Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.117
123.229.005
 
Phố Núi
Khuất Đẩu

Bọn họ lặng lẽ đi qua cầu. Không ba lô, không súng. Trơ trụi như lúc họ mới bị ném xuống cách đây chưa được mười lăm hôm. Chỉ khác là hãy còn bộ đồ lính chưa bạc màu vì mồ hôi và nắng gió ở thao trường. Họ đi hàng một, người trước như không biết có người sau và người sau cũng không biết có người trước. Họ lầm lũi bước đi, cô đơn, tuyệt vọng, cho dù phía trước họ, trong một con phố nhỏ nào đó, trong một thôn xóm nào đó, là quê nhà với mẹ cha anh em bè bạn..

 

Họ đi về hướng đông, nơi quốc lộ số 1 đang nghẹn ứ những đoàn người di tản. Mặt trời vừa qua khỏi núi Đeo, chiếu thẳng vào mặt họ những tia sáng bén như gươm. Bóng họ đổ dài ra phía sau, vắt lên thành cầu, rơi xuống lòng suối, vẫn không ngừng  chuyển động như những bóng đen trong đèn kéo quân.

 

Họ được lệnh tan hàng, có nghĩa họ được tự do trở về đời sống dân sự. Cái chiến trường khốc liệt suốt hai mươi năm đã như một cái che cán mía ngốn hàng vạn người, nay đã có vẻ thừa mứa không cần tới bọn họ, là những người mới tập cầm súng chứ chưa biết bắn. Có ai đó trong số họ tủi thân nghĩ rằng mình bị bỏ lại thì cũng nên nhớ cho, những doanh trại, những bãi tập, những xe pháo đạn dược còn tủi thân hơn vì  chúng cũng đang bị bỏ lại, trong khi quân miền bắc từ đèo Phượng hoàng như một con lũ quét sắp tràn xuống.

 

Lúc ấy Liên đang thả mái tóc con gái của mình trôi dập dờn trong lòng suối. Trời mùa hè, nên nước suối ấm và trên mặt suối hơi nước ngùn ngụt bốc lên như sương. Qua rồi một đêm mỏi mệt vì lo sợ pháo kích. Nước làm tươi mới thịt da, dãn nở các tế bào để cho đầu óc cô được ngơi nghỉ. Vậy là cọng sản sắp tới rồi, có ai đó nói như một tiếng than dài. Cô giật mình ngước mặt lên, nước theo mái tóc cô bắn tung tóe trên không,  Và, nước cũng chảy tràn trên mặt cô dễ làm một tân binh nào đó đang đi trên cầu tưởng cô đang khóc vì mình.

 

Cô nhìn theo họ, quên mất là mình đang mặc một chiếc áo lót sũng nước, hai đầu vú nhô lên như hai nụ nấm chưa nở. Có một chút gì đó vừa bàng hoàng vừa tiếc nuối làm cho cô sững sờ. Cái cách họ đi như đang đi về một nơi không có mặt trời. Từ lúc chập chũng bước đi cho đến bây giờ, cô không lạ gì những người mặc áo lính. Họ quen thuộc đến nỗi giống như những tảng đá hai bên bờ suối, như cây cầu, như thánh giá trên gác`chuông nhà thờ. Ở cái xứ mà lính đông hơn dân, sĩ quan nhiều hơn thầy giáo thì chẳng ai nhớ nổi một tân binh quân dịch, nhất là anh tân binh ấy chỉ gặp cô có một lần.

 

Nhà cô ở đầu phố. Một quán sách nhỏ mà chủ yếu là bán bì thư tem thư và kem bót đánh răng. Những lúc không đi học, cô trông hàng cho mẹ. Cô đã gặp những sĩ quan và lính pháo binh mà phù hiệu trên vai làm cho họ như có vẻ trí thức hơn nhờ những bài học về tọa độ về đường đi của đạn pháo. Cô cũng gặp những lính biệt động quân mỗi khi thua trận về quân trường học lại đều cạo trọc đầu! Nhưng gặp nhiều nhất là những tân binh quân dịch ở bộ binh Lam sơn. Bọn họ rất ít khi tán tỉnh như lính pháo binh và biệt động. Họ chỉ rụt rè đến mua bì thư, giấy bút viết thư, rồi về trút nỗi nhớ, nỗi lo sợ, nỗi khổ trên những trang giấy pelure nhiều khi bị nhòe ra vì nước mắt.

 

Bọn họ chỉ đến vài ba tháng rồi đi và không bao giờ trở lại. Chiến trường nuốt lấy họ như rắn nuốt nhái.Hết lớp này đi lớp khác lại tới như mùa gặt này xong lại đến mùa gặt khác.Lúc họ đến, bất kể là nắng hay mưa, là ngày hay đêm, từ trên xe nhà binh họ bị hất xuống, ngơ ngác giữa khung cảnh xa lạ với những người mà mỗi mệnh lệnh là một nắm đấm tộng thẳng vào giữa mặt. Họ là những học trò chưa quên được những ô cửa sổ trong lớp học, những con nhà nông chưa quên dược mùi bùn đất của thửa ruộng vừa cày. Họ lúng túng, rụt rè, thấy thứ gì cũng sợ, gặp ai cũng không dám nhìn thẳng mặt. Họ nói lí nhí, lễ phép một cách vụng về. Họ gần như không còn một chút bản lĩnh nào khi đứng trước con gái, nhất là người con gái ấy đẹp như Liên.

 

Cô gặp anh ta trong hàng sách của mẹ. Cái đầu mới húi 3 phân, hãy còn để lộ những cái sẹo lúc nhỏ, khi anh lấy mũ xuống một cách không cần thiết lúc bước vào quán. Bộ đồ anh mặc chưa kịp sửa rộng thùng thình khiến anh như bơi trong đó mỗi khi đi. Nhìn vẻ mặt thư sinh phảng phất một chút sợ, một chút run, cô suýt bật cười thành tiếng. Cô thấy mình giống như cô giáo và anh là một học trò ấp úng vì không thuộc bài. Cô thân mật hỏi, mua gì nào, để giúp anh thêm dạn dĩ. Nhưng nghe tiếng cô, anh lại luống cuống đội mũ lên, định bước ra như nghe ai quát. Cô lại phải gọi, anh gì ơi, mua gì em bán cho. Mua giấy viết thư phải không?

 

Trời ạ, đến nước này mà anh vẫn không nói ra lời. Anh chỉ biết đưa ngón tay trỏ đang run chỉ vào ngăn tủ để bì thư. Cô lấy ra cho anh một xấp phong bì, vài chục tờ pelure màu xanh, một chục cái tem thư. Cô cho tất cả vào một phong bì loại dày của Mỹ, đặt trước mặt anh trong khi anh lúng túng cho tay vào túi tìm ví đựng tiền. Anh lựa những tờ bạc mới và thẳng nhất đưa cho cô với cái nhìn biết ơn. Rồi anh đi, lẫn vào hàng trăm hàng ngàn người lính khác trong chiều chủ nhật. Và trong cô, chẳng có một chút xôn xao nào ngoài một cái nhìn thương hại.

 

Nhưng lúc này, nghe mấy tiếng cọng sản sắp tới rồi, cô lại nhớ tới anh, mà lại nhớ rất rõ như vừa mới gặp hôm qua. Cô nhớ cả những hạt mụn đỏ trên mặt, những sợi lông mày đậm và chắc, cái miệng môi dưới hơi trề. Khi anh bước ra, cô trông thấy cổ anh lấm tấm mồ hôi. Anh cô đơn đến tội nghiệp. Bộ đồ lính chẳng những quá rộng mà còn quá sức đối với anh. Con người mảnh dẻ với những ngón tay thanh mảnh đẹp như tay con gái ấy, sinh ra không phải để cầm súng. Đó là bàn tay của nghệ sĩ violon cầm archet, của bác sĩ cầm dao mổ, của thầy giáo cầm phấn. Nhất định là anh bị tóm trước một cổng trường nào đó và mẹ anh chị anh chắc đang nẫu ra từng khúc ruột. Những bức thư sẽ được anh viết ra trong những đêm nhớ mẹ nhớ chị. Anh hãy còn non nớt quá, mong manh quá chưa có nổi một người con gái nào đó để viết thư. Anh là cả một sự trong sáng và ngây thơ đến cảm động.

 

Và bây giờ anh là một trong những tân binh đang lặng lẽ đi qua cầu. Anh đã đi qua chưa, hay đang qua, sẽ qua? Làm sao từ dưới suối nhìn lên biết được khuôn mặt nào là của anh. Làm sao phân biệt được những hạt mụn đỏ và cái môi trề! Cô mãi ngước mặt trông theo, quên mất là mình đang ăn mặc không kín đáo. Cô liền ngồi thụp xuống suối, úp mặt trong làn nước để che bớt nỗi xấu hổ đang làm mặt cô nóng bừng. Mình vô duyên quá! Bao nhiêu cặp mắt từ trên cao âm thầm nhìn xuống, liệu trong số đó có con mắt của anh? Và anh sẽ nhớ mãi hình ảnh của cô đang đứng giữa lòng suối trông lên?Anh sẽ nhớ tóc cô đen dài ướt nước, ngực cô phập phồng sau làn áo mỏng?

 

Bọn họ đã đi qua hết, dễ chừng có cả một tiểu đoàn. Khi người cuối cùng qua khỏi cầu, người thứ nhất đang đi qua núi Đeo. Nơi đây cái tháp biệt động quân với chữ Sát màu trắng còn đứng đó như một lời nguyền. Những chiếc jeep của các sĩ quan có bổn phận ở lại sau cùng đã nhấn ga vượt qua họ.

 

Cô buồn bã leo lên khỏi suối trở về nhà,.chui nhanh vào buồng thay quần áo..Khi chiếc áo lót được cởi ra, không hiểu sao cô giật mình đưa tay lên ôm lấy ngực. Cô đứng tần  ngần một lúc, tự hỏi ai là người sẽ bảo vệ mình khi cọng sản tới. Đã đành nhà cô chẳng còn ai là lính khi cha và anh cô nối nhau bỏ xác ngoài chiến trường, nhưng ai mà biết được mẹ con cô không bị tù vì là cô nhi và quả phụ. Mẹ cô đã đóng cửa quán từ mấy ngày qua. Bà không ngớt đi ra rồi lại đi vào. Trước đây bà bảo nhà mình việc gì mà phải chạy đi, nhưng giờ bà lại sốt ruột giục Liên mau mau đi kiếm xe để ít nhất cũng tới được Phan thiết, là nơi người ta đồn đoán Mỹ chỉ chia cho cọng sản tới đó. Liên bảo, lính mà còn phải đi bộ kia, giờ thắp đuốc cũng chẳng tìm ra xe đâu mẹ. Bà thở dài nói, hay là mình ra suối kiếm chỗ nào trốn. Liên nói, thôi mẹ ạ, cứ vào nằm nghỉ, việc gì tới sẽ tới, có lo cho lắm cũng không được gì.

 

Chiều hôm đó những chiếc T.54 đầu tiên rền rĩ qua cầu. Theo sau là những toán bộ đội mình phủ đầy lá ngụy trang. Bọn họ nhanh chóng tiến chiếm các trung tâm. Cờ cũ được kéo xuống xé bỏ trên đất, cờ mới được kéo lên, gặp gió bay phần phật. Chẳng phải mất một viên đạn nào. Lịch sử đã sang trang như thế đó, cứ như lật một tờ giấy. Mẹ nói, cám ơn Trời Phật, không một ai bị giết là mừng rồi.

 

Liên nhìn hàng đoàn dài bộ đội đi qua, súng cầm tay và đạn đầy mình, lại nhớ tới đoàn quân không vũ khí ban sáng, cảm thấy mọi sự như đã được số mệnh sắp đặt sẵn. Hai hình ảnh trái ngược nhau, một rất tĩnh, một rất động,để lại trong tâm hồn cô những đường kẽ sâu và dài.Nhưng trong khi người và súng cứ tiếp nối qua cầu, mỗi lúc một nhiều hơn đã bắt đầu phả vào không khí mùi mồ hôi chua nồng, thì đám tân binh buổi sáng cứ mờ dần, rồi tan biến vào trong ký ức từ nay đã phủ đầy bụi.

 

 

Đêm xuống.

Đêm của giao thời.

Không như đất trời giao mùa đem nhựa mới nuôi cỏ cây.

Không như giao thừa, mọi nhà đều náo nức đón chờ xuân. Đây là đêm của kẻ thắng và người bại. Kẻ thắng đội mũ tai bèo đi lùng sục những kẻ bại đã vứt bỏ cả áo lính vẫn bị gọi là phản động. Những tiếng gõ cửa như tiếng búa gõ vào nắp áo quan. Những người đàn ông bị trói giật cánh khuỷu dẫn đi trong bóng đêm. Và sáng ra đã có những xác không đầu làm kinh hoàng những người ra suối tắm giặt. Sau này người ta bảo đó là kết quả của những mối tư thù. Nhưng sự đổi thay không diễn ra một cách êm thắm như ở các quân trường, mà ồn ào và dữ dội trong từng con hẽm, từng góc phố. Nhà này sao còn vẽ cờ ba sọc? nhà kia sao lại may cờ chỉ bằng bàn tay? Xương máu đổ ra biết bao nhiêu mới có ngày hôm nay, bộ không may nổi cờ một thước sao? Ngoan cố hả? Họ đâu biết lúc này tìm không ra vải đỏ. Những du kích bên hông lủng lẳng lựu đạn, những kẻ ăn theo cách mạng tay đeo băng đỏ, đi nghênh ngang trong phố với vẻ mặt đắc thắng hả hê. Vẫn là những người ở các buông làng quanh đây, vẫn là những kẻ mới vài hôm trước còn ngồi uống cà phê ở góc chợ, nhưng nay bỗng trở nên đầy quyền uy, miệng đã bắt đầu thét ra lửa. 

 

Cuộc tiến chiếm chỉ vài ngày là xong, trường học được lệnh mở cửa lại.Liên nôn nao đến trường, thầy cô vẫn còn đó.Thầy vẫn quần áo tươm tất, chân mang giày, cổ thắt cà vạt. Cô vẫn áo dài thướt tha, nhiều chiếc sặc sỡ, kiểu cách. Nhưng sao trông ai cũng có vẻ khác, không còn chút gì đĩnh đạc tự tin như ngày nào. Ai cũng lớ ngớ, lóng ngóng, cảm thấy đứng đâu ngồi đâu cũng không phải đúng chỗ của mình. Có lẽ vì xuất hiện giữa họ là ông phụ trách trưởng. Ông mặc áo quần bộ đội, đội mũ cối, ngồi chồm hổm trên thềm trước văn phòng. Chiếc ghế được một nữ sinh trực lễ phép đem ra mời vẫn bị ông để không bên cạnh. Ông không nói chuyện với ai, chỉ rít thuốc liên tục. Chính cái sự thờ ơ đó, cái yên lặng như cố ý đó khiến mọi người nhận ra mình cũng là những kẻ thua trận và mặc cảm tội lỗi làm cho họ trở nên thấp bé nếu không muốn nói là thấp hèn.

 

Một lúc sau ông uể oải đứng lên đi vào. Có lẽ vì thói quen, ông đưa tay ra sau phủi đít. Một ít bụi rơi vãi trong khi thầy cô vội vã nhưng khép nép lần lượt theo sau. Mọi người e dè ngồi xuống chiếc ghế quen thuộc thường ngày. Cái ghế dựa dành cho hiệu trưởng được nhường cho ông. Nhưng ông không ngồi, chỉ đứng sau lưng ghế, tay đặt lên thành ghế, nhìn mọi người một lượt với cái nhìn mỏi mệt của một người thiếu ngủ, thiếu ăn nhưng có lẽ không thiếu bệnh sốt rét

 

Ông nói, các bạn, hôm nay trường ta vui mừng được giải phóng. Tôi có vinh dự được tiếp quản. Có một số công tác cần trao đổi với các bạn. Một là phải khẩn trương đào hầm để tránh máy bay địch vẫn còn ngoan cố đánh phá. Hai là, phải xóa sạch tất cả cờ ba sọc trên vách và trên mái nhà. Ba là thu gom tất cả sách báo độc hại của Mỹ ngụy để tiêu hủy. Trước mắt chỉ có vậy thôi, các bạn nhớ khẩn trương. Lúc mọi người đứng lên định trở về lớp, ông ra hiệu dừng lại, nói, à quên, còn một việc nhỏ, đó là từ nay các anh thôi đeo những cái gì lòng thòng trước ngực, các chị cũng đừng mặc áo dài. Lao động mà như thế nhân dân sẽ phản ánh không tốt.

 

Cứ tự tiện trét sơn lên vách, cứ thoải mái leo lên mái nhà, cứ lục tung tủ bàn để tìm sách báo..hàng đống những việc kỳ quái như thế, khiến Liên tự hỏi, mình đang đi học hay đang tham gia vào hồng vệ binh. Hôm đốt sách tại sân trường, Liên lén dấu được một cuốn. Nhưng biết bao nhiêu sách báo đã ra tro. Những trang sách thơm mùi mực in, run rẩy cong queo trông tội nghiệp làm sao. Trong tiếng lửa cười khành khạch, cô nghe như có tiếng kêu cứu của mấy chị em nhà mẹ Lê, tiếng hú thất thanh của thằng gù nhà thờ Đức Bà và trông thấy mái tóc hoe vàng của hoàng tử bé bắt lửa nhanh như râu bắp. Rồi phải học yêu những thứ cô không muốn yêu và học ghét những thứ cô không thấy ghét. Càng học, cô càng thấy mình bắt đầu dối trá. Chẳng những riêng cô mà cả thầy và trò cũng đều học nói dối và nghe nói dối. Phê bình là bươi móc hành hạ nhau mà vẫn xoen xoét bảo là xây dựng để tiến bộ. Người được xây dựng tơi tả như một cái tã rách mà vẫn phải nói nhờ ơn đảng ơn bác.

 

Liên nản quá không muốn đi học nữa, nhưng mẹ bảo không đi học ở nhà người ta bắt đi thanh niên xung phong. Con có xung phong đâu, đã nói xung phong sao lại bắt đi, cô cãi. Mẹ lo lắng, nếu để xã lên danh sách, không xung phong cũng không được. Liên thở dài ngao ngán. Giờ là lúc không phải muốn hay không muốn con à, mẹ nói, phải như người khác thôi. Cứ cầm đến sách vở là cô thấy như ù tai chóng mặt. Những ngày tháng cũ tuột ra khỏi cô như con rắn bị lột da chứ không phải tự lột. Mỗi khi mở tủ trông thấy chiếc áo dài trắng cô lại rưng rưng muốn khóc.Chiếc áo nằm co ro như một đứa em bé nhỏ đang bị sốt. Chưa bao giờ cô cảm thấy tâm hồn cô trống vắng như lúc này. Cô bỗng liên tưởng đến người tân binh nọ. Sao cô thấy mình trơ trụi giống như anh, phía trước mặt là một khoảng trống ngút thở.

 

Nói vậy, chứ Liên cũng cố mà đi học để được di thi. Nhà Liên cách xa phố huyện cả chục cây số. Không như ngày trước leo lên xe GMC của trung tâm, cô và các bạn chỉ lo ăn quà vặt, tán chuyện, tới trường lúc nào không hay. Bước vào cổng với tà áo trắng như mây, ai cũng tưởng mình là tiểu thư và ai cũng tin là mình đẹp. Giờ cô phải lấy xe đạp cũ, cọc cạch đạp mãi cả tiếng đồng hồ mới tới Chỉ thiếu có bó củi sau yên xe là cô không khác gì người đi rẫy về.

 

Trường học giờ như có xác mà không hồn. Vẫn thầy cô đó, bạn bè đó, nhưng Liên cảm thấy đã không còn cái vẻ đáng kính, đáng yêu như ngày xưa. Có phải vì thiếu những chiếc cà vạt, những tà áo dài, hay đã chen vào trong đầu óc những hơn thua dè biểu, nhà này cách mạng, nhà kia ngụy quân. Có vẻ như ai cũng già đi, hay ai cũng cố làm ra vẻ bình dân, biến sự giản dị thành ra lôi thôi luộm thuộm. Đó là chưa kể một số thầy cô tự lừa dối mình, ngợi ca những thứ không đáng ngợi ca, nguyền rủa những thứ không đáng nguyền rủa. Lắm khi, ngồi nghe thầy cô nói, Liên tưởng như đang ở bến xe hay trong chợ cá. Một khi trường học đã không còn là nơi mà sự trong sáng, sự chân thật được gìn giữ nâng niu, không còn là nơi ấm êm vui vẻ nữa, thì mỗi ngày đi học với Liên là một cực hình. Chưa bao giờ Liên thấy đôi tai và đôi mắt của mình bị hành hạ như lúc này.

 

 Vậy mà rồi đi thi cũng đỗ gần như cả lớp. Có được mảnh bằng treo nhỏng nhảnh cho vui, chứ chẳng dứa nào lên đại học. Cả bọn lăn vào đời bằng đủ thứ nghề. Trinh đi buôn cà phê được vài chuyến thì bị hốt.Tân đi núi điệu, ba tháng sau trở về như người rừng. Chút trầm tìm dược bán ra không đủ tiền mua thuốc. Lan chạy chợ đến phờ phạc cả người. Liên bán những vật dụng cũ, những kềm búa, đinh, ốc vít..Cô ngồi một chỗ như chảy dài ra trên ghế. Suốt ngày, đọc mãi sách đến mòn vẹt..Cái phố nhỏ ngày nào nhộn nhịp sống nhờ lính, giờ thưa vắng đến thảm hại. Nhiều nhà treo bảng bán như cho nhưng chẳng ai mua. Ba trung tâm, giờ chỉ có một dúm quân, cỏ cao ngập đầu, chẳng ai biết họ làm gì trong đó.Thỉnh thoảng một vài người dạo qua phố, trông ngơ ngác lạc lõng. Dường như dưới mắt nhìn của họ, mọi người hãy còn là kẻ thù, lúc nào cũng cần phải đề cao cảnh giác

 

Không còn cảnh lính xả trại đi hàng đoàn. Không còn mẹ, vợ, người yêu tới lui viếng thăm bịn rịn. Không còn xe nhà binh ra vào tung bụi lên mù mịt. Không còn tiếng kèn đồng báo hiệu một ngày đổ mồ hôi đã hết. Tất cả đều không còn. Chỉ có tiếng ve kêu thét lên như xé họng. Ba cổng quân trường vẫn mở toang nhưng chẳng ai dám vào. Một sự im lặng, bí mật đầy dọa nạt, cứ như đồn trại của kẻ địch ở bên kia biên giới. Có việc cần phải đi ngang qua, Liên chỉ  lầm lũi bước chứ không muốn nhìn vào.

 

Tháng ngày cứ trôi đi, trôi đi như con suối đã từ lâu vẫn chảy. Nhưng cuộc sống như ngừng lại. Mà ngừng một cách ấm ức. Liên không hiểu sống để chờ gì, đợi gì. Bớt gạo, độn thêm mì bắp, bớt đi một chén, hay nhịn thêm một bữa để rồi được gặp ai, chờ ai. Ngày mai rồi ngày mai, tóc mẹ bạc thêm một chút, mình gìa thêm một ngày và như vậy là bước tới tương lai sao?

 

Đến lúc phải bỏ nơi này mà đi thôi con à, mẹ nói thầm khi hai mẹ con đã vào giường. Đi đâu hả mẹ? Liên ngơ ngác hỏi. Đất trời cao rộng, không sống được ở đây thì đi nơi khác. Nơi nào chẳng là của cọng sản. Đi vượt biên thôi con à, mẹ kê vào tai Liên nói. Không dễ đâu mẹ. Không dễ cũng phải đi, mẹ quả quyết. Mẹ không đành lòng nhìn thấy con chết dần, chết mòn ở đây. Con nghĩ mà xem, không một cái chữ cho ra chữ, không một việc làm cho ra việc, không một đồng bạc cho ra đồng bạc và cũng sẽ không có một người chồng cho đáng tấm chồng. Một trăm năm nữa cũng không ra gì hết, sống như vậy mà sống được sao? Bà nói như trước kia giục chồng di cư vào nam. Nhưng biết làm sao mà đi? Liên hỏi. Việc ấy để mẹ lo. Một lúc, mẹ lại thì thào vào tai, nói để con mừng, mẹ đã lo xong rồi Chút tiền dành dụm mẹ đã góp cho người ta mua bãi.

 

Từ khi cái hạt mầm vượt biên được mẹ gieo vào đầu, Liên cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Bỏ nơi này mà đi sao? Bỏ những buổi sáng sương giăng kín núi rừng, bỏ những buổi chiều hoàng hôn tím thẩm, bỏ những đêm trăng sáng bạc, bỏ con suối thân quen từ lúc âu thơ, bỏ hết sao? Cô không phải quê quán ở đây nhưng được sinh ra ở đây từ ngày quân trường mới thành lập, lúc ấy ba hãy còn là một trung sĩ, mẹ hãy còn là cô gái bắc kỳ chưa quen bỏ cái khăn vành. Cô giống như một cái cây được mọc lên ở đây, giờ bứng gốc đem trồng chỗ khác, sống được chăng? Nhưng ở lại với nón cối và mũ tai bèo, cô nghĩ, ước chi mình không được sinh ra thì lại hay hơn

 

Trong khi chờ ngày đi, cô lại thường ra suối. Cô không còn bé để có thể trần truồng ngâm mình trong nước nên chỉ có thể từ trên gộp đá thòng chân xuống suối vừa nghịch nước vừa nghĩ ngợi vẩn vơ. Bỗng dưng cô lại nhớ tới cái hàng quân cũng bỏ lại tất cả mà đi. Cô không còn hình dung ra được chàng tân binh tội nghiệp nọ, nhưng cô nhớ tới những ngày tháng cũ xiết bao, mới đó mà đã xa thăm thẳm.

 

 

Ngày đi rất bất ngờ, chỉ báo trước có ít phút. Mẹ chỉ vừa kịp mang theo một hộp sữa và mấy ổ bánh mì hôi mùi mọt. Xe chở tới đèo Cả rồi bỏ rải rác từng người trốn vào các bụi cây. Sau đó nín thở đu dây xuống thuyền thúng. Liên lo sợ cho mẹ nhưng bà tỏ ra rất bình tĩnh và gan dạ. Trước đây cô có nghe nói lính biệt động tập đu dây tử thần, sai sót một chút là bỏ mạng. Giờ cô thấy mình tuy không là lính nhưng cũng đang chơi trò sấp ngửa với tử thần. Cũng may, những người tổ chức có lẽ đã quen việc nên mọi sự rồi cũng xong.

 

Có đến vài mươi  người đã đợi sẵn trên con tàu chỉ rộng bằng hai chiếc chiếu. Hai mẹ con cô cùng với năm người khác được kéo lên. Đêm tối đen. Tàu lặng lẽ ra khơi. Mẹ Liên rì rầm niệm Phật. Biển dịu hiền như bé con đang say ngủ. Mọi người trên tàu sau những nôn nao lo sợ cũng thiếp đi.

. 

Lúc tỉnh dậy, Liên thấy mênh mông trời và nước.Con tàu mong manh bé nhỏ cố sức trườn qua những con sóng cao lừng lững. Đã có người say sóng vật vã. Trọn một ngày không thấy đói, Liên chỉ thấy khát. Nước mang theo rất ít, nên chủ tàu chỉ phát cầm chừng, Liên và mẹ mỗi người chỉ được một ly nhỏ. Lúc này Liên mới thấy nhớ con suối nước tung bọt trắng xóa, reo vui đùa giỡn quanh năm. Có lúc nước lên cao tràn qua cây cầu cũ từ hồi Pháp thuộc, ùa vào tận phố chợ cho trẻ nhỏ thả thuyền giấy. Ở một nơi như thế, không khi nào Liên thấy khát. Giờ mỗi một giọt nước quý như một giọt máu.

.

Rồi lại một đêm phó mặc cho số mệnh. Tàu chạy chậm rì rì. Sáng hôm sau, chưa ra tới hải phận quốc tế, biển đang hiền ngoan bỗng trở nên bướng bỉnh. Sóng cao như núi, mây đen ôm kín bầu trời. Chủ tàu xanh mặt lo sợ. Điều khủng khiếp nhất của người đi biển đã tới.  .

Bão!

 

Gió giật từng cơn trút xuống thuyền những đợt mưa xối xả. Biển lại đưa những bàn tay nước mặn chát và vào mạn thuyền. Đúng lúc đó bánh lái gãy. Chủ tàu kêu lên trong tuyệt vọng: cầu nguyện đi, cầu nguyện đi bà con ơi.

 

Biết cầu nguyện thế nào ngoài hai tiếng Trời ơi! Và hai tiếng tự do cũng đã tắt lịm trong lòng.

Trong gió bão, Liên nghe mẹ hét vào tai mình: mẹ hại con rồi, con ơi!

 

Đến nước này, thôi chẳng còn gì để nói về họ nữa. Cầu chúc linh hồn họ tìm được về nơi phố núi cũ. Ở đó, có hai ngôi mộ lúc ra đi chưa kịp thắp hương từ biệt. Và cũng ở đó, căn nhà nhỏ của họ bị chính quyền niêm phong vì chủ nhà mang  tội phản quốc …./.          

 

15/7/01. 

 

Khuất Đẩu
Số lần đọc: 2347
Ngày đăng: 22.09.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nụ cười lão bơm xe đạp - Vinh Anh
Hình Như Tôi Cũng Bị Thương - Nguyên Minh
Lần Vết Giai Thoại - Khải Nguyên
Tuy Hòa, Những Ngày Mưa - Mang Viên Long
Lửa Và Rơm - Ngô Thị Ý Nhi
Một Cách Cắt Nghĩa Quá Khứ - Nguyễn Thanh Hiện
Cái đèn “măng-song” - Diệp Hồng Phương
Trong Suốt Như Khí Trời - Khuất Đẩu
Đi về miền gió hát - Như Như Kim
Nơi sóng vẫn gọi - Võ Thu Hương
Cùng một tác giả
Những con đom đóm (truyện ngắn)
Tiểu công chúa (truyện ngắn)
Vua Tango (truyện ngắn)
Phố Núi (truyện ngắn)
Bóng Tháp (truyện ngắn)
Không Thấy Núi (truyện ngắn)
Nguyệt Thực (truyện ngắn)
Để Tang Cho Sách (truyện ngắn)
Ai Đã Giết A.Q ? (truyện ngắn)
“Bộ Tam” (truyện ngắn)
Trăng Hát (tạp văn)
Cặp Đôi Bi Tráng (truyện ngắn)
Chôn Đứng (truyện ngắn)
Nguyễn Hòa VCV (tạp văn)
Những đêm trắng (truyện ngắn)
Bà chúa hời (truyện ngắn)