Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.179
123.222.670
 
Đường còn xa
Anh Động

Không biết có bao nhiêu người phía trước, một đoàn đi dài vô cùng, sau hết chỉ có tôi và em Oanh, một em gái đường dây.

 

Đêm qua lộ. Trời không trăng. Màn đêm đen thâm thẩm cao. Trên có nhiều vì sao nheo mắt. Cánh đồng phẳng lặng trải ngầm trong bóng đêm vô bờ bến. Tôi có cảm tưởng mình đang lội trong lòng cái chảo gang úp khảm đầy ngọc. Tiếng khẩu lệnh truyền nhau xì xào, tiếng chân bước ọp ẹp trên mặt bùn nhão. Đoàn người cứ đi, hướng về phía mấy ngọn đèn dầu mù xa, đó là ấp chiến lược ven lộ Bốn. Gió lạnh từ phía sau cứ chồm lên lưng thở dài bên tai mãi làm tôi phải rùng mình, kéo chiếc khăn dù quấn cổ cho phủ xuống vai.

 

Em Oanh đi sát lại bên tôi, em rụt cổ vào giữa đôi vai bé tròn đang co ro trong chiếc khăn thêu trắng dài. Oanh thỏ thẻ:

 

- Lạnh quá chú Năm há! Như vầy mà rủi có bị thương thì... chắc chết.

 

- Nói ba xàm! - Tôi rầy Oanh, và em không cãi lại cũng không nói tiếp, hình như em sợ phải nghĩ tới chuyện không may đó là một điểm xui xẻo. Chút sau, Oanh nắm lấy tay tôi lúc lắc, hỏi:

 

- Chú phải y sĩ không, chú Năm? Chú cột mạch máu được chớ gì? - Nhìn tôi, rồi em chúm năm đầu ngón tay đưa lên giải thích thêm câu hỏi chưa hết ý của mình:

 

- Trường hợp bị thương gãy ngang cổ cườm nè, máu chảy nhiều, chú băng bó bằng cách nào cho máu đừng ra đó ?

 

Tôi hiểu ý, gật đầu:

 

- Chú có “y” với “bác” gì đâu. Nhưng việc đó thì làm được.

 

Oanh mừng líu lo:

 

- Vậy là hết sợ bị thương rồi đó - Rồi em nói tiếp một câu dài muốn hụt hơi: - Con ngán có cái bị thương thôi, chớ bịnh thứ khác thì đồ bỏ. Nè! Chú có bị đau bụng thì lấy khăn cột ngang eo ếch rồi bứt đọt sả nhai là hết liền. Còn ho, con chỉ hén! Bẻ lá tràm ngặm muối nuốt nước. Nóng lạnh dọc đường hén! chú biết làm gì hông ? Oanh bứt cọng cỏ long bông đưa cho tôi và cười khúc khích - Lấy cái nầy dấy lỗ mũi, hắt hơi ra nước mắt, hết liền.

 

Thật là cái cô “y sĩ” nầy phổ biến mấy phương pháp trị bịnh đến buồn cười. Nhưng dù sao tôi cũng thấy được ở em Oanh có một số đặc điểm ngồ ngộ và quí báu nữa là đằng khác. Nếu Oanh không phải đã lặn lội gian khổ trên một chặng đường dây xa xôi và đầy thiếu thốn như vầy thì em làm sao có được những lối trị bịnh dí dỏm ấy.

 

Oanh lại nắm tay tôi, thủ thỉ giọng gần như run:

 

- Sao con cứ sợ bị thương hoài à chú.

 

Nghe Oanh nói lần nầy tôi không còn rầy em nữa. Tôi nghĩ chứac có một vài chuyện bị thương nào đó đã ám ảnh em. Tôi nắm gọn tay Oanh và với giọng êm ái, hỏi:

 

- Sao cháu cứ nói chuyện ấy hoài vậy ?

 

Oanh như rên rỉ:

 

- Đi trên đường dây nầy bị thương ưa chết quá chú à.

 

- Có ai bị trường hợp đó chưa mà cháu sợ dữ vậy ?

 

- Có chớ! Năm ngoái anh Thi chỉ bị gãy cườm chân thôi, cũng chết. Mới đây chế (1) Phượng chỉ trúng đạn ngay cườm tay, rồi cũng chết.

 

- Chế Phượng đó với cháu có bà con gì không ?

 

- Đâu có! Người dưng đặc sệt thôi. Nhưng con thương chế Phượng lắm. Chế Phượng chỉ lớn hơn con không đầy một tuổi.

 

Bỗng dưng tôi giật mình, hỏi Oanh như tự hỏi mình:

 

- Phượng? Mười lăm tuổi ?

 

- Dạ.

 

- Gia đình Phượng ở đâu ?

 

- Rạch Giá.

 

- Rạch Giá? Cháu có biết ở xã nào không ?

 

- Con quên rồi.

 

- Cháu có biết mẹ Phượng tên gì không ?

 

- Dạ không.

 

- Ờ mà Phượng nó...

 

Tôi định hỏi Oanh xem vóc dáng đặc điểm Phượng ra sao, nhưng lại thôi. Ra sao? Với cô Phượng mười lăm tuổi nầy dù cho Oanh có miêu tả ra sao đi nữa tôi cũng chưa bao giờ quen biết được.

 

Một lúc tôi lại hỏi thêm:

 

- Trường hợp nào mà Phượng hy sinh vậy ?

 

Giọng Oanh hơi trầm xuống:

 

- Đụng nhau với giặc ngay trên lộ lúc giao trực, chế Phượng còn ráng với tay đưa gói tài liệu qua rào bên kia nên bị gãy ngay chỗ nầy đây - Oanh chỉ vào cườm tay phải tôi - Ban đầu chế Phượng còn đi ên được. Một lúc máu ra nhiều, chế xỉu. Mấy anh cõng. Hổng ai biết cột cách nào cho máu bớt ra. Đem chế về tới nhà thì chết - Oanh hít mũi nói thêm - Từ bị thương cho tới chết chế Phượng không rên một tiếng chú à - Oanh tức tưởi, khóc - Chú nghĩ coi, lúc chế Phượng gần chết,xin mấy anh cho ca một bài mà mấy anh không cho.

 

Tôi cũng xúc động, cầm chặt tay Oanh hơn:

 

- Phượng xin ca bài gì vậy ?

 

- A... Con cũng quên tựa rồi. Bài mà “Trên đường về còn xa, đêm đêm qua những bến vắng đò...” đó.

Phượng! Oanh hay bao nhiêu cháu bé đường dây khác! Các cháu vẫn biết “Trên đường về còn xa” nhưng các cháu vẫn đi trong “Mưa rơi rơi đường tối trơn lầy”, các cháu cũng biết và cố gắng “Bước bước nhanh để rút ngắn đường gian khổ”! Ấy là bài ca “Em gái giao liên” các cháu đã yêu thích đến nằm lòng. Trước khi hy sinh Phượng xin ca bài ấy lần cuối. Thế nào? Có lẽ các đồng chí muốn bảo vệ sức khỏe Phượng mà không cho ca hay vì cận địch mà phải giữ bí mật ? Phượng ! Trạm đổi trực cuối cùng là giao hàng qua rào kẽm gai giữa lúc đạn giặc gài, đến cái cườm tay không lọt. Phượng ! Có phải ? Không đâu, trăm ngàn đứa con gái khác cũng... Nhưng... biết đâu... Cháu Phượng nầy cũng người Rạch Giá kia mà !

 

- Ơi ! Gãy tay con !

 

Tôi mải suy nghĩ đâu đâu mà cứ bóp bàn tay Oanh đến em kêu lên. Tôi nới tay ra và kéo Oanh sát vào người, khom xuống thì thào vào tai em:

 

- Con...

 

- Dạ chi ?

 

Tôi vội sửa ngay cách xưng hô:

 

- À cháu! Cháu có thuộc bài ca đó không? Cháu ca nho nhỏ cho chú nghe với đi !

 

- Dạ.

 

Rồi Oanh cất giọng ca nhỏ và nhẹ như hơi gió thổi qua cánh đồng năn: “Trên đường về còn xa, đêm khuya qua những bến đò. Mưa rơi rơi đường tối trơn lầy. Kìa bót giăng giăng. Bền gan cô thiếu nữ...”

Tiếng hát của Oanh nghe hơi khô và trong. Tiếng hát bay là là trên ngọn cỏ đồng và hòa vào tiếng ọp ẹp của những bước chân đoàn người lội trong lớp bùn nhão! Âm thanh đang chấp chới dìu dịu, nhưng vừa đến đoạn ấy bỗng tắt ngang, nghẹn ngào. Oanh nói như rên:

 

- Con hổng hát được nữa đâu chú !

 

- Sao vậy ?

 

- Tưởng ca cho đỡ nhớ chế Phượng. Ai dè ca lên lại càng nhớ thêm. Khúc đường nầy cả năm rồi, đêm nào hai đứa cũng đi chung, ca chung một bài. Bây giờ con ca một mình như có chế Phượng rình đâu đây nghe vậy.

 

Oanh từ từ buông tay tôi ra và đi tụt lại phía sau. Tội nghiệp biết bao nhiêu! Tưởng ca cho đỡ nhớ bạn, không ngờ ca lên lại càng nhớ hơn. Người bạn tên Phượng của Oanh như thế nào? Có liên quan gì đến tôi chăng? Sau lúc nghe câu chuyện nầy, cái tên ấy cứ ám ảnh tôi hoài. Tôi đến đây sau ngày Phượng hy sinh một tháng rồi thì làm sao tôi hình dung cho ra cái cô bé đường dây ấy nói năng, mặt mũi ra sao. Phượng có phải giống Oanh đây không? Mái tóc cũng đen cắt ngắn ngang vai thường buộc chiếc khăn thêu từ trán vòng ra sau ót trước khi hành quân. Cũng đôi mắt đen xéo góc như lá tràm, và giọng ca mềm như tiếng gió đêm thổi qua đồng cỏ? Con tôi! Ừ, con tôi cũng lứa tuổi nầy nhưng nó không có một đường nét vóc dáng gì trong tôi cả. Nó là đứa bé bụ bẫm chưa giáp thôi nôi. Nó đang chấp chới đôi tay trên cánh tay mẹ. Hình ảnh ấy còn trong bóp tôi đây. Trước ngày xuống tàu tập kết ở bến Chắc Băng, chúng tôi có ghi lại một “bôi” dưới tàn cây ô môi. Con tôi lớn lên có mang dấu ấn gì của mẹ nó không? Mẹ nó, người phụ nữ giản dị, mặc bộ bà ba đen, bới tóc, có khuôn mặt trắng thon thon và đôi mắt như bao giờ cũng thương thương nhớ nhớ. Con tôi ra sao? Con tôi nếu nó có đi kháng chiến thì cũng có thể sửa tên đi vậy.

 

Hồi chiều, đoàn khách ngồi nghỉ mệt trong một bờ chuối, Oanh cũng ngồi kế bên tôi, gió vờn những tàu lá chuối đùa nhau phành phạch như tiếng động của nhiều luồng sóng con vỗ miên man vào be xuồng của người chiến sĩ đường dây đang lướt nhanh trên mặt sông về nơi giao trực. Oanh cầm chiếc khăn thêu lau mồ hôi trên trán, trên đôi má màu măng cụt dòn nắng chiều. Mắt Oanh nhìn mênh mông ra hướng ấp chiến lược Phương Bình. Em nói:

 

- Nhà con ở mé lộ đó! Má nghèo. Năm rồi tụi thầu Mỹ làm lộ đốn sạch vườn chuối rồi. Ba bị giặc giết hồi luật 10/59. Thằng Liệt mới 12 tuổi ở nhà cùng má làm nghề bán chuối nấu. Mấy tháng trước, lúc qua lộ con có xin phép tạt qua thăm nhà. Má vuốt tóc con rồi khóc, biểu: “Ráng công tác cho tích cực”.

Lúc ra đi thằng Liệt nhét vô túi con ba trái chuối nấu...

mỗi một đứa bé đường dây có một cuộc đời riêng như vậy. Con tôi bây giờ thì cuộc đời như thế nào ?

 

... “Bước bước nhanh để rút ngắn đường gian khổ, đường chông gai thân gái nào thua trai...”  Bất ngờ Oanh đi phía sau lại cất tiếng ca lên sang sảng. Anh Ba Mới, người trưởng đội Đầu Cầu (2) đi trước tôi nãy giờ quay lại rầy Oanh:

 

- Con Oanh lại cứ hát. Biết đây là đâu chưa ?

 

Giọng anh nói hơi khàn khàn và xẳn, rồi anh lại tiếp tục vác khẩu súng ga-răng đi vội lên phía trước, dặn lui lại, lần nầy anh nói thật mềm:

 

- Đừng ca nữa nhen ! Ở sau chú ý khách, coi chừng đứt đuôi.

 

Oanh vượt tới nắm tay tôi, thủ thỉ:

 

- Lật bật là con bị rầy hoài.

 

Tôi cầm tay em nắn nắn tỏ vẻ an ủi... Đôi chân bé bỏng của Oanh bước nhanh thoăn thoắt như chiếc nọc trên tay người thợ cấy. Oanh đi bên tôi nhưng bước gấp đến hai lần, vì mỗi bước chân của em còn ngắn ngủn. Bóng em đi lủng đủng, nhỏ xíu trong một xâu chuỗi người lớn dài dằng dặc. Một tay em ôm gói công văn, một tay nắm lấy tay tôi...

 

Vượt nhiều đoạn đường lầy lội, qua hai con mương lớn, bây giờ tôi và Oanh là hai người sau chót đang đứng trên mặt lộ Bốn. Là thế này à? Chính giữa mặt lộ đen lỳ như con rắn nằm quằn quại, hai bên những dãy nhà lợp lá, lợp đưng xiêu vẹo ngồi chồm chỗm ken nhau. Tứ vi là dây chì gai bao bọc. Tôi ngơ ngác trước một thứ cảm giác vừa xót xa vừa bỡ ngỡ.

 

Bỗng tôi nghe tiếng Oanh thét thất thanh trong lúc có một ánh lửa xanh chớp dưới mặt lộ.

Bản năng tự vệ của tôi đã trở thành quán tính. Tôi ngã người lăn mấy vòng liền để tránh xa ánh chớp. Sau một tiếng nổ chát tai, tôi đứng dậy nhìn quanh tìm Oanh. Em đang ngồi bẹp bên mép lộ, hai tay bợ cườm chân phải đưa lên, miệng bảo như hét:

 

- Mấy chú vượt nhanh đi! Có địch.

 

Tôi cúi xuống bên em:

 

- Cháu làm sao vậy ?

 

- Bàn chân cháu tả tơi rồi nè. Chú chạy nhanh qua đi !

 

Tôi không chạy một mình được, xốc Oanh, vọt nhanh ra phía sau một ngôi nhà. Súng địch và tổ bố trí của ta chọi nhau dữ dội ở ngôi nhà gần đâu đây.

 

- Gói tài liệu con đâu? - Oanh hỏi thì thào.

 

- Chú cầm đây.

 

Mấy quả pháo sáng của đồn Cộc Tréo gần bên vọt lên chớp lạnh. Tôi vác Oanh chạy qua mương lộ và chạy thẳng ra một bờ chuối nằm chắn ngang. Tôi đặt oanh xuống, lột chiếc khăn dù đang quấn cổ bó bàn chân cho em. Bàn chân Oanh đạp nhầm trái mìn ríp, dập nát.

 

Tôi cõng Oanh đi một đỗi nữa thì có Ba Mới từ phía sau vác súng ga-răng chạy rổn rẻn theo. Anh thở hào hển:

 

- Chó đẻ bọn giặc. Đám biệt kích nầy vẫn ở đồn Cộc Tréo, đặt mìn và máy thu tiếng động ở đây. Phát hiện ta chúng mới xuất kích.

 

Ba Mới phụ tôi, cõng Oanh đi thêm một đỗi nữa. Đến một ngôi chòi nơi điểm tập hợp đã có sanh hoạt trước với khách, Ba Mới kiểm tra đầy đủ hết rồi tiếp tục dẫn khách đi. Đồng chí đội phó dẫn đầu đi trước, về hướng kinh Tê, tôi và Ba Mới tìm một khúc cây làm chiếc cáng, lấy cái võng ni-lon của tôi buộc vào, khiêng Oanh theo sau.

 

Trăng cuối tháng đưa chiếc lưỡi liềm trắng dợt như móng con trâu cò cắt lên góc trời phía đông. Đêm đã khuya lắm nên gà trong những xóm đang cất tiếng ó ré om sòm.

 

Có lệnh báo chuyển cho Ba Mới biết là tình hình trong cục vườn kinh Tê không được ổn. Anh cho đoàn khách căng dài theo bờ chuối ngoài ruộng. Gởi Oanh cho tôi, anh cùng tổ mũi dùi bám vô xóm.

Để Oanh nằm gối đầu trên đùi, tôi cầm chiếc khăn thêu của em mà đuổi muỗi. Mắt Oanh đang nhắm nghiền, từ từ mở ra nhìn tôi cười. Ánh trăng già xuyên qua kẽ lá chuối thoa vào lòng đôi mắt em láng ngời như hạt nhãn. Oanh liếm môi nói khò khè trong cổ:

 

- Mình tới trạm đổi trực rồi hả chú? Sao con khát nước quá hà.

 

Tôi vẫn phủi muỗi cho Oanh và kéo đầu chiếc võng đắp kín thêm:

 

- Chưa. Mình nghỉ mệt chút rồi đi.

 

Oanh nắm tay tôi, giọng băn khoăn:

 

- Con vái cái chưng đừng bị cưa, để con đi công tác nữa mới vui.

 

- Cháu cứ nghĩ vẩn vơ hoài. Bàn chân ít bữa là lành thôi.

 

Oanh mừng rỡ ra mặt:

 

- Vậy hả chú.

 

Tôi gật đầu. Và sực nhớ lại những phương thuốc lá tràm, lá sả của Oanh. Thật ra bây giờ đến cả những món thuốc ấy cũng không phải dễ có được. Thật là cuộc kháng chiến đánh Mỹ nầy gian khổ thiếu thốn quá! Càng thiệt thòi nhất lại là ở mặt trận đường dây.

 

Sương đã xuống quyện đùng đục chân trời. Ai đó làm gãy cây sậy khô phát ra tiếng động dòn kháy. Con mỏ nhác ngoài đồng xa réo da diết như tiếng rên của người bệnh đau bụng. Gió lùa nhẹ, đọt tàu chuối phe phẩy trong khung cảnh mập mờ.

 

Có tiếng súng nổ rộ trong vườn kinh Tê. Những chớp lằn đỏ lằng nhằng xẹc trên không như bầy cá đối rẽ nước biển vào đêm tối. Có cả tiếng cây ga-răng của Ba Mới nhả đạn ằng ặc.

 

Một lúc sau, Ba Mới trở lại cùng tôi khiêng Oanh đi theo đoàn người, ngoặt đầu về hướng rạch Ông Hào. Tiếng súng bộ binh bây giờ đã bị nhận chìm trong tiếng thét hùng hục, tiếng rống ì ầm của cụm đại bác Phụng Hiệp. Một vỏ đạn trái sáng phang ngang đầu vo vo và cắm phập trước mặt. Đổi đầu cáng qua vai kia, Ba Mới càu nhàu:

 

- Tổ cha tụi thủy quân lục chiến! Hồi chiều anh em bên nầy qua êm ru, bây giờ lại đến trám đầy nhóc.

Đi một đỗi, anh khịt mũi nói với tôi:

 

- Anh à, chúng ta đang gặp khó khăn. Bọn “rằn ri” vùng nầy đến một lữ đoàn - Anh gượng cười vã lã - Thật anh vất vả với bọn tôi quá.

 

Ba Mới là người đã từng lăn lộn trong sống chết mà phát biểu “gặp khó” thì chuyện không phải đùa. Tôi cũng không cần tìm hiểu thêm, chỉ trả lời thẳng:

 

- Anh đừng ngại gì cả. Là đồng chí, gặp khó khăn chúng ta cùng lo.

Tổ đi đầu lại choảng nhau với cụm quân giặc đóng dã ngoại trong vườn rạch H. đoàn đi phải tháo đầu ngoặt về phía tay trái, đâm thẳng qua kinh Ba Ngàn.

 

Chân trời đằng đông đã lộ hẳn nhiều đám mây vảy cá màu xám. Mảnh trăng treo lợt dần nhường cho mấy tua rẽ quạt của hừng đông bừng dậy. Chúng tôi chiếm được một khuôn bờ chuối ngang dọc có địa hình chống càn rất tốt. Bên phải, con kinh nầy nằm dọc từ kinh Tê đến rạch Ông Hào. Bên trái là cánh đồng sậy thấp dọc lộ Bốn. Sau lưng, đường về kinh Ba Ngàn, không có địch.

 

Sau khi bàn bạc chung đều nhất trí trụ nơi nầy, tôi và Ba Mới đặt Oanh nằm trong một bờ chuối cạnh cái công sự cũ. Anh đi sắp xếp đội hình xong, trở lại ngồi cạnh tôi. Da mặt Ba Mới căng lên muốn nứt. Anh lên đạn cây ga-răng đánh rốp một tiếng:

 

- Chúng tôi là chiến sĩ đường dây, nếu không còn một đứa cuối cùng mới đến lượt các anh...

Anh nói không hết câu thì nghẹn ngang. Tôi cảm động quá cúi mặt sửa lại khoang chốt an toàn của hai trái lựu đạn.

 

Sắp rạng đông. Sương xuống nhiều. Bầu trời xám đục màu sữa cứ lăn tròn mù mịt. Cái thế giới màu xám đục mỗi lúc mỗi phai nhợt màu trắng đục. Oanh nằm im lìm trên vế tôi. Đôi mắt em he hé nhìn lên khoảng mịt mù. Từng cuộn sương là đà bò nhẹ ngang đôi má em. Tiếng đại bác Phụng Hiệp đan qua đầu hùng hục cũng không làm cho Oanh giật mình. Em nằm bình thản, nét mặt rạng rỡ như đang hướng tâm tình theo dõi một chân trời xa. Oanh cười với sương - Chỉ mỉm cười một cách nhẹ nhàng - Cười với một cái màng nhện lôi thôi gắn đầy những hột nước mắt đóng trên lá mì bên cạnh.

 

Oanh đã tỉnh hẳn rồi, em kêu Ba Mới xin nước uống. Em cũng còn nhớ động tác liếm môi trước khi hớp nước vào miệng.

 

Không lúc nào tôi mong mặt trời lên bằng bây giờ. Sao mà nỗi chờ đợi dằng dặc trong lòng như người khách đi đường xa trông chuyến tàu. Tôi nôn nao đếm từng hơi thở của mình rất chậm. Có ai mà biết được một phút sau mình sẽ gặp được những gì. Chúng tôi chờ mặt trời lên để thanh toán cho hết cái gì nặng nề của đêm còn lại. Chúng tôi chờ mặt trời lên để nhìn tận mặt kẻ thù mà tìm cách vượt vòng vây.

 

Nhưng rồi đến khi mặt trời như cái bánh tráng len lén ló lên nhìn màn sương thì súng nổ. Do mưu mẹo của Ba Mới sắp đặt mà một tổ súng đã chống càn cầm cự và đánh lừa được cánh quân đầu tiên của giặc đi chệch về hướng khác.

 

Tên giặc đi sau chót còn thấy bằng con cúm núm, thì Oanh kêu Ba Mới xin uống nước nữa.

 

- Anh cho em uống đã khát đi rồi chết cũng vừa bụng, anh Ba à !

 

- Nói bá xàm hoài !

 

Tuy Ba Mới nói xẳn với Oanh nhưng anh cũng mở nắp bình toong rót vào miệng em vài giọt nước.

 

Oanh bây giờ không còn giận lẫy các anh nữa. Em cười một cách độ lượng. Em nắm lấy tay Ba Mới áp vào ngực mình:

 

- Em đi nằm viện, xa các anh chắc buồn lắm !

 

Đến khi ánh mặt trời uống hết những hạt sương nhỏ trên màng nhện thì cánh quân giặc ở rạch Ông Hào, cũng bắn hai phát súng để xuất quân. Oanh giật mình quơ lấy tay Ba Mới:

 

- Anh Ba! Trước khi em đi nằm bệnh viện, anh làm ơn giúp em chuyện nầy nghen !

 

Ba Mới gật đầu:

 

- Con nhỏ nầy bày đặt lôi thôi quá.

 

Oanh cố nài nỉ:

 

- Chuyện của người khác chớ hổng phải của em đâu.

 

- Của ai ?

 

Oanh lần móc túi lấy ra một gói nhỏ bọc giấy kiếng. Tôn trọng chuyện riêng của hai người nên tôi ngó lơ chỗ khác.

 

Trước mắt tôi, bầu trời trong của ánh nắng buổi sáng, lớp chớp trên mặt cỏ như những mảnh gương bể. Mũi quân địch ở rạch Ông Hào đã kéo xuyên đồng xa xa bên kia như bầy vịt hãng. Sương mù đã tan rồi. Những chiếc nón sắt đen ngời của lũ “rằn ri” đằng xa chỉ còn thấy như bầy ốc bưu đang bò lúc nhúc. Bất ngờ tôi nghe Oanh nói gì mà cón tiếng “Phượng”, tôi vội nhìn lại. Ba Mới đang cầm trên tay một tấm ảnh khổ 6 x 9 đã trổ màu vàng ngoách. Oanh nói tiếp:

 

- Chế bảo đón theo đường dây nầy mỗi lần khách đi qua để nhìn dùm ba chế. Mà hễ gặp ông ấy được thì cứ chỉ là má chế vẫn còn ở chỗ cũ.

 

Tôi vội lấy bức ảnh trên tay Ba Mới xem thử. Trời! Đây rồi! Con bé bụ bẫm đang chấp chới đôi tay trên cánh tay của người đàn bà có đôi mắt thương thương nhớ nhớ! Yến con tôi đây! Phượng con tôi đây... Tôi nghẹn ngào nhìn xuống em bé đường dây bị thương đang nằm gối trên vế tôi. Oanh! Oanh cũng là con tôi đây! Tôi cúi xuống hôn trên trán Oanh, và để lại hai giọt nước mắt ướt đẫm. Trong lúc ấy Oanh như chới với giật mình, nhưng lại nằm im. Đôi môi Oanh mấp máy phát ra một thứ âm thanh khô khan, đứt nối nghe mảnh vướng như tiếng dế kêu: “Trên... đường còn xa...”

 

Tiếng Oanh rời rạc, nát vụn theo luồng gió nhẹ của buổi sáng...

 

Gió. Những tàu lá chuối khua lạch bạch nghe như nhiều lượn sóng con đang vỗ vào be xuồng của người chiến sĩ đường dây đang lướt nhanh về nơi đổi trực.


Anh Động
Số lần đọc: 3017
Ngày đăng: 09.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhà hiền triết - Phạm Lưu Vũ
Con chim vàng - Nguyễn Quang Sáng
Con Khướu sổ lồng - Nguyễn Quang Sáng
Tảng thịt tế - Phạm Lưu Vũ
Cách chim không mỏi - Anh Động
Giữ tên miền - Lý Ngọc
Vườn dừa có khóm hành xanh - Lý Ngọc
Chị Nhung - Nguyễn Quang Sáng
Chiếc lược ngà - Nguyễn Quang Sáng
Chớp lửa đêm giông - Anh Động
Cùng một tác giả
Ánh lửa Chông Nô (truyện ngắn)
Mũi lấn (truyện ngắn)
Tiếng bước chân (truyện ngắn)
Chung kết (truyện ngắn)
Tiếng đàn (truyện ngắn)
Thuốc đắng (truyện ngắn)
Chớp lửa đêm giông (truyện ngắn)
Cách chim không mỏi (truyện ngắn)
Đường còn xa (truyện ngắn)
Qua sông (truyện ngắn)
Khói lam vắt vẻo (truyện ngắn)
Trăng tháng chạp (truyện ngắn)
Hàng rào sậy (truyện ngắn)
Bến cũ (truyện ngắn)
Khai đập (truyện ngắn)
Qua cơn bịnh (truyện ngắn)
Suối nắng (truyện ngắn)
Khơi mạch (truyện ngắn)
Bên hàng Cù Oanh (truyện ngắn)
Tiếng trống Sampô (truyện dài)