Chùa Khuân Khoai có tên chữ là Bảo Ninh Sùng Phúc tự vốn là tên một ngôi chùa cổ được dựng vào thời Lý được dựng trên đồi Khuân Khoai (tiếng Tày có nghĩa là khoai sọ), thuộc Làng Tạc, thôn Vĩnh Khoái, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang.
Làng Tạc nằm trong một thung lũng rộng cực đẹp, sơn thuỷ hữu tình. Phía đông - tây là một con suối lớn mang tên suối Cả, chảy ngang qua di tích theo hướng đông tây. Xung quanh thung lũng là các dãy núi cao. Dãy núi phía sau (bắc) có tên là Pù Đán Hán (núi hình con ngỗng - ảnh 1) ; phía tây nam là dãy Pù Đán Khao (núi Đá Trắng); phía đông là dãy Pù Khoét (núi Quạt).
Di tích đồi Khuân Khoai (Pù Khuân Khoai, còn có tên là Pù Chùa) nằm ở giữa của thung lũng trên đỉnh cao của một quả đồi nhỏ nằm ở phía bắc làng Tạc, bao quanh là các dải núi liên hoàn theo thế hình tay ngai. Đó là các núi: Đán Hán (Con Ngỗng) phía sau đồi, Đán Khao (Đá Trắng)- phía tây nam, núi Quạt (Pù Khoét) - phía đông. Trước đây đường đi lên chùa Khuân Khoai chỉ có một con đường mòn nhỏ đi vòng từ phía tây nam theo sườn đồi thoai thoải; cuối những năm 90 người ta đã làm một con đường khác đi lên chùa từ hướng đông nam như hiện tại.
Khoảng 30, 40 năm trước đây, nhân dân cho biết vùng này cây cối rậm rạp, hoang vu, ít người qua lại. Trên đỉnh đồi có ba nhà thờ lợp bằng lá cọ.
Chùa Khuân Khoai có tên chữ là Bảo Ninh Sùng Phúc, theo nội dung văn bia thì chùa được khởi dựng vào cuối mùa xuân của năm Đinh Hợi, niên hiệu Long Phù Nguyên Hoá thời Lý Nhân Tông (năm 1107). Văn bia không cho biết năm chùa dựng xong và năm khắc bia. Tuy nhiên trang trí văn bia đã cho biết chính xác đây là tấm bia thời Lý. Có lẽ nó được dựng ít lâu sau khi khánh thành chùa. Chùa do thổ tù Hà Hưng Tông Tri châu Vi Long, tức huyện Chiêm Hoá, giữ chức Phò ký lang Đô tri tả vũ vệ đại tướng quân, Kim tứ quang lộc đại phu, Kiểm hiệu Thái phó Đồng trung thư, Môn hạ bình chương sự, kiêm Quản nội khuyến nông sự, Thượng trụ quốc, được phong thực ấp 3900 hộ, thực thực phong 900 hộ.
Họ Hà tính đến Hà Hưng Tông là có 15 đời làm Tri châu Vị Long trong đó có 3 lần làm đến Thái bảo và Thái phó của triều Lý. Ông của Hà Hưng Tông lấy công chúa thứ ba của vua Lý Thái Tổ. Hà Hưng Tông lấy công chúa Khâm Thánh con vua Lý Nhân Tông năm 1082 khi ông mới 14 tuổi. Bố của Hà Hưng Tông có công đã cùng với Lý Thường Kiệt đánh vào châu Ung, châu Khâm (của nhà Tống). Việc nghiên cứu chùa Khuân Khoai góp phần vào việc nghiên cứu truyền thống chống giặc ngoại xâm của đồng bào các dân tộc thiểu số phía bắc cùng truyền thống đoàn kết đấu tranh bảo vệ tổ quốc của đồng bào miền xuôi và miền ngược. Bia kí và các di vật từ lòng đất của chùa Khuân Khoai góp phần vào việc nghiên cứu văn hoá lịch sử và nghệ thuật thời Lý. Đây là ngôi chùa thứ hai trên đất Tuyên Quang đã được khai quật khảo cổ học, vì vậy nó có giá trị chân thực trong việc tìm hiểu lịch sử văn hoá xã hội của vùng đất Chiêm Hoá nói riêng, của vùng đất Tây Bắc Việt Nam nói chung.
Chùa Khuân Khoai, cho đến những năm 80 của thế kỉ XX hầu như đã bị cây cối che phủ, đường lên rậm rạp và dốc. Hầu như toàn bộ nền chùa đã bị cây cối che lấp. Được sự chỉ dẫn của nhân dân địa phương về sự có mặt của một tấm bia đá ở khu vực phía nam đồi Khuân Khoai, Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang đã mở một cuộc điều tra và tìm được tấm bia làm bằng đá xanh xám nhạt, mịn; cao 1,45m; rộng 0,80m, đặt trên lưng một con rùa. Bia hình chữ nhật, dáng bia cong hình vòng cung. Phần trán bia, phía trên trang trí hình cúc dây và các đường xoắn ốc hình dấu hỏi, chính giữa trán bia khắc 6 chữ đại tự : BẢO NINH SÙNG PHÚC TỰ BI. Hai bên dòng đại tự khắc chìm hai con rồng chầu. Đây là loại rồng bờm, thân, hình sin, không có vảy, mào trên, mào dưới hình lá đề, miệng nhả ngọc, xung quanh là mây hình móc xoắn. Hai bên diềm dọc, một bên trang trí hoa dây hình sin theo kiểu hoa lá, bên còn lại trang trí hoa dây hình sin theo kiểu móc xoắn nhiều vòng. Diềm dọc của mặt sau mỗi bên khắc chìm bảy đường tròn đồng tâm có nhiều lớp. Một bên diềm dọc trang trí xen kẽ hình rồng và hình hoa cúc. Khoảng cách giữa mỗi đường tròn trang trí hoa lá hình cây dương xỉ. Bên diềm dọc còn lại trang trí bảy con rồng trong bảy đường tròn, khoảng cách giữa mỗi đường tròn trang trí hoa lá hình cây dương xỉ. Rồng trong đường tròn là loại rồng run, thân mảnh, uốn nhiều khúc. Các diềm ngang của mặt bia trước và sau trang trí băng sóng nước hình núi có ba lớp. Ở dưới chân của mỗi một cột sóng nước đều có hoa mai 5 cánh. Nhìn chung phong cách trang trí bia rậm rạp, chi tiết. Phong cách trang trí và mô típ trang trí cho thấy đây là một tấm bia thời Lý muộn.
Về tấm bia, đã có một số bài viết đề cập đến, các tác giả cũng đều không có những bằng chứng để khẳng định vị trí của ngôi chùa. Theo nội dung văn bia thì chùa được khởi dựng vào cuối mùa xuân của năm Đinh Hợi, niên hiệu Long Phù Nguyên Hoá thời Lý Nhân Tông (năm 1107). Văn bia không cho biết năm chùa dựng xong và năm khắc bia. Có lẽ nó được dựng ít lâu sau khi khánh thành chùa.
Vấn đề đặt ra là, liệu tấm bia này có được đặt trên đúng nền chùa cũ không? Người ta vẫn chưa biết chính xác vị trí ngôi chùa này nằm ở đâu, ngoại trừ sự có mặt của một tấm bia đá khắc vào thời Lý. Liệu dưới lòng đất có còn dấu vết gì để chứng minh rằng nơi đây vốn xưa kia đã từng tồn tại một ngôi chùa cổ, rằng tấm bia là của ngôi chùa này như truyền thuyết đang lưu hành?
Kết quả đào thám sát đã tìm được một đoạn nền móng kiến trúc được kè đá cuội và đá phiến cùng gạch ngói thời Lý, trong đó có cả viên gạch hình chữ nhật còn nguyên vẹn. Có lẽ đây là kiến trúc chính nên bề mặt móng được kè rộng hơn theo kiểu móng bè. Tại đây tìm được khá nhiều hiện vật thời Lê thế kỷ XV- XVI như mảnh gốm trắng trang trí sóng nước hình vảy cá, gốm hoa lam, sành thời Lý. Và đặc biệt nhiều là các các chi tiết kiến trúc thời Lê thế kỷ XVII như con kìm hình đầu rồng, diềm mái kiến trúc hình răng cưa, diềm mái hình lá đề, mảnh nghê (?), lá lan đằng ở đầu đao… Những bằng chứng này cho thấy đây là kiến trúc thời Lê Trung Hưng.
Ở đầu hồi của kiến trúc này mở một cửa ra vào rộng 1,80m, hơi dịch về phía tường sau. Thành cửa hai bên tận dụng gạch chữ nhật của thời Lý để xây cất. Móng kiến trúc này, về phía đông, do độ dốc, nên làm khá sâu, móng khá to.
Về di vật, đã phát hiện một số mảnh trang trí kiến trúc thời Lê, mảnh tháp đất nung, tường trang trí nổi hoa chanh, mảnh ngói, thời Lý, mảnh trang trí kiến trúc, mảnh chuông, đinh thuyền thời Lê...
Qua di vật phát hiện được như: mảnh bát gốm men trắng lòng in nổi bông hoa mai, bát men trắng vẽ lam trang trí cúc dây, đĩa men ngọc ngả vàng in lõm hình hoa cúc, đã cho thấy ngôi chùa có thể vẫn tồn tại đến thế kỉ XV. Dấu vết của vật liệu kiến trúc thế kỉ XVI cũng phát hiện được khá nhiều như ngói mũi vát với số lượng rất nhiều, trang trí diềm mái, đầu, thân rồng đất nung và các trang trí kiến trúc khác, có thể đoán định rằng ngôi chùa có thể được phục dựng lại vào khoảng thế kỷ XVI. Vật liệu kiến trúc và đồ dùng sinh hoạt thế kỉ XVII - XVIII phát hiện được ở đây, cùng với sự vắng mặt của hiện vật thế kỉ XIX có thể khẳng định được ngôi chùa chỉ tồn tại đến thế kỉ XVIII.
Chùa thời Lê, căn cứ vào móng kiến trúc, có thể có hai toà chính. Phía trước là tường hoặc kiến trúc phụ, móng đơn giản, chỉ là một hàng đá cuội bề mặt không dày. Tiếp đến là kiến trúc chính, chắc chắn là có một dãy nhà ngang phía trước, phía sau có thể là hậu cung (nền đất thứ ba cùng bậc thềm lên xuống kè đá).
Vào thời Nguyễn, di tích chùa Bảo Ninh Sùng Phúc đã hoàn toàn bị sập đổ, hiện vật chỉ tìm được một số mảnh lư hương Phù Lãng. Phía trước của nền đất thứ nhất đã có cây to cổ thụ mọc lên. Người ta đã dựng lên đây một ngôi chùa 3 gian lợp lá. Một vì kèo của ngôi chùa này nhân dân lấy về sau đó lại mang trả lại còn sót lại trong khu vực chùa. Cách đây vài chục năm trước, ngôi chùa lợp lá này cũng đổ nát nốt, kẻ gian đào trộm nền chùa, đá tảng bị lấy đi. Ngôi chùa quý vang bóng một thời nay không còn dấu vết trên mặt đất.
Di vật ở đây có đồ gốm men Việt Nam từ thế kỷ XII đến thế kỷ XVII- XVIII, đồ sành và chủ yếu là đồ dùng sinh hoạt. Vật liệu kiến trúc thời Lý gồm có: tháp đất nung, gạch, ngói. Đặc biệt là trong quá trình san lấp để tạo nền móng chùa vào thế kỷ XV-XVI, người ta đã sử dụng cả những mảnh tháp vào việc san lấp nền kiến trúc. Do tháp bị vỡ nên không biết có bao nhiêu tầng. Chất kiệu sét dùng làm tháp mịn, bở, dễ bong tróc, hầu hết có màu đỏ tươi hoặc đỏ gạch. Những mảnh tháp đổ được tìm thấy bao gồm các bộ phận ở bệ tháp, đế tháp, tường và mái tháp.
Ngoài ra còn tìm được một số mảnh đầu đao cong giống như hình lưỡi cầy, mảnh đầu rồng phong cách tương đối khác so với những con rồng ở miền xuôi qua các bộ phận mép rồng, lưỡi rồng và hàm răng.
Các loại vật liệu kiến trúc như gạch bìa hình chữ nhật, (màu vàng nhạt, rộng còn nguyên, dài còn lại 29cm, rộng 21cm, dày 6cm), ngói sen hai cạnh vát, đầu mũi bằng, mấu hình thang, ngói vát…
Vật liệu kiến trúc thời Lê –Mạc gồm có hai giai đoạn: Diềm mái thời Lê Mạc thế kỷ XVI và diềm mái thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVII- XVIII.
Diềm mái thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVII- XVIII được làm dày hơn, thường có chiều dầy là 1,2cm, chất liệu lẫn nhiều cát thô ráp, dày 1,7cm. Diềm mái thời Lê Mạc thế kỷ XVI thường mỏng hơn, có màu xám nhạt. Bề mặt in nổi hoa mai, sen nhiều lớp cánh hoặc hình lá đề, chất liệu được làm từ sét mịn.Trang trí kiến trúc hầu hết là những trang trí hình thú, hoa lá, đầu rồng ở thế kỷ XVI, đều bị vỡ nhỏ.
Qua di vật và các di tích phát hiện được ở trong hai hố đào thám sát và trong phạm vi của chùa thì có thể thấy rằng đây là một di tích chùa cổ gồm có hai quần thể kiến trúc là chùa và tháp. Ngôi chùa mặc dù đã bị sập đổ, nhưng những đoạn đá kè bó nền nhà và các thành phần kiến trúc khác đã chứng minh sự tồn tại của nó qua nhiều thế kỉ. Ít nhất ở đây có hai lớp nền thời Lý và từ thời Lê - Mạc trở đi.
Dấu vết của thời Trần chỉ còn thấy được qua mảnh bệ hoa sen của một tháp đất nung nhỏ hơn, vài mảnh ngói mũi vát, một số đồ dùng sinh hoạt bằng sành và gốm men. Đây là những di tích, di vật có niên đại Trần sớm. Căn cứ vào niên đại tuyệt đối đã được ghi trên tấm bia cùng với các di vật, mặc dù còn ít ỏi do diện tích đào thám sát còn hạn chế, chúng tôi thấy rằng niên đại ghi trên tấm bia hoàn toàn trùng khớp với những di vật có niên đại sớm nhất phát hiện được ở đây. Điều này hoàn toàn khẳng định niên đại ghi trên tấm bia là chính xác, không có chuyện khắc lại niên đại trên bia như một số người đã chủ trương.
Về nội dung văn bia: nội dung văn bia chỉ đề cập đến dòng dõi họ Hà từ tổ là Hà Đắc Trọng đến Hà Hưng Tông, tổng cộng là 15 đời, không nói gì đến các đời sau. Khi nhắc đến Hà Hưng Tông, người soạn bia nhắc đến với sự tôn kính và dùng chức vị Thái phó để chỉ ông. Điều đó có nghĩa là bia được soạn khi Hà Hưng Tông có thể vẫn còn sống. Về người soạn bia là Lý Thừa Ân, được biết ông sống dưới hai triều vua là Lý Nhân Tông (1072- 1127) và Lý Thần Tông (1128 - 1137). Những điều này cũng phù hợp với niên đại ghi trên bia. Kết quả đào thám sát có cũng đã cho thấy dấu vết của nền kiến trúc thời Lý ở chính tại đỉnh đồi Khuân Khoai. Theo kể lại, tấm bia thời Lý khi mới được phát hiện cũng ở nguyên vị trí như hiện tại. Những di vật, mà đặc biệt là đồ dùng sinh hoạt, được tìm thấy tại chỗ, lại trùng khớp với niên đại của bia cũng đã cho thấy tấm bia và ngôi chùa cổ chắc chắn nằm tại vị trí này. Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc là di tích lịch sử, khảo cổ học quan trọng, là ngôi chùa cổ nhất hiện biết ở Tuyên Quang, mà như nội dung văn bia của chùa này đã cho biết rõ, nó được khởi dựng từ năm 1107. Ngoài việc ca ngợi công đức của dòng họ Hà, nó còn cho biết những sự kiện trong cuộc tấn công để phòng vệ vào Châu Ung, châu Khâm và châu Liêm trên đất Tống của quân dân Đại Việt với sự tham gia của đồng bào các dân tộc ít người vùng núi phía tây bắc, sự ảnh hưởng của Phật giáo đối với vùng cao, chính sách giàng buộc (Ki mi) của triều Lý trong việc đoàn kết các dân tộc ít người ở vùng cao, đặc biệt là với các thủ lĩnh người dân tộc thiểu số… Ngôi chùa tồn tại trong thời gian tương đối dài từ giữa thời Lý cho đến thế kỷ XIX. Dấu vết văn hoá thời Trần ở đây mờ nhạt, có nhiều khả năng ở thời này nó đã bị hoang phế, sau đó đến thế kỷ XVI nó dần dần được khôi phục lại. Dấu vết kiến trúc cùng những vật liệu và trang trí kiến trúc, đã khẳng định nơi nơi đây chính là vị trí của chùa Bảo Ninh Sùng Phúc đã được khởi dựng. Tại đây còn khá nhiều di vật của ngôi chùa còn nằm lại dưới lòng đất. Đó là những di sản văn hoá quý giá cần được sưu tầm nghiên cứu và trưng bày sau kết quả khai quật của các năm tới cùng với việc phục dựng lại ngôi chùa cổ theo kế hoạch của tỉnh Tuyên Quang. Tư liệu ở chùa Bảo Ninh Sùng Phúc có giá trị lớn phản ánh về cuộc phản công tự vệ vào châu Ung, châu Khâm, châu Liêm năm 1075. Cuộc phản công vào đất Tống tháng 10 năm 1075, có sự tham gia của bố Hà Hưng Tông (chức Thái phó), đã bắt được võ tướng cùng nhiều tù binh của nhà Tống. Ông đã huy động được quân dân người dân tộc thiều số của 49 động, 15 huyện tham gia vào cuộc phản công ba châu kể trên. Qua tư liệu này chúng ta được biết thêm rằng cuộc phản công của Lý Thường Kiệt vào đất Tống giành được thắng lợi vang dội, trong đó có nguyên nhân là đã đoàn kết được các dân tộc thiểu số ở vùng núi phía bắc và được sự ủng hộ của các thổ tù. Tư liệu ở chùa Bảo Ninh Sùng Phúc có giá trị lớn, là một trong những tài liệu quan trọng để nghiên cứu chính sách Kimi của triều Lý. Thực chất của chính sách Kimi (ràng buộc) ở dưới triều Lý là chính sách đoàn kết dân tộc, thu phục các thổ tù miền núi, ràng buộc họ bằng quan hệ với hoàng tộc để cùng triều đình giữ gìn và bảo vệ vùng biên viễn xa xôi, nơi mà triều đình chưa thể trực tiếp với tay cai trị được. Đại việt sử kí toàn thư có 5 lần ghi chép về việc các vua Lý gả công chúa cho các châu mục như sau:
- “Kỷ Tỵ, niên hiệu Thuận Thành năm thứ hai [1029], tháng ba, ngày mồng 7, gả công chúa Bình Dương cho châu mục châu Lạng là Thân Thiệu Thái (ĐVSKTT, tập 1. 1998: 252-253)”.
- “Bính Tý (Thông Thuỵ) năm thứ ba [1036], tháng ba, gả công chúa Kim Thành cho châu mục Châu Phong là Lê Tông Thuận (tr. 258)”.
- “Bính Tý thứ ba [1036], mùa thu tháng 8, gả công chúa Trường Ninh cho châu mục châu Thượng Oai là Hà Thiện Lãm (ĐVSKTT, tập 1. 1998: 258)”.
- “Nhâm Tuất, [Anh Vũ Chiêu Thắng] năm thứ 7 [1082], (Tống Nguyên Phong năm thứ 5). Mùa xuân, gả công chúa Khâm Thánh cho châu mục châu Vị Long là Hà Di Khánh (ĐVSKTT, tập 1.1998: 281)”.
- “Đinh Mùi, Thiên Phù Khánh Thọ năm thứ nhất [1127], (Tống Tĩnh Khang năm thứ hai), tháng 12, gả công chúa Diên Bình cho thủ lĩnh phủ Phú Lương là Dương Tự Minh (ĐVSKTT, tập 1. 1998: 295)”.
Văn bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc cũng có ghi việc gả công chúa Khâm Thánh cho châu mục châu Vị Long nhưng không phải là Hà Di Khánh mà lại chính là Hà Hưng Tông, khi đó ông mới 14 tuổi. Ở đây có sự khác nhau giữa Đại việt sử kí toàn thư và văn bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc. Phải chăng Hà Hưng Tông còn có tên nữa là Hà Di Khánh? Trước đó ông của Hà Hưng Tông cũng được vua Lý Thái Tổ gả công chúa thứ ba, điều này chỉ thấy ghi chép trong văn bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc.
Như vậy, riêng đối với châu Vị Long – một vùng biên viễn xung yếu đã được triều Lý rất quan tâm. Nhà Lý đã hai lần gả công chúa cho châu mục của tri châu Vị Long, ban cho tước vị cao như Thái bảo, Thái phó, thậm chí nhà vua còn nhận làm anh em kết nghĩa, sử dụng chính sách thân thiện cùnh với việc ban cho nhiều đặc quyền, đặc lợi để tranh thủ sự ủng hộ của các thổ tù người miền núi. Chính sách này thực sự có hiệu quả trong việc phòng thủ đất nước, đảm bảo được sự đoàn kết, sự kiểm soát của triều đình đối với các châu và thủ lĩnh của vùng biên viễn đó. Tư liệu ở chùa Bảo Ninh Sùng Phúc có giá trị lớn, là một trong những tài liệu quan trọng để tìm hiểu thân thế gia tộc của họ Hà. Văn bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, cho biết họ Hà, kể từ Hà Đắc Trung đến Hà Hưng Tông, trải qua 15 đời, là một dòng họ danh gia vọng tộc ở vùng Chiêm Hoá. Dòng họ này đã từng lập chiến công trong chiến dịch đánh châu Ung, châu Khâm của Lý Thường Kiệt, làm phên dậu vững chắc của nhà Lý. Mối quan hệ giữa họ Hà ở Chiêm Hoá và dòng họ Hà Chương, Hà Đặc thời Trần cũng là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu. Kết quả đào thám sát di tích đồi Khuân Khoai (Gò Chùa) đã cho hay tại đây có các dấu vết nền móng kiến trúc của nhiều thời. Trong đó nền móng kiến trúc có niên đại sớm nhất của thời Lý. Nền móng này cũng tương ứng với những vật liệu kiến trúc có niên đại thời Lý phát hiện trong hố thám sát. Di tích kiến trúc ở đồi Khuân Khoai phù hợp với vị trí và nội dung ghi chép trong văn bia Bảo Ninh Sùng Phúc Tự Bi, cũng chính là một phần kiến trúc của chùa Bảo Ninh Sùng Phúc được khởi dựng dưới triều Lý Nhân Tông niên hiệu Long Phù Nguyên Hoá (1107).
Kết quả đào thám sát ở di tích kiến trúc đồi Khuân Khoai cùng tấm bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc có giá trị văn hoá lịch sử to lớn, phản ánh chính sách đoàn kết dân tộc của triều Lý trong việc chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc. Là những tư liệu chân thực để tìm hiểu về dòng họ Hà nhiều đời làm châu mục và giữ trọng chức ở triều đình, một dòng họ có công trong việc chống ngoại xâm và giữ gìn biên cương tổ quốc.
Những di vật phát hiện được ở kiến trúc cổ trên đồi Khuân Khoai đã phần nào cho thấy những ảnh hưởng của văn hoá Việt từ vùng xuôi đối với vùng các dân tộc ở vùng núi.
Ảnh: Mảnh đầu rồng và mảnh tháp đất
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. NGÔ SĨ LIÊN 1998. Đại Việt sử ký toàn thư (tập 1) - Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
2. TRẦN ANH DŨNG 2009. Báo cáo kết quả đào thám sát di tích chùa Bảo Ninh Sùng Phúc. Tư liệu Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang.