Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.122
123.228.667
 
Đám cưới vùng sâu
Kim Quyên

Trong bộ áo dài màu xanh da trời, con Mến đứng trang nghiêm trước bàn thờ, đôi mắt nhìn tấm ảnh cậu tôi, miệng lâm râm khấn vái :

 

- Ba có linh thiêng về chứng giám cho con, hôm nay là ngày con theo chồng, ba phù hộ cho tụi con được vuông tròn hạnh phúc ...


Nó thút thít khóc, đôi mắt trũng sâu vì lo lắng nhiều. Chiếc áo dài màu xanh  da trời càng làm nổi lên gương mặt có nước da bánh mật và lấm chấm mụn của nó. Dáng cao dong dỏng, cái lưng tôm tôm giống hệt cậu tôi. Phấn son, tơ lụa cũng không che được vẻ khắc khổ trên người nó, đứa con gái xấu xí của cậu tôi, năm nay tròn bốn mươi tuổi mới lấy chồng.

 

Cô bác, họ hàng đã ngồi đầy ba dãy bàn. Người nào cũng quần áo chỉnh tề để dự lễ lạy xuất giá.

 

Mợ tôi đứng trước bàn thờ, chấp tay xá mọi người, giọng rưng rưng :

 

- Thưa cô bác hai bên Nội, Ngoại của con Mến.

           

Con xin trình với cô bác hai bên Nội Ngoại, hôm nay con gả con Mến. Cô bác uống với cháu ly rượu và nhận mấy lạy để cháu đền đáp ơn nghĩa cô bác, họ hàng bấy lâu đã bảo bọc cho cháu nên người. Con xin ghi lòng tạc dạ công ơn của cô bác họ hàng ...        

 

Mến rót ly rượu trắng đưa má tôi, nói nhỏ nhẹ :

 

- Dạ con mời cô Hai uống ly rượu mừng với con. Mấy năm giặc giã cô Hai giúp đỡ ba con rất nhiều. Từ khi ba hy sinh, cô Hai phụ má con nuôi thằng Quí ăn học. Công cô như biển trời xin nhận mấy lạy để gọi là chút lòng biết ơn của con.

 

Má tôi kéo Mến đứng lên, nói :

 

- Bây đừng làm như vậy, thời buổi văn minh, chế bớt lễ nghĩa đi, con xá ba xá là đủ rồi. Nay con thành gia thất cô rất mừng. Ráng ăn ở cho phải đạo dâu thảo, vợ hiền, đem tiếng thơm cho gia đình, đó là con đã đáp đền ơn nghĩa. Cô không có gì nhiều, tặng con món quà nhỏ kỷ niệm ngày con xuất giá theo chồng.

 

Má tôi mở hộp nữ trang lấy ra sợi dây chuyền, đeo vào cổ nó. Xong bàn thứ nhất, Mến bước qua bàn hai rót rượu mời :

 

- Con mời cậu Tư ly rượu, người bạn thân nhất của ba con.

 

Người đàn ông đứng lên cầm ly rượu nhìn Mến giây lát, giọng ông nghèn nghẹn :

 

- Nhìn bây tao nhớ anh Năm, hồi còn sống ảnh cứ nói hoài, không biết có gả chồng cho bây được không ? Bây giờ được như vầy cậu rất vui, ráng lo vun quén bên chồng cho được hạnh phúc nghen con.

 

Tôi bước ra bờ sông. Gió đêm thổi mơn man trên những tán xoài, bầu trời chi chít những vì sao. Tiếng con vạt sành kêu ra rả trên ngọn xoài khiến tôi nhớ những ngày còn chiến tranh, mỗi lần đi công tác về ghé đây, con vạt sành cũng kêu ra rả đến buốt óc, nó kêu lớn đến nỗi không còn phân biệt được tiếng đề pa của mấy cây pháo ngoài bót Mỹ Đức Tây. Giọng của nó rè rè, nhừa nhựa giống như ai thổi cái kèn cũ kĩ, kì lạ nhất thế giới.

 

Lúc ấy Mến còn nhỏ, nó biết tôi ghét con vạt sành nên lấy đất chọi lên ngọn cây nghe rào rào. Con vật chỉ im hơi lặng tiếng được một lúc rồi lại thổi bản nhạc cũ rích nghe đến não lòng. Vậy mà sau này đi xa, nhiều lúc tôi lại nhớ tiếng vạt sành, nhớ mấy cây xoài cụt ngọn de sát bờ sông Mỹ Tây, nhớ căn nhà nhỏ có cái trảng xê to tướng, nhớ mợ tôi với con Mến ngày ngày vất vả bên đám ruộng dưới bom đạn của giặc.

 

Cậu tôi công tác ở Thông tin văn hóa Huyện, thỉnh thoảng ghé tạt qua nhà hụ hợ đôi chút, ăn với vợ con bữa cơm đạm bạc rồi lại đi. Chuyện đồng áng quanh năm mợ tôi với con Mến phải chăm lo, vì đó là nguồn lợi duy nhất để nuôi sống gia đình, còn miếng vườn non một hecta đã bị bom cày đạn xới hoang tàn. Những năm chiến tranh ác liệt, mợ tôi cất nhà thụt ra sau ruộng, khu vườn bỏ hoang, lau sậy mọc um tùm.

 

Cậu tôi hy sinh năm 1969 tại Hậu Mỹ, gia đình mợ càng thêm rối rắm. Má tôi rước thằng Quí, em kế con Mến ra chợ cho nó đi học, Mến phải ở lại phụ mợ bảo bọc hai đứa em gái còn nhỏ dại.

 

Những lần đi công tác ghé ngang, chị em nó mừng lắm. Mến đi chài dọc theo mấy con rạch kiếm cá, nấu cơm đãi tôi. Ăn uống xong, hai chị em ra vườn kiếm củi, sẵn tìm xem trên mấy cây xoài cụt ngọn có còn sót lại trái xoài nào hái về chấm mắm đường.

 

Có hôm, hai chị em đang ngồi ngất ngưỡng trên ngọn xoài thì đầm già lên bỏ trái điểm. Trong khói màu mù mịt cay nồng, con Mến hốt hoảng gọi tìm tôi, nắm được tay tôi nó mừng húm, lôi tôi chạy trở ra ruộng, trong hơi thở dồn dập, giọng nó mếu máo :

 

- Tìm không được chị ...ị ... chắc em chết .... tại đây quá ...á ... chị ở ngoài thành ... ành vô ... còn em, em quen rồi ... ồi ...

 

Tôi trấn an nó :

 

- Mày khùng quá. Tao ở trong nầy gần hai năm, quen nước quen cái rồi, lo gì nữa.

 

- Chị có bề gì em làm sao ... nhìn mặt ... cô Hai ...ai ...

 

Nghe nó nói mà ứa nước mắt. Nó làm như mạng tôi quí hơn mạng nó. Bom đạn trúng thì chết chớ nó làm sao cản lại được.

 

Năm 1974, Mến vừa nhổ giò thì đã tham gia phụ nữ xã, vừa làm lụng nuôi em vừa công tác địa phương. Ngày ra ruộng, đêm đi công tác, nó lớn lên như loài bông điên điển trên vàm Xẻo Muồng, bão tố ngập lụt đến đâu nó vẫn sống và vẫn nở hoa.

 

Sau ngày hòa bình, Mến xin ở lại địa phương vì có mấy nơi trên Huyện rút về. Nó vừa công tác vừa đi học may rồi mở tiệm, học trò đến học ngày càng đông, nó nuôi thằng Quí học ngành y . Thằng Quí bây giờ là bác sĩ giỏi của một bệnh viện lớn ở thành phố, hai đứa em gái, đứa tốt nghiệp dược sĩ, đứa ngành sư phạm.

 

Lo cho em nó xong thì tuổi đã lớn, Mến không còn nghĩ gì đến việc lấy chồng. Nhưng số mệnh dường như đền bù lại cho nó, bác Tư ngoài vàm mối mai cho thằng cháu bộ đội, quê ở Đồng Tháp. Hai đứa gặp nhau vài tháng, tình cảm nảy nở rồi cưới xin, giản dị, gọn ghẽ như người ta trồng một luống khoai.

 

Tin Mến lấy chồng khiến các cô gái muộn chồng trong làng dấy lên niềm hy vọng, không phải quá lứa lỡ thời là bỏ đi. Miễn có đức hạnh, có duyên có số thì cũng có ngày có được mái ấm gia đình như người ta. Họ hàng ai cũng mừng cho nó, nhất là má tôi. Mỗi lần nghe mấy đứa em nhắc chuyện con  Mến, má tôi cười hể hả, bảo:

 

- Con nhỏ xấu đau, xấu đớn vậy mà nó còn lấy được chồng, đám con tụi bây chắc không đến nỗi nào đâu.

 

Thằng Quí đến mời tôi đi đám cưới, kèm theo cái thư của con Mến, nó viết thật tha thiết :

 

“ Chị Hai thương nhớ !

 

Thế nào chị cũng đi đám cưới em nghen. Những năm tháng gian khổ chị em mình có nhau, chẳng lẽ bây giờ ngày vui của em không có chị. Dù bận bịu cỡ nào, chị cũng cố gắng thu xếp về chơi với em đôi ngày. Về thăm lại vàm sông Mỹ Tây của chị để nghe con vạt sành năm xưa. Nhớ về, em trông lắm đó ... “

 

Nó viết như vậy làm sao tôi không về. Về dự ngày vui của đứa em khốn khó, về thăm lại vùng kháng chiến cũ, xem làng quê ngày ấy đổi thay đến cỡ nào.

 

Gió từ sông thổi lên ngày càng mạnh, tôi khoan khoái hít thở khí trời trong lành, quay nhìn vào khu nhà khang trang của mợ tôi đang sáng ánh đèn, tiếng đàn tranh réo rắt hòa cùng tiếng hát của cô gái nào đó vang lên thánh thót.

 

Khu nhà gồm hai gian xây tường lát gạch, trên có một lầu lửng để làm chỗ thờ tự cậu tôi. Lối đi vào nhà, hoa kiểng nở rộ. Cả khu vườn rộng khoảng một hecta xoài đang trĩu quả. Loại xoài cát Hòa Lộc, thân đã lớn đủ để phòng chống  lụt bão. Dọc theo ranh vườn, mợ tôi cho đắp đê bao cao hơn mặt đất thường hai mét. Vườn sạch sẽ không một cọng cỏ. Ban đêm, trời có trăng nhìn vào trông mát mắt lạ lùng.

 

Khu vườn hoang ngày xưa không còn vết tích gì của chiến tranh. Ngôi nhà lá ngày xưa bây giờ là khu biệt thự trang trí hoa văn đẹp rực rỡ hẳn lên. Tấm bảng vu quy được kết bằng bông cau trông ngồ ngộ, những dãy bàn trải thảm đỏ  trang trọng không khác nào như ở thành phố.

 

Trong nhà, tiếng thằng Quí oang oang :

 

- Tiếp theo đây, tôi xin giới thiệu chị Mỹ Hạnh, công tác ở phụ nữ xã Mỹ Tây, một ngôi sao ca nhạc đang lên và ... sắp xuống, hát bài “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”.

 

Tiếng cười chen lẫn tiếng vỗ tay lốp bốp. Đám con nít đứng ngoài ngõ nhìn vào cũng nhao nhao vỗ tay. Người già ngồi quanh bàn tròn bàn chuyện đưa dâu ngày mai. Dưới bến sông, một chiếc tam bản cập bến, hai chàng trai nhảy lên cầu, đưa tay kéo mấy cô gái lỉnh kỉnh với những gói quà.

 

Tôi men theo con lộ đá đỏ đi sâu vào phía trong. Đèn điện sáng trưng dọc hai bên dãy nhà cạnh bờ sông, thỉnh thoảng có mấy chiếc Dream chạy trên đường, tiếng cười tiếng nói lao xao, chắc đám bạn của con Mến đi dự lễ cưới của nó.

 

Tôi bần thần đi trên con đường rộng thênh thang với những hàng xoài thẳng tắp treo đầy trái, con đường ngày xưa hoang vu lau sậy, đầy rẫy những chông, mìn. Mới đó mà đã gần ba mươi năm rồi, ba mươi năm trôi qua như một giấc mơ. Tiếng con vạt sành vẫn ra rả bản nhạc cũ kỹ muôn đời của nó, đưa tôi hoài niệm về một vùng quê Ngoại điêu tàn ngày nào.

           

Tôi giật mình mở choàng mắt vì tiếng cười rộ lên từ bên nhà con Mến vọng sang. Tiếng cô gái nào đó ngân nga hát giữa đêm khuya : “ Ở tận sông Hồng em có biết ... Quê hương anh cũng có dòng sông ... “

 

Nhìn đồng hồ treo tường, đã hơn ba giờ sáng rồi mà bọn chúng vẫn chơi đùa không chịu ngủ. Thanh niên nông thôn lo làm lụng vất vả, ít có thời gian vui chơi, mỗi lần có đám cưới là dịp để chúng hò hát, chuyện trò, tâm tình với nhau. Người lớn thông cảm nên không ai cấm cản, rầy la. Sau lễ xuất giá, chúng tổ chức ăn cháo khuya rồi ca hát suốt đêm. Tôi biết trước tục lệ như vậy nên xin qua ngủ nhờ nhà dì Năm cho được yên tĩnh.

 

Vừa thiu thỉu trở lại thì nghe tiếng em con Mến kêu trước cửa :

 

- Chị Hai à ! Chị Hai ! Dậy về sửa soạn đưa dâu.

 

- Giờ này còn sớm quá mà đưa dâu gì Thương ?

 

- Đàng trai năm giờ qua, mình dậy ăn cháo sáng, sửa soạn đồ đạc là vừa. Chị về trang điểm dùm chị Mến, chỉ chờ chị ở bển.

 

- Sao không nói nó ra chợ họ làm đẹp hơn tao ?

 

- Ngoài tiệm dậm son phấn lòe loẹt như hát bội chỉ không chịu.

 

- Con nhỏ này thiệt tình. Về trước đi. Để tao súc miệng cái đã.

 

- Dạ. Về liền nghe chị.

 

Tôi ra lu múc nước rửa mặt. Nước mát làm cho tỉnh người. Trời đã rạng sáng, những đám mây bắt đầu dệt hoa văn trên nền trời màu hồng nhạt. Tiếng chim ríu rít trên những ngọn cau. Dưới sông, mấy chiếc tam bản chở xoài khẩm lừ đang lạch tạch chạy ra chợ.

 

Trang điểm cho gương mặt con Mến không phải chuyện dễ dàng. Da nó rỗ hoa mè vì trái đậu lại thêm có mụn và nhờn, phấn đánh vào bị trôi. Dưới cái quạt trần và một quạt đứng, mồ hôi tôi vẫn lấm tấm đổ ra vì phải đương đầu với làn da của nó.

 

Cuối cùng thì tôi cũng che dấu phần nào khuyết điểm và tôn vinh được mấy nét duyên ngầm của nó nơi đôi môi , cặp mắt.

 

Nó mặc áo dài màu hồng phấn, đội mấn cùng màu, trông nó trẻ ra được đôi chút. Nhìn kỹ thì nó cũng có duyên chớ không đến nỗi nào. Mến nhìn vào gương xoay qua trở lại một hồi, rồi khen :

 

- Chị cũng khéo tay dữ chớ. Da em mà chị tô phấn “ăn “ như vầy là ngon lành. Cái miệng chị vẽ coi cũng bớt rộng. Bởi vậy, có chị là em yên tâm dữ lắm.

 

- Thôi mầy ! Mệt muốn phờ râu đây ! Đàn bà con gái gì da dẻ không giống ai hết, phấn tấp vô bao nhiêu nó trôi như bị bể đập, thấy ngán thiệt.

 

Nó nhìn tôi cười, nụ cười tuy không được tươi nhưng đượm thắm niềm vui.

 

Đúng năm giờ sáng, tàu đàng trai cập bến. Bên đàng trai đến hai mươi người, không có cô gái, chỉ toàn đàn ông và người đứng tuổi.

 

Chú rể mặc bộ veston màu xám tro trông thật lịch sự. Tôi chăm chú nhìn cậu em rể có nước da đen dòn, gương mặt xương xương, đôi mắt sáng và chiếc miệng rộng hay cười. Tôi thầm mừng cho con Mến gặp được duyên may.

 

Sau khi trình qua đủ lễ nghĩa, phép tắc, đúng sáu giờ hai họ xuống tàu.

 

Hai chiếc tàu mở máy, rẽ sóng chạy song song trên con sông Mỹ Tây nước đang ngập bờ. Hai lá cờ bay phần phật trước mũi tàu như báo hiệu cho xóm làng hay ngày vui của gia đình mợ tôi. Đám trẻ con chạy theo trên bờ kêu í ới. Người lớn đứng trên bến sông nhìn theo vẫy tay. Những khu vườn xum xuê chạy lùi về phía sau.

 

Tàu đi qua ngã Sáu, sáu con sông nhỏ hội tụ về đây. Giòng nước chảy mạnh khiến thân tàu chòng chành. Các cô gái sợ hãi ngồi sát vào nhau, nước văng tung tóe làm ướt mấy vạt áo dài, ướt lên cả phần ngực áo khiến mấy cô bối rối đỏ mặt. Phía bên tàu kia, tôi thấy cô dâu chú rể ngồi sát bên nhau, nhìn nhau cười âu yếm.

 

Tám giờ tàu cập bến sông nhà trai. Chiếc xán đang múc từng gàu đất đổ lên đấp đường, đất còn mới tinh khôi màu phù sa. Đường vào nhà chú rể chỉ chừa một khoảng hẹp, bùn đất vướng vất khắp nơi, những tà áo dài lại bị lấm lem từng mảng.     Chú rể dìu cô dâu lên trước rồi trở lại nắm tay từng người bước lên cầu. Chú rể vui vẻ cáo lỗi :

 

- Xin cô bác thông cảm cho tụi con, khu vực này đang làm đường. Mời tất cả ra phía sau rửa tay chân trước khi vào làm lễ.

 

Tôi bước theo mọi người bước ra phía sau giếng nước. Cái giếng bơm tay phun ra những giọt  nước trong veo mằn mặn, nước của Đồng Tháp Mười.

 

Bên đàng trai cha cũng hy sinh, thủ trưởng cơ quan đứng ra đại diện. Thiếu tá Tỉnh đội phó đã đứng tuổi, người cao, gầy, gương mặt khắc khổ nhưng giọng ông rất vui :

 

“Kính thưa cô bác hai bên.

 

Tôi xin đại diện bên nhà trai từ nay nhận cháu Nguyễn thị Mến là con dâu của giòng họ Trần, chúc hai cháu ăn ở với nhau hạnh phúc, gia đình thuận hòa, êm ấm. Mong hai cháu vui duyên mới chớ quên nhiệm vụ, thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình ... “

 

Pháo tay nổi lên. Ngoài sân, mấy đứa nhỏ đốt pháo khí đá nổ vang trời.

 

Mười một giờ trưa, dưới những tấm dù pông sô, hai họ bắt đầu nhập tiệc. Máy quay phim, máy ảnh chớp tắt liên tục, tiếng hát trong máy cassette vang lên rộn rã : “ Mùa xuân nầy anh sẽ cưới em ... “ Tiếng “dzô” “dzô” của cánh thanh niên cụng ly nghe rôm rốp.

 

Tàu quay mũi lại để đưa đàng gái ra về. Chuyến về dồn lại chỉ còn một tàu khẩm đứ. Cô dâu đứng trên bến sông bịn rịn nhìn theo, tôi thấy mợ tôi lấy khăn chậm mắt, không hiểu sao nhìn con Mến đứng cạnh chồng nó, tôi cũng xúc động, mắt cay xè.

 

Nắng trưa đổ sao trên đầu. Chiếc tàu khẩm lừ đừ chạy trên dòng nước cạn đục ngầu. Bận về nước ròng, tàu chạy chậm, đến đầu vàm thì mắc cạn.

 

Đám con trai cởi quần dài cột cổ leo lên bờ đi bộ cho nhanh, mấy cô gái cột hai vạt áo dài thành chùm cũng bắt chước lội lên. Bùn sình trơn trợt, có cô té, mấy vạt áo thêu kim tuyến nhuộm bùn, son phấn chảy nhòe nhoẹt trên mặt. Đám con trai thấy vậy đưa tay cứu hộ, tiếng cười giòn tan giữa buổi trưa hè miệt vườn êm ả.

 

Tôi cũng cột áo, xăng quần lội theo cánh trẻ. Đất phù sa mịn mát dưới chân khiến lòng tôi lâng lâng khó tả. Không biết phải vì vui đám cưới nhỏ em hay vì được lội trên con sông quê Ngoại quen thuộc ngày xưa ...

Kim Quyên
Số lần đọc: 2904
Ngày đăng: 13.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đạo Tưởng - Nguyễn Quang Sáng
Gà sanh đôi - Nguyễn Quang Sáng
Chuyện làng Kinh - Phạm Lưu Vũ
Chính danh - Phạm Lưu Vũ
Con ma da - Nguyễn Quang Sáng
Con mèo của Foujita - Nguyễn Quang Sáng
Đường còn xa - Anh Động
Nhà hiền triết - Phạm Lưu Vũ
Con chim vàng - Nguyễn Quang Sáng
Con Khướu sổ lồng - Nguyễn Quang Sáng
Cùng một tác giả
Mùa dưa gang (truyện ngắn)
Mưa nửa đêm (truyện ngắn)
Bông (truyện ngắn)
Đám cưới vùng sâu (truyện ngắn)
Hàng xóm (truyện ngắn)
Lá rụng (truyện ngắn)
Nắm tro (truyện ngắn)
Nghiệp văn (truyện ngắn)
Người ấy (truyện ngắn)
Người dưng khác xứ (truyện ngắn)
Sóng ngầm (truyện ngắn)
Vợ chồng già (truyện ngắn)
Sen (thơ)
Cúc (thơ)
Hồng (thơ)
Mai (thơ)
Đi Biển (truyện ngắn)