Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.182
123.222.432
 
Từ Ngữ Em Trong Thơ Huyền Ảo Đạo Phật
Trần Văn Nam

1/ Người Em lạnh lẽo khói sương trong thơ Hoàng Cầm – Mấy năm gần đây ở hải ngoại (bài này viết năm 1996, nay bổ túc), ta thường nghe nhiều người hát bài “Đi Chùa Hương”, thơ Nguyễn Nhược Pháp, Trần Văn Khê phổ nhạc. Và không ít người về thăm quê hương đã hơn một lần đi viếng cảnh Chùa Hương. Một thuở bài hát nằm im lặng gần như bị lãng quên, một thuở bài hát bừng lên vì hợp thời gợi nhớ quê hương, hấp dẫn du lịch.

 

Nhớ chương trình Quốc Văn khi còn ở các lớp trung học thuở trước rất xa xưa, ta đã biết Chùa Hương qua thơ của Chu Mạnh Trinh mà đến nay vẫn còn nhớ rõ nhờ các đề luận văn chương thường liên hệ: “Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái/ Lững lờ khe Yến cá nghe kinh/ Thoảng bên tai một tiếng chày kình/Khách tang hải giật mình trong giấc mộng”. Và mới đây, ta đọc được bài thơ “Trẩy Hội Chùa Huơng” của thi sĩ Hoàng Cầm từ trong nước gửi ra đăng trên vài tạp chí văn chương hải ngoại, trong đó độc giả lưu ý danh xưng “em” tác giả dùng trong bài thơ. Vì hình tượng lạnh lẽo khói sương của nhân vật, ta không thể hiểu Em như một người tình đời thường:

 

Anh trẩy Chùa Hương phía xót thương

Bến Trong bến Đục nửa chia đường

Thiên Trù chợt lắng chuông buông tím

Bỗng gặp em nằm đắp khói sương

… Nửa đêm mùng bảy lặng trăng non

Anh hẹn em về cõi sáng hơn

Cầm tay em lạnh đưa đi mãi

Mê mải rừng mai thấp thoáng hương.

 

Nhân vật dường như không có thật đang nằm đắp khói sương trên hành trình nhiều bậc lên chùa; khung cảnh huyền ảo với tiếng chuông buông trong chiều tím; hành vi lãng đãng của đôi lứa cầm tay đi mãi trong rừng mai. Với nhân vật như mơ ấy, với bối cảnh như thần tiên ấy, cho nên Em chỉ là một đối tượng tác giả đưa ra như một Phi-Ngã để từ đó đối thoại với cái Ngã của mình. Ở đây, ta mượn biện-chứng Ngã và Phi-Ngã trong triết lý Duy Tâm Chủ Quan của triết gia Đức Johann Fichte (1762-1814): Ta tạo ra một đối tượng ở ngoài ta, tạo ra một Phi Ngã từ cái Ngã, để từ đó phản tỉnh làm cho thế giới trở thành có thật, không còn là ảo ảnh. Ý tưởng như trên của triết gia duy tâm thì thật là khó hiểu đối với nhận thức thiên về cụ thể của người bình thường: ngoại giới sờ sờ ra đó đâu cần có tâm ta can thiệp thì nó mới tồn tại đích thật. Và tác giả Hoàng Cầm nói gì với nhân vật Em ấy, thật ra là nói gì với chính mình (cái-tôi đã được đối-tượng-hóa). Ông nói chỉ tìm lên miền thanh thoát trong chốc lát rồi trở về với cuộc đời:

 

Ôm em, đỉnh núi sao buông thấp

Hai ngực hòa tan một tiếng chuông

Tỉnh ra đắng chát tràn môi cháy

Em đâu rồi? Vãn hội Chùa Huơng.

 

Trong bài thơ của Nguyễn Nhược Pháp; người con gái đi chùa Hương, gặp gỡ một chàng trai, xong vãn hội ai về nhà nấy, nàng than thở cho cuộc hội ngộ quá ngắn ngủi: “Giờ vui,  đời có vậy/ Thoáng ngày vui qua rồi!”. Bài thơ của thi sĩ Hoàng Cầm cũng có đoạn cuối tương tự: “Em đâu rồi? Vãn hội chùa Hương”, nhưng tác giả kết thúc có vẻ triết lý nói về sự tương giao giữa huyền ảo và thực tế, cõi tu và cõi tục. Với các từ ngữ như thức tỉnh ở đoạn sau cùng của bài thơ: “Tỉnh ra đắng chát tràn môi cháy”, nhờ vậy ta nghĩ đây không phải nỗi buồn ngày vui qua mau như cô gái trong thơ Nguyễn Nhược Pháp. Tác giả như bày tỏ cảm nghĩ: sau khi đắm chìm vào huyền ảo cảnh chùa kinh kệ, con người lại quay về với những lo toan cho thực tế ở đời.

 

2/ Người Em khi tế-độ và khi cần-tế-độ trong thơ Du Tử Lê – Kinh sách tư tưởng Phật Giáo như rừng như biển, nhiều tông phái, nhiều lối tu hành. Với kiến thức dân gian đại chúng, ta thấy đại khái có hai cách thức. Một là lối tu thực sự, xuất gia tầm đạo. Hai là lối tìm hiểu tại gia, nghiêng về thử nghiệm thực hành sau khi nghiên cứu và chiêm vọng tư tưởng của Đức Thích Ca. Xuất gia tầm đạo có thể vào trong chùa ở nơi phố thị, hoặc ở chốn thâm sơn cùng cốc. Dù ở tại-thị hay ở hoang vu, họ đều là những người dứt bỏ mãnh liệt những ràng buộc hệ lụy của thế gian. Tịnh tâm diện-bích trong bốn bức tường phố xá, hay diện-bích trước núi non trùng trùng, thì cũng đều quạnh quẽ một cuộc hành trình cô độc, tự mình giải thoát cho mình.

 

Riêng các văn-thi-sĩ thường nghiêng về lối chiêm vọng tư tưởng, thích đứng ngoài mà tìm hiểu rồi hành đạo theo cách riêng của mình hơn là đi vào tu luyện cần có những quy luật nghiêm nhặt. Tu tập trong chùa, chí ít cũng phải theo trình tự trước sau, từ dễ đến khó. Đa số tại-gia thực ra không tu tập gì, nhưng không hiếm nhà thơ tận tụy diễn tả những cảm thức mà họ thấy hứng khởi sâu xa, sáng tác lắm câu thơ lóng lánh tân kỳ, làm phong phú thêm cho Phật Giáo. Họ thường nói về những cao siêu của đạo Phật, như vô-ngôn bất lập văn tự, thiền định tâm tu hơn là quy y đạo pháp, không ưa lối thoát ly đi vào sơn tự xa cách cuộc đời, như trong bài “Sơn Tự Thi” của nhà thơ Du Tử Lê:

 

… Nếu hiểu rồi ra là cát bụi

Kinh nào uyên áo hơn vô ngôn

Sơn Tự là tôi , em hãy trú

Có cũng xong. Mà không cũng xong

… Hãy khép trang kinh trả lại đời

Cứ gì sơn tự mới an vui

Ủ hương cuối kiếp cho nhân loại

Ngã mạn đời sau, em của ta.

 

Sơn Tự là tôi, nghĩa như thế nào? Tôi ở đây chắc tác giả muốn nói cái Ngã riêng của mọi người. Ai cũng có Phật tính, ta phải làm sáng Phật tính đó lên bằng tự mình tu luyện, tự mình giải thoát, không thể nhờ kẻ khác giải thoát cho nếu ta cứ mãi hệ lụy trong vòng nghiệp chướng; nếu không thể chấm dứt sự lẩn quẩn của sân si dục vọng thì không thể chấm dứt Luân Hồi. Vậy tôi là cái Ngã tự lực. Còn Em là ai? Cũng một cách thức như trong thơ Hoàng Cầm, người Em trong thơ Du tử Lê là một Phi-Ngã, tác giả đặt cái-tôi ra ngoài thành một đối tượng để đối thoại; đó chính là độc thoại nội tâm. Em và tác giả trong thơ Hoàng Cầm là cái Ngã phân ly, một nửa ở với cõi tu huyền ảo, một nửa muốn quay về thực tế. Em và Phạm Thiên Thư là cái Ngã hòa hợp, cùng đồng hành về một hướng, như đôi uyên ương trắng bay về bồng lai: “Em là trang tôn kinh. Anh là là nhà sư buồn”.  Còn Em và tác giả trong thơ Du Tử Lê là cái Ngã khi thì đầy sức mạnh Tự Lực: “Sơn tự là tôi Em hãy trú”, khi thì bi lụy cần người khác cưú độ: “Tế độ hồn tôi vó ngựa mù”. Câu thơ này có ý nghĩa giống như một câu thơ khác của thi sĩ “Trong tay Thánh nữ có đời tôi”:

 

… Cám ơn người tụng kinh siêu thoát

Tế độ hồn tôi vó ngựa mù

Nghe như Địa Tạng mà không phải

Bi lụy chân kinh Bát Nhã về

 

Bình bát tôi đi khắp địa cầu

Tìm em khất thực nghĩa ân sâu

Chính tôi là kẻ cần siêu độ

Xin tụng cho nhau sạch mối sầu.

 

Tưởng như triết lý tự chứng tự lực “Sơn Tự là Tôi” mâu thuẫn với ý tưởng cần được cứu vớt “Chính tôi là kẻ cần siêu độ”. Thấy mâu thuẫn mà không mâu thuẫn, vì Em và tác giả chỉ là một, một độc thoại nội tâm đang trong vòng bàn luận trước vấn đề Giải Thoát rất bao lao trong tư tưởng Phật Giáo. Tự Giác Giác Tha, tự giải thoát cho mình rồi giải thoát cho người; đi vào Tịch Lặng một mình hay phải truyền bá Phật pháp để cưú kẻ khác; đó có lẽ là vấn đề hàm chứa trong bài “Sơn Tự Thi” được nhà thơ Du Tử Lê diễn tả kinh điển Phật Giáo bằng từ ngữ thi ca nhiều chất thơ. Phản hồi qua lại, triết lý Phật Giáo huyền ảo gợi nhiều hứng cảm cho thi sĩ, và nhà thơ làm phong phú thêm cho Phật Giáo bằng thi-tính. Tránh không nhắc lại kinh điển Phật Giáo một cách khuôn sáo, đó là điều ta dễ thấy chẳng những nơi bài thơ này mà còn lai vãng trong nhiều bài thơ khác của tác giả Du Tử Lê. Người Em đối-tượng-hóa từ cái Ngã của nhà thơ làm cho thi-ca chất chứa tư tưởng thành ra thơ có vẻ thuộc về đời thường, nói ra những điều dễ cảm nhận./.

 

Walnut, California, tháng 8 năm 2010

 

Trần Văn Nam
Số lần đọc: 2852
Ngày đăng: 06.09.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Phát Biểu Ngày Ra Mắt Thơ Cung Trầm Tưởng (Và Thơ Thời Du Học Của Cung Trầm Tưởng) - Trần Văn Nam
Tản Đà - Thi Sĩ Của Hai Thế Kỷ - Đỗ Ngọc Thạch
Lịch Sử Như Ngừng Lại Trong Thơ Truyện Của Thanh Nam - Trần Văn Nam
Mùa Mưa Đọc Lại Vũ Trung Tùy Bút - Đỗ Ngọc Thạch
Do Thái: hành trình của một dân tộc -1 - Nguyễn Ước
Do Thái: hành trình của một dân tộc -2 - Nguyễn Ước
Hoàng Tích Chu, Một dịp cho tôi nói về lối văn Hoàng Tích Chu - Lại Nguyên Ân
Truyền Kỳ Mạn Lục – Thiên Cổ Kỳ Bút - Đỗ Ngọc Thạch
Bàn Thêm Về Hình Thức Gắn Bó Với Nội Dung Trong Thơ Nguyên Sa - Trần Văn Nam
Chân dung cái Đẹp -1 - Bùi Đức Hào
Cùng một tác giả
Bạt (điểm sách)