Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.185
123.216.320
 
Những Bài Báo Của Vũ Bằng Trong Năm 1945 -2
Lại Nguyên Ân

LẠI NGUYÊN ÂN sưu tầm, giới thiệu

 

LẤY MÁU TRONG TIM RA ĐỂ VẼ TRANH

 

Hoạ sĩ Việt Nam đã trưng bày ngót 200 hoạ phẩm “cổ động nền độc lập” ở Nhà hát Lớn từ 2 đến 11/6/45 và được hoan nghênh đặc biệt.

 

Tôi không nói diễu. Nhưng quả thực là nhà văn ta mơ màng. Này, cuộc đảo chính vừa xong, hoạ sĩ thi sĩ nghệ sĩ họp hội nghị mấy lần để tính chuyện tham gia công cuộc này, ủng hộ phong trào khác, mà đến bây giờ văn sĩ và thi sĩ vẫn chưa làm gì cả. Súng bắn vào tai cũng chả cần. Nhưng hoạ sĩ thì đã bắt tay ngay vào việc. Có lẽ vì ít nói chăng? Điều đó tôi chưa có dịp hỏi một ông nào cả.

 

Vì hoạ sĩ nào cũng bận. Bận vẽ tranh cổ động cho nền độc lập Việt Nam. Và những tranh đó, từ chiều 2-6-45 đã trưng bày tại tầng gác thứ hai Nhà Hát Lớn cho công chúng vào xem không lấy tiền.

 

Tôi đã đi dạo nhiều lần ở trong phòng triển lãm đầy một vẻ “nghệ thuật vị nhân sinh” đó. Không. Ngót hai trăm bức vẽ đều thực cả. Mơ màng thì sống thế nào được vào cái lúc này.

 

À, bức nào mầu cũng ít mà trông toàn thể thì rực rỡ vô cùng. Ta xem loại nào trước nhỉ? Cứ thứ tự là hơn. Đi xem từ lúc hãy còn đeo cái ách của bọn thực dân Pháp đã. Bức tranh “Lịch sử cuộc khai hoá dân Việt Nam” có thể tóm tắt được hết cả công cuộc của người Pháp ở đây. Một ông tây gầy như con mắm, quần loè xoè kiểu Sác-lô  vác một cái va-li lép kẹp trèo lên đất Đông Dương. Đấy là ông ấy “đến”. Đến đoạn “ở” thì ra tuồng: mặt phị gẫy gục, có vẻ dâm ác, miệng hút xì-gà, hai chân vắt lên bàn, có con chó nằm mèo trước mặt. Thế rồi thì “đi”: béo tướng, va-li đầy tràn, có viết ba chữ “Vàng, Bạc và Máu”. Sướng lắm. Ác lắm. Ý quay lại bảo một người Tây khác: − Thôi, anh ở lại mà làm việc, chúng nó còn béo lắm.

Dưới đất, một người Việt Nam chết đói nằm nhe răng…

 

Nhe răng thì mặc nhe răng. Không biết. Những người Pháp ở Đông Dương không trông thấy những quân chết đói của ông Trần Văn Cẩn. Xem bức tranh kia thì biết: tây đầm thì vẫn cứ ôm nhau mà nhảy hát ở “đăng-xinh”. Ta cũng nhảy: hai thằng bé đầu to bằng cái sành mà thân thể róc hết thịt, chỉ còn bộ xương thảm hại nhảy xuống ao… tự tử vì khổ quá. Bên cạnh đó, một bức tranh thần tình: một viên đội xếp béo, cái lưng to bằng cả một cái giường, dắt súng lục, giơ gân bò lôi một người Nam sắp chết, mặt mày xanh lét như đít con đom đóm:

TA – Văn minh đâu? Sắp đến chưa hở ông?

TÂY – Làm gì mà vội thế? Đây kia rồi.

Đó là một cái nghĩa địa chồng chất những mồ con mả lớn.

 

Tự do! Bình đẳng! Bác ái! Làm cho dân các tiểu quốc chết cả đi: bác ái đấy mà! Bức tranh này làm cho ta buồn rã rời và căm giận vô cùng cho cái óc của bọn thực dân giả nhân bỏ nghĩa. Cột tam tài, tranh thống chế Pê-tanh, Pháp Việt phục hưng. Một người Tây dắt một người Nam đi trên đường tiến bộ… tối như hũ nút.

 

TÂY:  Đấy, ngài cứ tha hồ tự do muốn nói gì thì nói, muốn đi đâu thì đi.

Nhìn lại ông Việt Nam thì mắt có băng buộc mà chân thì bị xích!

 

Bị bịt mắt, bị xích chân, như thế phải cách mệnh. Đúng đấy. Nhưng coi chừng. Một bức tranh vẽ một căn buồng khám bệnh của ông bác sĩ Pháp. Đủ các thứ lọ thuốc: thuốc trị bệnh thông minh, thuốc trị bệnh đòi bình đẳng, thuốc trị bệnh đòi tự trị, thuốc trị bệnh đòi tự do ngôn luận.

BÁC SĨ PHÁP (bảo bệnh nhân Việt Nam) Anh mắc bệnh yêu nước, phải đi nghỉ mát Côn Đảo ít ra năm mười năm mới khỏi.

 

Ai không muốn đi nghỉ mát thì ở nhà để cho Tây và quan đè gót lên đầu lên cổ, như đã vẽ trong bức “Tôn ti trật tự”, hay để Tây làm trò úm-ba-la cho mà xem. Tứ là cái trò “cải hoá người Việt Nam”. Trang nhất: ông Tây gầy, ông Ta béo. Tranh nhì: Hai ông làm xiếc, che một cái vải. Úm-ba-la… ba ta cùng hoá. Hoá ra cái gì? Ông Tây hoá ra béo xù, đội cái mũ lệch một cách hỗn xược, hút xì-gà, mũi đỏ như một con tôm rim; còn ông Nam thì hoá ra một cái xác chết nhe răng ra vì đói!

 

Tại sao đương béo lại chết như thế được? Một ông đi với tôi xem thứ tự những bức tranh giấy này. Một ông Tây diễn thuyết: “Người Pháp tốt vô cùng. Người Pháp tặng quà người Việt Nam luôn luôn”. Nhìn lại thì ra quà đó là thuốc phiện, rượu, báo Lire à deux, Paris magazine, Séduction, nhảy đầm, phòng cho thuê. Nhà hoạ sĩ chua: “Kết quả đem lại cho đất nước ta là một hạng thanh niên trụy lạc, ăn bám vào xã hội, làm cản trở cuộc tiến hoá của đất nước”.

 

Rượu họ làm quà cho mình cũng là một câu chuyện tức… cười. Một ông Tây béo, mặt đanh ác, − báo Gringoire vẽ mặt Vincent Auriol cũng chỉ ác được đến thế là cùng! − ngồi vắt hai chân lên bàn. Chung quanh: bơ, phó-mát, sâm-banh và một cái biển “độc quyền Phông-ten”. Mỗi suất đinh phải uống mỗi ngày một lít rượu. Một tên Pháp nhà đoan giơ một chai rượu bố đổ vào mồm vào mũi một người nhà quê mặt đỏ:

NGƯỜI NHÀ QUÊ: Lạy ông, con chết sặc mất.

TÂY ĐOAN: Được tự do… uống rượu, mày lại còn kêu ca gì?

 

Trong khi đó, ở nhà trường, thằng con xã Bỉnh vẫn ê a học: “Rượu là thuốc độc, thuốc phiện là thuốc độc”.

 

Thuốc phiện độc? À, Tây mong cho mình hút rất nhiều. Tiệm mở đầy như nấm, cổ động truỵ lạc, cổ động cá nhân chủ nghĩa. Chơi cho thích vào, cô ơi và cậu ơi! Mệt, đã có thuốc phiện kia trợ lực. Nhà hoạ sĩ đề dưới bức tranh vẽ một bọn thanh niên ta hút thuốc phiện dưới quyền chỉ huy của một người Pháp (có phải Ducoroy không?) và đề: “Những người bỏ đi”.

 

Những chuyện đó, bọn thực dân Pháp làm công nhiên ở nước ta, nhưng không lúc nào quên hò “Tự do, Bác ái và Bình đẳng”.

 

Tự do? Một người Nam sắp chết bị ba người Pháp bịt miệng. Tự do… giết người?

Bác ái? Ba người Pháp bóp cổ lè lưỡi một người Nam, trong khi con chó tây được ngự lên bàn ăn súp. Bác ái với vật chứ không bác ái với dân thuộc địa.

 

Còn Bình đẳng? Một ông Tây béo trương béo nứt ngồi vắt chân chữ ngũ trên xe do một người Nam lè cổ ra mà kéo. Cái bình đẳng lạ lùng! Bức tranh đó còn có thể lấy đề là: “Nghĩa chữ cần lao ở dưới thời Pháp thuộc”.

Tự do, Bác ái và Bình đẳng vạn tuế!

 

Quân giả dối đó không lúc nào quên hô to ba chữ thiêng liêng kia, mà càng làm việc tàn ác thì lại càng hô dữ.

 

Bốn bức tranh. Bức tranh thứ nhất vẽ một ông Tây tiến đến gần một ông Nam: “An Nam tốt”. Bức thứ nhì, lôi mũi: “An Nam tốt nhiều”. Bức thứ ba, lấy gân bò đánh túi bụi người Nam: “An Nam tốt lắm”. Bức thứ tư: “An Nam tốt quá. Pháp Nam phải đoàn kết chặt chẽ với nhau”. Thì ra đoàn kết chặt chẽ thật: Ông Pháp mắm môi mắm lợi bóp cổ ông Nam thật chặt, chặt lè cả lưỡi và trợn tròn cả mắt! Tự do, Bác ái và Bình đẳng vạn tuế!

 

Một cái nhà to, cửa sắt, có lính canh rất ác. Đó là nhà pha Hoả Lò? Không. Đó là nhà Bảo hộ. Cửa mở, người ta trông thấy có những kiện hàng “Tự do, Bác ái và Bình đẳng” chồng đống lên. Một người dân Nam bước vào. Cửa khoá lại 61 năm. Đến năm 62 cửa mở rộng ra, thì, ông đoán đúng đấy có một cái xác chết còng queo trong đó. Xác người Việt Nam chết vì Tự do, Bác ái và Bình đẳng của người Tây. Tự do, Bác ái và Bình đẳng vạn tuế!

Một triệu người gầy trơ còn có bộ xương, đứng ngửa lên nhìn một tên thực dân Pháp ngồi trên những bì gạo, giơ lên một cái biển đề mấy chữ: “Défense de donner à manger”. Tự do chết đói.

Bình đẳng? Một tên thực dân khác lấy tay móc họng một người Nam có “nốt” đàn nhảy nhót chung quanh: bình đẳng mà bị coi khinh hơn con vật.

 

Còn Bác ái? Nhà tù đầy rẫy kia, chánh trị phạm đợi hàng lũ để chờ đem bắn. Người ta có thể lẩy câu Kiều này của Quang Phòng để đề ở dưới bức tranh Tây giết chánh trị phạm Việt Nam:

 

Hoành hành hơn sáu mươi niên

Làm nên động địa kinh thiên đùng đùng

 

Văn và hoạ xưa nay vẫn đi với nhau. Ở trong cuộc triển lãm này có những bức hoạ lẩy Kiều được nhiều người chú ý.

 

Để mỉa quan lại Việt Nam ăn lễ dân đen để đút cho Tây:

 

Mười anh quan lại cả mười

Bòn nơi khố rách đãi nơi quần hồng

 

Để mỉa mai bọn thực dân ăn hết xương tuỷ dân Việt Nam. Một bên thì chết đói, một bên thì dắt tay nhau nhảy nhót:

 

Quần là áo lượt rong chơi,

Tiền An Nam đã cung rồi lo chi!

 

Để mỉa mai bọn người quên thù mất nước, đi với Tây để hại người mình (tranh vẽ một người Nam bị nhốt vào chuồng chim, Tây ngồi giữa, có hòm súng dao, bên cạnh có một cô gái Việt Nam):

 

Trong vòng súng dựng gươm trần

Kề lưng hùm sói gửi thân tôi đòi.

Đề dưới bức vẽ một người Tây đếm vàng:

Lừa dân dối nước hết đường

Quý hồ có ngọc có vàng thì thôi.

Đề dưới bức vẽ Tây béo đứng trước mấy người chết đói:

Bao người chết đói vì tôi

Thân sau ai chịu tội trời ấy cho?

Đề dưới bức vẽ Tây đeo mặt nạ cười mà tay thì bóp cổ người dân Nam:

Mưu ma chước quỷ có thừa

Mượn màu đạo đức đánh lừa dân đen!

 

Kể cho hết những mưu thâm độc của người Pháp và những câu Kiều lẩy, cung oán lẩy của ông Quang Phòng chế riễu họ ra đây, còn dài. Thôi, ta không nói đến họ nữa. Cho đi về, cũng như người Nhật đã cho họ đi về nhà bò vậy. Cái chính sách thực dân tàn ác, thâm thiểm, nguy hại đến như thế, tồn tại làm sao cho được? Không nước này can thiệp thì cũng phải có nước kia lên tiếng. Chả nhẽ thế giới này chỉ toàn là bọn ăn người cả hay sao?

 

Ta có thể tin rằng một tương lai tốt đẹp đã mở rộng ở trước mắt ta. Quân tàn bạo không thể nào trở về đây được nữa. Bổn phận của người dân lúc này là phải rèn đúc lấy một tinh thần tự trị, gột rửa các nô lệ, phải hy sinh dũng mãnh để bảo vệ tự do như trong những bức vẽ của các ông Lê Văn Đệ, Lương Xuân Nhị, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Văn Tỵ, Trần Văn Cẩn… Phải yêu thương giống nòi, đừng chia rẽ, nhưng phải tìm cách để đoàn kết thân mật lại với nhau hơn. Làm gì có ba kỳ? Làm gì có năm xứ? Chỉ có nước Việt Nam thôi.

 

Nước Việt Nam, qua cái ách Pháp thuộc nặng nề, bây giờ bắt đầu bước vào một kỷ nguyên mới tràn trề ánh sáng. Từ nghệ sĩ đến người thợ, từ bác nông phu đến một chị học sinh, ai ai cũng phải góp sức lại để làm việc cho nhà cho nước cường mạnh hơn. Mà muốn thế, bổn phận cần cấp của ta phải thế nào? Một bức tranh đã trả lời: Chính quyền của người Pháp ở đây như cái cây bị long rễ trồi gốc kia, không thể hồi sinh được nữa. Nhưng cây đó còn rất nhiều rễ con, còn để còn nguy hại. Vậy người Việt Nam kiếm củi phải làm ngay công việc này. Chặt bới cho hết tuyệt những cái rễ con của nó đi: rễ Việt gian, rễ vong bản, rễ xu thời nịnh thế, rễ ham chuộng hư danh, rễ bán nước cầu vinh, rễ thực dân, rễ tham quan ô lại, rễ cường hào nhũng lạm, rễ lý dịch sâu mọt, rễ nghèo, rễ đói, rễ rét, rễ ngu và rễ dốt.

 

Một trăm một nghìn thứ rễ đó, một người không thể trừ bỏ được, mà một chánh phủ cũng không thể nào làm được nốt, nếu không có dân làm hậu thuẫn.

 

Vậy tất cả dân nước cần phải bắt tay vào công việc phá hoại này để xây đắp một nền móng quốc gia mới lên trên.

 

Không phải nói ta cũng biết rằng việc cổ động này không thể làm trong một phạm vi nhất định để cho một thiểu số người xem, nhưng phải làm trong toàn quốc, từ thành thị đến thôn quê, để cho toàn thể dân chúng cùng xem cùng sốt sắng và cùng cắn răng lại để mà làm việc cho xã hội.

                                                           

VŨ BẰNG

Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 248 (10/6/1945)

 

 

NGHỆ SĨ TRƯỚC NHỮNG

SỰ CẢI CÁCH CỦA ĐẤT NƯỚC

CẦN PHẢI LÀM GÌ NGAY?

 

Một vài ý nghĩ nhỏ về việc cải cách chương trình trường mỹ thuật,

Nhân đi xem trưng bày tranh ảnh cổ động nền độc lập Việt Nam

 

Từ ngày quyền xếp đặt nước Nam không ở tay người Pháp nữa, hầu hết các ngành đều đã có sự cải cách để cho hợp với tình thế và cũng là để giúp ích cho sự tiến bộ bị cản trở trong ngót một thế kỷ nay.

 

Sự cải cách đầu tiên có liên lạc với mỹ thuật, ta thấy ở trên những tấm biển hãng quảng cáo. Ngoài những lý do chính đáng khác, sự cải cách đó còn đem cho ta một điều lợi là đỡ được hàng chữ tây: tấm biển sáng sủa hơn.

 

Những sự cải cách khác hoặc do nhiệt huyết của người mình, hoặc vì trước kia bị bắt buộc phải theo một đường khác, đều lục tục xuất hiện để trở nên công việc hàng ngày.

 

Nhất là ở các trường, những món nhồi sọ để hãm sức tiến hoá của học trò đều được thay bằng những món thiết thực có ích hơn. Cái hại của món nhồi sọ đó càng to, sự cải cách càng nhanh chóng. Có ai biết chuyện cải cách ở một trường công nghệ nó mới đây không? Trường có ba giáo sư, cả ba đều không phải là nhà nghề; sở dĩ họ giữ chức đó là vì… thế lực. Muốn tắc trách, họ mua sách công nghệ để học đến đâu dạy học trò đến đó. Sau vì chỉ xem không, không có thực hành, họ bị học trò vượt hẳn. Làm thế nào? Họ kiếm các cách ghìm sức học của học trò lại để thầy có thể theo kịp được trò. Và việc đó cũng đã kéo dài ra cho mãi đến tận hôm xảy ra cuộc chính biến ở đây: học trò đã xin truất ba vị giáo sư bất lực và bất chính kia, và từ đó, sự học ở trường này đã được hoàn toàn cải cách.

 

Nói đến đây người ta không thể không nhớ đến trường Cao đẳng Mỹ thuật. Ta hãy xét kỹ lưỡng xem ở trường này có điều gì cần phải cải cách không?

 

Ta nên nhớ rằng trường Cao đẳng Mỹ thuật đào tạo nên những nghệ sĩ. Mà trong lúc quốc gia cần đến hay sắp cần đến kiến thiết thì bổn phận nghệ sĩ là phải sửa soạn để dìu dắt nền công nghệ về phương diện mỹ thuật. Muốn dìu dắt nền công nghệ cho hiệu quả, nghệ sĩ cần phải liên lạc với những ngành đó và phải am hiểu đến những chi tiết nhỏ của mọi nghề. Mà nghề, nào có phải là ít, ấy là chỉ nói riêng về công nghệ có liên lạc đến mỹ thuật thôi.

 

Ta hãy kể thử ít nghề: nghề thêu, dệt, đan, khảm, chạm, trổ, sơn, nghề đồ gốm, đồ sứ, đồ gỗ, thuỷ tinh, nghề in, nghề đóng sách, nghề làm đồ chơi trẻ con, nghề làm mũ, đóng giầy, nghề đúc đồng, hàng thiếc, nghề làm quạt, nghề rèn sắt, xây nhà, nghề thợ may, nghề diễn kịch, và còn bao nhiêu nghề nữa!

 

Những nghề đó đều có liên lạc mật thiết với mỹ thuật, một nghệ sĩ tự trọng phải hiểu thấu đến cả những chi tiết cỏn con. Và đó mới là những nghề mà trong nước đã có sẵn, chỉ cần chỉnh đốn lại và khuếch trương thêm. Ngoài ra lại còn những nghề cũng cần mà hầu hết các nước Á Đông có rồi, chỉ riêng nước ta chưa có, như nghề đúc sắt, đúc thuỷ tinh, in màu trên sắt tây, nghề chế thuốc, nghề dệt len, nghề chế đồ nhựa, v.v. Tất cả những nghề đó, chỉ có một “nghệ sĩ lý tưởng” mới hiểu biết hết, nghĩa là chỉ có nghệ sĩ nào hiểu biết cho hết được, việc đó ra ngoài sức của một người, dù người đó là nghệ sĩ.

 

Vậy thì bổn phận tối thiểu của một nghệ sĩ ta bây giờ phải thế nào? Trước hết ta phải biết rõ những nghề mà chính người làm nghề ấy cần đến đã.

 

Họa sĩ cần đến những thứ đồ dùng để vẽ như giấy, phẩm, bút lông, bút chì, than, tẩy, sơn, dao để mài sơn, bay để trát son, đó là những thứ thiết dụng nhất. Còn những thứ như khung căng vải, đinh đóng, giá vẽ ba chân, hộp đựng đồ dùng, có thể cứ thuê thợ làm vì vật liệu xấu hay tốt không hệ trọng gì cho lắm.

 

Những thứ kể trên như bút, phẩm, giấy… là những thứ có ảnh hưởng lớn đến công việc của nghệ sĩ. Chỉ hơi xấu một tí là nghệ sĩ có thể bực mình, mà chỉ hơi tốt hơn một tí là họa sĩ vui mừng trông thấy. Từ trước đến nay, nghệ sĩ vẫn đi mua giấy, phẩm, bút của nước ngoài. Được thứ nào dùng thứ đó, nhưng cũng may mà tìm được những thứ vừa lòng cả. Từ khi xảy ra cuộc thế giới đại chiến tàu bè khó đi lại, không còn tìm đâu được thứ tốt nữa. Có người bỏ nghề, có người không thể sống không vẽ được thì dùng vật liệu bản địa. Người ta đã vẽ than vào giấy bản, vẽ phấn bột vào những tờ bìa thay cho vải. Rồi vừa vẽ vừa tức, kết quả tất nhiên là không đúng được như ý nguyện: sự tấn tới thì còn mong đợi gì?

 

Trung gian, nhà sản xuất giấy trong nước cứ theo khuôn sáo cũ mà chế, miễn là tiêu thụ được, có lợi thì thôi. Cũng đã có nghệ sĩ thửa riêng hạng giấy nhưng vẫn là hạng bột xấu, chỉ có dày hơn và mịn hơn thứ thường vẫn bán khắp chợ thì quê.

 

Người thợ mộc biết chế lấy cái bào cái đục thì nhà nghệ sĩ, một hạng người trí thức lại chả nên tự nghiên cứu để chế lấy những vật liệu mà dùng rồi khi nào có kết quả hay, sẽ giao cho nhà công nghệ đem chế tạo để mang bán trên thị trường ru?

 

Nói cho đúng thì khuyết điểm này một phần do ở sự thiếu vốn, không hoàn toàn quy cữu vào tính chểnh mảng, lười biếng được. Nhưng đó lại là một vấn đề khác, dù là khó, nhưng không phải là nan giải.

 

Để đủ tư cách dìu dắt người khác, nghệ sĩ phải cần tự phụng cho thoả mãn. Thoả mãn trong phạm vi bổn phận về nghệ thuật, việc đó rất chính đáng, dù một người khó tính cũng không thể chỉ trích được vào đâu.

 

Và muốn tự phụng cho thoả mãn, nghệ sĩ cứ việc nghiên cứu tìm cho ra những thứ thích hợp với công việc của mình để mà dùng.

 

Trong hai đứa trẻ, một đứa nhặt nhạnh mảnh gỗ mảnh sắt làm lấy đồ chơi với một đứa đem tiền đi mua đồ chơi ở hiệu, ta vẫn mến đứa tự chế lấy đồ chơi hơn. Huống chi nghệ sĩ lại ở vào những trường hợp đặc biệt mà vật liệu dùng hàng ngày không có không xong. Có tự mình nghiên cứu mà cải cách dần dần mới có thể mong một ngày kia chế ra được những thứ giấy, phẩm, bút như ý mình mong muốn.

 

Đó là về phần riêng nghệ sĩ.

Về việc mở những xưởng con con để chế những thứ đó, là phần nhà trường, trường Cao đẳng Mỹ thuật. Nếu nhà trường và cả nghệ sĩ đều lãnh đạm, chỉ đợi bao giờ ở hiệu có giấy, phẩm và bút tốt mới mua dùng, không thì thôi, thời với tình thế này sự tiến bộ về mỹ thuật và công nghệ nước nhà, có lẽ sẽ không được nhanh chóng như nhiều bạn hằng mong ước.

 

Tuy vậy, nếu nhà trường có hậu ý đặt ra xưởng mới để nghiên cứu, mà trong nghệ sĩ không ai chịu nhận một phần việc thì cũng chỉ là phí tiền toi thôi. Vì vậy nghệ sĩ cần phải yêu cầu trước, và cần phải thành thực yêu nghề, yêu sự cải tạo nghề mình trước tiên.

 

Nói đến giấy bút tôi lại nhớ đến cách viết chữ nho.

Khác hẳn với chữ nước khác, chữ nho là một thứ chữ tượng hình, tự nó có ý nghĩa như những hình vẽ vậy. Không do các vần ghép lại với nhau, chữ nho có nghĩa nhất định của mỗi chữ. Trông chữ “mộc” người ta nghĩ ngay đến cái cây; trông chữ “điểu”, người ta nghĩ ngay đến con chim, trông chữ “vũ” người ta nghĩ ngay đến bộ lông cánh, bao nhiêu chữ là bấy nhiêu hình vẽ, mà những hình vẽ đó đều được người ta thu xếp cho gọn, thêm bớt cho đẹp, tự mấy nghìn năm nay. Nước ta trong ngoài ngàn năm nay vẫn theo Khổng giáo, lấy chữ nho làm nền học quốc gia. Chữ nho du nhập vào nước ta đã thành ra chữ Nam như nhiều người đã gọi. Gọi thế không phải là không chính đáng vì thứ chữ đó đã được đọc theo một cách riêng của ta mà chính người Tàu nghe không hiểu. Với một nền văn hoá rập theo đạo Khổng, nước ta đã có hồi trở nên hùng cường cả với nước Tàu to lớn và đông dân gấp hai ba mươi lần. Xem vậy đủ biết cái sở đắc của chữ nho đã đến một trình độ khá cao rồi vậy.

 

Trước đây sáu mươi năm, vì bị đè nén dưới chế độ đô hộ, ta bỏ nền tinh thần đó mà theo đuổi một cái văn minh bề ngoài (tôi xin nói ngay rằng tội đó không ở khoa học Tây phương mà chính là cách ta học không châu đáo), đến nỗi tinh thần ngày càng kém mà vật chất chỉ tiến ở những phương diện xấu xa đáng tiếc. Những chuyện cha hiền con hiếu, vợ chồng nghĩa, bạn bè tín và những chuyện thanh cao, nghĩa khí, quân tử, hy sinh hầu như cùng biến với chữ nho vào chỗ hư không để cho chữ Tây tràn khắp trong đất nước.

 

Chữ Tây, ta vẫn học, nhưng cần phải chuyên về khoa học, học có phương châm, có mục đích tốt đẹp. Còn chữ nho, xét theo tình thế hiện thời thì có thể nói rằng sẽ lại khôi phục được một địa vị cao quý nếu không được bằng thì cũng chả kém lắm khi xưa.

 

Thực vậy, nước ta là láng giềng trực tiếp với nước Tàu và cùng là một giống với nước Nhật ở Á Đông. Hai nước này vẫn dùng chữ nho, không lẽ ta lại lãnh đạm được. Thêm một lẽ nữa là trong khoảng sáu mươi năm trước đây, chữ Pháp có thay thế chữ nho cũng mới chỉ là thay thế trong nền học ở các trường công và các nơi thành thị thôi, chứ ở chốn thôn quê, mà thôn quê là một phần lớn của nước, chữ nho vẫn thịnh hành, duy có kém ngày xưa đôi chút. Gặp phong trào này, cái mầm bị vùi dập bấy lâu sẽ lại trở lên với một sức mạnh lạ lùng. Sau này chữ nho sẽ lại xuất hiện, nhưng điều cầm chắc là không đem đến cho ta cái lối học từ chương khoa cử.

 

Tuy nhiên về phương diện mỹ thuật, chữ nho vẫn là những hình tươi đẹp ngang hàng hoặc hơn những bức tranh Tàu tranh Nhật.

 

Thì hơn ai hết, nghệ sĩ cần phải viết được thứ chữ đó, hơn thế, phải viết cho thực tốt.

Nay ta cứ thử tài một nghệ sĩ cách này xem: Ta chọn một nghệ sĩ có tài trông cái gì vẽ được ngay cái đó, người giống hệt người mà con sâu con bọ không sai một mảy lông, con mắt. Bấy giờ ta đưa nghệ sĩ đó chép một dòng chữ nho. Nghệ sĩ sẽ chép được ngay, nhưng cả khuôn cả nét, so với bản chính sẽ không giống nhau chút nào. Đó là chuyện chép chữ. Nay nếu để cho nghệ sĩ cứ tập viết dăm chữ thôi, cho tập trong mười ngày, đến ngày thứ mười một viết ra vẫn còn xấu lắm. Có giỏi chỉ cũng mới là “thành tự” thôi, chưa thể bảo là tốt được.

Muốn viết tốt, cần phải tập luôn luôn chứ không thể cậy có tài vẽ giỏi mà tưởng rằng mình có thể viết tốt trong mươi tuần, dăm tháng.

 

Người viết chữ tốt thấy có sự tấn tới cũng mê mải như hoạ sĩ đương đi trên con đường thành công. Võ luyện văn ôn. Nếu hoạ sĩ thường nói không ngày nào là không cần đến bút vẽ, thì trong những tay bút thiếp, đây là một tài liệu tôi lượm được trong một cuốn Revue de Shanghai, − cũng lắm người phải viết ít ra một trăm chữ mới đỡ thèm.

 

Do những lẽ kể trên, thiết tưởng trường Cao đẳng Mỹ thuật cũng nên lưu ý mở một lớp dạy và viết chữ nho cho đẹp.

 

Nhân nay nghệ sĩ ta chú trọng vào tranh lụa, cần được những nét đậm đà già giặn, cách tập viết chữ nho cho đẹp và có gân cũng giúp được vào đó một phần khả quan.

 

Kẻ làm nghề bút thiệt này mong rằng sẽ thấy xuất hiện ở nước ta những sách vở, những tạp chí mỹ thuật vừa có tranh đẹp vừa có chữ tốt mà người Tàu vẫn gọi là “thư hoạ đồng trân” − viết và vẽ cũng quý cả.

    

VŨ BẰNG

Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 249 (17/6/1945)

 

 

CỨ CHO HỌ UỐNG!

 

Câu chuyện các ngài sắp đọc đây là chuyện một tấm lòng. Tấm lòng tốt bị vùi dập phũ phàng; tấm lòng tốt bị người ta chà xát dày xéo; tấm lòng tốt được báo đền bằng sự bạc ác, bất nhân.

Chuyện vật trả ân, nhân trả oán.

 

Ngày xưa có một vị sư ngồi dựa một cụm bồ đề, xảy có một bác thợ săn đuổi thú chạy qua. Bác ngã xuống một cái hang và một con quạ một con rắn hoảng sợ cũng lăn theo bác. Cả ba ngó lên trời mà khóc và kêu. Khó cầm được lòng thương, vị sư bèn kiếm một sợi dây thòng xuống đáy hang để cho cả ba cùng bám lấy trèo lên mặt đất. Cả ba đều quỳ lạy.

 

Bác thợ săn nói rằng: Lúc nào ngài đi qua xin ghé vào tôi, tôi được thết đãi theo phận thấp hèn thì vạn hạnh. Con quạ nói: Tôi tên là Bô. Gặp việc không may, ngài cứ kêu một tiếng là tôi đến liền. Và con rắn nói: Tôi cũng thế, ngài cứ kêu “Trăng”. Nói xong cả ba đều lạy tạ, mỗi giống đi mỗi ngả.

 

Và rừng cây đã đổi lá sáu lần.

Sắc đẹp, tiếng tốt, mùi thơm, mỹ vị, áo quần chải chuốt và dục vọng, nhà sư của ta còn cho là sáu lưỡi gươm chém nát thân, cần phải quên đi, thì còn nhớ đâu đến một buổi chiều nào ở bên gốc bồ đề cứu sống ba mạng nọ. Nhưng một sự tình cờ xảy đến: bữa hoàng hôn kia, đi tầm đạo quá chân, ngài bị lạc trong rừng tối và phải vào nhà bác thợ săn xin ngủ trọ. Sợ phiền hà và cũng lo phải thết cơm đãi nước, bác thợ săn đóng cửa cài then. Cả đêm nhà tu hành phải ngủ ở ngoài trời và sáng sớm tinh sương lại đứng dậy đi nốt con đường vô tận của mình thì bất thình lình gặp quạ. Thấy nói bác thợ săn ăn ở tồi tàn như thế, quạ không ngớt miệng chê bai và nói: Phần tôi, tôi không có nhà để ngài ở, không có cơm để ngài dùng, nhưng xin rán đợi, lát nữa tôi quay lại. Nói đoạn quạ lỏn vào cung vua, lấy một hạt kim cương đeo nơi cổ hoàng hậu, lúc đó đương thiêm thiếp giấc nồng. Quạ đem về biếu nhà sư và nhà sư lại đem tặng cho bác thợ săn làm kỷ niệm. Không may, hoàng hậu lúc tỉnh dậy biết rằng mất kim cương lại tâu vua; vua bèn truyền rao trong dân chúng ai bắt được thì thưởng cho một ngàn cân vàng, một ngàn con ngựa, một ngàn con bò; ai bắt được mà không đem nộp thì bị tru di cả họ. Không để lỡ dịp may ít có, bác thợ săn bèn trói vị sư lại nạp vua và tức khắc kẻ tu hành bị đem xử trượng rất nặng nề. Ngài chắp tay vào ngực tụng kinh và tình cờ đã nói đến chữ “Trăng” tức là tên con rắn. Sau khi hỏi hết đầu đuôi câu chuyện, rắn quyết chí báo thù. Nó nói: Nhà vua đây chỉ có một thái tử đông cung, để tôi vào tôi cắn cho hắn chết, rồi ngài lấy thuốc của tôi mà trị cho sống lại thì thể nào cũng được tha. Đêm đó thái tử bị rắn cắn chết, nhờ viên thuốc của rắn cho, vị sư chữa cho thái tử hồi sinh thực. Vua bèn vái nhà sư và xin chia nửa giang sơn, nhưng nhà tu hành nhất định khước từ. Tức thì vua hiểu hết và phán rằng: Bạch đại đức, nếu ngài không nhận phần nửa giang sơn của trẫm thì đâu có thể nào ngài lại ăn cắp hạt ngọc kim cương? Lúc đó vị sư mới đem hết cả câu chuyện ra kể lại, vua thương chảy nước mắt, và lập tức truyền gọi bác thợ săn vào hầu: Ngươi đã làm một việc ích quốc, hãy về đem hết bà con lớn nhỏ trong chín đời lại đây để trẫm thưởng cho. Bác thợ săn đem hết cả họ hàng nội ngoại lại trước đền; vua phán: Sự hung ác và lòng bạc bẽo là hai cái tội lớn hơn hết. Rồi truyền lính giết chết, họ hàng nhà bác thợ săn không còn lại một người nào sống sót.

 

*

“Sự hung ác và lòng bạc bẽo là hai cái tội to lớn hơn hết”. Câu sách đó của nhà Phật, dân nước ta vẫn nhớ; bất cứ đối với ai, chúng ta như vị sư kia, cũng đối đãi bằng cả một tấm lòng chân thật; và mặc dầu ở vào trường hợp nào chúng ta cũng đã cư xử không có thể nào tốt hơn.

 

Vậy mà câu chuyện vật trả ơn, nhân trả oán, một lần nữa lại xảy ra với chúng ta, câu chuyện não lòng, nhưng lần này thì “nhân” không là một người nữa, mà là mười người, trăm người, cả một bọn hèn đốn đã nỡ cất miệng lên chửi trời, đã lấy những tư cách thất phu ra chế nhạo lòng đại lượng và rũ gấu váy để trả ơn những kẻ đã thương họ, không đâm chết họ trong khi họ ngã. Muốn cho rành mạch, ta nên kể lại từ lúc bắt đầu thì hơn.

 

Trung tuần tháng ba dương lịch năm 1945, Pháp kiều ở miền Bắc Việt Nam sực tỉnh một giấc mơ dữ dội. Đùng, vỡ sâm-banh! Đùng, tan bí-tết! Đùng, đi đời cả pho-mát và bơ! Cái ngai thực dân cốt sắt mạ vàng tải từ kinh đô Pháp-lan-tây sang giải đất này, tưởng là vững chắc không bao giờ đổ được, vậy mà chỉ có một đêm, quân Nhật Bản bắn tan, bán làm sắt vụn cũng không có hàng lông vịt đồng nát nào muốn rước. Thế là hết thời của viên cai trị mũi lõ ký một chữ làm cho hàng ngàn người chết trong mười sáu tiếng đồng hồ; hết thời của viên quan võ mắt xanh ngồi lên đùi gái ở trên ô-tô để chỉ huy quân lính; hết thời của tên sát nhân người miền Nam nước Pháp đặt đèn dầu lạc lên bụng đĩ để hút thuốc phiện với một bọn đầm trắng lôm lốp như những con lợn cạo. Hết, hết thời của bọn mật thám Pháp bắn chết hàng chục nhà cách mệnh mà không động một cái gân mặt nào; hết thời của những mụ đầm nếu không đi ngoại tình thì lại đú đởn ngoài phố, chửi cả giống da vàng là bẩn; hết thời của những tây con lấc lấc chửi cả nước người ta, ậm à ậm ệ đi hút thuốc phiện quịt tiền rồi nằm lơ mơ chửi cả tổ tiên của chúng là người người Gô-loa nữa.

 

Không, cái thời của họ hết thật rồi. Văn minh quá sức đến như thế, một trăm năm nữa cũng chưa thể cất đầu lên được, vậy thì cứ cho tự do ở ngoài này làm cái trò gì? Một số người Pháp, vì thế, đã được trịnh trọng đem bê vào cất trong những buồng giam. Trong khi đó, một số khác đông hơn, xét ra giam cầm cũng chỉ được cái nghề ăn hại cơm hại gạo thôi, nên vẫn còn được buông thả ở bên ngoài, đi lại ăn uống và… huếch cái mũi lõ lên chờ đợi bọn đờ-gôn, đờ-gôn-lit, đờ-gôn-liên, đờ-gôn-la đem một cái tàu lông vịt đổ bộ độ một trăm quân lính, mang súng lông ngỗng, đeo kiếm gỗ Hàng Trống, đến giải cứu và lấy lại chủ quyền cho họ!

 

*

Người ta kể chuyện rằng lúc quân Nhật đổ bộ ở Phi-luật-tân, ở Tân-gia-ba, ở Nam Dương quần đảo, thổ dân không chậm trễ một giờ, đã đi tìm quân thực dân Anh Mỹ và Hà Lan để giết. Có kẻ bị trôi sông, có người bị đâm chém, lại có anh bị bêu đầu.

 

Sau đêm 9 tháng 3 dương lịch ở nước ta, ta cũng có thể nhân lúc quân hồi vô phèng xử sự như thế và hơn thế nữa. Bởi vì cái ách thực dân mà họ đeo vào cổ dân ta có lẽ còn nặng nề, ác liệt gấp mấy mươi Anh Mỹ và Hoà Lan nữa. Nhưng chúng ta không làm thế. Không phải chúng ta không biết nóng nảy đâu, không biết thù giận đâu; mà cũng không phải chúng ta hèn nhát đâu; nhưng cái khí hậu của xứ sở này, cái luân lý cố hữu của đất nước này, cái lòng vị tha đã thành phương ngôn của dân tộc này đã luyện cho dân ta một tính thâm trầm, biết suy trước nghĩ sau, một lòng tha thứ và một bụng thương người mông mênh.

 

Con cháu của Nguyễn Huệ, của Trưng Trắc Trưng Nhị, của Trần Hưng Đạo, của Hoàng Diệu của Phan Đình Phùng không bao giờ lại thèm đánh những người đã ngã.

 

Ảnh hưởng của những kinh truyện cũ luyện chúng ta thành những tên lính có hai bàn tay sắt tự đứng ra giữ gìn nổi đất nước mình, nhưng không chỉ biết lăn vào mà chết; hơn thế lại còn tạo chúng ta nên những bực anh hùng biết lấy cái nghĩa và cái đức ra mà sống với nhân loại nữa. Ta nâng kẻ thù ở bãi chiến trường dậy và dù nó nhắm lúc vô ý mà bắn trộm ta, ta cũng vẫn cho uống nước như thường; ta là vua nước Trần sang đánh Thái, không tuyệt diệt nhân quốc, trái lại, lại kính trọng nền dấu tổ tiên người Thái, lập con cháu nước Thái lên làm vua và tự bỏ ngân quỹ ra để sửa sang tôn miếu; ta không thể làm Lã Mông nhưng chỉ có thể là Quan Vũ đánh Hoàng Trung ngã ngựa nhất định không giết, cho về thay ngựa khác rồi lại ra đánh lại. “Hưng diệt, kế tuyệt”. Cái chính sách của các bậc thánh vương Hạ, Thương, Chu lấy việc làm hưng các nước đã bị diệt và làm sống lại những dấu vết các nước đã bị tuyệt, từ xưa vẫn là phương châm sống mạnh của tổ tiên người Việt Nam. Được thừa hưởng một gia sản tinh thần như thế, người Việt Nam năm 1945 không bao giờ nghĩ chuyện trả thù người Pháp. Không, không, trái lại! Lấy một tấm lòng bác ái thành thực mà ăn ở với bất cứ ai ai, chúng ta thương những kẻ tàn ác đã giết thần xác và tinh thần dân ta, chúng ta ghi nhớ cái thù Pháp-lan-tây đô hộ nhưng chúng ta vẫn để cho họ, đến bây giờ vẫn cứ được phép ăn gạo của ta, hút thở một không khí với ta và đi trên một con đường với ta.

 

Một mụ già, một ả đầm đẻ rơi, một đứa con tây bị xe cán, chúng ta chạy lại đỡ dậy và an ủi, như chưa bao giờ giữa Pháp và Nam có xảy ra chuyện gì. Hơn thế nữa. Thấy một tên Pháp cụt chân vì lửa đạn, bê cái mặt xanh rớt đi cùng đường để ăn xin, có người mình lại còn gọi lại cho tiền; một con điếm mắt xanh, trước chửi người Nam là “mọi rợ”, bây giờ đứng đầu đường xó chợ bán cái coóc-xê cuối cùng để lấy tiền ăn, người mình cũng bỏ tiền ra để giúp hơn là để vua; và thành phố hiện giờ còn bao nhiêu người Pháp ngửa tay đi ăn mày mà người mình vẫn cho cơm ăn áo mặc, như đã cho những người không may khác cùng một giống da vàng máu đỏ?

 

Đứng trước một tấm lòng vĩ đại như vậy, một người Pháp biết nghĩ có lẽ cảm động lắm và tưởng tượng như muôn kiếp ngàn đời cũng không thể nào ăn ở cho phu.

 

Thế mà… đấy, một số Pháp kiều ở đây ăn cháo ở bát và đái ngay vào bát để đền đáp tấm lòng tốt của chúng ta như thế đấy!

 

Họ bao nhiêu người? Tôi cũng chưa biết rõ, nhưng quả thực từ hôm đảo chính đến nay, không một ngày nào không nghe thấy lòng công phẫn kêu lên trên các mái nhà trong kinh thành.

 

Đây, mụ đầm Boutonnel, dữ tợn hơn con mụ chủ quán Thénardier, kẹp một người bồi nam vào bẹn chỉ vì người bồi đó đã đi dự lễ truy niệm chiến sĩ Nhật Việt ở chùa Quán Sứ. Kia, tên Léon Grix, chứa súng lậu trong nhà bị bại lộ, nghi cho mẹ thằng bé giúp việc tố cáo, đã rủ hai tên “Khuyển Ưng Khuyển Phệ tây” đến tra tấn và cắt nhau canh gác cho đứa bé không được ra đến đường. Đó, hai anh em tên Laurell không biết thế nào để tiết cái máu “Gô-loa” ra được, uống rượu ty và khoành một cái tay ra đi sinh sự với một người phu xe già rồi đánh cho kỳ ngã, ngã rồi còn đánh. Nọ, tên Pierre Le Maitre, anh hùng hơn Đông-ký-xuất đánh nhau với cối xay, nhảy lên một con ngựa… sắt, vác một cái súng… cao su đi bắn lia lịa vào những cửa hàng ở phố Cửa Nam rồi bị đánh lại kêu người Nam là mọi rợ. Lại kia, tên Piquemal bênh bạn mũi lõ tóc quăn và mụ Le Maitre, xót đứa con mất dạy, chửi rầm rĩ và xé áo của cảnh binh, rứt lon vứt mũ xuống đất và lấy chân chà nát. Lại kia nữa, tên Léon Roturier béo tròn như gã Săng-xô, nằm trên xe mà hát nhạo giống da vàng, bị cảnh cáo, lại phát khùng, gọi tất cả mọi người là chó.

 

Kể hết cả kỳ công của những bực quái kiệt đó ra đây, tôi sợ sẽ làm thương tổn đến lòng tử tế của các ngài bởi vì lòng tử tế của người ta có hạn; nhưng dù không nói còn ai lại không biết câu chuyện gã Vignais ở hiệu bánh Tràng Tiền, hôm 11/6 vừa đây, hôm có cuộc hội họp thứ nhất của thanh niên miền Bắc nghe ông Bộ trưởng bộ Thanh niên diễn thuyết? Một tên bợm, xuất thân làm bếp và hiện đương xử cái nghề ăn cắp là cô đường ta lại, vẩy nước hoa đóng hộp mà gọi là mélasse au miel de Chapa; một con đĩ mắt vọ trước làm chủ tiệm Elderados chuyên chứa quân giết người và mật thám ra vào bàn soạn cùng là nghe máy truyền thanh lậu thuế, một thằng mũi lệch vẫn có tên tắt là Rudex cũng mật thám nốt, lại kiêm nghề quấy bột pha phẩm vàng vào trộn trứng vịt rồi gọi là “crème aux oeuf de faisans hawaiens”. Ba cái cặn bã của một xã hội đó, ba cái mẫu người sống theo kiểu họ nhà tôm đó, các ngài nghĩ xem, nếu tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết, thì liệu có xứng đáng làm ba đứa ăn mày hạng thứ mười một ở nước ta không? Ấy vậy mà đứng trên cái gác thứ hai ngôi nhà bán bánh, chúng đã nhằm chính lúc thanh niên ta cầm cờ vàng đi qua hát bài “Thanh niên” mà nhổ xuống ba bãi nước bọt bẩn thỉu rồi bĩu môi, rụt cổ, vỗ tay chế diễu. À không, cái lòng tha thứ của người ta chỉ có thể có chừng thôi. Làm thế này thì quá lắm; người ta có thể liệt cử chỉ cục cằn của chúng vào cùng một duộc với cử chỉ khốn nạn của ba tên Pháp nhà băng dạo nọ, − ba tên Pháp, không có cách gì để rỏ rằng mình là đống phân của đám rác thực dân, đã xé cái quảng cáo “Việt Nam độc lập” mà di xuống đất.

 

Không một người nào bảo người nào, tất cả những người Nam có mặt hồi 6 giờ 20 ở phố Tràng Tiền hôm đó đều kêu lên một tiếng “Chớ nên làm thế!” Nhưng cái “máu gô-loa” của họ xưa nay vẫn vậy: đã làm điều trái, mà người ta cảnh cáo cho, không những không chịu thôi, lại cứ làm điều trái cho đến cùng. Con mụ mắt vọ rũ gấu váy và hếch cái điểm bộ lên; thằng bợm Vignais cúi mặt xuống đường nhổ lia lịa như trẻ con tiểu tiện và tên mật thám Rudex vòng hai tay lại làm loa ở mồm và hô “Bande de salauds”.[a] Có lẽ họ cho thế là chính khí, là gan dạ, nhưng người Việt Nam thì nhất định cho thế là mất dạy, là ăn mày, là đểu cáng, là vô giáo dục, là… đồ thực dân, nên ngàn người như một, đã nhất định cho chúng một bài học xứng đáng với tầm sức của chúng là quả đấm và cái đá.

 

Các ngài có biết hai vị gà chọi anh hùng và con điếm anh thư đó đã làm thế nào không? Cái mặt xám ngoét lại, cái mũi dài hẳn ra, đôi chân gióng một như bam bam bắp chuối không đi được, chúng đã bò nhanh xuống đất, khoá cửa và, trái hẳn với cái lễ phép của phương Tây, chúng đã móc cẳng lên tai chạy trốn, không huýt sáo, không vẫy khăn mặt mà cũng không chào anh và tôi một lời. Cái tài lủi, nhất định là giống cuốc phải tôn chúng lên làm thầy đó! Những người Nam trèo ống máng lên từng gác thứ hai tìm chúng không thấy, còn biết làm thế nào? Họ đành phải đập bể một vài đồ đạc của chúng đi, viết đôi chữ lên tường cho chúng biết và sau rốt một người đã để lại ở giữa nhà chúng một kỷ niệm lạ lùng mà kỷ niệm đó nhất định là ai cũng có, chứ không phải là thứ crème aux oeuf de faisans hawaiens, độc quyền Rudex và Vignais!

 

*

Trên một căn gác con giữa Hà thành, kẻ cầm bút viết bài đến đoạn này, vừa vặn ba giờ sáng. Lòng bình tĩnh như không bao giờ có thể bình tĩnh hơn, tôi bỏ bút xuống và nghĩ lại lần thứ bảy mươi hai về thái độ của người mình đối với cái hạng Pháp kiều vô lễ nói trên. Vâng, vâng! Ngay lúc những chuyện đáng buồn này mới xảy ra, tôi xin thú là đã không có ý tưởng gì rõ rệt; nhưng đến đêm nay ngồi viết bài này thì thực là nhất định lắm rồi, quả quyết lắm rồi và tin chắc là phải lắm rồi.

 

Luôn một tuần, tôi đã đi tìm hỏi ý kiến của nhiều người trong tất cả các giai tầng xã hội: từ một cô buôn bán ở chợ đến một cậu học sinh, từ một thanh niên đến một bà quan phụ mẫu, từ một công chức đến một cụ già đầu bạc răng long. Tất cả đều nói một lời: “Phải lắm!”

 

Phải, cái đất này vẫn là đất dung người, ai đến ở cũng được, mà giống nào cũng được coi là anh em. Người Ấn Độ cứ buôn bán làm ăn; người Tàu năm 1937 bị thua Nhật, chạy qua biên giới sang đây cứ ăn gạo của chúng tôi, cứ ở nhà của chúng tôi, cứ được chúng tôi đặt lên hàng thượng tân; và chúng tôi lúc nào cũng có ở mâm một cái bát và một đôi đũa cho khách lạ, và một cái giường cho những kẻ lỡ chân. Nhưng cái đức thương người cũng phải có chừng có mực: chúng tôi tốt nhưng không hèn. Người ta không thể ở đất của chúng tôi mà lại chửi cả nước chúng tôi, không thể chịu ơn chúng tôi mà lại khinh miệt chúng tôi; chúng tôi có bàn tay mềm dẻo để đỡ người nhưng đến lúc cần phải đánh thì đánh mạnh.

Ngay lúc người Pháp còn nắm chủ quyền ở đây, chúng tôi dù chỉ tay không, cũng đã đánh như thế chứ không phải đợi đến bây giờ mới đánh. Đứng về phương diện phản đối và cách mạng, chúng tôi không đánh một người, mười người hay một trăm người Pháp, nhưng đánh tất cả giặc Pháp đế quốc, và cứ mươi mười lăm năm lại phanh ruột dội máu ra một lần.

 

Bây giờ, đối với họ, chúng tôi không thèm đánh nữa bởi vì họ đã bị thua Nhật rồi, nhưng chúng tôi phải đánh những tên giặc Pháp vẫn còn nuôi những tư tưởng thống trị, những tên giặc Pháp vẫn còn nghĩ rằng họ có quyền bắt dân này làm nô lệ mãi cho họ, những tên giặc Pháp không biết thân, vẫn cứ tưởng rằng tất cả đều mọi rợ, chỉ có họ là văn minh.

 

Đánh như thế chính thực không phải là đánh họ, nhưng đánh vỡ cái tư tưởng khốn nạn ở trong sọ họ đi; đánh vì công phẫn, đánh theo lối hội đả như ở Mỹ châu, Hy Lạp.

 

“Thế nhưng mà dù sao ta cũng nên biết rằng kéo hàng trăm hàng chục người đánh một tên Pháp, người ta cho là hèn”.

 

Ngài nào nói ra câu danh ngôn đó xin cứ yên tâm, đừng sợ. Thì chúng tôi vẫn nói rằng ta không đánh một cá nhân Pháp kia mà! Đánh như thế là hội đả, đánh vì lòng dân công phẫn chứ có phải là kéo bè kéo đảng để đánh một người khác đâu, có phải là lấy sức mạnh để đánh nhau với sức mạnh đâu; đánh như thế, thế giới gọi là lyncher [a] đó, đánh như kiểu đánh một con chó dại.

Một con chó dại, thè lè lưỡi, chạy cùng đường cắn người ta; một bọn người đi qua có thể cứ giương mắt ra nhìn à?

 

Đừng có nghi ngờ, đồ phản động! Ta phải kéo cả phố ra mà đánh.

      

VŨ BẰNG

Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 250 (24/6/1945)



[a] “Bande de salauds” (chữ Pháp): bọn đểu giả!

[a] lyncher (chữ Pháp, từ chữ Anh lynch): kiểu hành hình của kẻ phân biệt chủng tộc đối với người da đen.

Lại Nguyên Ân
Số lần đọc: 2281
Ngày đăng: 02.09.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Về Đồng Bằng Xem Gốm Đỏ - Minh Nguyễn
Nhật Kí Lang Thang - Khải Nguyên
Những Bài Báo Của Vũ Bằng Trong Năm 1945 -1 - Lại Nguyên Ân
Mối Tình Vương Giã, Hai Đám Cưới & Một Đám Ma - Thụy Vi
Ngày Đã Qua Và Bạn - Nguyễn Thị Hậu
Tình Xanh - Thụy Vi
Dự Cảm Sau Khi Chết Của Trịnh Công Sơn - Khuất Đẩu
Nghĩ Về Chữ “ Hiếu Hạnh” - Mang Viên Long
Tạp Ghi Sau Lần Về Khói Hương Cho Người Bạn Vừa Khuất - Nguyễn Hùng
Thuở Ban Đầu - Phạm Ngọc Hiền
Cùng một tác giả