Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.209
123.206.028
 
Cái đèn “măng-song”
Diệp Hồng Phương

1

Hai Thành biết cái đèn măng-song đó là kỷ vật của ông Tám Lưới, ông ngoại mình, nhưng thằng Ba Bụi dứt khoát nói không, hỏi mua nó không bán, hỏi mượn nó không cho; nó cứ để cái đèn ngoài hè đường bên cạnh đám băng nhạc, đĩa CD, kiếng mát, gọng kiếng, tiền xu, máy tính… thuộc về nhóm hàng “ lạc-soon”.

Hai Thành nói chắc:

- Má tui nói cái đèn măng-song đó là của ông ngoại tui. Hồi đó quê ngoại tui chưa có chiến tranh. Hồi đó má tui còn nhỏ …

 

Hồi đó là đầu những năm sáu mươi, vùng quê Cái Tàu Hạ rất thanh bình. Con rạch Cái Sắc giao hòa với sông Cái Tàu tạo thành ngã ba sông với hàng dừa nước bên kia, đám bần bên này; với hai xóm nhà con trai làm đồng, con gái dệt lưới; đồng ruộng có lúa, sông rạch có cá tôm, cuộc sống ấm no đầy đủ.

Chiến tranh bom đạn còn ở đâu xa, chưa lan đến vùng quê nầy.

 

Nhà anh Tám Lưới ở gần ngã ba sông nhưng xéo bên nầy xẻo ô rô, là nơi ban ngày mấy đứa con gái đến ngồi ở hàng hiên dệt lưới, nơi ban đêm bà con đến nghe hát cải lương. Anh Tám có cái máy hát dĩa, có mấy cái dĩa nhựa tuồng “Lan và Điệp”, “Vân Tiên-Nguyệt Nga”, “Áo cưới trước cổng chùa”, “Thoại Khanh-Châu Tuấn”… hát tới hát lui, nghe hoài mà bà con không chán.

 

Xế chiều nắng yếu, Tám Lưới xách cái đèn măng-song ra để lên bàn, cạnh máy hát dĩa. Anh lau chùi mặt kiếng đèn măng-song, châm dầu lửa vô bình, rồi bơm hơi bằng cái cần nhỏ có đế nhựa cứng.

 

Con gái thứ ba của Tám Lưới là cô Ba Đẹp, tuổi chừng mười sáu, bưng mâm nhôm với bình trà nóng và sáu cái tách ra để trên bàn…

 

Chuẩn bị vừa xong thì khách đến. Khách là ông Sáu Mau, ông Năm Khịa, cậu Tư Hoàn, chú Ba Dát…và dì Chín Thôi, dì Sáu Sét, cô Tám Hoa, bà Tư Mận v.v... Bữa nay bà Tư Mận được thằng cháu nội trạc tuổi cô Ba Đẹp tên là Sáu Nết chèo xuồng đưa qua sông.

 

Sáu Nết bấy lâu nay về sống ở thành phố với ba má nó, đi học lớp 9 trường tư, tháng sáu nghỉ hè về chơi quê nội đã được mấy hôm. Đi chơi giáp xóm đã đời, Sáu Nết thấy buồn nên hôm nay đòi theo bà nội qua sông nghe hát cải lương. Nhưng hết sức bất ngờ, vừa bước vào sân, thoáng thấy cô Ba Đẹp nay đã là cô gái dậy thì, Sáu Nết chưng hửng, đứng nhìn trân trân làm cái dĩa hát bọc trong bìa giấy cứng trên tay bất ngờ lòi ra, rớt xuống.

- Ý mèn ơi, cái dĩa hát! – Bà Tư Mận kêu lên. Sáu Nết lượm cái dĩa hát đưa cho Tám Lưới, mắt không rời cô Ba Đẹp. Bà Tư nói với mọi người:

- Ba nó mua ở Sài Gòn đem về cho tui đó nghen! Tuồng hay lắm đó! À đây là thằng Nết, cháu nội tui, nghỉ hè về chơi…

 

Cầm dĩa hát, Tám Lưới khấp khởi mừng. Vậy là bữa nay có tuồng mới, không phải nghe đi nghe lại tuồng cũ với dĩa hát cũng cũ.. Tám Lưới không biết chữ, chỉ nhìn hình rồi đoán thầm: “Chà! Tuồng xưa à nghen”. Anh đưa cái bìa giấy carton đựng dĩa hát cho Ba Đẹp, ý muốn hỏi tuồng gì? Cô Ba Đẹp đọc chữ rồi nói: “Phạm Công- Cúc Hoa!” Anh Tám à một tiếng: “Hèn gì có ông tướng cởi ngựa oai phong quá! Chắc là ông Phạm Công”

 

Ông hàng xóm tên Sáu Mau lên tiếng:

- Đốt đèn đi anh Tám ơi. Bắt đầu được rồi.

- Để tao đốt đèn cho. Tám Lưới coi bỏ cái dĩa gì đó vô đi- ông Năm Khịa sốt sắng nói, giành lấy công việc. Mấy người khách người một lời, người một tay xúm lại nhắc ghế, châm trà, khui hộp bánh in. Chiếc đèn măng song được thắp sáng, treo lên mái hiên nhà, ánh sáng từ từ mạnh dần rồi sáng hẵn. Cái tim đèn như chiếc vớ trẻ con chiếu ánh sáng qua vòng kiếng, sáng khắp sân nhà.

 

Tám Lưới đặt dĩa hát vào mâm máy, cẩn thận cầm cần kim đưa vào, đặt mũi kim ngay rìa dĩa hát. Dĩa hát tự động quay. Âm thanh từ cái loa tròn dài phát ra rẹt rẹt rồi bắt đầu bằng chuỗi âm thanh của đờn nhị, đòn cò, đờn guitare phím lỏm. Tiếng hát của nghệ sĩ Diệu Hiền cất lên theo điệu “Trăng Thu dạ khúc” làm cho hết thảy khách khứa người lớn, trẻ con im bặt, lắng nghe một cách say mê. Chỉ có một người không thưởng thức nghệ thuật, lại mãi mê nhìn cô Ba Đẹp đứng dựa ngạch cửa hai tay ôm cái bìa giấy đựng dĩa hát áp vào ngực mình. Đó là Sáu Nết cháu nội bà Tư Mận.

 

Có tuồng mới, bà con ngồi nghe tới khuya.

Dĩa hát “Phạm Công-Cúc Hoa” được bà Tư Mận gởi lại nhà Tám Lưới, để mai mốt còn mời bà con nghe lại.

 

Hàng đêm, tại nhà anh Tám vẫn có hát cải lương, song, sau bữa đầu tiên hát tuồng “Phạm Công-Cúc Hoa”, lòng Sáu Nết trở nên xao xuyến khi nghĩ đến cô Ba Đẹp. Hồi đó, Sáu Nết và mấy đứa trong xóm lặn hụp con sông nầy, lội qua lội lại, có biết cô Ba Đẹp bên nhà Tám Lưới, nhưng lúc đó Ba Đẹp còn con nít, đi học trường ngoài ấp Sáu Nết có để ý gì đâu. Mỗi chiều, Sáu Nết tắm sông thì Ba Đẹp cùng với mấy đứa con gái hàng xóm ngồi móc sợi nylon vá lưới rách ở hiên nhà.

 

Sau vài năm lên Sài Gòn sống với ba má, đi học, “chất quê” trong con người Sáu Nết tuy có phai dần nhưng tấm lòng quê vẫn còn trĩu nặng. Sáu Nết lớn lên, cô Ba Đẹp cũng lớn lên và cô Ba Đẹp vẫn giữ được cái chất quê mùa vừa hồn nhiên, vừa đằm thắm. Chính mấy yếu tố đó đã cuốn hút chút tình quê còn xót lại trong lòng Sáu Nết, làm Sáu Nết rung động. Từ bữa đó, cứ xế chiều là Sáu Nết ngồi đứng không yên. Giỏ trầu cau trên bàn, cái khăn sọc vắt trên lưng ghế… đã được Sáu Nết chuẩn bị sẵn. Hễ bà nội đứng dậy là Sáu Nết chống xuồng qua sông. Bà nội thấy cháu mình sốt sắng vậy, lấy làm vui, chớ bà đâu có biết nó đã phải lòng cô Ba Đẹp.

 

Nắng hè gay gắt. Kỳ nghỉ hè sắp trôi qua.

Trên bầu trời xanh trong có vài gợn mây mỏng manh.

Sáu Nết ngồi trước hiên nhà nhìn qua xóm nhà bên kia sông. Lá thơ Sáu Nết nhờ thằng bạn cũ chuyển cho Ba Đẹp đã bị trả lại, với lời nhắn “Tui còn nhỏ không dám nghĩ chuyện xa xôi”. Lá thư trong tay Sáu Nết vẫn còn thẳng thướm, y nguyên nếp gấp. Sáu Nết ngẫm nghĩ, mình và Ba Đẹp ai cũng qua tuổi trẻ con rồi, có gì đâu mà không dám nghĩ đến chuyện kết bạn kết đôi. Gia đình hai bên xét cho cùng thì cũng tương xứng, có chăng là cô không vừa ý mình một điều gì đó. Nghĩ vậy, Sáu Nết suy nghĩ về mình coi có gì chưa hợp ý cô Ba Đẹp? Lá thư tay có phải bất ngờ quá hay không? Rồi thì Sáu Nết quyết định sẽ gặp mặt cô Ba Đẹp để được nói lên tấm lòng yêu tha thiết của mình

 

Nhưng đêm đó, đêm sau nữa… Sáu Nết không nói được gì với cô Ba Đẹp vì cô ở mãi trong nhà. Cho đến đêm trước hôm phải lên Sài Gòn, Sáu Nết có được cơ hội để bày tỏ tấm chân tình nhưng Ba Đẹp nhẹ nhàng từ chối: “Tui… có bạn rồi!”. Lời từ chối như lưỡi cưa cứa vào trái tim Sáu Nết. Khuya, ngồi xuồng về, Sáu Nết lặng thinh mặc cho tiếng cây dầm khua nước trên sông. Sáng hôm sau, Sáu Nết ngồi đò máy ra quốc lộ, đón xe từ chợ Sa Đéc chạy qua để lên Sài Gòn. Không ai biết trong cõi lòng Sáu Nết là trái tim ứa máu…

 

2

Một thời gian sau…

Cô Ba Đẹp tròn mười tám tuổi. Buổi sáng cô ra chợ Cái Tàu học may, chiều về vá lưới. Còn anh Sáu Nết, sau lần về quê đó, hè năm sau chẳng thấy về. Nghe nói Sáu Nết thi rớt Tú Tài, về Sa Đéc đăng lính Bảo an.

 

Chiến tranh lan dần đến vùng quê Cái Tàu Hạ.

Những người phía “bên kia” mở đường vận chuyển súng đạn qua sông Cái Tàu vô vùng căn cứ lỏm. Lính phía “bên nầy” đóng một cái bót chừng một tiểu đội, ngay ngã ba sông, gần nhà bà Tư Mận, kiểm soát ghe xuồng qua lại. Khuya, thỉnh thoảng “bên kia” về, ém bên nầy sông, nã súng bắn qua bót lính. Lúc đầu chỉ nghe tiếng súng lẻ tẻ của lính bót bắn lại, tháng sau nghe tiếng súng bắn ra giòn hơn, liên tục, đạn lửa vẽ cầu vòng trong đêm. Bà con nói lính bót có súng máy rồi.

Vậy là mức độ chiến tranh đang lớn dần lên…

 

Lúc lính mới về đóng bót, đêm đêm nhà Tám Lưới vẫn hát cải lương. Được vài tháng, thằng trung sĩ chỉ huy bót qua nhắc anh Tám nên ngủ sớm, tổ chức nghe cải lương “coi chừng Việt Cộng trà trộn”. Tám Lưới cười nói với thằng trung sĩ: “Cậu nói sao chớ dân vùng nầy đêm nào cũng nghe hát cải lương. Chục năm rồi, y vậy”. Thằng trung sĩ chắc mới ra trường, mặt mày non choẹt không nói gì, bỏ về bót. Đêm đó lúc bà con đang nghe cải lương, lính bót bắn vài loạt súng máy khơi khơi. Bà con sợ, tản về hết. Đêm sau cũng vậy. Sau loạt súng trung liên “tạch, tạch, tạch…”, là “vản tuồng”.

 

Tám Lưới làm đơn lên Chi khu thưa lính bót bắn súng bừa bãi. Thằng trung sĩ bị đổi đi, nhưng Chi khu ra lệnh:“7 giờ đêm không được đốt đèn. Nhà nào để đèn là làm mật hiệu cho Việt Cộng, lính quốc gia được phép bắn”. Lệnh đó làm tắt ngắm niềm vui của bà con trong xóm. Xế chiều, nhà nào nhà nấy lo cơm nước, rồi tắt đèn đi ngủ.

 

Một tuần lễ sau có thằng chỉ huy khác được đổi về coi cái bót ngã ba sông. Thằng đó là Sáu Nết, cháu nội bà Tư Mận.

-    Mèn ơi! Sáu Nết hả? Cháu bà Tư Mận hả?

-    Nó chớ ai. Nó về mần chỉ huy cái bót kia cà.

Bà con nói với nhau như vậy. Có người còn hy vọng: “Chắc Sáu Nết cho nhà Tám Lưới hát cải lương”. Niềm hy vọng đó được nhân lên bởi bà Tư Mận có tiếng nói: “Nhà chú Tám hát cải lương, nội qua nghe còn vui. Chớ cả tháng nay, tao buồn… muốn chết!”. Sáu Nết phân trần:“Lệnh Chi khu, con không dám chống”. “Con bảo lãnh cho thằng Tám Lưới đi. Nghe hát cải lương có bà nội con nghe nữa”. Sáu Nết ừ hử cho qua.

 

Ở bên bót, Sáu Nết thường đặt “ống dòm” nhìn qua nhà Tám Lưới để tìm hình bóng xưa. Buổi sáng, lúc cô Ba Đẹp ra chợ học may, Sáu Nết dòm theo đến lúc chiếc đò máy khuất sau hàng dừa nưóc. Buổi chiều, Sáu Nết đón cô Ba Đẹp về bằng tia nhìn gần, lòng bồn chồn chờ đợi.

 

Ban đêm, xóm bên sông vắng lặng vì không có hát cải lương.

Với Sáu Nết thì cô Ba Đẹp ngày càng chói sáng, đầy ma lực, cuốn hút cả tâm trí, nhưng lại rất xa cách, khó gần. “Tui… có bạn rồi!”- Câu trả lời của cô Ba Đẹp mấy năm trước là hàng rào gai góc chắn ngang nỗi lòng Sáu Nết. Yêu thì rất yêu nhưng Sáu Nết không làm sao thỏa mãn được cơn khát tình trước một cô gái quê đằm thắm. Tâm trí dằn xé, Sáu Nết dễ nổi cơn điên. Mấy lần dẫn lính đi lục soát, Sáu Nết văng tục xua lính bừa qua ruộng lúa, xộc vô nhà dân, lục lạo nát vườn cây. Lính bót không bắn viên đạn nào nhưng bà con trong ấp bị thương tổn trong lòng. Bà con lên tiếng: “Bà Tư Mận là xóm giềng, thằng Hai Liêm là con cháu, Sáu Nết là con thằng Hai sao dám ngang tàng?”, “Nó ỷ có súng, muốn làm gì làm ha?”, “Tụi lính nầy như đám giặc Ô Qua. Thằng Sáu Nết bất nhân như thằng Trịnh Hâm, Bùi Kiệm!”

 

Hàng đêm, Sáu Nết kêu lính xả súng bắn qua bên kia sông vài loạt như để trấn an cho cái bót nằm hiu quạnh đơn côi và trấn an cõi lòng mình đang dâng cơn sóng dữ. Yêu-hận-buồn- … điên, và “tạch-tạch-tạch…”.

Tiếng súng và làn đạn quét ngang tàu dừa rẹt rẹt làm bà con bên sông hốt hoảng.

 

Sáng nay, Sáu Nết không thấy cô Ba Đẹp đi học may như mọi ngày, mà có hai chiếc xuồng đuôi tôm chở khách ăn mặc chỉnh tề, từ chợ quận vào cặp bến nhà Tám Lưới. Có người ngoài chợ đi hỏi cô Ba Đẹp. Và cô bằng lòng. Chẳng là chuyện tình cảm của con gái mình, Tám Lưới không nói ra. Bên kia ngõ lời, bên nầy nhận. Hôm nay ngày tốt, anh Tám cho nhà trai đến trình lễ nghĩa. Tháng sau làm đám cưới.

 

Thất vọng quá, hôm đó Sáu Nết bỏ ra chợ uống rượu say mèm.

 

Ngày vui của gia đình Tám Lưới đến gần làm cho cõi lòng Sáu Nết thêm tan nát. Ngày mai là ngày cô Ba Đẹp xuất giá, nhà trai sẽ đến rước dâu, chiều đãi tiệc ngoài chợ quận. Còn đêm nay là đêm nhóm họ.

 

Tám Lưới đã lo liệu trước, làm cái đơn ra xã xin được thắp đèn măng-song để nghe hát dĩa cải lương nhơn nhà có đám. Xã chỉ lên quận. Bên nhà trai có người làm việc ở quận đứng ra lãnh, ông phó quận ký tên rồi kêu về báo với bót ngã ba. Tám Lưới làm y lời dặn. Sáu Nết đọc đơn xong cười nhạt: “Tui không bảo đảm an ninh nghen! Có gì xảy ra mấy người chịu”.

 

Buổi trưa nhà anh Tám đãi tiệc, mời bà con trong ấp và cô cậu bên nhà gái. Cô Ba Đẹp mặc áo bà ba màu hồng càng thêm đẹp, thêm duyên. Buổi chiều, tiệc chưa tan nhưng anh Tám đã mở máy hát dĩa, chọn cái dĩa ca độc chiếc của Út Trà Ôn đặt vào máy hát. Lâu rồi nhà anh Tám không có hát cải lương nên bà con buồn. Lời ca trầm ấm, chứa chan tình cảm của nghệ sĩ Út Trà Ôn cuốn hút bà con trong xóm ngồi lại lắng nghe, đồng thời làm trái tim anh Sáu Nết bên kia sông thêm thổn thức. Chiều tắt nắng, anh Tám thắp đèn măng-song treo lên, buổi hát cải lương kéo dài đến gần tám giờ tối thì ngưng. Bà con ra về, lòng hả hê.

 

Anh Tám tắt đèn măng song nhưng vẫn treo nó trước hiên nhà. Anh thắp một ngọn đèn dầu duy nhứt trong nhà để vợ anh chuẩn bị các thứ cho ngày mai con gái mình xuất giá. Tám Lưới nghĩ bụng đêm nay chắc sẽ bình yên, có cái đơn của quận nên đám lính bót không bắn qua xóm nữa.

 

Đúng 9 giờ đêm.

Một tràng đạn từ bót lính bắn qua bên nầy sông, có mấy viên đạn bắn vào hiên nhà Tám Lưới như đe dọa. Vợ chồng Tám Lưới hốt hoảng thổi tắt ngọn đèn dầu. Chị Tám và  Ba Đẹp soạn đồ trong bóng đêm. Cô Ba Đẹp lúc nầy mới thở ra, nói thầm “Yêu, hận, buồn, … điên. Làm sao nguôi được?”. Lại thêm mấy tiếng súng nữa. Có một viên đạn bắn trúng cái đèn măng-song nhưng viên đạn đi xéo bên hông bình dầu làm xước một đường dài khá rõ.

 

Chiến tranh diễn ra ngày càng ác liệt. Súng nổ hàng đêm. Lính ngoài quận kéo vô, hợp với lính bót hành quân, vô nhà dân lục lạo, moi hầm; bắt người nầy, hăm dọa người khác. Vài tên lính đạp mìn, chân cẳng lặt lìa, khiêng ra xuồng máy chở về quận.

 

Gia đình Tám Lưới và một số bà con bên kia sông tản cư ra chợ. Bà Tư Mận theo con về Sài Gòn ở, nhà cửa giao lại cho mấy đứa cháu coi chừng. Vài thanh niên trong ấp đi theo phía “bên kia”, vài đứa theo đám dân vệ cầm súng carbine phục tùng Sáu Nết. Chiến tranh làm làng xóm tiêu điều vắng vẻ. Ba lần phía “bên kia” tổ chức đánh bót. Lần thứ ba, “bên kia” sắp chiếm được bót thì trời sáng, lính sư đoàn 9 tiếp viện giải vây nên họ phải rút lui. Sau lần đó, bên kia sông trở thành vùng đệm, lính được bắn phá tự do. Cái bót được sửa lại lớn hơn thành cái đồn với quân số đưa về cả một trung đội.

Sáu Nết làm trung đội trưởng.

 

Một lần đưa quân lục soát xóm nhà trong ấp, Sáu Nết đối diện với mấy bà già trạc tuổi bà nội mình. Các bà không sợ họng súng chĩa vào ngực mà còn nói lý lẽ. “Mấy bà già bị Việt Cộng nhồi sọ”- Sáu Nết hậm hực bỏ đi. Vô nhà Tám Lưới, nay trống trơn, Sáu Nết hít sâu để trấn tĩnh. Hình bóng xưa đâu rồi? Cái dĩa hát “Phạm Công-Cúc Hoa” lăn lóc dưới sàn gạch. Và còn một món nữa vẫn treo trước hiên nhà bụi bám, nhện giăng, đó là cái đèn măng-song còn vết đạn xước một đường dài. Sáu Nết kêu lính xách về đồn coi như “chiến lợi phẩm thu được trong cuộc hành quân vô vùng địch kiểm soát

 

3

- Bà Ba Đẹp là má tui. Má tui đẻ tui ở nhà thương Sa Đéc hồi Tết Mậu Thân – Hai Thành nói – Má tui tiếc cái đèn măng-song ông ngoại tui bỏ lại dưới quê. Chẳng là lúc Tết Mậu Thân, đường xá đi lại khó, nhà đèn không có dầu chạy máy nên không có điện. Sau ngày ông ngoại tui mất, má tui càng tiếc cái đèn măng-song, muốn tìm lại mà không biết làm sao. Má tui có nói “Cái đèn măng-song có vết đạn xước là bị lính bót ngã ba nó bắn”.

 

Cũng trong Tết Mậu Thân 1968, cái đồn lính ở ngã ba sông bị “bên kia” kéo về đánh tan nát. Sáu Nết bị thương nặng, nhờ lính cõng chạy về quận, kịp xách theo cái đèn măng-song. Toàn vùng ngã ba Cái Tàu Hạ-Cái Sắc rơi vào tay phía “bên kia”, gọi là được giải phóng.

 

Sáu Nết được thăng cấp Thượng sĩ, rồi xuất ngũ, lãnh một số tiền mua căn nhà ở xóm nhà kiến thiết, gần chợ quận. Cư dân dãy phố kiến thiết gọi Sáu Nết là Thượng sĩ Sáu què, chắc cũng không ai ưa hắn. Tối, nhà hắn có đèn măng-song sáng trưng, chung quanh không có điện chịu cảnh tối tăm. Hắn khoe với hàng xóm đó là “chiến lợi phẩm”, còn riêng trong lòng mình, thì cái đèn đó là kỷ vật người xưa.

 

Hắn lấy vợ, một cô gái quê tản cư ra chợ bơ vơ cần nơi nương tựa. Vợ hắn sinh đứa con gái, chết sớm, lần sau sinh được con trai đặt tên Bụi. Không hiểu tại sao hắn đặt tên con như vậy. Bụi là con duy nhứt của Sáu Nết, vì vài năm sau Sáu Nết bệnh rồi qua đời.

 

Ba Bụi học hành lôi thôi, không có chí. Lớn lên, Ba Bụi đi làm mướn, mua bán lặt vặt hàng lạc-soon, chạy xe ôm kiếm sống qua ngày. Xế chiều Ba Bụi ra hè đường cạnh chợ Lai Vung, trải tấm bạt nhựa, bán đồ lạc-soon. Trong số những món đồ bày bán có cái đèn măng-song mang vết đạn xước. Nhưng bán gì thì bán, Ba Bụi không bán cái đèn vì đó là “chiến lợi phẩm của ông già”

 

Hai Thành qua lại chợ Lai Vung, nhìn cái đèn, tức anh ách.mà không biết phải làm sao?./.

 

Sa Đéc, tháng 3 năm 2010

Diệp Hồng Phương
Số lần đọc: 2225
Ngày đăng: 18.09.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đi về miền gió hát - Như Như Kim
Nơi sóng vẫn gọi - Võ Thu Hương
Chuyện sau cánh cổng - Tạ Ba
Ông Bầu Săn - Nguyễn Thanh Hiện
Không Thấy Núi - Khuất Đẩu
Thành Hoàng /Những Người Con /Mộ Chí - Nguyễn Viện
Ngã rẽ - Võ Thu Hương
Cà Phê Không Đường /Cà Phê Sữa Và Cà Phê Đen - Đỗ Mai Quyên
Những Mảnh Vỡ (20) - Nguyễn Thị Hậu
Lời nguyện trong không - Nguyễn Mạnh Côn