Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.188
123.217.467
 
Người Ruồi Gieo Máu Lửa, Bỡn Cợt Trong Bút Pháp Kiệt Tấn
Huỳnh Nhựt Hải

Má tôi vốn người ăn chay niệm Phật, đâu có dè

thằng quý tử của bà là « Người Ruồi Gieo Máu Lửa ! »

Kiệt Tấn

 

 

Một bữa đẹp trời nọ, một anh chàng tóc tai bù xù, trên lưng có cắm con dao nhỏ lạng quạng lủi vô bót cảnh sát để cớ với ông Cò là mình bị hành hung. Ngó vẻ mặt anh chàng nhăn nhó, ông Cò lo lắng hỏi : « Bộ anh đau lắm hả ? » Hắn đáp thều thào : « Dạ… dạ… bình thường thì… thì nó không đau. Nhưng… nhưng khi nào… khi nào tui cười… khúc khích… thì nó đau lắm ! »

 

 

ĐÁ VỊT VUI HƠN

 

Trong cái đám nhân loại khốn khổ chúng ta hiện nay có nhiều người cười : cười khì khì, cười hề hề, cười tồ tồ, cười nhỏ nhỏ (nói chi tới cười thiệt lớn !), nhưng cũng có rất nhiều người nhứt định không chịu cười, có lẽ vì mỗi người chúng ta hoặc là bị cuộc đời, hoặc là tự cắm lên lưng mình một lưỡi dao nhọn. Rồi kể từ đó lúc nào cũng mang nó theo kè kè trên lưng, ngày đêm cứ thấp thỏm lo sợ bị người ta ăn cắp mất. Và cũng vì lẽ đó mà sinh ra táo bón kinh niên : bỏ ăn, bỏ ngủ, bỏ ỉa, bỏ cười (trong tứ khoái, chỉ có mỗi một thứ là không bỏ được). Nhưng với Kiệt Tấn thì hình như anh chàng… « không bị kẹt đạn » theo kiểu đó : cho dù mang dao nhỏ, dao lớn, dao phay, dao bầu, cho dù có mang dao xắt thịt, dao cạo râu, dao bầm củ hành, dao ăn trầu, dạo chém lộn, dao bửa củi, cho dù có mang búa đẽo, mang giáo nhọn, mang gươm dài, hay là gì gì đi chăng nữa trên lưng thì chàng ta vẫn cười lẹt đẹt, cười hề hề, cười khúc khích, cười mỉm chi cọp, cười ruồi, cười cầu tài được hết ráo ! Không những chỉ cười trộm một mình khi cầm bút lên… « mần dăn nghệ », mà còn lôi kéo bà con độc giả (lẫn độc thiệt) lén cười theo tủm tỉm, hoặc bật cười lên thành tiếng… Hà ! Hà ! Hà !... Ha ! ha ! Ha !.... Hô ! hô ! hô !... gì đó.

 

« Đọc KT người ta có thể cười một mình hoài ». Ai đã phê một cái như vậy ? Nguyễn Đình Toàn, Trùm trưởng nhạc chủ đề trên đài phát thanh Việt Nam Cộng Huề thời chiến. Chưa hết : « cái tối tân và cải lương hòa hợp với nhau một cách nhuần nhuyễn, duyên dáng, những cái, những chỗ chõi đều tạo nên những nụ cười (…) KT có lối viết người Miền Nam gọi một cách nôm na là cà tửng ». Cà tửng ? Có nên hiểu là cà tửng… từng tưng ? Nghe đồn hồi đó KT thỉnh thoảng có bỏ tiền túi ra bao Trùm trưởng ăn nhậu em út lai rai nên bây giờ Trùm ta khen phò mã tốt áo « để bồi dưỡng » gà nhà chăng ? Có ai có ý kiến nào khác không ?

 

« Lần bước theo trổ cửa văn chương của KT, người đọc bắt gặp một giọng văn dí dỏm, thỉnh thoảng chen vào đó là một sự mỉa mai, châm biếm và cũng không hiếm lần cười cợt. Cái dí dỏm của ông là cái dí dỏm của một anh chàng Nam Kỳ vui tánh. Tợp xong một ngụm rượu, đặt ly xuống, kể một câu chuyện vui, xen vào những chi tiết lý thú làm cả bàn tiệc xôn xao, bàn tán. Sau đó nổi lên những tiếng cười đắc ý và thích thú. Giọng văn dí dỏm của ông in đậm trên tác phẩm » (Tuyển Tập Kiệt Tấn, Văn Mới xb 2002, tr. 12).

Ai đã viết như vậy ? Đoàn Nhã Văn, một fan của KT ở Cali, bởi lẽ « rằng nghe nổi tiếng cầm…đồ ! », nên đã hạ bút tán thán Mai Kềnh kịch liệt. Rồi fan dẫn chứng cái nụ cười thích thú của mình, viết về mấy cái vụ đồng bóng của KT :

« Bây giờ có ai hỏi tôi tin bùa chú hoặc quỷ thần hay không, tôi cũng không biết thế nào mà trả lời dứt khoát cho được. Ba tôi thì đối lập là cái cẳng. Chẳng những không tin đồng cốt mà còn nghi cả cái vụ bán nam bán nữ của bóng. Ông xúi anh rể tôi bữa nào mầy rình thằng chả đi đái rồi xông ra kéo quần coi thử ». (TNBN, tr. 38).

 

Và chỗ khác, KT kể chuyện « đá vịt » của ông già mình :

« Ông già vợ tôi thích nuôi cá lia thia và nuôi gà đá độ, đặc biệt là gà nòi. Một bữa ba tôi ghé thăm anh suôi. Thấy ổng đang ngồi chuốt cưa gà ngoài sân, ba tôi kề tai nói nhỏ : Anh đi đá vịt với tui vui hơn. Đá vịt ? Ông già vợ tôi tưởng ông già nói lộn, cho nói lại. Ba tôi vẫn nhứt quyết là đá vịt chớ không phải đá gà. Ông cho thêm chi tiết : Bà Tư Cắc Kè ở xóm tui mới có mấy con vịt mái tơ ngộ lắm. Bây giờ ông già vợ tôi mới hiểu ra. Nhưng cũng chỉ cười trừ thôi. Rốt cuộc, mạnh ai nay theo nghiệp căn của mình : Một đàng đá gà dài dài, một đàng đá vịt mút mùa lệ thủy ! » (TNBN, tr. 39).

 

Sau khi dẫn chứng cái màn « đá vịt » của ông già lựu đạn, e rằng như vậy cũng chưa thuyết phục được bà con ta, fan còn bồi thêm một luận cứ chắc nịch như bê tông : « Viết bằng một giọng văn dí dỏm là mang trong người một dòng máu yêu đời tha thiết. Bởi kẻ chán đời không thể nào mở được nụ cười vui, chứ nói gì đến chuyện hóm hỉnh, dí dỏm cả ngàn trang sách. Tuy vậy, cái yêu đời của kẻ dám sống hết mình như ông đã vượt khỏi những hàng rào định kiến bao đời » (Tuyển tập, tr. 14).

 

Như vậy đã đủ tin chưa ? Nếu chưa, hãy nghe ĐNV trích dẫn thêm một đoạn nói về nhịp đập con tim tình ái của KT.

 

« Mà hơn cả năm nay nhịp đập của tim tôi cũng kỳ lạ lắm. Vốn biết chút đỉnh nhạc lý nên tôi cố ý nghe thử. Thói thường tim người ta chỉ đập nhịp hai (đít cô ?), mà tim tôi cứ độ mươi mười lăm phút lại thêm một nhịp ba ‘Một dòng sông xanh xanh, tập tập xình ! tập tập xình !...’ làm tôi chới với. Tôi cũng định bụng khi rảnh sẽ đi khám bác sĩ chuyên khoa về tim xem sao. Năm trước có khi cả ngày mới có một nhịp ba, sau đó rút xuống còn nửa ngày, rồi kế đó cả giờ. Rồi giờ cứ độ mươi mười lăm phút là ‘tập tập xình !... sông dài… sông dài… hải lý… tập tập xình ! tập tập xình !...’ » (NM, tr. 14) [Nghe Mưa, Xuân Thu xb 1989].

 

Mà một khi đã lỡ phóng lao rồi thì phải theo lao. ĐVN bèn nhấn ga đẩy mạnh luận cứ của mình : « Từ yêu đời, sang yêu người chỉ cách nhau có một bước. Từ yêu người nói chung, qua yêu đàn bà nói riêng, dĩ nhiên bằng triết lý của lỗ rún, cách chưa tới gang tay. KT yêu đàn bà da diết và thèm đàn bà dữ dội (…) Cái ghiền (đàn bà) của KT tạo nên những trang sách đẹp, bắt đầu cho cái ghiền khác nơi độc giả. Cái ghiền được nằm một mình đọc những truyện tình của ông, nghe thấm thía ở mỗi tế bào và lắm lúc vừa đọc vừa cười thích thú » (Tuyển Tập, tr. 15/17).

 

Cười ? Mà lại cười thích thú ? Trong lúc anh chàng phờ người vật lộn đêm đêm với em Tuyết quán nước trên bãi cỏ quê hương đổ mồ hôi hột, hoặc khóc lâm ly khi cô gái Còi Louise ở Qué-bec cho de để đi lấy chồng, hoặc tốc váy Người em xóm học ở Paris để mà (ta) ngắt đi một cùm lông thạch thảo đem về Xứ Tuyết mần kỷ niệm. Vậy mà cười thích thú được sao ? Trước cảnh thương tâm ấy, đáng lẽ đệ tử phải lặng lẽ cúi đầu. Cớ sao lại dám theo ghẹo phá ?

 

 

VIẾT TỪ TRÁI SANG PHẢI, TỪ TRÊN XUỐNG DƯỚI

 

Tính tới nay, trong cuộc đời mần dăn nghệ của mình KT đã sáng tác được cả thảy 2 tập thơ và 5 tập truyện : Một mầm non dăn nghệ đang lên rất là le lói. Cha nội không lo sợ mình sẽ không vô được văn học sử, mà trái lại còn lo ngược lại : Mấy năm sau nữa, ngồi uống rượu ở quán Lã Vọng phố Nguyễn Thị Diệu (Sài Gòn), ai đó nhắc mấy chữ « đi vào văn học sử » Kiệt Tấn cười, vẫn nụ cười tre trúc : « Sợ vào rồi không biết đường mà ra ! » Mầm non dăn nghệ đã phát ngôn bừa bãi vậy đó, nhưng đâu dè đã bị Mạch Nha vô sổ bìa đen (Văn 117 & 118, tr.60). Chưa hết ! Lập trường dăn nghệ của cha nội cũng rất là vững chắc, giống như là lập trường chống cộng của Nghị gật tại quốc hội xứ ta hồi đó. : « Văn nghệ văn gừng ta không mắc mớ gì tới tôi hết (…) Tôi chủ trương viết không có chủ trương, viết từ bên trái sang phải, và viết từ trên xuống dưới là ăn chắc » (hết cãi !). Nguyễn Xuân Hoàng chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí VĂN ở Cali đã chới với lập lại tuyên ngôn « cứu nước » của mầm non trong số Văn 117 & 118 ( tr. 5).

Cũng chưa hết ! Ông chủ chùa NXH còn thòng thêm một ý kiến zất nà không rống ai : « Tất nhiên là KT mang một sắc thái cá biệt rất riêng và độc đáo (…) ông không những viết rất có duyên, và hơn thế nữa ông là người kể chuyện ‘Phăng phăng la tu líp’, cứ thế mà đi tới, không sợ gì những cấm kỵ (…) Cái cố ý làm văn chương không có trong văn KT. Gấp những trang sách của KT lại, người đọc luôn luôn mỉm một nụ cười và biết rằng mình vừa đọc xong một truyện ngắn đặc biệt ».(Văn 117&18, tr. 4 / 5)

 

Nữa ! Lại cười nữa ! Cũng y chang như very fan ĐNV đã cười thích thú hồi nãy vậy. Trước cái thảm kịch của những cuộc tình éo le tan nát lâm ly, trầy vi tróc vãy (và rụng lông ?), đẫm mồ hôi và nước mắt của mầm non KT mà cười được ư ? Sao ông chủ nhiệm lại nỡ đành cười một cách nhẫn tâm và vô chủ nhiệm như vậy ? Ông nào có hay biết và cảm thông dùm KT « Hai năm tình lận đận, hai bánh mòn như nhau »

 

Sau khi điều tra xét kỹ mới rõ ràng là điệp viên 007 NXH đã theo dõi hành tung ám muội của mầm non KT từ thời chàng thám tử còn nằm vùng ở Tòa soạn Người Việt tại quận Cam Sành Cali. Điệp viên phúc trình ở bìa sau tập truyện Thương Nàng Bấy Nhiêu rất là rành rọt và chi ly : « TNBN là tập truyện ngắn khác của KT, rất tự truyện rất dí dỏm tinh nghịch, rất nhạy cảm rất KT ». Thì ra Kiệt Tấn viết văn rất là… Kiệt Tấn !. Đúng hết xẩy ! Không thể nào đúng hơn thế được nữa. Đây là một bản phúc trình vô cùng quý báu, thuộc loại « Tài liệu tối mật, phải đốt bỏ trước khi đọc ». Điệp viên 007 NXH đã báo cáo là truyện của KT dí dỏm, tinh nghịch. Vậy hãy thử đọc KT để coi dăn chương của cha nội nó cà tửng… từng tưng… tới mức nào. Giở tập TNBN ra đi. Truyện đầu, Lệ Dung Sang Tề, kể lại những quyến luyến tình cảm thời học trò giữa nhân vật xưng tôi (KT), Lộc anh của KT và Lệ Dung (em nhỏ hậu phương miệt Bến Tre) :

 

« Thỉnh thoảng khi dứt câu hát Lệ Dung còn đưa mắt long lanh liếc trộm người yêu khiến tôi bủn rủn trê-ma-lê cứ vấp tới lui từng chập. Nhưng cũng phải ráng lết tới cùng cho đẹp lòng Lệ Dung. Dứt bản, tới phiên chàng và nàng yêu cầu tôi ca mới chết một một cửa tứ ! ‘Là giết đời nhau đấy biết không ?’ Dũng tướng học trò bèn cự tuyệt. Ai mà ép ta hát thì trước hết phải bước xác chết của ta đã ! » (TNBN, tr. 19).

Rồi trong cái đêm định mệnh cuối cùng khi Lệ Dung sắp đem tấm thân ngọc ngà quay về cố hương Tề Quốc, mầm non đang ngồi ở bực cửa sổ trên gác lén ca vọng cổ một mình, bỗng chợt...

 

« Trong vòm hương tỏa ngất ngây, Lệ Dung đã xuất hiện đứng đó tự bao giờ. Nương theo một phép nhiệm mầu từ Suối Đào Nguyên nàng thình lình giáng thế. Tôi chới với thiếu chút nữa đã té ngửa qua mái ngói nhà hàng xóm bên cạnh và lăn lông lốc rơi tuốt luôn xuống đất » (TNBN, tr. 24)

 

Nhưng may mắn thay cho nền văn học của nước Văn Lang ta ! « Mầm non không té lủng nóc nhà hàng xóm hoặc rơi tuốt luôn xuống đất » cho nên mới còn lành lặn để mà tiếp tục sáng tạo (và tối tạo) văn chương. Viết tiếp truyện thứ hai : Đêm Cỏ Tuyết, loại truyện tình « áp rún đổ mồ hôi hột » giữa một cậu tú mới toanh và em bé Tiền Giang thơ ngây bán nước dừa rất ngon. Mới vô tuồng lai rai mà cậu Tú đã lật đật xuống vọng cổ.

 

« Tôi khổ sở nhứt là lúc mỗi tháng Tuyết treo cờ đỏ hưu chiến mấy ngày. Vào thời kỳ này đàn bà hay quạu quọ mà tôi còn quạu hơn Tuyết. Tôi đứng ngồi không yên như bị táo bón kinh niên, nhăn nhăn nhó nhó như khỉ ăn ớt. Khi nàng hạ cờ là tôi mừng quýnh như con nít má đi chợ về. Nàng lại có dịp la tôi : « Đồ quỉ, làm cái gì dữ vậy ? » (TNBN, tr. 66/67).

 

Rồi trong cái đêm ở Xè Gòn sắp sửa giã từ người tình quán nước để lên đường du học, chàng lại mớm ý với Tuyết hát lại cái tuồng cũ « Lưởng Long Trên Bãi Cỏ » như hồi cái thuở ban đầu (lưu luyến ấy). Và dĩ nhiên

 

« Nàng gạt ngang : ‘Ở dưới mình khác, ở đây khác. Anh làm bậy bạ lính bắt là hết đi Gia Cái Đại luôn. Anh ẩu tả, bữa đó ở Cầu Bắc về anh thiệt là thành quỉ. Em mà níu anh không kịp là anh lọt tuốt luôn xuống mương rồi !’ » (TNBN, tr. 74/75).

 

Hết xém té ngửa trên nóc nhà hàng xóm tới thiếu chút nữa là đã trở thành « người nghệ sĩ lăn luốt xuống mương, ba ngày sau nổi lên sình chương » ! Vậy mầm non thiệt là một tay cao thủ võ lâm ! Vẫn cứ còn sống nhăn để mà tiếp tục hành hiệp (hay hành lạc ?).

 

 

COI CHỪNG VẸO MŨI EM

 

Đọc tiếp TNBN : Sáng Dậy Nghe Em Khóc, truyện của một lũ bạn năm thằng đực rựa chuyên trốn vợ nhà, ăn quán ngủ đình, bẻ đào hái bưởi với mấy em nhỏ hồng nhan bạc mạng. Chân dung một trong năm tay hảo hớn đó :

 

« Danh nhỏ người nhưng thích ‘kiểu cọ’ với mấy em, trong bồn tắm hoặc bên bồn tắm. Mỗi lần tàu ngầm ngoi ống dòm lên cao tìm địch là nghe tiếng cười của chàng hiệu trưởng từ bồn tắm vọng ra ha hả. Tiếp theo đó là tiếng của mấy em rú người chí chóe » (TNBN, tr. 160).

 

Đó mới chỉ là phác họa sơ sơ về hai tay súng có đồ hình « Wanted Miền Viễn Tây ». Nhưng còn kép chánh mầm non của cái lần đầu tiên trong đời trao thân cho em Kiều ốm nhom ở Gò Vấp thì sao ?

 

« Nghe tôi đạo đạt nguyện vọng, chị Phúc Tú Bà di cư buột miệng than thở : ‘Ố giời ! Đi chơi bời người ta chọn mấy cô có da thịt, còn cái cậu này lại đi thích mấy cô chỉ có những là xương !’ Chị đâu có biết tôi khớp lắm. Lúc Lộc đèo Vespa đi dọc đường tôi cứ mắc tè liên miên. Nhưng khi tuột xuống xe ôm gốc cây và sục sạo mãi mà không thấy thằng bé đâu hết, tôi đã tính xin với đàn anh cho đàn em lui về cố quận phụng dưỡng mẹ già » (TNBN, tr. 168).

Khoan khoan ngồi đó chớ ra. « Vạn sự khởi đầu nan », mọi việc khởi đầu đều khó. Nhưng một khi đã hoa dại trót trao rồi thì ôi thôi ! Còn nói sao được nữa ! Một đêm, dưới ánh đèn sân khấu về khuya, mầm (hết) non, khi đó đã xỉn cất tiếng xổ bài Thủ Hoa Nguyệt lâm ly :

 

« Tôi lại thúc giục lần thứ hai, lần thứ ba, nàng mới chịu tắt đèn ở đầu giường và nằm xuống giữ nguyên áo dài trên người. Tôi lè nhè sao em không mang giày, xách bóp và đeo kiếng mát mà ngủ luôn cho nó đủ bộ bình tích ? » (TNBN, tr. 165).

 

Rồi mọi chuyện dừng hết lại ở đó sao ? Đâu có được ! Lại thêm một đêm nữa, và lại thêm một lần nữa trong lâu đài Tình ái màu tím, Người Ruồi lại gieo máu lửa :

 

« Một đêm trong phòng thắp đèn đỏ lờ mờ ở động bà Đại, em nằm dưới thỉnh thoảng ngóc đầu dậy nhắc chừng : ‘Anh làm nhè nhẹ, coi chừng vẹo cái mũi em mới đi sửa hồi chiều !’ Tôi ngó kỹ mới thấy trên mũi em có băng keo trong suốt dán vắt ngang - hèn chi trông em cứ ngờ ngợ như là đã có thấy ở đâu rồi (À ! Ra thế !) » (TNBN, 179).

 

Bà con ta cứ tưởng bở rằng mình đã rành hết 6 câu vọng cổ, có dè đâu lại còn một câu thứ bẩy núp sau bức màn the. Hãy nhắm mắt lại và tưởng tượng… tưởng tượng một mái tóc ngắn rồi một mái tóc dài… tưởng tượng một cánh tay thô rồi hai cánh tay mềm… tưởng tượng ba cái cẳng trần rồi bốn cái chưn run… tưởng tượng… tưởng tượng...

 

« Lộc nói hồi xưa, lúc còn đi học ở Vĩnh Long, hai chả mò xuống Trà Vinh chơi bời. Thứ lôi một cô Miên lai vô buồng kéo màn lại làm gì đó không rõ mà nghe tiếng đàng Thổ trong buồng vọng ra :Dơ ! Bòn ơi ! Bòn chơi kiểu như vầy là trặt cẳng em ! » (TNBN, tr. 190)

 

Ấy ! ấy ! coi chừng té bể mặt ! Hãy giở kinh Kama Sutra của mấy ông Chà Và Châu Giang ra mà tập dợt lại cho thiệt kỹ đi. Lần sau nhớ lận theo một hộp dầu cù là Con Cọp chánh hiệu con nai vàng ngơ ngác, phòng khi bị vọp bẻ (không có hiệu Con Cọp thì hiệu con Cù Lần cũng được). Tuy nhiên cho dù chính bản thân mình vốn là Nghị Gật (gù) đặc ruột, nhưng anh chàng KT cũng có nhiều quan niệm rất là siêu triết trong đời sống thực tế :

 

« Khi đỗ thủ khoa trường Võ Bị Đà Lạt, Thứ mang theo người một quan niệm nào đó về anh hùng. Nhưng khi nghe tôi nói : « Ta thà sống trong vinh quang chớ không thèm chết trong vinh quang ! » Thứ phá ra cười ồm ồm, chịu lắm. Không rõ vì sao, từ nhỏ tới lớn, tôi không có anh hùng mà cũng chẳng có thần tượng » (TNBN, tr. 166).

 

Không có anh hùng, mà cũng chẳng có thần tượng, vậy chớ cha nội tôn thờ cái gì, binh vực cái gì trên cõi đời ô trọc nầy ? Hãy thành thật khai báo may ra sẽ được cách mạng khoan hồng :

 

« Vì thú thiệt với mấy em, chính anh đây nhiều khi nổi máu Đơn Hùng Tín cũng muốn lấy da hoẳng cắt ra một miếng khoét hai cái lỗ, bịt lên mặt làm Người Mặt Nạ Đỏ, một roi một ngựa, vì đời trừ gian diệt bạo, hiếu thảo với cha mẹ, sát cộng chống gian thương, yêu già mến trẻ và… binh đĩ. Mà binh đĩ thì đã sao ? Nếu có những người xả mình binh vực những nhân vật không cần một ai binh vực hết (như Thượng Đế, như Lãnh tụ, như Chủ tịch, như Tổng Thống), thì tôi, tôi binh đĩ » (TNBN, tr. 184/185).

 

Thiệt rõ ràng là điếc không sợ súng ! May mà cha nội không bị kẹt lại với cái « Đỉnh cao Trí tuệ » hiu hiu, và bị cái nền « Cách mạng Vô sản » bằng bê tông cốt sắt của nước Đại Ngu ta nó đè cho dẹp lép sau năm 75. Bằng không thì cũng đã được Cách mạng iêu ái gởi ra Việt Bắc để tha hồ mà học tập giác ngộ mút chỉ cà tha ! Sống chưa chắc đã vinh quang, nhưng chết không vinh quang ở xó rừng là cái chắc !

 

 

DÀNH QUYỀN « TỰ DO Ở DƠ »

 

Thôi thôi, nãy giờ đọc truyện mấy em gái hậu phương bao nhiêu đó cũng đã nặc mùi son phấn lắm rồi. Giờ thử đọc qua các truyện viết về quê hương ruột thịt để xem mầm non có « nghiêm chỉnh » được một chút nào với cái quê hương yêu dấu của ta chăng ? « Cảo thơm lần giở trước đèn » Vậy hãy giở Tuyển tập (TT) Kiệt Tấn ra mà điểm sách. Xem qua bài phê bình của Nguyễn Hưng Quốc : « Giọng văn của Kiệt Tấn, như vậy là một thứ hợp chất giữa khẩu ngữ và thi tính. Một đặc điểm khác cũng khá phổ biến trong Nụ Cười Tre Trúc : sự dí dỏm. Từ cách dùng chữ đến cách mô tả, cách kể chuyện của KT dường như lúc nào cũng thấp thoáng một nụ cười tinh nghịch. Tinh nghịch một cách nhẹ nhàng và có duyên » (TT, tr. 486).

 

Nữa ! Lại cười nữa ! Không những chỉ cười hì hì suông thôi, mà lại còn dám « cười tinh nghịch ». Nụ Cười Tre Trúc, truyện đầu tiên của Tuyển Tập kể lại những mối ràng buộc khắng khít, đôi khi đằm thắm, đôi khi nháng lửa giữa mầm non KT và bà từ mẫu của mình, từ lúc em nhỏ mới sanh ra đời cho tới lúc lưng dài vai rộng (thiệt là cực nhọc trăm bề !) Cộp ! Cộp ! Cộp !... Màn một : « Thuở trời đất nổi cơn gió bụi »

 

« Má tôi hiền lành như vậy đó, nhưng lúc nào cần động thủ là bà cũng thẳng tay trừ gian diệt bạo như một hiệp khách, khi tình thế đòi hỏi : Những lúc bà lôi tôi ra sàn nước tắm rửa kỳ cọ ! Tôi mà giãy giụa không để yên cho bà chà láng cạo hờm gỡ ghẻ là má tôi không ngần ngại khõ gáo dừa lên đầu tôi, mặc tình cho tôi giãy khóc, tranh thủ độc lập, dành quyền dân tộc tự quyết và đòi được quyền tự do… ở dơ. Tắm xong, bà cho tôi cái bánh men để dỗ an bá tánh » (TT, tr. 35)

 

Nhưng vì sao mà bà từ mẫu vô cùng hiền lành lại nỡ nhẫn tâm ra tay chà láng thằng nhỏ kỹ như vậy ? Số là : Màn hai : « Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên »

 

« Chị tôi thuở đó còn nhỏ ham chơi. Một bữa chị bồng tôi ra đầu xóm, bỏ tôi xuống đất rồi cùng mấy cô nhỏ khác chơi nhảy cò cò. Ngồi một mình thua buồn, tôi bò lạng quạng, tự bày trò chơi lấy một mình : chơi trò moi ổ kiến lửa ! Bị khiêu khích, một con, hai con, ba con hùa vô cắn, rồi quân dân ta thừa thắng xông lên, ba mặt giáp công, quần thảo chích nọc độc cho thằng lỏi một trận tơi bời. Tôi cũng gan cùng mình đứng ra lãnh trách nhiệm trước quốc dân đồng bào, không chịu đào ngũ, không chịu lên TV tuyên bố rồi chuồn êm, cũng không thèm khóc la giãy giụa. Vì lẽ đó, nếu khi xưa trong truyện Tam Quốc, Triệu Tử Long lúc ra đi bạch giáp, khi đoạt được ấu chúa trở về hồng giáp, thì Út Bạc Liêu lúc ra đi láng giáp, khi màn nhảy cò cò chấm dứt trở về đã thành sần giáp » (TT, tr. 36/37).

 

Cộp ! Cộp ! Cộp !... Màn thứ hai mươi ba : « Xanh kia thăm thẳm từng trên » (Music, please ! Cantabile).

« Má tôi giựt cái đùi chuột lại, tôi ré khóc lăn ra nằm vạ. Dì Bà tôi nghe ồn ào, chạy ra can thiệp vào cuộc nội chiến, nói ra là chính dì đã cho tôi cái đùi chuột (gỡ tội tôi ăn vụng). Có la thì la dì chớ sao la thằng nhỏ ? Rồi hai chị em gây lộn , má tôi thứ Năm trong nhà. Gây kịch liệt. Má tôi nhịn thua, dắt tôi ra sàn nước pha nước nóng và lá ổi chà láng thằng nhỏ. Tôi giãy giụa, bà lấy gáo dừa có cán khõ lên đầu tôi. Xong cái màn tẩy trần và sơn phết, bà cho tôi cái bánh men. Mặc dù còn phẫn chí ẩn nhẫn chờ ngày vùng dậy giành quyền tự do ở dơ, ấu chúa cũng xơi tạm cái bánh men cho bõ ghét » (TT, tr. 38).

 

« Trống tràng thành lung lay bóng nguyệt / Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây » Giặc Tây, giặc Thổ đã tới ! Gió bụi đã nổi lên khắp bốn phương rồi thì phải tản cư. Mầm non cũng di tản chiến thuật cùng với ba má, anh chị, heo gà và chú Chín câm điếc của mình trên chiếc ghe tam bản tự đóng lấy. Màn « Chàng từ đi vào nơi gió cát » (Music, please ! Allegro con fuoco) Tà ra ! Tà ra ! Tà ra !...

 

« Khi Tây và Thổ ruồng tới, mọi người bỏ nghe nhảy lên bờ sậy vừa chạy vừa khom người xuống núp. Chỉ có chú Chín (câm điếc) vì sợ hư quần áo nên cứ sổng lưng giơ cao cái rương nhỏ lên khỏi ngọn sậy mà chạy ngờ ngờ một cách hết sức hồn nhiên. Tây ngó thấy rượt theo bắn chát chát mà chú cũng coi như pha. Thiệt rõ ràng là điếc không sợ súng ! Ba tôi nắm áo chú kéo xuống, chú lại giựt ra ngóc lên, Tây lại bắn chát chát, vì vậy mà hai người sanh giặc với nhau, quên cả giặc Thổ đương rượt theo sát bên đít » (TT, tr. 44).

 

« Chàng tuổi trẻ vốn là chàng Kiệt / xếp bút nghiên theo việc mông lung ». Rồi việc gì đến phải đến ! Màn « Tuốt gươm chí Quyết Chẳng Dong Giặc Trời » (Music, Please ! Xem phô ni năm bờ Nai, Pam ! Pám ! Pám ! Pam !...)

 

« Lần đó giặc tung lưới bao vây rộng lớn nên súng bắn ra từ bốn phía. Kẻ chống xuôi người chèo ngược loạn cào cào trên sông. Trên bờ mấy anh du kích xách súng chen lấn đàn bà con nít để chạy trước, bất kể quân thần. Ba tôi giận quá, tuốt gươm ra khỏi vỏ. Đó là lần duy nhứt tôi được thấy gươm cố tổ dòng họ Lê của mình ngời ngời ánh thép ! Ông trỏ gươm lên bờ mà hét rổn rảng :

 

- Đ.m ! Đứng lại ! Đứng lại ! Giặc tới tụi bây phải ở lại giữ trật tự cho đàn bà con nít rút lui, cớ sao tụi bây bỏ chạy trước ?

Một gã du kích chõ miệng xuống ghe, trả lời ba tôi ngon lành :

- Đ.m ! Gia tài có cây súng quèn, ông biểu tụi tui ở lại cắn tụi nó hả ? » (TT, tr. 45).

 

 

NGƯỜI RUỒI GIEO MÁU LỬA

 

« Nước thanh bình ba trăm năm cũ / áo thun treo cú rũ từ đây » ! Thôi, hãy tạm gát kiếm giang hồ tại nơi đây mà trở lại với đời sống dân sự và hoạt động tình ái của mầm non, dĩ nhiên. Rồi như bà con đã biết, chàng tuổi trẻ lên đường du học Ca Bá Đại (cái quốc hiệu dùng để gọi Canada của bà từ mẫu và cô em nước dừa). Chàng trai nước Việt giải thích.

 

« Má tôi không biết được những mối tình của thằng con út của bà. Không phải vì tôi giấu giếm, mà vì lẽ bà không có cách nào theo dõi hoạt động tình ái của tôi ở xứ người. Cũng may cho bà. Vì nếu biết được, có lẽ bà lại có cháu khóc tiếng Tây, tiếng Mỹ và không chừng luôn cả tiếng Mọi Da Đỏ để tỉ tê với các nàng dâu hụt của bà. Má tôi vốn người ăn chay niệm Phật, đâu có dè thằng quý tử của bà lại là Người Ruồi Gieo Máu Lửa ! » (TT, tr. 54).

 

Quá đúng ! Chàng tuổi trẻ may mắn có được một bà từ mẫu đầy lòng từ bi. Bà có trái tim lớn bằng bồ lúa, mà mỗi hột lúa là một mối thương tâm, khiến cho bà khóc nhiều vô số kể suốt cuộc đời bà.

 

« Không phải má tôi chỉ khóc vì tình mà thôi đâu. Má tôi còn khóc vì thương nhiều lắm. Mà đối với má tôi, những chuyện thương tâm nhiều vô số kể. Con gà bà nuôi đem bán đi bà cũng khóc. Con heo chở theo lúc tản cư bị bắt làm thịt, bà cũng khóc, tôi cũng khóc theo cho tròn chữ hiếu. Bà khóc bè một, tôi khóc bè hai, hòa âm rất là chỉnh. Bà không chịu mó đũa vào thịt con heo đó, còn tôi thì gắp lia lịa. Phải nuôi dưỡng cốt nhục cha mẹ ban cho ta từ lúc ra đời cho tròn chữ hiếu » (TT, tr. 55).

 

Mới biết lòng hiếu thảo của mầm non rất là cao cấp và vô cùng hoành tráng ! Đó là chưa kể những lần chàng tuổi trẻ dang cái lưng chí hiếu ra biểu diễn tuồng « Vân Tiên cõng Mẹ » dài dài rong truyện Nụ Cười Tre Trúc (Music Please !) La vie en rose : « Quand il me prend dans ses bras. »

 

Vân Tiên cõng mẹ trở ra

Đạp bãi cứt gà cõng mẹ trở vô

Vân Tiên cõng mẹ trở vô

Đụng phải cái bồ cõng mẹ trở ra

Vân Tiên cõng mẹ trở ra

Đụng ông Chà và cõng mẹ trở vô.

Vân Tiên… vân vân và vân vân…

 

Thôi, thôi ! Cõng xoành xoạch tới đây và vô ra nườm nượp như vầy ắt hẳn bà từ mẫu cũng đã ngất ngư lắm rồi, nghĩ mà tội nghiệp cho tấm thân già da cóc ! Còn chàng tuổi trẻ xem ra cũng đà thấm mệt, đau lưng và mỏi cẳng thấy rõ. « Hơi gió lạnh người rầu mặt dạn / Dòng nước sâu ngựa nản chân bon / Ôm yên gối trống đã chồn / Nằm vùng ( ?) cát trắng ngủ cồn rêu xanh… »

 

Tuy nhiên, cuộc đời của mầm non không phải lúc nào cũng toàn là mầu hồng, lúc nào cũng « zớ oa la vì ắng rô zờ », hết đâu nghen. Chàng đã từng khóc tì tì.từ Âu sang Á, khóc lâm ly từ Á sang Mỹ, khóc tỉ tê từ Mỹ sang Âu vì mấy em nhỏ Phà Ca dễ thương rất nhiều. Khóc như mưa bấc từ xứ này qua xứ nọ, từ Tần sang Tấn, từ Sở sang Tề : « Anh với em má tựa vai kề. Nay dù cho em có lạc Sở sang Tề thì em cũng gửi thơ về cho anh hay ». Nhưng cũng không phải chàng chỉ khóc tá hỏa bùng binh vì mấy em nhỏ hậu phang mà thôi đâu. Hồi mới chỉ năm sáu tuổi đầu, mầm non cũng đã khóc ngất ngư, khóc đứt ruột khi em vịt vàng nhỏ của mình bị xe nhà binh cán chết lúc cuối năm. Giáo đầu truyện, khóc mở màn :

 

« Mà khi tôi khóc, mấy thằng lỏi trong xóm bèn xúm lại kêu ngạo tôi. Hồi đó, lúc khóc chắc là tôi xấu lắm. Lúc năm sáu tuổi rằng tôi bị siết ăn đen sì rụng sát nướu, chỉ còn trơ lại hai cái răng chó còn cầm cự được ở hàm trên, nhưng cũng đã bị ăn khuyết mòn xung quanh. Khi tôi nhăn nướu đen siết ra khóc, tụi lỏi xúm lại nhạo tôi : ‘bà già móm tóm lưỡi câu, ông già râu câu cá chốt’. Hoặc ác hơn : ‘sún răng bắt cầu chía ỏ !’ (xin bà con đừng nói lái mà chết cái duyên của thằng nhỏ !) » (TT, tr. 71/72).

 

« Còn giống vịt cũng ngộ lắm. Khi nở ra là theo riết người mẹ mà nó ngó thấy đầu tiên lúc vừa mở mắt. Bởi vậy nên mới có chuyện mẹ gà ấp trứng vịt. Khi nở ra sẽ có cái cảnh mẹ gà con vịt chít chiu. Khi lũ vịt con chạy ùa xuống nước bơi lội thì mẹ gà chỉ còn nước đứng trên bờ mà gọi khan cả tiếng, rồi rút khăn mui xoa ra mà lau lệ » (TT, tr. 68).

Nhưng một khi đã có vịt nhỏ rồi thì ắt phải có vịt tơ, vịt lớn, vịt cồ và cuối cùng là vịt Đại Bàng : Con vịt xiêm độc nhứt vô nhị trong giới võ lâm ở cái xứ Bạc Liêu, ăn bứt xa con Quỉ Râu xanh của mấy ông Tây Trắng (nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ !)

 

« Cùng lứa với con Mẫu Hậu là con vịt xiêm đực, hổn danh Đại Bàng - tên này cũng do ba tôi đặt. Con Đại Bàng mắc chứng cuồng dâm nên vịt xiêm, vịt ta, vịt lớn,vịt nhỏ gì đều cũng bị nó đạp mái ráo trọi. Cả gà ngỗng cũng bị nó hiếp dâm luôn. Gà mái bị đã đành, mà gặp nhằm gà nòi đá độ, anh chàng bị phang cho mấy cựa đổ máu té giạt ra ngoài mà rồi cũng không tởn. Ngay cả con heo thiến má tôi nuôi trong chuồng cũng bị Đại bàng đáp đại lên lưng mổ cắn, trì kéo cái tai heo và vặn vẹo cái đít vịt, không biết ý gì. Bận nọ, bà chủ nhà của tôi lén ra ngồi ở lùm cỏ khuất cao mà giải thủy, tưởng đà yên chí. Dè đâu Đại Bàng đã nằm vùng sẵn ở đó tự lúc nào, bèn đưa mỏ cứng ướm thử cái bàn ngồi của bà chủ một phát ( ui da !) Bà la chói lói, chạy vô mắng vốn với má tôi là bà bị con vịt mắc dịch của nhà tôi nó rỉa. Ba tôi che miệng cười khúc khích nói nhỏ với anh Hai tôi : ‘Gặp tao tao cũng rỉa nữa, huống hồ là con vịt’ » (TT, tr. 69/70).

 

 

RÚT GƯƠM ĐÂM HỌNG MÁU TRÀO

 

Sau khi rời bỏ cuộc đời thơ ấu của mình tại Bạc Liêu, mầm non lên Vĩnh Long và bắt đầu phiêu lưu tình ái. Vừa chập chửng bước chưn vào trung học, nghệ sĩ gà mờ đã biết gãy đờn măng đô lin và hát tán gái :

« Chiều chiều Hương ra bên hông nhà lấy gàu mo tưới giàn trầu. Nhà tôi cách đó một căn. Tôi leo lên gác, ra ngồi ở bực cửa sổ nắn phím so tơ cố gân cổ lên mà Gợi Giấc Mơ Xưa : ‘Chiều nay… lênh đênh trên sông Hương (rống lớn tiếng Hương !) theo gió mơ hồ hồn về đâu ?’ (Dìa đâu thì dìa, anh chàng nầy hỏi lảng nhách, chắc Hương nghĩ bụng). Dù ở Vĩnh Long chỉ có sông Thiềng Đức, sông Cái Cá, sông Cổ Chiên và sông Long Hồ thôi, nhưng tôi vẫn cứ nhứt định nằng nặc đòi ‘lênh đênh trên sông Hương’ cho bằng được. Có lẽ thấy tôi đòi ‘lênh đênh’ dữ quá nên Hương bèn dứt dây cho tôi trôi luôn : Ngày tôi lên đường du học ở Mỹ Tho, nàng đính hôn với con ông chủ vựa nước mắm ngang nhà » (TT, tr. 98).

 

Mầm non (lúc đó chưa dăn nghệ) đành ôm mối hận ly Hương, cất bước lìa bỏ Vĩnh Thành mến yêu để lao mình vào sương gió « Cát bụi tung trời, đường vất vả còn dài » (mút chỉ cà tha !). Lìa xa thành đô yêu dấu, một sớm khi heo may về (nếu ở cái xứ Vĩnh Long không có heo may thì xài đỡ heo gì cũng được). Qua tới tỉnh Mỹ Tho, đóng đô học trọ tại Xóm Bến Đò bên dòng sông Định Tường êm đềm, chàng bày đặt đá lông nheo với một em nhỏ hậu phương có cái tên mỹ miều thơm phức là Hoa. Chưa kịp tỏ tình gì hết mà mầm non tình ái đã hờm sẵn bốn câu thơ tuyệt mạng trong túi, chỉ chờ dịp tốt là tung ra để làm chantage tình cảm với em nhỏ :

 

« Đèn Mỹ Tho không xanh không đỏ / Anh coi không tỏ rõ anh tưởng đèn màu / Rút gươm đâm họng máu trào / Để em ở lại kiếm nơi nào hơn anh ! »

Đó là chưa kể cùng lúc, đêm nào mầm non cũng mài dao phục quốc rột rẹt đều đều dưới trăng khuya để mà thề bán mạng.

 

« Dao phay cứa cổ

Máu đổ không màng

Chết thời chịu chết

Buông nàng không buông ! » (TT, tr. 99)

 

Mới biết, mầm non ta đã phiêu lưu ái tình lã lướt từ khuya (giống như là luyện tập võ công), trước khi dấn thân phiêu lưu dăn nghệ dài dài sau nầy. Thiệt là hết cỡ nói. Tuy nhiên, điều đó cũng đủ để chứng tỏ mầm non là người đã nuôi chí (zất) nhớn từ hồi còn nhỏ xíu. Quả thiệt là hiếm có. Ấy thế, ngay cả trong cái khúc quanh lịch sử mài dao phục quốc, mầm non cũng đã bắt đầu mần dăn nghệ lai rai : cóp thơ Nguyễn Bính, sư phụ mình :

 

« Chị ơi Tết đến em mua rượu / Em uống cho say đến não nùng / Uống say cười vỡ ba gian gác / Ném cái chung tình xuống đáy sông. Tết năm đó, tôi viết cho chị Trúc như vậy. Thuở đó tôi với Ánh chưa tỏ tình gì hết, và tôi cũng chưa biết uống bia. Vậy mà tôi vẫn cứ cười sập gác trọ ầm ầm và liệng gà mên xuống sông Định Tường ào ào » (TT, tr. 335).

 

Rồi cuộc đời tình ái của mầm non tiếp tục phát huy đúng y chang theo kinh dịch, như mọi người đã rõ : Chàng trở thành cậu Tú, rồi cặp bồ với em Tuyết quán nước, kế đó nhờ chó dắt nên được cấp học bổng bay sang Québec để tiếp tục tha hồ mà quậy mấy em Còi nơi xứ người. Trong khi đó ở quê nhà :

 

« Chị Trúc vẫn tiếp tục thêu thùa, nướng bánh, và bọn con trai ở xóm Rạp Hát của tôi vẫn tiếp tục chắc lưỡi trầm trồ người đẹp Bình Dương và cô em bé nhỏ xinh xinh trong số đó vắng mặt tôi. Bởi lẽ tôi đã lên đường du học Canada. ‘Anh đi em ở lại nhà / Vườn dâu em đốn… thịt gà xé phay ! » (TT, tr. 337).

 

Xa quê hương nhớ mẹ hiền ! Cũng tự nhiên thôi. Cứ mỗi năm hoa đào nở là mỗi năm chàng lại tương tư về cố quận thả hồn viễn xứ về căn nhà màu tím nơi chốn cũ. Nhưng than ôi ! Giờ đây « cố nhân xa rồi !... có ai về lối xưa ? ». Ngó ra bốn phía, chân trời góc bể, biết đâu là nhà ?

 

« Càng chắc chắn về không được tôi càng làm dữ với dân Da Đỏ địa phương : Tết này chưa chắc em về được / Em gửi về đây một tấm lòng / Gạo nếp nơi đây sao trắng quá / Mỗi ngày phiên chợ một thêm đông / Cột nhà hàng xóm lên câu đối / Em đọc tương tư giữa giấy hồng. Ở Canada trong những năm 60 mà tôi đã bày bán gạo nếp, nước mắm, bánh tét và dán liễng đỏ ở cột nhà hàng xóm người ta tùm lum. Thây kệ, sư phụ biểu sao thì tôi làm vậy » (TT, tr. 337 / 338).

 

Tấc dạ hoài hương canh cánh bên lòng, chàng nào hay biết ở quê nhà chị Trúc của mình đã lỡ bước sang ngang. Và than ôi ! Nàng đã trao duyên lầm tướng cướp !

 

« Cũng may, mọi người đều giấu biệt tin tức bất lợi cho đệ tử của Nguyễn Bính ở Canada. Bằng không, có lẽ tôi đã tức tốc đáp máy bay phản lực không người lái về quê hương để hành thích bạo chúa, đại úy dâm tặc, và ra hầu Tòa một cách hiên ngang. ‘Sang Tần tráng sĩ Kinh Kha chết ! Máu đỏ trôi sông Dịch Thủy về. Ta hề là tráng sĩ ! Ta tráng sĩ là hề !’ Tiếc thay trời đã không cho tôi cơ hội so gươm với đại úy dâm tặc và cứu chị Trúc của tôi đang bị con Quỉ râu xanh uy hiếp. Chị thà coi như là hạt bụi / Em thà coi như hơi rượu cay » (TT, tr. 342).

 

Còn có ai ngon lành hơn ta chăng ? Mới biết, ngoài cái chí (zất) nhớn, chàng tuổi trẻ còn là một người hiên ngang không sợ chết thề da ngựa bọc thây, tuốt gươm chí quyết chẳng dung giặc trời ! Nhưng mà thôi, đó là cái chuyện mãi về sau này, sau khi con người không sợ chết đã có kinh nghiệm chiến trường tình ái và khóc thét nhiều phen.

 

 

CƯỜI TRONG TRUYỆN, CƯỜI NGOÀI ĐỜI

 

Người ta thường phân biệt « Đạo và Đời », làm như thể thiên hạ nói Đạo một đàng, tới lúc vào Đời thì lại làm một nẻo. Biết đâu chừng ngòi bút KT cũng vậy thôi. Nghĩa là ngôn hành bất nhất. Khi múa bút nơi thư phòng vắng vẻ thì chàng cà tửng. Nhưng tới lúc thực sự đặt chân vào đời thì nhà dăn nhớn lúc nào cũng khó đăm đăm, mặt mũi lúc nào cũng quạu đeo (như sợ người ta mượn tiền), và táo bón kinh niên ? Những người sống ở Pháp và có dịp tiếp xúc với chàng thấy sao, và nghĩ gì ? Chẳng hạn như cô em Mạch Nha hồi đầu, người đã có dịp chép trộm lời vàng ngọc của nhà dăn nhớn vào sổ bìa đen ở quán Lã Vọng Xè Gòn. Cô em đã ghi chép tiếp cảm nghĩ thầm kín của mình vào nhựt ký như sau :

 

« Ông khóc tá lả âm binh, để nước mắt rơi rớt lã chã vào văn chương. Khóc dữ dội và dễ thương đến nỗi đọc ông nhiều khi phải bật cười. Không phải cười nhạo đâu. Cười sướng : vẫn còn có người biết khóc vì những điều tưởng đã quá lạc điệu giữa đời sống nhẵn lì này » (Văn 117 & 118).

 

Nhưng thế rồi một bận nọ… Một bận khi màn đêm ảm đạm đã bao trùm xuống Kinh đô Ánh sáng, qua điện thoại không dây và không người lái, KT bắt đầu cuộc đối thoại với cô em Mạch Nha :

 

« ‘Đang làm gì đó ?’ – ‘Dạ, làm thinh, làm biếng’. ‘Sao không làm tình ?’ ‘!!!!’ Mới nghe ú ớ. Nghe tiếp ú ớ thêm. Kiệt Tấn hay làm đối tác bất ngờ trước con cá mang tên Kiệt (…) chẳng bởi hình thù, màu sắc hay chuyển động lạ lẫm, chỉ bởi cá kia lội giữa một dòng trong suôn suốt » (Văn).

 

« Trong suôn suốt ? » Điệu nầy chắc con cá KT bắt buộc phải bận xà lỏn đen hay vận khố đỏ để mà lội cho nó chắc ăn. Bằng không, bảo đảm sẽ bị ông cò lập vi bằng và phạt nặng vì cái tội « công xúc tu sỉ » (xin chớ hiểu lầm tu sỉ nói ở đây với thầy Chùa, hoặc ông Cha hoặc là Dalatôla hay Dalacchénla gì đó !...) Nhưng nếu chỉ có một người phát biểu ý kiến, e rằng có thể thiên vị. Hỏi một người khác nữa xem sao : Như em Hai Đặng Mai Lan ở cái xứ làm rượu bọt champagne chẳng hạn. Em Hai thấy văn sĩ nhà mình như thế nào ?

 

« Lâu lâu bặt tin tôi ông điện thoại hỏi tôi làm gì mà không nghe tiếng. Tôi trả lời, lúc này tôi bận lắm. Ông nói, sao bận hoài, phải cởi ra bớt đi chớ, bận hoài chịu gì nổi. Kiệt Tấn là như vậy. Ngoài đời cũng như trong truyện, hầu như chuyện gì ông cũng có thể đem ra diễu được » (Văn 117 & 118).

 

Cái gì cũng diễu được ? Coi chừng ! Cứ giỡn mặt hoài thì rất khó làm việc đó nghe cha nội ! Nhưng sau đó, sau khi đã tạn mặt đá vàng nhiều bận với nhà dăn nhớn tại tư dinh và rút ra kinh nghiệm chiến trường bốc khói, em Hai đã nói giùm ra một điều zất ư nà chí ný.

 

« Tôi biết một điều, ông vui vẻ, trung thực, bộc trực nhưng dễ nổi cộc. Đối với ông trắng là trắng mà đen là đen. Có sao nói vậy người ơi... đừng điệu bộ “em chả, em chả… là không xong với ông. Điệu đàng thục nữ, nghiêm chỉnh, quy tắc... tôi nghĩ chắc không thể trò chuyện lâu được với Kiệt Tấn » (Văn)

 

« Kiệt Tấn vui vẻ, hoặc dui dẻ », nói theo kiểu Nam kỳ. Chắc không ? Hay là « tuy thấy dậy mà hổng phải dậy ». Cha nội đã từng bị chạm dây, đã từng nổi điên, và đã từng vô bệnh viện tâm lý nhiều bận. Và cũng chính cũng ở lần đầu, chàng đã tình cờ gặp một em điên khác, Evelyne. Lại « quậy » nữa. Rồi viết lại cuộc gặp gỡ này thành truyện Em Điên Xõa Tóc. Gây nghi ngờ cho em Hai ĐML, « có thể ông tướng này đã bịa truyện ? Nhà văn mà ! » Bèn tìm cách tiếp xúc để check lại, để « kiểm tra » lại những gì mà chàng đã viết ra :

 

« Tôi hỏi : (...) mà anh có viết nhật ký thật không hay chỉ là những tiểu tiết để anh dựng chuyện ? (...) Ông im lặng, không trả lời câu hỏi của tôi vì ông xúc động. Tôi cảm được sự nghẹn ngào qua ống nghe điện thoại. Một con người coi nhẹ mọi chuyện, lúc nào cũng dí dỏm cười cợt như ông mà nghẹn đến không nói nên lời » (Văn).

 

Tiếp tục. Sau vụ kiểm tra tại chỗ Ông Điên Kiệt Tấn, và sau nhiều lần họp mặt bù khú với các thân hữu văn nghệ khác tại nhà ông điên (có bằng cấp bịnh viện), em Hai nằm đêm gát tay lên trán, tư zuy trằn trọc, chắc lưỡi hít hà... Rồi bỗng chợt nhận ra thêm một điều zất ư nà chí ný khác nữa :

 

« Gọi ông là ông điên nhưng tôi thấy ông vui, vui lắm. Có vẻ ông đang thỏa hiệp với cuộc đời. Thời điên qua rồi. Nhắc đến ông bây giờ là phải nói đến rượu, say, cười. Say khướt, say cuồng, say bí tỉ... Ông say như thế nào tôi cũng chưa từng được chứng kiến. Nhưng mỗi lần nhìn ông ngồi với ly rượu, dù ông cười nói huyên thiên, tôi vẫn nghĩ đến một nỗi buồn ẩn nấp đâu đó sau những nụ cười » (Văn)

 

« Một nỗi buồn ẩn nấp đâu đó » (mà sao em kiếm hoài hổng thấy !). Buồn năm phút, hay là buồn lai rai, buồn khơi khơi, buồn xen kẽ, buồn dài dài... Một nỗi buồn hiu hắt, kiểu « bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài », hoặc « lòng không sao cả, hiu hiu khẽ buồn ». Một nỗi buồn rất có hình, « buồn trông cửa bể chiều hôm ». Hoặc siêu hình, « hôm nay trời nhẹ lên cao tui / buồn tui hổng hiểu dì sao tui buồn » (kỳ ghê !).Tuy nhiên, cũng có thể là một nỗi buồn chẳng có gì là thâm cung bí sử : « Bữa nay trời nặng (bị) vợ la / Tui buồn tui (rất) hiểu dì sao tui buồn ! » Buồn là phải ! Và cũng đáng kiếp. Trời nặng thì tự nhiên là ở đây âm khí nặng nề. Biết vậy mà lại còn dám đi chọc cho bị vợ la. Rán chịu cho quen đi cha nội !

 

 

BỠN CỢT NHƯ MỘT NGHỆ THUẬT

 

Cười ! Thiệt ra thì nụ cười, ngoại trừ Nụ Cười Tre Trúc, không phải là cái gì riêng tư của Kiệt Tấn, hoặc nói như Nguyễn Xuân Hoàng : « rất Kiệt Tấn ! » Trong văn chương Việt Nam cũng đã có những loại sách được viết ra chỉ nhằm chọc cười người đọc. Những tập chuyện vui cười góp nhặt đó đây. Những quyển sách tiếu lâm thuộc loại Ba Giai Tú Xuất, Lý Toét Xã Xệ... Những sản phẩm đó không thuộc hàng văn chương. Đọc để giải trí, đọc để cười chơi vậy thôi. Rất là phổ thông. Rất là bình dân. Không có gì phải tế nhị. Nhưng mà vui. Như vậy kể cũng được lắm rồi. Đã làm tròn bổn phận công dân đối với độc giả. Trong văn chương Việt Nam thỉnh thoảng cũng bắt gặp đó đây những nụ cười thuộc loại « bỡn cợt » (humour, humor). Nhiều nhứt là trong ca dao, trong thơ : Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ (lai rai), Tú Xương, và còn những ai khác nữa... Trong văn xuôi và truyện thì tương đối ít hơn, đôi khi lại không do cố tình.

 

Nhưng ở KT, người ta thấy có một cái gì khác hơn : một sự nâng cấp bỡn cợt lên hàng nghệ thuật, và một ý hướng tạo thú vị cho người đọc. Trong tất cả sáng tác của mình, bỡn cợt đã trở thành văn phong KT, bút pháp KT. Bỡn cợt có mặt trong khắp các tác phẩm của KT. Nó dàn trải. Nó cút bắt. Nó tinh nghịch. Nó giỡn mặt. Nó chọc quê. Nó châm biếm. Nó mỉa mai. Tuy nhiên nó không đen, nó không ác, và nhứt là nó không bao giờ cường điệu (trừ phi vờ vịt). Dĩ nhiên, cái bỡn cợt của KT có thể xúc phạm, nhưng nó tuyệt nhiên không có ác ý, với chủ đích gây thương tổn. Nó không hạ bệ : nó chỉ cho thấy. Nó không bới móc : nó nói lên những điều không ai hoặc ít ai dám nói, những điều cấm kỵ. Nó không xuyên tạc : nó nhìn thẳng băng - và cũng bởi lẽ đó nên ít ai dám nhìn. Nó có thể sai lầm, nhưng nó trung thực : con người KT là vậy. Không giấu giếm. Không che đậy. Nói như Mạch Nha, con cá Kiệt Tấn lội giữa một dòng trong suôn suốt. Hoặc như Đặng Mai Lan,đối với ông trắng là trắng mà đen là đen, và… có sao nói vậy người ơi !

 

Cũng như đối với những điều khó nói, nếu đem viết nó ra bằng một bút pháp nghiêm chỉnh, ta sẽ thấy nặng nề ngay tức khắc : Bản văn sẽ mang giọng điệu lên án, chỉ trích, đả kích, tấn công. Và đôi khi lại còn tỏ ra rao giảng đạo đức, luân lý, răn đe, dạy đời, phách lối : Làm cái giọng Tám Tàng ! Lên cái mặt Thầy Đời ! Bỡn cợt thì xoa dịu - tuy nhiên, xoa lắm thì cũng rát. Những ngòi bút nhận xét về cách kể truyện và văn phong của KT, thường dùng hai chữ « có duyên » làm hình dung từ để chỉ ra cái nét đặc thù của tác giả (lẽ ra hai chữ « có duyên » đem ra dùng cho một ngòi bút thoa son mặc áo dài thì thích hợp hơn).

 

Tuy nhiên, cái bỡn cợt của KT không phải chỉ khiến cho người ta cười khì suông một cái rồi thôi. Hết rồi, bỏ qua một bên như chuyện tiếu lâm. Cái bỡn cợt của KT thường khi làm cho ta suy gẫm. Rồi thấm thía. Đôi lúc thấm buồn. Buồn thấm thía. Truyện của KT hiếm khi có kết cuộc vui - một cái happy end. Biết đâu chừng bởi lẽ đó mà KT dùng giọng văn bỡn cợt để làm nhẹ bớt đi cái đau cuối cùng. « Một nỗi buồn ẩn núp đâu đó đàng sau nụ cười », ĐML đã mơ hồ nhận ra điều này ở nhân vật KT trong đời sống. Thì trong văn chương của KT, có lẽ cũng vậy thôi. Đời sống hàng ngày là bi kịch hay hài kịch ? Bi kịch đẩy lên quá trớn sẽ trở thành hài kịch. Hài kịch đẩy lên quá trớn sẽ trở thành bi kịch. Có thể so sánh bỡn cợt trong văn phong KT với cái hài tính trong cách diễn xuất của Charlie Chaplin : Cười đó mà thấy nhoi nhói trong tim. Cười đó mà thấy nghẹn ngào ở cổ họng. Gọi cái bỡn cợt ấy, gọi cái hài tính ấy là nghệ thuật, là cá tính, là tài năng ? Có thể. Nhưng điều đó gần như là một cái gì bẩm sinh, là một cái gì trời cho ở mỗi người. Nó trở thành tính khí của người đó. Nếu có dịp thì « anh hoa phát tiết ra ngoài ». Hoặc nếu để cho nghệ sĩ tự bào chữa thì « rằng quen mất nết đi rồi ! » Còn nếu như chàng quậy quá thì quả nhiên là « rằng nghe nổi tiếng cầm...đồ ! » Hoặc là để than thở một mình khi ánh đèn màu đã tắt hết và sân khấu đã về khuya : « Làm người ai muốn chi đui / Phải sao chịu vậy không vui trong lòng ! »

 

Tuy nhiên, một khi đã nói tới bỡn cợt thì bắt buộc phải đề cập tới cái thái độ đối nghịch của nó là nghiêm chỉnh. Khi chọn khuynh hướng bỡn cợt, chắc KT cũng đã có một khái niệm nào đó về nghiêm chỉnh.

Trong truyện viết pha lẫn mộng và thực, ký sự và tùy bút (một thể loại hiếm thấy trong văn chương Việt Nam) Vườn Chanh Miệt Biển, KT đã phát biểu quan điểm của mình với ông bạn Jacques :

 

« Nhưng nếu để ý, bạn sẽ thấy cũng như tôi là khi giết người, bọn đồ tể rất nghiêm chỉnh. Chẳng có ai vừa cười ngất vừa đâm, vừa chém vừa bắn vừa giết (...) Tôn giáo cũng rất nghiêm chỉnh. Tôi không hình dung nổi người ta vừa gặp gỡ Thượng Đế vừa cười cợt. Chỉ có vừa khiếp đảm vừa run lẩy bẩy như cái đuôi con thằn lằn » (Tuyển Tập, tr. 423).

 

Run là cái chắc ! Hàn Mặc Tử há đã chẳng từng buông ra câu thơ tán thán khi chạm mặt với Đức Mẹ Maria : « Run như run thần tử thấy long nhan ! » Hoặc là chỉ thoáng nghĩ tới thôi : « Maria hỡi ! Linh hồn con ớn lạnh ! » Nhưng chưa hết, KT còn đề nghị một giải pháp rất ư là phiêu lưu, kỳ quặc và độc đáo để giải quyết cái thế sự đại mộng nầy :

 

« (...) Tôi có cảm tưởng là nếu bây giờ toàn thể nhân loại ai nầy đều ‘ăn, ngủ, đ., ỉa’ một cách lương thiện và kiếm chuyện vui mà làm thì có lẽ thế giới nầy sẽ hết giặc » (TT, tr. 426)

 

Ô kê Salem ? Thiệt rõ ràng là chính sách tề quốc an dân chưa từng có trong lịch sử (Ba Tầu) của minh chúa Tằng Thỉ Hườn. Hoan hô ! Hoan hô Ngô Tổng Thống ! Hoan hô Ngô lãnh tụ (tủ lạnh) anh minh ! Rồi chàng tư zuy biện chứng Mác Lê đưa ra một kết luận hết sức là siêu hình … đom đóm :

 

« Nói cho cùng, chính vì sống là chuyện hết sức nghiêm chỉnh nên ta phải...cười mà sống. Không có thái độ nào cà chớn cho bằng thái độ nghiêm chỉnh kinh niên. Nếu chơi chữ thì :nghiêm chỉnh quả là một thái độ không nghiêm chỉnh một chút nào hết. Một thái độ vọng chấp tột bực » (TT, tr. 427)

 

Dĩ nhiên là các nhà nghiêm chỉnh chuyên nghiệp (có bằng Ph.D quốc tế) sẽ thành lập ngay tức khắc « Nghiệp đoàn Nghiêm chỉnh » thứ thiệt, rồi kéo nhau xuống đường đả đảo lập trường chính chị (chính em) vừa nói một cách hết sức là nghiêm chỉnh (cấm cười !) Vừa đả đảo vừa... khóc thét cho nó càng thêm đủ hết mọi nét long trọng nghiêm chỉnh lâm ly bi đát. Đúng bon tiêu chuẩn quốc tế ISO. « Hò dô ta !... một hai ba ! Nắm cu kéo ra ! Ta cùng ta rút khăn mu xoa có hoa ra mà lau lệ ! » Có lẽ bị ba cái vụ nghiêm chỉnh nó ám ảnh (tình dục) nên anh chàng « ăng ti nghiêm chỉnh » đã múa bút viết hẳn một bài ngắn để bàn xăm về cái vấn đề nhức nhối nầy : « Nghiêm chỉnh Cà rỡn Cà rỡn Nghiêm chỉnh ». Nhập đề một cái rụp :

 

« Một bận tôi nói gì đó không biết, ba tôi tằng hắng nghiêm giọng hỏi : ‘Mầy nói chơi hay nói giỡn ?’ Tôi tức mình muốn trả lời lập tức mà rồi cứ ấp ấp úng, moi móc hoài không tìm ra được câu trả lời. Nghĩ thầm, ‘ông già nầy quả thiệt chơi cha !’ »

 

 

MẦN VĂN NGHỆ NGHIÊM CHỈNH

 

Kế đó, bàn qua cái chuyện « mần dăn nghệ » nghiêm chỉnh mà nhiều người đã mắng vốn là chàng « sao cứ cà rỡn hoài » khiến cho bánh xe văn nghệ cứ giậm chưn tại chỗ, chàng viết tiếp :

 

« Và lần nầy văn nghệ mới quả thiệt là cực kỳ long trọng và cực kỳ nghiêm chỉnh : Viết là đâm nổ mặt trời ! »

Tuyên ngôn nầy là tựa bài tiểu luận của một ngòi bút đang lên hồi xưa ở Xè Gòn hoa lệ, vào thời chiến. Đâm nổ mặt trời ! Bỏ mẹ chưa ? Apocalypse now ! Chàng tự chụp mũ mình là tác giả « tuyên ngôn tận thế » đó rồi viết tiếp :

 

« Ngày hôm sau, tôi đang ngồi múa bút trong quán Cái Chùa ở Xè Gòn toan hạ bút thì một thằng bạn lật đật từ bên ngoài xả hết tốc lực chạy vô đỡ tay tôi la lớn : ‘Hãy khoan !’, rồi xuống một câu vọng cổ rất (ơơờ) mùi !... Nó đề nghị : ‘Mầy chờ ban đêm hẵng viết có được không ? Chớ mầy đâm nổ mặt trời giữa trưa nắng như vầy, mấy bà nội trợ đang phơi quần áo sẽ xúm lại chửi cho một trận tàn canh gió lạnh. Xong lập hiệp hội chống những người cầm bút thì bỏ mẹ cả đám !’ »

 

Để kết thúc bài viết ngắn đó, KT đã đưa ra một nhận xét chung chung về hai hệ phái đối nghịch nhau chan chát của võ lâm : « Cà rỡn là những người cà rỡn mà biết mình cà rỡn. Còn nghiêm chỉnh là những người… cà rỡn mà không biết mình cà rỡn. Nên cứ tằng hắng tiếp tục nghiêm chỉnh dài dài, bổn cũ soạn lại. Mút mùa...lệ thủy ! »

 

Như vậy, có thể hiểu là KT tự xếp mình vào hàng ngũ những người « cà rỡn mà biết mình cà rỡn ». Có khi còn cà rỡn nhây nữa là đàng khác. Nhưng nhây quá thì sẽ làm cho người ta khó chịu. Dễ hiểu. Và dĩ nhiên đã có nhiều người khó chịu về KT. Rất khó chịu. Nhứt là những người hành nghề nghiêm chỉnh (mà không biết mình cà rỡn ?) một cách hợp pháp, có đóng đầy đủ thuế lợi tức và thuế TVA hằng năm vô cùng nghiêm chỉnh, of course !

 

Những nhà nghiêm chỉnh chuyên nghiệp, nôm na là nghiêm chỉnh gia, nhứt định không thể nào ngửi cà rỡn sĩ KT được rồi : « Đi chỗ khác mà cà rỡn ! Đừng có giỡn mặt khó làm việc. Hãy xê ra cho người ta nghiêm chỉnh ! » Thiệt sự nghiêm chỉnh ? Giả đò nghiêm chỉnh ? Những yểu điệu thục nữ. Những lắc đầu nguầy nguậy « Em chả ! Em chả !... », như em Hai ĐML đã điểm danh.

 

« Ở điểm nầy, Kiệt Tấn như bày một lằn ranh minh định : Bên này là Kiệt Tấn, bên kia là người khác. Ai chịu thì ở lại, còn không... cũng không sao. Nhưng đọc ai cũng vậy, đọc tui, tui cám ơn ». Ai cả gan phóng ra tuyên ngôn như vậy ? Còn ai vào đây nữa ! Vẫn the very fan Đoàn Nhã Văn. Có ghi lại rành rành trong Tuyển Tập, trang 19. Bút sa thì gà chết (là sích canh đoi đó nghe !) Vậy, ai muốn ở lại thì xin giơ tay lên ! Ai muốn được cám ơn thì cũng xin giơ tay lên ! Còn những người kia, xin hãy tự động mà… tan hàng ! Cố gắng ! Xin bà con nào tan hàng  hãy nghiêm chỉnh giữ gìn trật tự công cộng. Đừng có (nghiêm chỉnh) chen lấn mà làm mất vẻ tôn nghiêm của giáo đường. Bây giờ đã mãn cuộc vui. Anh em bèn vác dùi cui (nghiêm chỉnh) ra dìa...

 

Một khi đã chọn lựa ở lại với chiến tuyến KT rồi thì xin hãy dui dẻ mà tiếp tục cuộc hành trình (vào hư vô) với cà rỡn sĩ. Mà không phải cà rỡn sĩ chuyên môn cà rỡn (ba cái) lẻ tẻ, và chỉ chuyên lo những vấn đề nho nhỏ thôi đâu nghen. Trong « Câu hỏi của vấn đề Vấn đề của câu hỏi » chàng đã thố lộ :

 

« Tôi thường quăng vô số câu hỏi lớn lên không trung. Mãn hơi, câu hỏi lớn rớt xuống u đầu có cục mà vẫn không chịu tởn (...) ‘Câu hỏi của cụ quả thiệt là nhớn ! Nhà cháu phục lăn’. Cụ ôm đầu nạt nộ : ‘Mầy lăn cù, còn tao đây nhức đầu thấy mẹ ! Đi kiếm chỗ khác mà lăn. Mau lên !’ Thằng nhỏ xanh mặt de ra, đi chỗ khác chơi. Bỏ cụ mặt mày đỏ ké, tiếp tục ở lại Charlie một mình ôm đầu rên hù hù ».

 

Tội nghiệp hết sức ! Ai biểu kiếm chuyện khó mà làm. Câu hỏi càng nhớn thì u đầu càng nhớn. Quả thiệt là một vấn đề vô cùng nhức nhối : « Vấn đề của câu hỏi » (hay là Câu hỏi của Vấn đề ?). Nhưng giờ đây, sau khi đã lãnh thẹo đầy người, cụ đã rời khỏi Charlie chưa, và đã hết nhức đầu chưa ?

 

« Bận nọ, bị vô số vấn đề vây kín cả chân trời tím, tôi ngộp thở vạch ra một khe hở trong vấn đề, trốn ra cái công viên trên đồi nhỏ sau nhà, ngửa mặt lên giời phun ra câu hỏi nhớn : ‘Trời sanh ra Kiệt tui, còn sanh chi vấn đề ?’ Hỏi xong bèn phẹt một nhúm nước miếng xuống bãi cỏ vô tội dưới chưn. Trời chợt gầm một tiếng nhỏ rồi liệng xuống một cục mưa đá nhớn trúng trán nhỏ của tôi u một cục nhớn. Tôi ôm đầu máu lủi thủi ra về mét với vợ là mình bị trời cú u đầu ».

 

 

CÀ RỠN MÚT MÙA

 

Thôi, hãy bỏ cho « người ở lại Charlie » tử thủ một mình với ba mớ vấn đề nhớn và cục u rất nhớn của Người, và tiếp tục cuộc hành trình vào chiến trường cà rỡn đầy cạm bẫy : Cái chiến trường tình ái bất tận của mầm non văn nghệ hồi xưa. Lại giở Tuyển Tập ra và đánh liều nhắm mắt đưa chưn theo cà rỡn sĩ :

« Cái thời đệ ngũ, tôi leo lên cây đu đủ đực để ngó trộm màn cụp lạc người đẹp ái ân. Bị phát hiện, tôi từ ngọn cây tuột xuống đất một cái rột, đu đủ đực, đu đủ cái, đu đủ mẹ, đu đủ con gì cũng đều rụng vung vãi tưới sượi, hai trái mù u của tôi cũng bị tá hỏa tam tinh. Tôi chạy cà nhắc qua sân vận động nằm dưỡng vết thương tình ái. Than trời trách đất : ‘Nhưng mà đu đủ từ đâu lại/ Êm ái trao cho một vết thương !’ Thấy đủ hết ba mươi sáu ngọn đèn cầy, loại cao cấp nhứt và chói sáng nhứt ! » (TT, tr. 347)

 

Rồi sau khi lớn lên, cất bước giang hồ, chu du thiên hạ, bận nọ Vòng Chơi Xóm Học ở Kinh đô Paris ánh sáng, chàng đã tình cờ chứng kiến một màn trình diễn cụp lạc giữa hai con múa rối :

 

« Bằng những cử chỉ kề vai cọ má, trồi lên hụp xuống, ngửa cố ngất ngây, đôi mắt lờ đờ, ai ai cũng đoán biết là hai con múa rối nhỏ đang trình diễn cái trò tự nhiên nhứt trong trời đất. Khán giả vỗ tay tán thưởng, rộ cười. Tuy nhiên nếu là người trong cuộc, đang lúc lâm trận, sẽ chẳng có một ai rộ cười hết ráo. Nếu rộ cười, mọi sự sẽ hỏng bét và giống người sẽ bị tuyệt chủng. Mới biết, ‘trồi lên hụp xuống’ là một hành động nghiêm chỉnh. Rất mực nghiêm chỉnh. Cấm cười !Silence ! On tourne ! » (TT, tr. 350)

 

Nhưng quanh đi quẩn lại, rốt cuộc rồi cha nội vẫn luôn luôn trở về với cái nỗi ám ảnh tình dục suốt đời (và chuyên nghiệp) của mình : Cặp bưởi Biên Hòa !

 

« Tuy nhiên, nếu các nàng không tiếp tục nuôi con bằng bầu sữa của mình, tôi e rằng một ngày nào đó, đôi bưởi tươi tốt của các nàng sẽ teo nhỏ lại thành hai trái tầm ruột, và hai bàn tay của bọn đực rựa chúng tôi cũng sẽ teo nhỏ lại thành hai cái nĩa. Đáng tiếc biết bao ! Tôi có hão huyền ? Không đâu. Các nàng có nghiệm thấy một điều hết sức hiển nhiên : Sở dĩ con gà trống không có tay là tại vì con gà mái không có vú ! » (TT, tr. 357)

 

Đã mang lấy nghiệp vào thân, thì đừng có trách trời gần đất xa ! Rán mà chịu cho quen đi anhHai ! Hết văn xuôi thì cà rỡn sĩ lại xáp đại vô thi ca (coi chừng đụng !) Trở lại chuyện của em Tuyết quán nước. Bận nọ, chàng và Nhựt (một tay súng wanted khác trong năm dâm tặc Miền Viễn Tây) cùng thay áo mới rồi rủ nhau kéo xuống quán chị Tư Tùng để làm giặc. Rượu vào lai rai, hai tay súng bèn bày đặt làm thơ du Xuân : Khúc tuyệt tình ca « Áo mới » :

 

« Thỉnh thoảng em Tuyết và em Sáu ghé mắt coi cọp thơ của tôi và Nhựt làm rồi rú lên cười rúc rích. Quả thiệt, thơ xuất thần tới mức đó thì hai Kiều chỉ còn nước e lệ mà nép vào dưới hoa là cái chắc (…) Tuyết mang guốc mới đi tới đi lui, gót mộc vang dội trên mặt nước Tiền Giang lốc cốc mà đối với hai thi bá nghe ra đã vang lừng giai điệu. Hai mầm non văn nghệ bèn nương theo đà hứng khởi mà tiếp tục tung ra những khúc tao đàn lâm ly dìu dặt cho bài thơ con cóc của mình, hầu vạch ra một bước thang mây để đi vào văn học sử một cách trọng thể (hết biết đường ra !) như các bậc tiền bối. » (TNBN, tr. 209).

 

Xáp vô thi ca chưa đủ. Để tranh thủ thời gian, cà rỡn sĩ còn lạng một đường lả lướt qua tôn giáo, tu hành tu hít, đạo hạnh đạo hiếc. Quả là Một Người Rất Bận. Sao cứ bận hoài vậy cha nội ? Phải cởi bớt ra đi chớ ! Cha nội chỉ giỏi tài ăn hiếp em Hai Đặng Mai Lan.

« Tôi cũng muốn thử tu thân, nếu có rảnh. Những theo kinh nghiệm bản thân, dù cho có cạo đầu khoác áo cà sa thì cùng lắm tôi cũng chỉ là một sư hổ mang, khi ở núi vắng thì tịnh, khi sa vào động chị em ta thì tâm thần lại hôn mê. Chẳng trách chi Lê Ngọa Triều đã thả yêu nữ làm test các sư như sử ta còn chép. » (NM, tr. 12).

 

Sau khi tư zuy Mác Lê u đầu có cục và nát óc teng beng, trên lộ trình hành hương dẫn tới phòng mạch bác sĩ chuyên tim, cà rỡn sĩ bèn rút (xương) ra một triết lý rất ư là… ba phải :

 

« Nghĩ tới Tạ Ký, tôi nâng ly nốc một mạch láng te. Người ta sanh ra ở đời là để sống. Mọi thứ khác chỉ là bày đặt’. Tôi gọi thêm cái bia nữa. Sống cái đã rồi hẵng từ từ tính sau, nếu có rảnh. Tim tôi lại chêm một nhịp ba. ‘Biết rồi ! Bộ gấp lắm hả cha nội ?’ » (Nghe mưa, tr. 15).

 

Bao nhiêu máu lửa đó, Người Ruồi vẫn chưa chịu dừng bước giang hồ. Cứ nằng nặc nhứt quyết « sạch sành sanh vét không chừa món chi » ! Từ văn xuôi xáp vô thi ca, xong lạng sang tôn giáo triết lý, giờ đây cà rỡn sĩ bèn băng băng xẹt qua khiêu vũ. Cũng đâu có xa mấy ! Đêm nọ chàng được anh Ba dắt đi nhót ở vũ trường Đại Kim Đô, có giàn nhạc rất giựt gân. « Tốc tốc tốc. Music, please ! »

 

« Điệu cha.cha.cha là món ruột của anh Ba tôi. Cái đầu lắc lư như múa lân, còn hai tay thì quay vòng vòng trước ngực như quay tơ. Tới cái cẳng thì là hết xẩy : hai chưn chàng dẻo nhẹo như cứt mũi. Thỉnh thoảng chàng tung người lên cao, hai bàn chưn chòi chòi mấy phát trong không trung như vũ sư Nga nhảy cổ điển trước khi rớt xuống sàn nhẩy. Tội nhứt là anh chàng thổi kèn trong ban nhạc. Hắn ta ngó anh Ba biểu diễn là nhịn cười không được, kèn kiết gì cũng tịt luôn, thổi không nổi. Nếu anh Ba tối nào cũng tới Đại Kim Đô biểu diễn, anh chàng thổi kèn sẽ bị sa thải là cái chắc. » (NM, tr. 136).

 

Rồi cứ thế mà tiếp tục dài dài. Lúc nào bí quá thì chàng bèn bổn cũ soạn lại : tuồng ruột « Xa quê hương nhớ mẹ hiền ». Xa nhà lâu năm, nay cày cục có rủng rỉnh được chút tiền, chàng vội vã đáp máy bay phản lực không người lái về thăm cố quận. Thăm thì cứ lo thăm đi, đằng này cà rỡn sĩ lại bày đặt hát cương tuồng Cứu nước như Cha già Dân tộc ngày trước. Không phải tuồng « Chống Mỹ cứu nước » mà là « Chống ngỗng cứu nước ». Ở đâu ? Ở cái xứ mù sương lãng mạn, có thông reo rì rào, có suối rên róc rách, có sỏi đá rong rêu. Và có luôn anh đào ra hoa rồ rộ. Đà Lạt xứ ấy, dĩ nhiên. Kết quả cứu nước : Bị ngỗng cắn !

 

« Da cánh tay bị tróc, chỗ trúng thương sưng vù lên liền một cục nhỏ xanh dờn. Đồng thời đàn ngỗng cũng từ từ rút lui về hậu cần tử thủ, một con lớn đi rời phía sau tập hậu. Cò két cò két. Quân dân ta đã đẩy lui được ngoại xâm. Quân dân ta toàn thắng vẻ vang ! Riêng phần mình, tôi cũng rút lui về căn cứ, lấy dầu cù là trét lên thương tích chiến trường. ‘Ta thà làm quỷ nước Nam chớ không thèm làm vua nước Ngỗng’ » (Văn 117 & 118, tr. 156).

 

Rồi cũng tại cái chiến trường sôi động đẫm máu xương (heo cá) và nước mắt (gà vịt) này, chàng đã zuy tư ra cái kinh nghiệm ngàn vàng của dân nhậu :

 

« Ăn tim bổ tim, ăn gan bổ gan, ăn phổi bổ phổi, còn uống rượu thì bổ… cột đèn. » (Văn, tr. 164).

 

 

« HÒ DÔ TA ! NẮM CU KÉO RA ! »

 

Rải rác trên khắp các truyện ngắn và tùy bút của KT đều thấp thoáng những giọng cười tinh ngịch, những mỉa mai châm biếm, những bông đùa bỡn cợt. Những bỡn cợt này được trải đều, lác đác đó đây, chỗ này vài dòng, chỗ kia một đoạn. Tuy nhiên, cũng có những bài viết qui tụ bỡn cợt đông đảo hơn. Rộn ràng hơn. Gần như nó được viết ra chỉ nhằm mang tới nụ cười cho độc giả, mặc dù đó không phải là chuyện tiếu lâm hay là chuyện vui cười chuyên biệt. Trái lại nó còn khơi gợi vấn đề, nó còn nhắc nhở thắc mắc, nó còn khiến cho người đọc suy ngẫm. Suy ngẫm mà thấy vui vui, ngồ ngộ, cà tửng. Chẳng hạn hai truyện mang tính chất ký sự pha lẫn tùy bút : Chuông Ngân Chạnh Nhớ Yêu ĐầuTết dồi ! Tả lồ lên coi choi !

 

Trong CNCNYĐ, có bỡn cợt ngay cả khi tác giả nói về nghiêm chỉnh :

 

« Tôi có đứa cháu gái hơi ba trợn. Lần nọ chứng kiến cảnh Bà Đội nhập đồng cười the thé, nó phê bình kịch nghệ một câu sát ván : ‘Bà Đội diễu vô duyên !’ Có lẽ trong trí nó, nghiêm chỉnh hay diễu cợt gì thì cũng như nhau : Xêm xêm, dà na cọt dà na bạt, la nuy lũy phe uệch uệch (dịch nghĩa : không có sừng, không có râu, ban đêm nó kêu uệch uệch, như chị em ta tả con ễnh ương với lính Tây thời thuộc địa, khi lính Tây nghe con ễnh ương kêu mà tưởng là bò rống). » (TNBN, tr. 34).

 

Vẫn bỡn cợt khi cà rỡn sĩ nói về hành đạo, chùa chiền :

« Và dĩ nhiên, ăn tại chùa thì đúng là… ăn chùa, ăn miễn phí. Từ ngữ này sau đó lọt vào thế tục thành tiếng lóng : ăn chùa , chơi chùa, tiền chùa… Có lần tôi bị một em chỉnh : Bộ của chùa hay sao mà cứ tằn mằn hoài vậy ? Kẻ cắp gặp bà già, mặt mũi tôi sượng trân. » (TNBN, tr. 34).

 

« Tôi theo má đi chùa giống như nghị gật theo chưn lãnh tụ, lập trường tạm gọi khá vững. » (TNBN, tr. 35).

Một khi đã nói tới cái tín ngưỡng ở xứ ta thì trong đó bao gồm cả mê tín dị đoan, nhứt là hồi thời xưa, thời chưa có điện nhà, chưa có toa lết.

 

« Mấy đời trước, dòng họ tôi có nhiều vị làm pháp sư (thầy pháp) nổi tiếng. Ba tôi kể lại một bận nọ, ông chú pháp sư của tôi đi cầu ở bờ sông nước lớn ban đêm. Bỗng thấy Bà xẹt sáng giới, ông chơi cắc cớ bắt ấn một phát, buộc Bà phải đứng lại một cái rụp - mới biết tay ấn ông cao ! Sau khi phóng uế xong, ông đưa tay khoát nước sông để rửa, vì vậy mà buông lơi tay ấn. Thừa cơ Bà xẹt tiếp trúng đầu ông một cái bật ngửa, lọt tuốt luôn xuống sông. » (TNBN, tr. 36).

 

Trong các tiết mục dị đoan thì tất nhiên là phải có cúng kiến, múa rỗi trừ căn, bóng cốt, ợ ngáp, lên đồng :

 

« Bóng này là bóng đực rựa, có cái hỗn danh độc nhứt võ lâm là ‘Mười Lòng Thòng’ (cái tên không khá được !)(…) Đã thế, Mười Lòng Thòng còn vận một cái khăn lau mặt trước rún, vừa hát rỗi vừa ưỡn ẹo trông rất quái gở. » (TNBN, tr. 37)

 

Cũng trong truyện này, nhắc lại cái thời còn đi cẳng không cắp sách đến trường, cái thuở còn là học trò của mình, mầm non đã trút bầu tâm sự tự bấy lâu ấp ủ tận đáy lòng.

 

« ‘Ngày ngày tung trời xanh, én nô đùa reo mừng’, tôi phải đi ngang qua một cái bọt đền dành cho lính Tây và lính lê dương xả xú bắp. Lúc nào cũng có một hai cô nàng son phấn toe toét, đứng chống nạnh trước nhà chứa hút thuốc phì phà, áo hở ngực thiệt rộng phơi hai quả tuyết lê thắt ép bên dưới cho trồi lên, trông phát ớn chè đậu. Mỗi bận ôm cặp học trò đi ngang qua tôi đều kéo nón xuống che ngang mày. Nhưng dưới vành nón không ai để ý, tôi liếc xéo qua một bên, bên mặt hay bên trái tùy theo bận đi hay bận về. Mấy ả đâu thèm để ý tới đồ nhóc con. Vậy mà tôi cứ hồi hộp lo sợ mấy ả nghe được tiếng nuốt nước bọt của mình. » (TNBN, tr. 39)

 

Rồi có lẽ vì ngó bậy kỹ quá nên một bữa nọ, con mắt học trò bỗng nhiên nổi mụt lẹo lớn. Ông già vốn là thợ mộc có bùa Lỗ Bang, bèn ra tay cứu bồ thằng nhỏ :

 

« Ba tôi kiếm ở đâu ra không biết được cặp kiếng mát, đưa cho tôi với cọng rau răm để chống ô uế. Tôi cũng bấm bụng nghe theo. Mỗi lần đi ngang bọt đền tôi cứ lo ngay ngáy rủi có ả nào đó cắc cớ chận tôi lại và hỏi : ‘Sao hôm nay em đeo kiếng mát ?’ Tôi sẽ không biết trả lời ra làm sao. Nhưng rồi sau đó tôi lại tự hỏi không biết có ả nào để ý cái lối hóa trang kỳ cục của tôi hay không nữa : Thằng lỏi với cặp kiếng mát bự tổ chảng và cọng rau răm tòn teng ở lỗ tai ! » (TNBN, tr. 40).

 

Tiếp theo đó, kịp tới tuổi nhổ giò, đêm đêm mộng thấy yêu nữ « cuổng trời », mầm non (cứng cựa) bèn bị vỡ đê, lở đập, xuất hạn dầm dề. Ông anh lại chơi ác, dọa thằng em nhỏ dại của mình coi chừng « thằng bé » bị thụt mất. Mầm non hoảng quá bèn lén một mình dọ dẫm tìm kiếm thần dược để (Nam Kỳ) tự trị :

« Đọc báo thấy quảng cáo thuốc bổ thận Cửu Long Hoàn trị di tinh, mộng tinh, tôi lén mua và lén uống thử một mình. Nhưng càng uống thuốc bổ thận, tôi lại càng lở đập ban đêm dữ hơn nữa. Vì vậy, lúc đi tè, thỉnh thoảng tôi lại ‘Hò dô ta ! Nắm cu kéo ra’ thăm chừng, lỡ thằng bé thụt mất thì kể như đời tàn trong ngõ hẹp. » (TNBN, tr. 41/42).

 

May quá ! Có lẽ nhờ đòn phép « Hò dô ta ! Nắm cu kéo ra » vô cùng kinh nghiệm nên Người Ruồi mới bảo toàn được « bửu bối » để mà gieo rắc máu lửa tơi bời hoa lá xuống các (nữ) lương dân vô tội từ Á sang Âu, từ Âu sang Mỹ triền miên sau này. Tuy nhiên, để rồi coi : « Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó thoát ! ». Kể cả Chúa Ruồi và bè đảng.

 

 

EM GÁI HÀ LỘI CÓ CÁI ZỐN NỒI

 

Cuối cùng ký sự Tết dồi ! Tả lồ lên coi choi ! (Văn 84 & 85). Cho tới hồi kết cuộc này, trước khi sân khấu về khuya hạ màn và kép độc tét đèn đi ngủ, Người Ruồi mới thiệt sự trổ hết cái ngón ruột « Tả lồ lên coi chơi ! » của mình. Vẫn ba cái chuyện Rước Tình về với Quê Hương.

 

« Anh đưa em vô chùa, chùa hôm nay có chuối / Anh đưa em lên rừng, rừng có khỉ có nai ». Cốc cốc cốc, xèng xèng xèng. Rằng hay thì thiệt là hay. Nghe xong ngậm đắng nuốt cay thấy bà.

 

Mở đầu. Tết dồi, mầm già nhắc lại kỷ niệm sơn đông mãi võ của mầm non, cái thời mới bắt đầu chập chững bước chưn vào nghiệp cầm ca. Trên ngưỡng cửa trung học, mầm non đã rất là sáng giá nên được mời thủ một vai rất là le lói trong vở tuồng diễn lại trận đói năm Ất Dậu ngoài Bắc : Vai người chết đói (chí lý !).

 

« Không cần học bài bản, chỉ có rên thôi, và cũng không cần nói năng gì cả. Ông bầu viện dẫn lý do : ‘Mầy đã ốm nhách sẵn rồi, tao chỉ cần quẹt thêm mấy đường lọ nghẹ ở ba sườn nữa là giống y chang. Dễ ợt ! Ông này nói nghe ngon nhỉ ? Dễ cho ông mà khó cho tôi lắm thay ! Một mầm non văn nghệ chưa lên mà đã xuống. Tôi từ chối là cái chắc. Từ chức liền tại chỗ chớ không cần đệ đơn đệ điếc gì hết ráo. Ai mà đẩy ta ra sân khấu ắt là phải bước qua xác chết của ta. »

 

Sau khi nhắc lại « vết thương lòng khó nỗi phôi pha », mầm già đổ bộ ào ào xuống quê hương yêu dấu. Vẫn là dời gót tha phương về cố quận, nhưng lần này thì khác ! Vốn từ xưa cho tới giờ là người gốc Nam Kỳ Quốc, trong chuyến đổ quân phen này chàng lấy quyết định Bắc tiến : Đi thăm cái Hà Nội ba mươi sáu phố phường. Đi thăm cái Vịnh Hạ Long kỳ quan thế giới.

 

« Thiếu gì chỗ tôi muốn đi thăm cho biết quê hương của người em gái Bắc Kỳ nho nhỏ. Thăm quê hương em, cái mùng mà kêu cái màn, quê hương em gái cái kèn mà kêu cái còi, quê hương của người em gái Hà Lội (có cái zốn nồi) ! »

 

Và khi đã thực sự đứng bên bờ Hồ của Thần Tháp Rùa mà chẳng thấy Thần đâu, và cũng chẳng thấy Rùa đâu hết, chàng bèn ngửa cổ lên trời khóc ba tiếng cười ba tiếng mà rằng :

 

« Giờ đây, Rùa thiêng cũng đã bỏ Hồ Gươm mà sang ngang biệt tích. ‘Nghìn năm kim cũ soi không lũng / Cảnh đấy Rùa đâu thấy phát rầu !’ »

 

Đưa mắt ngó sang cầu thê Húc, chỉ thấy một cây cầu đỏ bằng gỗ nhỏ xíu (đứng bên này cầu có thể tè qua tới bên kia cầu) giống như loại cầu kiểng trong vườn cây Nhựt Bổn, chàng bên cất tiếng chất vấn chánh phủ vô cùng gay gắt :

 

« Tôi đưa tay chỉ, hỏi Tùng : ‘Thế đây là cầu thê Húc í à ? Có phải là cây cầu anh chàng đi bia ôm về khuya bị hiền thê húc té xuống Hồ Gươm đấy phải không ?’ »

 

Rời Hồ Gươm tiến sang Văn Miếu hiển linh của nước Văn Lang bốn ngàn năm văn vật. Lại có ý kiến :

« Tôi bình phẩm : ‘Ngày xưa quan ngự sử chỉ tuột xuống con ngựa quèn có mỗi một bu-gi và một mã lực. Ngày nay chú cháu mình xuống long xa Toyota sáu bu-gi, mười hai mã lực để vào thăm Văn Miếu, ắt phải long trọng hơn chứ !’.

 

Những rùa là rùa. Rùa đá, trên lưng mang bia đá, bảng hổ đề danh những vị đổ thủ khóa hay trạng nguyên. Rùa, con thì cất đầu cao, con thì quẹo đầu ngang, con thì gục đầu (nhớ nắng), bởi lẽ ngóc hoài tháng lụn năn chầy cũng mỏi (…)Tích nhân cởi Rùa Vàng biệt xứ. Còn lại nơi đây mấy trự rùa ! (…) Một rùa một tiến biết là có nên ? Quyết tiến ta vốn dân cởi rùa. »

 

Lìa xa thành đô yêu dấu. Rời Hà nội tiến ra Vịnh Hạ Long. Xuyên qua châu thổ Sông Hồng ngó thấy nhiều con trâu đi cày quanh quẩn trong những thửa ruộng chỉ lớn bằng cái khăn mù xoa, đi dăm phút đã về chốn cũ, bèn cảm động tủm tỉm một mình.

 

« Thấy tôi mỉm cười, Tùng hỏi tôi trong Nam có trâu cày không chú. Tôi đáp trong Nam con trâu chỉ chắp tay sau đít đi tới đi lui trên bờ đê ngó chừng ông chủ đẩy cày máy và chấm điểm ghi công. Khi nào trời nắng gắt quá, thanh tra lao động bèn lui vào lùm tre nằm nhơi cỏ hoặc đánh giấc bên đồi dạ lan. Cụ nằm, cụ nghỉ cụ ngơi, cụ xơi thuốc lào. Khỏe re ! Nhẹ nhàng, hân hoan, thơ thới. Ai dám bảo chăn trâu là khổ ? »

 

Ghé trạm bên đường thưởng thức bánh đậu xanh Rồng Vàng chánh hiệu đặc sản địa phương. Làm cơ xếp hàng nghiêm chỉnh chờ tới phiên mình, văn nhân bị con cháu Tằng Thỉ Hườn lấn giạt ra ngoài.

 

« Tức mình, Tạc Dăng nổi giận, tôi muốn xăn tay áo biểu diễn lại cái màn lịch sử Chương Dương cướp giáo giặc / Hàm Tử bắt quân thù. May mà có người em gái hậu phương níu tay anh hùng áo vải cotton (made in India) kéo lại năn nỉ. Hừm ! Thôi, tha cho đó. Kẻo để ta mang tiếng bất nhơn. Ê ! chưa chắc thằng nào sợ thằng nầy ! Nghe chưa ? »

 

 

VỊNH RỒNG NẰM VÀ HẠ CỜ  TÂY

 

Rời tiệm Rồng Vàng, trực chỉ Vịnh Rồng Nằm. Đã có thuyền Rồng 50 chỗ ngồi nghênh đón. Vua rồng và Hoàng Hậu từ giang san phương Nam ngự Toyota ra phương Bắc Kinh lý.

 

Trịnh trọng đặt chữ rồng lên thuyền Rồng xô bến ra khơi, chiều nay lênh đênh trên Vịnh Hạ Long. Nhướng mắt rồng phóng thần nhãn sáng giới. Ngó thấy

 

« Xa xa, nhiều dẫy nhà sàn cất trên bè cây, bên dưới nuôi hải sản. Một con chó vàng mập ú đứng chống nạnh trên bè, giương mắt ếch ngó ghe thuyền qua lại, ngoắc đuôi lia lịa. Có lẽ biết mình nhờ chó dắt nên mới tới được chốn ni, nước non phiêu lãng, phong cảnh hữu tình, xa chốn phồn hoa đô hội. Và nhứt là xa rất rất xa… siêu thị cầy tơ. »

 

Ngủ đêm tại đảo Cát Bà (còn các ông đâu ?). Sáng hôm sau, viếng động Chu Trang, nơi các chiến sĩ giết giặc oai hùng của nhân dân ta đã từng rút thiệt sâu vào đó để mà dưỡng quân. Có ông bộ đội già đóng vai hướng dẫn viên chuyên nghiệp.

 

« Ngẫm nghĩ một hồi, bác bật lại đèn bấm đưa tay lên cao chỉ vào động : ‘Nơi động Chu Trang lầy, quân rân ta đã từng thắng ba chận zặc nớn : Zặc Tầu, zặc Tây, zặc Mỹ ! » Bác hếch mũi lên cao, sao vàng le lói dưới nắng sớm, tưởng chừng còn ngửi được mùi thuốc súng quanh quất đâu đây. Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Hun hút cồn mây súng ngửi trời. Chờ cho cơn hồ hởi của bác bộ đội già qua hết, tôi hỏi nhỏ : ‘Còn trận giặc thứ tư là giặc kinh tế quân dân ta thắng được chưa bác ?’ »

 

Trên đường trở lại Kinh đô Thăng Long, giáp mặt lần nữa với người cũ đứng chờ ở bến xưa u hoài kỷ niệm.

 

« Gặp lại con chó vàng hạnh phúc đứng ngoắc đuôi, phì phà thuốc lá trên bè. Thầm hỏi nhỏ : ‘Mầy có muốn đổi kiếp chó làm kiếp người có đỉnh cao trí tuệ, có cách mạng, có tư zuy, có bốn ngàn năm văn hiến, có lịch sử oai hùng, có… có… với tao không ?’ Nó vẫn tiếp tục ngó trời mà ngoắc đuôi nhả khói, lặng im như thiền sư đắc đạo. Biết giả nhời xao (cho ấm vành môi) ? ‘Rồi cứ lặng im rồi khuất bóng / Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi’ »

 

Dừng bước giang hồ ở một khách sạn tóe sao bên bờ Vịnh Hạ Long. Cả vùng này đã may mắn được trúng thầu một cách hết sức lương thiện, và đang được tận tụy khai thác bởi các ông Trời con thuộc hệ Đài Loan (hèn chi đứng ở Vịnh Hạ Long mà cứ có cảm tưởng như là mình đang lạc vô vùng… Chợ Lớn !) Đồng thời, các cai thầu vẫn tiếp tục tung tiền Mẽo ra mua gái Giao Chỉ còn nguyên xi đem về Đài Loan mà bẻ khóa Động Đào để lấy hên. « Ai mua trinh, tui bán trinh cho ». Ngẫm nghĩ tới tương lai xán lạn của xứ mình :

 

« Mai mốt đây dân Nam ta sẽ lại vui hát trên đồng hoa. Và rồi ai nấy, muôn người như một, sẽ cặp cứng dưới nách mình một cái bình thủy made in China, hoặc le lói hơn, MIT (em ai ti), Made in Taiwan. Và nhứt là bằng lòng. Khỏe vì lước ta uống lước mưa. Uống lước mưa (lau pụng) thì ta... dẫm xà ! »

 

Ở cái xứ Ngàn năm ăn vặt này thì không thể nào không đề cập tới cái món thịt cầy ! Bắt buộc. Ở đời muôn sự của chung / Hơn nhau một cái... chả chìa mà thôi ! Và còn dồi chó nữa chớ. Cái hương vị của Siêu Thị Cầy Tơ đất Bắc đã thơm lừng sực nức khắp nước, ăn bứt xa cái đền Văn Miếu nhỏ xíu thờ Đức Khổng Tử (bỏ đi Tám !). Bèn tạt vào thăm dân cho biết sự tình :

 

« Siêu thị là một dãy quán bán toàn là thịt chó, đủ thể điệu, đủ loại món, từ rựa mận đến dồi chả. Kỳ cựu nhứt là quán Trần Mục. Xin nói rõ và nhấn mạnh là quán thịt chó, có đề bảng và ghi rõ hẵn hoi là Chó chớ không có cầy (bừa) chi cả. Nhờ ơn cách mạng, con chó đáng yêu giờ đây được gọi tên bốn mùa là chó : Con chó quê hương ta đã được phục hồi nhân vị ( !), chính danh chính nghĩa ! Hoan hô ! Hoan hô cách mạng ! Một điều ngịch lý : Trong Nam, sau khi được giải phóng hộc máu tóe khói, quán thịt chó lại được cải danh là quán thịt cầy. Thiệt là bất nhơn ! »

 

Rồi cũng tại phi trường Bạch Mai thành Thăng Long (hoang vắng cô liêu, buồn trong kỷ niệm… là cái chắc !) chia tay với người em gái Hà Lội (có cái zốn nồi). Rút mấy tờ cụ Hồ bo cho em nhỏ :

 

« Mắt nai tơ tròn xoe ngơ ngác, bất ngờ, chới với. Đâu có dè mặc dù từ khuya Công tử Bạc Liêu đã đứt dây thiều, tôi vẫn còn dòng máu « chơi đẹp » rỉ rả trong huyết quản. Gươm ta đâu ! Ngựa ta đâu ! Đâu rồi một thuở đồng ruộng cò bay thẳng cánh, một thuở đốt tiền lên soi mặt giai nhân, một thuở hiên ngang làm « Tư rà rà… ra từ từ », một thời ca xang xướng hát, một thời nhịp phách đoạn trường, một thời vai kề má tựa, một thời khúc nhà tay lựa nên hôi / một thiên bạc mạng nghe rồi... bạt tay. »

 

 

NHỮNG NIỀM VUI CON CON

 

Nhưng đi đâu thì đi, cuối con đường thiên lý con người Nam Kỳ quốc vẫn quay về với tổ quốc Nam Kỳ. Nam quốc thiên hà Nam đế cư / Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư. Quay về với cái xứ Vãng Long yêu dấu có gió heo con hiu hắt. Quay về với cái quán nước của em Tuyết và em Sáu Nhỏ chơn chất ân tình. Nhưng than ôi ! Bây giờ đã dẹp tiệm từ lâu. Chỉ còn lại kỷ niệm buồn ga nhỏ mà mưa dầm dề. Em nhỏ nước dừa giờ đã ôm mối tình màu tím vùi sâu trong mộ chí hoang tàn. Chỉ còn lại ta. Chỉ một mình ta hiu hắt đèn vàng rong rêu sỏi đá. Anh làm chim bói cá / Trên cọc nhọn trăm năm / Hai bàn chưn lủng hết… (cho nên anh đi cà nhắc cho tới bi giờ). Hiu hiu Tết đến. Tết đã đến rồi, đã thấy xuân về với gió đông.

 

« Nhưng không cảm thấy cái rộn ràng, lâng lâng, phơi phới. Đâu rồi những đèn khí đá cùng mùi khí đá hăng hăng ? Đâu rồi những tiếng pháo chát chúa dưới gót chân son mềm và tiếng la hốt hoảng nở trên những môi hồng mới lớn ? Lòng không còn cái háo hức rộn ràng như những lần Tết đến ở tỉnh lẻ độ nào, năm nào. Có lẽ ta đã già đi rồi chăng ? Là cái chắc ! Còn ở đó mà bâng khuâng lòng khẽ hỏi lòng. Bộ không biết mắc cỡ hả cha nội ? »

 

Rồi một đêm nọ, khi ngồi ở sân đình xem múa lân và mlúa võ, trong một góc vắng không ái ngó thấy, cái kỷ niệm sơn đông mãi võ bỗng chợt quay về âm thầm trong bóng tối và...

 

« Trong bóng tối, tôi lặng lẽ rớt nước mắt quạnh hiu, ngậm ngùi nhỏ xuống giấc mơ cỏn con ấu thời của mình, giấc mơ cháy xém trong cơn mê dài lửa sắt, phăng cuốn theo dòng đời, tự bao giờ đã trôi đi mất tích. »

 

Đã trôi đi mất tích rồi thì bài viết cũng chấm dứt nơi đây. Chỉ còn hiu hiu để lại một chút gì của kép hề Charlie Chaplin, thoáng nhẹ như một nụ cười buồn.

 

Như đã thấy, cái bỡn cợt của KT có mặt trong những câu ca dao ngộ nghĩnh, trong những câu thơ biến cải, trong văn xuôi, trong truyện dài, trong truyện ngắn, trong tùy bút. Nhưng không phải chỉ có vậy, cái bỡn cợt đó còn bàng bạc trong lối suy nghĩ, trong cách diễn tả và ngay cả trong những bài viết có tính cách điểm sách (Cái rầu bất tận của Nguyễn Ngọc Tư), trong tiểu luận (Buồn nôn, Sartre thơ thẩn trước cổng chùa), và đặc biệt là nhiều nhứt trong thể loại phiếm luận (loạt bài Sự Đời trên diễn đàn Talawas).

 

Đã mang lấy nghiệp vào thân, phàm đã làm Người Ruồi rồi thì ắt phải gieo máu lửa, biết sao bây giờ. Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư. Nhưng từ trong « máu lửa », bỡn cợt đó đã nở ra những nụ cười thích thú một mình, những khúc khích đắc ý, những niềm vui con con, những hạnh phúc nho nhỏ. Như vậy kể cũng được lắm rồi. Và cũng rất là nên lắm. Nói xuề xòa thân mật :

« Cũng tốt thôi ! »./.

 

tháng 9/2008

 

Huỳnh Nhựt Hải
Số lần đọc: 2235
Ngày đăng: 09.09.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hè về đọc thơ Kiệt Tấn - Phan Thị Trọng Tuyến
Nhà Văn Nào Đại Hội Ấy - Phạm Đình Trọng
"Nghĩ Lại Về Pauxtốpky" - Một bài thơ đặc sắc - Phạm Ngọc Thái
Nguyễn Nho Nhượn - Tiêu Biểu Qua Bài Thơ “ KHI TRỞ VỀ VĨNH ĐIỆN” - Mang Viên Long
Kiệt Tấn - Từ Nụ cười tre trúc đến Thương nàng bấy nhiêu - Thụy Khuê
Giang hồ tê chân…Thơ Trần Hoàng Vy - Mang Viên Long
Đọc Bông & Giấy (Phần 1: Những Cây Bút Nữ) - Khổng Ðức
Thầy Giáo Bê-Li-Cốp Đáng Thương ! - Phan Thành Khương
Nhà văn xứ tuyết đi khắp thế giới cùng những chú Mumi - Lê Lam
Gọi mãi người ơi - Lâm Xuân Vi