Nhà văn Võ Hồng có lần nói: “Người Việt Nam mình, hình như ai cũng có tâm hồn văn nghệ, ai cũng làm được thơ...”. Điều này lại được nhà văn Sơn Nam khẳng định: “Người Việt mình làm thơ nhiều, in thơ nhiều. Có khi in chỉ để tặng bạn bè đọc chơi”.
Hai lão nhà văn đưa ra nhận xét trên, có lẽ không ngoài mục đích xiển dương nét đẹp văn hóa luôn tiềm ẩn trong tâm hồn của dân tộc Việt. Tính cách văn nghệ ấy được biểu hiện bằng mấy từ chắc nịch: “...ai cũng làm thơ, in thơ...”. Gẫm lại thời trai trẻ, hồi còn ngồi chà đũng quần trên ghế nhà trường đã “ti toe” bắt chước Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng làm những bài thơ tình sướt mướt. Nhưng rồi cũng không chịu dừng lại ở đó, phải có một mảnh đất “cắm dùi” để “khoe” với thiên hạ, sau khi gửi đi các tờ báo ơ Sài Gòn bị chê, liệng vào sọt rác! Cái mảnh đất ấy tuy không đẹp đẽ kiểu con nhà khuê các, thậm chí mặt mũi lấm lem bùn đất, nhưng ngay sau khi in ra đóng thành tập, anh nào cũng lật bài mình ra coi trước tiên.
Bìa Ý Thức
Những tờ báo in ronéo kiểu ấy, khá phổ biến hồi thập niên 60, 70. In mà không cần phải xin phép, kiểm duyệt. Hứng lên, cứ việc rủ năm bảy người “đồng chí” viết bài, bỏ tiền túi mua mươi gam giấy ngồi gõ lốc cốc trên máy. Tờ stencil chỗ sâu, chỗ cạn chỉ được phát hiện sau khi đem đi quay: dòng thì đọc được, dòng mất và mực in thì nhòe nhọet, tèm lem. Nhưng mược kệ “văn mình,vợ người” để cứ thế mà vác đi bán, bán không ai mua thì tặng mấy em trong trường thơm tho mà mình để ý từ lâu, ngầm nhắc khéo: “Đây cũng nhà văn nhà thơ sáng rực tương lai đấy nhá”.
Cái thời ấy rồi cũng qua mau (thời mà chúng tôi hồi đó gọi là thời dậy thì văn nghệ) để nhường chỗ cho kiểu thức làm văn nghệ nghiêm túc hơn. Họ tập hợp lại thành từng nhóm, có logo, có manchette riêng: Việt, Sông Hương, Mặt Đất ở phía ngoài, Sóng, Ý Thức ở khúc giữa, Khai Phá ở phía trong... Những người trong nhóm hầu hết đều có chút ít tên tuổi trên văn đàn thời bấy giờ và dĩ nhiên tính nghiêm túc của những tờ báo văn nghệ này so với trước là một trời một vực.
Lữ Kiều, Châu Văn Thuận, Hồ Thủy Giũ
Trong khi chúng tôi làm tờ Sóng tại Tuy Hòa thì ở Phan Rang, nhóm Ý Thức cũng ra đời. Chưa nói đến bài vở, chỉ nội chuyện hình thức, cũng in ronéo, nhưng tờ Ý Thức đẹp hơn hẳn: canh lề trái, lề phải ngay ngắn, chữ nghĩa rõ ràng chớ không tèm lem như một số tờ khác. Sóng hết tiền (do cha mẹ cúp viện trợ, sợ suốt ngày cứ nghí ngoáy làm thơ, thi rớt đi lính mau phủi chân leo lên bàn thờ) phải thu cờ, xếp trống. Vậy là chúng tôi quay sang đầu quân cho Ý Thức, cũng là lúc Ý Thức “dời đô” từ Phan Rang vào Sài Gòn, với một tờ báo in typo đàng hoàng. 666 Phan Thanh Giản, trở thành tòa soạn và là nơi gặp mặt thường xuyên của chúng tôi khi rảnh việc: phụ với ông Nguyên Minh sửa morasse, đi khắc bản, đóng gói, chở đi giao cho nhà phát hành... tất cả đều không công. Thỉnh thoảng ông Tổng Thư ký nhỏ con nhất làng báo rủ lên La Pagode nhâm nhi ly cà phê đắng nghét, tán gẫu và nhìn thiên hạ dập dìu qua lại trước cửa kính. Cũng có khi thu được ít tiền, bèn rủ anh em chén chú, chén anh. Ông ta có một điểm lạ : hễ thấy anh em nào lò dò tới tòa sọan thì y như rằng, không nhờ việc này thì cũng việc khác, chẳng hạn bắt đọc giùm bài, trả lời thư cho độc giả, sửa bản in.v.v. và .v.v. mà không hề thấy ai phàn nàn hay kêu ca gì. Mà kêu ca làm sao được, trước khi nhờ vả cái miệng đã nở nụ cười tròn xoe bông đồng tiền rồi. Riêng bà DS Chủ nhiệm Nguyễn Thị Yến thì lâu lâu mới thấy dung nhan (không rõ bây giờ bà ở phương trời nào? Chớ thiệt tình lúc đó bụng tôi cũng có để ý và ông BS nhà thơ Đỗ Nghê cứ tưởng là mọi chuyện xong xuôi rồi!).
Ý Thức làm đâu được mươi số khổ 14X20, một bữa từ Gò Công phóng xe về, hứng chí tôi bàn với Nguyên Minh, lúc đó có mặt Lê Ký Thương, rằng nên đổi khổ tờ báo cho “nó lạ, hấp dẫn, dễ trình bày và đẹp hơn”. Rồi không đợi hai ông hỏi han đầu đũa, tôi nói luôn: từ khổ hình chữ nhật bèm bẹp, dễ lần lộn trong đống sách báo khác trên sạp, mình cho nó vuông vức, bìa in offsette giấy láng, chọn ton màu, corps chữ và cho đi luôn tranh vẽ của các họa sĩ. Tôi cứ tưởng khi nói vậy là do phút ngẫu hứng, bốc đồng, chớ không thể ngờ số sau đó, tức số tân niên năm Tân Hợi, 1971, ông Nguyên Minh “chơi” luôn. Cầm tờ báo vừa đổi khổ, không được báo trước, tôi cứ ngẩn ngơ, tưởng mình đang trong mơ, mặc dầu số xuân 1971, trên bìa 4 đã có mấy dòng quảng cáo: “Một thay đổi táo bạo hình thức lẫn nội dung. Đáp đúng nỗ lực phấn đấu cho hoài bão văn học nghê thuật dân tộc” Và quả thật, sau đó báo phát hành nhiều hơn, rồi tăng lên thành bán nguyệt san hẳn hoi.
Ý Thức đã ra bề thế, thì lại đẻ ra lắm chuyện: một mình Nguyên Minh không cáng đáng hết mọi công việc, bèn chạy đôn, chạy đáo tìm người thư ký tòa soạn. Lúc thì thấy Lê Ký Thương, lúc thì Thái Ngọc San, lúc thì vắng hoe không thấy mống nào, nhưng bài vở thì tấp nập, báo phát hành đúng kỳ, bài vở hay hơn trước nhiều, nhất là loạt bài về triết lý thi ca của Trần Nhựt Tân và loạt bài về tranh dân gian của Huỳnh Hữu Ủy đã gây nhiều chú ý hơn trước.
Và rồi cái hoài bão ấy một lần nữa bị băm vằm, xé nát do biến động của lịch sử. Sự tan đàn, rã đám quá sớm, khiến anh em mỗi người một ngả, phân ly, lo cho số phận bị treo lơ lửng trên ngọn cây, lo bới móc mưu sinh và an thường thủ phận; chuyện văn chương đành phải ngậm ngùi dẹp qua bên. Rồi mới đây, mới hồi giữa năm này, bất ngờ Nguyên Minh từ Sài Gòn gọi điện ra hỏi địa chỉ và gửi tặng Ý Thức Bản Thảo số 1. Vẫn phong cách làm báo thuở nào. Vẫn những tên tuổi cũ hồi còn là Ý Thức ronéo, typo và offsette. Mới hay bầu máu nóng văn nghệ của Nguyên Minh chưa tắt, dù anh cũng đang bước qua tuổi trên dưới sáu mươi như chúng tôi. Tôi lại tự hỏi: điều gì thôi thúc, khiến anh không thể từ giã tờ báo cho đành? Và nếu như không có chuyện “tai trời ách nước” thì hẳn tờ Ý Thức bây giờ đã là một trong những tờ báo lớn của giới văn nghệ, cái giới luôn phóng túng, không chịu câu thúc, ràng buộc, không thể trở thành những “con ngựa của chúa Trịnh” luôn bị đeo mã trá và tấm da che mắt. Họ không hề lớn tiếng đòi dấn thân hay một sứ mạng cao cả nào, mà đơn giản là cái đẹp của cuộc sống từ những cảm xúc chân thật, không trá ngụy, không bôi đen, nói ngược dưới những tấm mạng nhân danh này nọ..
Thời gian qua nhanh. Mọi người trong chúng ta cũng lướt thướt bay theo cánh thời gian không dừng lại. Người còn. Người mất. Người xiêu lạc phương trời xa lắc. Nhưng tất thảy đều gần gũi, thân thiết như mới hôm qua đây thôi. Bởi trước mặt tôi vẫn còn những con người năm nào hiện rõ ràng trên từng trang giấy, những con người cùng tâm hướng, không phải một thời mà mãi mãi. Ngay trên trang 2 của Ý Thức số mùa xuân 1971, mà tôi còn giữ được, có mấy dòng chữ của Nguyễn Thị Yến: Bản của anh Nguyễn Lệ Uyên, tên ký nhỏ nhẻ trên góc và ghi ngày 13.01.1971; tiếp đó là chữ ký to tướng của Huỳnh Hữu Ủy, rồi Nguyên Minh, Nguyễn Ban, Nguyễn Lệ Tuân, Trần Nhựt Tân, Cao Hữu Huấn, Thế Thủy, Hồ Nguyên Hãn và cuối cùng là Trần Hoài Thư. Đó là buổi gặp mặt cuối năm trong căn nhà của một bạn văn bên cầu Calmette. Mười một con người kia đã một thời gắn kết với Ý Thức và còn biết bao anh em nữa không thể về dự trong buổi chiều hôm đó. Dẫu sao, sợi dây liên lạc vẫn còn, chất văn nghệ vẫn còn và thấm đẫm trong từng đường gân, thớ thịt của Nguyên Minh, nên anh em mới có dịp hỏi han nhau: Bây giờ ở đâu? Làm gì? Ra sao bây giờ?./.