Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.180
123.221.774
 
Đồ Sơn trăn trở
Khải Nguyên

Tôi thả nổi người nằm ngửa. Nước biển hôm nay hơi mằn mặn, tuy vẫn đục nhờ nhờ; mọi hôm nước nhạt như nước ruộng, thả nổi người khó hơn. Sóng hiền lành, vỗ về chứ không xô đẩy. Cả người tôi dập dềnh, đôi chân hơi chúi xuống, mặt nhô lên. Bầu trời lãng đãng mây trắng. Đã cuối tiết Ngâu, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc chán rồi, cần những tấm voan che cho đỡ tủi, và cho đỡ ngượng nữa. Các triền núi phủ thông xanh ngắt cứ bồng bềnh, chao đảo, đôi khi chạy quanh.
      

Đồ Sơn của Tố Tâm - Đạm Thuỷ trên các trang tiểu thuyết Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách chưa gây ấn tượng gì với tôi vì tôi được đọc khi còn bé tí. Đồ Sơn của Tiết Hằng - Việt Anh trong Dứt tình của Vũ Trọng Phụng và của "tay ba" trong một truyện ngắn của Khái Hưng mà tôi quên tên thì khơi gợi rất nhiều, ám ảnh nữa, đối với một học sinh trung học là tôi, lúc ấy tôi chưa một lần thấy biển. Đồ Sơn là một niềm mơ ước rất khó với tới.

      

Tôi đến Đồ Sơn lần đầu vào mùa hè năm 1957. Lần thứ ba tôi thấy biển. Đồ Sơn khi ấy sạch bóng quân viễn chinh Pháp và bọn quan chức ngụy đã hai năm. Ấn tượng đến nay tôi còn giữ là bãi cát không trắng nhưng phẳng, nhẵn, chặt, và khá sạch. Bãi ngoài, sát bờ đường, mấy chỗ có những tảng đá chồng nhau, ngồi ngắm biển hoặc đọc sách những buổi chiều mặt trời khuất núi tây phía sau lưng thì tuyệt. Núi dáng đẹp nhưng hầu như không có cây to, trong chiến tranh, bọn Pháp đã "tàn sát" hết cây. Cỏ phảng phất màu vàng khô của nắng hè. Đường nhựa lượn sát biển đến tận cùng phía nam bán đảo. Nhà cửa men theo đường nhìn ra biển, thưa thớt cách quãng, chỉ dăm chiếc có một tầng lầu, côi cút và nhỏ bé dưới bóng núi và trước biển. Quang cảnh có vẻ tiêu sơ, tẻ. Ngày thường thì vắng nhưng những ngày nghỉ thì đúng là "dập dìu tài tử giai nhân", người chật trên bãi cát, trên bãi tắm. Dân "ở rừng về", "ở nhà quê ra" (chỉ những người từ vùng kháng chiến), không thể không ngỡ ngàng trước cảnh "triển lãm đùi đĩa" phái đẹp (ngôn từ của một ông nguyên là chánh văn phòng một bộ "bảo ban" tôi nên đi cho biết. Hồi ấy, họ chỉ bờm xơm miệng chứ không dám "thả dàn" như bây giờ). Đồ Sơn có ba khu, hai khu trong là khu vực dành riêng cho các quan chức bậc cao và các chuyên gia nên mật độ khách tắm biển ở khu ngoài cao. Một ông phó ti cười mà không có vẻ đùa, bảo: "Hai nơi ấy ngày trước dành cho Tây đầm, giờ cũng lại dành cho đầm, Tây". Tôi đã nghe hơn một người, cán bộ chứ không chỉ dân thường, nói như thế.

      

Đồ Sơn bây giờ thông suốt cả ba khu vực, nếu tính cả mạn trái, phía bắc, nơi trước đây vốn là đất cấm dành cho quân sự, thì khu nghỉ mát Đồ Sơn trải dài chừng 5 ki-lô-mét ven biển. Ngày trước, đứng nơi bãi biển Đồ Sơn người ta không cảm thấy ngợp trước đại dương mở ra bao la trước mặt vì còn có núi vươn dài quanh quất kề bên. Người ta cảm thấy vừa nhỏ bé, vừa lớn lao hoà vào thiên nhiên còn có phần hoang sơ. Từ thời "mở cửa", nhất là từ năm 1990, "năm du lịch của Việt Nam", vùng vùng xây khách sạn, ngành ngành xây khách sạn, nhà nhà xây khách sạn, Đồ Sơn bắt đầu mọc lên những nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ nhiều tầng. Có toà cao tới tám tầng, chưa kể ba nóc thượng cao thấp khác nhau, gần 200 phòng trọ, lấy tên nhà nghỉ của một bộ (có lẽ phần vì ưu tiên phục vụ nội bộ, phần vì thuế suất thấp hơn khách sạn).  Núi Đồ Sơn, phía biển, hiện nay thông đã phủ gần hết, cao và rậm, song người ta có cảm giác như bị các toà bê tông lấn át.

      

Mới đầu tháng chín, đêm đêm nhìn mấy khách sạn cao tầng không thấy ló ra một ánh đèn nào tưởng như đó là những di tích kiến trúc cũ. Mấy năm nay, Đồ Sơn không mấy hút khách tắm biển và khách du lịch. Còn nhớ năm trước có mấy người đến một số khách sạn hỏi thăm xem làm ăn ra sao. Khách sạn CĐ cao sáu tầng, ra đời từ hồi còn bao cấp. Giám đốc, một người còn khá trẻ, bay bướm, cho biết doanh thu chủ yếu là phòng trọ, hiệu suất sử dụng mùa hè đạt 70% số phòng, mùa đông chỉ 15%. Một nửa là khách nghỉ theo tiêu chuẩn của các cơ quan, xí nghiệp, một nửa là khách tự do. Ông ta thổ lộ:

   

Chúng tôi phải xoay găng lắm, phải có những mối dây liên hệ để "bắt" khách, những đoàn khách bất kì, trong nước hay nước ngoài. Nói xin lỗi, tôi đi vệ sinh cũng phải cầm máy điện thoại theo. Không nhạy bén, không kịp thời là mất khách. Tôi bảo các nhân viên: "Khách đã vào khách sạn ta mà để khách ra đi tìm nơi khác là tồi". Nhân viên của tôi có đến 40% trình độ đại học. Lương bình quân hơn một triệu đồng một tháng. Họ phải rất thạo nghề, linh hoạt. Chẳng hạn, người ta gọi điện đến thương lượng về giá cả vào lúc giám đốc đi vắng, nếu thấy có thể chấp nhận được thì "Dạ, xin chờ cho ít phút để hỏi ý kiến giám đốc đã", sau đó mới gật. Khách mặc cả cũng riết róng lắm, cho nên giá thuê phòng cũng lên xuống tuỳ mùa, tuỳ thời cơ.

      

Chuyện mấy năm trước, năm nay xem chừng kém hồ hởi hơn.

      

H.Y., nhà nghỉ của bộ nọ, cao tám tầng, thiết kế hai cánh chim tượng trưng, cho đến nay vẫn xệ một cánh chưa xây tiếp được; chỗ dành cho thang máy đang là hốc trống, đứng trên nhìn xuống hun hút rợn người. Vốn là định xây lên để kinh doanh từ cách đây mười năm; bị lỗ, chuyển qua bao cấp từ bốn năm nay, dành cho người trong ngành đến nghỉ theo tiêu chuẩn từ vừa đến sang. Phòng còn trống thì cho khách ngoài thuê. Hôm chúng tôi tới thăm, các phòng đều khoá cửa. Khách nội bộ thì hết đợt; khách ngoài thì không có. Cả một cơ ngơi đồ sộ đứng trơ vơ trong một khuôn viên khá rộng, cây cỏ có chiều hoang rậm. Toà nhà đã có dấu hiệu tàn tạ. Người phụ trách phàn nàn rằng không có kinh phí tu bổ; ngay việc chăm vườn cũng tự làm, không xuể.

      

Các khách sạn, chính danh hoặc trá tên, chẳng "ăn nên làm ra" thấy rõ. Người ta đã đua nhau xây, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên của Đồ Sơn; bây giờ "bỏ thì thương, vương thì tội", giữ báo cô những tháng ngày dài, trừ mấy tháng hè. Hàng mấy chục cán bộ, nhân viên "ôm" một cơ ngơi đồ sộ với những trang thiết bị và tiện nghi hiện đại phải bảo quản, nhưng hầu như chẳng có việc để làm, trong cái heo hắt của một khu nghỉ biển cuối chầu, ế khách. Nếu có tìm cách để kiếm thêm thì chẳng phải là một điều khó hiểu.

      

Quốc doanh đã vậy, tư doanh năng động hơn chăng? Khách sạn H.T.Đ là khách sạn tư loại nhất Đồ Sơn. Năm tầng, trên nóc có ăng-ten pa-ra-bôn (thường là phải có đặc ân mới được phép trang bị). Ngay trước nhà kề cửa ra vào, trong các bể kính những cá song, ba ba,… đang nhởn nhơ bơi sẵn sàng ra nằm trên đĩa cho những khách háo đặc sản. Vào trong, trang trí nội thất kiểu Tàu, tranh Tàu, đồ Tàu. Một đầu bếp thuê tận Hồng Kông với lương 2.000USD mỗi tháng. Mấy vị "khách tham quan ngoài kế hoạch" chỉ định ghé qua, không ngờ một người đàn ông đã cứng tuổi đang ngồi nơi bộ xa lông sang trọng đứng dậy xởi lởi mời các vị ngồi chơi xơi nước (đúng nghĩa đen).
- Khách sạn ta phát đạt chứ? - Một vị khách thấy cần hỏi cho phải phép.

- Đây là bà chủ - người đàn ông trỏ một người đàn bà trạc ngoại tứ tuần. - Bây giờ bà ta đang ngồi đây và có thể thong dong tiếp các bác đủ nói tình hình khách sạn chúng tôi.

      

Bà chủ có dáng âu sầu, ăn nói nhỏ nhẹ, kiệm lời. Còn người kia, một tay bẻm mép, là bà con, chẳng biết là quản lí hay cố vấn. Người chủ trương khách sạn này là chồng bà chủ, một cán bộ đương nhiệm của bộ Xây dựng. Khách sạn ngự ở một vị trí thuận lợi giữa Đồ Sơn phố và Đồ Sơn biển. "Hàng tháng cứ phải chi sáu bảy chục triệu đồng", vị "có vẻ cố vấn" than thở. Hỏi mức thuế phải đóng, cả ông ta cả bà chủ đều nín lặng. Có người nói chủ trương khách sạn này chẳng qua là nước cờ hướng tới tương lai của vị cán bộ bộ X.

      

Loại thấp cấp hơn, nhà hàng, quán ăn, quán giải khát, quán trọ thì nhan nhản ở Đồ Sơn. Nói thấp hơn là nói về qui mô, chứ nói "tiện nghi" và "nội dung phục vụ" thì chửa biết "mèo nào cắn mỉu nào". Tất nhiên không phải là tất cả.

      

Có một loại đúng là "thấp", ngay gọi là "quán" cũng chẳng ổn. Một quầy bày đủ các thứ giải khát tươi, chai, lon và thuốc lá đủ loại, nội và ngoại; những ghế vải gấp lại được rải quanh những chiếc bàn thấp; tất cả dàn ra trên một khoảng bờ hè sát biển thuê được của chính quyền sở tại dưới các tấm che mưa nắng tạm. Tối khuya chừng vãn khách, tất cả được gấp xếp lại qui tụ thành một thứ "ổ" hình hộp chữ nhật được che chắn cẩn thận, giữa là chỗ ngủ của chủ nhân. Tôi đã hỏi chuyện một cặp vợ chồng như thế. Họ từ một tỉnh gần thủ đô về "hạ cánh" tại đây đã mấy mùa. Người chồng còn kiêm cả nghề "xe máy ôm". Họ bảo không nhà cửa, có một đứa con gửi ông bà nội, cuộc sống tạm được. Một dạng "định cư trong du cư" chăng? Dạo cảnh ban đêm, những cái "ổ" của họ làm Đồ Sơn kém thơ mộng đi; nhưng ban ngày, vắng những cái "tiệm" lộ thiên của họ, vào những lúc này, Đồ Sơn cũng kém vui.

      

Có một tốp người từ một nhà điều dưỡng ra ngồi hóng gió bên bờ biển đang bàn cãi đủ thứ chuyện. Một người nêu thắc mắc với vị giám đốc nhà điều dưỡng:

- Cách nay hai năm, trên đài truyền hình trung ương, ông chủ tịch thành phố rồi ông giám đốc du lịch cũng của thành phố nói tình hình làm ăn của khu nghỉ mát Đồ Sơn khả quan lắm. Anh thấy thế nào?

- Rắc rối lắm, nói ra chết đấy - Giám đốc nói vậy rồi cười khà khà. Lát sau, ông ta hạ giọng, - Thật ra thì mấy năm nay ế ẩm lắm. Mà khu nghỉ mát nào ở nước ta mà chẳng vậy. Thời trước, mới đây thôi, nhiều người đi nghỉ dăm ba ngày, mươi ngày chẳng phải bỏ ra đồng tiền túi nào. Đi lại, ăn ở, tiêu pha toàn dùng tiền "chùa", có kẻ còn xài xả láng cho cả vợ con. Bây giờ loại ấy còn ung dung nữa đâu. Người dân thường, những người lao động bình thường muốn đi hóng gió biển, tắm táp biển một tí, sáng đi tối về mang sẵn thức ăn đồ uống theo mà còn ngại. Vắng khách là phải.

- Tiền chùa vung ra thời này mà ít đi à? - Một người lên tiếng phản bác. - Lại chẳng manh mún như thời bao cấp. Có điều bọn xài ít khi đến những nơi như Đồ Sơn. Chúng ra nước ngoài, thường là dưới cái vỏ "du lịch khảo sát thị trường". Còn trong nước, nếu muốn đi thêm cho đã, chúng phải đến những nơi như Vũng Tàu, Đà Lạt. Tôi biết chắc tập đoàn công ti xây dựng Hải Phòng năm nào cũng có mấy đoàn đi như thế.

      

Đồ Sơn, hay bất cứ khu nghỉ mát nào, đâu chỉ trông mong vào lớp người ấy. Điều đáng suy nghĩ là ngay những ngày có hội chọi trâu ở Đồ Sơn phố, hàng vạn người đến xem mà khu Đồ Sơn biển vẫn vắng, kể cả khu hai, khu vẫn thu hút khách hơn, cũng thưa thớt người.
      

Đồ Sơn có một thế mạnh. Khắp các bãi tắm biển ở nước ta từ Trà Cổ ở cực bắc đến các bãi của đảo Phú Quốc ở phía tây nam mà tôi được biết ít nơi có được cảnh quan thiên nhiên như ở Đồ Sơn.
      

Nhưng Đồ Sơn lại có một điểm yếu so với các nơi khác: nước biển không trong xanh như nó vốn có vì gần các cửa sông nặng phù sa. Người ta nói từ khi có đập chắn Đình Vũ, bãi tắm Đồ Sơn có bùn đọng. Và bèo, và rác. Bèo và rác dồn từng mảng trên sóng nước; bèo và rác tấp từng đám trên bãi, dọn xong lại có.

      

Đồ Sơn chưa phát huy được thế mạnh mà cũng chưa tận dụng được. Không nói "du lịch xanh", cái từ nghe cũng mới. Leo núi là cái thú của không ít khách du. Núi Đồ Sơn không chót vót nhưng đủ cao để ngắm cảnh làng quê. " Chiếc lá về đâu xa tít tắp / Nghìn làng ngó lại bé tèo teo" (Nguyễn Khuyến), và ngắm biển, nhất là những lúc chiều dần tắt - Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận / Không biết xa lòng có những ai? (Phạm Hầu). Vậy mà rất hiếm khách leo núi, kể cả lớp trẻ. Núi rất nhiều thông, đã khá cao to đủ để tạo cảnh, gợi cảnh. Hương thông thanh khiết, gió thông đưa mơ, bóng thông che chở cho lứa đôi du ngoạn hay tình tự.

      

Nghe cũng nên thơ có pha màu lãng mạn đấy chứ nhỉ! Tiếc thay, không trúng "gu". Cái "văn hoá du lịch", "cái "văn hoá tình ái" đất này, thời này nó oái oăm lắm, tất nhiên không vơ đũa cả nắm. Độ nọ, lâu rồi, tôi nghỉ ở Đồ Sơn, người ta dọa: "Chớ lên núi, gặp rắn đấy". Tôi tin là thực, mãi sau mới biết họ nói chuyện gì. Thời đó phòng trọ hiếm và qui định nghiêm, trên núi vắng "hay có rắn (quấn nhau)". Bây giờ thì sẵn phòng cho thuê bất kể lúc nào, bất kể bao lâu, một giờ cũng được. Phụ trách nhà nghỉ của một bộ nói: "Chỉ cần người thuê có giấy tờ gì đó để vào sổ, còn thì mặc". Nếu không thì ế. Vào các nhà nghỉ, khách sạn cỡ đó thì "an toàn" gần như tuyệt đối nhỡ khi có "bố ráp". Nói vậy thôi, thực tế có vẻ "thoải mái" dần. Loại "nhà hàng" nhỏ đáp ứng tình hình nhanh nhạy. Các chủ tư nhân có những ngón riêng. Có khi gần như công khai.

 

Bốn gã trai dừng xe máy trước một nhà hàng. Loại nhà hàng này nom "khiêm tốn" thôi, thường có những phòng con ở phía sau. Họ bảo chủ quán điều gì đó. Ông ta nhấc điện thoại: "Alô! Gọi bốn. Đúng chất Quảng Ninh nhé!" Bọn khách trong khi chờ ra ngồi quanh bàn ngoài trời nhậu nhẹt đùa bỡn với các cô tiếp viên. Lát sau, một chiếc taxi chở tới bốn cô gái trẻ son phấn đầy mặt. Chẳng hiểu có dấu hiệu gì để phân rõ "đặc sản Quảng Ninh" không. Chà! Nếu mọi việc "phi ăn chơi" trong đời đều được đáp ứng nhanh nhạy và đúng yêu cầu như vậy!

      

Hôm đó, một ông rủ chúng tôi đến thăm một người quen mở nhà hàng ở mạn bắc khu nghỉ mát Đồ Sơn. Một dãy nhà mặt phố trông thẳng ra biển, thường là hai tầng. Năm vị bước vào một nhà giữa phố. Phòng ngoài khá hẹp, vừa làm phòng tiếp khách (có một bộ xa lông loại sang), vừa để bán hàng (chỉ có một tủ kính không lớn bày một số không nhiều mặt hàng, chủ yếu là hàng trang điểm). Bà chủ từng là cán bộ công đoàn một xí nghiệp to, chồng hiện vẫn đang là một cán bộ có cương vị. Sau một tuần nước, chuyện trò xởi lởi, bà chủ hỏi: "Các cụ làm tí tươi mát không?" Các cụ - đáng được gọi "cụ" thật - ngỡ là nói cho vui, bà ta bình thản tiếp: "Bây giờ đã thành phong trào rồi (!)". Một chiếc xe máy xịch đỗ trước hè đường. Một trai dẫn một gái ăn mặc ngắn và chật chào nhẹ bà chủ rồi lướt qua phòng. Bà chủ giới thiệu phía trong và trên gác có nhiều phòng cho thuê và nài các cụ "tham quan" cho biết các tiện nghi.  Những phòng nhỏ hẹp đúng là đầy đủ tiện nghi: máy thu hình, máy điều hoà nhiệt độ, quạt, phòng tắm và vệ sinh kề bên khép kín; đặc biệt, một tấm gương cực lớn dựng bên tường sát ngay giường, nằm trên giường có thể tự ngắm mình "toàn cảnh" một cách thoải mái (thật chu đáo hết chỗ nói!). Một phòng cửa để hé, có một đôi đang ngồi trong bóng tối nhờ nhờ. Một phòng khác cửa mở hờ, không thấy người nhưng lòi ra hai đôi dép. Ý chừng chủ nhân muốn ngầm giới thiệu rằng "vô tư" ban ngày, ban mặt như vậy đấy. Đích thị đây là "động" lầu xanh với mụ Tú Bà "thời mới". Vị dẫn đường nói nhiều nhà nghỉ, nhà hàng khác đều thế cả. Hỏi mụ Tú: không sợ ư? mụ điềm nhiên đáp: "Họ muốn "sống" thì phải để cho bọn em sống chứ". Trên đường về, một ông trong nhóm "tham quan" kể rằng: Phí "bảo kê" không chỉ bằng tiền mà có khi bằng "hiện vật". Một người quen "họ Tú" của ông ta cho biết các "chị em" rất sợ phải đưa thân "nộp phí", thường đùn đẩy nhau."Chúng chơi miễn phí nên phũ lắm (!)".

 

Chợt nghĩ: nếu không bài trừ được, nên chăng hợp pháp hoá để dễ kiểm soát, kiểm soát bệnh tật, kiểm soát đối tượng các loại, để khỏi hỏng người chức năng, để khỏi thất thu thuế, và nhất là tạo một ranh giới không để tán phát trong môi trường xã hội lành mạnh. Còn nếu cương quyết bài trừ thì không thể cứ làm như từ trước đến nay.

      

Mấy năm nay, Đồ Sơn có cơ được biết tới nhiều hơn, nhất là với số người nước ngoài nào đó. Một cơ sở liên doanh với nước ngoài: casino Đồ Sơn, một sòng bạc quốc tế đã bước vào hành sự. Sòng được đặt tại nơi tuyệt đẹp của bán đảo Đồ Sơn trông ra đảo Hòn Dấu. Nơi đó hồi thuộc Pháp là khách sạn Mũi (hotel de la Pointe), về sau là khách sạn Vạn Hoa, nay được cải tạo, mở rộng, nâng cấp thành một lãnh địa của vương quốc đỏ đen. Người nước ngoài đến đây sát phạt có thể đến thẳng từ sân bay, sau đó về thẳng. Sòng bạc Đồ Sơn thật ra chẳng giúp gì mấy cho sự thịnh đạt của điểm nghỉ mát này. Nó có góp vào ngân sách; nó cấp việc làm cho mấy chục người mà một bộ phận trong đó lương có nhỉnh hơn một số người làm công khác. Tuy nhiên, "nhân viên người Việt tại đấy thành một thứ máy. Như là bị cách li với thế giới bên ngoài. Đi làm về nỗi lo chính là ngủ để lấy sức hôm sau làm tiếp cho được minh mẫn, nhầm thì "khốn nạn".

 

Học hành thêm, không. Nắm bắt tin tức, thời sự, hầu như không. Đẻ con chỉ được nghỉ ba tháng, coi như phải cai sữa cho con từ tháng thứ tư. Quan trọng hơn, thân phận con người!". Đó là suy nghĩ của một bà mẹ, một cán bộ văn hoá, có con làm tại đấy, bà đã nói ra với tôi. Nước ta cần người nước ngoài vào đầu tư để có thêm vốn, để tăng sản phẩm xã hội, để học kĩ thuật tiền tiến, để thêm công ăn việc làm cho người lao động. Sòng bạc Đồ Sơn chủ yếu là đáp ứng điểm cuối cùng. Đáng tiếc, cũng như tại một số cơ sở có người nước ngoài kinh doanh khác, tâm lí làm thuê khá nặng nề. Không có tấm gương cờ bạc này thì dân máu mê "nội hoá" cũng đã có thừa cửa đỏ đen, phố biến là "số đề", một loại hình được nuôi dưỡng bởi chính các cuộc xổ số hợp pháp liên tục bất tận.

      

Dịch vụ nghỉ mát hợp pháp Đồ Sơn cho đến nay khoanh lại trong mấy "tiết mục" chính: tắm biển, ăn hải sản, nghỉ ngơi. Những thứ này không phải là thế mạnh của Đồ Sơn. Vừa đây, thêm một tiết mục biệt thự Bảo Đại. Nhà nghỉ mà thực dân Pháp ban cho ông vua hờ từ thời xa xưa bị đổ nát vì thời gian và chiến tranh nay được phục hồi "y như cũ". Không phải là phục hồi một chứng tích lịch sử, bởi có nhiều địa điểm đáng được lịch sử để mắt tới hơn nhiều mà việc trùng tu chưa với tới được. Cũng không phải là phục hồi một công trình kiến trúc, bởi mặt này không có gì đặc biệt để được ưu tiên. Vào "tham quan" rồi mới vỡ lẽ: các phòng trên gác, phòng vua và vợ vua, phòng các con vua… là dành để cho thuê với giá "ưu thu". Xác nhà thì có thể là như cũ, trang trí nội thất thì không. Đồ đạc, vật dụng trong các phòng đều hiện đại, có cả bồn tắm "mát xa", trừ những điếu bát hút thuốc lào, cổ hoặc cũ, trong một cái tủ lớn.  Cả những thứ cho khoác màu sắc cổ cũng không mang thần thái cổ. Ở cổng vào có lính mặc áo đỏ nẹp vàng, đầu đội nón bầu dục đỏ có chóp nhọn (kiểu nón dấu của lính thú đời xưa), chân quấn xà cạp đỏ, đi giày ba ta trắng (thay vì chân đất như lính xưa) và … không có giáo dài. Vào trong nhà còn có thêm "cung nữ" với áo đỏ nẹp xanh, quần trắng và "hài" thời mới. Khách tham quan cảm nhận ngay rằng đây chỉ là một cơ sở để làm dịch vụ du lịch. Tiền vé vào cửa, tiền thuê áo xống mặc làm vua, hoàng hậu, công chúa, hoàng tử để chụp ảnh, chuyện ấy là thường. Đáng chú ý là giá thuê phòng một đêm: phòng hoàng tử, công chúa 350 đô la Mĩ, phòng hoàng hậu 600 đô la Mĩ. Chẳng biết có những ai, trong nước hoặc nước ngoài, sẽ sẵn sàng bỏ số tiền như thế để được "ngự" trong những phòng chỉ có danh hão. Cái "câu" du khách là cái chất vương giả toát ra từ vật dụng, bài trí mang dấu ấn cung đình và mang màu sắc thời xưa, từ cách đón tiếp, cung phụng đúng kiểu ngày trước, và cái không khí "ôn cố". Qua một lần nghỉ lại, ra về khách phải có được chút ấn tượng gì lưu lại. Nếu chỉ cần tiện nghi hiện đại thì họ có thể đến những khách sạn tân tiến hơn mà lại rẻ hơn. Hơn mười tỉ đồng bỏ ra, để "bảo tồn" thì không đáng, mà để kinh doanh thì liệu có phiêu lưu không, trong khi nước nhà đang cần vốn cho những công việc khác, cấp bách hơn. Ngay ngành du lịch Đồ Sơn, trước mắt và lâu dài cần nhiều công của để lấy lại tên tuổi vàng son cho Đồ Sơn.

      

Chuyện đơn giản như leo núi, dạo núi cũng cần tạo điều kiện vật chất và tinh thần. Chẳng hạn, trên đỉnh núi ngày trước có trạm pháo phòng thủ bờ biển của quân Nhật (chẳng biết mấy khẩu pháo có còn không hay là đã hiến tế cho "sáng kiến" bán sắt vụn của ông T. mất rồi), du khách được chỉ dẫn (hoặc dẫn) lên đó chắc cũng khoái vì còn được ngắm trời, ngắm biển, ngắm đồng; nếu lại được thuyết minh về sự kiện quân Nhật đổ bộ vào Hải Phòng bất ngờ ra sao, các quan cai trị Pháp chạy xe vác cờ trắng đón đầu xin hàng ra sao thì hẳn cũng thêm thú vị. Quanh vùng Đồ Sơn có những thắng cảnh, di tích lịch sử, những điểm lễ hội, khách xa đến nghỉ chắc sẽ thích thú nếu có bản đồ hướng dẫn, càng thích thú hơn nếu lại có trạm xe của công ti du lịch sẵn sàng đón đưa. Nhiều người đứng trên phố biển Đồ Sơn ước có được một chiếc xuồng hoặc tàu con cao tốc xinh xinh để ngao du trên vùng biển, ra thăm thú đảo đèn Long Châu, vòng qua Cát Bà chơi và tắm biển tại đó (nước biển ở đó trong làm sao! ở đó còn rừng quốc gia trên đảo) rồi quay về. Sao lại không nhỉ! Hiện nay khách xa, nhất là khách sộp, ham ra Cát Bà hơn ra Đồ Sơn. Đi Cát Bà từ Đồ Sơn thuận hơn và thích hơn từ bến Bính chứ? Rồi những môn thể thao trên biển và dưới biển, vừa là du hí, vừa là rèn luyện; những cuộc thi, cuộc đua trên nước cổ truyền và hiện đại, còn có thể nghĩ đến đường xe điện treo cáp từ đỉnh núi này đến đỉnh núi kia, ra tận đảo Hòn Dáu,…

      

Đồ Sơn xưa kia nổi tiếng, nhưng chỉ là của một số rất ít người. Bởi, thời đó, chuyện đi nghỉ mát là một sự xa xỉ quá ư xa lạ với tuyệt đại đa số người Việt Nam. Có thể Đồ Sơn xưa thơ mộng hơn nhiều, hợp với những Đạm Thủy - Tố Tâm ngày ấy, song chẳng thể nào sánh được cảnh rộn ràng, và xa hoa nữa, ngày nay. Dẫu vậy, Đồ Sơn nay chưa phải là nơi ước vọng khi chưa đến, và nơi lưu luyến khi rời đi, đối với khách du./.

 
Hải Phòng, 10 – 1999

 

Khải Nguyên
Số lần đọc: 2335
Ngày đăng: 28.09.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hội Thảo Thân Thế Sự Nghiệp Linh Mục Léopold-Michel Cadière: Tại sao tôi không là một vị thánh? - Nguyễn Hữu An
Tiếp Nối Những Mùa Trăng Tuổi Thơ - Mang Viên Long
Sương gió qua đường: Hạt Lúa Trên Đèo Daknue - Nguyễn Hàng Tình
Đà Lạt, trải lòng với thiên nhiên ! - Phan Chính
Nhớ Chú Nguyễn Đình - Lâm Bích Thủy
Bờ Biển Mênh Mang - Nguyễn Hàng Tình
Bão Thép - Cổ Ngư
Lưng Trần - Trần Vũ
Sương gió qua đường: Con Suối Xà Lách Xoong - Nguyễn Hàng Tình
Bình Thủy 1969 - Trần Mộng Tú
Cùng một tác giả
Tĩnh vật (truyện ngắn)
Sông Phố (truyện ngắn)
Vào Hang Bắt Cọp (truyện ngắn)
Mây Núi Sapa (truyện ngắn)
Không đề (truyện ngắn)
Phận (truyện ngắn)
Nợ trần (truyện ngắn)
Li hương (truyện ngắn)
Dây Mơ (truyện ngắn)
Thiên Truyện Bỏ Dở (truyện ngắn)
Giấc Mơ Bọ Ngựa (truyện ngắn)
Cái hạt (truyện ngắn)
Hoàng hôn pha lê (truyện ngắn)
Nụ Hôn Muộn (truyện ngắn)
Ông Nọi (truyện ngắn)
Truyện Khó Đặt Tên (truyện ngắn)
Lần Vết Giai Thoại (truyện ngắn)
Chim Gõ Kiến (truyện ngắn)
Tìm Dâu Thảo (truyện ngắn)