Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.096
123.231.615
 
Mưa Ở Phnom Penh
Nguyễn Xuân Tường Vy

 

bên em đang có ta

hát về em tương lai xót xa

hát giùm em cơn mơ thiết tha

giấc mơ tuổi hoa

(Bên em đang có ta - nhạc Trúc Hồ, lời Trầm Tử Thiêng)

 

Chiếc áo đỏ rộng cổ tôi đang mặc bỗng trở nên mỏng tanh dưới cái nhìn sỗ sàng của hắn. Tôi co rúm người, đôi bàn tay đưa lên che ngực. Hắn phá lên một tràng cười hô hố, nhấp nhóa những chiếc răng vàng chóe trong hố miệng sâu. Hắn bước tới một bước. Tôi lui một bước. Hắn bước thêm một bước. Những sợi gân trong tròng mắt trắng dã của hắn bọng đỏ. Hắn gầm gừ như con cọp đói vờn con mồi nhỏ bé trước khi chụp bắt. Những âm thanh lí nhí, khùng khục thoát ra từ cổ họng hắn làm tôi hoảng sợ. Đôi chân tôi run lên. Những ngón chân xoè vội bám chặt xuống đất. Tôi dáo dác nhìn quanh, mong tìm một lối thoát thân. Căn phòng vách gỗ xiêu xiêu vuông như chiếc hộp. Cánh cửa duy nhất đóng kín sau lưng hắn. Hắn tiến lại gần hơn. Khoảng cách thâu hẹp giữa tôi và hắn. Tôi lui thêm một bước. Mồ hôi túa ra đầm đìa. Lưng tôi đụng vào bức tường lạnh ngắt như tấm sắt cứng. Một cơn gió quật vào gian phòng làm tróc tung trần nhà. Những cột trụ vẹo mình vặn răng rắc. Chiếc váy quấn lấy chân tôi như cố che chở thân hình yếu ớt. Hắn đẩy tôi ngã nhào xuống chiếc giường dơ bẩn. Tôi hét lên nhưng cổ họng đặc nghẹt. Tôi cố đứng lên nhưng đôi chân tê cứng. Hắn đưa bàn tay thô bạo xé toang chiếc áo. Hàng nút bật tung. Gió luồn vào ngực tôi trống trơn. Những hạt nút tròn trĩnh trắng ngà trân châu bắn tung lên cao, chờn vờn, rơi rơi, đáp xuống trên hai núm ngực mới nhú, đậu lại trên phân vuông da thịt giữa hai đùi non của tuổi mười lăm. Tôi nhìn thân thể của con bé mười lăm run rẩy phơi bầy trước đôi mắt hau háu của tên đàn ông xa lạ. Tôi gào lên những âm thanh tức tưởi từ cổ họng của tuổi mười lăm... Cơn giông giận dữ tràn đến, ném thốc chiếc giường vào dòng nước lũ. Thân mình tôi dán chặt vào mặt giường, phăng phăng trôi trên mênh mông nước. Sự im lặng chết chóc loang loang. Mùi nước tiểu, mùi mồ hôi, mùi tử khí tẩm đầy không gian. Tôi hít vào một hơi thở mạnh, nghe nghèn nghẹn nơi lồng ngực. Cơn đau âm ỉ từ phía ngực bên trái bỗng nhói mạnh, quặn đau. Tôi thở cố một làn hơi dài trong cơn đau đang tăng dần cường độ. Làn da ngực bỗng chợt căng phồng, giãn rộng, mỏng dính, trong suốt như pha lê. Tôi cúi xuống, nhìn xuyên vào buồng phổi tím bầm thiếu oxy, hai lá gan dúm dó quăn queo, và trái tim nhung nhúc những con bọ. A, những con bọ! Nguồn gốc của cơn đau lịm người. Tôi đưa bàn tay móc trái tim ra khỏi lồng ngực, ném mạnh vào mặt tên đàn ông bệnh hoạn. Hắn lảo đảo ngã xuống, đầu gập xuống. Dòng máu đen từ miệng hắn trào ra mép lúc nhúc sâu bọ... Tôi quay mặt, hét lên trong hãi hùng...

 

Tôi mở choàng mắt. Lưng áo đẫm mồ hôi, cổ khản đặc. Đêm Phnom Penh khắc khoải đầy mộng mị. Đêm vắng, chỉ còn tiếng dòng sông lao xao vang vọng. Âm thanh đều đều tựa tiếng đàn trầm buồn mải miết một cung. Trăng mười sáu chảy tràn vào phòng. Dòng ánh sáng mềm mại trong vắt. Tôi ngồi dậy, lò dò bước xuống giường. Bóng tối loãng ra trong đêm trăng tĩnh lặng. Trời cao lồng lộng. Trăng mười sáu rỡ ràng vời vợi. Ánh trăng tràn ngập khắp nơi, phủ lên vạn vật màu trắng sữa trong suốt.

 

Cơn giông buổi chiều đã tan hết. Dòng sông uốn khúc, ôm ấp mặt nước lóng lánh ánh bạc. Bên hiên, một bóng người ngồi âm thầm, đầu thuốc lá đỏ rực lên từng chập.

“Chị ra đây làm gì vậy?”

 

Tôi thở phào khi nhận ra giọng nói của Lân. Trời nóng quá tôi ngủ không được. Lân khác tôi, anh ngồi đây lo lắng cho sự mất còn của trung tâm. Tôi ngồi xuống bên cạnh Lân trên bậc thềm, nói với anh ý nghĩ đang canh cánh bên lòng từ hôm mới đến:

“Tôi có quen một vài tổ chức thiện nguyện ở Mỹ. Mình có thể nhờ họ quyên góp. Trung tâm hiện thời có ba mươi em, mình xin bảo trợ cho mỗi em. Như thế, quỹ bảo trợ sẽ không là một gánh nặng cho từng ân nhân.”

 

Niềm vui nở oà trong mắt Lân. Tôi biết một mình anh lo không xuể mọi công việc ở đây. Tôi hứa với Lân sẽ liên lạc với các bạn của tôi, những người rất hăng say trong công tác thiện nguyện. Họ là nguồn tài trợ bất tận cho các chuyến đi của tôi. 

 

Lân rít bập bập một hơi thuốc cuối. Anh quăng xuống đất, lấy chân dí cho tắt tàn thuốc.

“Chị đến đây hơn một tháng rồi, chị thấy thế nào?”

Tôi xoay người nhìn vào cánh cửa tôi vừa bước ra. Biết diễn tả thế nào cho Lân hiểu tâm trạng của tôi. Những đứa trẻ ở đây thật khác thường. Chúng không giống những đứa học trò lớp hai của tôi ở trường tiểu học Spring Hills, nơi tôi từng làm việc bán thời gian. Chúng không có nụ cười hồn nhiên vô tư, không biết hờn dỗi khi thiếu đồ chơi, không bi bô kể chuyện “my mommy”, “my daddy” cho tôi nghe, không vất vương vãi những mẩu bánh mì, không bỏ phí những hộp nước trái cây trong giờ ăn trưa. Chúng là những đứa bé trời bắt tội. Những đứa bé ôm trong lòng nỗi đau câm nín. Những đứa bé bị vất ra đường từ những nhà chứa, từ những quán mát-xa trá hình. Những đứa bé bị dầy vò, bị lạm dụng, bị đánh đập bởi những người đàn ông bệnh hoạn mua vui trên thân xác trẻ thơ. Những đứa bé phải uống những muỗng thuốc đắng nghét mỗi ngày mà không được dỗ dành. Những đứa bé không dám khóc khi giật mình thức giấc nửa đêm vì ác mộng. Những đứa bé phải ráng ôm lấy cơn đau thể xác. Một mình. Cô ơi, con đau ở đây nè cô, cô cho con miếng thuốc đi cô. Cô ơi, con gấu có ba mẹ, con có ba mẹ không hả cô? Mẹ con có giống cô hông? Ba con chắc nhìn giống chú Lân cô hén. Cô ôm cho con ngủ nha cô, cho Thắm ôm một ngón tay của cô nghen. Những đứa bé ôm cứng tay chân tôi không rời. Không chỉ riêng tôi, chúng ôm cứng ngắc hết thảy mọi người lớn trong trung tâm và cả những người đến thăm. Từ con Thu mười tuổi đến thằng bé Hòa tám tháng đều giống nhau như đúc ở cái nết ít khóc ít cười ít làm nũng. Dường như chúng biết thân mình côi cút. Dường như chúng nhận biết đời sống mong manh như tơ trời. Dường như chúng hiểu được thần chết đang ôm chiếc lưỡi hái chờ chúng nơi góc nhà, trong kẹt cửa, ngoài sân chơi.  Chúng là những đứa bé chờ chết. Tôi nghe tim mình bất chợt quặn đau. Những đứa trẻ chờ chết!  Trời ơi, thật khốn nạn cho những đứa bé mang trên mình cái bản án tử hình khắc nghiệt.

 

Tôi không trả lời câu hỏi của Lân, mà hỏi anh: 

“Từ ngày lập trung tâm tới bây giờ, có bao nhiêu đứa bé đã chết hả anh?”

“Năm đầu tiên thì chết rất nhiều chị ạ. Lúc đó, trung tâm mới thành lập, tụi tôi chưa rành rẽ lắm về căn bệnh của các em, chỉ cố gắng sao có chỗ cho các em ngủ, có cơm cho các em ăn. Có ngày tôi đã phải chôn hai em một lần. Sau này, Soeur Ân liên lạc được với hội Y Sĩ Không Biên Giới, họ giúp thêm thuốc, dạy tụi tôi cách chăm sóc các em nên các em kéo dài được lâu hơn. Tất cả các em đều bị nhiễm vi khuẩn HIV, chưa phát ra AIDS nên hy vọng các em sẽ sống được ít năm vui tươi ở đây, sống cho ra sống, sống như một con người.”

 

*

 

Thật ra không phải tất cả các đứa trẻ ở trung tâm đều mồ côi. Thằng bé Hòa có mẹ. Lân nói với tôi sáng nay.

“Chút chiều má nó tới thăm. Con bé Hậu ở quán Cây Dừa.”

 

Cơn mưa sáng dai dẳng tới trưa vẫn chưa dứt. Bầu trời xám chì ảm đạm. Con sông rập rờn trong làn mưa mỏng. Vài vạt lục bình lênh đênh trên mặt nước. Những cánh hoa tím mỏng manh ủ dột. Lục bình trong mưa trông buồn đến lạ. Màu tím mang mang. Tôi mê màu tím lục bình ngay từ buổi chiều đầu tiên đến Phnom Penh. Trên dòng sông mênh mông xa vắng, cụm lục bình co ro cô đơn trong ánh hoàng hôn vàng óng đã làm lòng tôi chùng xuống. Năm nay mùa mưa ở Phnom Penh kéo dài hơn thường lệ. Tháng chín sắp qua, tháng mười gần đến mà phố xá còn lênh láng nước. Những cơn mưa nhiệt đới chợt đến chợt đi, bất thường như tâm tính cô gái dậy thì. Trời đang nắng chang, bỗng mây ùn ùn kéo tới. Gió phất lên từ ngọn cây, rồi mưa đổ xuống ào ào. Thoắt cái, mưa tạnh. Mặt trời lại đổ xuống trần gian tia lửa nung người.

 

Mưa rơi trên mái tôn, rì rào như một khúc nhạc buồn. Hơi nóng hầm hập trong nhà dịu hẳn xuống. Đám trẻ ngủ ngon lành. Trừ con bé Giàu. Con bé ngồi trên chiếc giường kê sát tường, mắt nhìn ra cửa sổ. Lặng im. Bọn trẻ gọi Giàu là con Câm. Vì Giàu không bao giờ nói. Từ ngày Soeur Ân đem Giàu đến trung tâm, Giàu chưa nói bao giờ. Ai cũng tưởng con bé bị câm thật, cho đến khi nó la hét nói mớ trong đêm. Giàu chỉ nói trong giấc mơ đêm, tuyệt nhiên không mở miệng vào ban ngày. Nó ngồi lừ đừ, nhìn chăm chăm vào một chỗ nào đó hàng giờ không di chuyển. Cái nhìn lơ ngơ trống rỗng. Mấy ngày mới đến, nhìn cảnh con bé ngồi trơ trơ, không nói không cười, tôi ứa nước mắt. Lân tinh ý, anh chận ngay. Chị phải cứng rắn mới giúp trung tâm lâu dài được. Còn nhiều cảnh thương tâm hơn như thế này. Giàu bị gia đình bán cho một quán mát-xa năm bảy tuổi. Bị chủ hành hạ, đánh đập, bắt tiếp khách cho tới khi nó bị nhiễm HIV thì chủ tống ra đường. Soeur Ân lượm nó về từ cây số mười một. Nó rách nát ốm o, tơi tả như khúc củi trôi sông...

 

Tôi cầm cuốn sách đến ngồi bên cạnh Giàu như tôi thường làm mỗi buổi trưa. Con bé liếc nhìn tôi rồi lại quay ra cửa sổ. Tim tôi rộn lên một chút niềm vui. Giàu đã để ý đến sự có mặt của tôi.

“Cô đọc tiếp truyện Công Chúa Lọ Lem cho con nghe nha.”

“....”

“Để coi, trời ơi, sao cô dở quá! Cô quên mất tiêu chỗ nào rồi. Thôi, cô đọc lại từ lúc Lọ Lem bị bà mẹ ghẻ đánh nghe. Tội nghiệp Lọ Lem quá há con...”

 

Có tiếng sụt sịt như tiếng khóc. Tôi rời trang sách nhìn lên. Giàu vẫn nhìn ra cửa sổ nhưng hai vai nó run lên, những âm thanh nghẹt sâu trong cổ họng. Tôi xoa nhè nhẹ vào vai nó. Đôi vai gầy guộc mỏng mảnh như tấm giấy. Nỗi đau câm nín như vết thương chưa kín miệng chợt tươm ra những dòng máu đỏ. Giàu hức lên. Những giọt nước vỡ ra từ trái tim non. Nước mắt tuôn rơi trong tiếng nấc nghẹn ngào. Tủi hờn tức tưởi bật ra từ lồng ngực trơ xương. Giàu dụi khuôn mặt ướt rượt lên cổ tôi. Tiếng khóc lúc đầu nức nở như lời van xin cầu cứu, giờ ồ ồ lanh lảnh như tiếng thét uất ức, xé tan lồng ngực nhỏ bé. Tiếng gào lanh lảnh dội vào tim tôi nhức buốt. Tôi ôm nó vào lòng. Siết chặt thân thể nó mười tuổi mà khỏng kheo như đứa bé lên bảy. Thì nó đã có bao giờ lớn. Tuổi thơ của Giàu đã chết năm nó bảy tuổi. Cuộc đời đã dừng lại trong cái ngày u ám đó. Thời gian đã ngưng đọng lại ở cái nắm tay cuối cùng của người mẹ, nghèo khổ đến nỗi đã bán con để đổi lấy miếng ăn. Lương tâm mỏi mệt của con người đã khiến nhân loại quên đi sự hiện diện của nó. Một sinh linh nhỏ nhoi bị chà đạp, bị tước đi quyền được sống, quyền được nói, quyền được cười, quyền được làm người. Nước mắt tôi rơi trên mái tóc Giàu. Khóc đi con, tôi vỗ về nó. Ừ, con khóc đi. Khóc cho quên hết những nỗi đau con phải gánh chịu trên đôi vai thơ ngây. Khóc cho tuổi thơ trong trắng bị dập vùi tàn nhẫn. Khóc cho thân thể tinh khôi bị xâm phạm nhem nhuốc bởi những con người-thú-vật. Khóc cho số phận cay đắng nghiệt ngã của con. Khóc cho tương lai đen tối của bao nhiêu đứa trẻ đang bị mua bán như một món hàng khắp nơi trên xứ Chùa Tháp. 

 

Mưa vẫn âm thầm rơi ngoài khung cửa. Nước vẫn lao xao theo dòng chảy miên man.

 

*

Hậu đến khi con bé Giàu vừa rơi vào giấc ngủ. Tấm ngực mỏng vẫn chưa thôi những tiếng nấc. Tôi dẫn Hậu vào bên nôi của bé Hòa. Thằng bé vừa thức dậy, đang nằm u ơ trong nôi. Hậu trẻ hơn nhiều so với sự tưởng tượng của tôi. Đôi mắt to buồn nổi bật trên làn da ngăm đen và đôi môi tái nhợt. Cô đứng lơ ngơ nhìn thằng bé trong nôi, tựa như một người không quen biết. Hậu mở xách tay mang theo, kéo ra một con gấu nhồi bông nhỏ tí xíu màu trắng, đặt vào một góc nôi. Tôi nhìn hai mẹ con cô như đang theo dõi một hoạt cảnh trên sân khấu. Hậu đóng vai người mẹ vụng về. Cô theo dõi thằng bé với đôi mắt tò mò, lạ lẫm. Chừng như cô không biết nó là ai. Chừng như cô chưa bao giờ mang nó trong bụng chín tháng mười ngày. Chừng như nó là nguồn gốc của sự ghê tởm dâng đầy trong mắt cô.

“Bé ngoan lắm. Em bồng con một tí không?” Tôi hỏi.

 

Đôi mắt lạc thần nhìn sang:

“Dạ, thôi.”

Đôi mắt Hậu buồn thăm thẳm. Bấc giác, tôi liên tưởng đến cụm lục bình long đong trôi dạt trên sông. Cũng cái vẻ buồn buồn, cô đơn xa vắng đến nát lòng.

Thấy Hậu đứng mãi, tôi gọi Hậu lại gần. Hậu khép nép ngồi bên tôi với vẻ e dè nghi ngại của con chim một lần trúng tên. Sợ cành cao, sợ cung tên, sợ loài người. 

 

Tôi nắm tay Hậu, nhỏ nhẹ:

“Em ở đâu mà tới tận đây?”

Hậu cúi mặt. Đôi môi tái cắn chặt. Khi cô ngẩng lên, tôi thấy đôi mắt to dàn dụa nước mắt.

“Em trốn ba má đi... đâu ngờ, tới nông nỗi này.”

 

*

Cơn mưa đã tạnh từ lâu nhưng bầu trời còn giăng đầy mây xám. Nước sông dâng cao, chảy cuồn cuộn. Rác rưởi trôi về từ thượng nguồn. Hậu cùng con Tiên, thằng Giang lội bì bõm ven bờ. Hậu cầm một cành tre dài, ở đầu cột chiếc móc bằng dây kẽm bẻ cong. Một tay nó bám thân cây dừa, tay kia cầm cành tre vươn ra vớt củi. Mùa nước lớn, các nhánh cây gẫy trôi về kín mặt sông. Hậu vớt từ sáng đến trưa cũng đã được khẳm củi.

“Chị Hai, chị Hai, có cái chai nổi, vớt đi chị Hai.” Thằng Giang la to, tay vẫy lia lịa.

“Chị Hai đang vớt củi, đừng phá.” Con Tiên rầy em.

 

Thằng Giang nghe con Tiên rầy thì xịu mặt, hai tay buông xuống xuội lơ. Hậu nghe hai đứa em la nhau mà thương tụi nó đứt ruột. Hậu nhoài người xuống sâu hơn trên mặt nước. Thôi, bỏ khúc củi này. Hậu móc cái chai nhựa nổi lềnh bềnh vô cho thằng Giang chơi. Tội nghiệp! Cái thằng sanh ra gặp lúc gia đình túng quẫn quá, má phải bỏ nó cho Hậu trông từ lúc mới lẫm chẫm tập đi. Sáng sáng má chèo xuồng lên chợ bán xôi chè. Tờ mờ sáng, lúc mấy chị em nó còn ngáy khò trong giường là má đã lục đục dưới bếp. Má nấu xôi, nấu chè, xếp gọn vào mấy cái mửng, rồi lật đật xuống bến, chèo đi cho kịp buổi chợ sớm. Hậu hay ngồi dậy, vén mùng, nhìn theo ngọn đèn đỏ trên quang gánh của má. Ngọn đèn nhỏ nhoi, lập bập lên xuống như ma trơi theo bước chân liêu xiêu của má ra tới bến. Cữ đó, ba Hậu cũng thức dậy. Ông Tư ém mùng lại cho Hậu, biểu, ngủ thêm chút nữa đi, còn sớm lắm con. Ông rầy con gái, nhưng ông cũng không ngủ lại được. Ông ngồi nhìn ra sông, chong đèn rít thuốc sòng sọc cho tới hừng đông.

 

Từng đám mây xám mọng nước trôi lừ đừ. Hồi hôm nghe đâu có cơn bão nhỏ rơi rớt nên mưa lắt nhắt thâu đêm. Hậu nhìn đám mây trĩu nước, thầm mong trời đừng mưa. Mưa gió đùng đùng, má chèo mướt mồ hôi mới về tới nhà. Hậu thương má cực khổ trăm chiều.

“Thôi về hai đứa, má sắp tan chợ rồi.”

 

Hậu gom mớ củi. Con Tiên, thằng Giang cười hớn hở, kéo nhau vô bờ theo Hậu. Gió bốc lên nhè nhẹ. Những đám mây tan tứ phía để lộ dải trời xanh biếc. Nắng rải xuống mặt sông sáng loáng, nhập nhòe lóa mắt. Từng dề lục bình bồng bềnh trên mặt sông. Hậu nheo mắt nhìn đám lục bình trôi qua, tiếc rẻ. Phải chi có chiếc xuồng ở nhà. Hậu sẽ bơi ra kéo thêm mấy dề để neo lại dưới bến. Mươi bữa nữa, lục bình trổ bông, màu tím biêng biếc một vùng. Trời ơi, đẹp phải biết! 

 

Hậu vác bó củi đi trước. Con Tiên và thằng Giang lẽo đẽo theo sau. Hậu mười lăm, con Tiên chín, thằng Giang năm. Ba đứa giống nhau y chang ở đôi mắt đen thui, tròn vo như hai hột nhãn. Ba cái bóng cụt lủn băng qua giàn bầu, đi thẳng ra sàn nước rửa chân. Hậu rải mớ củi ra sân phơi nắng. Thằng Giang lui cui rình bắt chuồn chuồn. Con Tiên ngồi bên bậc thềm ngóng má tan chợ.

 

Mặt trời vừa ló ra khỏi đám mây thì má về tới. Lật đật, má neo xuồng, te te đi thẳng vô bếp. Má vừa treo quang gánh trên trần bếp vừa sai Hậu ra nhà bà Ba Kiểng, mua cho má xị dầu ăn. Hậu vừa dạ vừa chạy ra khỏi nhà. Mặt trời cười toe toét với Hậu. Tới cửa nhà bà Ba, thấy bà có khách, Hậu đứng tần ngần không dám thèo lẻo như mọi lần.

“Ủa, con Hậu, mua gì con?”

“Dạ, bà Ba bán thiếu cho má con xị dầu ăn.”

“Trời ơi, con gái nhà ai mà coi ngộ quá, chị Ba.” Bà khách săm soi nhìn Hậu.

 

Bà khách ngoắc Hậu lại gần:

“Nè, con gái, con được nhiêu tuổi rồi?”

“Dạ, con mười lăm.”

“Mười lăm là phụ giúp tía má làm ăn được rồi hén. Con còn đi học không con? Con cháu của dì đó nghen, nó mười bốn, theo dì qua Nam Vang bán quán cà phê, kiếm bộn tiền nghe con.  Mỗi lần dì về quê, nó gởi tiền về cho tía má nó, thiệt là có hiếu hết sức.”

Hậu ôm chai dầu ăn vào lòng. Tai nó văng vẳng lời người bạn của bà Ba Kiểng. Con gái nhà ai mà coi ngộ quá. Ngộ chắc là đẹp chớ gì. Hậu mỉm cười một mình. Ngoại cũng hay khen Hậu ngộ. Mấy bà bạn hàng của má cũng hay xì xầm với má về Hậu như vậy. Hôm Tết, má mua cho Hậu cái lược chạm đồi mồi và một ve dầu bông bưởi. Má ngồi nơi bậc cửa trước nhà chải tóc cho Hậu, dặn dò. Con gái lớn rồi, phải ăn bận sạch sẽ, tóc phải siêng chải, xức một chút dầu cho mượt. Má nhìn ra sông con nước rong, chặc lưỡi. Má buôn bán lụi đụi như vầy, biết chừng nào mới khá được.

“Qua Tết, con đi bán phụ má nghe?”

 

Hậu nghe má thở dài. Tiếng thở nhẹ buồn thiu, hiu hắt như nỗi lòng người mẹ.

 

Con Tiên với thằng Giang nằm dài trên bộ ván gỗ chờ cơm trưa. Mùi chiên xào xì xèo dưới bếp thơm phức làm bụng hai đứa nhỏ réo rồn rột. Hậu phụ má rắc tóp mỡ lên xôi rồi gọi hai em xuống ăn. Con Tiên và thằng Giang ngồi bật dậy, phóng thẳng xuống bếp. Nhìn thấy mửng xôi đầy ụ bên bếp, con Tiên lạu bạu:

“Xôi nữa hả má? Mấy bữa nay ăn xôi riết, con xót ruột quá hà.”

“Ăn xong, uống đầy bụng nước, thì hết xót ruột chớ gì.”

 

Má cười mà miệng méo xệch như khóc. Khi má quay lưng vô bếp, Hậu thoáng thấy nước mắt má chảy dài trên mặt. Cả tuần nay, trời mưa lây lất, xôi chè bán ế nên trưa nào má cũng về trễ. Hàng bán không hết, má đổ ra cho cả nhà ăn trừ cơm. Bữa trưa cũng xôi, bữa tối cũng xôi. Xôi ăn với rau đắng, rau càng cua, rau rút cho đỡ xót ruột. Trưa nay ngoại lệ, má mua thêm chút lạp xưởng ăn kèm cho đỡ ngán.

 

Đêm mưa rả rích.  Hậu nằm trăn trở trong mùng, nghe mưa rơi lộp độp xuống mặt sông. Con sông dường như không bao giờ ngủ. Sông thức theo đám cá con loi ngoi bơi trong nước. Sông thấp thỏm với nỗi buồn của Hậu. Con Tiên nằm gác chân lên bụng Hậu, ngủ ngon lành. Hồi chiều, Hậu nghe má than với ba, “mấy bữa rày bán hổng được, lụn hết vốn rồi mình ơi!” Nghe giọng má nghẹt nghẹt như khóc. Hậu thương má quá! Bất chợt, Hậu nhớ tới bà khách của bà Ba Kiểng. Chà, Nam Vang thì có đâu xa. Đi dọc theo bờ sông, tới bến anh Hai Hôm là có đò đưa đi thẳng tới Nam Vang. Phải chi ba má cho Hậu đi làm. Bán quán cà phê thì có cực gì đâu. Hậu đi làm có tiền gởi về cho ba sửa lại mái nhà dột, cho má mua chiếc xuồng máy Koler đi chợ cho đỡ cực. Có tiền, Hậu sẽ mua cho con Tiên một bộ quần áo mới, mua cho thằng Giang chiếc xe nhựa chạy pin cót két... Ờ, phải chi Hậu có tiền. Phải chi Hậu được đi làm ở Nam Vang. Hậu nghe tiếng rì rầm của dòng sông ầu ơ ru như ru ngủ. Ngủ đi. Hình như Hậu ngủ.  Tiên trở mình, lăn một vòng, đầu nó đụng vào mặt Hậu. Hậu ngửi thấy mùi tóc khét nắng, mùi thơm ngầy ngậy của nước dừa má rải trên mửng xôi bốc khói nghi ngút, mùi nước sông oai oải, mùi sình ướt tanh tanh...  Hình như Hậu ngủ. Dòng sông vẫn miệt mài những lời ru êm. Hình như Hậu lén ba má, bỏ trong cái bọc xốp hai bộ quần áo, đôi dép nhựa, tấm hình gia đình chụp hồi thằng Giang đầy năm. Hình như Hậu theo dì Năm đáp chuyến đò sớm ở bến anh Hai Hôm. Hình như Hậu đến Nam Vang...

 

*

Bác sĩ bảo Giàu bị viêm phổi. Những cơn sốt tăng giảm bất thường kéo dài đã hơn bảy ngày. Thân thể Giàu bình thường còm cõi bây giờ gầy rốc dính sát vào giường. Hai con mắt thâm quầng lõm sâu vào. Tôi chỉ còn nhận ra Giàu ở nụ cười móm xọm thiếu một cái răng cửa. Mấy đứa học trò của tôi ở nhà cũng bị viêm phổi nhiều vào mùa đông. Thường thì sau khi uống trụ sinh một tuần là chúng đã khỏe lại. Giàu cũng đang uống trụ sinh, nhưng với thể chất yếu đuối, thêm vào các con vi khuẩn HIV làm giảm sức đề kháng của nó, viêm phổi trở nên nghiêm trọng và nguy hiểm đến tính mạng.

 

Mặt trời vàng rực trên cao. Nắng trưa xuyên qua tàn cây, chiếu xuống khoảng sân rộng những sợi sáng lung linh. Thỉnh thoảng, một ngọn gió heo hắt chạy qua, không đủ sức làm xao động đám lá trên cành. Trong nhà, chiếc quạt máy chậm chạp quay, lười biếng nhả ra vài ngụm gió con con. Người Giàu hâm hấp nóng. Tôi lấy khăn ướt lau mình cho nó. Buổi sáng, Giàu không chịu uống sữa.

“Đau cổ quá cô.”

“Uống một chút sữa sẽ hết đau.”

 

Giàu vẫn lắc đầu không chịu uống. Một lát, nó mở mắt:

“Con nằm chiêm bao, thấy đủ thứ.” Giàu kể ngọng nghịu, chắp nối những cơn ác mộng ở quán mát-xa, rồi nó ấm ức khóc. Tôi dỗ Giàu đừng khóc như đang dỗ dành những giọt nước mắt của mình. Mấy ngày nay, tinh thần tôi suy sụp vì lo lắng quá độ. Đến nỗi, Lân không cho tôi ở bên giường Giàu vào ban đêm. Anh bắt tôi ngủ. Nhưng tôi không ngủ được.  Mắt tôi mở trừng trừng. Tôi muốn thức để canh Giàu. Tôi sợ nó ngủ luôn không thèm thức dậy.

 

*

Quán nằm tại cây số Mười Một. Mặt quán phơi trên mé lộ, lưng quay ra sông. Gió thổi thốc lốc từ đằng sau ra đằng trước. Từ sáng đến tối, xập xình tiếng xe máy trên đường, lục bục tiếng xuồng chạy dưới sông. Hậu ngồi bẹp dí trên chiếc ghế nhựa trong góc quán. Hậu khóc rưng rức, nước mắt nước mũi choàm ngoàm. Hậu nhớ má, nhớ ba, nhớ con Tiên, nhớ thằng Giang quá. Hậu nhớ con sông trước nhà mỗi buổi chiều í ới tiếng đập nước, chí choé tiếng cãi nhau của mấy đứa trẻ lặn hụp trong làn nước đục ngầu phù sa. Từng giọt nhớ rỉ rỏ vào tâm hồn Hậu, day dứt như những cơn mưa dầm. Hậu nhớ cây dừa nước Hậu hay nằm ngả ngớn soi bóng xuống mặt sông ca vọng cổ. Má ơi đừng gả con xa, chim kêu vượn hú biết nhà má đâu... Hậu nhớ dòng sông hiền hòa như một người bạn luôn mở lòng đón nhận bao nhiêu vui buồn của gia đình. Dề lục bình năm ngoái Hậu neo lại dưới bến, giờ chắc đã trổ bông tím ngắt. Hổng biết ba má có đi tìm Hậu không? Chắc má khóc dữ lắm. Hổng biết ai trông con Tiên và thằng Giang cho má đi chợ, cho ba đi làm.

 

Năm ngày trước, Hậu theo dì Năm tới Nam Vang. Từ bến đò, dì dẫn Hậu đi loanh quanh vô chợ. Dì lựa cho Hậu hai bộ quần áo, biểu phải ăn mặc tươm tất người ta mới ưa. Hai người ăn qua loa trong chợ tô hủ tiếu tôm thịt, rồi dì kêu xe đưa Hậu đến quán Cây Dừa. Hậu đang đứng lớ ngớ thì dì Năm kéo Hậu tới trước mặt bà chủ quán. Dì Năm dặn Hậu ở đây. Tiền Hậu thiếu dì, bà chủ quán sẽ cho mượn trước để trả. Dì Năm cho biết Hậu thiếu dì hai trăm đô. Hậu ngơ ngác.

“Nè, tiền đò, tiền ăn uống, tiền quần áo, tiền công tao dẫn mày tới đây. Chớ bộ tao dẫn mày đi không công hả?”

 

Hậu rớm nước mắt. Mới hồi hôm dì Năm còn dì dì con con với Hậu ngọt lịm như miếng đường thốt nốt,

giờ dì tao tao mày mày với Hậu như bà dì ghẻ nạt nộ con chồng. Hậu lắp bắp:

“Dì... dì... nói dì giúp con...”

Bà chủ quán xoa vai Hậu an ủi. Bà hứa cho Hậu mượn tiền, nhưng Hậu phải làm cho bà để trừ nợ. Hậu có biết làm gì đâu ngoài việc trông em và phụ mẹ nấu cơm.

“Ôi, dễ ợt, từ từ tui dạy cho, có khó gì đâu.” 

Bà chủ quán mở khoá thùng gỗ, lôi tiền ra đếm. Bà cuốn những tờ giấy bạc nhăn nhúm, nhét vào tay dì Năm.

“Đáng lẽ chị phải trả tui thêm năm chục đô, con nhỏ còn mới nguyên si.” Dì Năm kỳ kèo.

“Mới nguyên si thì cũng khui được lần một thôi chứ mấy!”

 

Gã đàn ông đã mặc lại quần và đi ra khỏi phòng từ lâu mà Hậu vẫn còn nằm bất động trên giường. Nỗi kinh hoàng khốc liệt đã khiến Hậu đông cứng trong sợ hãi. Hậu nằm im lìm, lạnh ngắt như người chết. Khuôn mặt bóng nhẫy trơ lì cảm xúc của gã đàn ông đã khui Hậu hiện ra như một con quỷ trong phim kinh dị. Cổ Hậu khô cứng, thân thể đau nhừ. Xa xa, lẫn trong tiếng mưa rơi, có tiếng mái chèo quẫy nước vọng về. Ôi, sông! Hậu gượng đứng dậy, lần ra sau quán. Gió thổi liu riu trên mặt nước lăn tăn gợn sóng. Hậu nhào xuống nước. Từng giọt nước cuống quít lăn xả vào thân hình Hậu. Nước âu yếm vỗ về, len lỏi vào từng chân tóc, từng kẽ tay, xoa dịu khoảng da thịt mềm rách tươm giữa hai đùi Hậu. Hậu nhắm mắt thả người bập bềnh trong làn nước. Nước mắt hòa vào nước sông chảy tràn lan trên mặt Hậu. Khuôn mặt của gã đàn ông vẫn ám ảnh không nguôi. Hậu đã khóc. Hậu đã van xin. Hậu đã co rúm người lại trong kinh khiếp. Gã đàn ông sổ ra một tràng dài những chữ lạ Hậu chưa nghe bao giờ. Gã cười hô hố, lấp lóe những chiếc răng vàng chóe trong hố miệng sâu. Gã tiến một bước. Hậu lui một bước. Những sợi gân trong tròng mắt trắng dã của gã bọng đỏ. Gã gầm gừ như con cọp đói vờn miếng mồi nhỏ bé. Gã đẩy Hậu ngã nhào trên chiếc giường ọp ẹp. Hậu chưa kịp hét lên thì một miếng giẻ đã tống vào họng. Gã đưa bàn tay thô bạo lột phăng chiếc quần Hậu. Hậu ngất đi khi một cơn đau xé toang bung ra từ phần dưới thân thể.

 

Mưa rơi lất phất. Một dề lục bình trôi lơ ngơ. Hậu vươn tay nắm lấy nhánh lục bình tưởng mình đang lội ở khúc sông trước nhà. Hậu ứa nước mắt. Không còn là lục bình trên bến nhà Hậu. Cũng con sông này, cũng dòng nước đục ngầu phù sa giờ bỗng xa xôi. Như thể Hậu đang ở một thế giới khác. Dòng sông vô tình đưa đẩy cuộc đời Hậu vào một ngã rẽ ngoặt nghẹo. Văng vẳng bên tai Hậu câu ầu ơ của má. Thấp thoáng trong mắt Hậu bến nhà tím ngắt lục bình. Ôi! lục bình của Hậu. 

 

Khi Hậu về, biết lục bình có còn tím như ngày nào?

 

*

Ngoài trời, mưa đã ngừng rơi. Những vì sao vụt sáng lấp lánh trên bầu trời tím sâu hun hút. Giàu nấc lên, thở hắt một hơi cuối. Lồng ngực xẹp xuống. Khuôn mặt Giàu ép vào ngực tôi. Giọt nước mắt đọng lại nơi đuôi mắt thấm vào da tôi, nóng ran như một vết phỏng lan trên thân thể. Thân hình Giàu nhẹ bâng. Con bé ra đi nhẹ nhàng như khi nó ngả vào lòng tôi hôm nào. Cũng cái dụi mặt mềm ướt vào ngực. Cũng đôi mi chớp nhẹ nũng nịu. Cô ơi, con đau. Ở đây nè cô. Cô đưa tay con chỉ cho. Nè, chỗ này... Một con đom đóm bay lập loè bên cửa sổ. Chút ánh sáng yếu ớt lao chao như đốm lửa sắp tàn. Tôi trông theo cái đốm sáng xa dần xa dần, bay vút vào màn đêm sâu thẳm.

 

Lân kéo tay tôi ra, đỡ lấy con bé. Anh gỡ nhẹ những ngón tay nhỏ xíu của con bé vẫn còn đang bấu chặt vạt áo tôi. Ngón cái. Ngón trỏ. Ngón giữa. Ngón áp út. Ngón út. Từng ngón tay buông lơi như mơ ước tuổi thơ vỡ vụn. Lân vỗ về tôi đừng khóc. Tôi khóc linh hồn Giàu không thể siêu thoát. Tôi có khóc đâu. Mắt tôi ráo. Mặt tôi khô. Tôi không có đủ nước mắt để khóc cho ba mươi đứa trẻ ở đây. Mọi người trong trung tâm, và cả Hậu, đều bình tĩnh hơn tôi. Họ vuốt mắt, chải đầu, thay áo quần cho Giàu. Tôi nắm tay Hậu:

“Hậu ở lại đây, đừng về quán Cây Dừa nữa.”

Hậu thở dài, kéo áo lên chỉ cho tôi những vết bầm thâm tím chi chít hằn sâu trên lưng. Làm sao để họ trả tự do lại cho Hậu? Làm sao để Hậu về trung tâm với tôi?

“Thì trả cho hết nợ.”

“Bao nhiêu?”

“Ba trăm đô.”

Ba trăm đô! Mạng sống con người ở đây còn rẻ mạt hơn một con chó nơi tôi ở. Tôi đã đến cây số Mười Một. Tôi đã đi qua các làng Việt Nam ở đây. Đời sống khốn khổ làm băng hoại lương tâm con người. Những người mẹ đành đoạn bán con vào các động mãi dâm. Những bà chủ động đánh đập hành hạ những đứa bé lọt vào tay mình vì chúng không hết lòng phục vụ cho đồng tiền của họ. 

 

Tôi vuốt mắt cho Giàu lần cuối. Ở một nơi nào đó, tôi mong Giàu sẽ được hạnh phúc hơn. Tôi nhìn Lân, nhìn Soeur Ân, nhìn những khuôn mặt bé bỏng đang vây quanh Giàu. Trên mảnh đất khô cằn tình người, những đóa hoa kỳ diệu vẫn mạnh mẽ vươn lên một cách lạ lùng. Tình yêu vẫn còn tha thiết. Cuộc đời vẫn còn hy vọng. Tôi mong được nhìn thấy thằng bé Hòa chạy long nhong tắm mưa trên khoảnh sân rộng. Tôi muốn được thấy con bé Thắm sún răng toe miệng cười, khoe lúm đồng tiền xinh như nụ hoa. Tôi thèm được cùng Hậu về thăm bến đò với lục bình biêng biếc trên sông.

 

Tôi sẽ chuộc Hậu. Tết năm nay, Hậu sẽ chạy xuồng máy đi chợ thay cho má, sẽ nằm nghêu ngao câu vọng cổ dưới rặng trâm bầu, sẽ ngụp lặn tắm sông với con Tiên và thằng Giang. Hậu sẽ lại đêm đêm lắng nghe lời rù rì tâm sự của dòng sông, sẽ nghe lòng bâng khuâng khi tiếng bìm bịp thắc thỏm vọng về, sẽ xôn xao với ước mơ thời con gái...

 

Và Hậu sẽ quên. Mưa ở Phnom Penh./.

Nguyễn Xuân Tường Vy
Số lần đọc: 1543
Ngày đăng: 29.09.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mùa Trâu Ăn Sương - Sương Nguyệt Minh
Chiều muộn - Đặng Văn Sinh
Con đường của rượu - Nguyễn Thanh Hiện
Cuối cùng họ cũng lấy nhau - Nguyễn Hiếu
Ba Truyện Ngắn ... Rất Ngắn - Khải Nguyên
Lá xanh rụng cuối ngày - Sương Nguyệt Minh
sông nước. - Nguyễn Thanh Hiện
Phố Núi - Khuất Đẩu
Nụ cười lão bơm xe đạp - Vinh Anh
Hình Như Tôi Cũng Bị Thương - Nguyên Minh
Cùng một tác giả
Đôi Mắt Hoa Vàng (truyện ngắn)
Mưa Đêm (truyện ngắn)
Mưa Ở Phnom Penh (truyện ngắn)
Made In The Laboratory (truyện ngắn)
Đêm Nổi Lửa (truyện ngắn)