Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.083
123.233.463
 
Đạo Tưởng
Nguyễn Quang Sáng

Tân Châu được biết, tên thật của ông là Lâm Văn Quốc, tự Ba Quốc, con của ông Lâm Văn Ngươn, mẹ là Nguyễn Thị Nhỏ, quê ở Cái Cùng xã Long Điền, một thôn nằm ở giữa xã Vĩnh Mỹ và Gia Thái tỉnh Bạc Liêu. Cái đất sinh ra ông là Cái Cùng. Tên “Cái Cùng” gợi cho người ta một vùng rừng đất hoang sơ của U Minh, một vùng rừng còn những con rắn khổng lồ đêm đêm treo mình giữa hai thân cây, tự lấy thân mình làm gàu “bành bạch” tát nước giữa đêm khuya để bắt cá.

Thuở nhỏ, nhà nghèo, Cái Cùng là nơi xa xôi hẻo lánh, nên ông chỉ học đến lớp a, b, c... Lớn lên, với thân hình vạm vỡ của ông, ông thích võ nghệ. Ông thích giao du với các hảo hớn, học võ “Thiếu lâm tự” để thỏa chí bình sanh, ông lưu lạc lên đất Miên, qua Lào, học thêm bùa ngải.

Sau bao năm “tầm sư học đạo” ông trở lại đất Tân Châu, lãnh cai quản cho gia đình người cậu của mình là ông Nguyễn Chánh Sắt, người có tiếng trong làng văn làng báo thời bấy giờ. Ba Quốc nổi tiếng là người siêng năng, giỏi giang việc đồng áng, to lớn và “hầm hừ” vậy, nhưng hiền lành dễ thương.

Chẳng bao lâu, vào một đêm mưa gió, những đêm mà sông Tiền như con rồng chuyển mình, dậy sóng hàn đập ì ầm, sau những ngày bần thần rã rượi, biếng nói biếng cười, cặp mắt như lờ đờ, khi đỏ ngầu, thân xác ông như bị một vị khuất mặt nào đó hành hạ ông, ông la, ông hét, ông đấm ngực, ông đụng đầu vào cột nhà, rồi ông “phát huệ”, ông lại xưng là “ta là tướng núi” và đủ thứ danh tánh.

Sau đó, ông lập am hành đạo. Rời nhà người cậu, bỏ việc đồng áng, bằng bùa ngải ông bỏ công đi trị bịnh cho bà con dọc theo sông Tiền. Theo lời kể, lạ thay, bịnh nào ông trị cũng hết. Đó là bịnh nhẹ. Còn bịnh nặng, những bịnh kinh niên, ông gọi là bịnh tà ma ám ảnh, sau khi cho bịnh nhân uống bùa ngải, ông ra thần oai, ông đụng đầu vào cột nhà cho tà ma hoàng xuất. Rồi ông trầm tư, dùng luồng sáng của đôi mắt chiếu vào bịnh nhân. Cũng lạ thay, bịnh nhân nào cũng thấy nhẹ người, người nào cũng thấy nhẹ người, người nào cũng lồm cồm ngồi dậy xá lạy ông.

Vào năm 1928, cái am bằng tre lá như một cái chòi ruộng được dựng lên, bề thế, tọa lạc trên con đường gọi là Hương Chùa, cách chợ Tân Châu độ cây số ngàn.

Đạo của ông lấy kinh gốc từ chùa Tây An. Mỗi ngày ông hành lễ ba thời: khuya, ngọ và chiều. Trước hết ông lễ Bàn Thầy, Bàn Thánh, Bàn Thần. Bàn chư vị năm Ông, mỗi bàn mười hai lạy. Xong, ông ra lễ bàn Thông Thiên, lạy đủ bốn phương: đông, nam, tây, bắc.

Khi hành lễ cũng có chuông mảo ngân vang như nhà chùa.

Sau 14 năm hành đạo (1925-1939), ông có trên 10.000 tín đồ sống rải rác trên khắp cả đất Tân Châu, từ sông lớn đến kinh rạch qua các đồng sâu. Ông đi đến đâu cũng được tín đồ tung hô, vái lạy. Từ đó ông tự xưng là “Minh Hoàng Quốc”, lúc ban đầu, đạo tưởng có nghĩa là ông ngồi tưởng cho bịnh nhân thoát bịnh. Sau cái nghĩa của Đạo Tưởng được nâng cao hơn, tưởng về “giang san tổ quốc, tưởng đến ngôi vua”.

Dần dần, cái sân am hành đạo của ông biến thành sân võ. Một đêm đệ tử thấy thần oai, ông đụng đầu vào một thân cây, cây lá rung rinh như đương đầu trước ngọn gió. Như vậy, chắc ông thấy cũng chưa đủ, có lần ông đóng cây đinh ba tấc vào cột nhà, trước mặt hàng ngàn tín đồ đứng vây quanh, ông đụng đầu vào cây đinh, cây đinh quẹo ngang mà đầu ông không hề có một vết xước xây xát.

Rồi đêm đêm, như một thời xa xưa nào được dựng bên bờ sông đất Tân Châu. Trước cái sân am hành đạo của ông, lá dừa bó thành đuốc nổ lép bép, đỏ đùng đục như ánh ma trơi. Hàng trăm tín đồ với sắc phục vàng hươm, kiếm loang loáng trong ánh đuốc đỏ rực dưới trời đêm, bên con sông không bao giờ mệt mỏi, vừa trôi vừa vỗ sóng dập bờ.

Chừng như đã có một đạo quân, ông Đạo Tưởng bắt đầu lập triều đình:

Ông là Minh Hoàng Quốc, quân trẻ của Nguyễn Văn Hương, Đinh Phan, Vương Lèo và Nguyễn Soái Năm.

Đã có tham vọng, có triều đình, có quân đội, ắt phải có ngày hành động.

Theo sách đã ghi, đó là đêm mùng 8 rạng ngày 9 âm lịch năm Kỷ Mão (20-2-1939), đêm trăng lưỡi liềm mờ mờ ảo ảo cùng nhang khói, tín đồ từ xa kéo đến nghe ông thuyết pháp. Buổi thuyết pháp trong đêm huyền ảo ấy, ông không giảng giáo lý cao siêu của đấng Từ bi hay đức hy sinh cao cả của Phật Thích Ca, mà chuyển giọng sang sảng như tiếng kèn thúc quân.

“Hỡi đồng bào. Dân tộc ta đã bị người Lang Sa cai trị nhục nhã gần trăm năm nay, số của chúng ta đã sắp mãn, đồng bào hãy cùng bổn đạo đánh đuổi quân thù rửa nhục nước”.

Rồi ông đưa tay vỗ ngực, dõng dạc tự xưng “Ta là Chánh vì Vương thừa mạng trời lập Quốc”.

Như sóng dậy từ lòng người, tiếng hò hét của tín đồ dâng lên như sấm, đuốc huơ cao, dao gươm kiếm vung lên loang loáng, tiếng reo, tiếng trống, tiếng phèng la nổi dậy trời... Chó dọc theo con sông cất tiếng tru ông ổng, xao xác cả dân chợ dân làng.

Rạng ngày mùng 9 trời vừa hừng sáng, cò Laffont, quận trưởng Nguyễn Văn Đề, thơ ký Phan Văn Thông cùng với hai tiểu đội lính vũ trang súng trường, xếp hàng theo một bờ kinh Vĩnh An tiến vào đường chùa. Quân của cò Laffont vây tròn lấy cái am của ông Đạo Tưởng trong tầm súng.

Ông Đạo Tưởng không hề nao núng... Cái am của ông không còn là cái am hành đạo nữa. Là một triều đình đã bày binh bố trận, sẵn sàng chinh chiến. Đuốc trước am, ông Đạo Tưởng oai vệ trong sắc phục vàng, áo tay rộng, đầu phủ bịch cân, lưng thắt dây đen, chân mang giày vàng, cổ đeo lòng thòng xâu chuỗi bồ đề, theo cách mô tả của người cùng thời “ông đường đường như Vu Hồng đương kiểm binh vua tướng qủy, sái đậu thành binh hầu xuất trận”.

Đứng hai bên, dài dọc theo sân võ, gồm hàng trăm nam nữ “đầu trọc áo vàng” tay gươm tay giáo, bừng bừng khí thế”.

Giữa sân võ là hai cái thây của hai vợ chồng Hương Kiếm đã bị đem ra tế cờ vào giữa đêm vì tội phản đạo.

Ông cất giọng về phía quân thù, nhằm nói với tên cò Laffont và quận Lễ:

- Các ông cứ bắn súng đi. Súng đạn của các ông không lủng được da thịt của quân “Minh Hoàng Quốc” này đâu. Bắn đi.

Sau lời thách thức của ông, súng vẫn im. Với giọng nói hùng hồn và sang sảng của ông, tín đồ không chỉ tin súng không làm gì được ông mà kể cả họ nữa. Họ đã được thầy tẩm cho bùa ngải rồi. Cả ông, cả họ không còn là người thường nữa, họ là người mình đồng da sắt.

Quận Lễ đứng từ xa cất tiếng:

- Ba Quốc hãy buông gươm giáo đầu hàng. Không sẽ thiệt mạng.

Đạo Tưởng phất tay áo:

- Hỡi binh sĩ. Trẫm nay vốn thiệt là “Minh Hoàng”. Các người hãy trả áo lại cho bọn Lang Sa cùng ta tiêu diệt kẻ thù. Tiến.

Tín đồ của ông một loạt trụ bộ, rừng chân đi vừa chĩa gươm giáo vừa hô, tiếng hô như tiếng gầm phát ra từ những lồng ngực, rừng rực máu.

Phía bên cò Laffont và quận Lễ, đạn lên nòng, một họng súng cất lên trời.

- Cốp.

Súng không nổ. Viên đạn lép đầu tiên của cò Laffont là bằng chứng cho lòng tin của Đạo Tưởng và tín đồ.

Gươm giáo lủa tủa trong vang lên cùng tiếng gầm thét. Súng bắt đầu nổ. Nhưng đạn chỉ cày lên sân cỏ, bốc khói, chẳng trúng ai. Quân “đầu trọc áo vàng” của Đạo Tưởng vừa nhảy vừa xông lên như một đám lân vừa đạp xác pháo vừa cất cao đầu.

Khi mặt dần giáp mặt, ông Đạo Tưởng vừa lắc hai vai vừa bước, phất hai tay áo, đưa hai bộ vuốt hùm, mắt trợn nhìn cò Laffont, Lê trong nháy mắt, hai bộ vuốt hùm của ông sẽ móc cả ruột gan cò Laffont.

Cò Laffont vừa lùi bước vừa móc súng, bàn tay cầm súng của hắn run lẩy bẩy. Một tiếng nổ.

Nghe tiếng “hực” của ông, binh lính tín đồ giật mình quay lại. Con người siêu phàm đang loạng choạng, vừa ngã, vừa đưa cái bàn tay móng vuốt hùm lên lồng ngực. Cái lồng ngực căng đầy của ông máu tràn đẫm cả chiếc áo vàng. Không một lời trối trăng, chỉ có tiếng “ừng ực” uất nghẹn không nên lời, hai con mắt nhìn trời trợn ngược.

Bao năm tu luyện bùa ngải, chỉ cần một tiếng nổ, một viên đạn đồng bằng đầu đũa, mộng lớn của ông bỗng tan biến như khói hương trong am hàng đạo trong cơn gió.

Ông ngã xuống, không một tín đồ nào ở bên ông, quanh ông chỉ còn là gươm giáo của tín đồ đã tản chạy.

Sau này có một lão râu dài đến tận ngực, vốn trước kia, thỉnh thoảng ông được Đạo Tưởng mời vào am đàm đạo. Ông kể lại với một vài bạn tri âm. “Ông Đạo muốn làm vua nước Nam, nhưng ông không biết biên giới nước Nam mình từ đâu đến đâu. Nước Nam có bao nhiêu sông lớn, bao nhiêu núi cao, ông cũng không rành. Ông tưởng đánh được đồn Tân Châu thì cả quân Pháp đầu hàng. Ông tội thay”.

Ông lão đã đến bàn thờ ông Đạo Tưởng thắp ba nén nhang:

- Chí khí của ông thật là đáng phục, xin ông nhận cho tôi ba lạy.

Ông quỳ, ông lạy ba lạy rồi chắp tay ngửa mặt lên trời:

- Hỡi ôi. Ông Đạo Tưởng.

18.4.1992

Nguyễn Quang Sáng
Số lần đọc: 3228
Ngày đăng: 10.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chính danh - Phạm Lưu Vũ
Con ma da - Nguyễn Quang Sáng
Con mèo của Foujita - Nguyễn Quang Sáng
Đường còn xa - Anh Động
Nhà hiền triết - Phạm Lưu Vũ
Con chim vàng - Nguyễn Quang Sáng
Con Khướu sổ lồng - Nguyễn Quang Sáng
Tảng thịt tế - Phạm Lưu Vũ
Cách chim không mỏi - Anh Động
Giữ tên miền - Lý Ngọc
Cùng một tác giả
Bài học tuổi thơ (truyện ngắn)
Cái gáo mù u (truyện ngắn)
Chị Nhung (truyện ngắn)
Chiếc lược ngà (truyện ngắn)
Con chim vàng (truyện ngắn)
Con Khướu sổ lồng (truyện ngắn)
Con ma da (truyện ngắn)
Con mèo của Foujita (truyện ngắn)
Đạo Tưởng (truyện ngắn)
Gà sanh đôi (truyện ngắn)
Người bạn lính (truyện ngắn)
Dân chơi (truyện ngắn)
Nó và tôi (truyện dài)
Vểnh râu (truyện ngắn)