I
Tôi có người em gái xinh đẹp yêu chồng, trung thành với chồng, không ngớt lo lắng và không ngừng săn sóc cho chồng. Chồng của em tôi là một lính Dù.
II
Anh em tôi rất ít khi gặp nhau, không những vì xa nhà, mà còn vì chồng của Duyên mắc nhiều công chuyện nặng nhọc, vì tôi luôn luôn bê bối với những cuốn sách đang in dở dang, hoặc những bài báo lòng thòng năm bảy chục ngàn chữ. Còn về phần Duyên thì nó bận với chồng. Cho nên chúng tôi không thấy mặt nhau thường, nhưng hằng nhớ đến nhau luôn. Đó có lẽ là nguyên nhân khiến cho khi em tôi gặp chuyện khó khăn – khó khăn về tinh thần – thì nó chạy thẳng đến tìm tôi, thay vì tìm những người thân khác gần gụi với nó hơn tôi.
-Anh đừng cười em, em mới nói!
Duyên sợ bị tôi chế giễu nên đặt điều kiện trước. Tôi phải nói rõ thêm: Duyên có học khá, rất lịch lãm vì giao thiệp rất giỏi, rất rộng. Như tất cả mọi người có học theo người Pháp, em tôi sợ nhất trần đời là sợ mang tiếng lố bịch. Tôi biết tánh em tôi nên hiểu ngay rằng nó tìm tôi không vì tiền bạc. Cũng không vì công việc chỉ huy lính tráng của chồng nó. Không phải tiền, không phải việc làm ăn, nhưng vẫn là một cái gì quan trọng. Nhìn mắt em tôi đăm đắm, mất hết nét trong sáng và tinh anh mọi bữa, tôi biết nó có điều gì lo nghĩ nặng nề. Nhưng thoắt một cái nó trở lại vui vẻ, và trong sự cười đùa dường như nó có vẻ muốn nhạo báng chính mình.
Rồi đợi khi bạn hữu của tôi ra về thật hết, nó mới đòi tôi đừng cười nó. Tôi định nói “xong rồi”, như chúng tôi thường nói mỗi khi vui chuyện, để tỏ ý bằng lòng. Nhưng dáng điệu nghiêm chỉnh của Duyên làm cho tôi khựng lại.
- Được, tôi hứa sẽ không cười cô dâu.
Duyên nói khẽ cám ơn anh, cám ơn anh… một cách long trọng như đối với người ngoài. Xong nó mới nói tiếp, rành mạch từng tiếng một, mắt quay nhìn đi chỗ khác:
- Em nằm mơ thấy nhà em chết!
Có thế thôi, làm suýt nữa tôi bật thành tiếng cười thật lớn, mà may mắn là tôi đã hãm lại kịp. Bởi vì tôi bắt được quả tang em gái tôi, cô Duyên xinh xắn thông minh, cô Duyên kiến thức đầy mình, cô Duyên em gái tôi, dang quan trọng hoá một việc xảy ra hàng ngày cho ngót một triệu người đàn bà, vợ sĩ quan, vợ binh sĩ. Ngót một triệu người vợ lính chắc hẳn không có người nào không nằm mơ thấy chồng mình chết trận, ít ra là một lần trong đời.
Tiếng cười nghẹn lại đầu cuống họng: bàn tay em tôi đặt trên tay tôi lạnh ngắt. Nó cúi đầu, như nặng trĩu hai vai dưới một gánh nặng quá sức chịu đựng. Tôi nhẹ nhàng vuốt mớ tóc xoã trên bờ vai có vẻ kém đầy đặn của nó.
- Anh linh cảm thấy có gì đặc biệt. Em nói đi, anh nghe đây.
Duyên ngước mắt lên nhìn tôi, cười thật buồn. Tôi ra hiệu: em khỏi phải cám ơn nữa, cứ vào chuyện ngay đi. Duyên gật đầu, im lặng trong giây lát, rồi kể, giản dị:
- Em mơ thấy ảnh nhảy đêm, lạc xuống rừng, bị cành cây đâm tuốt từ sau lưng ra trước ngực. Em sợ quá!
III
Tôi cần nói thêm em tôi là một người đàn bà can đảm. Can đảm và bình tĩnh. Hồi còn con gái, chính nó bắt được chồng nó nhảy dù xuống chiến khu. Nó trói anh chàng trong hầm bí mật, ngày ngày đưa cơm xuống cho ăn, và đun nước nóng pha muối lau rửa vết thương nơi chân, chờ anh chàng đi được là nó giải lên ban tỉnh. Được hai mươi mấy ngày, tên tù binh hết đau rồi thì chính hắn đưa vợ về thị trấn. Như thế là nó nuôi trai trong nhà cả tháng mà thầy mẹ chúng tôi không biết. Đến lúc biết thì quá muộn. Nó khóc lóc nói nó thương thằng nhỏ đẹp trai mà hiền lành. Nó khóc mãi, kỳ được thầy mẹ chúng tôi nhận rể mới chịu nín. Xong đâu đấy nó phây phây đưa anh lính nhảy dù vượt năm bảy hàng rào canh gác đến tìm tôi. T ôi nghe nó trình bày cách thức trốn về xuôi mà hết cả hồn vía.
Giấy tờ? – Của anh.
Quần áo? – Của anh.
Võ khí? – Của anh.
Tiền bạc? – Anh cho.
Tôi chẳng còn biết làm gì, ngoài việc thu xếp cho hai đứa theo đường thủy về thủ đô. Mười bữa sau chúng nó về đến nơi. Nhưng trước khi về đến nơi, theo chồng nó sau này kể lại, hai đứa đi trên bè bị một toán du kích xã chèo thuyền ra đón bắt. Nó vui mừng tự giới thiệu là nữ bí thư của tôi – tôi ở đây là chồng nó - để cám ơn tụi du kích cứu chúng tôi kịp thời, vì thuyền lớn đi công tác bị tàu bay địch bắn đắm. Tụi du kích mới hơi nghi ngờ nó đã kể một đống chuyện về đồng chí tư lệnh chiến khu, đồng chí chủ tịch tỉnh, đồng chí chủ tịch xã… đều là bạn thân của tôi. Tôi bị đau không nói gì nhiều, chỉ ừ hử và lắc đầu. Nhưng đã có nó… nó nói gì đều đúng, tỏ ra nó là dân địa phương thật sự. Dân địa phương thì tin nhau, nhất là tin nữ đồng chí bí thư xinh đẹp và khéo léo hứa hẹn cả với đồng chí xã đội trưởng, đồng chí xã đội phó, cả đồng chí bí thư xã. Kết quả là hai ngày một đêm ăn uống linh đình, rồi “mượn” một chiếc thuyền tam bản mới tinh tiếp tục đi công tác. Hai đồng chí đội viên du kích cũng được đưa về công tác luôn… trong nội thành. Tôi, ngãi là chồng của em tôi, trốn thoát hơn một tháng rồi tôi – chính là tôi thật – mới bị bắt vì tội đồng loã với em gái tư thông với gián điệp địch. Tôi bị tuyên án tử hình, có lẽ sắp đến ngày thi hành, thì lại chính một tiểu đoàn dù nhảy xuống thị trấn, giải thoát được hơn hai trăm tù binh. Và tôi.
Tôi thuật lại câu chuyện trên đây để tỏ rằng em gái tôi không phải hạng người mới trông thấy khẩu súng đã run lên bần bật. Em gái tôi đã chạm trán với cái chết nhiều lần, và em rể tôi càng chạm trán nhiều lần hơn với cái chết. Cho nên một giấc mơ đâu có phải thứ làm cho em tôi sợ!
-Như em sợ, vì em mơ thấy nhiều lần, lần nào cũng in hệt như thế. Mỗi lần một rõ rệt hơn. Em sợ… em sợ mà không dám nói với ai. Nói với bạn thì chúng nó khinh, làm vợ lính Dù mà nằm mơ thấy sợ thì sợ suốt đời. Em không dám nói với nhà em… Không, nhà em không bao giờ khinh em đau. Có điều ảnh thường nói, con người ta lúc nghèo khổ rất dễ can đảm, đến lúc khá giả, nhất là có con còn nhỏ, là sinh ra nghĩ ngợi vẩn vơ - nghĩ đến nghèo lại sợ, nghĩ đến mất con lại càng sợ. Nhà em cho đó là bằng chứng về những tình cảm tốt đẹp của con người. Nhà em không cười em, nhưng nhất định thế nào cũng lôi mấy ông bác sĩ về nhà hạch hỏi đủ điều để tìm căn bệnh của em.
- Đúng! Tôi kêu lên. Dượng ấy mời bác sĩ là đúng. Bây giờ, mấy nhà chuyên môn về thần kinh tiến bộ nhiều lắm.
Em tôi lắc đầu quầy quậy: về y học nó còn hiểu biết hơn tôi nhiều.
- Em biết! Em biết có ông đoán mộng mà chữa được người điên; có ông đoán mộng mà tìm thấy nguyên nhân, từ 30 năm trước, căn bệnh của một người đàn bà mắc chứng tâm lãnh(1). Nhưng họ sẽ không hiểu gì về những giấc mơ của em. Trước hết, vì khoa chữa tâm bệnh hiện nay mới chỉ do các y sĩ Tây phương nghiên cứu, mà tâm hồn em, em biết khác với tâm hồn người đàn bà Tây phương một trời một vực. Ví dụ người đàn bà Việt Nam lúc nào cũng sẵn sàng chịu thiệt với chồng, mà người đàn bà Tây phương không bao giờ chấp nhận điều đó. Vì sao? – Vì người đàn bà Tây phương thèm khát hưởng thụ từ người chồng nên tự nhiên phải có mặc cảm tùy thuộc, thua kém đối với người chồng đó – và đã có mặc cảm thua kém thì luôn luôn có phản ứng đền bù, tức là đòi hỏi được bình quyền và tranh giành mọi ưu thế. Người đàn bà Việt tất nhiên cũng biết hưởng thụ nhưng không coi sự hưởng thụ là một lạc thú không thể không có ở đời, cho nên bề ngoài thì người đàn bà Việt lệ thuộc nặng nề người chồng về sự sống vật chất hàng ngày, nhưng ngược lại, trong lòng lại không cần đến người đàn ông quá lắm… Em nghĩ thế mà cho rằng các bác sĩ thần kinh không thể căn cứ vào những nguyên tắc tâm lý Âu Mỹ mà tìm thấy căn bệnh cho em được.
- Nhưng em vẫn có thể thử một lần cho đích xác?
Tôi hỏi.
Em tôi có vẻ hơi hơi xấu hổ, trong thoáng chốc nó nhìn tôi mà cười, rồi quay đi, má đỏ hây hây. Nó thú thật:
- Em giấu nhà em, có đến hỏi bác sĩ F. ở Phan Thanh Giản. Ông ta già rồi, nếu không em đã tát cho mấy cái!
- Phải rồi! Tôi nói. Chắc hẳn lão ta cho rằng người đàn bà đang tuổi khoẻ mạnh và được thoả mãn, nên ngấm ngầm trong vô thức có lo sợ sự mất chồng. Nằm mơ thấy chồng chết, bị đâm suốt và có máu chảy, là sự cố gắng giải toả trạng thái nén tâm, bằng cách chuyển dịch hành động ái ân thoả mãn thành một tai nạn ghê sợ.
-Đúng thế! Em tôi la lên. Đáng ghét nhất là cái nhìn và cái cười đầy vẻ đồng loã, ra điều ta đây thông minh, ta đây tài giỏi, đã soi thấu cả ruột gan nhà ngươi rồi. Em cố nén giận giải thích cho lão ta hiểu rằng nghĩ về cái chết của một người chồng thân yêu, người đàn bà Tây phương tiếc người đàn ông trước hết, và có than khóc là than khóc cho sự thiệt hại của mình. Trong khi đó, người đàn bà Việt trước hết là thương chồng nằm xuống cô đơn lạnh lẽo, rồi thương con bơ vơ, rồi mới thương mình không nơi nương tựa. Lão bác sĩ già kêu chịu không sao hiểu được. Lão ta nói cứ nghe bà thì người ta có cảm tưởng người đàn bà Việt Nam là thánh. Sau đó lão ta viết cho em một cái toa thuốc bổ, không lấy tiền. “Đáng lẽ tôi phải trả tiền bà về buổi nói chuyện hôm nay”… lão ta bảo thế.
- Được lắm! Tôi khen viên y sĩ già. ít ra cũng phải thế: đã không giỏi thì phải có can đảm nhận mình không giỏi… Người giỏi là em tôi!
Duyên có vẻ sung sướng nhận lời khen. Nhưng nó vẫn buồn buồn thé nào.
- Em không cần giỏi, em cần anh giúp em.
- Thì em nói đi. Em bắt đầu mơ thấy thế từ bao giờ?
- Từ mười bốn ngày… đêm nay là mười lăm đêm.
- Đêm nào cũng thế?
- Vâng, đêm nào cũng thế. Em giật mình thức giấc vào khoảng từ 4 giờ đến 6 giờ.
- Cuối giờ Dần đầu giờ Mão, mơ vào giờ này thật lắm đấy!
- Thật thế sao anh?
- Thì cũng nghe người ta nói. Có phần nào hữu lý: lúc bây giờ trời đất êm ả, không khí trong lành… Nhưng đoán là đoán bậy mà thôi. Em kể tiếp đi. Giấc mơ bắt đầu thế nào?
- Em thấy em lâng lâng như đang bay. Rồi em thấy mình đang trong tàu bay. Em từ phía trong nhìn ra cửa mở bên tay trái. Hơn mười lính dù đứng thành hàng một, sát vào sườn tàu bay, tất cả mọ người đều nắm tay vào một sợi dây cáp không lớn lắm. Mọi người đều có vẻ lo ngại. Một người nói: “Gió lớn quá!…”. Em nhìn ra là nhà em. ảnh đứng ngay sau một người Mỹ. ảnh không thấy em. Em muốn gọi nhưng không gọi được thành tiếng. Thế rồi có tiếng trong phòng hoa tiêu nói ra, về hướng đi, chiều gió, vận tốc của gió, độ cao… Thế rồi đèn đỏ phựt lên, người Mỹ bước sang bên kia cửa, nhà em khuỵu hai chân lộn ra ngoài. Em theo ra. Trời đầy mây, tối mù mịt. Nhưng em vẫn thấy những cánh dù như những bông hoa lẳng lặng tổi trên mặt nước. Mặt nước mênh mông, gió thật mạnh. Một cái dùi đã mở tung ra tự nhiên lại cuốn lại. Em nghe rõ tiếng người thúc giục: “Mở ra mày! Mở ra mày!”… không phải tiếng nhà em. Nhà em xuống gần đến đất rồi, bỗng nhiên ảnh kêu lớn, kêu thật lớn: “Chết cha rồi! Lầm rồi! Coi chừng bay ơi! Nhiều cây lắm!”… ảnh kêu để báo động cho anh em. Trong lúc đó anh đáp xuống vùn vụt. Em muốn la lên khi thấy dù của ảnh bị rách băng mất hai khổ vải. Có lẽ vì thế mà ảnh rớt mau quá. Hoặc giả vì chú ý nhìn để báo động cho đồng ngũ, ảnh co chân, khép gối, rụt cổ, sẵn sàng. Nhưng đúng vào lúc đó em nhận ra một cành cây khô chĩa thẳng lên trời. Ngay đằng sau ảnh, ảnh không nhìn thấy nó… Ngay đằng sau ảnh… ảnh không nhìn thấy nó… trời ơi!
Tiếng kêu thảng thốt của em tôi in hệt như tiếng kêu chết của một con chim gẫy cánh. Nó ngơ ngác nhìn chung quanh, hai má ướt nước mắt. Không phải một mình nó sợ mà cả tôi cũng sợ. Người ta nói giấc mơ nào hợp lý là giấc mơ báo trước sự thể xảy ra. Sự thật xảy ra. Em gái tôi có bao giờ đi trên tàu bay thả dù, có bao giờ nhảy dù, mà biết điều này điều kia y như thât . Tôi cảm thấy ngay rằng tình không thôi không đủ đem đến cho em tôi những giấc mơ - hay một giấc mơ? – quái lạ như thế. Nhất là, như tôi đã nói, nó không thuộc loại đàn bà ở lì trong gia đình để suốt ngày nhớ đến chồng, nghĩ đến chồng, mà tưởng tượng ra chuyện này chuyện khác. Em tôi tính hồn nhiên vui vẻ nên có nhiều bạn đến thăm hỏi… Vả lại trong khi tôi hoang tàng phá tán hết phần gia tài của tôi thì em gái tôi buôn bán, mở mang. Có thể nói nó giàu lắm, giàu lắm.
Nhưng tất cả tiền bạc trên thế gian không mua được sự yên ổn trở lại trong tâm hồn cho em tôi. Tôi cố nghĩ đến một điều nào đó…
- A! Cũng lạ, tôi hỏi. Em nằm mơ đến hơn chục lần rồi mà không có gì xảy ra, thì chắc đâu đã có gì đáng ngại? Người ta nói…
- Vâng, nó cắt lời tôi. Sau khi thấy mình mơ đến bốn năm lần rồi mà vẫn không thấy gì, em đã hơi yên dạ. Nhưng rồi em mới nhận rõ… em mới nhận rõ cứ mỗi lần sau thấy cảnh nhà em bị nạn, em lại thấy rõ hơn đầy đủ chi tiết hơn lần trước. Ví dụ lúc đầu em chỉ nhận được có mình nhà em thôi, nhưng lần sau em nhận được thêm một người bạn của ảnh, lần sau nữa lại thêm một người bạn nữa của ảnh. Lần đầu nhà em nhảy ra ngoài rồi, em chỉ thấy bóng đen kịt, nhưng mỗi lần sau lại rõ hơn… rõ hơn. Đêm hôm qua…
Duyên nấc một tiếng khẽ, hai hàm răng cắn chặt chiếc khăn tay. Rồi đột nhiên nó vùng dậy chạy ra cửa. Tôi đuổi theo giữ lại kịp.
- Em phải can đảm! Dù sao cũng vẫn còn là giấc mơ… chẳng lẽ em nằm mơ chồng em bị nạn khi nhảy mà dượng ấy cứ nằm lì ở nhà cũng chết được hay sao! Anh có thể gọi dây nói cho ông lữ đoàn trưởng yêu cầu ông ấy cho dượng ba nghỉ nhảy một tháng.
- Anh định nói thế nào?
- Thì… thì nói như em kể…
- Không được đâu anh ơi! Vợ nằm mơ mà đòi được cho chồng nghỉ, thì quân đội không còn người lính nào ra trận. Nhà em mà biết thế, ảnh cũng giận…
- Thì nói cho dượng ấy biết trước?
- Không được đâu anh ơi! Nhất là hôm nay, em trông thấy ảnh là em muốn khóc. Vì em mơ thấy ảnh em sợ quá rồi!
- Em thấy dượng ba thế nào?
-Em thấy rõ mồn một. Như có đèn chiếu riêng cho một mình em. Em thấy máu trào ra, chảy thành dòng xuống áo xuống quần, xuống đất. Lúc đầu ảnh la lớn: “Chết tao rồi, bây ơi!…”, sau ảnh đau quá đưa hai tay níu đầu cành cây như muốn nhoài ra. Máu nhầy nhụa cả hai bàn tya. Sau cùng ảnh ngửa mặt lên, rồi gục xuống, đầu ngoẹo sang một bên vai, cánh tay thõng xuống. ảnh gọi em: “Duyên ơi!”… ảnh muốn nói gì nữa nhưng không kịp. Em muốn gọi ảnh, muốn chạy đến ôm lấy ảnh… ảnh chết rồi… chết thật rồi…!
IV
Thật là một giấc mơ ghê gớm. Tôi bắt buộc phải tìm một cách thức nào đó để giúp em tôi: số mạng, nếu đã có và không lay chuyển được, thì cố gắng chống đối cũng hoàn toàn vô ích. T ôi muốn đến gặp em rể tôi, nhưng cũng chỉ vô ích thôi. Bởi nó cũng có học khá và còn chịu khó đọc sách lắm. Đọc nhiều sách, thật nhiều, thì có thể chấp nhận một vài điều phi lý… Nhưng cho dù tôi thuyết phục được cho nó tin thì nó có thể làm được gì? Không lẽ xin nghỉ nhảy “vì sợ tôi mơ thấy tôi bị nạn” hay sao? Đời nào một sĩ quan nổi tiếng can trường như nó, lại chịu lui bước vì một đe doạ viển vông như vậy! Con người ta mất sự kính trọng của kẻ khác còn có thể sống được, chứ mất sự tự tin vào tư cách của mình thì chắc chắn không sống được.
Tôi không thể nói gì với em rể, nhưng nhất định tôi phải làm gì giúp em gái. Nếu chồng nó chưa chết, mà em tôi cứ tiếp tục nằm mơ như thế một tuần lễ nữa thì chính nó sẽ chết, điên mà chết. Cho nên vấn đề không phải là cứu một sĩ quan dù – vào lính dù, ai nấy đều chờ đợi lượt mình đổ ngã, cũng như người con gái lấy lính dù đã có phần nào nghĩ mình goá bụa – mà vấn đề là xua đuổi giấc mơ ác nghiệt kia đi. Tôi nghĩ chỉ còn một cách.
-Nghe nói vùng Trương Minh Giảng, Nguyễn Thông có nhà thờ… Đức mẹ Maria thiêng lắm, nhiều người đến nguyện xin điều này điều nọ đều được thoả mãn… Nhiều người trả lễ bảo vật…
- Em đã đến rồi. Em xin cho nhà em bình yên, em nguyện trả lễ một chiếc cà rá 7 ly.
- Em đến lâu chưa?
- Từ tuần trước.
- Còn ngôi chùa ở Hàng Xanh?
- Em đến rồi. Ông ta bảo nhà em có hạn nặng trong tháng này, nhưng bản mệnh thì vững.
- Thế mà em vẫn không hết!
Duyên chán ngán gật đầu. Bây giờ tôi mới nhận ra mắt nó sâu hoắm xuống, hai gò má nhô cao lên, bắp thịt ở đuôi con mắt trái giật giật. Tôi nắm chặt hai bàn tay run rẩy của em tôi và quyết định.
- Anh giúp em.
Hai mắt em tôi mở lớn, ngạc nhiên nhiều hơn hy vọng. Anh giúp em? Anh giúp ra sao?
- Anh có biết một ông thầy pháp người Tàu, mới trốn từ Trung cộng sang Hồng Kông rồi sang Việt Nam. Ông ta già rồi, có phép thuật giỏi lắm. Anh nói chuyện với ông ta nhiều lần…
- Nhưng anh có biết nói tiếng Tàu đâu!
- à… ông ta nói tiếng Pháp.
- Ông ta là con quý phái, họ Mã… con của tướng Mã Chiếm Sơn, người đầu tiên hạ lệnh kháng Nhật năm 1938 ở Lư Cầu Kiều. Ông ta còn trẻ có du học ở Ba-lê, ấn Độ…
- A, có thế chứ! Chắc ông ta học phép ở ấn Độ?
- Nhất định! Ông ta đã tu khổ hạnh bà-la-môn trong rừng… à rừng Tu-la-khê-da mười năm, mỗi ngày chỉ uống bốn ly sữa…
- Bốn ly sữa?
- Bốn ly… phải rồi, bốn ly nhỏ bằng ly uống li-cơ.
- A, có thế chứ! Chắc ông ta có nhiều người nhờ. Em không thấy đăng báo?-Ông ta ở trên gác cao, ai có duyên ông ta mới tiếp. Có khi mình đang đi ngoài đường ông ta đã sai người ra mở cửa đón sữa. Mình không nói tên ông ta cũng biết.
- Giỏi quá nhỉ! Ông ta làm thế nào mà biết được?
- ừ, thì thần giao cách cảm mà! Có thế mới đi vào trong mộng mà giúp em được chứ.
- Đi vào trong mộng? Mộng của em?
- Chứ sao! Ông ta giác ngộ sắp thành Phật…
- Sao anh nói ông ta tu t heo bà-la-môn? Bà-la-môn làm gì có Phật?
- Thì… sau đó ông ta bỏ bà-la-môn theo đức Thích ca. Ông ta tịnh khẩu ba mươi năm.
- Ba mươi năm? Bây giờ ông ta còn tịnh khẩu?
- Nhất định! Ông ta nói bằng thần giao cách cảm không? Nói không thành tiếng!
- Sao bảo ông ta nói chuyện tiếng Pháp với anh?
- Thì thần giao cách cảm cũng phải có hình ảnh chứ! Có hình ảnh cũng phải có danh từ, động từ, để diễn tả hình ảnh chứ!
- Phải rồi! Có nhiều cuốn sách về tê-lê pa-ti. Ông ta giỏi thật đó! Ông ta giúp người có lấy tiền không anh?
- Có! Ông ta lấy ba trăm ngàn, đưa trước hai trăm ngàn, một tấm ảnh mới chụp của cô, một tấm ảnh chụp chú mặc đồ trận.
Em tôi có vẻ tin tưởng hơn khi thấy số tiền lớn. Không có ông thầy nào mới lần thứ nhất đã đòi đến hai trăm ngàn. Hai trăm ngàn là giá một chiếc xe 4 ngựa còn mới. Nhưng em gái tôi giàu có. Hai trăm ngàn đủ nhiều nhưng chưa xót ruột.
- Nếu có thấy nhiều quá, anh có thể nói ông ta bớt cho cô.
- Không, chỉ cần ổng thiệt giỏi. Thiệt giỏi thì hai trăm cũng đáng.
- Giỏi thì bảo đảm mà.
- Để em gửi anh một cái chi phiếu. Rồi em về nhà lấy ảnh.
Khi em tôi trở lại, tôi đã sẵn sàng. Sẵn sàng một vụ lừa đảo lấy hai trăm ngàn. Thật ra tôi không cần được số tiền, nhưng em tôi cần mất nó. Vì tất cả mọi người, khi thấy nguy hiểm đe doạ đến vợ chồng hay con cái họ, đều thấy cần được tổng cậy vào một thế lực siêu nhiên. Người đàn bà ngày thường sáng suốt và cứng cỏi đến đâu mà sợ mất chồng, mất con, cũng tìm đến thầy bói, thầy ngải, thầy pháp – ở Việt Nam, Hoa Kỳ hay Liên Xô cũng thế. Em gái tôi cũng thế. Tôi tính số tiền vừa đúng cho nó chú ý, trong sự giàu sang của nó. Nói ít nó coi thường.
Công việc của tôi là làm sao cho em tôi tin tưởng có một sự giúp đỡ vô hình bên cạnh nó. Tôi không có tài cán gì giải thích giấc mộng lạ lùng. Nhưng tôi cố gắng trả lại sự yên ổn cho tâm hồn nó. Một người như em tôi không thể vì cái chết mà bấn loạn thế: nguồn gốc sự khích động là tình trạng bất lực của nó trong giấc mộng.
Mục đích của tôi nhàm làm cho Duyên có cảm tưởng làm được một việc nào đó giúp chồng. Tôi phải giảng giải cho nó nhiều về những giấc mơ mà trong đó không phải chỉ năng lực của thân xác mới có khả năng tác động mà thôi. Nhu cầu sinh lý, cảm quan của trẻ thơ, nếu bị đè nén, có thể ảnh hưởng đến một giấc mơ nào đó. Nhưng không phải chỉ có thế mà thôi. Bởi người ta phải hiểu mình nằm mộng với ký ức của mình, nhưng cũng có khi với ký ức của người khác. Như em tôi thấy cảnh nhảy dù mà chỉ chồng nó biết rõ. Và cũng có thể người ta nằm mộng thấy một hình ảnh không thật sự có trên đời, như có lần, tôi mới lên mười, mơ thấy bị nhiều con vật quái đản đuổi theo để giết: tôi trèo lên mái nhà, ngọn cây, đều bị chúng húc đổ tan tành. Tôi sợ quá mà tỉnh giấc, mồ hôi vã như tắm, tim đập liên hồi, đến mấy đêm sau còn sợ.
Ý tôi muốn nói rằng linh hồn người ta là cả một sự chắp nối phức tạp và lâu dài những xúc cảm và những hình ảnh. Chúng ta gọi đó là những ký ức. Có điều, thiên hạ nói đến ký ức thì chỉ nghĩ đến những xúc cảm và hình ảnh riêng biệt, mà chỉ có ý chí của người ta, lúc tỉnh mới tập hợp lại thành một chuỗi dài có ý nghĩa như một sự kiện, hoặc tiến xa hơn, so sánh nhiều sự kiện để rút ra một kết luận – công việc mà thiên hạ gọi là suy luận. Nói tóm lại, người ta nghĩ về linh hồn như một sự vận động của ký ức, chỉ hiển hiện khi người ta tỉnh táo: mắt mở, tai nghe, mũi ngửi v.v…
Tôi thì tôi nghĩ khác. Người ngủ, hay người chết, có một phần giống nhau là mắt nhắm, miệng ngậm, thân thể ở yên… Nhưng ở người chết thì tim ngừng đập, máu ngừng chảy, khí ốc-xy không theo máu luân lưu trong cơ thể, nên mọi bộ phận đều ngừng hoạt động, các giác quan đều nghỉ làm việc và thân xác nguội dần vì năng lực liên lạc không còn cơ sở, tiết dần vào khoảng không. ở người ngủ thì chỉ c ó hai con mắt được thật sự nghỉ ngơi, còn tai vẫn nghe, mũi vẫn ngửi, da thịt vẫn xúc cảm – một tiếng động lớn, một mùi thơm gắt, một luồng gió lạnh, có thể làm cho người ngủ tỉnh giấc; tỉnh giấc sau tiếng động, mùi thơm hay luồng gió, mà vẫn có ký ức, dù mơ hồ, về các sự kiện đó – nên có thể nói là một phần linh hồn vẫn ở trong thân thể; đó là giác hồn. Còn một phần có khả năng rời cơ thể, làm một cuộc du hành dài hay ngắn trong không gian. Đó là phần ý thức, vì không có cơ sở giác quan nên không thấy được cảnh vật chung quanh như lúc tỉnh, nhưng ngược lại, anh hồn – tôi gọi phần ý thức này là anh hồn – có thể giao tiếp với anh hồn của một hay nhiều người khác, và, với tư chất ký ức trong khoảng không có thể giao tiếp với khoảng không, là sự tụ họp của anh hồn của tất cả các thế hệ người đã sống. Chính sự giao tiếp đó tạo nên những giấc mơ: mơ kỳ dị, quái đản, mơ không đầu đuôi, nhưng cũng có khi mơ thấy cảnh tượng mà trong tương lai, gần hay xa, người nằm mơ sẽ gặp.
Tôi tin có những giấc mơ như vậy, nhưng tôi không tin có một định mệnh an bài. Tôi có cảm tưởng rằng một người tỉnh có thể không có ý muốn này, ý muốn khác – như em tôi không thể có ý muốn thấy chồng gặp nạn chết – nhưng có thể là để đáp lại một phản ứng thầm kín nào trong đáy sâu tâm linh của người đó. Sự giao tiếp giữa anh hồn của hắn với khoảng không đã có một kết quả là một vùng năng lực rất lớn được vận dụng để tạo thành sự thật những gì mà người đó thấy trong giấc mơ… Em tôi ngồi yên nghe tôi nói, chỉ hơi cười trong ánh mắt. Tôi biết nó không hiểu, hoặc không, khoảng không đã là “không” thì còn năng lực nào để tạo thành cả một cảnh tượng có thật ngoài đời? Vả lại, đã là một cảnh tượng của Định Mệnh thì không có cố gắng nào thay đổi được.
Sự chất vấn của em tôi có lý trong giới hạn hiểu biết thông thường hiện đại. Tôi không cãi mà chỉ kể cho nó nghe – cho nó nhớ lại thì đúng hơn – trưởng hợp bà vợ tướng De Gaulle nằm mơ bốn đêm liền thấy chồng mình bị bắn chết bởi 3 phát đạn trung liên, khi chiếc xe của ông vừa đi khỏi mọt cây cầu nhỏ và một quãng đường vòng cung. De Gaulle nói với vợ: “Bà hãy cầu nguyện cho tôi”. Rồi quên đi. Hai ngày sau ông ta đi một chiếc xe DS.21 có mô-tô hộ tống, theo đường bộ về nhà riêng, cách Ba-lê khoảng 200 cây số. Đoàn xe đi chậm lại để qua cầu, rồi tiếp tục đi chậm trên con đường uốn cong về phía trái. “Uốn cong về phía trái” bà De Gaulle nói như thê,s và nói tiếp: “Ông ngồi bên traí”… De Gaulle nhận ra mình ngồi bên trái thật, khác hẳn lệ thường ông ta bao giờ cũng ngồi bên phải. De Gaulle giật mình, một sức mạnh nào đẩy ông ta sang góc xe bên kia, vừa lúc súng nổ, ba viên đạn xuyên qua thành ghế nơi ông ta vừa tựa lưng – một viên khác xuyên thủng vỏ sau xe, nhưng bánh xe thuộc loại không bể (vì chia làm nhiều ngăn?) nên chỉ mất một phần hơi mà không xẹp: người quân nhân lái xe nhấn mạnh ga thay vì ngừng lại… Kinh nghiệm của gia đình De Gaulle được nhiều báo thuật lại, sau khi ông ta chết. Người sùng đạo tin chắc là nhờ bà vợ thành tâm cầu nguyện mà ông chồng thoát nạn. Nhưng cũng còn nhiều trường hợp khác, mà người ta có thể kể suốt ngày không hết. Điều quan trọng là không tin tưởng một cách mù quáng, nhưng vẫn phải có sự chấp nhận, chấp nhận để không chống đối, kháng cự… kháng cự làm cho tâm hồn tê điếng, chính là nguồn gốc của trạng thái kinh hoàng bất lực của người trong cuộc. Tôi muốn nói, như con thuyền giữa cơn giông tố, chỉ có cách thuận theo chiều gió mới có hy vọng sử dụng đến bánh lái phần nào. Như người không biết bơi lỡ té xuống dòng sông chảy xiết, việc phải làm trước hết là tuyệt đối không vùng vẫy: cứ mặc cho làn nước đưa đi thì tất nhiên cả người sẽ nổi lên mặt sóng.
Tôi muốn bảo em tôi đừng sợ, đừng buồn… nhưng lời nói nào, trong lúc này cũng vô ích. Tôi không thể khuyên nó cầu nguyện, vì, cũng như tôi, nó có nhiều lẽ phải quá trong đầu óc. Bởi thế, tôi đành phải lừa dối nó.
V
Sau đây là bức thư mà Duyên gửi cho tôi từ Đà Lạt.
Anh thân yêu,
Em cứu được nhà em rồi, đáng lẽ đến báo tin mừng cho anh, nhưng nhà em về đến nhà đã gần sáng, mà 8 giờ có máy bay chờ sẵn đưa chúng em lên nghỉ trên này cho nhà em bình tĩnh trở lại, nên em không đến được. Vả lại, em tin chắc ông thầy đã biết hết, và đã kể hết với anh.
…Bây giờ em nghĩ lại, mới thấy thật may mà em đã nghe lời ổng, làm hết mọi việc đúng như anh dặn. Em nói thế, anh đừng buồn, tội nghiệp em. Mong anh hiểu cho em… người có đôi chút học vấn, mà bảo em… à, mà thôi, để em thuật lại có đầu đuôi anh mới hiểu cho em nhiều hơn.
…Lúc em ở đằng nhà anh ra về thì đồng hồ đã chỉ 12 giờ. Em sửa soạn đón nhà em về ăn trưa, rồi chờ ảnh đi ngủ mới bắt đầu tìm kiếm trong mớ kỷ vật bề bộn từ khi thầy mẹ còn sống để lại, mãi gần 2 giờ mới thấy mấy đồng cắc bằng bạc và chiếc khăn tay của em thời con gái. Mãi hơn 3 giờ nhà em mới đi làm. Em lên lầu mở cửa sổ ngồi chờ. Trong khi chờ, em thấy lố bịch quá. Em băn khoăn mấy lần định bỏ xuống dưới nhà, nhưng không hiểu sao vẫn ngồi yên.
Đúng 4 giờ, ông già câm xin ăn đi qua. Ông ta ngước nhìn lên em, em làm dấu quyết đúng như anh dặn. Ông ta dừng lại chờ.
Em xuống, mở cửa ra đường, vừa đi vừa đếm nong, thoong, than, thí, hả, hốc… đến thíp thì em dừng bước, chân phải trước, chân trái sau. Ông già ăn xin, quần áo rách, nhưng khá sạch sẽ đưa cho em tờ giấy vẽ bùa và hai đồng cắc bằng chì. Em nhìn đúng năm 1960 và so đúng hình ông Diệm ngược đầu với bó lúa. Em đưa hai đồng cắc bạc, em nhớ năm 1927 và 1931, cho ông ta, với chiếc khăn tay.
Em trở lên lầu, ngồi nhìn mãi lá bùa. Em tưởng như không thể nào làm theo lời anh được. Nhưng rồi sau em nghĩ đến nhà em, em nghĩ vợ chồng hy sinh cho nhau đến thế nào còn được… Em đốt lá bùa vừa thả dần vào ly nước, vừa đọc thần chú, xong em nhắm mắt uống cạn cả ly. Rồi đúng 6 giờ, em đi bộ ra đường, đi bộ đến bến sông, ném thật xa hai đồng các vào đêm tối. Em về đến nhà đã hơn 9 giờ. Nhà em chưa về, nhưng chỉ một lúc sau em được sĩ quan trực ở văn phòng gọi dây nói cho biết nhà em không về: khoảng quá nửa đêm có nhảy tập phản phục kích.
Từ bấy giờ trong lòng em như lửa đốt. Em không sao ngồi yên đứng yên được. Em lên lầu xuống lầu cả mấy chục lần. Mãi hơn 12 giờ em mới đi nằm, nhưng cũng không sao ngủ được. Em vùng dậy mở cửa sổ nhìn ra ngoài trời. Trời trong vắt, có trăng, có sao. Em thấy hơi vững bụng. Nhưng chỉ được một lúc thôi, vì sau đó những đám mây lớn ở đâu kéo đến đầy khắp. Em bắt đầu sợ trở lại. Nhưng em sợ mà không thấy bối rối trong lòng như mấy bữa trước. Em tì tay vào khung cửa, liên miên những hình ảnh cũ: hồi chúng em mới gặp nhau, khi chúng em đi trốn trên sông Thao, hồi nghe tin anh bị bắt… Quá khứ, quá khứ… từng trải bao nhiêu gian nguy, em được hưởng nhiều hạnh phúc mà em không biết. Em cảm động, em muốn cảm ơn, em thấy cần được cầu nguyện. Nhưng không lẽ em cầu nguyện những vị mà ngày thường em không nghĩ tới? Em không làm như thế được… trong lúc băn khoăn, em chợt ngẩng mặt lên trời cao có mây đen vần vũ. Một nửa tâm hồn em bỗng nhiên mở rộng: em cầu nguyện bâng quơ vào khoảng không. Xin đất trời phù hộ. Tiếng em nhỏ và đều, ru em vào giấc ngủ. Giấc mơ quen thuộc lại bắt đầu, nhưng lần này em nghe rõ tiếng em cầu nguyện. Thế là đủ. Em biết sự gì sẽ xảy ra. Em tiếp tục mơ thấy nhà em trên máy bay, lại thấy cái dù mất hai khổ vải… Em thấy rõ ảnh níu một bên dây, kéo hết sức để quân bình chỗ trống. Em theo ảnh rớt xuống đu đưa theo những cơn gió mạnh. Em thấy em yên ổn, bình tĩnh. Em nhận được cành cây sớm hơn mọi bận. Như chỉ chờ có thế thôi, em la hết sức lớn: Anh! Coi chừng! Anh ơi!…”. Tiếng em la chưa dứt, em thấy nhà em ngẩng mặt lên thật nhanh, cúi xuống nhìn thật nhanh. Rồi em thấy cả người ảnh như co lại, như bổng lên và tạt sang bên cạnh. Mũi nhọn của cành cây vút qua xượt ngang vai ảnh…
Em thức giấc, nhận ra mình ngủ quên, gục đầu trên bậu cửa sổ. Em đóng cửa, vào giường ngủ một giấc thật say. Gần 6 giờ nhà em về. Em bình thản, nhưng nhà em tái xanh. Em mở cửa, ảnh ôm chầm lấy em, hôn lên đầu, lên cổ. Trong khi đó thì tay nhà em run run, đầu gối nhà em lập cập. ảnh đi không muốn vững. Về đến nhà, gặp được vợ con rồi, ảnh mới thấy tai nạn vừa qua ghê gớm biết bao. “Thằng phi công nhận nhầm tín hiệu, thả dù cách xa địa điểm hơn 10 cây số, đúng vào khu rừng thưa, bên chủ nghĩa là con sông nhỏ mà thật sâu. Cả tiểu đội chỉ huy chết 8, bị thương 2, trong đó có 6 đứa chết đuối vì đêm tối, dù quấn vào người, không thoát ra được”.
Trong số người chết có Trung úy H., bạn thân của nhà em. Trung úy H. mới lấy vợ được một năm có đứa con vừa vặn ngày sinh nhật đầy tuổi tôi: đang vui với bạn bè thì có xe đến gọi đi gấp. Khi nhảy, anh nhảy sau cùng, cách mặt đất còn bốn năm thước thì một cơn gió mạnh đánh tạt dù vào một cây sồi không cao lắm. Nhưng một cành sồi gãy chỉ còn một đoạn dài hơn gang tay, lọt giữa vành mũ và cổ áo, xuyên ngập vào gáy anh, và như cái đinh treo anh lơ lửng, hai chân cách mặt đất hơn một đầu người. Hình như H. không thấy đau, vì anh kêu gọi đủ tên các anh em trong tiểu đội. Anh bảo nhà em đi gọi vợ con anh đến. Nhưng sau đó anh bị mê man. Dưới ánh sáng đèn chiếu của trực thăng cấp cứu, bác sĩ và mọi người không tìm cách nào đưa anh xuống được…
Trung uý H. chết trước khi trời sáng rõ, trước khi trực thăng lớn đưa đủ dụng cụ đến cưa cành cây. Nhà em đã chứng kiến nhiều cái chết nhưng chưa bao giờ ảnh gặp một cái chết phi lý, dữ dội như vậy. Nhất là chính nhà em suýt nữ cũng phải chết một cách tương tự. “Anh không hiểu được. Không hiểu được. Không phải anh tưởng tượng, không phải anh nghĩ đến em – trong giây phút đó, bất cứ ai cũng chỉ nghĩ đến những việc phải làm – nhưng rõ ràng anh nghe tiếng em gọi anh Anh coi chừng, anh ơi!…”. Anh giật mình ngẩng nhìn, nhưng vội cúi xuống ngay, vừa vặn thoáng trông thấy mũi nhọn từ dưới đâm lên. Anh hết sức đu lên cánh tay phải, văng cả người theo. Anh thoát chết trong gang tấc, chỉ bị móc rách một bên vai áo… “Chỉ rách một bên vai áo!”. Anh ơi, em cảm động và hối hận biết bao vì anh cứu vợ chồng em và em không tin, mà có lúc em định không làm như lời anh dặn. Trong lúc mừng rỡ, em chỉ biết ôm lấy nhà em mà khóc hoài, không sao nín được. Em cũng không sao kể ngay cho nhà em nghe nằm mơ thế nào, và anh giúp em thay đổi giấc mơ thế nào. ảnh sẽ không tin và em sẽ rất buồn.
Vì thế em nín lặng giữ chặt cái vui của em trong lòng. Cả đến khi nhà em cởi dây tháo giày ra khỏi chân, có hai đồng bạc cắc rơi ra em cũng không nói, mặc cho ảnh cằn nhằn em tin nhảm: “Em giấu tiền vào giày anh thế này, khi nhảy đụng mạnh xuống đất, rủi đồng cắc nằm nghiêng, nó có thể ngập vào chân anh”. Em rúc đầu vào nách ảnh để cười một mình. Rồi em khẽ nhặt hai đồng cắc bạc gửi biếu anh đây, để anh giữ làm kỷ niệm…
Một lần sau cùng, vợ chồng em quyết không bao giờ quên được những ngày vừa qua. Nhà em sau khi ng he em kể chuyện, đồng ý với em rằng hiểu thì không hiểu được đến tận ngọn ngành, nhưng chồng em có thể tin – chúng em rất tin thì đúng hơn – có sự giao tiếp, vay mượn ký ức giữa anh hồn của một người đang ngủ và anh hồn của một hay nhiều người khác. Chồng em tin rằng cái cảnh tượng được tạo ra do ý muốn của một anh hồn có thể được thông báo cho chân không để chân không đào tạo nên cảnh tượng đó trong thực tế. Em không mường tượng nổi tại sao trong vô thức của em lại có thể có sự gặp nạn của nhà em, nhưng em thành thật tin tưởng rằng nhờ quyền phép của ông thầy và sự chỉ dẫn của anh, và nhờ tình thương yêu của em đối với chồng em, mà em xâm nhập được vào giấc mơ, mà em cất được lời cầu nguyện trong khoảng không, mà giữ được tinh thần tỉnh táo và chủ động để can thiệp cứu nhà em đúng lúc… xưa nay chưa bao giờ có người cố gắng giải thích những giấc mơ báo trước tương lai; người ta gạt phăng đi không tin, hoặc nếu tin thì cho đó là sự hiển hiện của Định Mệnh, mà đã nói đến Định Mệnh thì làm gì có sự thay đổi, sửa chữa được.
Anh là người đầu tiên giải thích những giấc ơ, ông thầy là người đầu tiên đưa người đang sống vào khu vực linh thiêng của chân không và anh hồn, còn em là người đầu tiên thay đổi được giấc mộng của chính mình. Sau một nửa tháng kinh hoàng, anh biết không, hôm nay em hãnh diện không ít!
Em chỉ tiếc có một điều là không tìm được cách nào để kể câu chuyện của em cho mấy người bạn. Mấy lần em định kể, nhưng muốn kể thì phải giải thích, mà em giải thích không được, không lẽ cứ mỗi lần kể lại đời có anh ngồi bên cạnh hay sao?Em gái thân yêu của anh.
Thiếu Duyên
Tái bút – Em vừa tìm thấy trong túi bộ đồ trận của nhà em chiếc khăn tay, còn y nguyên nếp gấp. Kể cũng lạ: không biết ông thầy làm cách nào mà bỏ được nó vào túi nhà em… Cũng như hai đồng bạc cắc, em xem lại đồng niên hiệu 1927, 1931, làm sao vào được giày nhà em mà nằm… Nhưng mà thôi, anh hiểu được cái gì anh hiểu, còn cái mà em thấy, mà em không hiểu nổi, thì em gọi nó là thiêng liêng huyền bí – ở trong sự chuyên chở và bao bọc của Chân Không, như anh thường nói!
VI
Tôi đọc đi đọc lại bức thư của em tôi, cố tìm xem nó có ý định trêu cợt gì tôi không. Vì trong tay tôi lúc ấy có đến hai chiếc khăn tay và bốn đồng bạc cắc. Như các bạn đoán biết, sau khi ông bạn già của tôi - ông bạn già trong một chỗ chơi bời không lấy gì làm sang trọng lắm - đóng vai người ăn mày câm đổi hai đồng cắc và đưa em tôi lá bùa, lá bùa do tôi vẽ, ông ta đã trả lại cho tôi cả chiếc khăn tay lẫn hai đồng cắc bạc. Như vậy thì khăn tay nào, bạc cắc nào, mà ai bỏ trong túi, trong giày người lính dù, em rể tôi?
Ơ hay! Có lẽ đâu những điều tôi tưởng bày đặt ra, để trấn an em tôi, đều là thật cả!
Ngày 9 tháng chạp năm Tân Hợi
Khi kết thúc truyện, xin có thêm mấy lời sau:
Thông qua nhiều bạn bè viết văn của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, báo Văn nghệ đã nhiều lần tìm kiếm người thân của ông ở Sài Gòn để xin phép in truyện ngắn Lời nguyện trong không nhưng đều không được, trong khi, nhiều bạn đọc lại có nguyện vọng được biết về sáng tác của ông. Rất có thể sự tìm kiếm của chúng tôi còn chưa hết, nếu vậy rất mong người thân của nhà văn thông cảm, và xin mời đến toà soạn hoặc các văn phòng đại diện của Văn nghệ nhận báo biếu cùng nhuận bút.
V.N
(Nguồn: Văn nghệ) theo phongdiep.net