Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.168
123.223.932
 
Bông
Kim Quyên

Tin Bông lấy chồng làm tôi chưng hửng. Không lẽ việc hệ trọng vậy mà bạn thân như tôi nó không thông báo. Nếu quả thật nó lấy chồng đột ngột thì chắc phải có sự cố gì đây.

 

Tôi gọi điện tới cơ quan hai ba lần không gặp. Viết thư cũng không thấy nó hồi âm. Nóng lòng muốn về quê hỏi cho ra lẻ mà công việc lu bù dứt không ra. Con nhỏ làm tôi tức điên lên được.

 

Đàn bà con gái lớn lên lấy chồng là chuyện thường tình, nhưng trường hợp con Bông có khác. Năm nay nó đã bốn mươi tám (tuổi Tỵ, tuổi lận đận tình duyên) tánh tình khó khăn lại hay đau bệnh làm sao lấy chồng cho được. Nhưng điều quan trọng hơn cả là nhiều lần nó tâm sự với tôi, nó sẽ ở vậy luôn để tôn thờ một mối tình đầy thơ mộng, lãng mạn với anh chàng họa sĩ người miền Bắc.

 

 

Năm 1970 nó làm giao liên hợp pháp cho một đường dây của Tỉnh ủy. Nhờ nhan sắc mặn mà lại có chút học thức (nữ sinh lớp đệ nhất trường Lê Ngọc Hân) nên công việc  trôi chảy. Vừa đi học, vừa công tác, nó đi đi về về khu vườn mận Hồng Đào gần Trung Lương mà không bị ai nghi ngờ.

 

Mối tình xảy ra vào những năm ác liệt đó. Anh chàng họa sĩ là sinh viên trường Mỹ thuật Hà Nội, xung phong đi chiến trường miền Nam để góp phần đánh Mỹ và phát huy nghề nghiệp. Từ Bắc vô Nam không có sự cố gì, đến Đạo Thạnh (quê con Bông) khi băng qua Quốc lộ Bốn thì đụng tao ngộ, bàn tay rút chốt lựu đạn không quen nên gây sự cố, trái lựu đạn làm dập nát bàn tay phải. Người ta dìu anh về trạm y tế xã ở gần khu vườn  của con Bông để điều trị. Mẹ nó là cán bộ Hội Phụ nữ xã, bà tới lui trông nom chăm sóc anh, có lần bà sai Bông đem cơm. Vậy là hai người quen nhau, tiếng sét ái tình nổ ra ngay sau đó.

 

Tình yêu của những cặp sinh viên, học sinh thời tao loạn lãng mạn, thơ mộng và mãnh liệt đến mức nào chắc ai ở trong hoàn cảnh đó thì hiểu rất rõ.

 

Không biết chuyện  của con Bông với anh đó đến giai đoạn nào mà mỗi lần gặp tôi (tôi học cùng lớp nhưng công tác bên bộ phận sinh viên, học sinh thành thị) nó khoe mấy bức tranh của anh chàng vẽ cảnh nó đứng cạnh cây mận Hồng Đào. Tranh giống như tranh Tố Nữ, nhưng tôi chê :

 

- Đẹp thì có đẹp mà không giống mày, giống tranh vẽ cóp của Tàu. Đường nét tranh ủy mị không giống tính cách mày. Cái miệng chúm chím như hoa đào trong khi miệng mày rộng tới mép tai.

 

Mặt nó xịu xuống, giọng buồn buồn:

 

- Mày vừa  phải thôi. Dẫu gì thì cũng là kỷ vật của người tao yêu. Mày không tôn trọng tình cảm của tao. Nói thiệt, từ khi gặp anh Huy, tao càng hăng say công tác, mong sao cho mau đến ngày hòa bình.

 

Con Bông nói mà đôi mắt mơ màng nhìn vào cõi xa xăm. Rồi nó đưa hình và thư của người yêu cho tôi đọc.

 

Bông yêu quý của anh !

 

Khi nhận được thư này thì anh đã xa rồi. Hiện anh đang ở  Chợ Gạo, nằm trong xã trắng  Hòa Tịnh. Bom đạn ác liệt lắm em à. Ngày ngồi trong mấy bụi dừa nước, đêm mới được vào nhà dân.

 

Mặc máy bay Mỹ quầng rú, anh vẫn cố gắng tranh thủ vẽ chân dung em qua trí nhớ. Anh gởi em hai bức tranh vẽ quê hương Chợ Gạo. Mong em giữ kỷ vật này làm tin, xem như có anh bên cạnh (anh vẽ bằng tay trái đó).

 

Chưa lúc nào anh mong ngày chiến thắng như lúc này. Mong đợi từng ngày được gặp lại em yêu …”.

 

Thư viết ba trang giấy học trò, nhàu nát, ố vàng, có nơi mực bị nhòe, không biết do bị ẩm ướt hay do nước mắt của con Bông nhưng cầm bức thư, đọc đi đọc lại tôi cũng buồn lây với nó.

 

Thư qua thư lại được một năm rồi thưa dần và sau đó biệt tăm.

 

Do công tác hợp pháp, Bông không dám dò la tin tức nhiều. Mối tình chưa được trình báo lên tổ chức nên dẫu anh Huy có hy sinh cũng không ai biết đường đâu mà báo cho nó.

 

Trước ngày toàn thắng Ba mươi tháng Tư, Bông bị lộ vì có người điềm chỉ, bị ty cảnh sát Định Tường theo dõi, nó lặn sâu vào vùng giải phóng, nhân đó hỏi thăm tin tức thì có người nói anh Huy hy sinh rồi.

 

Con Bông vẫn không mất niềm tin, hễ có dịp là nó hỏi thăm về anh Huy. Mới đây nó còn nhắn tin trên T.V mục Nhắn tìm đồng đội. Nó nhắn thì nhắn nhưng tôi biết không đi tới đâu. Nếu có tìm được nơi chôn cất anh Huy, người ta cũng báo về gia đình chớ nó có quan hệ gì  với ảnh mà nhắn cho nó.

 

Tôi khuyên hoài nhưng con  Bông không nghe, nó nói lúc chiến tranh không có điều kiện tìm kiếm gốc tích, nơi chỗ ảnh hy sinh, bây giờ có điều kiện rồi lẽ nào không tìm ra gia đình, mồ mả ảnh hay sao. Nó bảo khi nào để dành được khá tiền, nó với tôi ra Bắc tìm thăm gia đình anh Huy.

   

Tôi thương con Bông, nhiều lúc nhìn tuổi xuân của nó trôi qua mà thầm tiếc. Có lần tò mò, tôi hỏi :

 

- Lớn tuổi rồi sao không lập gia đình ? Thiếu gì đám xứng đáng mà mày không ưng. Hay mày với anh ấy đã … nên mày ngại lấy chồng ? Nếu không có gì sâu sắc thì làm gì phải thủy chung như vậy ? Có người cưới nhau  rồi còn bỏ đi lấy chồng khác huống hồ gì như mày. Hòa bình hai mươi mấy năm còn gì nữa mà chờ đợi.

  

Bông nhìn tôi buồn rầu :

 

- Mầy có đọc bài thơ “Đợi chờ” của Ximônôp chưa ? Có khi tao chờ riết ảnh sống lại, ảnh về với tao đó. Mày là đứa không biết yêu đừng bàn chuyện đó với tao. Một tỉ, một vạn con người ta chỉ tìm được một người là của mình. Mất đi rồi không có người thứ hai, mày  hiểu  chưa ?

 

Tôi an ủi nó :

 

- Nói như mày, trên đời này ai thất bại vì tình đều ở vậy hết sao ?

 

- Họ khác tao khác, mỗi người có một quan điểm riêng, vậy mới có người thủ tiết thờ chồng được. Tình yêu của tao thuộc loại cổ điển, không giống ai hết. Đừng có lấy chuyện  thường tình mà ghép với chuyện của tao.

 

Qua nhiều cuộc đấu lý về việc chồng con, tôi nghĩ trái tim Bông đã khép lại rồi. Nó không phải như tôi hay như người khác. Tình yêu của nó son sắt lạ lùng lắm, tôi không lý giải nổi.

 

Vậy mà bây giờ, tại sao nó đi lấy chồng ?

 

Tôi nôn nóng muốn biết thực hư ra sao ? Bạn tôi đã tìm được hạnh phúc rồi chăng ? Gần năm mươi tuổi , nó phải có một mái ấm với người ta, sống mà cô quạnh quá khó sống lắm. Sống nghèo, sống cực đã khổ nhưng sống cô đơn thì nên chết đi là hơn. Sống mà không có ai để yêu thương, bận bịu thì còn ý nghĩa gì để sống nữa ?

 

Đường vô nhà bạn tôi từ quốc lộ Bốn phải tẻ vô hai cây số nữa.  Mùa này mưa dầm, đường ruộng trơn trượt, nhớp nháp khó đi vô cùng.

 

Tôi bước đi trên con đường nhỏ ngoằn ngoèo còn đọng nước mưa của trận mưa ngày hôm trước.Tay xách giày, quần xắn khỏi đầu gối, chân bấm chặt xuống lớp đất sét nhão nhẹt, tôi băng qua hai thửa ruộng,  hai khu vườn mận mới tới ngỏ quẹo vô nhà nó. Khi bước lên cây cầu dừa, sơ ý hụt chân, tôi nhảy ùm xuống con  mương nhỏ. Đám trẻ lối xóm bu lại, chúng nó nhìn tôi che miệng cười. Rồi một đứa đưa bàn tay nhỏ xíu kéo tôi lên.

 

Ái chà ! Nước sao mà giống nước đá như vầy. Hai, ba cu cậu nữa cũng đưa tay xuống nhưng tôi vẫn loay hoay với mấy cái túi xách, lại thêm đôi giày lún xuống bùn, khó có thể bước lên. Một đứa quýnh quáng chạy đi kêu ai đó, chốc sau nó trở lại dẫn theo người đàn ông.

 

Đến bên cạnh ao, người đó gật đầu chào tôi, mỉm cười hiền lành, còn tôi như bị hóa đá giữa dòng nước lạnh lẽo. Quái lạ ! Người đàn ông này sao giống hệt như người đàn ông trong hình Bông đưa cho tôi. Tôi ngẩn ngơ quên cả việc leo lên bờ.

 

Người ấy đưa tay cho tôi níu. Ôi chao ! Cái bàn tay cũng bị tật giống như bàn tay của anh Huy mà con Bông mô tả. Đích thị rồi ! Người cũ của nó chớ còn ai nữa.Hèn gì!

 

Tôi vô cùng kinh ngạc, vội bươn lên bờ. Quảy giùm tôi hai cái giỏ, anh ta
bước nhanh về nhà Bông, đàng sau đám trẻ gọi giật giọng :

 

- Cô gì ơi ! Còn đôi giày chưa mò, nổi lên một chiếc đây nè !

 

Anh ta bươn bả quay trở lại. Tôi cố cản ngăn nhưng anh cười hiền lành.

 

- Có gì đâu, sẵn ướt mình tôi lấy lên dùm cô luôn. Xin lỗi … phải cô là bạn của Bông không ?

 

- Dạ. Em tên Thu, còn anh ?

 

- Tôi cũng là bạn cô ấy. Thôi cô vào nhà tắm giặt đi. Bông bị bệnh hổm nay nghỉ làm  còn  ở nhà.

 

Lạ quá ! Giọng anh ta đặc sệt Nam bộ, còn anh Huy là người Hà Nội kia mà !

 

Tôi đi nhanh vào. Ba của Bông đang tưới mấy chậu hoa, thấy tôi ông nheo mắt nhìn. Nhận ra người quen, ông lão cười :

 

- Chèn ơi ! Ở  thành phố riết quên đi cầu khỉ rồi phải hôn ? Vô nhà tắm rửa đi con.

     

Tôi vào nhà. Bông nằm trên võng. Thấy tôi, nó mừng rỡ ngồi dậy.Tôi cằn nhằn:

 

- Tao điện cho mày mấy lần không gặp. Không biết mày có chuyện gì không nên tao lội xuống coi. Mày thiệt tình….

 

- Tao đau hổm nay có đi làm đâu. Đi tắm đi rồi nói chuyện, nhiều chuyện lắm.

 

Nước mưa mát lạnh .Trên đầu, mấy chùm mận Hồng Đào đỏ hồng căng  mịn. Tôi mặc vội quần áo rồi đưa tay hái một chùm gần nhất.

 

Vùng này, chỉ độc nhất nhà nó còn giống mận Hồng Đào. Hầu hết nhà vườn ở đây đã đổi giống mận xanh Ấn Độ. Loại mận mới này cơm dầy, không hột, ít sâu, trái nhiều nhưng mùi vị lạt lẽo. Nhà vườn bây giờ ngày càng chạy theo số lượng, trái cây rau quả lai tạo riết không còn mùi vị gì cả.

 

Tôi bỏ miếng mận vào miệng , chua chua, ngọt ngọt, giòn giòn, mùi mận của nó riêng biệt, không lẫn mùi nào. Nhà nó lạ hơn người ta, tuy Hồng Đào không đem lại kinh tế nhưng ba nó vẫn giữ nguyên giống mận ngon có tiếng này.

 

- Mận năm nay bán được khá không Bông ?

 

- Tao không xịt sâu nên thất, nhờ nhãn tiêu bù qua. Mày hái ăn đi, thiếu gì đó. Xuống chơi chừng nào về ?

 

Tôi ngồi cạnh Bông, nhìn gương mặt xanh mét của nó, lo lắng hỏi :

 

- Bớt bệnh chưa ?  Bộ mày tìm được người yêu cũ rồi hả ?

 

Bông lắc đầu :

 

- Người giống người chứ không phải anh Huy đâu. Anh này là bạn kết nghĩa với anh Hai tao, người Cà Mau, bộ đội Quân khu 9 , vợ bị pháo bắn mất rồi. Anh Hai tao thấy giống anh Huy quá dẫn về cho tao đó.

 

- Mà sao bàn tay cũng bị thương y như anh Huy vậy mày ?

 

- Vậy mới lạ. Nhìn ảnh, tao  nghĩ  chắc ông Trời thấy tao tội nghiệp quá cho anh Huy lên đầu thai lần nữa. Thấy mặt ảnh là tao thương liền, không cần biết tánh tình hay gia thế ra sao . Giá ảnh còn vợ chắc tao cũng không ngại. Mối tình đầu sao kỳ lạ vậy không biết.

 

Tôi trách :

 

- Mày vô tình quá, có nơi có chỗ mà không cho tao hay. Tao trăm công nghìn việc phải bỏ đi xuống đây. Mà thôi ! Mày được như vậy tao mừng. Đời mày kể cũng lạ, tự nhiên về già lại vớ được ông chồng. Chắc nhờ mày đợi chờ hoài nên anh Huy trở lại đó. Rồi chừng nào làm đám cưới ?

 

- Tính tháng sau. Mày lo thu xếp rồi về phụ tao. Định viết thư cho mày hay mà đau cả tháng nay có ăn uống gì đâu. Chuyện nhà một tay anh Bình làm hết đó.


Chắc do tao lo công việc cơ quan nhiều. Công ty, xí nghiệp bây giờ mọc ra như nấm, công việc quản lý không xuể mày ơi. Tao nằm đây mà nóng như lửa đốt, bỏ tụi nó làm vất vả quá.

 

- Chuyện nước mày đã tròn, bây giờ lo chuyện nhà là vừa. Gần năm mươi rồi, còn sống bao nhiêu ngày nữa đâu.

 

Tôi nghe tiếng gà kêu phía sau vườn rồi tiếng người đàn ông hỏi vọng vào:

 

- Bắt con mái tơ được không em ?

 

- Được. Anh  nấu cháo hết đi,  đãi con Thu một bữa.

 

Tôi đứng lên :

 

- Để tao ra phụ ảnh. Mày nằm đây đi. Mới có chồng bày đặt nhõng nhẽo .

 

Bông nhìn tôi cười, lần đầu tiên tôi thấy mắt nó lấp lánh ánh hạnh phúc. Đôi mắt đã bớt buồn khiến tôi cũng vui lây.

 

Tôi phụ anh Bình làm gà. Anh bắc nồi cháo lên bếp củi, khói lam tỏa nhẹ lên mái nhà trong buổi chiều tà khiến  cho cảnh vật thêm  ấm áp, dễ chịu .

 

Anh Bình làm nhanh và gọn như đàn bà. Vừa làm, hai anh em vừa chuyện trò. Tôi hỏi:

 

- Anh bị thương trận nào mà tay bị tật vậy anh Bình ?

 

- Tôi gài trái vô ý nổ, tự mình hại ta chứ có đánh chác được ai đâu.

 

- Nghe nói chị nhà mất rồi hả anh?

 

- Ờ. Cô ấy bị bom trộm mất năm 69.Thôi nhắc chuyện cũ làm gì, buồn lắm Thu ơi !. Cô Thu có gia đình rồi à ?

 

- Dạ có mà thôi rồi . Anh ấy cũng bộ đội.

 

- Sao kỳ vậy ?

 

- Không hạp thì không sống với nhau nữa, có gì mà kỳ.

 

- Không kỳ sao được. Bộ đội tình cảm lắm mà sao không sống với nhau được, lỗi tại ai vậy ?

 

- Chắc tại em chớ tại ai . Kìa ! Gà mềm rồi, anh vớt ra đi. Tôi vội đánh trống lãng. Anh nêm nếm sao cho vừa miệng con  Bông , để em xắt chuối ghém cho.

 

- Chuối để chỗ sàn nước. Cô đổ nước vắt miếng chanh rồi xắt cho mỏng, tôi đi hái rau răm.

 

Anh Bình tất tả đi về phía cuối vườn. Dáng cao và gầy trong bộ đồ xanh bạc màu, trông anh có vẻ khắc khổ, nếu đi chung với con Bông nhìn không được xứng đôi.

 

Nồi cháo dọn lên nghi ngút khói. Tôi ngồi cạnh ông cụ, anh Bình ngồi kề con Bông. Anh gắp thịt bỏ cho ông cụ, tôi và con Bông. Anh nài nỉ Bông ăn từng miếng cháo. Nhìn kỹ gương mặt mới thấy nó xanh xao hốc hác. Đôi mắt bồ câu hơi xếch đã trũng sâu. Miệng cười héo queo, chiếc cổ trắng trẻo thon cao bây giờ càng cao hơn. Hay là nó… có bầu. Nó “ ăn cơm trước kẻng” rồi chăng ? Tôi bỗng cười thầm một mình. Nó mà có bầu, cái bụng tự nhiên nổi lên to ềnh, bước đi è ễnh nhìn chắc ngộ lắm.

 

Không biết có ai gần năm mươi tuổi mới sinh con đầu lòng hay không ? Chắc chỉ có mình nó lạ đời vậy chớ  có ai.

 

Sau đám cưới hai tháng Bông điện lên  cho tôi hay nó có thai. Tôi không dám hỏi thai mấy tháng sợ nó quê, nhưng qua giọng tíu tít của nó mô tả cái thai chòi đạp mạnh tôi biết thai cũng khá lớn rồi. Thôi thì thai lớn, thai nhỏ gì cũng là có thai.


“Mẹ già con mọn chơi vơi”, sanh càng sớm càng tốt, muộn mằn quá rồi.

 

Tôi bảo nó lên bệnh viện Từ Dũ thăm khám xem thai khoẻ không, nó nói không có thời gian, vả lại đi thăm khám hoài mắc cỡ, chừng nào sanh nó lên thành phố cho yên tâm.

 

Nó tính như vậy cũng được. Vậy là nó sắp làm mẹ rồi. Ai mà ngờ, cuối cùng rồi nhỏ bạn tôi cũng được làm vợ, làm mẹ như người ta. Đời nó như đóa hoa nở buổi ban chiều.

 

Sáng nay, vợ chồng con Bông lên. Anh Bình xách hai tay bốn giỏ. Nào gà, vịt, trái cây, gạo nếp, đồ đạc dụng cụ chuẩn bị cho một sản phụ, không thiếu thứ gì. Ngay cả cuộn giấy vệ sinh anh Bình cũng mua sẵn.

 

Bông lôi trong giỏ ra khoe với tôi từng bộ đồ, mỗi cái áo nó còn chịu khó thêu tên con. Chưa sanh mà đã đặt tên trước. Trai gái gì cũng lấy tên Hồng Đào, tên loại mận quê nó.

 

Cảnh người già có con nhìn thật buồn cười. Tíu ta tíu tít, lo sảng lo quàng, cái gì không ra cái gì, lo nhiều cái không đáng lo. Tôi cười bảo:

 

- Tao cũng may sắm cho mày một số. Thứ nào cần thì mua, con nít giống trái bầu trái bí, nó lớn như thổi mua chi cho nhiều, mặc vài tháng bỏ. Thành phố thiếu thứ gì mà anh Bình mua ba cái giấy vệ sinh xách đi cho lùm tùm.

         

Anh Bình cười ngượng nghịu:

 

- Anh nói Bông không nghe. Nó kêu phải sắm cho đủ, rủi sanh rớt cũng có đồ dùng. Tánh nó xưa nay như vậy, chắc Thu hiểu rõ hơn anh.

 

- Hai ông bà tắm rửa, cơm nước rồi ngủ sớm. Sáng đi bệnh viện coi có dấu sanh chưa. Nếu đêm nay không ổn thì cứ vào bệnh viện. Ở đây bác sĩ trực một trăm phần trăm, không lo gì cả.

 

Đã một giờ khuya mà con Bông vẫn oằn oại trong cơn đau. Nó đau bụng suốt từ sáng đến giờ. Bác sĩ bảo khung xương chậu hẹp, tử cung chưa nở trọn, lại vỡ  bọc ối trước, chắc phải mổ bắt con.

 

Mổ bắt con thì mổ, nó chỉ sanh lần này thôi chớ đâu còn lần nào nữamà lo. Anh Bình  đồng ý ký vào tờ cam kết.

 

Mồ hôi đầm đìa trên lưng áo, trên thái dương, đôi môi tím bầm vì những đợt đau xé ruột, khi nghe tôi nói phải mổ bắt con, chẳng những Bông không sợ hãi mà trong đôi mắt của nó ánh lên niềm vui kỳ lạ. Giọng nó mệt nhọc nhưng đầy âu yếm :

 

- Nếu mổ, không phải chui ra chỗ dơ bẩn, sau này chắc nó thông minh lắm. Ông trời con này sao lì lợm quá không biết. Trông  từng giây, từng phút mà nó không chịu chun ra.  Tôi cầm đôi tay lạnh ngắt của bạn , động viên:

 

- Mày đừng sợ. Mổ bây giờ như mổ gà. Tao có nhỏ bạn sanh ba lần mổ đủ
ba lần  vậy mà con nó tròn vo, dễ thương lắm.

 

- Ui da ! Mày ra giục bác sĩ mổ  đại dùm tao đi … ! Ui da…

 

Tôi bước qua phòng bác sĩ trực nói đề nghị của nó rồi ra phòng  chờ.

 

Từ lúc Bông vào phòng mổ anh Bình như ngồi trên lửa, hết đi đi lại lại rồi hỏi tôi đủ thứ chuyện. Tôi cũng nói huyên thuyên để quên đi nỗi lo đang đè nặng trong lòng.

 

- Ai là người nhà của chị Nguyễn Thị Bông ?

 

- Dạ tôi.

 

Anh Bình lật đật đứng lên, theo cô y tá vào phòng sanh. Nhìn gương mặt người nữ hộ sinh bỗng dưng tôi linh cảm điều gì chẳng lành. Người đã “đi biển” như tôi từng biết thế nào là sóng to gió lớn của người ra khơi.

 

Hay là con Bông … Trời ơi ! Nếu nó có mệnh hệ nào ! Bất giác, tôi bước đến cạnh cửa phòng nghe ngóng, nhưng không một tiếng động, chỉ có mùi ête thoảng ra hăng  nồng.

 

Cánh cửa xịch mở. Anh Bình lóng ngóng bước ra, gương mặt thất sắc.

 

Ngồi phệt xuống chiếc băng đá, đầu tóc rũ rượi, anh ôm mặt, đôi vai rung rung.

 

- Gì vậy anh Bình ?

 

- …..

 

- Chuyện gì anh Bình ?

 

- Tại  sao như vậy được ? Bấy lâu trông đợi một đứa con… mà bây giờ nó

 

Tiếng anh Bình kêu lên thảng thốt, vang vọng giữa đêm khuya, trong khu hành lang vắng tanh của bệnh viện.

 

- Anh Bình à ! Anh bình tĩnh lại, nói cho em nghe coi chuyện gì  ?

 

Đôi vai gầy vẫn rung rung, anh như chìm sâu xuống nỗi đau khổ, tuyệt vọng, không ngoi lên được.

 

Cửa phòng sanh mở rộng. Người ta đẩy xe ra. Bông nằm mê man trên băng ca. Cô y tá ngoắc tôi lại gần, trao đứa bé.

 

Tôi giật mình lùi lại. nó không phải đứa bé bình thường, nó là khối thịt đỏ hỏn với gương mặt méo xệch, chỉ có một con mắt lồi ra, miệng là cái lỗ nhỏ đen ngòm … Tôi không dám nhìn lâu, cũng không dám hỏi cô y tá điều gì. Đầu óc như mê muội.

 

Hiểu được tâm trạng tôi, cô tiếp tục bồng sanh linh bé nhỏ đó, vừa đi vừa động viên :

 

- Chị phải bình tĩnh, người nhà đã hoảng hốt, chị đừng làm họ kinh động thêm.Gương mặt nó không bình thường nhưng vẫn nuôi nấng được. Có những ca còn  tội nghiệp hơn, hai cháu dính liền  nhau mà chỉ có một cái đầu. Có người sinh đến sáu, bảy lần cũng vẫn quái thai. Khổ lắm chị à ! Những vùng có chiến tranh thường là vậy mà.

 

- Tôi đã làm mẹ, tôi biết rõ nỗi đau của người mẹ gặp trường hợp này. Tội nghiệp bạn tôi, gần năm mươi tuổi mới đựơc đứa con …

 

- Chị à ! Chị đừng khóc nữa. Một chút chị ấy tỉnh thuốc mê, chị lựa lời khuyên nhủ. Người mới sanh, xúc động quá nguy hiểm lắm. Chị cố gắng giúp anh ấy vượt qua giây phút này.

 

- Nó trai hay gái vậy chị ?

 

- Con trai, cơ thể bình thường chỉ có gương mặt dị tật. Nuôi được, không sao đâu. Chị bồng nó về phòng cho uống  sữa đi, nó đói rồi đó. Cố gắng an ủi người chồng nghe chị.

 

- Dạ. Chị đưa cháu cho tôi. Gia đình tôi cám ơn chị nhiều.

 

- Tôi ôm sinh vật nhỏ bé vào lòng. Hơi ấm từ cơ thể nó chuyền sang khiến  tình mẫu tử  trong tôi lay động. Dẫu gì thì nó cũng là đứa con mong đợi của vợ  chồng con Bông, nó như là con tôi.

 

- Đưa nó đây anh !

 

Anh Bình đưa tay đón con, bàn tay lóng ngóng rung rung. Anh ngồi nép bên góc giường, đưa đôi mắt hoảng loạn len lén nhìn nó.

 

- Anh Bình à ! Anh phải bình tĩnh để lo cho con Bông. Dẫu sao nó cũng là con anh. Cô y tá nói nó vẫn sống được đó. Sau này có thể phẫu thuật chỉnh hình, anh đừng lo nhiều sanh bệnh. Anh ngồi đây đi, em ra cổng mua sữa cho nó.

 

Tôi đi ra cổng bệnh viện, đứng tựa lưng vào gốc phượng  vừa lác đác mấy bông hoa đỏ thắm. Bên kia đường là khoa Nhi. Mấy cặp vợ chồng chở con vào thăm khám, những đứa trẻ mũm mĩm hồng hào, quần áo sạch đẹp bên cạnh cha mẹ chúng lịch sự, sang trọng. Nhìn họ, lòng tôi nhói lên nỗi thương xót vợ chồng con Bông.

 

Chiến tranh vẫn đeo đuổi cuộc đời nó đến cùng. Bóng ma dĩ vãng vẫn đè nặng lên hạnh phúc nhỏ nhoi mà nó vừa chắt chiu được lúc cuối đời.

Kim Quyên
Số lần đọc: 2823
Ngày đăng: 13.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đạo Tưởng - Nguyễn Quang Sáng
Gà sanh đôi - Nguyễn Quang Sáng
Chuyện làng Kinh - Phạm Lưu Vũ
Chính danh - Phạm Lưu Vũ
Con ma da - Nguyễn Quang Sáng
Con mèo của Foujita - Nguyễn Quang Sáng
Đường còn xa - Anh Động
Nhà hiền triết - Phạm Lưu Vũ
Con chim vàng - Nguyễn Quang Sáng
Con Khướu sổ lồng - Nguyễn Quang Sáng
Cùng một tác giả
Mùa dưa gang (truyện ngắn)
Mưa nửa đêm (truyện ngắn)
Bông (truyện ngắn)
Đám cưới vùng sâu (truyện ngắn)
Hàng xóm (truyện ngắn)
Lá rụng (truyện ngắn)
Nắm tro (truyện ngắn)
Nghiệp văn (truyện ngắn)
Người ấy (truyện ngắn)
Người dưng khác xứ (truyện ngắn)
Sóng ngầm (truyện ngắn)
Vợ chồng già (truyện ngắn)
Sen (thơ)
Cúc (thơ)
Hồng (thơ)
Mai (thơ)
Đi Biển (truyện ngắn)