“Văn học nước ngoài trong nhà trường”* là tập phê bình, tiểu luận được viết khá công phu của nhà giáo Nguyễn Thị Lan sau nhiều năm giảng dạy ở trường Cao đẳng sư phạm.
Trước khi khai triển đề tài, người viết đã có ý thức sử dụng một phương pháp luận mang tính biện chứng nhằm tiếp cận đối tượng nghiên cứu. Mà đối tượng ở đây chính là tác giả và tác phẩm, từ đó rút ra được đặc trưng thẩm mỹ, tư tưởng triết học, đặc trưng thi pháp thông qua các dữ liệu như lịch sử, xã hội, nhân văn được đặt trong không gian, thời gian xác định của dòng chảy văn học thế giới. Phương pháp luận còn có thuộc tính hệ thống, thậm chí hệ thống nhỏ nằm trong hệ thống lớn, bao quát cả quá trình vận động thông qua hai đại lượng không gian và thời gian chi phối lẫn nhau theo một quy luật đặc thù bao hàm cả thế giới vĩ mô lẫn thế giới vi mô.
Bằng vào sự phân tích khoa học, Nguyễn Thị Lan đã định dạng được tư tưởng thẩm mỹ Á Đông qua việc tìm hiểu thi pháp Lý Bạch, Đỗ Phủ, chủ nghĩa nhân đạo và khát vọng giải phóng con người trong tư tưởng thẩm mỹ của Andersen, biện chứng pháp tâm hồn trong mối tương quan giữa tình yêu và trách nhiệm công dân của Rabindranath Tagore…Nói thì có vẻ cao siêu, nhưng thực chất, theo quan niệm của tác giả, phương pháp luận chính là cách tìm hiểu, phân tích, diễn giải đối tượng dựa trên một nguyên tắc bất biến mà điểm tựa chính là một cơ sở triết học. Chính nguyên tắc này chỉ đạo mọi thao tác kỹ thuật khi tác giả đi sâu vào thế giới tâm hồn nhà nghệ sỹ qua hàng loạt hình tượng văn học. Văn chương, xét cho cùng cũng là một hình thái ý thức được biểu đạt bằng hình tượng thông qua những quy luật đặc thù: điển hình hóa, cá biệt hóa… Chính vì thế nó có sức hấp dẫn như một thứ ma lực, bởi nó thẩm thấu vào tâm hồn, khơi dậy ở phần sâu kín nhất, nhạy cảm nhất những khả năng biến động về tư tưởng, tình cảm, kích thích trạng thái cảm xúc, khơi dòng cảm hứng, mở rộng biên độ dao động của các tế bào thần kinh giao cảm, tạo nên những xung lực thẩm mỹ.
Phương pháp luận được sử dụng trong nghiên cứu của Nguyễn Thị Lan tuy có chịu ảnh hưởng của mỹ học Xô viết, nhưng cơ bản vẫn nằm trong hệ tư duy cổ điển phương Đông có nguồn gốc từ Trung Hoa, được xem là phương pháp có hiệu quả cao khi dùng để nghiên cứu văn học cổ điển Á Đông. Tuy nhiên coi đó là chìa khóa vạn năng để tiếp cận văn học cổ điển phương Tây thì sẽ có sự bất cập, bởi hệ mỹ học của Lý Bạch khác với Rabindranath Tagore, Đỗ Phủ khác với Pouchkine cũng như Victor Hugo không thể tương đồng với Andersen. Nghiên cứu một hệ mỹ học có thể chỉ dùng một hệ quy chiếu, nhưng nghiên cứu một tác giả văn học, hay một tác phẩm có khi phải phải dùng đến hai ba hệ quy chiếu mới tìm được bản chất đích thực vốn bị thời gian và những định kiến sai lầm của số đông che lấp.
Như trên đã nói, hầu hết tác giả, tác phẩm mà Nguyễn Thị Lan đề cập trong tập chuyên luận đều là các tác giả, tác phẩm cổ điển, cách ngày nay vài thế kỷ, thậm chí hơn một thiên niên kỷ. Những tác gia và văn phẩm, thi phẩm của họ, từ lâu đã được lịch sử khẳng định như là tinh hoa của nền văn học nhân loại với vô số công trình khảo cứu, phân tích, đánh giá xuất sắc của những nhà nghiên cứu bậc thầy. Lại nữa, vì là những tác phẩm kinh điển, nên không ít trong số đó đã được đưa vào nhà trường dùng làm tài liệu chính thức giảng dạy cho nhiều thế hệ học sinh, với hàng triệu bài giảng, chỉ có mục đích duy nhất là chuyển tải cái hay, cái đẹp vào tâm hồn tuổi trẻ. Bình giá một tác phẩm văn học, dù xuất sắc đến mấy cũng không bao giờ được xem là ý kiến cuối cùng. Văn học nhân loại sở dĩ có được thành tựu như ngày nay chính là nhờ ở sự kế thừa của nhiều thế hệ những bộ óc thông minh. Đó là chân lý. Có điều, người nghiên cứu tiếp cận một tác giả hoặc tác phẩm mà trước đó đã có nhiều người viết thì quả thật khó khăn cho anh ta. Bởi có bao nhiêu cái hay, cái đẹp người khác tìm ra cả rồi, đến lượt mình viết cái gì đây? Thật là nan giải. Phải có bản lĩnh và thật dũng cảm mới dám cầm bút.
Với cái tựa đề “Văn học nước ngoài trong nhà trường”, cô giáo Nguyễn Thị Lan có vẻ như đã tìm ra hướng đi của riêng mình. Chị có ý thức kế thừa những người đi trước nhưng không lệ thuộc vào người đi trước mà tự mình đào sâu suy nghĩ, tự tìm ra những kiến giải đủ sức thuyết phục trong quá trình tiếp cận văn bản. Thao tác phân tích của Nguyễn Thị Lan là kết hợp thế giới vĩ mô với thế giới vi mô, tìm hiểu hình tượng văn học trong không gian mở, tôn trọng hiện thực, tham chiếu nhiều tính cách văn học, từ đó tìm ra đặc trưng thi pháp, nhất là pháp Á Đông qua thơ cổ điển Trung Hoa. Những phần viết thành công đem lại cho người đọc nhiều cảm hứng nhất là thi pháp Lý Bạch, Đỗ Phủ, Lỗ Tấn, Andersen, Pouchkine, Tchekhov mà trọng tâm là cách phân tích về không gian nghệ thuật.
Không gian nghệ thuật của các tác giả , qua ngòi bút của Nguyễn Thị Lan, được nhận thức như là một đặc trưng thi pháp mà nếu thiếu nó sẽ không có những tác phẩm kinh điển bất tử. Không gian nghệ thuật được tiếp cận dưới nhiều góc độ, trong nhiều trường hợp còn kết hợp chặt chẽ với thời gian, bởi, theo quan niệm của chị, thời gian chính là chiều thứ tư của không gian, một đại lượng ảo hàm chứa những thông số “âm” mang màu sắc tâm linh. Về nội hàm của thuật ngữ không gian nghệ thuật, tác giả tìm ra hai thứ không gian khác nhau trong cùng một bài thơ của Đỗ Phủ. Đó là “không gian vũ trụ” và “không gian xã hội”. Không gian vũ trụ lại được tách thành “không gian vĩ mô” và “không gian vi mô”. Đây cũng chính là đặc trưng thi pháp trong thơ Lý Bạch nhưng biên độ dao động dường như không giới hạn bởi những hình tượng vươn lên tầm vũ trụ vô cùng hoành tráng. Tìm ra khái niệm không gian vi mô và vĩ mô, nghĩa là tác giả đã đọc và cảm đến một mức nào đó về Đường thi với quy luật âm dương, tính cân đối, vẻ đẹp hài hòa cũng như sự chuyển hóa lẫn nhau giữa thơ và họa trong cùng một văn bản. Một đặc điểm nữa cần được ghi nhận là, trong quá trình tìm hiểu thi pháp, tác giả còn sử dụng phương pháp so sánh giữa các tác giả cùng một hệ mỹ học cho dù họ sống rất xa nhau về thời đại. Trường hợp Đỗ Phủ và Nguyễn Du được xem là một thành công.
Có thể nói, không gian nghệ thuật và thủ pháp so sánh là đặc điểm chủ đạo của tập phê bình, tiểu luận “Văn học nước ngoài trong nhà trường”. Về mặt khảo cứu văn bản, Nguyễn thị Lan tỏ ra khá thận trọng trong trích dẫn. Dẫn chứng của chị luôn chính xác, tiêu biểu cho phong cách của mỗi tác giả. Mối liên hệ hữu cơ giữa họ Lý và trăng được tác giả phân tích đến tận cùng với những luận cứ chính xác cả về ngữ nghĩa lẫn giá trị biểu tượng. Nhìn một giọt sương ban mai có thể thấy được cả vũ trụ cùng quy luật tuần hoàn vô thủy vô chung. Đó chính là triết lý Thiền, suy rộng ra cũng là triết lý nhân sinh. Tuy không gian nhỏ nằm trong không gian lớn nhưng không gian nhỏ lại là một hình thái biểu thị không gian lớn. Đó chính là đặc trưng thẩm mỹ của những tác phẩm mang tầm vóc thời đại. Vũ trụ bao la và thân phận con người cùng những trạng thái tương sinh tương khắc chính là niềm trăn trở của những nghệ sỹ lớn. Đỗ Phủ, Pouchkine, Tchekhov, Andersen, Rabindranath Tagore… chính là những nghệ sỹ tài ba trong nghệ thuật sử dụng ngôn từ, đem đến cho người đọc cái nhìn tươi mới về vũ trụ, nhân sinh, niềm hoan lạc cũng như nỗi khổ đau.
Những đặc điểm về thời đại, thân phận nghệ sỹ và tư tưởng nghệ thuật qua sự phân tích của tác giả, người ta thấy được những tác gia lớn như Đỗ Phủ, Lý Bạch, Nguyễn Du, Tchekhov, Andersen…, đều có một nét tương đồng là tinh thần nhân đạo. Đây là điều kiện cần thiết, là tiêu chí không thể thiếu khi thẩm định tư cách nghệ sỹ của người cầm bút. Có điều, trong quá trình diễn giải để đi đến chân lý, nguyễn Thị Lan chưa đề cập đến một yếu tố vô cùng quan trọng làm nên đặc điểm trên, đó là tư tưởng triết học. Trước tác của Lý bạch, Đỗ Phủ, Nguyễn Du hình thành trên hệ tư tưởng phương Đông, chịu ảnh hưởng nặng nề của triết học Khổng Mạnh qua khái niệm “Đạo” được cụ thể hóa bằng “Tam cương”, “ Ngũ thường”. Mọi hành xử của con người, nhất là tầng lớp “sĩ” luôn bị chi phối bởi chữ “mệnh”, nhưng không phải nghệ sỹ nào cũng chấp nhận nguyên tắc đó. Trường hợp Lý Bạch là một điển hình. Bằng vào cảm quan của mình, Nguyễn Thị Lan đã tiếp cận được tư duy thẩm mỹ của vị “trích tiên” này khi hiểu ra không gian thơ của ông mang tầm vũ trụ mà cái tôi trữ tình lại nhuốm màu hiệp khách. Từ nhận thức ấy, chị phân tích hết sức thuyết phục về mối quan hệ đặc biệt giữa họ Lý và trăng. Trăng trong thơ Lý Bạch là thứ trăng lạnh lẽo, cô độc nhưng cao ngạo. Ánh trăng như được chắt ra từ máu, từ rượu trong những chuyến lãng du say túy lúy càn khôn của một hiệp khách giang hồ với cây kiếm và ngọn bút lông bị giời đày xuống cõi trần bụi bặm. Đỗ Phủ và Nguyễn Du, tuy sống cách nhau hơn một ngàn năm nhưng cả hai thi hào lại có những nét tương đồng bởi họ cùng có chung một nền văn hóa, cùng chịu sự ràng buộc của đạo quân thần vốn là cốt lõi của tư tưởng nho giáo. Hơn thế nữa, hoàn cảnh lịch sử, không gian sinh tồn đều mang nét điển hình của một vương triều phong kiến tập quyền đang ở vào thời kỳ suy thoái. Sự bất lực của chính quyền trung ương, chiến tranh liên miên do mâu thuẫn gay gắt giữa các tập đoàn cai trị cát cứ dẫn đến vô vàn hệ lụy cho dân sinh. Đó chính là bối cảnh xã hội thuận lợi, tạo tiền đề cho sự ra đời những vần thơ hiện thực bất hủ được tác giả cụ thể hóa bằng những tiêu đề như “Thời đại”, “Gia thế”, “Bức chân dung tự họa”, “Gia đình”, “Cố hương”, “Một con mắt sáu cõi”, “Một tấm lòng nghìn đời”…
Tìm hiểu không gian nghệ thuật của Andersen, Nguyễn Thị Lan chia thành không gian hiên thực và không gian ảo. Không gian hiện thực lại được tách ra thành nhiều loại khác nhau như “không gian thiên nhiên và vũ trụ” bao hàm cả vĩ mô lẫn vi mô, “không gian sinh hoạt” của con người. “Không gian kỳ ảo” thì được nhìn nhận dưới hai dạng đặc biệt là “không gian mộ địa ma quái”, “không gian chốn thủy cung” , “không gian thiên giới”... Trong truyện “Em bé bán diêm”, tác giả dùng phương pháp thống kê học, so sánh các tiểu cảnh cùng với việc miêu tả tâm lý nhân vật gắn liền với không gian và thời gian làm nổi rõ đặc trưng thi pháp Andersen. Truyện ngắn của ông là một chỉnh thể sinh động, chịu sự chi phối của không gian hiện thực nhưng lại được thần tiên hóa, thậm chí ma quái hóa bởi thứ không gian ảo- không gian chiều thứ tư. Rõ ràng sáng tác của Andersen mang đậm phong cách huyền thoại dân gian Bắc Âu, nơi có những cánh đồng băng tuyết gần như vĩnh cửu, nhưng cái trụ đỡ tư tưởng nghệ thuật của nó vẫn là tinh thần nhân đạo được hình thành bởi dòng triết học cổ điển Thế Kỷ Ánh Sáng.
Nhìn chung, cách tiếp cận văn học nước ngoài được giảng dạy trong nhà trường của Nguyễn Thị Lan không đơn thuần chỉ là nghiên cứu văn bản mà chị thường tìm hiểu tiểu sử tác giả cùng với diễn biến tư tưởng nghệ thuật ở từng giai đoạn lịch sử nhất định. Thi pháp thơ cổ điển của Lý Bạch, Đỗ Phủ, phong cách truyện ngắn của Tchekhov, Lỗ Tấn, truyện của Andersen được phát hiện phần lớn đều xuất phat từ phương pháp nghiên cứu trên.
Là tập phê bình tiểu luận mà đối tượng chủ yếu là học sinh, sinh viên nên phương pháp diễn đạt của tác giả mang đậm phong cách sư phạm được thể hiện qua văn bản khúc chiết, câu văn ngắn gọn, dễ hiểu, kết cấu mạch lạc, bố cục cân đối. Tuy là tập chuyên luận đầu tiên của riêng mình nhưng cách viết của Nguyễn Thi Lan tỏ là cây bút chuyên nghiệp./.
Chí Linh, 08 / 9 /2010
* Tập phê bình, tiểu luận của Nguyên Thị Lan, NXB Hội Nhà văn, 2010