Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.186
123.215.175
 
Nhật Kí Lang Thang
Khải Nguyên

Thứ sáu 18-8-1989.

 

Hừng “đông” cả ở phía tây. Nhìn xuống mờ mờ sương khói. Có lẽ đã vào đất Nga. Những đám rừng loang lổ làng mạc và thị trấn. Một cái sân bay với  hai dãy dài máy bay xếp đối diện ngay ngắn, nom nhỏ nhoi như đồ chơi con trẻ.

 

Gần bảy giờ rưỡi (giờ Mat-xcơ-va), máy bay hạ  cánh xuống sân bay Sê-rê-met-sê-vô.  Lần đầu tiên đặt chân xuống đất Liên-xô, ước vọng của nhiều người, từ hồi nào. “Trăm nghe không bằng một thấy, Trăm thấy không bằng một sờ”. Cảng bay rất rộng, hai tầng, nhưng không trải ra nhiều khu vực đi mỏi chân như hai cảng bay Roat-xi I và Roat-xi II-Pari. Cũng rất ít các gian hàng miễn thuế trong khu cách li như ở hai ga bay kia.

 

Băng cuốn trả hành lí bỗng ngừng chuyển quá lâu. Sốt ruột, một anh chàng trong đoàn sục vào phòng chất hành lí. Mình cũng theo vào. Một nhân viên ngăn lại. Anh này nói bằng tiếng Nga: ”Để chúng tôi vào xem trục trặc ở chỗ nào”. Va-li và túi du lịch của hành khách chất đầy nhiều lớp trên các giá trong phòng; băng tải vẫn nằm ỳ. Hai người tìm thấy va li  của mình, lôi ra. Người Nga kia chìa tay đòi tiền thù lao. Mình giật mình, trong túi chưa đổi được tờ giấy bạc Liên-xô nào. May, người đồng cảnh đã nói : “Liên-xô và Việt Nam, chúng ta cả mà”. Hai người ung dung xách “chiến lợi phẩm” đi ra, mặc anh nhân viên đực mặt nhìn theo. Thấy rõ sự xuống cấp về vật chất, và cả tinh thần, ngay tại điểm tiếp xúc quốc tế đầu tiên của một đất nước vĩ đại!

 

Mấy cháu gái còn rất trẻ từ thành phố Hồ Chí Minh đi “xuất khẩu lao động” đến ga bay mong gặp người quen từ bên nước sang, nói rất tội khi mình hỏi chuyện: “Khổ lắm mấy chú ơi! Mỗi tháng chúng cháu chỉ để dành được 50 rúp”. Số rúp ấy đổi chui chỉ được hơn ba đô la Mĩ. Vậy mà bên nước nhà phải cậy cục, lo lót mới được đi làm thuê xứ người, kể cả số người có bằng cấp không xoàng, số người có chức vụ! Không lạ nếu họ phải xoay xở, kiếm chác, như hầu hết lưu học sinh, như người của các cơ quan ngoại giao hoặc thường trú,-người mình, tất nhiên! Dân “xuất khẩu lao động” có người xông xáo, giỏi chịu đựng, song không có lợi thế  tiếng Nga như “dân” công  tác thường trú và “dân” lưu học sinh. Nhất là, “dân” thực tập  sinh; họ không phải thi lấy bằng cấp, có thể học được chăng hay chớ, cũng chẳng phải chạy chọt, lo lót để được “đỗ”. Có câu rằng: “Nhất anh ngoại vụ, nhưng chưa bằng mụ Put-xkin”. “Anh ngoại vụ”, chẳng chỉ riêng dân ngoại giao. Còn “mụ Put-xkin” là nói những người Việt học bổ túc tiếng Nga ở trường Put-xkin, cả những người  học ở trường viết văn Goocki, và có thể suy rộng cho thực tập  sinh nói  chung.

 

Hai thanh niên Việt đến hỏi: “Các chú, các bác có gì bán không?”. Họ cho biết: “Bọn Cộng chúng cháu nhặt hàng ở mọi nơi, mọi lúc”. Tiếng “Cộng” nghe lạ tai, sau mới biết là để chỉ những người Việt buôn bán trao tay trên đất Liên-xô và các nước Đông Âu. Một cậu tự động cho mình hai đồng 2 cô pếch để gọi điện thoại tại trạm công cộng.

 

Xe của Aeroflot đưa về khách sạn. Ăn trưa xong, định thuê taxi đến một địa chỉ trong thành phố không tiện đường xe điện ngầm. Một anh cảnh sát chặn gần chục cái xe để hỏi giúp mình, nhưng khi biết nơi phải đến họ đều lắc đầu chẳng biết có phải vì trái tuyến hay không. Người cảnh sát nhiệt tình song không “thiêng”. Xem ra dân lái  xe ở đây chẳng sợ công an “một phép” như ở Việt Nam.

 

Chuyển hướng, đi xe điện ngầm đến gặp T., phó ban... Ra khỏi ga ngầm có ba người Nga tốt bụng ba lần chỉ đường  mà lần không ra. Tại mình ngu ngơ tiếng Nga. Vào một trạm điện thoại tự động gọi để T. ra đón. May mà còn kịp nghĩ ra “sáng kiến” (!) này.

 

Ga xe điện ngầm cao rộng hơn ở Pari nhiều, tựa một phòng khánh tiết lớn, có tranh, tượng trang trí, sạch sẽ, mát mẻ dù trên đường phố hơi nóng. Chừng ba phút một chuyến tàu, khá đúng giờ đến và đi. Nhìn trên bản đồ, một tuyến vòng tròn  bao quanh khu trung tâm cắt ngang các tuyến tia từ trung tâm toả ra mọi hướng rất tiện cho việc đổi tuyến  đường. Đường  ngầm nối các ga không dằng dặc như ở Pari. Có nhiều thang máy cuốn hơn.

 

19-8 .-Bảy giờ sáng (giờ Matx), dậy cảm thấy sảng khoái hơn mọi sáng. Trời mát. Nắng đẹp. Sực nhớ hôm nay là ngày kỉ niệm cách mạng Tháng Tám. Ở nhà chắc khẩu hiệu, cờ quạt chăng đầy; đài và báo nhắc nhở. Ở đây chẳng  có gì gợi cả, mà những người Việt Nam hình như chẳng có ý niệm gì!

 

Muốn rủ người đi xem vườn Bách thảo, nhưng “thiên hạ” mải chạy hàng chẳng  có ai. Một mình lớ ngớ thế mà rồi cũng đến nơi. Ban đầu có cái e ngại lùm cây, bụi cỏ nơi rừng lạ. Nhưng rồi thấy được  ít nhiều cái thú đi trong rừng cây im mát. Rừng Nga, cây cối Nga... Ai bảo rừng ôn đới không có các bụi cây nhỏ và rậm? Có điều không thấy các cây có gai và dây leo thôi. Chưa nhìn thấy bạch dương. Cây và hoa hướng dương giống bên ta, song to hơn. Suối nước đỏ nâu không sạch, mà cũng chẳng  đẹp. Những bãi cỏ xa nom khá hấp dẫn, chỉ muốn được lăn mình lên đó. Đàn vịt bơi nơi xa, mình nghĩ là vịt giời. Đất Nga xám nâu tơi, không khác lắm một số nơi  ở Việt Nam.

 

20-8. -Cùng bốn người nữa đi xem bảo tàng Bô-rô-đi-nô, bảo tàng về trận tướng Cu-tu-dôp chống Napôlêông xâm lược nước Nga đầu thế kỷ 19. Kì công là bức tranh tròn. Trong một gian phòng hình tròn khổng lồ người ta trưng những mô hình tĩnh và  động kết hợp với những tranh vẽ trên vách phòng. Tài  tình ở chỗ: bước vào, người xem ngỡ như đang đứng trước một chiến địa  mênh mông kéo ra tít tận chân trời.  Có thể bao quát toàn chiến trường khi theo dõi diễn biến  trận đánh.

 

T. nữ giáo viên trường đại học sư phạm ngoại ngữ sang bổ túc tiếng Nga ở trường Put-xkin, kể rằng những người nước ngoài ở thủ đô Liên-xô muốn đi ra các tỉnh ngoài phải có vi-da, mà chuyện xin vi-da không đơn giản. Cô ta thường phải nhờ người Nga quen mua vé hộ; việc này cũng không đơn giản vì công an bám rất sát. Nói vậy, chứ được biết cô ta tung hoành buôn bán khắp nơi, một mình hoặc cùng một người bạn, có thể là trai, “đi đêm” nhiều mà có bị “gặp ma” lần nào đâu!

 

23h15,  xuống đường đi dạo một vòng. Đường vắng. Vài người đứng đón taxi. Dăm chiếc xe phóng nhanh. Một cặp trai gái đứng một góc, tránh ánh đèn xe lẩn vào bóng cây.  ỞViệt Nam, hồi này đã dạn dĩ hơn kia! Trăng khuyết, đêm 20 ta. Trăng trên bầu trời Mat-xcơ-va nom to hơn ở nhà, ở các vùng nhiệt đới, có lẽ thế.

 

21-8 .– Ghé thăm khu “Triển lãm kinh tế quốc dân”. Khu này được mở ra từ năm 1964, một thời được báo chí của ta và của nhiều nước ca ngợi như là một thành tựu kinh tế, một thành tựu khoa học-kĩ thuật hơn là về mặt tuyên truyền, quảng cáo.  Khu vực rất rộng vượt quá sức tưởng tượng của mình. Các nhà trưng bày rải ra giữa các công viên, vườn hoa, có thể làm nơi đi dạo những khi vắng người. Mà hôm ấy cũng không đông khách tham quan. Các đồ trưng bày có vẻ cũ cũ, mình không am tường lắm nên chẳng đánh giá được song  cũng cảm thấy cái gì đó như là ít sinh khí. Một số nhà đóng cửa. Trước khu triển lãm có mô hình tên lửa bay vút lên trời cao, vừa thanh thoát, vừa hùng vĩ. Nơi bệ bằng đá tảng mài nhẵn, cỏ um tùm lách qua các khe hở. Nhìn chung, ấn tượng về một sự trì trệ, không gợi sự tươi mới, sự đi lên. Quán Pepsi-Cola vừa mở cửa đã trưng biển HET (không có). Quán kvat, hỏi đến chỉ thấy lắc đầu dù cửa hàng vẫn mở. Nhớ lại hôm qua đọc một thông báo: “ Phiếu đường tháng Bảy đến 10-10 hết hạn”.  Khan hiếm này có khi còn hơn ở bên nhà. Gooc-ba-chôp (tổng bí thư đảng Cộng sản Liên-xô) nói nghe rất hay, chẳng biết có xoay chuyển được gì không?

 

Đi xe về nhà khách sứ quán. Nhìn nhanh ngoại ô  và ngoại vi  thành  phố. Những dãy nhà cao tầng (mươi tầng trở lên) đồ sộ nhưng đơn điệu. Những  rừng cây, vườn cây không tỉa tót. Thật trái ngược với bên Pari, quá tỉa tót! Một cánh đồng không rộng lắm. Thấp thoáng một miền quê xa.

 

22-8 – Có bản đồ Mat-xcơ-va  trong tay đi đâu cũng được, mặc dù tiếng Nga chỉ lõm bõm.  Thành phố này rộng lớn, đồ sộ; có nhiều công trinh cổ kính và hiện đại, có nhiều công viên và cảnh quan thiên nhiên đẹp. Song, một tay nguyên là một vụ trưởng bên nhà, từng học bảy năm tại đây lại bảo mình: “Mát không đáng xách dép cho Pari”. Còn một bác sĩ thì nói: “Mát chỉ là một grand village (cái làng lớn) và các ga xe điện ngầm to tát nhưng mauvais goût (kém thẩm mĩ)”. Lại một cậu quan chức thành phố, hồi mình  còn ở nhà cũng bảo: “Em thấy Mạc-tư-khoa chỉ được cái to, chứ chẳng đẹp gì cả”. Phải vậy không? Cần  phải xem đã! Nếu họ căn cứ chủ yếu vào những cửa hàng hào nhoáng, những dịch vụ tối tân,... thì lại khác.

 

Buổi chiều, đến Quảng trường Đỏ. Nhìn ảnh tưởng rất rộng. Một lần, nghe nhà văn T.H. nói lại tưởng tượng ra rất hẹp. Hoá ra đều không đúng. Trông được, không làm thất vọng. Nhưng quái! Sao vừa đến đầu bên phải đã thoảng mùi khai nước tiểu? Dân Nga thế thì tệ thật! “ Trái tim” mà để vậy được sao?

 

Đảo qua cửa hàng  bách hoá tổng hợp trước mặt quảng trường, một trong những nơi thu hút đông người đến Liên-xô trước đây, thời còn phồn thịnh. Đông người. Chẳng phải là nơi để mình dừng bước lâu.

 

23-8 – Đi cắt tóc. Ngồi chờ hơn nửa giờ, chẳng thấy một mống thợ cắt nào. Những người cùng ngồi chờ biến đi đâu hết. Mở cửa nhìn vào thấy có mỗi cậu Nga choai choai được cắt tóc dở dang đang ngồi trơ đó chẳng thấy ai khác. Các cửa hiệu cắt tóc ở đây đều quốc doanh, đã “tiến kịp” kiểu làm ăn quốc doanh và tập thể Việt Nam rồi đấy! Cơm chiều xong tìm đến hiệu khác. Lại đợi nửa giờ. Trong phòng cắt có ba thợ: hai gái, một trai, nhưng chỉ có một cô làm việc. Mình nói tiếng Pháp, cô ta chẳng hiểu. Cô ta nói gì, mình cũng mù tịt. Cả cắt và gội, nghe nói chỉ một rúp, mình đưa hai rúp, cô thản nhiên cầm bỏ hộp. Kể cũng lạ, ngồi chờ cắt tóc trên đất Nga, cạnh những người Nga, thế mà có lúc mình ngỡ như đang ở Việt Nam, có phải vì đang đọc một tác phẩm văn học tiếng Việt!

 

Hơn 21 giờ vẫn còn ráng chiều. Ở quê nhà, lúc này đã quá nửa đêm.

Đánh được một con muỗi no căng máu. Ai bảo xứ lạnh không có muỗi? Lại ở tầng 7! ). Ở đây  không có thói quen nằm màn.

 

24-8 – Nhà thờ chính giáo Nga với vòm củ hành thếp vàng, với những nét trang trí xanh đỏ nom giống đồ chơi trẻ con. Nhớ đến các trang sách minh họa các chuyện cổ tích đọc thời thơ ấu.

 

Công viên trung tâm văn hoá và nghỉ ngơi Goocki”, một trong những công viên rộng và đẹp nhất thủ đô Liên-xô. Người ta bắt đầu giờ làm việc khá muộn. Nhiều cửa hàng dịch vụ cửa đóng im ỉm. Có khá nhiều trò chơi cho người lớn và trẻ con; một số trò chơi “dữ dội”. Ít người tham gia. Cạnh guồng quay thẳng đứng đường kính chừng hai chục mét, mấy trai Nga cho thuê ống nhòm làm “dịch vụ tư nhân” tự phát. Mình vừa ngồi vào giỏ treo, một đứa lại gần trao cái ống nhòm con, mình bất giác cầm lấy. Khi vòng quay được đưa lên cao, ống nhòm chẳng giúp gì được mình bởi chất lượng kém và cũng bởi sương mù nhẹ phảng phất trên thành phố. Vé ngồi guồng quay chỉ 10 cô-pếch, mà tiền thuê ống nhòm nó lấy đến 40 cô-pếch!

 

Rải rác trong công viên những người ngồi bán những “mẹt” đồ chơi hoặc quà bánh. Một chị khá xinh,còn trẻ, ngồi bán một “mẹt” bánh kẹo. Một chiếc xe con chạy qua dừng lại, một tay cũng trẻ ló đầu ra hỏi gì đó, chị ta lạnh lùng trả lời, nét mặt cao kì, “đài các”. Những dấu hiệu đầu tiên của  những “mẹt” hàng như ở Việt Nam những năm gần đây chăng?

 

26-8 – Mưa dầm dề.  Mùa thu  Mat-xcơ-va  đấy ư?

Ở đây, cũng được nghỉ cả ngày thứ bảy.

 

28-8 – Sáng nay nắng đẹp.

Trên hè đường, trước một nhà thờ “củ hành-xanh đỏ” có những bà già ăn xin, thấy từ hôm mới đến. Sáng nay thêm một cháu bé ngồi cạnh một bà già. Đây là một trong những hình ảnh không ngờ nhất của Liên-xô!

 

29-8 – Tay Lĩnh ở phòng lãnh sự làm ăn tắc trách. Đáng lẽ nó phải làm vi da. Người ta nói bọn Lĩnh đã thành “cáo cụ”. Tại bọn này vô trách nhiệm, chứ chẳng phải chỉ do người Nga nguyên tắc.

 

Chuyện trò với T.C.K., phụ trách lãnh sự, biết thêm một số điều “thú vị”.

+ Chuyện luật giao thông của nước mình. Một xe con của sứ quán Bungari đang đi. Hai anh ả đang đèo nhau bằng xe đạp đột ngột quành trước mũi xe mà không xin đường, bị xe ô tô đâm phải. Xe đạp của cặp đó hỏng, một xe đạp khác bị hỏng lây. Ta buộc tội lái xe “không chủ động tay lái”. Người của sứ quán Bun nói: “Như vậy, theo các đồng chí thì phải phạt tay lái xe: bắt; tước bằng; đuổi về nước; cấm đi nước ngoài. Lương tâm các đồng  chí có cho phép làm vậy không? Đó là về tình. Về lí  thì với tốc độ 40km/h, nếu phanh kịp xe còn còn lết đi ba mét. Đồng chí thử ném một con gà trước xe xem có làm chủ được tay lái không?”.

 

“Cũng về luật: cán phải gà, chó, lợn của dân phải đền. Tôi xin nói ý kiến quần chúng “5 đồng” (chỉ lính trơn): bảo vệ thủ trường, thậm chí tổng thống một nước ngoài (đang ngồi trong xe) hay là bảo vệ con chó (chạy ngang trước xe)? Chẳng hạn, xe đang xuống dốc, phanh ngay sẽ bị lật xe...”

 

+ Theo luật hôn nhân và gia đình thì con ngoài giá thú “mang án suốt đời”. Định nghĩa con ngoài giá thú là “Bố mẹ không đăng kí kết hôn” như vậy thì ngay bộ trưởng bộ Tư pháp và vợ cũng đều là con ngoài giá thú, bởi cha mẹ họ thời trước làm gì có giấy “đăng ký kết hôn”! Chính một người Pháp cũng ngạc nhiên về điểm này.

 

Qui định “con nuôi không được cải họ theo bố nuôi” cũng là điều lạ!

+ Việc sử dụng người ở bộ ngoại giao cũng khá là kì!

 

Một chị kế toán trung cấp được cho đi học nghiệp vụ về luật tại chức cấp tốc, thi đạt 34 điểm(!) được đề bạt làm vụ phó, rồi vụ trưởng. Bố trí cho chị ta vào đảng uỷ bộ bằng cách chỉ đề cử có hai nữ, trong đó người kia là nhân viên thường, rõ ràng là để làm “đệm”; vậy mà chẳng ai bầu cho chị vụ trưởng. Trong khi đó, một ông nắm vấn đề nhưng thi chỉ đạt 15 điểm nên không được tín nhiệm. (Thật giả khó phân!).

 

Con ông chóp bu của bộ học về “hóa thực phẩm” lại làm  vụ trưởng đối ngoại!

+ Thời Lê D., có chủ trương “ngoại giao làm kinh tế”, ai nói “ngoại giao phục vụ kinh tế” thì bị cất chức ngay!

 

30-8      - Cái T., cháu dâu họ, chạy buôn lậu rất giỏi, hứa hươu hứa vượn rồi chẳng giúp được gì cả. Mình đích thân làm thì được ngay. Thật bất đắc dĩ mới nhờ cậy, mà cũng chớ cả tin!

Một thanh niên Nga tận tình chỉ đường, rồi tự giới thiệu là kĩ sư và ngỏ ý rất muốn sang Việt Nam công tác. Lúc chia tay còn nói: “Việt Nam good”. Cơn bĩ cực của dân Xô-viết.

 

31-8 - Ra ga đi Volgograt. Mình lúc thì rề rà, lúc thì nôn nóng, hấp tấp bắt tắc-xi lúc 12h30. Lạnh run. Mưa nhỏ và gió. Mình chỉ mặc complê, ngoài khoác măng-tô mỏng. Một người đàn bà Nga trạc trung niên đi đến nói bằng tiếng Pháp: “Ông còn phải chờ lâu, hãy vào phòng đợi tránh rét. Kia là bảng báo giờ tàu đi...”. Trên bảng điện tử không thấy báo giờ đi Vôn. Mình quẩn quanh, một lúc lại gặp bà ta: “ Tàu Vôn về chậm, ông có thể  đi tìm chút gì ăn. Hàng ăn ở đằng kia”. Mình cảm ơn và hỏi xã giao bà đi đâu, bà ta nói: “Tôi ra đây có chút việc”. Rất lạ là làm sao bà ta biết mình đi Vôn, lại biết mình biết tiếng Pháp? Bà ta không tiếp cận bằng tiếng Nga mà mở đầu ngay bằng tiếng Pháp. Người ta nói KGB theo dõi sự di chuyển của người ngoại quốc ra ngoại tỉnh rất chặt.  Nhẽ nào lại thế? Ở đây biểu lộ sự ân cần đối với một người nước ngoài lọt thỏm giữa một biển người lạ lẫm. Ga rộng, khách đông, song chẳng thấy cảnh chen chúc, vạ vật.

 

16 giờ lên tàu. Trễ 35 phút. Một mình một ngăn toa hạng nhất. Toa loại này chỉ có hai giường. Khá sang, nhưng tiện nghi xoàng. Chẳng hạn nước uống, nước rửa đều phải đến đầu  toa tự lấy. Các ngăn toa loại thường có bốn giường; hai ở tầng trên, không sáu giường  như ở ta, ở Tàu.

Tàu qua ngoại ô Mát xuôi về phía  Nam. Mãi chẳng thấy đồng bằng. Địa hình nhấp nhô như cao nguyên mỏng.

 

Những cây phong lá bắt đầu vàng, chưa phải “mùa thu vàng  như trong  tranh Lê-vi-tan. Những cây bạch dương gốc to và cành lá như bị bó,-thứ cây khiêm tốn tự thu mình để choán ít không gian.

 

01-9 – Sáng,tập dưỡng sinh. Tàu lắc quá xá, dữ hơn tàu ở Việt Nam. Khoảng 8 giờ, khó chịu trong người, sống lưng ớn lạnh. Thần sốt rét “hạ cố” chăng? Hậu quả của mấy ngày tất bật tại Mát, và tối hôm qua ít ngủ vì ngứa. May có mang theo Quinimax và biết tự tiêm lấy.

Các ga tàu đỗ lại rất vắng. Vắng khách. Vắng hàng quà. Chỉ một lần thấy một bà lão bán táo rong dưới sân ga. Trên tàu, đến bũa có một bà đi các toa bán thức ăn,- có phải người của đường sẳt?

Nằm dài gần suốt một ngày. Mình thích ngắm cảnh mà cảnh chỉ lướt qua tâm trí mệt mỏi và ốm đau.

 

Ngoại vi  thành  phố Volgôgrat. Tượng bà mẹ Tổ quốc trên đồi Ma-ma-ep nhìn thấy từ xa. Tàu lượn quanh quéo chân đồi, hành khách có thể nhìn thấy tượng hầu như từ  mọi phía. Có vẻ như tượng đứng trên một ngọn đồi hoang vu, kém hấp dẫn.

 

Tàu phải dừng lâu nhiều lần trước khi vào ga chính lúc 15h15. Trễ hơn hai tiếng đồng hồ. Khoảng một nghìn cây số đi chưa hết một ngày đêm, vậy mà ngồi trên tàu có cảm giác tàu chạy rề rà. Tàu lắc mạnh chắc một phần vì đường kém, một phần vì tốc độ cao hơn tàu ở Việt Nam. Đường sắt Hà Nội-TP Hồ Chí Minh dài 1726km, phải đi hết 52 giờ (những năm này) nếu thật trót lọt.

 

Qua kính cửa sổ toa tàu, thấy sân ga thưa thớt người; không thấy bóng người da vàng nào. Nhưng khi mình vừa ra tới bậc lên xuống thì có tiếng gọi. Một người Việt, trạc bốn mươi, cao to, ăn mặc chững chạc, nét mặt cởi mở tới đón, đi trước Thịnh và một cô nữa.

 

Đi taxi suốt 20km về chỗ trú. Một căn phòng có cửa sổ nhìn ra sông Vônga, con sông mình đã hơn một lần nhìn thấy qua phim ảnh và đọc trong hồi kí của Goocki.

 

Thành  phố Vôn, trước 1962 mang tên Stalingrat, nằm dọc sông Vônga dài tới 80 ki-lô-mét song bề ngang thì chỉ chừng  mươi ki-lô-mét, bị những lạch trũng chạy từ dãy đồi phía tây ra sông cắt ngang. Cảnh quan hơi chắp vá, cả về mặt tự nhiên lẫn mặt xây dựng.

 

02-9  - Th. dẫn đi xem tượng bà mẹTổ quốc trên đồi. Đẹp hơn rất nhiều so với tưởng tượng từ trên tàu. Tượng đặt trên một ngọn đồi thoai thoải, là “đỉnh” của một quần thể kiến trúc tưởng niệm cuộc chiến đấu ác liệt bảo vệ và giải phóng Stalingrat chống quân Hítle. Từ bờ sông leo dần lên, có rất nhiều tượng tròn, phù điêu trong các khuôn viên với bồn hoa, đài phun nước, giữa hồ nước, hai bên đường lên. Gần đỉnh đồi có đường xoáy trôn ốc dẫn tới chân tượng. Thấy nói toàn thân tượng cao đến 52 mét, là bức tượng cao thứ nhì thế giới cho đến lúc này. Bề dày ngón chân cái của tượng cao tầm một cháu bé mười tuổi. Riêng thanh kiếm dài 29 mét và nặng 14 tấn. Người đàn bà Nga khổng lồ, tay trái dang ngang, tay phải cầm kiếm vung chếch lên trời, miệng mở to như ra lời kêu gọi, uy nghi, mạnh mẽ mà vẫn mang dáng vẻ duyên dáng, kiều mị của nữ giới. Thật  là tài nghệ, không chỉ về mặt kĩ thuật, một khối bê tông - cốt thép tám nghìn tấn mà vẫn tạo được dáng bay của tóc, nét lượn của vải, thần thái của mặt, vẻ đẹp của thân thể.

Từ chân tượng bà mẹ-tổ quốc nhìn hơi chếch sang bên phải, không xa, là quảng trường “Mẹ thương đau” mà trung tâm là tượng một bà mẹ cúi đầu xuống đứa con trai trong tay mình, bị thương hoặc đã chết. Khối tượng đồ sộ cao hàng chục mét nổi lên giữa một bồn nước rộng như biểu tượng của nỗi lo và nỗi đau muôn đời của các bà mẹ.

 

Từ chân tượng  nhìn hơi chếch sang bên trái, đối diện với  quảng trường “Mẹ thương đau” là ”Phòng vinh quang binh nghiệp”, một cái nhà tròn đường kính 40 mét, cao 13,5 mét. Chính giữa phòng là một bàn tay khổng lồ vươn lên nắm ngọn đuốc mang ngọn lửa bất diệt; chung quanh trên tường là những tấm bia ghi tên các liệt sĩ hi sinh vì Stalingrat.

 

Một khu tưởng niệm kì vĩ! Một đất nước, một dân tộc biết tôn trọng chiến tích quá khứ như vậy ắt ẩn chứa một sức mạnh trường tồn. Song le trước mắt, qua nhận xét của mình và qua ý kiến của số người Việt hiện đang công tác hoặc học tập ở Liên-xô thì thấy có gì đó trì trệ.

 

Th. ăn kẹo cao su mình mang từ một nước tư bản đến, thấy mấy đứa trẻ liền đem cho mỗi đứa một chiếc, cho cả vài chị gần đó. Họ có vẻ cảm kích lắm. Một thứ kẹo người phương tây nhai cho đỡ buồn mồm thì lại là thứ quí hiếm ở đây, ở bên nước mình nữa!.

 

06-9 - Thăm bảo tàng chiến dịch Stalingrat. Ngoài trời và trong nhà. Lại nhà tròn trưng bày và diễn tả toàn cảnh chiến dịch như với trận Bô-rô-đi-nô. Cũng vẫn những mô hình tĩnh và động kết hợp với những tranh vẽ trên tường vây quanh tạo một chiến địa mênh mông thấy cả chân trời. Ngoài trời có nơi trưng bày chiến cụ, vũ khí dùng trong các trận đánh và chiến lợi phẩm. Một toà nhà đầy thương tích chiến tranh còn được giữ lại. Một số chiến tích của ta, đặc biệt là trận Điện Biên Phủ, đáng được và cần phải bảo tồn theo kiểu như vậy.

 

Buổi tối. Trăng đã lên cao trên hành trình của nó, nhưng chỉ là là sát chân trời, ngỡ như sắp lặn.

Hồi chiều một nhận xét của Đ.: “Cả nước này đang lãn công” ảnh hưởng đến lớp trẻ, làm việc tuỳ tiện, kém kỉ luật, ngại khó, phân công việc gì mà tiền công ít thì phụng phịu, vùng vằng... Đâu rồi tinh thần lao động  xã hội chủ nghĩa vẫn thuyết người ta để chịu đựng một số kẻ lãnh đạo vừa dốt vừa nát, làm ăn thì kém mà thu vén cho cá nhân và gia đình thì giỏi? Có lẽ sự xuống cấp (còn) chậm hơn bên nước ta.

 

09-9 . Đi xem đêm văn nghệ của lưu học sinh Việt Nam tại bốn mươi trường cao đẳng và đại học Liên-xô. Hai tiết mục dân ca và kịch câm xem được. Hơi phiền là cô gái Việt mặc váy Âu để hát dân ca Việt! 23h30 ra về trong đêm lành lạnh một cách khinh khoái. Công viên trong đêm vắng lặng không có những cặp tình tự, cũng không ẩn dấu những mối đe doạ như ở ta. Vào giờ này ở đây tối chưa lâu, vậy mà đường phố Vôn khá thưa người, trái với ở các thành  phố Việt Nam. Có phải vì bên ta nghèo nhưng dễ dàng tiêu phí tiền bạc và thời gian hơn?

 

Nghe một trưởng khu (quản lí lao động) nói về T., trưởng vùng, là một tay “buôn tế nhị” và “tuần chay nào cũng có nước mắt” (ý nói con-ten-nơ nào của người  lao động gửi về nước cũng có suất của anh ta).

 

11-9 . Đi tàu trên sông Vônga, loại tàu du lịch có cánh ngầm lướt như bay trên mặt nước, vận tốc có thể lên tới 60km/giờ. Cũng thú vị. Bên bờ tây dốc cao là thành phố trải dài; bên bờ đông thấp trũng nhiều bãi cây cối và hồ ao, rải rác các cụm dân cư. Tầm nhìn hạn chế. Nắng gắt, nóng nực tác động xấu  đến cảm hứng thưởng ngoạn. Đi lướt trước lối vào kênh đào Lê-nin. Nhìn rõ từ xa tượng Lê-nin, trước kia là tượng Stalin đã bị dẹp bỏ từ thời Khơ-rut-sôp.

 

Th. kêu lên: “Kia có con chim hải âu đậu trên một con cá đang bơi!” nhưng đó chỉ là một thứ phao chỉ điểm.

 

12-9 . Đi xe lửa tới ga Zakanal (Cận kênh đào) phía nam thành phố, qua kênh đào Lê-nin. Một bên sông, một bên núi. Nhà cao tầng xen những bãi đất hoang hoặc bề bộn vật liệu xây dựng. Đầy cỏ lau; -cỏ lau Nga có khác cỏ lau Việt Nam, khác cỏ lau Công gô, nhưng vẫn là thứ cỏ của hoang vu và bán khai. Xe lửa  chạy qua một đầu kênh đào Vônga-Đông,  cái kênh đào được tán dương rầm rộ một thời, hồi 1952-53.

 

14-9 . Trung tâm thành phố Vônga, có nhiều công viên và quảng trường đẹp và sạch. Đại lộ Lênin, ngoài cây cối hai bên đường, giữa hai dải đường được ngăn cách bởi một chuỗi công viên hẹp kéo dài. Cảng sông gần bến lên đi vào  trung tâm, gọn, xinh, sạch; một nhà tròn nhiều tầng lầu làm nơi ăn, uống, giải trí. Mình đến chỗ thang máy lên lầu, họ “không làm việc vì không phải giờ” dù đang là buổi sáng!

 

Giá ở Hải Phòng người ta quan tâm xây dựng và chăm chút các công viên như thế!

Buổi chiều tìm mãi mới đến được đoạn đường ra sông Vônga. “Ta đã lội xuống ngươi, rửa mặt  và rửa chân”. Nước sông khá trong nhưng nhiều vẩn, không bằng sông  Phố, sông La “quê ta”.

 

16-9  . Đi thăm hội chợ trong dịp kỉ niệm hai trăm năm thành phố Xaritxưn- Stalingrat-Volgograt. Khắp nơi trung tâm, từng đám đông tưng bừng ca hát, nhảy múa. Mình và Th. đi qua một đám thanh niên đang say vũ điệu tập thể; một cô gái Nga ra “bắt cóc” mình vào nhảy. Mình thộn quá!

Buổi tối, đi xe điện lên trung tâm. Xe đến chỗ một trạm rẽ, họ bảo hành khách xuống, tưởng xe đổi ca, dè đâu họ về nghỉ luôn “theo qui đinh”, mặc khách đứng trơ ra đó. Thật khác với ở Pari, cả ở Matxcơva, tàu điện phục vụ đến một giờ sáng! Mình đang lớ ngớ. May có một gia đình gồm cha mẹ và bé gái, dẫn lên xe buýt đến trạm cuối rồi cùng đi bộ ra bến cảng. Đúng là ngày hội. Sáng như ban ngày, nhiều màu sắc. Người nườm nựợp, nhiều chỗ phải chen chân; song không có cảm giác xô bồ, chen lấn và nơm nớp bị móc túi như ở ta trong các trường hợp tương tự. Nhiều chỗ biểu diễn văn nghệ ngoài trời. Lần đến trước của vào thang máy lên lầu tròn. Rất nhiều thanh niên đang đứng vón tại đấy. Các tầng lầu đã chật chỗ. Thấy mình, một người ngoại quốc, bọn trai Nga nói gì với ông già coi thang máy. Bấy giờ của thang máy mới mở ra. Bên trên đúng là đã ních đầy người. ăn và uống, ồn ào và lôm côm như ở ta (không phải kiểu kết hợp làm ăn). Mấy cậu trai say rượu vào nhà vệ sinh để nôn oẹ.

 

Chẳng mấy khi được đứng trên cao kề ngay bờ ngắm sông Vônga ban đêm. Ánh đèn thành  phố trải dài tít xa như không cùng.

 

23-9 .  Phía bắc Volgograt có đập thuỷ điện, sông Vônga phình ra thành hồ, cảnh đẹp, có nhiều cá. Qua bên kia là thành phố Vônxki,  một thành  phố nhỏ nhưng cũng rộng hơn nội thành Hải Phòng.

 

Xe đưa mình đi qua một vùng đất hoang hoá đầy lau lách. Muốn  ngắm ruộng đồng Nga mà không được.

 

Đi bộ vào một làng. Đường làng rộng rãi, ô tô lớn chạy tốt. Các nhà đều cửa đóng im ỉm, có vẻ như mọi người đi làm, đi học vắng. Tường nhà toàn bằng gỗ súc tròn, mái ván. Nhà nào cũng có một mảnh vườn lưa thưa cây. Những cây táo lá ít và xác, lấp ló dăm quả còn sót lại. Chưa phải là làng nông dân. Có lẽ là môt làng thợ hoặc viên chức kề  một thị tứ.

 

24-9. Sân bay Volgograt. Nhỏ nhưng sạch, ngăn nắp, trật tự hơn các sân bay Việt Nam mà mình biết cho tới lúc này.

 

01-10 . Sáng sớm trời đã lất phất mưa. Mặt đường loáng nước. Vĩnh biệt thành phố  trên sông Vônga.

 

Lại ngăn toa hạng nhất. Lần này không chỉ mỗi mình. Trước đây chưa có lúc nào ngờ có ngày ngự một cu-pê sang trọng trên một chuyến tàu tại đất Nga, cả hai vợ chồng. Tàu lướt qua đồng quê cổ kính hơn là hiện đại. Một cánh đồng rộng, họ gieo cây gì đã mọc xanh. Nhìn chung còn nhiều đất chưa kịp canh tác.

 

Tàu lắc mạnh hơn lần trước, Th. bị say tàu nằm li bì. Xét trên khía cạnh này thì phương tiện giao thông đây chưa vượt hồi thế kỉ 19 bao nhiêu. Rung nhiều, nhiều chữ mình ghi nhật kí méo mó, bất thành.

 

Tàu qua một vùng có những vạt đất rộng, không  phẳng mà nhấp mô dàn trải, mới cày phơi màu đất đen. Kế tiếp những khoảng đã lún phún một màu xanh lục đậm.

 

Mây xám đầy trời, song không u ám. Mưa nhẹ lưa thưa hầu như không nhận thấy. Dăm giọt bám vào kính cửa sổ vạch những vệt xiên chéo như những đường vạch bằng mũi nhọn cứng.

 

Càng lên bắc dấu hiệu của mùa thu Nga càng rõ; cây lá vàng càng nhiều, từ vàng chanh đến vàng rực, rồi vàng nâu.

Tàu đi  trong đêm không trăng sao. Nhìn ra ngoài mịt mù đêm. Thỉnh thoảng mới lấp loé ánh đèn gần hoặc xa. Các ga tàu ghé lại hay lướt qua dường như thu mình trong sự vắng vẻ không để hành khách   lưu tâm.

 

02-10. Sáng sớm, nhìn hai bên đường tàu chạy qua, băng giá phủ một lớp trắng mỏng lên các thảm cỏ

 

11 giờ đến Matxcơva. Lạnh. Se hơn cái lạnh 6 độ C ngoài trời Pari, tháng 12 năm ngoái.

 

Vẫy taxi mãi không được. Xếp hàng đến lượt, tay giữ trật tự nói “HET” mấy lần. Trong số người xếp hàng đằng sau hình như có kẻ nói: “Chỉ dành cho người Nga”. Nghe nói lưu học sinh và lao động người Việt đi buôn lậu nhiều, hay xài xe taxi trong khi người dân Nga chỉ dùng xe điện ngầm hoặc xe buýt nên họ ghét. Thịnh cứ liều bắt một chiếc; mình đi đến. Có lẽ thấy mình chẳng  phải là dân “phe” nên không  thấy có phản ứng gì.

 

Ở nhờ phòng C. , một nghiên cứu sinh vẽ đồ bản, trong khu kí túc xá một trường đại học. Một khu rộng, qui mô, hình thức tổ chức chặt, song kiến trúc đơn điệu và đã xuống cấp.

 

C. biết dè xẻn lời nói, tỏ ra thạo đời. C. nói:  “Dân Liên-xô được cái giỏi xếp hàng, Stalin rèn cho được mỗi cái đó”. Người Việt ở đây ngày càng cần có nhiều hàng để gửi về nước bán, ở bên nhà, ai nhận được một công-ten-nơ hàng Liên-xô thì sung sướng lắm, khiến nhiều người ganh tị. Các thành phố  Liên-xô, người Việt vét các hàng đồ điện, đồ nhôm, chủ yếu là hàng gia dụng, những thứ này trong các cửa hàng ngày một ít đi. Mà người Việt mình ít thích nghi với chuyện xếp hàng. Mình  nói: “Chê khan hàng thì được, sao lại chê chịu khó xếp hàng, một nếp sống văn minh?.

 

03-10 .  Sáng ra thấy tuyết đầu mùa rơi. Lần đầu tiên thấy tuyết tận mắt. Những mẩu trắng như  những vụn bông rũ ra từ một cái nệm bông mà một bộ phim thần thoại của CHDC Đức từng phịa ra. Không như mình hằng tưởng tượng, không như người ta tả, không như trên màn ảnh, không có “bông tuyết” mà là những mẩu không rõ hình thù. Tuyết rơi lúc thưa, lúc mau, càng  về sau càng dầy, song vẫn tủn mủn. Tuyết tan nhanh trên mặt đất. Sau khi tạnh một lúc chỉ lưu lại đây đó một ít mảng nhỏ.

 

Buổi chiều, tạt vào một quầy giải khát mua một cốc nước, họ không bán, trưng ra cái biển ghi: “Chỉ bán cho người Nga”. Nơi này mình đã từng ghé vào mua mấy lần, có sao đâu. Có phải do mấy vụ va chạm gần đây, trong đó có vụ một thanh niên Việt đâm một công an sở tại. Trong số những người lao động và lưu học sinh Việt ở nước ngoài, tình trạng tiêu cực trong nước đã để lọt một số phần tử bất hảo. Sực nhớ  lời một người của sứ quán Việt Nam tại đây: “Người Việt bây giờ không được người dân Liên-xô thích, bị ghét nhất là ở Matxcơva”.

 

04-10.  Mưa lạnh. Biết mùi mùa thu Matxcơva. Mưa không sụt sùi  như ở quê nhà. Cái lạnh không chích da thịt. Đường sá không bẩn.

 

10-10 . Nắng đẹp, đỡ lạnh. Đi ta-xi ra sân bay quốc tế. Ga Sê-rê-met-sê-vô gây cảm tình hơn hôm đến. Rộng rãi, thoáng đãng, sạch sẽ, ngăn nắp. Nhiều người nói những chuyến bay đến Hà Nội thường rất lộn xộn. Người Việt Nam hay mang theo các bao hàng cồng kềnh lại không “quen” xếp hàng; mà những người có trách nhiệm nhận khách vào cửa hình như chẳng thích can thiệp lắm, thái độ ác cảm ra mặt, khi sát giờ thẳng tay gạt lại  cả đống người và hàng, đã có cả những hành động thô bạo (một ông đại sứ V.N. ở nước nọ còn kể rằng: có lần họ khám xét cả cán bộ ngoại giao của V.N.). Người Việt mình đã có người giở “bài” quen thuộc ở nhà là lo lót, thường là trước và theo “luồng” riêng. (Lại “xuất khẩu” những thứ đáng buồn!). Hôm nay, lối vào quang quẻ, đi vào thong dong. Tay hải quan Nga có cặp mắt sắc lạnh, mình đã nghĩ là khó coi. Hắn thấy số ngoại tệ mình mang theo ít hơn số ghi trên tờ khai khi vào chắc nghi là đã dùng để mua kim loại quí đem theo ra. Họ đưa vào phòng khám hành lí, quần áo. Mình đã bực lắm. Đến đôi giầy, hắn bảo mình cởi ra. Mình ngồi thả người trên ghế, không thèm dùng tay, giơ hai chân vẩy mạnh mấy cái cho giày tụt văng ra. Thằng cha cầm lấy săm soi từng chiếc. Tất nhiên là chẳng mò được gì. May mà hắn không dùng lưỡi dao cạo tách đế giày như bọn hải quan thường làm;  nếu hắn làm vậy, mình sẽ có dịp bắt đền cho biết mặt. Xong xuôi, mình đòi gặp “sếp” của hắn, một người đàn bà trạc ba mươi. Mình yêu cầu người biết tiếng Pháp. Họ gọi một thanh niên đến làm phiên dịch. Mình nói, giọng bất bình: “Tôi vốn yêu mến Liên-xô (nghe vậy tay phiên dịch thoáng nhếch cười, không ngờ những câu nói tiếp) nhưng đến đây tôi bị phiền nhiễu bởi các thủ tục, cách xử sự khi giải quyết công việc; bây giờ lại bị xúc phạm”. Người trưởng phòng ôn tồn nói, qua người phiên dịch: “Chúng tôi chỉ  làm nhiệm vụ. Mà ông có vi phạm, ông đã mang theo những tờ rúp trái với qui định của chúng tôi (sự thật, chẳng phải họ cần tìm mấy tờ giấy bạc này)“. Mình nói : “Mấy đồng rúp ấy, tôi bỏ quên trong túi. Ra khỏi đây tôi cần những ngoại tệ khác, những đồng rúp này chẳng dùng được vào việc gì cả. Mà chắc hẳn các người chẳng cần lục tìm mấy tờ giấy bạc kia, một việc làm gây mất cảm tình của những người nước ngoài đến đất nước này”. Nghĩ lại, mình thấy họ chỉ làm phận sự thôi. Điều đáng chê trách là chủ trương không để cho người ngoại quốc tiêu ngoại tệ mạnh trong xứ sở mình chỉ làm nghèo đất nước đi thôi. Cũng như qui định những người nước ngoài ở Mát phải có giấy chứng nhận lưu trú mới được mua hàng! Một cách đối phó với nạn khan hiếm hàng hoá thật bí bách!

 

Thứ  tư 11-10-1989

 

Máy bay cất cánh lúc gần hai giờ sáng. Rời Matxơva trong đêm khuya khoắt, hình ảnh cuối cùng đọng lâu hơn cả là cái vệt xanh hình chữ nhật dài và mỏng nằm ngang xa xa, chẳng biết là cái gì.

 

*

 

Thứ sáu 03-8-1990.

 

Dần ra ngoại thành bắc Pari, đúng ra là bắc-đông-bắc. Nhà cửa thưa dần. Rải rác những đám đất trồng cây kiểu vườn nho. Cảng bay sang trọng hơn các cảng mình đã đi qua. Nhiều hàng xa xỉ. Đắt kinh khủng, mà là “hàng miễn thuế” đấy! Máy bay cất cánh chậm nửa giờ so với giờ ghi trên vé (Thật là “thói trễ giờ chẳng riêng xứ nào!).

 

Từ trên máy bay nhìn xuống ruộng đồng đông-bắc Pháp. Lưa thưa các nhóm nhà. Ruộng đã cày xen với ruộng cây đã phủ xanh. Không kịp nhìn xuống Bỉ và Hà Lan. Đan Mạch, bán đảo Portland. Một chỗ mây trắng mình ngỡ đám cháy rừng nơi doi đất nam bán đảo này. Eo biển. Những  luồng tàu chạy. Như nhìn xuống một cái hồ. Biển lấp lánh. Có nơi trên đất liền như dát vàng.  Thụy Điển, thị trấn rải rác. Vượt qua eo biển Ban tích. Đất Liên-xô, Lít-va? Lat-vi-a? hay Et-tô-ni-a?  Nhiều đụn mây trắng. Rừng dày lên. Đường sá ngang dọc song vắng xe và người. Hình như không rải nhựa. Ngồi cạnh mình là một cô Nhật xinh xắn và cởi mở, làm tiếp viên hàng không  của Air France tuyến Mát-Tokyo, có chồng chưa cưới là người Pháp. Mình hỏi vui: “Ở nước tôi có câu: ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật, phụ nữ Nhật rất chiều chồng phải không?”. Cô ta cười  không nói gì. Cô ngồi cạnh cô ta phía ngoài cũng là người Nhật và cùng làm một chỗ còn xinh hơn; C. phải khen :”Đẹp tuyệt”.

 

Mình và C. đi vé hạng ba, hạng “tiết kiệm”, nhưng lại được chuyển lên ngồi hạng nhì, hạng “du lịch” rộng rãi, thoải mái hẳn.

 

Trước khi vào đất Nga, trời quang nhưng phía dưới có mù nên  nhìn không rõ lắm. Tuy nhiên cũng thấy được là nông thôn châu Âu rất ít dân cư.

 

Máy bay hạ dần độ cao xuyên qua mây trắng xuống dưới trần mây. Thấy rõ những đám ruộng vừa gặt xong, xen kẽ những vạt đã cày xới. Từng  khoảnh như là ruộng tư.

 

Sân bay Sê-rê-met-sê-vô, mình đến lần thứ hai. Qua biên phòng chóng vánh. Qua hải quan cũng qua loa. Riêng C. bị khám kĩ, chẳng rõ vì sao. Đi ta-xi vào thành phố Mát, lái xe người Nga còn rất trẻ. Hỏi Goocbachôp có tốt không? Lắc đầu. Hỏi đến Enxin, anh ta trỏ một ngón tay vào một bên đầu chếch trên thái dương (người ta cho mình biết như thế là chỉ đồ ngốc). Hỏi đến Khơrutsôp, đến Lênin, hắn đều lắc. Hỏi: “Vậy thì ai tốt?”. Hắn nói Butsơ, Mittơrăng. Hỏi: “Chủ nghĩa tư bản à?”. Hắn  ta cười thoải mái. Hắn bảo Liên-xô hùng mạnh nhưng dân đói; Việt Nam nhỏ yếu nhưng dân giàu. Người Việt Nam ở đây không thèm đi bộ, đi xe buýt hay xe điện, chỉ đi taxi. Anh ta bảo mình hẳn là “ông to”. Mình bảo C. nói cho hắn biết lương mình chỉ tương đương 60 rúp. Anh ta không tin, nói: ít nhất phải 500 rúp.

 

04-8  Nói chuyện với một đội trưởng lao động. Anh này từng học ở đây, có hai bằng đại học, đã về nước nay lại sang theo diện “xuất khẩu lao động”. Anh ta kể vừa phải đi “giải thoát” cho một công nhân đội mình. Cậu này hết giờ làm việc, ra cổng nhà máy tay xách một cái túi, thấy xe buýt sắp chuyển bánh vội chạy đến cho kịp, bảo vệ bèn giữ cậu ta lại. Một cuộc tranh cãi nổ ra:

- Mày làm bảo vệ không tròn nhiệm vụ sao lại giữ người của tao?

- Bọn chúng mày hay vô kỉ luật . Lôi thôi, chúng tao đuổi về Việt Nam.

- Chúng tao sang đây làm việc là thực hiện hiệp định. Chúng tao ở Việt Nam sướng hơn đây nhiều. Mày uống rượu vào rồi làm bừa.

- Tao đâu có uống rượu.

- Mày có uống. Nhìn mặt mày tao biết. Gọi người ra đây xem!

Lãnh đạo mà biết có chuyện uống rượu trong giờ làm việc thì lôi thôi to. Tay bảo vệ phải nhượng bộ.

 

Mình thật đoảng, hay chủ quan, nóng vội, thiếu chu đáo. Không ghi lại tên nhà, đi lạc! Một chị người Nga còn trẻ dắt một đứa con chừng năm tuổi, nhiệt tình chỉ đường, cả dẫn đường. Khốn nỗi mình ấm ớ tiếng Nga. Loanh quanh đến hai giờ đồng hồ, thằng bé mỏi dừ cả chân. Ai bảo người Nga ở Mát rất ghét người Việt?!

11 giờ đêm, phố khá vắng, có cảm  giác rờn rợn.

 

05-8  Đến khu cư xá của sinh viên trường viết văn Goocki găp K., một nhà thơ, đang học ở đó. Anh ta tỏ ra dễ dãi, sẵn sàng mời ngủ lại, khen một số bài mình viết mà anh ta đã đọc trên V.N.Q.Đ.. Mấy cô lưu học sinh cùng ở đó cho biết anh ta sẵn sàng khen bất cứ ai. Lời khen như một thứ quà xã giao không mất tiền mua, chưa nói ra đã quên rồi. Có cái chất vừa chất phác, vừa ranh ma rất nông dân. Bốn mươi xuân vẫn còn độc thân. Gán cùng cô C., cũng là nhà thơ và cùng học tại đó, cũng đang quá lứa, song chẳng ai chịu ai. Mình thích cái xuề xoà của anh ta. Một người bảo: anh nông dân một khi nên quan thì rất kị bị lờn mặt, như sợ bị tóm đuôi. Chẳng lẽ đó là qui luật?

 

Nghe nói công nhân Việt Nam tại Liên-xô bị phân biệt đối xử. Một tay đội phó kiêm phiên dịch thì oán trách ra mặt: “Tôi có hai bằng kĩ sư của Liên-xô mà lương chỉ 160 rúp/tháng. Một thằng Nga trình độ kĩ thuật trung cấp thì 400 rúp”. Nhưng trưa nay, một nghiên cứu sinh lại nói: Nhà máy đóng giày trả lương công nhân Việt Nam 200 rúp/tháng, mà công nhân Liên-xô thì  300-400 rúp/tháng cũng đúng thôi vì họ làm những công đoạn đòi hỏi kĩ thuật cao hơn; phúc lợi, như nghỉ mát chẳng hạn, của công nhân Liên-xô cũng ít. (Lương 400 rúp chỉ bằng khoảng 30 đôla Mĩ nếu đổi tự do, trong khi hối đoái chính thức là 1USD ăn 0,64 rúp! Lương của một thứ trưởng Việt Nam, ông HXT, năm trước chỉ chừng 5 đôla Mĩ, do chính ông ta nói ra trong một cuộc họp). Nếu hàng hoá ở Liên xô vẫn sẵn như trước thì đồng lương ấy cũng sống được, khá ung dung. Giá tiền các hàng công nghệ ghi sẵn trên đó không thay đổi từ hàng mấy chục năm nay qui ra USD đổi  chui thì rẻ như cho. Chẳng hạn một bàn là điện  giá 7 rúp, chưa đến nửa đô la. Giá thực phẩm cũng thế. Ví như, một quả trứng phải mua có 8 cô-pêch, một rúp mua được 12 quả; một đôla Mĩ  đổi chui thì mua được bao nhiêu?

 

06-8 .  Gặp N.G.P., quen nhau từ  hồi ở Hải Dương năm 1956. P. đi Anggôla dạy triết học lớp dự bị đại học. P. kêu mình gầy và già đi (tất nhiên!). P. bị nhỡ một tuần nay do máy bay Anggôla, đến Mát trễ. Hàng không Anggôla và Aeroflot đùn nhau trách nhiệm về “lưu trú chuyển tiếp (transit)”. Đăng kí chỗ về thành phố Hồ Chí Minh rất khó. Vợ trẻ đang chờ ở nhà, kì nghỉ cũng chóng hết đến nơi, P. như ngồi trên chảo nóng. Hôm nay, qua trung gian, P. hẹn với một tay người Nga lo “đi chui”. Giá cả thoả thuận là 400 rúp, đã đưa trước một nửa; nửa còn lại sẽ đưa tiếp khi được đưa ra tận phòng cách li, không phải O.K trực tiếp (dĩ nhiên là phải có “tay trong”). Không thấy tay người Nga đến, P. đứng ngồi không yên.

 

07-8 .      Vườn Tônxtôi. Rậm cây mà thoáng. Thảm cỏ dưới các gốc cây đầy lá khô. Lối đi gọn và thanh. Những chiếc ghế  gỗ dài có lưng tựa sơn màu ghi không có người ngồi. Đang giờ làm việc! Chỉ thấy một người đi qua. Hải Phòng chỉ cần có một công viên như thế này cũng đã tôn thành phố lên nhiều, tôn cả những vị “đầy tớ dân”  lãnh đạo thành phố; còn người dân thì sẽ thấy chất lượng cuộc sống cao lên...

 

08-8      . Tham quan tháp vô tuyến truyền hình. Hôm qua đến, hết vé trong ngày! Ở các nước tư bản chắc chẳng bao giờ để chuyện như vậy xảy ra, họ tận dụng năng suất phục vụ,  tức năng suất kiếm tiền, tối đa. Tháp này cao hơn 520 mét, vốn cao nhất thế giới, sau này phải nhường cho tháp V.T.T.H. của Đông Đức. Tháp Epphen-Pari chỉ cao 330 mét. Đi thang máy lên đến tầng cách mặt đất 337 mét. Thang chạy khá êm, gần như không cảm thấy. Nhìn xuống toàn thành phố Mát qua “mờ mờ sương khói”, không rõ bằng hôm nhìn Pari từ đỉnh nhà tháp Mông Pacnatxơ, có lẽ vì thiếu bản đồ hướng dẫn (ở Pari, mua vé xe điện, xe buýt được phát không bản đồ giao thông và bản đồ thắng cảnh nội thành), có người giới thiệu nhưng có mấy du khách nước ngoài biết tiếng Nga! Thấy rõ  người Pháp biết cách thu hút khách du hơn nhiều. Ở Pari, mình chạm trán nhiều người ngoại quốc: Anh, Hà Lan, Tây-ban-nha, Ý...  Còn ở Mát thì hiếm. Trên tháp V.T.T.H. này chỉ thấy hình như một nhóm du khách Đức. Còn lại toàn là dân Liên-xô từ các địa phương về. Trên tháp có một tầng phục vụ ăn uống lưng chừng giời ngay dưới tầng tham quan. Nhớ lời Đ., một cựu lưu học sinh Việt Nam tại Liên-xô khoe: “Em quyết bỏ ra 200 rúp lên tháp xả láng một chuyến cho hả đời”. Học bổng lưu học sinh chỉ hơn trăm rúp/tháng! Chắc là “sĩ” với bạn hoặc với gái.

 

Chuyện một lái xe của sứ quán ta tại Ba Lan. Anh ta không biết qua một tiếng Ba Lan nào mà một hôm có một cô gái Ba Lan bế con để đến “trả cho bố nó” là anh ta!

 

Định mua vé máy bay đi Đức, tranh thủ, bởi đến  tháng 9 này thì hợp nhất hai nước Đức. Chỗ bán vé đầy người xếp hàng. Không bán vé khứ hồi. Sang đó, nếu chuyện vé khó khăn thì có cơ không kịp chuyến bay đi Băngcốc đã đăng kí ngày giờ. Đi xe lửa thì sẽ không đủ ngày.

 

Dự định đi Lêningrat cũng không thành. Bây giờ, người nước ngoài khi muốn ra khỏi Mát không còn buộc phải có vi-da hoặc giấy mời nữa, nhưng lại có những trắc trở khác. S., bác sĩ, kể chuyện tháng trước lấy vé đi Đức. Đông người, lộn xộn. Một người đứng ra tự động ghi tên vào một mảnh giấy, kiểu như bên Việt Nam trong các trường hợp tàu xe tương tự, rồi trao cho những người phụ trách bán  vé. Cứ sắp “trọn” giờ, người Nga sắp thay phiên, họ cho người ra cầm danh sách điểm lại. Ai vắng mặt lúc đó là bị gạch tên. Một tay người Mĩ ban đầu xếp thứ mười, sau hai ngày thì mất tên. Anh ta không thể đứng lâu, hay chạy đi, để kiếm cái uống chẳng hạn. Tay S. láu cá, cũng hay bỏ đi, nhưng biết thóp lúc nào thì gọi tên nên  quay lại đúng lúc, do vậy, từ  số ba mươi bảy sau mấy lần điểm danh nhảy lên số tám. S, nói: “Vậy mà tôi cũng mất trọn một ngày”. Tay người Mĩ gặp S. biết tiếng Anh được dịp trút ra: “Chẳng hiểu bọn Nga làm ăn thế nào nữa. Máy vi tính cọc cạch gõ mãi mới hiện chữ, ngừng luôn. Bọn họ làm ăn rề rà, cửa quyền. Chúng ta lỡ sa vào địa ngục, phải cố tìm cách thoát ra thôi. Tôi thề không thèm trở lại chốn này nữa”. Âu đó là bài học cho những nước, không chỉ Liên-xô, muốn thu hút khách du lịch. Việt Nam mình “phát động” năm 1990 là năm du lịch Việt Nam trên những cơ sở nào? Nghĩ thấy buồn cười.

 

Đến cửa hàng bách hoá Nhi-côn-nhi-ki mua máy ảnh. Chỉ có loại thiếu nhi. Mình xếp hàng đến nơi, một tay Nga xem hộ chiếu bảo không có dấu cư trú, nhất định không bán. Tay này biết tiếng Pháp và có vẻ hãnh diện về điều này. Mình được mấy người hay đi Liên-xô gà: “Đến đấy, nếu biết tiếng Nga cũng đừng nói, cứ xài tiếng Pháp, tiếng Anh cho chúng nó lác mắt(!)”). Mình bảo hắn: ”Những người cỡ tuổi tôi từng mến mộ Liên Xô. Chỗ này gây cho tôi một ấn tượng khác hẳn”.

 

Ph. kể rằng nữ chuyên gia Việt NamAngola dùng sách lược “bàn là”(!): gửi hàng bị kẹt thì cho Tây đen hải quan hôn một cái. Các bà thường vào tuổi bốn, năm mươi mà thằng hải quan chỉ độ ba mươi!

 

09-8.  Trường đại học Lô-ma-nô-xốp. Nhớ chuyện linh mục Vũ Xuân Kỉ năm 1952 tới thăm khi trường mới xây dựng xong. Nghe giới thiệu khu trường có bốn vạn phòng, cụ dòm quanh rồi bảo với người trong đoàn Việt Nam: “ Những bốn vạn phòng nhưng lại thiếu một phòng”. Thì ra ông già mót đái mà chẳng thấy nhà vệ sinh đâu cả. Chủ nhà biết chuyện, cười vui vẻ và cho cụ toại nguyện. (Ít lâu sau, đoàn Việt Nam đến nước Áo, một lần linh mục vào nhà vệ sinh ra, người phục vụ chìa cái đĩa nhận tiền lệ phí đón cụ. Cụ bị bất ngờ quá. Về phòng, cụ chửi: “Đồ tư bản có khác, đi đái cũng phải trả tiền!”. Giáo sư N.M.T. đã kể lại chuyện này trong một bữa tiệc chiêu đãi sinh viên tốt nghiệp).

 

Nhìn ngoài, thấy dấu hiệu tàn tạ của ngôi trường vốn rất nổi tiếng một thời. Đứng  trên quảng trường phía trước nhìn xuống có thể thấy hầu như toàn cảnh trung tâm thành phố Mát. Sông Matxcơva uốn khúc dưới chân đồi. Thuê ống nhòm thấy xa những tháp vuông của các nhà cao tầng, tháp củ hành mạ vàng của các nhà thờ, một cái tháp kiểu Epphen. Chỗ mình đứng là đồi, chưa được là núi, nhưng nghệ thuật phong lên là núi. “Bạn ơi! đi với tôi lên đỉnh núi Lênin khi trời chiều...”. Câu hát xưa gợi một phương trời xa. Nay ta đang đứng đây không phải lúc của thời bay nhảy.

 

Thơ thẩn lạc tới vườn hoa nhỏ nơi quảng trường Tháng Mười. Xinh, mát trong chiều tà. Tám giờ tối, chưa tắt nắng. Cũng vẫn những toà nhà cao tầng và đại lộ, xe cộ nườm nượp, nhưng ít khung cảnh nào ở Mát dễ trông (ưa nhìn) như ở đây. Mấy gái, trai và trẻ em, có vẻ là người Ấn độ. Một gia đình da đen. Mấy cặp thanh niên và mấy bà da trắng. Bồn nước hình chữ nhật có nhiều vòi nước phun thẳng đứng, những hạt nước lên tới đỉnh như dẹt lại, lõm phía trên  trước khi rơi xuống. Các tia nước phun cao ngang nhau làm thành một bức rèm thuỷ tinh di động.

 

Phòng nội trú của một nghiên cứu sinh, buổi tối. Một cô nghiên cứu sinh VN về tâm lí học ở Lêningrat đang vốc từng nắm đồng hồ điện tử đeo tay, loại làm dởm ở Ba lan, cho vào túi du lịch loại to, vừa nhẹn tay làm vừa nói: “Cái lí tưởng xã hội chủ nghĩa biết có không mà xây dựng với bảo vệ”. Cô đang chuẩn bi để một giờ đêm ra ga xe lửa về thành phố Lê-nin. Hỏi sao đi ung dung vậy, cô cho biết đã móc ngoặc với các tay lái tàu rồi, muốn đi lúc nào cũng được. Lưu học sinh các nước học ở nước ta chắc là khó mà có các ngón như thế.

 

Cũng ở phòng này, cũng vào một tối năm trước, một cô kĩ sư người Nga mới ra trường, đã đi làm, đến thăm bạn người Việt, nhân thấy trên truyền hình Enxin đang kể về sáu cái xấu của Liên-xô trong chuyến đi Mĩ, do ông ta yêu cầu phát lại trong nước, đã vô tư nói: “Đời chính trị của Enxin vậy là sắp hết rồi”. Năm nay, xem ra không phải vậy.

 

10-8 .  Phố Ac-bat cũ (khác với Phố Ac-bat mới) không cây. Đường lát gạch cổ hình chữ nhật nhẵn hơn loại tương tự ở ta. Mình đã tìm đến đây do cuốn tiểu thuyết “Những đứa con Phố Ac-bat” , ai là tác giả mình không nhớ; viết đã lâu, đến thời “cải tổ” mới được in. Đường cũng rộng rãi, song cấm xe cộ, khá đông người đi bộ, đi dạo, nhiều khách du ngoại quốc. Cả một dãy phố dài là nơi trưng bày hội họa lộ thiên hai bên đường. Tranh phong cảnh, chân dung, sự tích tôn giáo hay lịch sử. Có mấy tranh mình không hiểu nổi. Có tranh đính thêm những mẩu nến, hoặc một mảnh sắt tây dúm dó, hoặc một mớ giẻ, hoặc nữa một khung tranh lồng trong tranh...(loại tranh sắp đặt). Có cả tranh sơn mài. Cả búp bê gỗ lồng nhau nổi tiếng của người Nga. Rất nhiều hoạ sĩ bày giá vẽ trên đường phố, vẽ chân dung thuê lấy ngay; mỗi lần mất dăm phút, giá 10 rúp (hơn nửa đôla Mĩ đổi chút). Vẽ lối kí hoạ và biếm hoạ. Du khách nước ngoài xúm lại xem chỗ này, chỗ khác. Các hoạ sĩ mời thuê vẽ, chỉ đưa qua một câu chứ chẳng nhiệt thành mời mọc, quá nhiệt  thành, như những người chào hàng ở các điểm du lịch bên ta. Một cô khá xinh thuê vẽ bức chân dung “nhộn”, khi nhận tranh nói “Merci”, chắc là người Pháp. Cô khác, da mặt, mi mắt như người bị bệnh “phai màu”, mặt đầy tàn nhang, thuê vẽ bức chân dung “nghiêm chỉnh”; có lẽ là người Anh, nói “Thank you”. Có mấy người đàn ông được gạ, lắc đầu “Thank you”. Chẳng hiểu sao mình cũng từ chối, bỏ lỡ một dịp “kỉ niệm” chuyến đi, e rồi sẽ ân hận.

 

Bên đường  phố có mấy tờ báo tường. Một dòng chữ lớn: “Người có tán thành cấm ĐCSLX? Hãy kí tên!”. Đầu đề một bài báo: “Hoang tưởng kinh khủng hay phát lộ thiên tài?”. Mấy người xúm lại đọc, chẳng biết Goocbachôp bất lực hay có ý đồ!

 

Hầu hết nhà hai bên đường là chung cư. Mình vào xem sân một nhà, cố mường tượng ra khung cảnh và nhân vật của cuốn tiểu thuyết “Những đứa con Phố Ac-bat” nhưng không đạt. Các nhà ở đây thường chỉ ba, bốn tầng.

 

Thông thường, các khu chung cư ở Liên Xô được dành một khoảnh riêng, trong đó có các cửa hàng cửa hiệu cần thiết, cùng trường học, bệnh xá. Có cả sân chơi  cho trẻ và công viên để dạo chơi hay ngồi ngơi. Các nhà đều trên dưới mươi tầng hoặc hơn, có thang máy. Kiểu nhà đơn điệu. Nhìn chung cả khu, ít được chú ý không gian thẩm mĩ. Chung cư ở Pari mà mình đã đến nằm ở rìa phía nam thành phố, không thành khu, chỉ có một ngôi nhà lớn gồm hai mươi tầng. Khu vực chân cầu thang có bảng sơ đồ  các căn hộ cùng tên chủ hộ, khách đến chẳng cần hỏi tìm. Thang máy thuận lợi. Các tầng, hành lang đều ở giữa, khí hẹp, tối om bởi không để điện sáng thường xuyên dù là ban đêm như ở Liên-xô hay ở ta. Người đến trước cửa phòng bật công tắc, (có chỗ thì đèn tự sáng), sau mươi phút đủ để mở khoá cửa vào phòng thì đèn tự tắt. Các căn hộ nhiều buồng hay một buồng riêng biệt, kín đáo, hầu như chẳng ai biết ai mà cũng chẳng ai làm phiền ai. Tiện lợi, phải chăng, nhưng đi trong hành lang cảm thấy cô quạnh, lạnh lẽo. Có lẽ do mình không quen và tự kỉ ám thị với ý nghĩ các căn hộ như vầy để trú ngụ chứ không phải để sinh hoạt  gia đình.

 

Buổi chiều đến thăm quảng trường Hồ Chí Minh. Rộng, nhưng hình thế không đẹp mấy. Nhiều cây và  bãi cỏ. Có vẻ hoang phế như hầu hết những nơi có cây cỏ trong thành phố này. Cũng có một chỗ đang xén cỏ dở. Một tượng đồng dựng trên một bệ đá hoa cương cao và rộng mài nhẵn bóng. Tượng gồm một hình tròn lớn, dẹt, mặt trước đúc nổi chân dung Hồ Chí Minh, mặt sau đúc nổi một khóm tre. Phía trước là nhóm tượng tròn mấy người đang trong tư thế vùng dậy. Tượng được làm trong dịp UNESCO tôn vinh Hồ Chí Minh là “Danh nhân văn hoá kiệt xuất thế giới và anh hùng giải phóng dân tộc”, khánh thành ngày 19-5-1990. Chi phí xây khu tượng là một triệu rúp. Nếu theo hối đoái chính thức thì hơn một triệu đôla Mĩ, một số tiền khá lớn (như đã biết, lương công nhân viên chức trung bình chỉ độ ba, bốn trăm rúp, và đời sống dân Liên-xô đang xuống). Gặp một lưu học sinh Việt Nam đang học Văn tại viện Hàn lâm, do UBKHXH Việt Nam gửi sang, đang ngồi cùng vợ và con mới sang thăm trong công viên cạnh tượng đài. Anh ta cho biết gần ngày khánh thành tượng đài có khoảng hai trăm người biểu tình (trong đó có cả ba người từng phủ quyết việc chống xây dựng) và rải truyền đơn, nói: Cảm ơn viện Hàn lâm đã cho biết di chúc đầy đủ của Hồ Chí Minh, trong  đó tỏ ý không muốn xây lăng mộ to tát cho mình. Hồ giản dị, không xa hoa, sao ở đây lại xây dựng tốn kém... Ngày khánh thành cũng có dân đến dự. Có người viếng hoa. Chính mắt mình thấy có ba bông hoa mới héo trên bệ. Song, mình cũng thấy một con bé cưỡi lên một tượng người trước tượng chính; điều này hầu như không bao giờ xảy ra ở các nước văn minh đã đành mà cũng hiếm ở các nước lạc hậu. Lại có một thằng cha người Nga dắt đứa con trai bé tí hình như muốn xúi nó làm chuyện tồi tệ.

 

Một bà người Nga rất già đến chào và bắt chuyện. Bà tự giới thiệu là kĩ sư về hưu đã lâu, chồng là bác sĩ đã chết trận trong chiến tranh vệ quốc, có một con trai. Bà ngồi thẳng trên ghế nói luôn miệng. Cậu nghiên cứu sinh nói người già ở Liên-xô ngày nay rất cô đơn.

 

Xế trước mặt là khách sạn mang tên Hà Nội, đóng cửa một năm nay để tu sửa.

Thêm một thanh niên Nga xin mình thuốc lá. Ở nhà khách sứ quán, người ta đã khuyên đừng hút thuốc lá ngoài đường, thế nào “bọn Nga” cũng đến xin. Ở Mát cũng như ỏ Pari rất hiếm quầy bán thuốc lá, không nhan nhản như ở ta và ở các nước chậm phát triển khác.

 

Buồi tối, chuyện phiếm. Q., cán bộ sứ quán Việt Nam ở Môdămbích sắp sang Cônggô thay cho một người ở sứ quán bên ấy, lần lữa xả hơi ở Mát. Anh ta còn phải tìm cách gửi về nước hai vali  to nặng. “Mỗi vali của em ít ra là mười cây”, và ”Đi nước ngoài mà chỉ kiếm được hai mươi cây thì chẳng thèm”. Hỏi ra, trong va-li chủ yếu là thuốc tây. Các nước Mô-dăm-bich, Ang-go-la nhập thuốc tây rồi trợ giá  bán cho dân rất rẻ. Người mình ở các nước ấy vớ được mà gửi lọt về nước thì vớ bẫm. Nước bạn dần dần cũng vỡ lẽ “tổ con chuồn chuồn” nên cấm ngặt. Các vị  đâu có dễ “co vòi”. Vậy nên, ở Anggola, hàng loạt bọc hàng bị tịch thu; sáu người bị bắt tại trận bị gọt trọc tại chỗ theo luật pháp sở tại, trước khi xử lí. Cậu Q. này có hộ chiếu ngoại giao nên hẳn là dễ trót lọt.

 

Cùng đến với Q., có M., tham tán sứ quán Việt Nam, cùng ở Mô-dăm-bich, 63 tuổi, vốn người Huế, là "cây" háo chuyện tươi mát. Lúc này. M. đang uỷ cho Q. thương lượng với một “gái” cao cấp, hình như là người Ý. Cô ta đòi  300 USD, M. mới trả giá 200 USD, chưa xơ múi gì. Q. nói: “Có lẽ em sẽ chuyển cho một tay Nga lo thay. Dính với “bố” này cũng lôi thôi lắm”. Chẳng hiểu các vị “sứ”  này thạo chuyện gì nhất?!

 

11-8      .  Mai  ta sẽ rời Matxcơva, mãi mãi.

Cùng P. đi chơi công viên Goocki. Năm trước, mình đã đến đây. Hôm đó, có lúc trời mưa lún phún. Mình bị lạnh. Vé  tham dự các trò giải trí khá rẻ. Có những trò vườn chơi Tuyn-lơ-ri ở Pari không có như đoàn tàu điện trên đoạn đường ray khép kín, lên dốc, xuống dốc, vòng vèo số 8, có lúc làm lộn ruột. Hay như phòng chiếu xi-nê vòng (circorama). Xem đứng, chẳng có ghế gì cả, Có cảm giác như ngồi máy bay lên thẳng liệng trên các vực núi; ngồi ô tô, mô tô phóng trên các con đường lắm dốc, nhiều ngoặt. Nhìn thấy cả tượng thần Tự do từ trên xuống. Hình như phim của Đông Đức.

 

Ngồi “đu văng”. Xếp hàng chờ đến hơn nửa giờ. Mình ngại cho tim. Nhưng hai phút văng vòng tròn chỉ “sắp” chóng mặt thôi.

 

Ngồi tàu du lịch dạo trên sông Matxcơva đi và về, từ cầu Crưm đến cầu Xôvôxpat, qua điện Kremli ở gần quãng giữa. Trời nắng dịu, gió hây hây. Không nóng như hôm đi trên sông Vônga. Cùng ngồi trên boong, có một du khách Ý biết sơ tiếng Pháp, như mình thôi. Mình  hỏi cảm tưởng, anh ta ca ngợi, chẳng rõ có phải là xã giao không. Anh ta nói  đi tàu đi trên sông Xen (Pari) thú hơn. Mình tiếc đã bỏ lỡ dịp, mặc dù  kĩ sư T. đã gợi ý trước hôm mình đến Pari.

 

Mặc dù rất mệt, vẫn tranh thủ thăm thú lần cuối. Đến ga xe điện ngầm cuối cùng phía tây nam. Một vùng đồi. Đang tiếp tục xây dựng. Nhiều nhà cao tầng mới xây. Một cái đang xây dở, mới lắp kính được nửa số tầng bên dưới. Chất lượng kém thấy rõ. Sân, hè nứt nẻ, cả bong nữa, khác hẳn những thứ đã làm từ lâu rồi ở các nơi khác. Nhận xét thêm: ga metro kế ga cuối, gạch men ốp tường bị dỡ đi cả một mảng lớn. Phía tây-nam xa xa, một cánh rừng trải ra, xem bản đồ thì đấy là công viên  “Đại hội XXII Đảng Cộng  sản Liên-xô”  (đại hội  chính thức hạ bệ Stalin) rìa thành phố. Chín giờ tối, mặt trời đỏ màu máu còn cách chân trời nửa con sào.

 

Trong tàu điện ngầm trở về, người chật ních. Nghe tiếng đàn bà gọi “I-li-a”, một cặp vợ chồng già mới lên. Người vợ bảo chồng ngồi vào một chỗ còn trống, riêng bà ta thì đứng trước mặt. Người chồng có lẽ ốm, gục đầu vào bàn tay vợ đặt trước bụng. Mình đứng lên nhường chỗ, ra hiệu bảo bà ta ngồi xuống cho chồng dựa, nhưng họ cảm ơn và từ  chối.

Về đến nơi nghỉ, 9g30 vẫn còn hoàng hôn.

 

12- 8 .   Sáng nay,  P. đã ra sân bay sau mười ngày bị kẹt lại và sau ba lần lỡ “hẹn”. Bị kẹt thì ngay ở Pari về Việt Nam vẫn xảy ra, nhất là vào dịp hè. Họ chật chỗ thật, không như ở Mát đi bằng máy bay Aeroflot, hành khách bị kẹt lại cả đống mà trên khoang máy bay còn rất nhiều ghế trống!

 

20 giờ  ta sẽ “bay”, nếu không có gì trục trặc (sao cách làm ăn của họ cứ gây cho người ta tâm lí bất trắc thế!). Mặc không ít người nói xấu Matxcơva; mặc ý kiến “đến thành phố tư bản chủ nghĩa rồi về các thành phố xã hội chủ nghĩa, kể cả ở các nước phát triển, có cảm tưởng như ở thành thị về nông thôn”, mặc thành phố đang rõ dấu hiệu xuống cấp, mặc những khó chịu gặp phải, rời Matxcơva, mình cũng có tâm trạng như khi rời Pari, vẫn mang theo những  ấn tượng đẹp.

 

Anh em nhà C. thật chán. Chú em, điển hình của đố kị và thô bạo: “Tôi, hai bằng kĩ sư, mà giờ phải làm thuê nơi đây chưa đầy hai trăm rúp/tháng. Ông ấy kiếm bẫm, con cái học hành thành đạt cả. Vợ con tôi còn nheo nhóc”. Em không thèm tiễn anh, mà anh cũng không chào từ giã em. C. rất tâm đắc cuốn “Đắc nhân tâm” dịch của một tác giả Mĩ, khuyên mình nên đọc để vận dụng; riêng anh ta “đắc” được “tâm” của  hầu hết những người giao du, nhưng lại chẳng “đắc” nổi “tâm” của em mình! Làm “khổ” lây cả đến mình. Mình cho người em một lọ nước hoa Pháp, hắn tỏ ra tử tế, nhưng khi hắn gạ bán cho mình mấy thứ hàng Liên-xô không được bèn trở mặt liền.

Ga bay Sê-rê-met-sê-vô, chuyến bay về Băngcốc. Không phải chuyến bay Mát-Hà Nội hay Mát-Thành phố Hồ Chí Minh nên không hỗn tạp. Trong phòng đợi, nhờ một cặp vợ chồng già người Âu, chẳng biết có phải người Nga không, trông hộ để đi ra một lúc lâu, vậy mà yên tâm có khi hơn cả gửi cho  người mình ở chốn này.

 

Máy bay cất cánh lúc 21 giờ, trễ 45 phút. Nhớ có lần mình cũng từ đây ra đi trong mưa lạnh. Lần này, nắng nóng, mặt trời vẫn còn trên chân trời, đỏ hồng.

 

Đêm, sân bay Tatsơken (thủ đô Udơbêkixtan). Một hành lang thật là dài để đến chỗ một chai nước ngọt dành cho hành khách miễn phí. Mình đã dừng lại nơi khá nhiều ga bay, chỉ riêng ga Tatsơken mới có “mục” này. Âu cũng là một ưu điểm. Có những ga bay, ghé lại bị khát mà không có tiền địa phương đành chịu “chết”, đưa USD thì họ không có tiền lẻ tương ứng để giả tiền thừa. Chẳng có gì bán. C. bảo năm trước ghé đây thấy có táo bán nhưng “dân xuất khẩu lao động” V.N. tranh nhau mua, những hành khách khác chỉ biết lắc đầu, không thể nào len vào nổi. Không như ở các ga bay “tư bản”, nơi mà các cửa hàng trong khu vực cách li mở suốt đêm, ở các ga bay Tát, Mát, các cửa hàng loại đó cửa đóng im ỉm”.

 

13- 8 .   Sân bay Karachi (Pakistan). Đang mưng đất, sáng ra rất nhanh, chớp mắt đã sáng bạch. Hành khách không được xuống, vì lí do an toàn cho chuyến bay. Nhìn qua cửa mắt bò thấy “lèo tèo”. Sau 20 phút, máy bay lại  cất cánh. Nhìn xuống, Karachi có những khu nhà gợi nghĩ đến những khu nhà tập thể bốn, năm tầng ở Việt Nam. Vùng đất ít cây, phơi màu đất sét trắng ợt. Một số nơi có cây dọc đường giao thông hoặc quanh nhà ở, hoặc từng đám như công viên, nhưng vẫn thấy đất “trọc“ nhiều hơn, có cảm giác như là vùng cận sa mạc.

 

Mây trời hôm nay lộn xộn và bất thường. Có lúc nom xa dồn đống đặc. Có lúc tơi tả. Nhiều tầng, nhiều đám, nhìn xuống không ra biển mây. Lồi  lõm, thấp cao, dày mỏng, thưa đặc. Phía dưới như những đám bọt chất đống nơi này nơi khác trên một biển nước sâu đen ngòm. Ngang tầm máy bay, một nền phẳng xa trên đó hiện rõ những hình thù bụi tre, lùm cây, tảng đá, thậm chí một khối đá đột khởi sừng sững. Dường như máy bay không đủ sức vượt lên quá tầng mây trên cùng. Nhưng rồi, máy bay cũng đã ở trên mây. Bây giờ “thế giới” mây đỡ lộn xộn hơn, song vẫn có “núi”, có “vực”, có “đồng bằng”.

 

Cảng bay Đenli (Ấn Độ). Chuyển tàu. Vào phòng đợi cách li phải qua bốn lần cửa, có chiếu điện kiểm tra hành lí, nhất là sờ nắn người, có lẽ là duy  nhất trong các ga bay. Cái “anh” Ấn độ giở chứng  hay do “anh” Aeroflot thuê? Có lần, ngồi máy bay của hãng  Air France ghé nơi đây phải ngồi chết dí trong khoang tàu hàng mấy tiếng đồng hồ. Lần này, được tạm xuống nhưng xem ra nhiêu khê quá.

 

Trên cao nhìn  xuống, vùng Đenli nhiều cây hơn vùng Karachi, mặc dù K. gần biển. Mặt đất Ấn độ tựa như những đám ruộng chỗ xanh, chỗ vàng (xanh-cây, vàng-đất?), Có phải do qui hoạch khai thác và dưỡng rừng?

 

Trời lại đầy mây che mặt  đất, mặt biển.

Sân bay Đôn Mương (Thái Lan). Nhà ga đẹp, văn minh, rộng thoáng không kém  Roatxi (Pháp), hơn cả Sêrêmetsêvô (Liên-xô), tất nhiên là vượt xa Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

 

Đường phố Băngcốc chật xe và người. Đã thở không khí nhiệt đới Đông Nam Á và mùi... Tàu! Lái xe taxi người gốc Hoa có vẻ dễ thương, một vợ. một con, biết một ít tiếng Anh, tiếng Khơme.

Dùng phở cho bữa tối. Dù sao vị phở cũng đã gần phở Việt Nam chính hiệu hơn hồi ăn tại Pari.

 

Thứ ba 14-8 .   Mới chín giờ sáng đã nắng nóng, oi oi, dễ ra mồ hôi,- lâu ngày mới gặp lại cái tiết trời này. Băng-cốc nhiều ô tô hơn cả thành phố Hồ Chí Minh. Chật, ồn, bụi, không khí nặng nề hơn Pari, Matxcơva ... nhiều; nhưng không xô bồ như Hà Nội, Hải Phòng.

 

Thăm một ngôi chùa lớn, mái đỏ dốc đứmg dạng lưỡi búa, hai đầu hơi vểnh lên. Leo núi Vàng (golden mount). Trên tầng thượng có cái chóp hình quả cầu với đuôi nhọn dát vàng.  Quanh chóp là hành lang lộ thiên kiểu sân thượng. Đứng đây có thể nhìn bao quát Băng-cốc như đứng trên đỉnh Môngpacnat nhìn Pari, hay đứng trên tháp truyền hình nhìn Matxcơva.

 

Oi nồng nhưng chưa đến mức của Bắc Việt Nam thời gian này. Người đông, đi lại  nhiều nhưng không chen lấn, lộn xộn, nhố nhăng mấy. Không khí  bị ô nhiễm nặng. Những dòng sông nước đen đặc bốc mùi tanh, làm người ta cảm thấy nặng nề, mệt mỏi.

 

Những học sinh-sư mặc áo vàng đi có hàng lối. Nhóm du khách Úc.

Du lịch Thái Lan qua việc giới thiệu Băng-cốc, còn kém du lịch Pháp qua việc giới thiệu Pari. Nhưng hơn hẳn du lịch Việt Nam. Năm nay, họ kỉ niệm 30 năm du lịch. Còn Việt Nam lấy năm 90 này làm năm du lịch liệu có chuyển biến chút nào không?

 

15-8  .  Sáng dậy cảm thấy mệt mỏi, phải tạm nghỉ “du lịch”.

Chiều ghé chợ Bobê, một chợ chỉ bán toàn quần áo. Không bán lẻ, bán theo tá (12 cái). Một cô nàng nhẹ nhõm, tươi cười, lịch sự, nhưng cương quyết không bán 8 cái, lại có thể bán 6 cái (nửa tá). Thật kì cục ! Về chủng loại, màu sắc, giá tiền, cô ta rất “giữ vững lập trường”.

 

Mua cao hổ cốt, gặp một tay Tàu trung niên trắng trẻo, béo tốt, bán với giá 280 bạt. “Tôi đã ở Việt Nam, tôi bán giá ấy, chứ nơi khác phải 300 bạt”, anh ta nói bằng tiếng Anh. Lúc bọn mình đi ra, anh ta nói “cảm ơn” bằng tiếng Việt rất sõi.

 

19 giờ trời đổ mưa to. Ngồi trong phòng trọ, nghe mưa trên đất Thái, “cái buồn lữ thứ” là sao nhỉ?

Thiếu tiền Thái (bạt) phải uống sữa đậu nành  trừ bữa. Đưa đôla mua gì họ cũng không bán. (Ở Việt Nam thì “xài” chui xả láng! Vậy mà quản lí ngoại tệ tỏ ra rất chặt chẽ!). Thật là thiếu phòng xa!

 

16-8 .  Đến Ngân hàng tài chính đề nghị đổi đôla ra bạt, họ không nhận. Một tư nhân đồng ý đổi nhưng với giá 1 USD ăn 19 bạt (giá đúng là 25 bạt). Đến Farmer Park, họ chỉ nhận đổi những đồng 20, 50 đôla. Thật nhiêu khê gần bằng ở Việt Nam! Ở Pari sao mà dễ dàng thế! Mà Thái Lan đang là nước tư bản chứ có phải “xoàng” đâu! Đổi tờ 100 đô phải đến Bangkok Bank. Thủ tục nhanh gọn. Niềm nở nhưng dứt khoát, xong, khách đang kiểm tiền đã bỏ đi làm tiếp công việc.

Kênh đào sặc mùi xú uế, vậy mà có đôi trai gái vẫn ngồi hóng gió và tình tự được!

 

Rẽ vào một ngôi chùa, có lẽ vào loại bé nhưng chùa chính khá cao, đường bệ, những hoa văn trang trí bằng mảnh sứ hơn hẳn cổng thành Huế. Những  ngọn tháp mà hoa văn chính là cánh sen hoặc lá đề cách điệu. Một cây bồ đề cổ thụ; trong vành đai xi măng bao quanh gốc có những đám mà nom từ xa như phân người hoặc phân chim nhoe nhoét, lại gần mới biết là nến chảy. Những dãy nhà đồ sộ có nhiều thanh niên trẻ đẹp và những thiếu niên mặc áo vàng khoẻ mạnh, mặt mũi sáng sủa. Chắc là trường Phật học, và bọn họ đều là người Tàu. Ở Băng-cốc, người Tàu rất đông, nắm nhiều ngành kinh tế chủ chốt.

 

Chiều tối. Phố xá Băng-cốc nhiều xe cộ, ít người đi bộ, có lẽ họ đi xe riêng hoặc đi xe buýt. Vỉa hè sạch, gọn và thoáng, không bày hàng hoá lấn ra. Các hàng ăn bày ở đoạn đường nối thông hai phố, khá rộng. Chập tối, các quán ăn dọn đi hầu hết; sau bảy giờ tối khó mà kiếm được cái ăn nơi đây. Các cửa hàng khác thường  đóng cửa tầm 8 giờ tối.

 

Gió  thổi mạnh, trời đùn mây đen. Vội vàng chạy mưa, song mưa không tới như tối qua. Mưa gió ở đây cũng thất thường.

 

17-8 .  Đi chơi công viên Xiêm (Siam park). Tương tự công viên Tuynlơri ở Pari hay công viên Goocki ở Matxcơva về qui mô, về nội dung, có khác biệt chút ít. Về tổ chức, chặt chẽ hơn: tiền vé vào cửa khá cao, và trong rồi dự hầu hết các trò chơi đều miễn phí. Phục vụ ăn uống khá chu đáo, không đắt hơn ở ngoài; hơi phiền một chút là mua dù chỉ một que kem cũng phải vé. Kiến trúc có phần tráng lệ hơn cả hai nơi kia; duy kém cổ kính hơn Tuynlơri. Chỗ công viên nước (water park) qui mô hơn hai nơi kia nhiều. Cảnh sắc cũng có vẻ hơn. Mình và C. tham dự một số trò. Hai người lớn trở lại làm trẻ nhỏ. Buồn cười chỗ “thuyền chao”, đúng là “lộn ruột”, người nôn nao, xốn xang khó tả, đang lúc  như  vậy mà C. còn thốt ra được câu nói đùa “có ... ra đấy tao cũng chịu” mượn lời ông lão trong chuyện tiếu lâm “Ăn quen bén mùi”. Khách du, chỉ thấy một cặp da trắng, đã cao tuổi.

 

Khi đi từ trung tâm thành phố mất một giờ taxi. Lúc về, bắt nhầm xe buýt về hướng tây-bắc. May một bà già chỉ cho biết lại còn uỷ cho một thanh niên-sinh viên trường Luật, người Hoa, chỉ dẫn cụ thể. Hai lần xe buýt, mỗi lần một giờ, tắc đường gần một giờ nữa, về đến nhà trọ đã tối sẫm.

 

Thứ Bảy 18-8-90.

Sáng dậy chuẩn bị ra sân bay. Đã hơi nóng.

Đường ra sân bay, dòng xe cộ nối đuôi nhau, nhiều lần ùn tắc. Lướt qua nhiều phố xá rộng rãi, khá đẹp. Không thấy đồng trống hoặc rừng cây như đường đến ga bay Roatxi hoặc Sêrêmetsêvô.

 

Nhà ga hai tầng như Sêrêmetsêvô nhưng thoáng đãng, tươi mát hơn. Mình đã đi một vòng lên cả tầng ăn uống. Nhìn ra xa, một vùng cây cối, những nhà lầu xinh xắn, nhẹ nhõm thấp thoáng.

Qua cửa hải quan, hai người còn vừa đúng 30 bạt để mỗi người một cốc sữa “cầm hơi”. Một cốc sữa hơn một đôla!

 

Máy bay còn trống khá nhiều chố. Dân “thạo đi” nói tuyến Băng-cốc-Hà Nội người ta ưa chuộng máy bay Thái hơn mà còn vậy đó.

 

Cât cánh chậm nửa giờ. Vĩnh biệt đất Thái! Nhìn xuống đồng ruộng Thái Lan thấy qui hoạch chu đáo, hơn kiểu “bờ vùng, bờ thửa” bên ta nhiều. Những thị trấn, những tụ điềm dân cư rải ra. Mấy ngọn núi tụm lại cô đọc giữa đồng bằng. Kia có phải là sông Mê Khoỏng (Mêkông)? Nước đục. Một cái hồ lớn- Một cái biển con- nước xanh, ở đâu nhỉ? Đã đến đất Lào chưa? Rừng xanh trùng điệp. Và mây trắng dồn xô bồ. Vào đất Việt lúc nào không biết. Đồng ruộng Việt Nam đây rồi! Không thấy chỉn chu như bên Thái. Cái manh mún rất rõ. Vùng dân cư “đặc” hơn nhiều. Thôn quê rất nhiều nhà gạch so với trước kia mấy năm. Con sông lớn kia là sông Đà hay sông Hồng?

Máy bay hạ cánh xuống Nội Bài. Ngồi trước mình, một cô người Úc cũng mải mê nhìn ra xem phong cảnh. Hỏi ra, “lần đầu đến Hà Nội, đến Thành phố Hồ Chí Minh đã hai lần”.

 

Lại đặt chân lên Đất Mẹ.

Đã biết là sẽ rất nóng, vậy mà vẫn cảm thấy khó chịu.

Đường về qua cầu Thăng Long. Hà Nội, những phố xá quen thuộc mà mình khó nhận ra. Cầu Chương Dương. Đường Năm. Cảnh đợi cho xe lửa qua ở cầu Phú Lương, đợi dòng xe ngược chiều qua hết ở cầu Lai Vu. Quen mà lạ.

 

Về đến Hải Phòng phố xá đã lên đèn. Đường phố Việt Nam không lẫn với bất cứ nơi đâu. Những dòng xe đạp, lúc lúc một chiếc ô tô rẽ ra. Người đi đông trên hè đường. Những quầy hàng, quán nước tràn ra hè phố. Và cái nóng kinh khủng, người luôn luôn đẫm mồ hôi. Các khu nhà tập thể (chung cư) có nhiều thay đổi theo hướng xô bồ hơn và “tư lấn công” nhiều hơn. Có những nơi đã mọc thêm những bức tường khiến mình nhầm lối.

 

Bát bún riêu cua đã lâu mới được ăn hoá ra lại lạ miệng.

Đêm đầu tiên ngủ lại trên cái lát giường cứng, sau gần hai năm quen nằm trên nệm êm nào có thấy đau người như họ, một số người làm việc lâu tại nước ngoài trở về, vẫn nói đâu!./.

 

Khải Nguyên
Số lần đọc: 2383
Ngày đăng: 31.08.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mối Tình Vương Giã, Hai Đám Cưới & Một Đám Ma - Thụy Vi
Ngày Đã Qua Và Bạn - Nguyễn Thị Hậu
Tình Xanh - Thụy Vi
Dự Cảm Sau Khi Chết Của Trịnh Công Sơn - Khuất Đẩu
Nghĩ Về Chữ “ Hiếu Hạnh” - Mang Viên Long
Tạp Ghi Sau Lần Về Khói Hương Cho Người Bạn Vừa Khuất - Nguyễn Hùng
Thuở Ban Đầu - Phạm Ngọc Hiền
Phải chờ đến nửa trăm năm … - Phạm Ngọc Lư
Bài Thơ “Còn Gặp Nhau” Của Tôn Nữ Hỷ Khương - Mang Viên Long
Nay Mới Có Dịp Tỏ Bày - Lâm Bích Thủy
Cùng một tác giả
Tĩnh vật (truyện ngắn)
Sông Phố (truyện ngắn)
Vào Hang Bắt Cọp (truyện ngắn)
Mây Núi Sapa (truyện ngắn)
Không đề (truyện ngắn)
Phận (truyện ngắn)
Nợ trần (truyện ngắn)
Li hương (truyện ngắn)
Dây Mơ (truyện ngắn)
Thiên Truyện Bỏ Dở (truyện ngắn)
Giấc Mơ Bọ Ngựa (truyện ngắn)
Cái hạt (truyện ngắn)
Hoàng hôn pha lê (truyện ngắn)
Nụ Hôn Muộn (truyện ngắn)
Ông Nọi (truyện ngắn)
Truyện Khó Đặt Tên (truyện ngắn)
Lần Vết Giai Thoại (truyện ngắn)
Chim Gõ Kiến (truyện ngắn)
Tìm Dâu Thảo (truyện ngắn)