Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.120
123.228.566
 
Cây Cầu Trong Đời Sống Người Tây Nam Bộ
Trần Minh Thương

1. Miền sông nước Cửu Long và hình ảnh chiếc cầu trong đi lại

 

1.1. Đất - nước miền Tây

 

Vùng Tây Nam Bộ có độ cao trung bình gần 2m, là vùng đất phù sa mới. Sông Mê Kông chảy vào vùng đất phương Nam chia ra làm hai nhánh Tiền Giang và Hậu Giang rồi hoá chín rồng tuôn ra biển. Nằm giữa hai nhánh sông lớn có đến 4.000 kênh rạch với chiều dài tổng cộng khoảng 5.700 km. Câu nói, ở xứ này bước ra cửa là gặp sông nước mênh mông, phản ánh đúng thực trạng ấy. Ngày xưa giao thông chính của vùng đất này lại là đường thủy và một phần đường bộ. Đường sông thì đi bằng ghe, xuồng, tắc ráng, … Đường bộ thì chủ yếu … đi bộ bằng … chân. Để có thể qua được sông, rạch mà không phải ướt mình, không phải lội sông chắc chắn họ phải cần có cây cầu hoặc đò ngang, hay các loại bè làm bằng bụp dừa nước, … Chúng tôi xin dành đôi điều để bàn về hình ảnh chiếc cầu trong đời sống của người bình dân nơi đây.

 

1.2. Cầu và các loại cầu

 

Cầu tre làm bằng nhiều thân tre liên kết vào nhau

 

Theo Từ điển tiếng Việt (http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/Dict/) cầu có 7 nét nghĩa như sau:

- danh từ (dt). Công trình xây dựng bắc qua mặt nước như sông, hồ hoặc một nơi đất trũng để tiện việc qua lại: Cầu bao nhiêu dịp em sầu bấy nhiêu (ca dao); Bắc cầu mà noi, ai bắc cầu mà lội (tục ngữ).

- dt. Công trình xây dựng ở các bến, nhô ra xa bờ để cho tàu, thuyền cập bến: Tàu bắt đầu rời bến, người đứng trên cầu vẫy tay chào.

- dt. Quán ở giữa đồng: Trời nắng, thợ cấy rủ nhau vào cầu nghỉ.

- dt. 1. Đồ chơi làm bằng đồng tiền có giấy xỏ qua lỗ hoặc bằng một miếng da tròn trên mặt cắm lông hay là một túm giấy, dùng để đá chuyền cho nhau, cũng để thi xem đá lên được bao nhiêu lần: Em bé mê đá cầu quên cả bữa ăn/ 2. Đồ chơi bằng vải hình tròn, dùng để tung bắt: Nhiều nơi ở miền núi có trò chơi tung cầu.

- dt. Sự đòi hỏi về hàng hoá để tiêu dùng: Mong có sự cân đối giữa cung và cầu.

- tính từ. Tròn như quả bưởi: Hình cầu.

- động từ. 1. Mong được: Cầu được ước thấy (tục ngữ)/ 2. Xin đấng linh thiêng ban cho mình những điều mong ước: Bà cụ lên chùa cầu Phật phù hộ độ trì cho con cháu.

 

Cầu dừa cầu được làm bằng thân dừa

 

Trong đó, nét nghĩa thứ nhất và ít nhiều là nét nghĩa thứ hai được chúng tôi chú ý và làm cơ sở cho bài viết này.

Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức – Lê Ngọc Trụ khái niệm cầu là vật ngang để đi từ bên này qua bên kia, hoặc từ bờ ra chỗ sâu.

 

Trong thực tế đời sống cầu có thể dài ngắn khác nhau, tuỳ theo độ lớn giữa hai bờ sông, bờ mương, bờ kênh, rạch, … Có khi cầu phải bắt trên cột cầu, cũng có khi bờ sông hẹp chỉ cần một cầy dài gác ngang là đi lại được.

Cầu bắt bằng tre tức là cả cột cầu, thanh cầu đều dùng toàn bằng tre, gọi là cầu tre.

 

Ví dầu cầu ván đồng đinh

Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi

Cầu bắc bằng dừa gọi là cầu dừa, …

Em đi lên đi xuống cầu dừa

Lấy ai có chửa đổ thừa cho anh

 

Để tiện cho người đi, khi bắt cầu người ta thường làm tay vịn, nhưng cũng có khi cầu chẳng có cây vịn nào, người đi phải tự dò, tự bước đi vậy …

 

Thương chàng vô lượng, vô cân

Cầu không tay vịn cũng lần mà qua

 

Cầu cây, để chỉ chung những cầu được bắt bằng cây. Cầu cây, cầu tre gập ghềnh gọi là cầu khỉ. Gọi thế là vì khi đi trên những cây cầu đó người đi phải trỗ tài giữ thăng bằng, uốn, quăng mình như … khỉ, có vậy mới mong không rơi … “ùm” xuống nước!

 

Phải chi lấy được vợ vườn

Tập đi cầu khỉ thêm đường dọc ngang

 

Tốt hơn, kỹ công hơn, người dân xả ván bần, ván bạch đàn, xếp ngang trên các thanh xà, đóng đinh gọi là cầu ván.

 

 

Cầu bê tông thay dần cầu khỉ ở nông thôn, …

 

Bước lên cầu ván cong vòng

Thấy em ở bạc trong lòng hết thương

Khi thực dân Pháp sang vùng đất này cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, xuất hiện loại cầu mà cả thanh cầu, cột cầu, mặt cầu đều làm bằng sắt, gọi là cầu sắt, … Sắt lại được sơn nhiều màu khác nhau, dựa vào đó, người ta gọi là cầu đỏ (sơn đỏ), cầu đen (sơn màu đen) hay cầu trắng, …

 

Bước lên cầu sắt, nắm tay cho chắc, hỏi gắt người tình:

Bướm xa bông tại nhụy, hai đứa mình lỗi tại ở ai?

 

Theo đặc điểm của cầu gọi dần rồi thành luôn tên gọi vùng đất, tên làng, tên xã, Cầu Kè (Trà Vinh), Cầu Bông (Long An), cầu Cao (Sóc Trăng), cầu Sắt (có ở nhiều địa phương), …

 

Gái Cầu Bông như rồng như Phụng

Trai Bến Lức mặt mụn thấy ghê

Em ơi đừng có nói mê

Có ngày rồng phụng cũng về với anh.

 

Cầu Cái Răng nước băng băng chảy

Dạ anh thương người em gái chèo xuồng

Anh ơi nếu thật lòng thương

Cậy mai dong tới tỏ tường với má ba

 

Cầu Bông là một địa danh ở giữa ranh giới hai huyện Bến Lức và Thủ Thừa của tỉnh Long An, Cái Răng là một địa danh của thành phố Cần Thơ. Cầu Cái Răng là cầu lớn nằm trên quốc lộ 1.

 

Cũng có khi theo chiều ngược lại, người ta dùng tên địa danh để đặt tên cho cầu: cầu Mỹ Thanh, cầu Cổ Cò (Sóc Trăng), cầu Rạch Ruộng (Đồng Tháp), cầu Rạch Bần, Rạch Ngỗng (Cần Thơ),

 

Cũng có khi những cây cầu ấy gắn liền với những chiến công lịch sử, với những danh nhân: cầu Nguyễn Trung Trực (An Giang), cầu Tham Tướng (Cần Thơ), …

 

Ở những dòng sông trung bình hoặc lớn, người ta bắt cầu với kỹ thuật dùng ít trụ đỡ mà chỉ dùng dây văng, gọi là cầu dây văng, … Cầu nhỏ hơn bắc qua rạch cũng dùng kỹ thuật ấy thì gọi là cầu dây võng, …

 

Thập niên 40 – 50 của thế kỷ XX, ở Sóc Trăng và Bạc Liêu còn có hai cây cầu quay nổi tiếng. Cầu quay thường có ba trụ. Hai trụ chính nối hai đầu cầu. Do cầu thấp gần bằng mặt nước nên ghe, xuồng tàu bè không đi lại được. Nên theo chu kỳ thời gian, đầu cầu quay sẽ quay qua gác tạm trên một trụ khác, “nhường dòng sông” cho các phương tiện thuỷ hành. Cả hai cầu quay ấy nay chỉ còn lại trong tâm trí của dân gian và … địa danh “Cầu Quay” mà thôi!

 

1.3. Một số cây cầu nổi tiếng

 

Đầu thế kỷ XXI, khi kinh tế đất nước phồn thịnh, giao thông cũng phát triển vượt bậc. Những câu cầu hiện đại đã được khánh thành tại vùng đất Cửu Long. Chúng tôi xin điểm qua những cây cầu nổi tiếng ấy.

 

Cầu Cần Thơ là cây cầu bắc qua sông Hậu, nối thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long. Tại thời điểm hoàn thành , đây là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất tại khu vực Đông Nam Á. Cầu Cần Thơ được khởi công xây dựng ngày 25 tháng 9 năm 2004. Và khánh thành vào lúc 09h00 sáng ngày 24 tháng 4 năm 2010. Toàn tuyến, dài 15,85 km với điểm khởi đầu tại km 2061 trên Quốc lộ 1 thuộc huyện Bình Minh (Vĩnh Long), vượt sông Hậu, cách bến phà Hậu Giang về phía hạ lưu 3,2 km, nối trở lại Quốc lộ 1A tại km 2077 thuộc quận Cái Răng (Cần Thơ). Cầu được thực hiện bởi các kỹ sư chính của Nhật Bản và Việt Nam.

 

 

Cầu Cần Thơ

 

Cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền trên quốc lộ 1A. Đầu cầu phía Bắc thuộc xã Hoà Hưng, huyện Cái Bè (Tiền Giang), đầu cầu phía Nam thuộc xã Tân Ngãi, thành phố Vĩnh Long, Cầu được khởi công ngày 06-07-1997 và khánh thành vào ngày 21-05-2000. Đây là công trình hợp tác giữa các chuyên gia, kỹ sư và công nhân của hai nước Úc và Việt Nam. Cầu Mỹ Thuận là cây cầu dây văng đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam,

 

Cầu Rạch Miễu là cầu dây văng đầu phía Bắc của cầu là thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang), đầu phía Nam ở huyện Châu Thành (Bến Tre). Đây là công trình do Việt Nam tự đầu tư, thiết kế và xây dựng. Cầu dài 8331m, trong đó có một phần là kết cấu dây văng. Ở giữa cầu là cù lao Thới Sơn, chiều cao thông thuyền là 37,5 m cho phép tàu 10.000 tấn có thể đi qua.

 

2. Cây cầu trong tình cảm và nhận thức

 

Không chỉ trong đời sống sinh hoạt vật chất, gắn liền với việc đi lại, từ nơi này sang nơi khác, cây cầu còn có mặt trong đời sống tinh thần của người bình dân. Lý qua cầu là điệu lý mà hầu như người bình dân nào ở Tây Nam bộ cũng hát được.

 

Đồng bào dân tộc Khmer ở miệt Thạnh Trị, Vĩnh Châu (Sóc Trăng) còn kể câu chuyện Sự tích cây cầu, tóm lược như sau: Có một gia đình nông dân nọ có ba người con. Khi người cha gia lâm trọng bệnh, các con mời sư sãi trong sóc đến làm lễ cầu siêu. Vị sư cả giỏi thuốc, biết rằng bệnh tình của chủ nhà sẽ cứu được nếu tìm được một thứ lá cây rừng. Nhà sư nói:

- Các con làm sao đi và về trong vòng ba ngày tới, bênh cha con sẽ khỏi. Quá thời gian ấy, ta không cứu được!

Thương cha, băng qua những trảng dừa nước ngút ngàn, vượt không biết bao là mương rạch chằng chịt để tìm thuốc cứu cha. Hết ngày thứ nhất, họ đi chưa được một phần nhỏ của quãng đường cần tới. Tối, ba anh em dù mệt nhoài nhưng cũng chẳng dám nghỉ chân. Bỗng người em út nghĩ ra cách, chàng hợp sức với người anh kế dùng dao phay mang theo chặt cây bắc ngang những dòng nước, cho anh lớn đi nhanh hơn. Thế là hàng chục cây cầu được bắc qua các bờ sông. Nhờ vậy, người anh đã mang thuốc về kịp lúc chữa bệnh cho cha. Người cha khoẻ lại, vị sư già kể câu chuyện cảm động trên cho bà con nghe. Từ đó, họ truyền nhau cách bắc cầu vượt sông rạch, … Vừa nhanh, vừa tiện trong việc đi lại, …

 

 

Cầu ván: ghép lại bằng những mảnh ván đóng đinh …

 

Trong ca dao, hình ảnh cây cầu cũng xuất hiện với tần số khá cao. Họ truyền bảo nhau đạo lý của con người:

 

Muốn sang thì bắt cầu kiều

Muốn con hay chữ, thì yêu lấy thầy

 

Trong ứng xử, lấy bài học từ việc bắc cầu đã buộc con người phải nhìn lại chính mình. Bởi làm người phải nghĩ, phải suy/ Phải cân nặng nhẹ phải dò nông sâu, chứ không thể nhắm mắt đưa chân, làm càn được!

 

Gỗ trắc đem lát ván cầu

Yên sào đem nấu với đầu tôm khô

 

Nặng hơn nữa là sự mỉa mai, cười cợt cho những “thói đời” trái khoáy:

 

Bà già đi chợ Cầu Đông

Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng

 

Cũng có khi mượn hình ảnh chiếc cầu để ngợi ca đất nước – con người nơi ấy:

 

Cầu nào cao bằng cầu Cái Cối

Gái nào giỏi bằng gái Bến Tre

 

Cái Cối là tên của cây cầu ở tỉnh Bến Tre bắc ngang qua con sông ở xã Thạnh Mỹ An.

Phận gái mười hai bến nước trong nhờ đục chịu, cám cảnh ngộ đó, họ đã cất tiếng than não nuột:

 

Sông sâu biết bắc mấy cầu

Thân em là gái biết hầu mấy nơi

 

Và cũng không ít lần họ “cân nặng nhẹ”, xem thế nào thì “môn đăng hộ đối” để khỏi trái duyên lỡ nợ:

 

Biết rằng đâu đã hơn đâu

Cầu tre vững nhịp hơn cầu thượng gia

Bắc thang lên thử hỏi ông trăng già

Phải rằng phận gái hạt mưa sa giữa trời ?

 

Những câu ca trên ít nhiều đã thể hiện sự tự nhận thức chân giá trị của mình, một nét đẹp vừa mang tính nhân bản, như lời than tiếng trách văng vẳng trong xã hội ngày trước vọng về.

Đến tình yêu lứa đôi, cầu có mặt từ ngày đầu họ gặp gỡ, cầu là điểm mốc đánh dấu nơi họ tới lui trao đổi ân tình:

 

Chị kia bới tóc đuôi gà

Nắm đuôi chị lại hỏi nhà chị đâu

Nhà tui ở dưới đám dâu

Ở trên đám đậu đầu cầu ngó qua

 

Không phải lúc nào sự “chủ động” cũng là phái mày râu. Dân gian rất công bằng đối với phái yếu. Yêu thì nói rằng yêu, chẳng có gì ngại ngần, cô gái thố lộ:

 

Bắc cầu cho kiến leo qua

Cho con chú xã qua nhà tôi chơi

 

Trong lời đối đáp, cô gái sắc sảo mượn hình ảnh chiếc cầu … mồng tơi tỏ thật tình cảnh với người thương:

 

Mồng tơi bắc chả nên cầu

Chàng về xẻ gỗ bắc cầu em sang

Chỉ xanh, chỉ đỏ, chỉ vàng

Một trăm thứ chỉ bắc ngang đầu cầu

Nào em đã có chồng đâu

Mà chàng đón trước rào sau làm gì

 

Vẫn hình ảnh chiếc cầu mồng tơi, cũng ở cung bậc “ngỏ lời” dạm ý, ta gặp câu ca khác:

 

Ở gần sao chẳng sang chơi

Để em hái ngọn mồng tơi bắc cầu

Bắc cầu anh chẳng đi cầu

Để tốn công thợ để sầu lòng em

 

Một câu hát đối đáp nữa, cũng ở cung bậc buổi đầu nhộn nhịp của hai con tim:

 

Tiếng ai tha thiết bên cầu

Có phải nhân ngãi ăn trầu thì sang?

 

Hơn một bậc, đến lúc duyên tình chớm nở, mọi trở ngại đều có thể vượt qua:

 

Yêu nhau anh muốn lại gần

Cầu không tay vịn, anh lần anh đi

 

Cầu ao ván yếu gập ghềnh

Chân lần tay dắt chung tình đi qua

 

Hài hước hơn, mạnh dạn hơn, cô gái hỏi khéo:

 

Chiều chiều vịt lội mênh mông

Cầu trôi ván nổi ai bồng em qua

 

Không gì có thể ngăn cách được nữa:

 

Tìm em chẳng thấy em đâu

Lội sông chẳng tới, qua cầu lại xa

Bây giờ trông thấy em ra

Lội sông cũng được, cầu xa lại gần

 

Nhiều lúc cũng phải đề phòng sự trắc trở, vốn dĩ luôn thường trực diễn ra trong cuộc đời, đôi khi nó nằm ngoài ý muốn của con người:

 

Cầu cao em bắc gập phình,

Anh nên qua lại giữ mình khéo xa

 

Cầu cao ván yếu gió rung,

Em qua không đặng, cậy cùng có anh

 

Đúng như dự đoán, sự việc đã xảy ra, có người đã dùng cách nói tiền giả định, mượn những chuyện không bao giờ xảy ra để nói “tầm phào” vu vơ, nói cho có chứ không mấy chú tâm đến khả năng thực hiện lời nói:

 

Bao giờ sông hẹp bằng ao,

Bắc cầu chiếc đũa qua trao lời nguyền

 

Nhận biết điều đó, người trong cuộc quyết liệt, khẳng định dứt khoát:

 

Cầu ao ván yếu gió rung

Anh thương em thì thương đại, còn ngại ngùng đừng thương

 

Yêu nhau ai chẳng muốn bền duyên giai ngẫu đến răng long, đầu bạc. Họ thể hiện lời thệ hải sơn minh. Cây cầu cũng đã bao lần chứng kiến cảnh thề thốt

 

Chừng nào cầu sắt gãy hai

Sông Sài Gòn lấp cạn anh sai lời nguyền

 

Trong tình yêu, chung thuỷ lúc nào cũng được trân trọng, gìn giữ:

 

Dầu mà nước ngập bờ sông,

Cầu trôi nhịp giữa, tôi cũng không bỏ nàng

 

Cô gái cũng tỏ rõ quyết tâm, sẵn sàng chấp nhận gian lao, vất vả:

 

Bên nầy sông em bắc cây cầu mười tấm ván

Bên kia sông em cất cái quán mười hai từng

Bán buôn nuôi mẹ cầm chừng đợi anh

 

Sau nữa, là tương tư, ngày sầu đêm thảm nếu không tạn mặt nhau. Cây cầu lại trở thành cái cớ để họ trút cạn nỗi niềm, nhớ nhau mà ngẩn ngơ, ngơ ngẩn:

 

Em thương nhớ ai ngơ ngẩn bên đầu cầu

Lược thưa biếng chải, gương tàu biếng soi

 

Nhớ nhung bóng hình người thương không sao nguôi ngoai được:

 

Qua cầu ngả nón dừng bước trông cầu

Cầu bao nhiêu nhịp dạ em sầu bấy nhiêu

 

Hết ốm sầu tư, cơm nước chẳng màng, đến hành động cũng dường như không còn làm chủ được nữa:

 

Thương thương nhớ nhớ sầu sầu

Một ngày ba bận ra cầu đứng trông

Thấy người nam bắc tây đông

Thấy người thiên hạ mà không thấy chàng

 

Một niềm tin chắc chắn:

 

Xin anh hãy cứ an tâm,

Trước sau rồi cũng bắt cầu đẹp duyên

 

Chuyện gì đến cũng phải đến. Tâm đầu ý hợp giao hoà hai con tim yêu rạo rực, ca dao chuyển sang một cung bậc khác: tình cảm gia đình. Bây giờ mọi chuyện đã ổn thoả. Cầu có mặt để chia sẻ cùng vợ chồng son:

 

Vì tằm em phải chạy dâu

Vì chồng em phải qua cầu đắng cay

           

Ở ngã khác, cầu phải chứng kiến sự tan vỡ chia lìa trong tình duyên. Tất cả mọi thứ giờ đây như trời cao sụp xuống, đất lỡ dưới chân:

 

Qua cầu một trăm cái nhịp

Em không theo kịp kêu bớ hỡi chàng

Cái điệu tào khang sao chàng vội dứt

Đêm nằm nghỉ tức, giọt lệ tuôn rơi

Nhón chân lên kêu: Bớ hỡi trời!

Ai bày mưu cho bạn, bạn dứt nơi ân tình"

 

Bình tĩnh lại, họ chỉ rõ nguyên nhân. Đó là do sự hững hờ, bội bạc, dân gian đã cảnh báo với hạng người qua cầu rút ván

 

Ai ngờ anh lại phỉnh mình,

Qua cầu rút ván để mình bơ vơ

 

Qua cầu lột ván tháo đinh

Người thương ở bạc với mình không hay

 

Hoặc đổ thừa cho hoàn cảnh, chỉ một cầu cầu bắc ngang cũng không sang được:

 

Cây khô chết đứng chẳng xứng duyên đầu

Mưa giông anh không sợ, mà sợ cây cầu bắc ngang

           

Nói quơ nói quàng, chống chế:

 

Không đi thì nhớ thì thương

Đi thì lại mắc cái mương, cái cầu

Không đi thì nhớ thì sầu,

Đi thì lại mắc cái cầu, cái mương

 

Đó là do người tình không vẹn vẻ

 

Nào khi gánh nặng anh chờ

Qua cầu anh đỡ bây giờ quên anh !

 

Cầu cao ván yếu ngựa chạy tứ linh

Bạn ơi đi đâu mà tăm tối một mình

Không ngờ bạn lại có tư tình với ai

 

Do cả đấng sanh thành không thuận lòng tác hợp bởi sang hèn hai cảnh khác xa nhau:

 

Ba má em tham ruộng đầu cầu

Tham nhà con một, tham trâu đầy chuồng

 

Chỉ còn một mình anh, giờ đây chịu cảnh chăn đơn gối lẽ, hỏi trời, trời cao có lẽ cũng ngơ ngác, ngỡ ngàng:

 

Cầu Ô Thước trăm năm giữ vẹn,

Sông Ngân hà mãi mãi không phai

Sợ em ham chốn tiền tài,

Dứt đường nhân nghĩa lâu dài bỏ anh

 

3. Những cây cầu trong tâm linh dân gian

 

Khi văn học thành văn đi sâu vào đời sống của người dân lao động, trong lời ăn tiếng nói hàng ngày người dân miệt đồng còn sử dụng những hình ảnh về các cây cầu … vốn không có thực trong thực tế. Nó tồn tại trong điển tích, tôn giáo, có điều nó đã được các văn gia thi sĩ sử dụng vào các tác phẩm nổi tiếng. Từ góc độ văn hóa, xét trong chiều ảnh hưởng, tiếp biến, chúng tôi giới thiệu một số cầu như vậy!

Đầu tiên là cầu Ô (Ô Thước). Ca dao có câu:

 

Khi xa ai biết ai đâu

Vì chim Ô Thước bắc cầu sông Ngân

 

Cầu Ô thì không hẳn là cầu, nó có nguồn gốc từ câu chuyện cổ tích Ngưu Lang – Chức Nữ. Có hai phiên bản, một của Việt Nam và một của Trung Quốc. Truyện cổ tích này có liên quan đến các sao Chức Nữ và sao Ngưu Lang cùng với hiện tương mưa Ngâu diễn ra vào đầu tháng Bảy âm lịch ở Việt Nam. Người Việt kể rằng: Ngưu Lang là vị thần chăn trâu của Ngọc Đế, vì say mê một tiên nữ phụ trách việc dệt vải tên là Chức Nữ nên bỏ bê công việc được giao. Chức Nữ cũng vì mê tiếng tiêu của Ngưu Lang nên trễ nải việc dệt vải. Ngọc Hoàng nổi giận, bắt cả hai phải ở cách xa nhau, người đầu, kẻ ở cuối Ngân Hà.

 

Sau đó, Ngọc Hoàng thương tình nên ra ơn cho hai người mỗi năm được gặp nhau một lần vào đêm mùng 7 tháng Bảy. Trời truyền cho loài quạ đến tháng bảy là phải họp nhau lại lên trời đội đá, bắc Ô kiều, cho Ngưu – Chức gặp nhau. Vì phải đội đá nên lũ quạ trọc đầu. Khi tiễn biệt nhau, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt. Nước mắt của họ rơi xuống trần hóa thành cơn mưa, trần gian gọi là mưa ngâu.

Có dị bản khác cho rằng tên gọi của Ô kiều là cầu Ô Thước do chim Ô (quạ) và chim Thước (chim khách) kết cánh tạo ra.

 

Một thứ cầu khác, không có trên mặt đất mà lại ở trên trời cao, đó là cầu vồng. Cầu vồng là hiện tượng phản xạ ánh sáng trong tự nhiên mà thành. Đáng quan tâm là cầu vồng cũng có mặt trong ca dao:

 

Trên trời có cả cầu vồng

Có cái mống cụt đằng đông sờ sờ

Vẫn vơ như con cá núp bóng cầu

Em chờ anh khác thể như con sao hầu đợi trăng

 

Tiếp theo là Cầu Lam, Lam Kiều. Lam Kiều là một cái cầu bắc trên sông Lam, thuộc tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc), tương truyền là nơi tiên ở. Đời nhà Đường, triều Mục Tông (821- 825), có một chàng nho sĩ tên Bùi Hàng, lều chõng đi thi bao lần đều hỏng. Một hôm, Bùi thuê đò đi Tương Hán định sang ghé Ngọc Kinh để xem phong cảnh. Cùng chuyến đò có một mỹ nhân tên Vân Kiều, sắc nước hương trời, con người đoan trang, thùy mị. Bùi sinh cảm mến, mong được giao duyên, mới mượn thơ thay lời:

 

Đồng vi Hồ Việt do hoài tưởng,

Huống ngộ thiên tiên cách cẩm bình.

Thắng nhược Ngọc Kinh triều hội khứ,

Nguyện tùy loan hạc nhập thành vân.

 

Vân Kiều xem thơ, vui vẻ mỉm cười. Nhưng thơ đi mà tin chẳng lại, Bùi rất lo lắng, băn khoăn. Nhưng khi đò sắp ghé bến, Bùi bỗng tiếp được thơ của giai nhân hoạ lại:

 

Nhất ẩm Quỳnh Tương bách cảnh sinh,

Huyền Sương đảo tận kiến Vân Anh.

Lam Kiều tự hữu thần tiên quật,

Hà tất khí khu thượng Ngọc Kinh.

 

 

 

Bùi không hiểu ý nghĩa ra sao, định hỏi; nhưng thuyền vừa ghé bến thì Vân Kiều đã thoáng mất. Nghiền ngẫm hai câu thơ cuối, Bùi không đến Ngọc Kinh, mà hỏi dò người, tìm đến Lam Kiều.

 

Trời trưa nắng gắt, Bùi mệt lả. Ghé vào hàng nước, nghỉ chân, hỏi nước uống. Bà lão chủ quán bảo người con gái đem nước ra. Nàng rất đẹp, trông dáng vẻ tựa Vân Kiều. Bùi hỏi, thì ra nàng là em của Vân Kiều, tên Vân Anh.

Bùi Hàng mừng rỡ, cho là gặp duyên trời định, mới thuật lại cả hai bài thơ. Bà lão cười, bảo:

- Hẳn là Vân Kiều muốn xe duyên em nó cho cậu đó.

Bùi nghe nói lấy làm hớn hở. Nhưng bà lão cho biết là hiện bà có cái cối, song thiếu chiếc chày ngọc để giã thuốc Huyền Sương, nếu Bùi tìm được chày thì bà sẽ gả Vân Anh cho.

Bùi Hàng bằng lòng. Nhưng đi tìm mãi khắp nơi mà không biết ở đâu có chày ngọc. Lòng buồn tha thiết. Tưởng hoàn toàn thất vọng, chàng đi lang thang. May mắn, một hôm, chàng gặp được tiên cho chiếc chày ngọc. Thế là duyên thành. Sau cả hai vợ chồng Bùi Hàng đều tu thành tiên cả.

Truyện Kiều (Nguyễn Du) có nhiều câu dùng điển tích này:

 

Nỗi riêng nhớ ít tưởng nhiều,

Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang.

 

Lam Kiều chỉ chỗ tiên ở hay người đẹp ở, hoặc chỉ gặp duyên tốt đẹp... như gặp duyên với tiên.

Sau hết là Nại hà kiều, cầu Nại hà, là cây cầu bắc ngang sông lớn mà người đi đến đó không biết cách nào để đi qua cầu cho khỏi té xuống sông, nên hỏi nhau: Nại hà? (nghĩa là Làm sao?)

 

Tương truyền, nơi cõi Âm phủ có một cây cầu rất mỏng manh, bắc ngang một con sông lớn, ván lót gập ghềnh, trơn trợt, rất khó lên cầu để đi qua sông. Hơn nữa, dưới cầu là sông lớn có đủ các thứ rắn độc, cua kình hung dữ, đợi người nào lọt xuống thì chúng xúm lại xé thây ăn thịt.

 

Các chơn hồn nơi Âm phủ, khi đến cầu nầy, muốn lên cầu qua sông, nhìn thấy cảnh tượng như thế thì nản lòng thối bước, không biết làm thế nào để đi qua cầu cho được an toàn. Nhiều người cố đi qua, nhưng đến giữa cầu thì bị té xuống sông, rắn rít cua kình giành nhau phanh thây ăn thịt, thật là ghê gớm.

 

Cầu Nại hà bắc giăng sông lớn,

Tội nhơn qua óc rởn dùn mình

Hụt chơn, ván lại gập ghềnh,

Nhào đầu xuống đó, cua kình rỉa thây

(Kinh Phật)

 

Trong Văn tế thập loại chúng sinh, Nguyễn Du cũng viết:

 

Gặp phải lúc lạc đường lỡ bước

Cầu Nại hà kẻ trước người sau

Mỗi người một nghiệp khác nhau

Hồn xiêu phách lạc biết đâu bao giờ?

 

4. Kết luận

 

Từ cây cầu bằng cây gác tạm qua mương, rạch, thuở sơ khai đến những cây dây văng hiện đại là cả một quá trình phát triển song hành cùng với sự văn minh của con người.

 

Không phải riêng ở đất Tây Nam Bộ mới có cầu. Trên dải đất hình chữ S lắm sông nhiều suối, cầu là phương tiện đi lại, là những thắng cảnh ngoạn mục. Song trong đời sống của người bình dân miền Tây Nam Bộ, họ có những cách nhìn, cách cảm riêng về cây cầu. Nói không quá nó đã trở thành một biểu tượng trong văn hoá nhận thức, văn hoá tâm linh của dân gian miệt này.

 

Đối sánh một cách khái quát chúng ta nhận thấy, cùng với cầu Thê Húc, cầu Thăng Long, cầu Chương Dương ở thủ đô ngàn năm văn hiến, cầu đá có từ thời Lê mà các nhà khảo cổ học vừa phát hiện ở Cao Bằng, cầu dây văng Bãi Cháy (ở Quảng Ninh), cầu Trường Tiền biểu tượng gắn liền với dòng sông Hương của xứ Huế mộng mơ, hay cầu ngói Thanh Toàn có giá trị cả về kiến trúc, lịch sử, … là những cây cầu ở miền đất Chín Rồng. Từ những cây cầu tre, cầu ván, cầu dừa đến những công trình kiến trúc tự hào của ngành giao thông Việt Nam như Cần Thơ, Mỹ Thuận, Rạch Chiếc, … Tất cả chúng làm nên một diện mạo, một đặc trưng riêng trong đi lại giao tiếp, ứng xử, tâm tình, … của người Việt Nam.

 

Nhìn lại đôi dòng về hình ảnh cây cầu, tìm lại một biểu tượng trong văn hoá dân tộc là một vấn đề thú vị, chúng tôi hy vọng sẽ trở lại đề tài này chi tiết hơn trong một ngày không xa./.

 

Trần Minh Thương
Số lần đọc: 7709
Ngày đăng: 05.09.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lễ Hội Dinh Cô Long Hải, Bà Rịa-Vũng Tàu - Đinh Văn Hạnh
Chuyện Mèo Chuột Trong Đời Sống Người Bình Dân Tây Nam Bộ - Trần Minh Thương
Lễ Hội Phước An Miếu (Phường Chánh Nghĩa, ThỊ Xã Thủ Dầu Một, TỈnh Bình Dương) - Đinh Văn Hạnh
Hình Tượng Ông Tơ Bà Nguyệt Trong Văn Hóa Dân Gian - Trần Minh Thương
Đám Giỗ Ở Miền Tây Nam Bộ Trong Sự Ảnh Hưởng Và Tiếp Biến Của Văn Hóa Thăng Long – Hà Nội - Trần Minh Thương
Ca Trù – Nơi Gặp Gỡ Giai Nhân, Tài Tử - Đỗ Ngọc Thạch
Hình Tượng Con Rắn Trong Văn Hoá Dân Gian Tây Nam Bộ - Trần Minh Thương
Tản Mạn Về Những Yếu Tố Tình Dục Trong Văn Học Việt Nam - Trần Minh Thương
Tướng Mạo Con Người Qua Ca Dao Dân Ca - Trần Minh Thương
Lời Tâm Tình của Người Nghiên Cứu Văn Học Dân Gian - Trần Minh Thương
Cùng một tác giả
Thể loại văn tế (tiểu luận)