Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.096
123.232.430
 
Chính danh
Phạm Lưu Vũ

Ông chủ tịch xã Lê Viết Dân thân mật đặt tay lên vai trưởng thôn Đồng Văn Cánh:

 

- Thế nhé, anh Đồng Văn Cánh nhé. Cứ vận động bà con đóng góp. Trước mắt, xã sẽ tạm hoãn thu khoản phí xây dựng uỷ ban đến sang năm.

 

- Tôi sợ không ổn - trưởng thôn Đồng Văn Cánh nhăn nhó - thôn toàn những hộ nghèo, mà con ngòi thì xã cần đến chứ họ đâu có cần. Sợ không thuyết phục nổi bà con.

 

- Xã cần ngòi thì xã đứng ra đào - chủ tịch Lê Viết Dân ôn tồn - còn thôn muốn đi qua ngòi thì phải bắc cầu. Hợp lý quá rồi còn gì. Còn cái này nữa, ngày trước thôn ta có tên là thôn Cầu đúng không. Nay vì cầu mất lâu rồi thành ra tên thôn cũng mất luôn. Bây giờ xây cầu mới thì lại khôi phục được tên cũ. Thế là một công đôi việc, vừa có cầu, vừa có tên có phải là chính danh không nào. Lý lẽ ở đấy chứ ở đâu ra nữa.

 

- Nhưng bà con dạo này khó khăn quá, tôi sợ không có khả năng. - Trưởng thôn Đồng Văn Cánh vẫn nhăn nhó.

 

- Thế mới phải vận động, đả thông tư tưởng. - Chủ tịch Lê Viết Dân kiên trì - thế này nhé, xã sẽ ra văn bản cho phép thôn được thu phí qua cầu của những người ngoài muốn vào thôn không phải nộp ngân sách xã trong hai năm đầu. Được chưa nào?

 

- Hai năm được đáng bao nhiêu... hay là chủ tịch... cho hẳn ba năm đi. - Trưởng thôn Đồng Văn Cánh cố vớt vát.

 

- Được! - chủ tịch Lê Viết Dân tỏ vẻ dễ dãi - Nhưng nhớ là phải làm phương án cầu treo theo thiết kế của tỉnh đấy nhé...

 

Quả là thôn ấy đã mất tên từ lâu. Bằng chứng là thanh niên trong thôn, từ những lứa mới thấc lên cho tới những hạng đã bước sang tuổi băm, tuyệt không ai còn biết thôn mình từng có tên gọi là gì. Lứa trên nữa thì còn mang máng chút ít. Hình như ngày trước thôn này có tên là thôn "Cầu" thì phải. Tên như thế là tại vì muốn vào thôn phải đi qua một cái cầu bằng đá. Ngày trước vốn có một con ngòi chạy ngoằn ngoèo qua đây, nó ngăn cách thôn này với các thôn khác trong làng. Con ngòi đã bị lấp từ cái hồi bắt đầu phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, và tất nhiên, chiếc cầu đá cũng không cần đến nữa. Những phiến đá to rộng bằng nửa chiếc chiếu cá nhân, dài cỡ hai ba mét. Thế mà người ta cũng mang đi được, mang ra tận tỉnh để bán cho những nhà xây theo kiểu Tây làm bậc tam cấp. Nay theo quy hoạch chung của xã, cần phải khôi phục lại con ngòi như cũ để phục vụ thoát nước. Thế là đường vào thôn bị cắt ngang, việc bắc cầu lại phải được đặt ra. Trưởng thôn Đồng Văn Cánh nhận nhiệm vụ thuyết phục bà con góp tiền xây cầu mà lo ngay ngáy. Trằn trọc mấy đêm tìm cách ăn nói. Cuối cùng cuộc họp thôn cũng diễn ra vào một buổi tối.

 

- Thưa các ông các bà - trưởng thôn Đồng Văn Cánh mở đầu cuộc họp - các ông các bà thử nghĩ mà xem, thôn ta đường đường chiếm cả một góc làng như thế này, mà chẳng có một cái tên để gọi. Trong khi một mảnh ruộng cỏn con chỉ nhỉnh hơn cái vũng trâu đằm một tý cũng có tên gọi nào là cánh đồng Quan, cánh mả Nội, mả Miễu... Có khi chính vì sự vô danh ấy mà bà con ta đi đâu cũng bị lép vế chưa biết chừng. Tôi đề nghị...

 

Cuộc họp bắt đầu ồn ào. Ông Trưởng thôn đảo mắt quanh một vòng, ngán ngẩm. Chẳng biết họ có nghe mình vừa nói cái gì không. Suốt hơn chục năm làm chức Trưởng thôn, ông biết rõ những con người này. Họ đi họp chỉ để không ai phải nghe ai, chỉ để có chỗ mà đăng đàn cãi nhau ỏm tỏi, và cuối cùng là không bàn bạc được bất cứ cái gì cho ra hồn. Trăm cuộc y như một, cứ như mục đích của họ đến đây chỉ để mà... phá thối. Mà toàn những người nào đã ra hồn người. Nhưng hôm nay là cuộc họp quan trọng, là chuyện góp một đống tiền, tuy nhiên phải làm sao cho bà con nhận thức ra việc chính danh (nghĩa là khôi phục lại tên thôn) quan trọng hơn việc bỏ tiền ra kia. Một cái tên còn truyền tới cả hậu thế sau này. Ông đã có chủ ý từ hôm qua...

 

- Tôi có ý kiến - Lão già ngồi giữa manh chiếu góc nhà chợt giơ tay - Tôi biết thừa ông Đồng Văn Cánh định lấy tên người nào đặt cho cái thôn này rồi. Phải tìm từ đời cụ kị trở lại đây xem có cái tên nào xứng đáng. Đừng có hòng mà lấy tên họ hàng hang hốc nhà ông, hay biết đâu lại chính cái tên Đồng Văn Cánh ra mà đặt cho tên thôn đấy nhé. 

 

Đám người dự họp bật cười nghiêng ngả. Người vừa bốp chát là lão Đặng Mài Xương. Vốn là người chỉ còn một chiếc cẳng, di chuyển bằng đôi nạng gỗ đã mòn vẹt, đen bóng. Chẳng phải lão là thương binh thương biếc gì đâu. Chiếc cẳng kia lão đã bán từ thuở còn thanh niên lấy mấy yến thóc. Bấy giờ lão cao to khỏe mạnh và đầy đủ cả hai cẳng như mọi người khác, chỉ phải cái nhà nghèo lại gặp đúng lúc giáp hạt. Lang thang lên tỉnh kiếm việc làm, tình cờ có người ngỏ ý mua một cẳng của lão để ghép cho một cậu quý tử, cậu này vốn là con một ông gì làm chức to lắm vừa bị ô tô chẹt nát một chân. Chẳng biết lão đã kịp hiểu ra và mặc cả gì chưa, hay lớ ngớ thế nào mà người ta lôi nghiến lão vào bệnh viện, đè ngửa ra giường, tiêm thuôc mê rồi cưa phắt đi một cẳng từ đầu gối trở xuống. Sau khi chữa cho lành vết cưa, người ta tống lão ra viện với một đôi nạng gỗ, một khoản tiền đủ mua dăm yến thóc kèm theo một tờ biên bản tai nạn giao thông mà chính lão mới là người bị nạn, lại có đầy đủ người làm chứng hẳn hoi. Sau này hình như lão định cãi rằng lúc ấy có người gạ mua... nhưng ai người ta tin lão nữa. Về làng một thời gian, mấy khúc xương còn lại bên trong cái cẳng bị cưa kia không chịu nằm yên lại cứ dài ra, đâm vào cái mặt cắt đã thành sẹo làm lão đau nhức dữ dội. Không có tiền đi chữa, khúc xương lòi hẳn ra ngoài gây vướng vất khó chịu. May có một người làm nghề thú y thôn bên cạnh tặng lão một viên đá mài rồi bày cách cho. ấy là luộc viên đá lên cho chết hết vi trùng rồi mài vào đầu khúc xương cho nó mòn dần đi. Lúc đầu đau lắm nhưng cố mà mài. Tại bấy giờ lão còn trẻ nên cái xương còn phát triển, nhưng cũng phải hàng tháng nó mới dài ra được một tý. Nay nếu chịu khó mài thì cứ một trăm nhát cũng mòn đi được vài ly. Thế là lão nghiến răng nghiến lợi mài liên tục hàng mấy tháng trời, cuối cùng cái đầu xương cũng thụt hẳn lại. Mới đầu thì khổ sở là vậy, về sau không đến nỗi vất vả như thế, chỉ cần đều đặn mỗi ngày mài độ vài chục nhát là yên chí không bao giờ nó còn thò ra ngoài nữa.

 

Ấy thế nhưng trên đời lại lắm chuyện kỳ khôi. Mấy chục năm mài xương làm lão quen dần rồi đâm... nghiện. Hình như  sự sột soạt ở đầu cái xương cụt ấy tác động lên tận thần kinh trung ương gây cảm giác mê ly, còn hơn người ta tẩm quất lưng vậy. Thế là từ đó lão có cái thú đi đâu cũng thủ viên đá mài trong túi, lúc buồn buồn lại xếp nạng ngồi bệt xuống, chìa xương ra mài. Cái tên Đặng Mài Xương cũng chính thức thay thế cho tên cúng cơm (mà lão cũng chẳng cần nhớ nữa) từ đấy. Bây giờ lão già rồi, cái xương hầu như không phát triển nữa. Lão lại đâm ra tiếc không được hưởng cái thú mài nhiều như trước kia. ấy là chuyện mài xương. Còn cái chuyện ế cẳng thì quả thực là một nỗi đau trong cuộc đời của lão. Số là sau khi đã thành thục trong việc di chuyển bằng đôi nạng gỗ, lão chợt nhận ra rằng cái cẳng còn lại kia đâm ra thừa. Đằng nào thì lão cũng chẳng đứng bằng một chân được. Làm gì lão cũng phải ngồi mà làm bằng hai tay. Thế là lão luyện cách chỉ dùng đôi tay lủng lẳng người giữa hai nạng gỗ, quyết không sử dụng đến cái cẳng còn nguyên kia, may ra mà bán nốt được thì có cơ đổi đời, cẳng chân bây giờ nghe đâu có giá chứ không như ngày xưa, lão tin chắc như vậy. Ai ngờ người tính không bằng trời tính. Khi lão đã luyện được cái môn khinh công tuyệt đỉnh không chân ấy, khi cái cẳng còn lại đã thực sự trở thành thừa thì nó lại teo tóp như một ống sậy. Mặc dù vẫn có người tìm mua cẳng, mua chân khắp thiên hạ, nhưng cái ống sậy kia của lão thì tuyệt không ai ngó ngàng tới. Thế là lão bị ế hàng. Buồn cái vận làm ăn đen đủi, thôi thì thỉnh thoảng lão tham gia họp hành quanh thôn, tìm cách chọc ngoáy mấy câu cho khuây khỏa...

 

Sau khi tiếng cười lắng xuống, mọi người có vẻ bắt đầu chú ý tới sự cần thiết phải có một cái tên thôn cho ra hồn. Người ta bắt đầu tranh cãi nhau xem trong thôn ai từng là người làm to nhất, nổi tiếng ăn nên làm ra nhất... Các ông các bà trung trung tuổi hăng hái tranh luận, mấy ông già nheo mày nghĩ ngợi. Mọi người cố gắng lục tung trong ký ức... Chịu. Không sao tìm ra một cái tên nào khả dĩ rạng danh cho cả thôn. Bất ngờ một bà sồn sồn đứng phắt dậy chống nạnh xỉa xói:

 

- Nếu ông Đồng Văn Cánh đã có chủ ý rồi thì cứ nói phắt ra cho mọi người bàn xét, hà tất cứ phải lấp lửng giấu như mèo giấu cứt như thế.

 

Trưởng thôn Đồng Văn Cánh vẫn nhẫn nại im lặng. Có vẻ như mọi người đang đi lạc dần cái chủ đề cuộc họp của ông. Ông nhìn người đàn bà mồm đỏ quyết trầu vừa xỉa xói kia. Đó là bà Trương Thị Lốp nhà cuối thôn. Người đàn bà này gai góc đến cả làng phải kinh. Từ chuyện con gà con qué đến chuyện chia ruộng chia đồ, cái gì bà ta cũng phải làm náo loạn lên một hồi thì mới yên. Trong nhà bà của nả chẳng thứ gì ra hồn, thế mà xung quanh rào dậu toàn bằng một loại cây gai xương sọng dài bốn năm phân tua tủa, ai vô phúc bị nó đâm vào thì buốt tận tim gan, đã thế đâm sâu vào đến đâu thì gãy tịt ngay ở đấy. Nếu không sớm khêu ra thì cứ gọi là lở lói đến hoại thư. Nghe nói cái thứ gai đó khủng khiếp đến nỗi ngay cả ma cũng phải đi đường vòng để tránh. Ông còn biết bà ta cũng như nhiều người khác trong thôn đang sống bằng có một quả thận. Quả kia đã bán từ lâu rồi. Bấy giờ có cả một phong trào bán thận. Dân thôn nghèo quá, ruộng chỉ có mấy thước một nhân khẩu, lại còn giống má phân gio, thiên tai bão lụt... Giá một quả thận lúc bấy giờ là cả một gia tài đối với họ, làm ruộng cả đời có khi cũng không có được món tiền to thế. Vậy thì bán phéng đi rồi nghỉ cho khoẻ, khỏi phải đầu tắt mặt tối một nắng hai sương. ấy nhưng tính cua trong hang thì đúng là như thế, nhưng đến khi đi bán mới biết phải đóng đủ mọi loại phí. Nào là xin giấy chứng nhận từ xã lên huyện, rồi phí môi giới, phí dẫn đường, phí bồi dưỡng ông này bà nọ, rồi tiền mua thuốc men, lại còn đóng góp xây dựng trạm xá, trường học... số tiền còn lại chỉ đủ đong vài tạ thóc. Rốt cuộc qua được vài vụ giáp hạt rồi lại phải ra đồng... Thế mà nay vẫn tiếp tục có người đi bán, nhưng cũng chỉ là cùng bất đắc dĩ mà thôi...

 

Trưởng thôn Đồng Văn Cánh đang định lái cuộc họp trở về nội dung khôi phục lại cái tên cũ cho nó gắn với việc đóng góp xây cầu thì may quá, có một ông già già đã nói hộ ông:

 

- Không có tên ai ra hồn thì gọi theo tên cũ là thôn Cầu đấy thôi. Có điều không còn cầu nữa song cứ thế mà gọi, có sao đâu.

 

Người vừa nói là ông Trịnh Văn Liễu, cán bộ về hưu. Một người có tiếng là ngay thẳng. Trưởng thôn Đồng Văn Cánh xưa nay chúa ngại những người này. Chẳng phải do ông làm việc dân, việc nước có gì khuất tất mà đến nỗi phải e ngại cho cam. Chỉ vì theo ông, người ngay thẳng cũng ví như cái cây, có thể ngả về bất cứ chiều nào khi có gió thổi. Thà cứ nghiêng hẳn về một bên để còn biết mà đề phòng, gió máy cỡ nào cũng khó mà làm cho nó đổ theo chiều ngược lại. Đằng này nó lại đứng thẳng, thành ra không biết đâu mà lần, không biết nó sẽ đổ theo hướng nào để mà tránh, mà né. Từ đó ông nghiệm ra một triết lý rất võ đoán rằng cứ theo như sự phân loại của các cụ nhà nho ngày xưa, thì trong số những kẻ dù ngả nghiêng theo chiều nào cũng có cả tiểu nhân lẫn người quân tử. Còn trong số những người ngay thẳng, thì chỉ rặt một hạng tiểu nhân. Nếu có lẫn chăng thì cũng chỉ là nguỵ quân tử mà thôi. Trưởng thôn Đồng Văn Cánh còn biết rõ cái gọi là cán bộ Trịnh Văn Liễu này trước khi về hưu cũng nghèo rớt mồng tơi, từng phải bán máu kiếm thêm. Khi về thôn, ông ta đem cái nghề ấy phổ biến cho mọi người xung quanh. Thành ra cái nghề truyền thống tới tận bây giờ.

 

Số là lúc ấy dân trong thôn nhờ sự giảng giải của ông Trịnh Văn Liễu, họ đã biết tính toán, thì ra bán thận không hiệu quả bằng bán máu. Thận là cái thứ không sinh ra thêm, chỉ bán được một lần. Máu thì có thể bán cả đời không hết. Thế là lại rộ lên phong trào bán máu. Nay thì già nửa dân trong thôn đã đăng ký thường xuyên với các bệnh viện, được cấp thẻ có dán ảnh hẳn hoi. Cũng lạ cho cái nghề này, một khi không bán thì thôi, bán mãi rồi cũng đâm ra... nghiện. Cứ đến kỳ mà không rút máu trong người ra thì cứ gọi là ngây ngất, chóng mặt, có khi vật vã như người đói thuốc vậy. Đến khi bệnh viện người ta chọc xy lanh vào, lại có cảm giác buồn buồn, tê tê như thể lên đồng, bán xong lập tức người ngợm nhẹ nhõm hẳn như vừa trút xong gánh nặng.

 

Thói đời làm bất cứ cái gì cũng phải có nghề của nó. Nhiều người trong thôn nổi tiếng khắp các bệnh viện vì có chất lượng máu thuộc loại... tiêu chuẩn quốc tế. Nơi đây như một vùng chuyên canh... máu. Có lẽ tại mạch nước ở vùng này tuyệt hảo, khí hậu ngon lành mà sản phẩm máu không những chất lượng cao, lại rất có... năng suất. Theo tính toán thì với giá cả hiện tại, số tiền bán máu không những đủ mua thức ăn bù đắp cho cơ thể tái sản xuất, mà còn có lãi để xây nhà, mua xe... ấy nhưng cũng lại là tính cua trong hang vậy thôi. Chứ chạy được thẻ rồi, lại phải đóng đủ các loại phí, kể từ khi bước chân ra khỏi cổng cho đến khi nằm trên giường rút máu... phải qua bao nhiêu là cửa, lại còn phải đút lót để được ưu tiên... Rốt cuộc cũng chỉ đủ ăn là may, chẳng ai sắm sửa hay tích luỹ được chút gì. Nhưng đã làm rồi thì cũng phải theo nghề, hết đời cha lại truyền đến đời con, dân trong thôn nghèo vẫn hoàn nghèo. Có người trước khi chết chẳng di chúc lại được cái gì cho con cháu ngoài cái thẻ bán máu, với lời tha thiết mong các cơ quan pháp luật cho phép cháu con được hưởng quyền thừa kế mà không phải chạy chọt xin cấp thẻ mới...

 

Kể ra thì có vẻ bi đát một tý đấy nhưng nói thực, dân cả thôn rất biết ơn nền khoa học tinh vi, hiện đại ngày nay. Nhờ có những nghề như thế mà mấy chục năm nay, tuy nghèo thì nghèo thật song không gia đình nào có người chết đói. Nghe đâu bây giờ, gan cũng có thể cắt bớt mang bán được khối tiền. Dân trong thôn có kẻ lại khấp khởi mừng thầm, lại tính tính toán toán. Lạy giời cứ có người giàu, có tiền mua những thứ ấy là những người nghèo như họ không bao giờ chết đói được...

 

Trở lại với cuộc họp đang diễn ra. Bấy giờ đúng là một đám mổ bò. Trưởng thôn Đồng Văn Cánh đã nói toạc ra cái việc xã đào ngòi, thôn góp tiền xây cầu để khôi phục cái sự chính danh ngày trước. Giọng mụ Trương Thị Lốp oang oác:

 

- Tiền đâu mà đóng góp bây giờ. Đứa nào ngày trước bán cái cầu đá đó thì bây giờ bỏ tiền ra mà đền.

 

Đúng là cái mụ ngoa ngoắt. Mặc dù đã được giải thích rằng số tiền bán mấy phiến đá hồi đó chỉ đủ chi phí cho việc kẻ khẩu hiệu quyết tâm xây dựng nông thôn mới. Chứ có ai tham ô tham iếc gì đâu. Mấy bà mấy ông khác được thể nhất tề ồn ào lên như vỡ chợ. Xem ra kết quả có nguy cơ lại giống như hàng trăm cuộc họp trước. Sau khi cố gào lên giảng giải kỹ về việc cần thiết cũng như tương lai to lớn của việc phải nhanh chóng chính danh cái tên thôn, trưởng thôn Đồng Văn Cánh quyết định tung đòn cuối cùng:

 

- Xã cho phép thôn ta tự tổ chức thu phí qua cầu ba năm không phải nộp ngân sách xã. Trừ người trong thôn không phải đóng, còn thì ai ra vào cũng đều phải nộp phí. Từ đi bộ cho đến xe đạp, xe máy... mỗi loại một mức phí khác nhau.

 

- Thế thì được đáng bao nhiêu, thu rẻ thì không bõ công, thu đắt thì ai còn tới thôn làm gì nữa. Chẳng lẽ đám ma đám cưới cũng không có ai thèm đến nữa thì sao...  - Cứ như thế, mọi người lại bàn tán, tranh luận, mỗi người một ý khác nhau...

 

Rốt cuộc, lại chính cái ông ngay thẳng Trịnh Văn Liễu đứng ra gỡ rối:

 

- Thôi, tôi xin bà con. Có cãi nhau mãi cũng thế mà thôi. Bà con thử nghĩ lại xem, đằng nào thì xã cũng đào con ngòi. Nếu không bắc cầu thì chẳng lẽ chúng ta bơi qua chắc? Người lớn còn được, chứ trẻ con thì làm sao. Thôi thì đành bằng lòng với việc được chính danh cái tên thôn cho con cháu sau này hưởng vậy. Chúng ta lại mỗi người cố lên một tý, ai còn gì bán chác được thì cân nhắc xem... Đằng nào thì xây cầu cũng để ta đi là chính chứ chẳng nhẽ ai vào đây...

 

Trưởng thôn Đồng Văn Cánh mừng rỡ vì vớ được đồng minh bất ngờ. Bèn vội vã kết luận:

 

- Thế là bà con nhất trí nhé. Góp bao nhiêu tiền, xã sẽ thông báo sau khi có bản thiết kế, dự toán từ trên tỉnh gửi xuống. Tỉnh đứng ra thiết kế cho chúng ta loại cầu treo rất đẹp hẳn hoi. Nghe nói trong Nam họ làm nhiều lắm, đi lại rất chi là thuận tiện...

 

Mấy ngày sau khi có kết quả cuộc họp, xã lại triệu tập trưởng thôn Đồng Văn Cánh lên phổ biến công tác. Chủ tịch Lê Viết Dân phấn khởi thông báo:

 

- Huyện yêu cầu cử một đoàn cán bộ vào trong Miền Nam tham quan các cầu treo trong ấy xem họ làm ra làm sao. Nhân thể về nhân rộng mô hình ra các xã khác trong huyện. Thôn cậu cử một người, xã ba, huyện bảy, tổng cộng là mười một. Mọi chi phí cho chuyến đi bổ vào khoản chuẩn bị xây cầu. Cậu về lo kinh phí, năm ngày nữa lên đường.

 

Lại vẽ vời tham quan - trưởng thôn Đồng Văn Cánh cay đắng nghĩ thầm - đã bao nhiêu lần rồi, họ cứ vẽ vời để đi du lịch bằng tiền của người khác. Nhưng việc đã đến thế này, có thoái lui cũng không được nữa. Bèn về nhà chuẩn bị mọi thứ.

 

Sát ngày lên đường, bỗng Trưởng thôn Đồng Văn Cánh lại nhận được thông báo hỏa tốc của chủ tịch Lê Viết Dân:

 

"Danh sách đoàn tham quan bổ sung thêm chín cán bộ của tỉnh cùng đi nữa. Trong đó bao gồm người của đơn vị thiết kế và các cơ quan, ban ngành có liên quan. Chiếu cố hoàn cảnh của thôn, sẽ nới thêm hai năm thu phí qua cầu không phải nộp ngân sách, vị chi tất cả là năm năm."

Phạm Lưu Vũ
Số lần đọc: 4107
Ngày đăng: 09.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhà hiền triết - Phạm Lưu Vũ
Con chim vàng - Nguyễn Quang Sáng
Con Khướu sổ lồng - Nguyễn Quang Sáng
Tảng thịt tế - Phạm Lưu Vũ
Cách chim không mỏi - Anh Động
Giữ tên miền - Lý Ngọc
Vườn dừa có khóm hành xanh - Lý Ngọc
Chị Nhung - Nguyễn Quang Sáng
Chiếc lược ngà - Nguyễn Quang Sáng
Chớp lửa đêm giông - Anh Động
Cùng một tác giả
Tai ngược (truyện ngắn)
Tảng thịt tế (truyện ngắn)
Nhà hiền triết (truyện ngắn)
Chính danh (truyện ngắn)
Chuyện làng Kinh (truyện ngắn)
Sự tích núi mồ côi (truyện ngắn)
Ngón tay phật tổ (truyện ngắn)
Xuất xứ (truyện ngắn)
Chuyện vịt (truyện ngắn)
Kẻ vô thừa nhận (truyện ngắn)
Bài ca cuộc sống (truyện ngắn)
Hai anh em (truyện ngắn)
Linh vật (truyện ngắn)
Áo gấm đi đêm (truyện ngắn)
Tửu địa (truyện ngắn)
Vai diễn cuối cùng (truyện ngắn)
Thạch ngôn (tạp văn)
Liệt nữ (truyện ngắn)
Tần Doanh Chính (truyện ngắn)
Đám mổ bò (truyện ngắn)
Cái Kết Có Hậu (truyện ngắn)