Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.138
123.227.481
 
Nụ cười lão bơm xe đạp
Vinh Anh

Cứ nhìn dáng đi xiêu vẹo và vẻ mặt hốc hác, gầy guộc của lão là tôi lại cảm thấy bứt rứt, khó chịu, làm nhói đau cái cơ thể vốn không được cường tráng, dẻo dai của tôi. Tôi như bị lây cái dáng èo uột đó, tôi như bị cộng hưởng bởi cái dáng ốm yếu đó và thế là tôi lên cơn. Thực ra cái “cơn” của tôi cũng chẳng có gì là ghê gớm, nó chỉ anh ách, bi bí cứ như là bị đầy hơi hay chướng bụng gì đó, cần phải có một liều thuốc trị liệu cho cái bụng không ổn định của tôi và khi gặp lão. Sau nhiều lần gặp, sau nhiều lần nữa trăn trở, tôi đã tìm ra liều thuốc đó, nó còn hiệu nghiệm hơn cái liều thuốc trị cái bệnh chướng khí đầy hơi, từng hành hạ tôi nhiều năm nay, nó giải toả cái nỗi ức chế trong tôi, cái stress trong tôi, đó là liều thuốc “đối diện với lão”.

 

Cách trị liệu của tôi hoá ra rất đơn giản: tôi đứng lại. Nếu đang đi mà gặp lão, tôi đứng lại bắt chuyện. Lão vẫn thường tha thẩn làm việc ở gần khu phố tôi ở. Tại sao lại gọi là tha thẩn như trẻ con lên ba lên năm chơi? Chẳng là vì chính quyền nơi tôi sống đang muốn xây dựng khu phố văn minh, khu phố sạch đẹp. Tất cả những cái gọi là “quán cóc liêu xiêu” khi vào nhạc vào thơ thì nó làm thành phố trở nên đẹp và mơ nhưng trong thực tế thì cán bộ có chức trách lại gọi nó là “tụ điểm”, dễ phát sinh tiêu cực, gây ra những rắc rối xã hội. Ở đó đầy rẫy những vi trùng và siêu vi trùng. Lão lại làm nghề bơm vá xe đạp. Nếu mà để lão bầy đồ nghề ra thì nó làm mất đi cái vẻ văn minh của khu phố và làm vỉa hè mất thông thoáng, cho nên lão không dám bầy biện ra vỉa hè, chỉ dám đặt mỗi chiếc bơm tay, gọn nhẹ và khiêm tốn mà thôi.

 

Thời buổi ngày nay chỉ còn bọn học sinh choai choai đi xe đạp. Khách của lão đương nhiên là các cô cậu choai choai “nhất quỷ nhì ma…” này. Cửa hàng thì đương nhiên lão không có rồi. Đồ nghề của lão và hình như cả gia tài của lão là một cái túi dứa, nguyên thuỷ vốn là bao đựng gạo. Hành động của lão cũng rất kỳ quặc, những lúc lão thơ thẩn trên đường hay ngồi một gốc cây nào đó, lão không muốn nhìn tôi, nên cứ y như rằng, lúc tôi đi ngang qua, là thấy lão thọc tay vào sâu trong cái bao dứa, mắt nhìn vào trong, như đang muốn tìm kiếm một vật gì bên trong. Vậy là tôi đi qua và lão coi như không gặp tôi.

 

Bởi tất cả đều được nhét vào túi nên lão rất cơ động. Nếu có động thái khác thường, lão nhét luôn cái bơm vào túi và xách túi đi dọc phố như một người nhà quê vừa mới xuống xe đang đi tìm người thân ở thành phố, để tránh sự xua đuổi của nhà chức trách. Thực ra thì các nhà chức trách đâu lạ gì lão. Trong cái việc văn minh hoá phố phường này, không hiểu lão tránh nhà chức trách hay nhà chức trách tránh lão. Thôi có thể là, chắc cả hai đều phải biết nhìn nhau mà sống. Lựa nhau để sống là cách sống của dân mình mà lị.

 

Tìm được chỗ hợp lý là lão thả neo. Lão đặt túi gia tài xuống và rút cái bơm từ trong tuí ra, bỏ cái mũ cối với thâm niên có lẽ trên một chục năm ra khi làm quạt, lúc làm ghế. Tôi thấy những giọt mồ hôi chảy thành dòng trên gò má gồ ghề, nhiều hốc, nhiều hõm và đen đúa bởi nắng gió của lão. Trong hoàn cảnh đó, dễ hình dung ra ngay một ông già phong sương, phôi pha, dãi dầu. Thấy ngay cuộc đời lão chất đầy nỗi lo mưu sinh triền miên. Cuộc sống như vậy nhiều đau khổ oà ập lắm.

 

Vậy là cứ thấy lão, tôi thấy đời buồn nhiều hơn vui, cứ thấy số phận con người sao lại bị dập vùi và chịu cay đắng, cứ thấy nỗi khổ mãi đeo đẳng không chịu buông tha con người.

 

Con người ta, ai cũng nhiều tâm trạng. Tôi biết lão không muốn nói chuyện với tôi. Tôi đoán chừng đó là do cách biệt thân phận giữa lão và tôi. Còn có vẻ như lão không muốn làm quen với bất cứ một ai nữa, cũng tại bởi thân phận của lão. Tại sao tôi biết được ư? Tôi đoán, tôi suy từ tôi ra. Tôi biết con người ta luôn không hoàn chỉnh, cả tôi cũng vậy, nói một cách nghiêm túc, tôi cũng nhiều điểm không hoàn chỉnh.

 

Con người có thể đóng vai diễn làm một nhân vật luôn sống có ích cho xã hội, luôn vì hạnh phúc con người, có thể diễn trên sân khấu cuộc đời và có thể được người đời tôn vinh, ca ngợi. Những người duy nhất biết chính xác các vai diễn đó là người thân và con cái trong gia đình, những người sống chung một mái nhà.

 

Tôi đôi lúc cũng nhận biết cái không hoàn chỉnh của mình và tôi muốn dấu chúng đi. Phải nói thật là, với tôi, dấu được người đời rất dễ, nhất là khi người nào đó có chức có quyền. Nhưng phải thừa nhận, tôi không dấu được con mắt của mấy đứa con. Lẽ ra, theo suy nghĩ người đời, khi biết các khiếm khuyết của mình, người ta sẽ tìm cách sửa chữa, phải sửa chữa để cho con người hoàn thiện. Đấy là “nhẽ ra”. Còn tôi, tôi khác, tôi dấu nhẹm nó đi, cố để tôi có bộ mặt tốt với đời.

 

 

Tôi suy từ tâm trạng của tôi ra tâm trạng của lão là vậy. Tôi đoán, chắc lão cũng muốn che đậy điều gì. Cái khiếm khuyết ở đây, theo thông tục, nó là cái lý lịch bản thân. Nghĩ vậy và tôi tìm cách “trị liệu”.

 

Tôi đứng lại và tìm cách bắt chuyện với lão. Vậy là cứ dần dà, tôi biết được ối chuyện về đời tư của lão, tức là cái lý lịch của lão ấy.

 

Chuyện là, lão từng là cán bộ Nhà nước hẳn hoi, thoát ly tham gia cách mạng rất sớm, hồi lão mới mười sáu tuổi thôi, đi theo phong trào mà. Vì vậy, trong cách nói chuyện, vẫn phảng phất những câu nói của ông cán bộ, cách nói của các quan xưa, ít ra cũng là những nhân viên Nhà nước, am hiểu cách sống của các nhân viên Nhà nước, tuy có vẻ hơi xưa một chút.

 

Lão thường gọi tôi là “anh”. Dùng đại từ đó thì quá chuẩn, tuy tôi trẻ hơn lão đến hơn hai chục tuổi. Đôi lúc như lỡ lời hay đang trong tâm trạng nghĩ về ngày xưa oanh liệt của mình, lão gọi tôi là “đồng chí”. Tỉ như: “Tôi nói vậy đồng chí có hiểu không?” hay như “Bây giờ trong các đồng chí ta còn nhiều vấn đề lắm…” Đầu tiên tôi ngạc nhiên, trước một “đồng chí” già, sau đó sững sờ trước cách gọi “đồng chí” của lão, tôi rưng rưng nhưng sau đó lại buồn cười, nghĩ, chắc lão đồng chí đang nhớ về ngày xưa trai trẻ, vẻ vang và hoành tráng của mình.

 

Nhưng nếu chỉ như vậy thì cũng chẳng có nhiều điều để nói về lão. Tôi cảm thấy lão còn nhiều ẩn khuất, chưa thể bộc lộ ra hết với tôi. Lâu lâu, tôi lại nhận thấy, hình như lão  muốn nói chuyện với tôi. Tôi biết được vì cứ mỗi lần “trị liệu”, lão lại muốn tôi dừng lại lâu hơn, dừng lại để tiếp tục cái mạch lão đang cố suy nghĩ và đang cố muốn nói cái điều gì đó.

 

Lão diễn đạt không đến nỗi khó hiểu. Điều đó chứng tỏ đúng là lão cũng một thời đã thoát ly đi làm “cách mạng” thật. Thời đại này mà diễn đạt theo kiểu lòng vòng, quẩn quanh thì đích thị đang dấu diếm một điều gì đó, không muốn nói sự thật cho người khác biết. Chỉ có những người muốn che đậy điều gì đó mới vòng vo tam quốc, viện dẫn các chủ nghĩa kinh điển từ cái hồi củ tỷ âm ty những thế kỷ 18 hay 19 gì đấy, rồi lại tiếp những điều rối rắm khó hiểu, nhưng lại rất cổ hủ như cái thời “nông dân là quân chủ lực” xa xưa ấy. Ấy vậy mà lão đôi khi nói về mình cũng vẫn vòng vo. Vòng vo như vậy chứng tỏ lão có vấn đề.

 

Nhiều lúc tôi cũng muốn “trị liệu” cho lão. Nhưng nhìn cái dáng liêu xiêu, khắc khổ, gió có thể thổi bay lại cảm thấy mủi lòng, mủi lòng thật sự ấy. Những lúc đó, trông lão tiều tuỵ, thảm thương lắm. Cứ như là bao nhiêu gian truân, khổ ải trên đời này đều đổ xuống đầu lão, lão phải gánh chịu hết ấy. Tội lắm!

 

Tôi đã nhiều lần hỏi thăm về gia cảnh của lão. Lão trả lời rất vu vơ và lòng vòng. Kiểu trả lời ậm ừ, miễn cưỡng cho qua chuyện. Nhưng khi nói về chuyện ngày xưa, lão lại rất hoạt. Lão kể chuyện đi dân công ở Điện Biên, lão kể chuyện lão bị sốt rét, rụng hết tóc và bạc cả đầu. Tôi nghi ngờ “Chỉ bị rụng tóc thôi chứ, bạc đầu là sau này, khi cái khổ nó đầy đoạ, cái già nó ập đến…”. Lão cười nhạt, phô hàm răng lởm khởm, rồi lảng sang chuyện khác.  “Thế đồng chí cũng bị sốt rét à?”. Câu hỏi làm tôi tự ái. Tôi hỏi lại : “Thế ông có biết, sốt rét rụng tóc, có thuốc nào chữa được không?”. Lão ú ớ. Tôi bảo: “Giun. Ông biết không? Giun. Ông đã ăn giun đất bao giờ chưa? Chưa hả? Nếu vậy ông chưa bị sốt nặng bằng tôi đâu”. Dừng một lúc, biết mình vô lý, tôi dịu giọng: “Bệnh thì mỗi người mỗi kiểu, có phải ai cũng giống ai đâu. Tôi cũng chưa đến nỗi phải ăn giun đất đâu. Tôi chỉ nghe kể lại thôi…”

 

Lão nhìn tôi ngạc nhiên, lại cười nhạt với cái miệng có những chiếc răng đã sơ tán gần hết. Tôi về trong tâm trạng không vui vì thấy mình xử sự không khéo với một con người đáng thương hơn đáng ghét, đáng chia sẻ hơn là tìm cách bới móc cái tật của người ta. Thực ra thì lúc đó, tôi cũng chưa xác định được cái gì đáng thương, cái gì đáng ghét ở lão. Chỉ phảng phất thấy hình như có điều gì, cuộc đời với lão không được công bằng, không sòng phẳng. Nhìn lão ở cái tuổi “cổ lai hy” vẫn phải bươn chải kiếm ăn, tôi muốn chia sẻ. So với lão, tôi thấy tôi sung sướng quá, đủ đầy quá.

 

Tôi rất muốn giúp lão cái gì đó mà lại không vượt qua được rào cản của thói đời dị nghị. Cứ tự hỏi đi hỏi lại mình: “Mình có dở hơi không?”. Tôi ngại nói chuyện về lão với gia đình, với hàng xóm bởi nghi ngại những điều mình nói ra là “hâm hít tỉ độ”. Trên đời có biết bao hoàn cảnh phải chia sẻ ấy chứ, đâu chỉ có mình lão. Lời biện hộ đó làm tôi yên tâm để tôi ghỉa vờ chạy trốn. Tôi đang cố vượt qua một vật cản hay tôi đang cố lờ đi. Tôi bỏ qua cái nỗi phân vân đó một thời gian, hình như tôi đang muốn quên nó.

 

Tôi thì có thể quên lão nhưng lão làm sao quên được chuyện đời lão. Với lại hình như giữa lão và tôi có cái gì đó dây dợ với nhau, liên quan đến  nhau. Thân thì chắc chẳng thân rồi. Ở cái tuổi xế chiều mà còn chơi thân được với nhau là hiếm lắm. Vào độ này, người ta đến với nhau là để có bạn, có người tâm sự cho bớt những giờ phút cô đơn, trống trải. Có người để nghe mình nói về những tháng năm xưa, những tháng năm đẹp và vẻ vang nhất của đời con người. Người già hay nghĩ về ngày xưa là thế.

 

Tôi thăm dò qua người bạn đời thứ hai của lão, một bà cũng ngoài năm mươi làm nghề đồng nát, chuyên nhặt nhạnh những thứ mà người đời đã bỏ đi. Đời sao mà nhiều nỗi, có cái nỗi nào giống nỗi nào đâu. Nghe người bạn đời thứ hai của lão kể mà thấy chua xót cho cái nỗi đời, thấy cả chua xót và tội nghiệp cho lão.

 

Lão vốn là một thợ cơ khí của một xí nghiệp Nhà nước ăn không nên, làm không ra. Công nhân không có việc làm, sản phẩm không có người mua, tất cả cứ bám nhau nheo nhách. Thời của lão, cái độ mà chính sách về giá lương tiền đang có vấn đề, làm công Nhà nước mà không chân trong chân ngoài thì chết đói sớm. Lão cũng phải đi làm thêm. Cái nghề làm thêm của lão bắt đầu từ chiều, lúc xe cộ còn nườm nượp trên phố, lão vác  bơm và đồ nghề đi sửa xe đạp kiếm thêm tiền nuôi vợ con, bù vào đồng lương còm của xí nghiệp. Thời đó, cả đất nước đi xe đạp, nên phần kiếm thêm cũng kha khá. Xe đạp là một vật dụng đáng giá. Vô phúc mà mất xe đạp là như mất tay, mất chân, mất cả nửa sản nghiệp gia đình. Tôi đã từng nghe một lão cán bộ nói: “Cả đời chỉ đủ dành dụm mua nổi chiếc xe theo giá cung cấp!”. Vâng giá cung cấp! Nghĩa là nó rẻ hơn hai ba lần giá thị trường chợ đen đấy. Con người thời đó sống đơn giản và mơ ước cũng đơn giản làm sao! Xe đạp ngày đó cũng được chăm chút lắm.

Vào thời kỳ đó, có chính sách cho về “một cục”. Lão là người đầu tiên được hưởng chính sách “một cục”.

 

Và lão ra đường. Cái nghề làm thêm hồi còn là nhân viên Nhà nước nay thành nghề chính, kiếm cơm nuôi cả nhà. Con cái mỗi ngày một lớn, lão mỗi ngày mỗi già, sức mỗi ngày mỗi cạn. Cuộc sống của lão càng ngày càng đi xuống từ khi người bạn đời của lão qua đời. Lão trở nên bơ vơ trong cõi đời bởi cái nỗi đời chưa buông tha lão.

 

Tôi có hỏi về những đứa con. Con cái có thể là niềm tự hào của bố mẹ nhưng cũng có những đứa con là gánh nặng, là nỗi lo của bố mẹ. “Không có con tội sống, có con tội chết” là thế. Con cái là cái nợ đồng lần đi suốt cuộc đời lão.

 

Người bạn đời thứ hai của lão nói: “Con cái nỗi gì, chúng nó lớn cả rồi, to xác rồi nhưng có đứa nào quan tâm đến bố đâu. Từ ngày ông ấy về làm bạn với tôi, hai con người cô đơn, già nua dựa vào nhau để sống cho qua ngày, thì chúng nó biến hẳn luôn. Ông ấy còn đứng đường được ngày nào hay ngày đó, kiếm được đồng nào hay đồng ấy, cùng phụ với tôi làm thành bữa cơm cho có đôi, đơ vất vưởng.

 

Bà bạn đời của lão đang nói chuyện với tôi thì lão tới. Tôi thấy lão nhìn bà cười. Nụ cười làm lão trẻ lại đến dăm tuổi. Tôi thích thú và đi về với cái ý nghĩ hay hay về cái sự đời. Cái sự đời cho ta thấy là luôn cần một chỗ dựa, một chỗ để nương náu và biết đâu, chỗ đó cũng là chỗ để tình cảm được vỗ về, được an ủi, có khi lại được thăng hoa, quên đi những khó khăn, vất vả đoạn trường.

 

Một hôm, rất tình cờ, tôi nhìn thấy lão bên đường đang bơm xe đạp cho một cô bé. Tôi muốn tránh mặt. Bởi như đã nói ở trên, con người ta mỗi người đều có một thân phận. Tôi không muốn trong lúc này, một ông lão ở tuổi “cổ lai hy”, mướt mồ hôi, cố gắng kéo lên ấn xuống cái cần bơm. Tôi nghĩ gặp lão lúc này không hay cho lão cũng chẳng hay cho tôi. Tại sao lại không hay, tôi không lý giải được. Có lẽ tôi thấy mình nhởn nhơ quá, đến nỗi so với lão, tôi thành kẻ lười biếng, kẻ ăn bám. Có thể trong hoàn cảnh thế này, tôi và lão sẽ khó nói chuyện. Đấy là tôi nghĩ thế. Tôi cứ suy từ tôi ra thế. Tôi, nhiều lúc vẫn cứ nghĩ là mình hiểu đời hơn người khác, mình “tâm lý” và chất “người” nhiều hơn người khác mà(!)

 

Nhiều lúc tôi tự hỏi: cái dáng khắc khổ kia là do số phận tạo nên hay bản chất của lão tạo nên. Tại sao tôi cứ băn khoăn với cái dáng liêu xiêu của lão? Lão cam chịu và bị số phận khuất phục? Lão sinh ra, gặp trắc trở và lão dám va vào đời, thử thách với số phận? Còn tôi, tôi khâm phục tất cả những ai dám xông vào con đường khổ ải.

 

Tôi có anh bạn đồng hương lại đồng tuế vì bất mãn với cuộc đời không suôn sẻ, phẫn chí trở về quê, hàng ngày chễm chệ ngồi xe trâu, chở mọi thứ vật liệu cho các công trình xây dựng. Trông cái cảnh đó, tôi phục bạn tôi lắm. Cái sự phục của tôi là ở chỗ nó dám vứt bỏ cái mà bao người đang phấn đấu để quay về với con số không, làm lại tất cả.

 

Trong thâm tâm, tôi cũng rất trọng những đứa trẻ đánh giày, bán báo. Tôi kính nể những bước chân của các bà đồng nát, những đứa trẻ bán vé số, những người bán hàng rong. Tất cả bọn họ đều vì mưu sinh, đều vì sự tồn tại trên cõi đời này và không ít phía sau những con người đó, một hậu phương bao la còn chờ và hy vọng vào những bước chân của họ.

 

Và tôi cảm ơn số phận. Số phận đã ưu ái tôi. Tôi chỉ biết đứng ngoài cuộc đời của họ và quan sát. Chỉ quan sát và chẳng có thể làm gì được để giúp họ thay đổi cuộc sống lam lũ, bụi bặm. Những người như tôi khi lâm phải cảnh đời éo le, lâm vào tình trạng như họ sẽ như thế nào? Tôi đặt câu hỏi và không dám nghĩ đến sự việc tiếp theo xảy ra, ngộ nhỡ nó rơi vào mình thì sao?

 

Vì thế với tôi, những bước chân của bà đồng nát, của những đứa trẻ bán báo, đánh giày hay bán vé số, rong ruổi trên các nẻo đường luôn là điều bí ẩn, bí ẩn đến mức kỳ diệu. Và tôi cũng phát hiện ra tôi, trong tôi có rất nhiều cái phần người giả dối ngự trị. Tôi nhỏ bé và yếu đuối. Cái mà tôi muốn chìa vai gánh vác, chia sẻ với những cảnh đời nó nhỏ nhoi, hời hợt đáng thương và vô vị lắm.

 

Trở lại cái ngày tôi nhìn thấy lão gò lưng bơm xe cho cô học trò, tôi thấy ái ngại và đáng thương quá, tôi định tránh gặp lão. Hoá ra, cái chất đời thường không có trong tôi. Tôi vẫn nghe ở nước nọ, nước kia, người ta rất bình đẳng . Tỉ như, đường đường là Thủ tướng một nước giàu có, vậy mà ông Thủ tướng lại đi xe công cộng cùng với dân chúng hay như một ông tướng về hưu có thể ra ngoài ga xe lửa, mở một sạp bán báo. Vậy mà tôi, không hiểu sao lại ngại gặp lão trong lúc lão gò lưng bơm xe. Nếu tôi sống thật với tôi, sống với nghĩa bình đẳng, mỗi người một thân phận, thì tôi việc gì phải ngại? Trong tôi có điều gì tôi tối, tôi chưa thật sự tự tin vào cái nghĩa bình đẳng, tôi vẫn đang mải suy nghĩ về cái danh của con người. Có phải tôi vẫn muốn người đời nhìn tôi ở cái bậc cao của xã hội không? Từ ý nghĩ đến mong muốn thực tế là cái khoảng cách nho nhỏ và không thể vượt qua. Tôi không biết người khác có như vậy không. Nếu mọi người tránh được cái vết của tôi thì hay bao nhiêu. Nhưng có lẽ tôi lại “không tưởng” rồi.

 

Cũng lạ thật, từ cái công việc của một người chỉ quen sơ sơ, chẳng có chút địa vị nào trong xã hội, một người bình dân nhất trong lớp bình dân, tự nhiên tôi suy ra lắm điều lẩn thẩn thế. Tôi đang lưỡng lự trước “ngã ba ý nghĩ” trong đầu thì lão bơm xong chiếc xe cho cô học trò. Bàn tay khẳng khiu, nhăn nheo chìa ra nhận tờ bạc lẻ mà tôi chẳng mấy khi cầm, tự nhiên thấy muỉ lòng quá, lại thấy sao đời tệ bạc và bất công thế. Người ta luôn nói về những đồng tiền trong sạch, những đồng tiền kiếm được bằng những giọt mồ hôi, vậy mà tôi lại nhắm mắt khi lão nhận đồng tiền trả công sạch sẽ. Tôi thấy đồng tiền lão cầm nặng lắm.

 

Sau khi nhận hai tờ bạc mà người đời nay gọi là năm xu đó, lão cười rất tươi với cô bé, nụ cười độ lượng như thể của người ông với đứa cháu yêu. Vậy mà tôi bực mình. Tôi lại cảm thấy và như nhìn thấy, đó là nụ cười lấy lòng, xun xoe, nịnh bợ. Bỗng nhiên cảm thấy bực với lão. Việc gì lão phải cười như thế! Ôi, trong cuộc sống này, có nhiều điều buồn quá. Tôi nghẹn lời và cứ thế đứng nhìn lão. Tôi cảm thấy sức chiu đựng của lão thật là kỳ diệu. Sao tôi lại nghĩ là gió có thể thổi bay được lão. Những khó khăn, vất vả của cuộc sống với con người, tác động trực tiếp vào con người có khi còn dễ chịu đựng hơn nỗi đau tâm hồn cứ hàng ngày phải giả giả như thế. Đấy là sự kỳ lạ của lão hay là sự đau khổ của tôi. Tôi vừa nhìn thấy một chỗ tối trong sự cao đạo của tôi.

 

Tôi lại nhớ hôm vô cớ cáu với lão về chuyện sốt rét rụng tóc. Chuyện có gì đâu mà tôi lại cáu. Tôi cáu chỉ vì vô tình cảm thấy câu hỏi cũa lão đụng chạm đến tôi mà tôi cho là xem nhẹ tôi, coi thường tôi, chưa biết tôi cũng đã từng xông pha “Đông Tây Nam Bắc”. Hôm đó lão cũng cười, hình như cũng y hệt cái nụ cười hôm nay với cô bé con. Ôi, cùng kiếp con người mà tôi cơn cớ gì lại tự cho mình có quyền đứng cao hơn lão, tôi nhân danh gì mà đòi cái quyền đó. Tôi vô lý mà lão lại cười với tôi, nụ cười làm dịu đi cái ức chế vớ vẩn của người khác. Thế mới biết, để hoà được với đời, để nói được mình là con của cuộc đời, khó biết chừng nào!

 

Bất giác tôi mong người bạn đời thứ hai của lão xuất hiện. Tôi thích nụ cười của lão với bà ấy hơn. Nụ cười của lão lúc đó có cái chất phác của người bình dân, cái thật thà của vốn dĩ con người, và tôi, tôi còn thấy cả sự hạnh phúc của nụ cười đó.

 

Lão đã nhìn thấy tôi. Còn tôi sau những giằng xé, những so sánh, tôi thấy lòng mình mềm lại, tôi cảm thấy dễ hoà đồng với lớp người như lão hơn. Lại muốn gần gũi, chuyện trò với lão. Nụ cười vừa có phần đáng ghét, vừa có phần đáng yêu của lão khiến tôi trong sạch hơn, cái dáng liêu xiêu của lão khiến tôi ngay thẳng hơn. Hoá ra trước đây, tôi sống rất chơi vơi lại cứ tưởng mình am hiểu cuộc đời, hiểu lẽ đời và thông cảm nỗi đời. Vậy mà từ khi quen lão, trong khoảnh khắc ngẫm về nụ cười của lão, tôi thấy tôi quá bé nhỏ và ích kỷ. Niềm tự hào là một người từng trải tan biến trong tôi. Cuộc sống có bao nhiêu nhân vật mà tôi không biết, sống ngay cạnh tôi mà tôi cũng không nhận ra.

 

Tôi đến bên lão, tôi cười. Chẳng hiểu lão có nhận ra nụ cười của tôi giống nụ cười của lão không? Còn tôi, tôi nhận thấy bằng cảm giác, đã có điều gì hao hao giống lão. Tôi cố giống lão để làm người trong sạch./.

 

Vinh Anh
Số lần đọc: 2362
Ngày đăng: 21.09.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lần Vết Giai Thoại - Khải Nguyên
Tuy Hòa, Những Ngày Mưa - Mang Viên Long
Lửa Và Rơm - Ngô Thị Ý Nhi
Một Cách Cắt Nghĩa Quá Khứ - Nguyễn Thanh Hiện
Cái đèn “măng-song” - Diệp Hồng Phương
Trong Suốt Như Khí Trời - Khuất Đẩu
Đi về miền gió hát - Như Như Kim
Nơi sóng vẫn gọi - Võ Thu Hương
Chuyện sau cánh cổng - Tạ Ba
Ông Bầu Săn - Nguyễn Thanh Hiện
Cùng một tác giả
Mưu sinh (truyện ngắn)
Chuyện vặt (truyện ngắn)
Lão và hắn (truyện ngắn)
Phượng (truyện ngắn)
Công chức (truyện ngắn)
Gặp lại ngày xưa (truyện ngắn)
Lời từ nơi hư ảo (truyện ngắn)
Vào hội (truyện ngắn)
Bãi giữa (tạp văn)
Mùa thu (tạp văn)
Người quê (truyện ngắn)
Nhớ làng (truyện ngắn)
Bạn thời lính (truyện ngắn)
Ánh mắt sông quê (truyện ngắn)
Ngõ nhỏ ngày xưa (truyện ngắn)
Đất làng (tạp văn)
Ở rừng (truyện ngắn)
Chuyện tình kể lại (truyện ngắn)
Hai thằng nó và tôi (truyện ngắn)
Hương vô tình (truyện ngắn)