Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.194
123.209.510
 
Chương Trình Giáo Dục Ở Nước Ta Những Thập Niên Đầu Thế Kỷ XX
Phùng Thành Chủng

Chương Trình Giáo Dục Ở Nước Ta Những Thập Niên Đầu Thế Kỷ XX Và Những Ông Nghè Cuối Cùng Của Nền Khoa Cử Phong Kiến.

                                                                            

Ngày 01/3 năm Kỷ Mùi, niên hiệu Khải Định thứ 4 (Tây lịch là ngày 01/4/1919) triều đình Huế mở khoa thi Hội. Đây là khoa thi Hội cuối cùng được tổ chức dưới triều nhà Nguyễn và cũng là khoa thi Hội cuối cùng của lịch sử nền khoa cử phong kiến sau gần 900 năm tồn tại. Trước đó, khoa thi Hương cuối cùng tại trường thi Nam Định (Bắc kỳ) đã được tổ chức vào năm 1915 và ở Trung kỳ là năm 1918.

 

Báo trước cho sự cáo chung của nền khoa cử truyền thống là nghị định ngày 21/12/1917 của Toàn quyền Đông dương Albert Sarraut về việc cho ban hành “Quy chế chung về ngành giáo dục ở Đông dương” (thường được gọi là Học chính tổng quy), nhằm mục đích lấy “Tây học” thay “Nho học” để phục vụ cho chính sách nô dịch. Với nghị định này, chữ Hán không phải là môn học bắt buộc đối với hệ “Sơ đẳng tiểu học” (gồm 3 lớp: Đồng ấu: 7 tuổi; Dự bị: 8 tuổi; Sơ đẳng tiểu học: 9 tuổi), nếu trường nào muốn dạy, phải có sự thoả thuận giữa phụ huynh học sinh, hội đồng kỳ mục nơi sở tại và hiệu trưởng, nhưng số giờ dành cho môn học này (nếu có) cũng chỉ là 90 phút mỗi tuần vào buổi sáng thứ năm. Buổi sáng hôm đó, hiệu trưởng không được phép vắng mặt. Khi thầy đồ lên lớp “Phải có người giám sát sao cho việc dạy chữ Nho của thầy đồ đúng với phương pháp dạy chữ Nho đã được Tổng thanh tra học chính thông qua”. Về phía học sinh, học hay không, không bắt buộc. Với hệ “Tiểu học toàn cấp” (gồm 5 lớp: Đồng ấu: 7 tuổi; Dự bị: 8 tuổi; Sơ đẳng tiểu học: 9 tuổi; Trung đẳng tiểu học: 10 tuổi; Cao đẳng tiểu học: 11 tuổi), ngoài sự thoả thuận giữa phụ huynh học sinh, Hội đồng kỳ mục nơi sở tại và hiệu trưởng, còn phải tham khảo ý kiến của Hội đồng hàng tỉnh, nếu được Hội đồng hàng tỉnh nhất trí thì lúc đó Thống đốc (hoặc Thống sứ hay Khâm sứ) mới ra quyết định đưa môn học chữ Hán thuộc môn học bắt buộc, những cũng chỉ bắt buộc đối với hai lớp cuối cấp. Hàng năm, Thống đốc (hoặc Thống sứ hay Khâm sứ) “phải có báo cáo riêng về việc dạy chữ Nho tại các trường này lên Toàn quyền Đông Dương”. Ở bậc Trung học, việc dạy chữ Hán và chữ Quốc ngữ cũng được quy định không quá 3 giờ một tuần. Nghị định này còn quy định: “Kể từ nay (21/12/1917), tất cả các trường dạy chữ Nho hiện có ở Việt Nam, dù là của tư nhân mở, hay của chính phủ Nam triều mở (như trường Quốc Tử Giám) đều xếp vào loại trường tư, và do đó đều phải tuân thủ mọi quy chế của chính quyền”. Trong khi việc dạy và học chữ Hán có những quy định ngặt nghèo như thế, thì thay vào đó là một loạt những môn học mới dành cho các chương trình từ Sơ đẳng tiểu học, Tiểu học toàn cấp đến Trung học:

 

- Môn lịch sử: Học sinh lớp cuối cấp hệ Sơ đẳng tiểu học phải học những vấn đề liên quan đến công cuộc khai hoá của người Pháp ở xứ An Nam. Lớp Trung đẳng tiểu học: “Triều Nguyễn; Trịnh - Nguyễn phân tranh; Cuộc nổi loạn của Tây Sơn; Người Pháp ở xứ Đông Dương; Giám mục Ađrăng; Gia Long và những người kế tục Gia Long: Cuộc chiếm đóng xứ Nam Kỳ của người Pháp; Nền bảo hộ của người Pháp ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ; Sơ lược về tổ chức cai trị của người Pháp ở 3 kỳ”. Lớp Cao đẳng tiểu học phải học: “Lịch sử nước Pháp; Sự nghiệp của nền Đệ tam cộng hoà Pháp; Công cuộc bành trướng thuộc địa của nước Pháp; Đại chiến thế giới (thứ nhất); Lòng trung thành của dân bản xứ các thuộc địa của Pháp, đặc biệt là của Đông Dương”. Ở bậc Trung học phải học: “Sứ mệnh của nước Pháp đối với Đông Dương; Tổ chức bộ máy cai trị của người Pháp ở Việt Nam; v.v...”.

 

- Môn luân lý, học sinh lớp cuối cấp hệ Tiểu học toàn cấp (Cao đẳng tiểu học) phải học: “Bổn phận đối với nước Pháp”, những bổn phận ấy được ghi rõ trong chương trình, gồm bốn bổn phận chính là: “Phải biết yêu kính nước Pháp. Phải biết ơn nước Pháp. Phải cúc cung tận tuỵ với nước Pháp. Phải trung thành với nước Pháp”.

 

- Môn ngoại ngữ, từ lớp Trung đẳng tiểu học (hệ Tiểu học toàn cấp) trở lên, việc giảng dạy phải hoàn toàn dùng tiếng Pháp. Ở bậc Trung học (hệ 4 năm), việc học chữ Pháp là chủ yếu “mỗi tuần có 27 giờ rưỡi lên lớp, thì có 12 giờ chuyên học tiếng Pháp”. Số giờ còn lại tuy dành cho các môn học khác, nhưng cũng hoàn toàn dạy bằng tiếng Pháp.

 

- Ngoài ra, học sinh còn được học các môn như: Toán, lý, hoá....

Với nghị định này, hệ trung học dành cho nam sinh ở Việt Nam lúc đó có các trường:

* Chasseloup – Laubat (Sài Gòn)

* Trường Trung học bảo hộ Hà Nội (Collège du Protectorat à Ha noi).

* Trường Quốc học Huế.

* Trường Trung học Mỹ Tho.

* Và một trường dành cho nữ sinh là trường nữ Trung học Sài Gòn.

 

Hệ quả tiếp theo của nghị định này là đạo dụ ngày 26/11 năm Mậu Ngọ (Tây lịch là ngày 28/12/1918) của Khải Định về việc bãi bỏ khoa cử ở Trung kỳ và quy định các khoa thi cuối cùng (của nền khoa cử truyền thống) sẽ được tổ chức vào năm 1919.

 

Cũng cần nói thêm, trước khi có: “Quy chế chung về ngành giáo dục ở Đông dương”, kể từ khoa Canh Tuất, năm Duy Tân thứ 4 (1910), các khoá sinh đã phải thi thêm môn Quốc ngữ và được tính thêm điểm nếu thi thêm môn Pháp văn. Trong bối cảnh đó, khoa thi Hội cuối cùng (như trên đã nói) đã được tổ chức ngày 01/3 năm Kỷ Mùi, niên hiệu Khải Định thứ 4 (Tây lịch là ngày 01/04/1919). Ngày 28/03 (Tây lịch là ngày 28/04) công bố kết quả. Ngày 16/04 (Tây lịch là ngày 15/05) 23 người được lấy đỗ bước vào kỳ thi Đình để định cao thấp với đề thi là bài văn sách bàn về hai chữ “Văn Minh” của Khải Định. Trước lúc hạ màn, khoa thi này đã kịp bổ sung cho danh sách các nhà khoa bảng của nền khoa cử truyền thống 7 Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân và 16 Phó bảng. Những người này, theo thông báo của Phủ khâm sứ, “tuy vẫn còn được giữ những danh hiệu học vị cũ, nhưng sẽ không có giá trị trong việc bổ nhiệm”! Thật ra, không phải chờ đến lúc đó mà ngay từ những năm đầu của thập niên trước, nhà thơ Tú Xương đã ngán ngẩm cho cái sự học chữ Nho buổi giao thời:

 

“Nào có ra gì cái chữ Nho

Ông nghè, ông Cống cũng nằm co;

Chi bằng đi học làm thầy Phán

Tối rượu Sâm banh, sáng sữa bò....”

 

Sau đây là danh sách 23 vị được lấy đỗ (xếp theo thứ tự từ cao đến thấp):

 

 ĐỆ TAM GIÁP ĐỒNG TIẾN SĨ XUẤT THÂN (7 VỊ):

 

1. Nguyễn Phong Gi (Thanh Hóa)        2. Trịnh Hữu Thăng (Nam Định).

3. Lê Văn Kỷ (Hà Tĩnh)                           4. Nguyễn Cao Tiêu (Thanh Hoá)

5. Bùi Hữu Hưu (Thừa Thiên)                 6. Vũ Khắc Triển (Quảng Bình)

7. Dương Thiệu Tường (Hà Đông)

 

PHÓ BẢNG (16 VỊ):

 

1. Nguyễn Xuân Đàm (Hà Tĩnh)  2. Bùi Hữu Thứ (Thừa Thiên)

3. Chu Văn Quyền (Thừa Thiên)             4. Mai Chiểu (Thanh Hóa)

5. Phạm Đình Long (Quảng Nam)          6. Đặng Văn Oánh (Nghệ An)

7. Trần Nguyên Trinh (Nghệ An)            8. Lê Nguyên Lượng (Quảng Trị)

9. Nguyễn Hà Hoằng (Quảng Nam)        10. Hà Văn Đại (Hà Tĩnh)

11. Lê Viết Tạo (Thanh Hoá)                    12. Nguyễn Tấn (Nghệ An)

13.Nguyễn Ngọc Hoàng (Khánh Hoà)   14. Nguyễn Cư (Quảng Bình)

15. Đặng Văn Hướng (Nghệ An)            16. Hoàng Yên (Thừa Thiên)

 

Như vậy, kể từ khoa thi đầu tiên được tổ chức vào năm Ất Mão (1075) dưới đời Lý Nhân Tông đến khoa thi cuối cùng được tổ chức vào năm Kỷ Mùi (1919) dưới đời Nguyễn Bửu Đảo (Khải Định), lịch sử nền khoa cử phong kiến sau ngót 900 năm tồn tại đã có tất cả 188 khoa thi (đại khoa), lấy đỗ được 2898 vị, trong đó có 46 Trạng nguyên, 48 Bảng nhãn, 76 Thám hoa, 2462 Tiến sĩ và 266 Phó bảng.

  

Tài liệu tham khảo:                                          

- Việt Nam những sự kiện lịch sử tập II: 1897 – 1918 (NXB Khoa học xã hội – Hà Nội 1982); Tập III: 1919 – 1935 (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1988)

- Các nhà Khoa bảng Việt Nam (NXB văn học - Hà Nội – 1993)

- Niên biểu Việt Nam (Vụ bảo tồn Bảo tàng – Hà Nội 1968)

Phùng Thành Chủng
Số lần đọc: 2820
Ngày đăng: 23.09.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vụ án “Về kinh bắc”, một sự kiện “hậu nhân văn” - Hoàng Hưng
Cước chú cho Vụ án ‘’ Về Kinh Bắc’’, một sự kiện ‘’ hậu Nhân Văn’’ - Nam Dao
Một Ký Sự Của Vũ Bằng Tháng 7/1945 - Lại Nguyên Ân
Vụ Nhân Văn – Giai Phẩm Từ Góc Nhìn...-1 - Lê Hoài Nguyên
Vụ Nhân Văn – Giai Phẩm Từ Góc Nhìn...-2 - Lê Hoài Nguyên
Saigon - Australia những năm đầu của hàng không - Nguyễn Đức Hiệp
Sài Gòn – hậu bán thế kỷ 19 - Nguyễn Đức Hiệp
Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn Vị Thánh Tương Hiền Minh Triều Trần - Phùng Văn Khai
Thử hỏi về một vài địa danh thắng cảnh ở Bình Thuận ? - Phan Chính
Wang-Tai là ai? - Nguyễn Đức Hiệp
Cùng một tác giả
Nhà thiện xạ! (truyện ngắn)
Bán Khoán. (truyện ngắn)
Bà Tôi (truyện ngắn)
Lan Man Chuyện (tạp văn)
Đi Tìm Vua Lê (truyện ngắn)
Người Khôn Ngoan (truyện ngắn)