Có những phức hợp trong truyện giả tưởng của Nguyễn Mạnh Côn. Ta có ấn tượng như vậy, khi đọc tác phẩm “Ba Người Lính Nhảy Dù Lâm Nạn” của ông. Cuốn sách gồm nhiều truyện, nhưng truyện trên là chính và dài nhất, gồm hơn 100 trang (xuất bản tại Sài Gòn, 1960)
Tóm tắt truyện: Tháng 6 năm 1954, khi Việt Nam chưa chia đôi ở vỹ tuyến 17, có ba người lính binh chủng Nhảy Dù thuộc Quân Đội Quốc Gia Việt Nam, gồm một nữ trợ tá quân đội, một bác sĩ, một hạ sĩ quan, đang thực hiện một phi vụ gần biên giới Trung Hoa. Phi cơ của họ bị bắn hạ ở vùng chiến khu Việt Minh, cách Hà Nội độ 350 cây số. Phi cơ đâm nhào xuống, họ không biết gì nữa: đó là lúc họ lọt vào một vùng không khí năng lực phi thường (có lẽ là đạt tới tốc độ ánh sáng), nhờ vậy họ lọt vào vũ trụ thuộc kích thước thứ tư.
Tại đây, họ diện kiến với Lưu Thần và Nguyễn Triệu, hai cổ nhân từ ngàn xưa cũng nhờ gặp một cơn bão tập trung sức mạnh khủng khiếp (ta cũng nên hiểu là lúc đạt tới tốc độ ánh sáng) mà hai vị đã tới vùng kích thước thứ tư ấy. Vậy đây chính là Thiên Thai với cảnh trí tuyệt vời, nước không chảy, hoa không tàn, thời gian hoàn toàn đình chỉ.
Nơi đây có nhiều bộ máy huyền vi, trong số có một trái cầu nhỏ mà rất kỳ diệu. Nó đưa con người tìm về quá khứ hay tương lai, chỉ cần tâm ý ra lệnh cho những dòng chữ hiện lên trên màn ảnh. Có lẽ tác giả muốn nói đến loại phi thuyền vũ trụ, được điều khiển với các máy điện toán (máy vi-tính), mà vào năm 1960 những thứ trên còn rất xa vời. Bác sĩ Mai và nữ trợ tá Kiên Trinh ở lại với Thiên Thai, còn hạ sĩ Khang muốn tìm về quá khứ.
Khang ra lệnh cho dòng chữ hiện lên trong trái cầu muốn trở về thế kỷ 18 (tức là muốn được chuyển đi bằng tốc độ cực nhanh làm thời gian chậm lại), và Khang đã trở về Thăng Long vừa đúng lúc cứu sống vua Quang Trung. Khang cùng với vị anh hùng Tây Sơn thực hiện tham vọng đòi lại Lưỡng Quảng đã bị Trung Hoa sáp nhập từ nhiều thế kỷ trước. Vua Quang Trung rất biết dùng người: mặc dù Khang chỉ là hạ sĩ quân đội nhưng đã là người tiến bộ của thế kỷ 20. Do đó Khang được thống lĩnh lực lượng tiền phương, tổ chức binh đội rất hiện đại thuộc thế kỷ 20, và dĩ nhiên đè bẹp quân nhà Thanh cổ lỗ thuộc thế kỷ 18, rồi thẳng đà định lật đổ chế độ phong kiến Trung Hoa để thiết lập chế độ quân chủ lập hiến. Nhưng quân Tây Sơn vấp phải sự chống cự của dân Trung Hoa. Họ áp dụng phương pháp tiêu thổ kháng chiến và trường kỳ du kích chiến. Đến đời vua cháu ba đời của Quang-Trung Đại-đế thì cuộc tiến chiếm xứ Trung Hoa hoàn toàn thất bại vì đã bị dân Trung Hoa đông đảo làm Hán hóa tất cả. Đến lúc đó, Khang mới sực tỉnh biết mình đã có tham vọng mù quáng, làm tờ trình “xin nhà vua trả cho nước Việt Nam trở về vị trí cũ”.
Tính ra, Khang đã mấy đời sống nơi dương thế, trong khi đó chỉ là thời gian rất ngắn với Kiên Trinh ở chốn Thiên Thai. Đã có lần Kiên Trinh cũng trở về trần, đi tìm người yêu là hạ sĩ Khang nơi chốn trận mạc, và đau khổ đến điên dại vì biết Khang đã là người trong thân thích gia đình của vua Quang Trung (vợ Khang là Ngọc Chân Công Chúa, em gái của Ngọc Hân Hoàng hậu). Bác sĩ Mai trên Thiên Thai thì động lòng nhớ nhà nhớ quê hương: “Nào Hà Nội với Hàng Rèn, với bờ hồ Hoàn Kiến; nào chiến khu Việt Bắc với đồng bào Thổ áo chàm...”. Tóm lại cả ba đều là những con người thuộc thế gian trần lụy: Khang với tham vọng bành trướng lãnh thổ, Kiên Trinh vì tình duyên, bác sĩ Mai vì lòng nhớ quê hương. Lưu Thần và Nguyễn Triệu biết rằng: “Những người thường, hữu tình và hiếu động, không thể sống mãi được trong Thiên Thai mà họ mơ ước, bởi lẽ họ không biết Thiên Thai chỉ là nơi con người không còn tình dục” (trang 271).
Ta nhận ra có những cái không đồng chất trong truyện. Đầu tiên là có sự pha trộn giữa khoa học thật và khoa học thêu dệt. Đành rằng truyện giả tưởng là bịa đặt, nhưng là bịa đặt cốt truyện, không quá đà bịa đặt luôn cả về máy móc kỹ thuật hoang đường. Làm như vậy người đọc dễ bị hoang mang, nếu không biết qua về khoa học kỹ thuật, sẽ khó phân biệt giữa những điều tác giả đã thực sự dựa vào nghiên cứu, và những cái hoàn toàn bịa thêm. Mà hoang mang thì thiếu sự thuyết phục rằng đây là sách “khoa học dự tri và giả thiết khoa học” như tác giả cho ghi ở ngoài bìa.
Những điều làm ta phấn khởi ở những đoạn viết về Thuyết Tương Đối của Einstein: “Nếu ánh sáng đi chậm lại thì chúng ta sẽ thấy bụi cây trước rồi mới thấy rặng núi sau... Cái nhầm của cổ nhân coi vạn vật chỉ có bề dài, bề rộng, bề sâu, tức là chỉ có ba kích thước, mà không biết rằng sở dĩ người ta trông thấy ba kích thước ấy là nhờ có ánh sáng. Tùy sức ánh sáng đi nhanh hay chậm, tùy con đường từ ta đến cảnh vật xa hay gần mà ta tức khắc trông thấy vạn vật, hay chỉ trông thấy dần dần... Cảnh vật chung quanh ta tưởng rằng nhất định như thế mà thật ra có thể đổi khác (Thấy không khác vì tốc độ ánh sáng ở cõi ta là một hằng số)...Einstein đã biết rằng khi một vật di động càng nhanh, càng tới gần tốc độ ánh sáng thì thời gian và không gian hỗ tương ảnh hưởng vào nhau, sẽ uốn cong lại chung quanh cái vật di động kia. Sự uốn cong này chính là kích thước thứ tư...” (Từ trang 183- 186)
Điều làm ta hoang mang như về luồng ngoại tuyến bao bọc thân thể khiến ta lọt vào kích thước thứ tư, theo kịp tốc độ ánh sáng; về cái máy “xuyên-thời di-không ký-ảnh” thấy hết mọi điều xảy ra trên Trái Đất giống như trái cầu pha lê của các phù thủy trong truyện cổ tích Tây Phương; về viên thuốc kết tinh của ánh sáng thay thế cho thực phẩm trần gian...
Những chỗ khác, tác giả viết nhiều đoạn hay về lịch sử. Như một đạo quân vượt biên thì không thể lấy danh nghĩa gì để thu phục quần chúng, do đó quân Tây Sơn bị lao đao khi đối phó phương pháp tiêu thổ kháng chiến của người Tàu. Như bài học đã từng xảy ra cho một đạo quân viễn chinh trên một lục địa bao la với dân số quá đông như nước Trung Hoa. (Có lẽ tác giả liên tưởng đến trường hợp Mông Cổ xâm lăng và cai trị nước Tàu mà rốt cuộc là bị Hán-hóa). Nội việc phải dùng Hán-văn để giao tiếp cho thuận tiện với quần chúng Trung Hoa là cách lần lần thiểu số bị đa số đồng hóa: “lúc ban đầu còn dùng Quốc-văn, về sau càng ngày càng dùng nhiều Hán-văn cho thuận tiện... Ngót một triệu người Việt phân tán đi cai quản hơn mười ngàn thị trấn, và chiếm đóng hơn ba mươi ngàn đồn binh” (trang 265).
Sự pha trộn không đồng chất rõ ràng hơn hết là lối viết biên khao và lối viết văn chương. Cuốn sách nặng phần trình bày kiến thức về khoa học để dựa vào đó mà lồng truyện giả tưởng. Ta nhận ra có sự bịa đặt về cốt truyện nhưng thiếu chất huyền ảo, dù tác giả lồng vào đó huyền truyện Đông Phương nơi chốn Thiên Thai. Hình như như tác giả không chú trọng lắm việc “làm văn chương”, không lộ rõ bút-pháp.
Ngoài kiến thức khoa học, còn kiến thức về lịch sử và kiến thức triết lý. Thiết nghĩ những đoạn về trận mạc giữa quân Tây Sơn và quân nhà Thanh trên đất Trung Hoa bao la đáng là một dịp viết những trang hùng tráng trong bối cảnh địa lý vĩ đại, tương tự như cuộc dàn binh của Nã Phá Luân khi tiến đánh vào đất Nga (mà ta thấy qua màn ảnh đại vĩ tuyến, thực hiện cuốn tiểu thuyết “Chiến Tranh Và Hòa Bình” của Leon Tolstoi). Thiết nghĩ những đoạn khi Kiên Trinh điên dại đi tìm Khang ở chốn ba quân, nếu bằng lối văn chương thiên về xúc-cảm như Mai Thảo, thì đã là một dịp viết thành những trang dị-thường thiên về nghệ-thuật kiểu “Người Điên Dưới Chân Sườn Tam Đảo”: người điên lúc nguy khốn lại tỉnh trí, chạy phất phơ với tấm bao-tải choàng trên người, “dềnh-dàng chuệnh-choạng” ven sườn núi, cốt làm đích nhắm cho quân Pháp bắn gục ngã, cốt đánh lạc hướng để những người thân trong gia đình chạy thoát cuộc truy lùng, thời quân Pháp mở những cuộc bố ráp làng xóm tình nghi. (Bài này trước đây, người viết nhớ sai là “Ngưòi đàn bà điên dưới chân sườn Tam Đảo”)
Kết hợp kiến thức về khoa học của “Thuyết Tương Đối” với huyền truyện “Lưu Nguyễn Lạc Thiên Thai”; làm lộ ra một điểm mà bấy lâu ta không thắc mắc trong truyện cổ: tại sao có thể lạc vào chốn thời gian đình chỉ. Tác giả giải thích; đó là khi phi cơ rớt và khi gặp bão họ lọt vào một vùng năng lực phi thường, và ta hiểu đó chính là lúc đạt tới tốc độ ánh sáng. Thiên Thai hay vũ trụ thuộc kích thước thứ tư không ở đâu xa: “Bọn ta ở đây vẫn là ở trên mặt đất, nghĩa là vẫn cùng một không gian, với đời sống dương thế, nhưng nhờ có tốc độ ánh sáng thay đổi nên có thể lẫn lộn vào nhau, chồng chất lên nhau mà không biết. Trong ánh sáng đi nhanh hơn lên 90 ngàn lần, cả một vũ trụ sở tại của chúng ta sẽ trở thành vô hình” (trang 187).
Nói chung, quá nhiều kiến thức làm cho cuốn sách nặng nề vì viết theo kiểu biên khảo. Bằng không thì văn học ta đã có thêm một tập truyện huyền ảo, dễ cảm nhận hơn với lối văn chương thiên về rung cảm nghệ thuật, sánh vai cùng bài thơ “Tống Biệt” rất đẹp của thi sĩ Tản Đà./.
Walnut, California, bổ khuyết bài viết tháng 5.1998