Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.211.267
 
Tuy Hòa, Những Ngày Mưa
Mang Viên Long

Truyện được viết cách nay 40 năm ( tháng 12/70)-đó là thời kỳ viết rất sung mãn của Anh Mang Viên Long ( 27 tuổi). Hôm nay-nhân một người bạn văn -Anh Lưu Quang Đức ( đang định cư ở Mỹ)/ tìm trong tủ sách báo cũ/ thấy có 2 truyện ngắn của Anh đăng trên Khởi Hành ( 1970) nên photo gởi về Anh và anh gửi cho VCV...

Nguyễn Hòa vcv

 

 

Sau hai ngày hai đêm mưa gió mù trời- một buổi sáng những con đường phố trong thị xã bị nước chảy tràn ngập. Nước từ Sông Chùa tràn sang, chảy siết. Nước từ những vùng cao dồn xuống, mênh mông. Nước dâng vào tận phòng của Dĩnh, giữ anh lười biếng nằm ro rút trên giường như một con mèo. Đêm trước, xe Thông tin chạy rong trong các ngã phố loan báo tin bão như một điềm lạ; Dĩnh cũng vừa từ nhà Thương vội vã quay về. Trời đổ mưa thưa nhưng gió chuyển mạnh khiến Dĩnh nghĩ có lẽ bận này Ty Khí tượng lấy lại được uy tín đã mất sau những mờ đoán bão lụt nhưng đã vô hiệu trước. Dọc đường, Dĩnh đã phải lội qua những quãng đường thấp ngập nước mưa tới ống chân. Thành phố này vốn thấp, do đó hễ có trận mưa lớn, vài con đường đã lầy lội, nước chảy tràn trề. Dù chưa tới giờ giới nghiêm nhưng ngoài đường chỉ còn lại những kẻ vội vã, âm thầm, muộn màng như Dĩnh trở về mà thôi. Dĩnh vẫn thường nghĩ, thành phố này vào những ngày mưa gió trông thực tội nghiệp. Cái bé nhỏ, co ro, ngơ ngác rất giống hình ảnh Thương sau tấm áo len rộng thùng thình ngồi thu vào một góc phòng vàng bệnh ánh sáng của ngọn đèn dầu lù mù. Và Dĩnh thấy thương nỗi lẻ loi, ngơ ngác của con phố như đã thương dáng Thương một mình.

 

Rẽ vào con hẻm tối om, Dĩnh biết mọi người đang gài cửa thực kỹ để chờ bão theo lời dặn dò lập đi lập lại của xe thông tin. Dĩnh bên ngoài, như một cơn gió đơn độc. Mưa bắt đầu đổ ào ào theo từng cơn gió dữ, Dĩnh vẫn dò dẫm theo trí nhớ con hẻm quanh co dẫn vào nhà. Tới hiên, nhìn căn phòng bà chủ nhà vẫn làm nơi chứa bạc tối đen lạnh lẽo, Dĩnh biết mưa bão đã cột được đôi chân mê bài bạc của lão Thiết, bà Mèo. Chỉ có mưa bão hung tợn mới hòng cấm kỵ được bọn họ tụ họp mà thôi. Có lẽ, mưa, bão và nỗi rét buốt đã làm nguội được đôi phần lòng tham muốn đỏ đen ở họ? Thường khi, dù tiếng còi của chiếc xe tuần cảnh có rú lên inh ỏi ngoài đường phố, họ chẳng buồn nghe. Và, có lúc, ngủ một giấc dài chợt tỉnh, Dĩnh vẫn còn nghe tiếng nói cười xầm xì, gây cấn.

 

Dĩnh khoác tấm áo mưa treo ở đầu hiên, lạch cạch mở cửa phòng, đốt diêm thắp đèn. Căn phòng ngập hơi gió lạnh bởi cánh cửa sổ đã mở từ buổi sáng nắng ráo lúc Dĩnh đi dạy, tới bây giờ mới trở về để khép lại. Dĩnh như còn nghe thấy cái lạnh mang mang của căn phòng suốt ngày vắng một hơi thở ấm. Vắng một tiếng cười nồng. Dĩnh vặn cao ngọn đèn, khép gài cánh cửa sổ, ngồi vào chiếc ghế dựa nhìn thoáng lên chiếc giường còn buông mùng, đống áo quần cuộn tròn từ mấy ngày trước chưa giặt, mớ sách báo bừa bãi, những bao thuốc trống nằm một góc, chồng sách của vài người bạn gởi nhờ bán hộ, tấm tranh vẽ người thiếu nữ ngồi mơ màng gảy đàn tranh rất giống nàng Kiều, Dĩnh đã nhặt được đâu đó dán lệch lên vách. Dĩnh bỗng để ý đến chiếc lọ sứ trắng tuần trước đi phố với Thương đã mua. Lúc Dĩnh nhìn chiếc lọ thực nhỏ, vừa với cái bàn vuông ở phòng mình, Thương đã nói: “Anh Dĩnh mua chiếc lọ này đi, nhà Thương có nhiều  hoa lắm”. Dĩnh cười, nhà em có nhiều hoa chớ nhà anh trọ của anh đâu có chiếc hoa nào, Thương cũng cười theo nhưng ngượng ngùng. Ý Thương nói, anh mua chiếc lọ này đi, để Thương đem hoa tới cho, nhưng nghĩ sao lại nói khác. Dĩnh thừa biết vậy, nên đã mua chiếc lọ. Bây giờ, mấy cành hoa Hồng trắng của một tuần nồng thắm đã rũ héo.

 

Tiếng rít của một thân tre đã ngã cọ lên mái tôn phòng Dĩnh nghe dữ tợn, hung bạo. Từng cơn gió thổi thốc qua, kéo theo nhiều tiếng động mơ hồ đâu đó của những tấm hiên tôn bị giật bay; tiếng rít của cành tre trên mái hiên tôn làm Dĩnh sợ hãi. Mưa ồn ào, Mưa mù mịt. Mưa mải miết. Ngồi nghe tiếng mưa, tiếng gió, Dĩnh có cảm tưởng rằng mưa gió đầy trời sẽ không bao giờ dứt. Như mưa hoài lạnh lẽo qua suốt đời mình. Dĩnh đưa tay xem đồng hồ: Mới 9 giờ đêm mà thấy như đã quá khuya. Thấy như đêm sâu cùng tận. Thấy như trời đất đảo điên. Thấy như đã xa Thương  nghìn đêm dài bằng bặt.

 

Mới hôm nào đây sau khi lên bến xe để đưa Trần, đưa Nhàn trở vào chấm dứt những ngày vui lang thang đây đó; Dĩnh đã ngại trở về phòng một mình nên đã tìm ghé Thương dù tối hôm trước đã có mặt ở đó với đám bạn phương xa tìm tới. Có thể nói, ở đây, thành phố lặng lẽ với nhiều nét ngơ ngác này, Dĩnh là người còn lại sau những người khác đã lần lượt ra đi. Dù có ra đi không bao giờ trở lại như Uy, hay hẹn hò quay về như Khuê, như Ẩn thì Dĩnh vẫn thấy mình là kẻ chua xót còn lại chiu chắc từng kỷ niệm phai mờ. Bù vào ngày tháng lơ ngơ buồn bã đó, lâu lâu, có vài người bạn phương xa tìm tới như một vỗ về hiếm hoi, quí báu. Những gặp gỡ, những lang thang, những tụ họp đọc thơ tán trăm thứ chuyện bên chai rượu Cỏ May Thần Tửu quái gở của Đoàn, những bữa ăn đạm bạc gần gũi ồn ào tiếng nói cười; tất cả những cái đó, rất nhỏ mọn, rất tầm thường nhưng đã khiến Dĩnh yên tâm, trở về với những ngày dài lầm lũi, cô độc sau này. Bây giờ thì Trần, Nhàn, Đoàn đã mỗi người một hướng như con chim lạc bầy dong rủi, bơ vơ. Trần với bộ đồ trận rộng thùng trong một cái xác bệnh hoạn ốm yếu trở lại trình diện. Nhàn quay về những sớm những chiều hò hét luyện tập binh lính. Đoàn ra đi lòng còn ray rứt về chuyện đòi cưới vợ trong Nam. Tất cả đã bắt tay Dĩnh, chào những ngày vui đã qua. Mỗi lần phải bắt tay đưa tiễn một người bạn, Dĩnh lại nhìn thấy rõ hơn nỗi lẻ loi còn lại của mình. Chính vì vậy, sau khi chuyến xe đò đầu ngày lăn bánh mang Trần và Nhàn ra đi, Dịnh nghĩ sợ nỗi trống vắng của căn phòng và tìm lại thăm Thương.

 

Vừa thấy mặt Dĩnh, Thương đã kêu lên:

- Anh có xuống bến ghe coi cô học trò tự tử ?

Dĩnh nhớ lại cái xác lạnh được vớt bỏ nằm trên bờ cạnh bến đò qua Ngọc Lãng, cười:

- Em có đi coi chưa? Người chết mà đi coi cái nỗi gì?

Thương vẫn giữ bộ tịch sửng sốt, bàng hoàng:

- Cô bé đó mới học đệ ngũ, thiệt tội…

 

Dĩnh muốn nói, đó là một cái chết tội nghiệp, đau xót, nhưng vô ích. Cô gái có cái tên của một loài hoa quí: Trần Thị Lan Anh. Cái tên nghe cũng đã lãng mạn, réo rắc lắm. Và cái chết trơ lạnh chìm đắm dưới lòng Sông Chùa kia, đã tố cáo cho thấy một cuộc sống cũng lãng mạn, réo rắc không kém. Xác cô gái trôi tấp vào tấm lưới tình cờ của một gã đánh cá, chiếc áo hoa vải thô còn xanh hoa lá của một thuở thơ mộng nào, khiến Dĩnh thấy quả đó là một cái chết thực đau xót. Cái chết nào cũng đáng thương tâm. Suốt ngày, người ta bu đến coi, bàn tán, ghê rợn. Dĩnh đã đứng bên bà già quê mùa là ngừơi thân của cô gái xấu số, nghe bà thuật chuyện cô ta với giọng chậm chạp, mỏi mệt, mà chẳng lộ vẻ gì xúc động: Thầy nghĩ ở nhà bà cháu với nhau có ai  mà rầy rà gì nó. Ba nó đi làm ăn tận trong Cam Ranh, nó đi học, nó làm gì ai mà biết được? Phải, làm sao trong tuổi già tăm tối, bưng bít nhiều khổ ải này bà biết được nó mong muốn gì? Nhưng bây giờ nó đã nằm kia dưới tấm chiếu che phủ, nó đã chết: Nó không còn mong ước nào nữa.

 

Dĩnh vào ngồi trên chiếc ghế dài kê ở hiên, nhìn Thương còn đứng tần ngần tay đan thoăn thoắt chiếc áo màu len đỏ cho đứa con đầu lòng của người chị (bé Bích Thủy). Thương nói:

- Trường trung học đó sao ghê quá vậy anh ? Chưa đầy tháng đã có ba học sinh chết nước …

Hai học sinh chết trước cô gái học đệ lục, nhân lúc vắng thầy, rủ rê nhau xuống biển tắm, bị sẩy chân chết thảm. Rồi tới lượt cô gái xác trôi dính vào tấm lưới của gã đánh cá ở Sông Chùa : Dĩnh cũng đã nghe nhiều lời xầm xì nói về ngôi trường quái dị này. Trường vừa mới thành lập bởi một thương gia giàu có trong thị xã để giải tỏa mấy căn nhà thừa. Ngôi trường nằm ngay trước ngõ vào nhà của Dĩnh. Nhiều dư luận nói, có lẽ, sự giàu có kia của người lập lên ngôi trường đã đánh rơi mất cái đức, nên để chỉ còn lại những bất hạnh cho bọn học trò ? Dĩnh không tin vậy, nhưng cũng thấy cái gì yên ổn trong cách giải thích huyền bí, khó hiểu cho những tai họa xảy đến dồn dập kia.

 

Để xóa mờ những cái chết đã ám ảnh Thương trong những câu chuyện; Dĩnh nói vu vơ :

- Trời mùa Đông, buồn thiệt…

Dĩnh nói, sao mùa Đông những mùa Đông trong quá khứ mưa gió ngút ngàn, khó quên trong trí nhớ anh quá ? Hình ảnh mùa đông trong dĩ vãng như lúc nào cũng chờn vờn trong những giọt mưa bây giờ. Một mùa mưa cũ: Trong căn chòi quạnh quẽ nấp dưới đám tre lẻ loi giữa đồng của những ngày chạy giặc, tản cư hồi kháng chiến, Dĩnh đã cùng với người anh lặn lội đi thả giẹp, câu cá. Những cơn mưa phủ mờ trời đất đem lại từng luồng gió đồng rét cóng, vẫn không đẩy lùi Dĩnh ở lại được. Giở xong từng cái giẹp, bắt xong từng con cá, Dĩnh và anh tìm tới một gầm cầu, ngâm cá trê. Những con cá trên đen kềnh càng râu ngạnh chỉ chịu ra khỏi hang vào mùa rét. Và, thường thì hai anh em Dĩnh mãi mê câu cho tời chiều tối, mới quay trở về chòi. Ở đó, đứa em gái lặng lẽ ngồi co ro bên bếp lửa đun cơm chờ đợi, đã làm ấm được cõi lòng và cõi đời lạnh bạc, côi cút của anh. Tới đêm, bởi ngại ma nên đứa em gái cũng trùm kín tấm áo che mưa bằng lá kè, lẽo đẽo theo sau anh đi câu. Những mùa mưa khép kín, ngơ ngác, hoang đường cũ đã trở nên mùa mưa ấm cúng, đẹp đẽ của Dĩnh bây giờ. Trong những giọt mưa, trong cơn gió lạnh trước mắt Dĩnh khiến anh ngậm ngùi thương em, và tiếc thương những ngày ấu thơ lận đận, khó khổ trước.

Thương đến ngồi cạnh Dĩnh :

- Mùa mưa trông anh cũng buồn thiệt.

- Sao vậy?

Thương nói giọng xúc động:

- Anh không thấy anh gầy hư nhiều đó à ?

Dĩnh nói, giọng cũng xúc động mơ hồ:

- Em nói đúng, anh buồn…

Tia mắt Thương bỗng sáng, nàng cười mỉm:

- Sao anh không cưới vợ cho đỡ buồn, anh Dĩnh?

Dĩnh cũng chợt cười:

- Ráng đợi tới mùa đông  sau chớ biết sao ?

Buổi sáng hôm nào đây tới đêm nay sao xa vời biền biệt quá vậy ? Mưa, gió. Gió, mưa. Tiếng kêu của thân tre ngã cọ xát kẽo kẹt trên mái hiên tôn. Dĩnh để nguyên bộ áo quần, vén mùng chui vào nằm đợi giấc ngủ sớm.

 

Sáng hôm sau trời đã tạnh hẳn mưa, mở mắt ra Dĩnh đã thấy chút nắng vàng vọt le lói qua mái hiên đã bị gió thổi trốc. Anh vùng ngồi dậy, nghe trong lòng cũng quang đãng như bầu trời. Anh nghe bên ngoài ồn ào tiếng nói cười về nỗi hân hoan khi thấy con nước rút. Dĩnh nhìn xuống thềm nhà: Nước đã khô sạch để lại những bợn đất, rác rưởi. Anh mò tìm đôi dép, nhưng nó đã trôi đi đâu mất. Dĩnh vớ lấy giày, mang hẳn vào. Anh nghĩ tới ngôi trường làng sẽ phải tới chắc cũng đang còn ngập nước ?

 

Dĩnh cho xe chạy men theo đường Nguyễn Công Trứ để tránh quãng đường trũng thấp vẫn còn nươc chảy. Gần hai ngày nằm rũ riệt ở giường, Dĩnh thấy cần phải đi lại đôi chút cho đỡ cuốn cẳng. Con đường này đã khô nước, bày trơ những hòn sỏi xanh bị nước cuốn làm loang lở. Tới cuối đường, Dĩnh thấy người ta họp chợ ngay bên góc đường, trên khoảng đất khô ráo. Dĩnh bỏ phố, vượt thẳng ra quốc lộ. Lúc đi ngang qua đầu đường Trần Hưng Đạo, anh thấy mấy cô gái son phấn quấn trùm áo trong, áo ngoài, đứng xơ rơ ở dưới một gốc cây tuị lá, chờ xe tới chở. Thành phố, con đường, sau những ngày mưa lụt trông sạch sẽ, mới mẻ khác thường.

 

Từ trên quốc lộ, Dĩnh đã thấy cánh đồng mênh mông nước. Những con đường nhỏ rẽ vào xóm cũng không còn thấy bóng dáng. Trơ vơ giữa bể nước là những hàng tre oằn oại, ghi dấu cho ranh giới của đồng ruộng và nhà cửa. Dĩnh vẫn cứ cho xe qua cầu ngắn, chạy xăm xăm. Dòng nước khô cạn bày cát trắng thường ngày đã ngập tràn nước xoáy. Vài căn nhà cạnh chân cầu, bị nước cuốn sập vách. Dĩnh rẽ đám người ngồi hộp chợ ngay hai bên lề đường, chạy thẳng. nước còn chảy lấp xấp dưới ống chân. Tới đây, trước khoảng đường nước lớn. Dĩnh dừng xe lại, thờ dài. Con đường đất dẫn vào trường cũng bị ngập đầy nước không đoán nỗi. Sẵn dịp, anh đứng coi mấy người  từ xóm xa đi chợ lội nước ngã ướt hết áo quần. Mấy cô nữ sinh ở quê, cũng lặn lội với bộ áo quần ngủ nhăn nhúm, để kịp xuống phố đi học.

 

Một cô học trò cũ thấy Dĩnh, cười hỏi:

- Thầy đi dạy hả thầy ?

Dĩnh cười đáp:

- Đi lội nước chơi, bão lụt mà dạy dỗ gì nữa ?

Và Dĩnh quẹo xe chạy lại xuống chợ. Không muốn trở về vội, anh dựng xe một góc đường, đi lăng quăng giữa hai hàng chợ. Khu chợ thường ngày ở dưới kia giờ là nơi cho những chiếc ghe đậu lại đưa đón khách.. Đi long rong một đỗi đã mỏi, Dĩnh định chui vào quán tìm một tô bún bò bình dân nhưng rất nổi tiếng vì cái tô quá lớn, thì gặp cô giáo dạy của trường run rét trong tấm áo chửa:

-Không đi dạy sao thầy ? Cô hỏi giọng lo sợ.

Dĩnh quay nhìn bể nước, cười:

- Đó, cô biết lội bơi thì cứ việc…

Cô giáo chợt cười, nhưng lại không dấu được nỗi ngại:

- Nghỉ dạy thiệt sao thầy ?

- Chớ làm sao mà vào trường? Lũ học trò, chúng cũng ở nhà hết, không lẽ vào đó trèo lên bàn mà ngủ?

 

Dĩnh nói vậy bởi vẫn biết các cô e ngại hiệu trưởng. nhưng mà hiệu trưởng là cái ông kẹ gì làm các cô sợ dữ vậy nhỉ? Trong thực tế, vẫn có nhiều tên hiệu trưởng cắc ké, hở mỗi việc là trình mật, báo cáo. Thời còn ông Ty cũ, hễ nghe một hiệu trưởng về mét lại là chắc chắn vài ngày sau đó một sự vụ lệnh tống đương sự bị can đến vùng độc địa, nguy hiểm. Cái tính “chính trực” này của ông ta, chỉ để dọa dẫm, che chở cho cái trơn hèn, phe phái của ông ta mà thôi. Do đó, hồi lũ Uy, Khuê còn dạy tại đây, đã có vị hiệu trưởng thân cận ngốc nghếch tuyên bố trong cuộc họp: “Ở nhà quí vị có cha mẹ, tới trường quí vị có hiệu trưởng”, khiến Khuê nóng tính trợn mắt đập bàn ầm ầm, lão hiệu trưởng lớ quớ sợ hãi phải xin lỗi, “quý thầy, quý cô”. Bởi lẽ nghĩ rằng cái chức hiệu trưởng cha mẹ vậy nên dù cúi luồm khó khăn, vẫn phải gắng chịu. Bây giờ thì cái thời vàng son của chức hiệu trưởng cha mẹ đã qua, nhưng các cô vốn yêu bóng vía, nên vẫn sợ. Hơn nữa, vị hiệu trưởng trường Dĩnh dạy, đã có thời được trọng dụng, làm các cô các thầy già cả ăn ngủ không yên.

Dĩnh nhìn thấy nhiều nét lo âu của cô giáo, nói chững chạc.

- Cô cứ về nghỉ đi cho khỏe, có hề gì tôi chịu trách nhiệm cho. Thực mà bây giờ nếu có lão Ty trưởng, hay ông thanh tra lên tới đây cũng phải quay trở lại…

 

Nghe nói vậy, cô ta mới mừng rỡ vội vã xuống cầu trở về. Trước khi rời Dĩnh cô còn quay lại nói: “Có thầy, nếu không lũ tôi bị quở rầy chết…”.

 

 

Ăn xong tô bún bình dân có thể  no tới chiều. Ngồi nghe đám lính bàn tán về chuyện gã đàn ông ở đâu trên miệt Phú Lộc, thấy nhà trôi, theo giữ, bị nước cuốn trôi trên sông Đà Rằng. Ông ta phải bám vào cây cột nước trôi tấp vào chân cầu, lính gác cầu lầm tưởng V.C, bắn lệnh, thấy gã giơ tay kêu cứu, buông dây kéo gã lên, mới được biết. Nghe chán- Dĩnh lại trở ra, đi xuôi theo dãy chợ. Giữa dãy chợ tạm bợ đứng ngồi lố nhố bên đường này; cơn rét mướt xanh xao của người mua kẻ bán đều là kẻ tản cư từ nhiều năm nay ở đợ đâu đó trong những căn chòi tranh ẩm thấp, trống trải; Dĩnh thấy nhớ những ngày lao đao của mình thuở trước. Cái thuở đùm bọc anh em chạy trốn giặc Pháp ở mãi trong căn chòi sâu hút dưới rặng tre mênh mông giữa đồng, với mưa, với gió, với rét, với đói… Cho tới bây giờ thì cảnh bơ vơ này vẫn chưa chịu rời bỏ mọi người. Vẫn còn lập lại những đau lòng đứt ruột cũ. Chiến tranh vẫn cứ thản nhiên kéo dài…

-Thưa thầy, thầy …

 

Dĩnh quay lại nhìn thấy Xuân đang bưng rổ rau đi bán. Xuân rụt rè e ngại đứng nép bên gốc cây trứng cá thấp. Dĩnh lại gần, hỏi:

- Bữa nay nghỉ học đi bán rau đó hả ?

Xuân dạ khẽ một tiếng, rồi bâng khuâng đứng yên. Dĩnh nhớ tới cái giấy xin phép của nó mà lũ bạn nói lại rằng ở nhà Xuân đang  lo đám cưới cho người chị, Dĩnh lại hỏi:

- Đám cưới rồi bánh cho thầy đâu?

Xuân bỗng cười thơ dại:

- Bão lụt quá, cho rước dâu đi rồi thầy…

 

Vậy là người con gái vẫn thường tới xin phép cho Xuân những hôm nó bận việc đã bỏ đi rồi. Tiếng hát hôm nào Dĩnh ghé lại thăm gia đình Xuân the thé vang ra từ cửa buồng kín, cũng sẽ mất bặt. Tự dưng, Dĩnh cũng thấy buồn buồn. Một nỗi buồn thầm vu vơ như những tiếng hát the thé hôm nào.

Dĩnh rời đứa học trò nhỏ với rổ rau chắt mót nghèo khó, trở lại thị xã lòng còn thương xót. Qua khỏi cầu, Dĩnh lại gặp lão Lực lọc cọc đạp xe xuôi dốc. Thấy Dĩnh, lão cười hớn hở :

- Sao không dạy na thầy ?

Nhìn bộ tịch lão đi dạy mà quần xắn cao, áo quàng cột kỹ  quanh cổ như đi cày, Dĩnh nói:

- Thầy về nghỉ đi, mai đợi nước rút hễ đi dạy….

Lão ngần ngại nhìn Dĩnh, rồi nhìn con nước lớn ngập phá bờ ruộng, nhà cửa, phía con đường ra chợ, hỏi lại:

- Thầy có gặp ông hiệu trưởng?

Dĩnh không giữ được tiếng cười :

- Có ! ổng nói nếu có lụt thì trèo lên bàn mà ngồi dạy …

Lão Lực cười theo Dĩnh, vội vã quay xe.

Về tới phố mưa bắt đầu nặng hạt. Những đám mây đen dập dềnh trôi trên bầu trời xám đục. Chút mặt trời  buổi sáng đã bị che khuất bởi từng cụm mây bàng bạc. Tuy vậy, từ ngã năm trông xuôi xuống dãy phố chính, Dĩnh vẫn thấy con phố đã qua rồi cơn rét mướt. Trận bão đã đi qua, nước lụt đã rút dần xuống, những cành cây gãy đổ bên đường không còn dáng tiều tụy, xơ xác như trong gió loạn, mưa dầm. Dĩnh định bụng ghé vào hiệu sách mua tờ báo đọc, rồi vòng xuống thăm Thương. Thăm con mèo co ro trong tấm áo len rộng.

Có chủ quán sách gặp Dĩnh với mớ sách vở, liền khen:

- Chao ôi, thầy siêng  năng quá…

Dĩnh nhìn lên những tập báo treo lủng lẳng:

- Làm thấy nhất định phải siêng rồi còn nói gì nữa?

- Vậy đề nghị cho thầy cái “giáo dục bội tình” đi…

- Cô thử đề nghị coi.

Cô chủ quán cười:

- Tôi đề nghị là nhất định được.

Dĩnh không dằn được tiếng cười:

- Thì tôi đã nhờ cô rồi mà …

Dĩnh chọn mua một tờ nhật báo ra muộn từ tối hôm qua, vài tờ báo hàng tháng chưa lấy được, và một bản nhạc. Một ngày không có máy bay mang báo tới thị xã, Dĩnh thấy như Saigon là một nơi vô cùng xa. Một miền đất tách rời hẳn hình thể Việt Nam bé nhỏ. Hai ba ngày không có máy bay, không có một tờ báo , làm thị xã đã nhỏ, càng thu nhỏ lại với dáng dấp phiền muộn, trễ nãi, ngơ ngác hơn.

Dĩnh trả tiền, cô chủ quán hỏi:

- Mua nhạc tặng cho ai vậy thầy ?

- “Thầy” mua tặng cho cô, còn hỏi ai nữa:?

 

Dĩnh rời quán sách với cái náo nức sẽ đột ngột tặng cho Thương một bản nhạc. Một bản nhạc tình thời trang xoàng xỉnh, nhưng Thương hay ưa hát. Thương hay ưa hát kéo theo Dĩnh hay ưa hát. Và bây giờ, bản nhạc tình lẩm cẩm này đã là cái gì thật bé nhỏ, thực êm đềm, thực riêng rẽ của riêng hai người. Bản nhạc nói tới một mùa mưa sum họp “mùa mưa lần trước anh về đây ghé thăm tôi”, rồi tới một mùa mưa, Thương lập đi lập lại những lúc ngồi ở hiên tay đang thoăn thoắt đan áo, nhìn mưa nhỏ từng giọt xuống thềm.

 

Con hẻm dẫn xuống nhà Thương ngập nước: Mấy đứa nhỏ đang di chuyển những thân cây chuối bị gió thổi trốc gốc ra vũng nước rộng cạnh đó. Đứa nào cũng cởi trần, quần ướt nước. Mực nước lên cao tới bụng. Dĩnh thấy hết đường để tìm vào nhà Thương như mọi khi. Với mực nước này, cũng đủ dâng cao tới nửa vách nhà nàng rồi. Anh thoáng nghĩ, hay là đứng đây đợi lũ nhỏ đóng xong chiếc bè, nhờ chúng chở hộ vào đó, xem sao. Nhưng, mưa kéo tới rầm rập. Mưa đen kịt bầu trời. Mưa chảy mờ hai mắt; Dĩnh nghe một đứa nhỏ ở cạnh nhà Thương nói chị Thương đã dời nhà đi từ hồi nào rồi …/.

Tuy Hòa, mùa Đông 1970.

TUẦN BÁO KHỞI HÀNH

03/12/1970

 

Mang Viên Long
Số lần đọc: 2385
Ngày đăng: 19.09.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cái đèn “măng-song” - Diệp Hồng Phương
Trong Suốt Như Khí Trời - Khuất Đẩu
Đi về miền gió hát - Như Như Kim
Nơi sóng vẫn gọi - Võ Thu Hương
Chuyện sau cánh cổng - Tạ Ba
Ông Bầu Săn - Nguyễn Thanh Hiện
Không Thấy Núi - Khuất Đẩu
Thành Hoàng /Những Người Con /Mộ Chí - Nguyễn Viện
Ngã rẽ - Võ Thu Hương
Cà Phê Không Đường /Cà Phê Sữa Và Cà Phê Đen - Đỗ Mai Quyên
Cùng một tác giả
Ngã rẽ(*) (truyện ngắn)
Bóng hạnh phúc** (truyện ngắn)
Vôi trường úc(*) (truyện ngắn)
Quán bụi (truyện ngắn)
Người chị(1) (truyện ngắn)
Dì Lucia (1) (truyện ngắn)
Chim trời (5) (truyện ngắn)
Ông ngoại tôi (truyện ngắn)
Quà nhỏ (tạp văn)
Bèo dạt, hoa trôi … (truyện ngắn)
Quà Trung thu của ba (truyện ngắn)
Giàn hoa cát đằng (truyện ngắn)
Mùa xuân đến muộn (truyện ngắn)
Gã nhà quê vui tính (truyện ngắn)
Bà ngoại tôi (truyện ngắn)
Chữ Hiếu (truyện ngắn)
Chim bay về đâu (truyện ngắn)
Bóng ngựa qua song (truyện ngắn)
Chuyện ngày xưa (truyện ngắn)
Vầng trăng khuyết (truyện ngắn)
Biển của hai người (truyện ngắn)
Chuyện xóm củi (truyện ngắn)
Dáng mộng (1) (truyện ngắn)
Lại một mùa xuân (truyện ngắn)
Ông Ba Phải (truyện ngắn)
Chim chuyền buội ớt (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn -1 (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-2 (truyện ngắn)
Chiếc cà vạt (truyện ngắn)
Tiên Thủy (truyện ngắn)
Vội vàng (truyện ngắn)
Vết son (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-3 (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-4 (truyện ngắn)
Có những mùa trăng (truyện ngắn)
Một trường hợp (truyện ngắn)
Một cõi đời riêng (truyện ngắn)
Chờ bão (truyện ngắn)
Bên trời mơ ước (truyện ngắn)
Mèo con yêu dấu (truyện ngắn)
Phố người (truyện ngắn)
Một câu chuyện tình (truyện ngắn)
Bà già khòm (truyện ngắn)
Ăn tết ở chùa (truyện ngắn)
Những kẻ tạm trú (truyện ngắn)
Quê nhà , chiều 30… (truyện ngắn)
Phút chót (truyện ngắn)
Khoảng cách (truyện ngắn)
Một Ngày Cô Độc (truyện ngắn)
Chùa Cô Ba (truyện ngắn)
Thị Trấn Êm Đềm (truyện ngắn)
Mây hoàng hôn (truyện ngắn)
Ngôi Nhà Mùa Hè (truyện ngắn)
Quán Café Tulip (truyện ngắn)
Nỗi Khổ Không Rời (truyện ngắn)
Về Lại Chốn Xưa (truyện ngắn)
Bên Tách Trà Khuya (truyện ngắn)
Sáu Bẹo (truyện ngắn)
Lộn Ngược (truyện ngắn)
Quán Bên Sông (truyện ngắn)
Tách trà cổ (truyện ngắn)