Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.105
123.229.811
 
Chuyện làng Kinh
Phạm Lưu Vũ

Xuất phát từ tít những vùng núi cao, phải gồm bao nhiêu nhánh ngoằn ngoèo, tránh chỗ nọ, né chỗ kia... cuối cùng hợp lại thành con sông Đáy. Về tới đồng bằng thì con sông đã trưởng thành hẳn và tỏ ra điềm đạm như một người đứng tuổi trải việc đời. Tuy vẫn phải uốn lượn đây đó song thỉnh thoảng có những khúc thẳng tắp như thể do bàn tay ai nắn nót mà thành. Làng Kinh nằm bên một đoạn thẳng như thế của con sông. Ngày trước có một thầy địa lý đi qua, thấy cái hình thế làng nước ấy bèn phán: "làng ra làng, nước ra nước. Tuy nghèo, nhưng được cái sống ngay thật với nhau. Đến khi nào con sông đổi dòng thì chấm hết...". Khúc sông ấy rộng mênh mông, người giỏi bơi cũng chỉ bơi nổi một vòng bên này sang bên kia là mệt lử. Lúc bình thường, dòng sông vốn êm đềm lờ lững, nhưng đến mùa mưa lũ thì mặt nước lại dềnh lên gần sát mặt đê, to rộng ra gấp mấy lần, vừa đục ngầu phù sa vừa trôi nhanh như chạy loạn. Làng Kinh ở về phía bên bồi, bãi cát trải rộng từ chân đê ra hàng trăm thước thoai thoải như bãi tắm ngoài biển Đông. Phía bên kia là bên lở, bờ sông dựng đứng như bức tường. Bên ấy đầy một vẻ hoang vu bí hiểm, chẳng có làng xóm gì.

 

Ngày nào cũng vậy, trừ những ngày mùa đông rét cắt thịt da, đám trẻ con trong làng vẫn thường vượt qua con đê ra tắm ở bát cát ven sông. Doi phù sa rộng lớn ấy là một phần thưởng tuyệt hảo của con sông tặng cho dân làng. Nơi đây đều đặn mỗi năm cho mấy lứa hoặc khoai, đậu, hoặc su hào, bắp cải... thứ nào cũng thơm ngon nổi tiếng trong vùng. Dân làng Kinh chẳng có nghề phụ hay nghề truyền thống gì ngoài nghề trồng lúa và một số loại hoa màu khác tuỳ theo mùa. Bao nhiêu đời rồi, làng nước đã trở thành bà con anh em hay chí ít cũng dây mơ rễ má với nhau. Người người sống thuần hậu, chất phác, quanh năm không một tiếng cãi lộn chứ đừng nói đến chuyện đánh chửi nhau.

 

Con sông Đáy vẫn đều đặn năm hai mùa, lúc bình thường hờ hững như một gã lười biếng. Nhưng đến mùa mưa lũ lại lồng lên như có cơn giận chất chứa trong lòng. Xong mỗi lần như thế, nước rút đi để lại một lớp phù sa, bãi bồi của làng Kinh lại rộng thêm ra một ít. Phía bên kia, vách sông vốn dựng đứng, nham nhở lại lở thêm, khoét vào cái vùng hoang vu ấy tí một, tí một như tằm ăn lá. Đến một ngày kia, dòng sông hình như không còn thẳng như bao đời nay nữa. Dân làng Kinh mừng vì diện tích bãi bồi bằng phù sa béo bở của mình ngày càng rộng thêm ra, không ai để ý làm gì cái sự uốn cong dần, cong dần của khúc sông ấy...

 

Trong làng có cụ Cả Giáo bị mắc một căn bệnh lạ đã từ lâu lắm. Bề ngoài không ai dám bảo cụ có bệnh. Trông cụ béo tốt phương phi, da dẻ nhẵn nhụi, hồng hào như một pho tượng sống. Vậy mà đi không tự đi được phải có người khiêng, ăn không tự ăn được phải có người đút. Đã thế lại vừa kén ăn vừa ăn khoẻ. Món ngon thì thùng bất chi thình, món không ngon thì ngậm cứng miệng, phun ra phì phì. Ngày trước cụ đã được con cháu đưa đi khắp các bệnh viện, nào chụp, nào soi, nào đông tây y kết hợp... Cả một nền y học cổ kim đông tây đều chịu không sao tìm ra nguồn cơn bệnh tật gì trong con người cụ. Một cơ thể vô bệnh tật (ít ra là với trình độ y học lúc bấy giờ), chỉ phải cái tội phải luôn luôn có người hầu hạ. Thậm chí cái cơ thể nằm ườn ấy cứ càng ngày càng phơn phởn ra, báo hiệu một sự sống dai. May mà căn bệnh đó cực hiếm (mấy vị giáo sư bảo thế), chứ nếu không, nhân loại phải tốn khối người chỉ làm độc một việc là hầu hạ người khác, mà chẳng làm ra của cải vật chất gì cho xã hội.

 

Con cháu cụ Cả toàn những người ăn nên làm ra, có người còn làm chức to ở tận đâu đâu. Nhưng thói đời, sức chịu đựng của con người có giới hạn của nó, kể cả trong việc báo hiếu. Thời gian đầu cụ đổ bệnh, các con của cụ còn quay vòng thay nhau hầu hạ. Về sau, cái phương pháp báo hiếu theo kiểu "đèn cù" ấy vẫn gây ra lắm rắc rối phiền phức, có nguy cơ làm mất đoàn kết nội bộ gia đình. Thế là các con cụ họp nhau lại quyết định đưa cụ về làng, thuê người hầu hạ. Một điều quái lạ là kể từ khi cụ mắc căn bệnh ấy, các con cháu cụ lại càng phất lên vùn vụt như thể nhà có mả kết vậy. Mà cụ còn đang sống sờ sờ chứ đã phải là cái "mả" đâu, chẳng lẽ cụ "kết" từ khi còn đang sống(?). Nói gì thì nói chứ trên đời thiếu gì chuyện lạ. Lạ nhất là chuyện một thời gian sau khi đưa cụ về quê, con cháu cũng không cần phải mất tiền thuê ai hầu cụ nữa. Việc ấy đã có cả làng lo.

 

Số là trong làng có một cây duối to lớn, bề thế gọi là cây duối đại. Cây duối dễ đến vài ba trăm tuổi, thân to mấy người ôm không xuể, cành lá rậm rạp, xum xuê. Chính giữa thân cây có một cái hốc sâu hoắm, hai đầu người chui cũng lọt. Cái hốc ấy đầy vẻ bí ẩn và có khối câu chuyện huyên truyền về nguồn gốc cũng như những gì chứa trong ấy. Các cụ già cả kể rằng không biết tự bao giờ, một buổi sáng thức dậy, dân làng bỗng thấy cái hốc ấy lồ lộ, đen ngòm. Gần như đồng thời với sự xuất hiện của nó, làng loan truyền câu cửa miệng:"Muốn làm giầu ra bãi phù sa, muốn làm ma chui vào hốc duối", vế sau của câu ấy thành ra câu rủa của cả làng cho đến nay, ai cũng sẵn sàng mang nó ra để mà rủa nhau. Thế là từ đó, chẳng người nào, kể cả những anh bạo hổ bằng hà nhất, cũng không dám chui đầu vào trong đó làm gì nữa. Cái hốc vì thế mà ngày càng trở nên cổ kính, bí hiểm. Thế mới biết cái bí hiểm vẫn cứ là bí hiểm kể cả khi nó đã chường mặt ra, không cần nguỵ trang, che đậy.

 

Phải kể đến cái hốc cây ấy là vì nó liên quan đến cụ cả Giáo trên đây. Số là về làng được ít lâu, mặc dù con cháu vẫn thuê kẻ hầu người hạ, vẫn được đút lót, ăn uống đầy đủ, vẫn khiêng đi chỗ nọ chỗ kia. Nhưng hình như cụ đã chán cái "kiếp" làm ngôi "mả kết" sống cho lũ con cháu đang ngày càng trở nên thưa thớt thăm nom. Một hôm, nhân lúc mấy người hầu vừa khiêng qua hốc cây, bất ngờ cụ nhỏm ngay dậy, sức mạnh ý chí thật là mãnh liệt, nó chiến thắng tất cả những bất động bấy lâu nay. Cả thân thể cụ vọt lên khỏi cáng, chui ngay đầu vào hốc cây như thể chính cái hốc cây ấy hút cụ vào vậy (mà có khi đúng như thế chưa biết chừng). Thực ra ý chí của cụ (nếu có), chỉ đơn giản là chết quách đi cho rồi. Nhưng hoặc là cái câu rủa kia chỉ thuần tuý là một câu rủa mà không có hiệu nghiệm gì, hoặc là nhân tính không bằng trời tính, mà tuy đã rúc hẳn đầu vào trong hốc cây, cụ vẫn không chết. Những người hầu hoảng hốt lôi cụ ra, đặt nằm ngay ngắn trên cáng. Người cụ lập tức lại bất động như trước, nhưng vừa sùi bọt mép, vừa gồng mặt lên lào thào những câu gì nghe rất ghê rợn, như thể cụ mới ngộ ra điều gì gớm ghiếc lắm trong cái hốc cây kia. Dân làng Kinh xưa nay vốn yếu bóng vía, thấy tình trạng cụ Cả như thế lại càng cho rằng có gì thần bí đâu đây, bèn mời một tay thày bói có tiếng là giỏi nghề về giải mã. Tay thày bói đi giày tây, đeo kính gọng vàng, mặt mũi sáng sủa, hớn hở như thể lúc nào cũng vừa mới được mời đi ăn cỗ. Sau một hồi ghé sát tai vào miệng cụ Cả, nghe kỹ lưỡng những câu lào phào bí hiểm ấy, tay thầy bói phán như đinh đóng cột: "không phải cụ Cả bại liệt gì đâu. Chính là Thành hoàng làng này rất thiêng, ngài đã ứng vào thân thể cụ để được khiêng, được cáng, ứng vào mồm cụ để được ăn ngon... Tóm lại là được cung đốn, hầu hạ một cách thật sự, chứ không như những Thành hoàng khác, chỉ hưởng những khấn vái suông. Vậy từ nay cả làng phải có nhiệm vụ hầu hạ cụ chính là hầu hạ Thành hoàng của mình..."

 

Thành hoàng làng Kinh là ai mà vừa thiêng, vừa khôn ngoan như thế? Các cụ già họp nhau cố nhớ lại, những người có chữ lục tìm gia phả, văn tự... Nguyên từ thời xa xưa, khi làng Kinh bắt đầy xây đình, dân làng góp tiền mời một thày địa lý người Tàu về để chọn hướng. Thày này bảo làng nằm giữa nơi gọi là: "tứ phương vô hình thể" (nghĩa là xung quanh chẳng có hình thù gì), phải lập đàn cầu phương. Thế mà sau khi lập đàn, thày địa lý loay hoay mãi vẫn không sao đặt được cái gọi là "bổng cầu phương" lên hương án. Đó là một cây gậy tròn bằng gỗ đã được yểm(?). Bình thường sau khi lập đàn, dâng đủ lễ sống, lễ chín, vái đủ thập phương tam đạo, viện đủ họ hàng tổ tông của dân làng..., thày địa lý dễ dàng đặt cái "bổng" ấy lên trên một cái đỉnh nhọn hoắt bày chính giữa hương án. Cái bổng sẽ quay tít như trò ảo thuật. Khi dừng lại, nó trỏ hướng nào thì đình sẽ được xây theo hướng đó. Đến lượt đình làng Kinh bấy giờ, không biết do thày địa lý già cả đã cùn mất nghề, hay có gì làm phật ý thánh thần mà hễ cứ đặt bổng lên, nó lại rơi oạch xuống, không nằm yên nổi chứ đừng nói đến chuyện quay với kiếc. Qua bẩy ngày bẩy đêm khổ sở, thày đã bắt đầu  thấy ngượng, dân làng đã bắt đầu sốt ruột thì tình cờ có một gã ăn mày khua gậy lần đến. Đó là một gã ăn mày vừa mù vừa đói khát lang bạt kỳ hồ, mới mò đến làng Kinh được mấy hôm. Lẩn thẩn thế nào, gã lại khua ngay gậy vào mông đít ông thày người Tàu vừa chổng lên khấn vái. Đang ngượng với làng, lại hết kiên nhẫn với cái bổng phản phúc của mình, ông thày cáu tiết quài tay ra sau lưng, giật phắt lấy cây gậy trong tay gã mù, tiện tay ông đặt ngay nó lên hương án. Kỳ lạ thay, cây gậy ấy nằm ngay đơ, không hề rơi xuống. Sau một lúc như thể lưỡng lự, cây gậy đột nhiên quay tít y như cái bổng chính hiệu. Dân làng kinh ngạc tán thưởng, lão thày Tàu hả hê trút xong gánh nặng. Người ta chỉ còn mỗi một việc là chờ nó dừng lại. Thế là chọn xong hướng đình.

 

Chuyện về gã mù vẫn chưa kết thúc ở đấy. Gã vẫn quanh quẩn nhặt hạt rơi, hạt vãi quanh làng mà không sao lần đi đâu được. Cho đến hôm hiệp thợ làm đình lắp cặp đầu rồng ở giải vũ. Đó là một cặp đầu rồng làm bằng gỗ mít được đẽo gọt tỷ mỷ công phu, cả nước lúc bấy giờ chỉ có vài ba người có thể làm được. Cặp đầu rồng đình làng Kinh lúc ấy do một thợ cả giỏi vào loại bậc nhất đảm nhiệm. Có điều lạ là chỉ lắp được một cái, còn cái kia không tài nào vào mộng được. Làm đi làm lại hàng chục cái liền, ông thợ cả đã sắp bó tay thì đến cái đầu rồng cuối cùng, tức là cái còn lại cho đến ngày nay. Ông thợ cả đang loay hoay thì gã ăn mày mù lại tình cờ khua gậy đến. Chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào mà gã khoèo ngay cây gậy vào chân cái thang có ông thợ cả đang đứng phía trên. Cái thang mất thăng bằng đổ kềnh xuống, ông thợ cả hụt chân cuống cuồng quơ tay theo phản xạ, may sao túm được cái đầu rồng chưa vào mộng để khỏi rơi xuống gãy xương. Điều kì diệu lại xảy ra. Vừa lúc hoảng hốt treo người toòng teng trên cái đầu rồng ấy, ông thợ cả cảm thấy có tiếng: "khục" một cái. Khi mọi người đuổi gã mù đi, bắc thang lại để cứu ông thì cái đầu rồng đã vào được mộng, khít khịt, không sai một ly.

 

Đúng là trên đời cái gì cũng cứ phải quá tam ba bận. Cho đến bấy giờ, dân làng cũng chỉ cho là chuyện tình cờ, làm gì có liên quan giữa việc xây đình với gã mù vớ vẩn ấy. Tận đến hôm khánh thành, làng làm lễ cầu thánh. Đình mà không "cầu" được "thánh" thì làm sao thiêng. "Thánh" sau khi nhập sẽ chính là vị Thành hoàng mà làng đã chọn từ trước và được quan trên chuẩn y. Thế mà thày cúng lại cúng ròng rã bẩy ngày bẩy đêm mà ngài vẫn không chịu "nhập". Có vẻ như ngài kiêng kị điều gì, không chịu làm Thành hoàng cho làng thì phải. Lễ bái đến mòn vẹt cả sân đình thì một đêm, người ta bỗng phát hiện lại gã mù ấy nằm thẳng cẳng ngay trước cửa hậu cung, hai tay bấu chặt cái thủ lợn cúng to tướng đè giữa mặt, che lấp cả mồm lẫn mũi. Gã đã chết. Sau này có kẻ báng bổ giải thích rằng chắc là do đói quá, ngửi thấy mùi thịt cúng thơm tho, béo ngậy nên gã liều ăn vụng, song sức tàn lực kiệt, chỉ vừa ngoạm vào khối thịt, chưa kịp nhai thì cái thủ lợn vừa to, vừa nặng đã bít hết cả mồm mũi, khiến gã chết ngạt mà thôi. Tất nhiên lúc bấy giờ, làng Kinh không ai dám nghĩ như thế. Chỉ biết rằng ngay ngày hôm ấy, lễ "nhập thánh" của đình làng đã thành công, "đồng" đã hiện để báo cho làng biết rằng Thành hoàng đã ngự đâu vào đấy cả rồi. Cũng chẳng biết vị "thành hoàng" ấy có phải cái vị mà làng chọn từ trước khi xây đình hay không?, chỉ biết rằng căn cứ vào bài "đồng tự" còn truyền đến ngày nay thì thân thế, sự nghiệp của ngài xem ra lại hao hao... gã ăn mày mù ngày ấy.

 

Sự kiện tự tìm sự "giải thoát" bất thành của cụ Cả đâm ra lại tạo cho làng Kinh có cơ hội được hầu hạ "Thành hoàng" của mình một cách thiết thực bằng cơm, bằng rượu hẳn hoi. Thực ra từ trước khi biết Thành hoàng ứng vào người cụ Cả, dân làng đã phải thay nhau "hầu hạ" một kẻ khác rồi. Đó là một gã lông bông mất dạy thuộc vào hàng... đệ nhất cổ kim. Tên nó là thằng Hội, biệt danh Hội mù. ấy là bố mẹ nó ngày xưa sính chữ mà đặt đại như thế chứ hội hè gì nó. Trông nó nào có ra hồn người, chân tay loẻo khoẻo đã đành mà mồm miệng lúc nào cũng đầy dãi dớt. Đã thế nó lại thong manh, nhìn cái gì cũng mờ mờ, ảo ảo, giữa ban ngày ban mặt mà trông gà hoá cuốc, nhìn một hoá hai. Thế mà ngày xưa lúc mới sinh nó ra, có lão thầy tướng dở hơi bảo số thằng này ngày sau ăn trên ngồi trốc, nghĩa là hậu vận nó rất... ngon lành. Năm lên sáu tuổi, nó đã biết nhân lúc hàng xóm đi làm đồng vắng, chui vào bếp nhà người ta, lục nồi cơm vần trong bếp tro lên ăn vụng. Ăn xong, thằng trời đánh thánh vật ấy còn ỉa một bãi vào giữa nồi, đậy vung lại cẩn thận rồi vần vào bếp tro như cũ. Lần ấy ông bác ruột nó đánh cho một trận nên thân rồi chửi: "cái giống mày đã ỉa vào nồi cơm nhà người ta thì thế nào trời cũng bắt tội, còn ăn trên ngồi trốc cái nỗi gì...". Ấy thế mà nó không có chừa, càng lớn lên, nó càng lếu láo. Nhà ông cụ Khoái ở cuối xóm Đông, vừa quét vôi xong bức tường, nó đem cứt trâu bôi lên ngoe ngoét. Ông cụ ra đuổi, nó ném cả cứt vào mặt khiến ông cụ la làng lên như cháy nhà. Dân trong xóm tưởng cháy nhà thật kéo đến đầy ngõ. Cụ Khoái đang la lối, chợt nghĩ ra điều gì bèn mời tất cả vào trong nhà, giục người nhà đun nước, luộc khoai rồi đứng giữa sân chắp tay vái: "may quá được các ông các bà đến chơi. Mời các ông các bà xơi nước nói chuyện cho vui cửa vui nhà, nhà tôi dễ đến chục năm nay tuyệt không ai thèm lai vãng. Thật là "tân khách bất lai môn hộ tục"  (ông cụ nói chữ - không có khách đến thì cửa nhà trở nên thô tục)..."

 

Sự mất dạy của thằng Hội không dừng ở đấy. Lớn tướng rồi mà tính nó vẫn trẻ con, mắt mũi kèm nhèm, vênh váo, chẳng coi ai ra gì đã đành, nó lại còn đào mả nhà người ta lên nữa. Bữa ấy cả làng náo động, thật đúng câu: "động mồ động mả". Người ta kêu gào, réo rắt nhau từ ngoài cánh đồng về đến làng. Nó đào đúng vào mả nhà ông chánh Cửu. Thật ra bấy giờ, con cháu nhà ông chánh mới biết đó là mả nhà mình căn cứ vào tấm bia bị nó quật lên tênh hênh, xương cốt vãi ra tung toé, chứ hàng bao nhiêu năm nay, đám con cháu ấy có biết nhà mình có mồ có mả gì đâu.

 

May mà làng Kinh chỉ có một thằng hỗn láo như thằng Hội, còn lũ trẻ con trong làng, phần lớn đều ngoan ngoãn, lễ phép. Chúng ra đường, gặp người lớn đáng tuổi ông, khoanh tay chào bằng ông, đáng tuổi bác, chào bằng bác... ấy là nhờ có ông Cải là ông giáo dạy môn đạo đức trong làng. Ông giáo lúc nào cũng cắp một cái cặp sách, mắt đeo kính đen, bước chân đủng đỉnh như người vừa đi vừa thể dục dưỡng sinh. Ông giáo dạy đã mòn đến hàng chục quyển sách, bao nhiêu thế hệ trong làng từng qua lò luyện đạo đức của ông. Những bài ông giảng có lẽ cả ngàn năm nữa vẫn đúng không sai, đám trẻ con nghe như vịt nghe sấm. Chẳng biết chúng có hiểu hay không, nhưng sự cần thiết phải có ông giáo thì không ai chối cãi. Tất nhiên đến cái thằng Hội mù ấy thì là trường hợp ngoại lệ, nó cũng từng học được mấy buổi rồi chửi cả ông giáo mà bỏ giữa chừng. Cách đây mấy năm, nó từng bị công an bắt đưa vào trại cải tạo vì tội đánh người gây thương tích. Bắt nó đi cải tạo, dân làng Kinh mừng rỡ như nhổ được cái ung nhọt, ngay cả bố mẹ đẻ ra nó cũng sung sướng ra mặt, chỉ mong cho người ta trừng phạt, uốn nắn nó nên người.

 

Thằng Hội vào trại cải tạo được một thời gian thì trong làng lại xảy ra lắm chuyện. ấy là đám trẻ con dần dần trở nên hỗn hào ra trông thấy. Chúng ra đường gặp ngưới lớn cứ trơ mắt ếch, không thèm chào hỏi lấy nửa câu. Lại còn đánh chửi nhau, ăn cắp ăn trộm... những việc mà khi thằng Hội còn ở làng, chúng luôn luôn xa lánh. Chẳng biết có phải do đã đến lúc chúng chán cái trò lễ phép cũ rích ngày trước hay không. Cứ như thể những sự mất nết ấy là điều cần phải tồn tại trong làng, nay không có thằng kia thì chúng phải rủ nhau làm thay vậy. Các bậc cha mẹ hoảng hốt lo âu, ông giáo Cải giảng đến mòn cả miệng... Mặc.

 

Tình hình không có gì khả quan, đám trẻ ngày càng láo lếu đến nỗi người lớn ra đường gặp trẻ con cứ như gặp... giặc. Bấy giờ, những người tỉnh táo, sáng suốt mới chợt nhận ra rằng rõ ràng có sự liên quan giữa việc vắng mặt của thằng Hội với tình trạng hiện nay. Theo họ thì trước kia, những bài giảng đạo đức của ông giáo chúng có hiểu hay không không quan trọng. Cái chính là bố mẹ chúng, mỗi khi la mắng, nhắc nhở con cái điều gì đều lấy cái gương tày liếp là thằng trời đánh kia để răn đe. Cái "trực quan sinh động" ấy xem ra có tác dụng ghê gớm, dễ hiểu hơn hẳn những "tư duy trừu tượng" mà ông giáo Cải cố nhét vào đầu bọn trẻ. Sự giải thích này xem ra sặc mùi nguỵ biện hơn là có tính biện chứng đàng hoàng. Dân làng Kinh đang ở trong thời kỳ không ai phục ai, thế mà cái "chân lý" oái oăm kia nhanh chóng được mọi người nhất tề công nhận. Các bậc phụ huynh bèn họp nhau lại, nhất loạt ký tên vào lá đơn xin bảo lãnh cho thằng Hội ra khỏi trại cải tạo. Thế là thằng Hội lại trở về làng. Nó được thể càng mất dạy hơn trước. Song tình thế lúc này đã thay đổi, không như trước kia. Dân làng phải nghiến răng chịu đựng. Thằng đểu ấy có gây gổ, chửi bới hay ăn cắp, ăn trộm của nhà ai cũng không dám mách bảo, hay réo tên bố mẹ nó ra như trước kia nữa. Và cái "trực quan sinh động" ấy quả nhiên phát huy tác dụng. Đám trẻ dần dần trở lại khuôn phép. Mới hay trẻ con nhận ra cái xấu có phần nhanh hơn người lớn. Thằng Hội ngày càng khẳng định "vai trò" quan trọng của mình trong việc giáo dục con trẻ. Các bậc phụ huynh thở phào nhẹ nhõm, thay nhau chiều chuộng nó. Nó cứ việc lông bông phá phách, không làm ra cái gì khả dĩ nuôi thân đã có làng bảo nhau cung phụng. Đám giỗ đám chạp nhà ai chẳng mời nó cũng đến, không dám đuổi đã đành, người ta phải dọn riêng mình nó một mâm. Ban đầu có người còn cảm thấy chướng mắt, lâu dần thành lệ rồi cũng quen quen...

 

Làng Kinh trở lại là một làng quê êm đềm như bao làng quê khác. Đôi khi vẫn xảy ra những vụ mất con gà con vịt, những vụ va chạm, xỉa xói nhau... nhưng tất cả đều không vượt ra khỏi cổng làng. Cụ Cả vẫn ngày ngày được dân làng thay nhau phục dịch và thượng hưởng món ăn ngon. Ông giáo Cải với những bài giảng thuộc lòng vẫn cho ra lò hết lớp học trò này đến lớp học trò khác. Đám trẻ trong làng vẫn lễ phép khoanh tay mỗi khi ra đường trông thấy người lón... Bãi bồi của làng giờ đã nhô ra gần giữa sông. Con sông Đáy vì thế rúc sâu mãi vào cái phần hoang vu phía bên kia, rồi quật đi quật lại. Tự lúc nào, dòng sông đã không còn thẳng tắp như ngày trước nữa rồi./.

 

(Đã đăng trên báo Người Hà Nội)

Phạm Lưu Vũ
Số lần đọc: 4519
Ngày đăng: 10.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chính danh - Phạm Lưu Vũ
Con ma da - Nguyễn Quang Sáng
Con mèo của Foujita - Nguyễn Quang Sáng
Đường còn xa - Anh Động
Nhà hiền triết - Phạm Lưu Vũ
Con chim vàng - Nguyễn Quang Sáng
Con Khướu sổ lồng - Nguyễn Quang Sáng
Tảng thịt tế - Phạm Lưu Vũ
Cách chim không mỏi - Anh Động
Giữ tên miền - Lý Ngọc
Cùng một tác giả
Tai ngược (truyện ngắn)
Tảng thịt tế (truyện ngắn)
Nhà hiền triết (truyện ngắn)
Chính danh (truyện ngắn)
Chuyện làng Kinh (truyện ngắn)
Sự tích núi mồ côi (truyện ngắn)
Ngón tay phật tổ (truyện ngắn)
Xuất xứ (truyện ngắn)
Chuyện vịt (truyện ngắn)
Kẻ vô thừa nhận (truyện ngắn)
Bài ca cuộc sống (truyện ngắn)
Hai anh em (truyện ngắn)
Linh vật (truyện ngắn)
Áo gấm đi đêm (truyện ngắn)
Tửu địa (truyện ngắn)
Vai diễn cuối cùng (truyện ngắn)
Thạch ngôn (tạp văn)
Liệt nữ (truyện ngắn)
Tần Doanh Chính (truyện ngắn)
Đám mổ bò (truyện ngắn)
Cái Kết Có Hậu (truyện ngắn)