lông vũ của Philip Treacey. Và, danh phận của bà từ đây sẽ được gọi: Nữ Công tước Cornwall.
Cuộc đời thơ ấu của Thái tử Charles, theo như trong cuốn The Prince of Wales của Jonathan Dimbleby kể lại rằng từ nhỏ thái tử Charles là một đứa bé nhu nhược mau nước mắt. Lúc ra ngoài đi học thì bị bạn bè ăn hiếp, hành hạ đủ điều. Trong gia đình thì ít được ai thương yêu, ông cứ bị cha mẹ anh chị em dè bĩu, châm chọc, thậm chí thái tử thường xuyên bị hoàng tế Phillip trách mắng và không thèm để mắt tới ông. Có lẽ thái tử chịu nhiều sự hất hủi của những người thân. Tuổi nhỏ của ông buồn bả chật hẹp trong những ưu uất nặng nề, vì thế chúng ta thấy ngay trên gương mặt thái tử Charles là người không vui, lúc nào cũng nhăn nhó khó khăn nhìn thật chán. Tuy nhiên ông lúc nào cũng quần áo đẹp, ông mặc những bộ comple của nhà Gieves, nhà Hawkes may thật khéo, lúc thì bộ lễ phục hải quân, lúc khác thì cái [váy] kilt Tô Cách Lan.
Đầu năm 2009, tờ Esquire bình chọn ông là người đứng nhứt trong “ Quý ông ăn mặc đẹp trên thế giới” tờ báo còn tán tụng thêm “ông ăn mặc đẹp một cách không tưởng tượng được” ! Khen như vậy cũng bằng thừa kiểu khen phò mã tốt áo. Thử ông bận những bộ quần áo của hiệu K- Mart xem, còn có ai khen không.
Nhiều năm thật lâu trước đó, trong một cuộc phỏng vấn của một tờ báo lá cải, vô tình thái tử Charles thổ lộ một chi tiết khi người hỏi đề cập tới bà Camilla, thái tử nói:
“ bà ấy là một phụ nữ chịu lắng nghe và thông cảm với tôi mọi điều”
Thì ra cái bí quyết đó mà bà Camille vượt trội qua mặt công nương Diana. Bà không cần tới sắc đẹp. Không cần bỏ công trang điểm má đỏ môi hồng. Không cần phải khoe chân cẳng trong những bộ váy đắt tiền của những nhà thời trang trứ danh như Versace, Reem Acra, Roberto Cavalli, Dior Haute Couture, Yves Saint Laurent. Không cần phải mè nheo làm mình làm mẩy. Không cần phải mắc công bồng bế những đứa trẻ Phi Châu bị bịnh Aids để cho nhà báo chụp vài tấm hình rồi vội vả đi rửa tay. Không cần phải lấy lòng ai. Không cần phải cắt mạch máu tay tự tử để yêu sách chàng chi cho cực khổ. Cũng không cần phải chường mặt trước bàn dân thiên hạ nhiều làm gì để họ có dịp so sánh này nọ. Bà cứ yên lặng, cứ thơ thới ở nhà, cái thân thể lùng nhùng thô ráp ngồi đó, nếu cần thì đi pha thêm bình trà sửa, vừa nhâm nhi vừa nheo mắt chịu khó nghe chàng tâm sự [ vì không tâm sự với bà thì chàng tâm sự với ai? ] lâu lâu khen chàng một phát, hoặc giả bộ làm như thích thú, mặc dù câu chuyện chàng kể nhạt như nước ốc. Bà Camilla khôn thiệt!
Tôi thật tình ngưởng mộ sự may mắn của bà Camilla, thì tôi lại chạnh lòng khi nghĩ tới nàng công nương Diana bẻn lẻn xinh đẹp mà thần dân đã gọi nàng là Lady Di với tình cảm đặc biệt thương yêu.
Cuộc hôn nhân của họ khởi đầu là một đám cưới lộng lẩy với sự tham dự của các vị nguyên thủ cùng với 3000 ngàn khách. Cô dâu như một nàng công chúa trong chiếc áo cưới với đuôi váy bằng lụa Taffeta dài hơn 7 mét của nhà thiết kế lừng danh Emanuels. Trong tấm hình người ta thấy ông hoàng tương lai đang âu yếm hôn lên bàn tay mong manh có chiếc nhẫn cưới là viên ngọc 18 cara hình oval chung quanh viền đính 14 viên kim cương lấp lánh.
Tội nghiệp cô, những cơn ghen tuông chịu đựng trong tự ái, điên cuồng đã khiến cô mất phương hướng. Cô rơi vào cái sai lầm này đến cái sai lầm khác. Cô lần hồi không còn là một công nương trung trinh đoan trang thuần khiết nữa. Cô đánh mất cô hồi nào không hay. Tôi tiếc cho cô vô cùng. Thôi thì cứ cho là… số phận!
Cô qua đời vào ngày 31-8-1997 trong một tai nạn thãm khốc tại Paris. Cô để lại hai con trai còn trong tuổi thiếu niên Hình bên dưới là nơi an nghỉ cuối cùng của cô bên hồ Althorp trong khu dinh thự Spencer tại Anh quốc.
Bây giờ, chỉ một mình cô trong cõi tĩnh lặng. Nếu ai còn nhớ đến có lẽ chỉ biết chép miệng ngậm ngùi:
“ Nữa chừng xuân thoắt, gãy cành thiên hương”./.
( Hầm Nắng, tháng 8 – 2010 )