Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.182
123.221.285
 
Gió Mai, Những Ngày Hoang Dại
Lữ Kiều

Một người cháu của tôi, anh Hà Thúc Huy, vừa gửi lại cho tôi tờ báo GIÓ MAI, số 4, Xuân Mậu Thân, số tha hương, năm 1968. Tờ báo in roneo, dày 100 trang, bìa do tôi trình bày, mượn minh họa hình cô gái có đôi mắt to, mái tóc dày của họa sĩ Nguyễn Trung.

 

Vậy mà đã 35 năm qua, tưởng như đã quên tờ báo mà nhóm Gió Mai thời 1968 thực hiện. Làm sao không bồi hồi cảm động. Như thể gặp lại người bạn cũ thâm giao. Bạn thì không hề thay đổi, còn ta thì quá đổi hư hao…

 

Vậy thì tôi viết về số báo này, như một cột mốc của cuộc sống, chứng nhân của một thời, với tất cả vui buồn, sum họp và chia ly của nó.

 

Tờ Gió Mai số 4 do Ngy Hữu chủ trương, thực hiện ruột ở Phan Rang tại Roneo Nguyễn của Nguyên Minh, stencil do Ngy Hữu và Nguyên Minh ngồi gõ trên cái máy chữ xách tay Brother của Ngy Hữu và Olympia của Nguyên Minh. Làm sao quên được.

 

Bấy giờ Ngy Hữu là người đứng ra kêu gọi, thúc đẩy anh em viết bài. Anh là người chủ trương thứ hai. Còn người chủ biên đầu tiên là tôi, Lữ Kiều, được các bạn gồm có Lữ Quỳnh, Ngy Hữu, Hoài Linh Lê Trọng Nhạn tin cậy giao phó chức vụ ấy để thực hiện số Gió Mai chép tay đầu tiên, vào tháng 6.1958. Bấy giờ chúng tôi chưa đầy 20 tuổi. Còn tôi thì đúng 15 tuổi!

 

Ngy Hữu thấp người, rắn chắc, đen, hai con mắt nhỏ, nụ cười rất thẳng thắn, chân quê. Năm 1968, anh ở Phan Rang. Nguyên Minh cũng vậy. Anh tự cho là sống tha hương. Không sống ở Huế là tha hương rồi: cái đầu óc địa phương của chúng tôi thuở đó thật là nặng nề. Vì vậy, trong những số Gió Mai mà anh chủ biên, anh còn ghi thêm chữ “tha hương” bên cạnh chữ Gió Mai. Gió Mai tha hương. Nghe thật lãng mạn mà cũng thật kiếm hiệp!

 

Bìa Gió Mai 4 in màu xanh lá cây. Tôi phải nhờ Mỹ Hiệp Ronéo ở đường Phan Đình Phùng Sài Gòn thực hiện. In roneo mà tưởng như in Typô. Thuở ấy, Mỹ Hiệp Ronéo là tiệm quay ronéo tân tiến nhất, chuyên in bài học cho sinh viên y khoa, mà lúc bấy giờ tôi, Nguyên Thạnh Nguyễn Mậu Hưng và Đỗ Nghê là sinh viên năm cuối, sắp ra trường! 100 trang báo, khổ 20x30, bao nhiêu công phu gõ máy đánh chữ của Ngy Hữu và Nguyên Minh, nhất là phần canh chữ cho ngay mỗi cuối hàng bên phải: thuở đó, làm một tờ báo đẹp về hình thức trong điều kiện thiếu thốn phương tiện vẫn là nỗi đam mê và hãnh diện của Nguyên Minh.

 

*

 

Về nội dung và các tác giả Gió Mai:

 

Tờ báo chia làm nhiều phần: Bài giới thiệu mở đầu do Ngy Hữu viết: “Như một định nghĩa”. Văn phong nồng nhiệt, lý luận sắc bén trong tâm cảnh sôi nổi của anh đối với tờ báo, về những người làm nên nó, về bạn đọc. Viết, anh định nghĩa, là cách tìm ra chân tướng của mình. Hình như ý đó của tôi. Là tìm một con đường cho nhiều người cùng đi. Phần thứ nhất của tờ báo gần như là lý luận văn nghệ. Trong thư chung viết rất khốc liệt trước đó, Ngy Hữu dặn dò các bạn hãy viết về những tư duy văn học nghệ thuật trong bối cảnh bấy giờ; ý của anh là Gió Mai phải là một tiếng nói dấn thân, tích cực thức tỉnh trước những trào lưu nghệ thuật có tính “giả dối” “viễn mơ” “ru ngủ” thế hệ trẻ trước bi kịch chiến tranh 1968; Nhan đề bài của anh là “NGHỈ GÌ? VIẾT GÌ? (từ trang 7 –12), anh kêu gọi anh em phải “nhìn lại, nhìn rõ”. Tôi đọc lại, ngạc nhiên và cảm phục anh chàng trẻ tuổi ngày ấy, tại sao lại sắc sảo, tỉnh thức nhưng cũng không kém phần lãng mạn như vậy. Anh kết luận: viết như một kẻ bất hạnh đi tìm hạnh phúc, viết như đi tìm giải oan cho chính mình vậy.

 

Quá đã! 35 năm, tưởng như nghe anh nói, giọng chắc nịch, cho dù anh đã không còn. Anh mất năm 1999, vì bệnh nhồi máu cơ tim. Anh bệnh từ năm 1995, và tôi là người thầy thuốc theo dõi và điều trị cho anh. Có thể, đoạn đời về sau, anh có khác đi, nhưng trong lòng tôi, Ngy Hữu là chàng trai nồng nhiệt chủ trương tờ Gió Mai từ 1962 đến 1968. Bạn ơi, mới thôi mà ta đã xa nhau thật, mới thấm thía chữ âm dương cách biệt.

 

Tôi là người hưởng ứng anh đầu tiên, giữa lúc phải lo làm luận án tốt nghiệp bác sĩ, vừa học bài thi ra trường. Tôi thức luôn một mạch hai đêm để viết bài “MẢNH VỤN CỦA VĂN CHƯƠNG” (trang 13 -19).

 

Tôi viết: “Giàu ngôn ngũ xui mình thêm điêu ngoa.” “Chúng ta dùng chung một ngôn ngữ như nhận chung một định mệnh.” Chàng trai 24 tuổi là tôi đã viết những dòng ấy vào năm 1967. Bài viết đào sâu phần tiềm thức của ngôn ngữ, những phản ứng triết học trước phận người, trước lịch sử. Hình như đó là những dòng tự bạch về văn chương của mình, men theo những thao thức của một kẻ hoài nghi chủ nghĩa. Tôi đã viết: “Làm văn chương nhưng phủ nhận ngôn ngữ, suy nghĩ trầm tư nhưng từ chối trí tuệ, nhận sự gắn bó liên hệ với cuộc sống nhưng không nhận sự sáng tạo của kẻ khác. Đó là nhà văn bây giờ, nhà văn bị đày đọa, nhà văn của địa ngục. Đó là nhà văn không kiếm tìm hạnh phúc.”

 

Ôi, đúng là hư vô chủ nghĩa. Thời ấy, với tôi, viết đã là không có gì vui rồi! không vui, nhưng vẫn viết, cho đến bây giờ.

 

Tôi và Ngy Hữu còn nhiều lần bày tỏ những tự vấn văn nghệ như thế. Về sau này thì có thêm Châu Văn Thuận. Tất cả chỉ là những bắt đầu, để hai năm sau, 1970 chúng tôi thực hiện tờ Ý Thức in Typô tại Sài Gòn.

 

Từ trang 16 - 27 dành cho thơ. Lữ Quỳnh có bốn bài thơ: VÔ THỨC tặng Ngy Hữu, NỖI BUỒN CÒN LẠI, THƠ ANH BÂY GIỜ, LỜI RU NƯỚC MẮT. Bài thơ tự do NỖI BUỒN CÒN LẠI theo tôi là một trong những bài thơ hay nhất của Lữ Quỳnh. Thuở ấy, anh là một sĩ quan quân đội Sài Gòn, đóng tại Qui Nhơn. Chúng tôi vẫn thư từ hằng tuần cho nhau, chia sẻ từng nỗi thương nhớ, từng ý tưởng văn nghệ, và nhất là những tình yêu tìm đến.   Bài “Nỗi buồn còn lại” viết về một tình yêu không thành, khởi đầu bằng những câu thơ rất ấn tượng:

 

Thế là con chúng ta không chào đời

Những đứa bé có vầng trán anh đôi mắt em

Có giọt máu chúng ta làm thành trái tim

Có hơi thở chúng ta làm thành tiếng nói

 

Cực kỳ lãng mạn! Không biết giờ đây, ở quê người – xứ Mỹ xa xôi – có bao giờ anh nhớ đến người cũ cùng những xao xuyến cũ. Có một lần, năm 2001 tôi đặt chân lên đất Mỹ, Lữ Quỳnh đưa tôi đi loanh quanh thành phố của thung lũng hoa vàng, giữa chúng tôi thiếu vắng Ngy Hữu, cả xác lẫn hồn. Tôi và Lữ Quỳnh đều ngậm ngùi nghĩ về bạn, về những bài thơ đã mất đi trong trí nhớ và trong đời sống.

 

Cung Nhã Thu là bút hiệu của Châu Văn Thuận thuở ấy. Những bài thơ đăng trong số này cũng là những bài thơ hay nhất của Thuận. Đọc thơ Thuận, cũng thấy rõ những ngày tháng đầu đời đi dạy học của anh ở Phan Thiết:

 

Con đường mỗi đêm như vết thương dài

Vết thị thành lỡ lói

Tôi trở về căn phòng nhỏ

Bốn bức tường niềm đau bỏ ngỏ

Một mình giấy bút ngã nghiêng

Chiếc bàn đầy bụi bám

(Đường về)

 

hoặc những câu tuyệt vời luôn luôn nằm trong trí nhớ của tôi:

 

Là mật ngọt cây xanh

Dẫn trên môi vị đắng

Ta thiên nhiên thầm nở nụ hoa vàng

Hồn thảo mộc ngậm ngùi một bóng

(Trên vết thời gian)

 

Những đêm nao rượu nồng vung tay cuồng nộ

Đêm cuối tuần đường khuya bóng đổ

Cây cầu vẫy tay chào

Dòng sông mềm nỗi nhớ

(Nụ cười sao băng)

 

Chỉ từng ấy câu thơ, cũng đủ làm một đời thi sĩ. Chàng thi sĩ ấy giờ đây ở Sài Gòn, vẫn tiếp tục men nồng của âm điệu ngôn ngữ, vẫn nồng nàn trước nhan sắc cuộc đời, và vẫn cùng với tôi, những đêm nao rượu nồng nhưng không còn vung tay cuồng nộ mà ngậm ngùi nỗi thời gian. Tôi và Thuận vẫn tiếp tục là đôi bạn thân, ngưỡng mộ nhau và yêu mến nhau.

 

Cũng tình cờ thôi, xuất hiện hai bài thơ rất nổi tiếng của Đỗ Nghê. Đó là bút hiệu của Đỗ Hồng Ngọc. Anh viết về “TÂM SỰ LẠC LONG QUÂN”, “CỔ TÍCH VỀ NGÔN NGỮ”.

 

Trong bối cảnh lịch sử 1968, đó là những bài thơ thức tỉnh trước cuộc chiến tranh có tác động lớn trong phong trào sinh viên Sài Gòn chống lại chế độ, chống lại sự hiện diện của người Mỹ. Về sau Ngọc vẫn tiếp tục viết, làm thơ, vẫn sát cánh anh em hình thành những tập thơ, tập văn của nhóm Ý Thức.

 

Bây giờ anh không còn được khoẻ, sau nhiều lần kề cận cái chết vì bệnh hoạn, có lẽ anh bắt đầu trầm tư về cái “không” của đời người, về một quả tim biết suy nghĩ: đó là những nhận thức của anh về Bát nhã BaLaMật đa Tâm kinh anh vừa trao cho tôi tháng trước.

 

Có một bài thơ của Chu Sơn. Tôi nhớ, thuở ấy Chu Sơn rất cực đoan và Che Guevara là thần tượng của anh. Anh có một chọn lựa rõ ràng: chống lại chế độ Sài Gòn, và theo Mặt Trận Giải Phóng. Anh lên chiến khu năm 1972. Sau này, gặp lại, hình như anh không còn mộng văn chương.

 

Anh Nguyễn Vĩnh Tuy góp mặt bài HỒI TƯỞNG. Anh là chồng chị Phương, người về sau này giúp cho cơ sở Ý Thức của Nguyên Minh, chị giúp đánh máy trên stencil những tác phẩm của nhóm, ví dụ tác phẩm “Nỗi bơ vơ của bầy ngựa hoang” của Trần Hoài Thư. Giờ đây, gặp lại, chị cho biết Tuy đã mất từ lâu, các con cái thành đạt. Tóc chị bạc nhiều, nhưng nụ cười chẳng khác ngày trước. Chị nói: “Ngày trước các ông hăng quá” và thêm: “Và vui quá nữa.”

 

Cũng trong phần thơ, có một tác giả tên là Đằng Phương tôi không biết là ai. Nguyên Minh cũng không nhớ. Chỉ có Ngy Hữu là biết, nhưng anh không còn. Anh gửi một bài lục bát “CUỐI CÙNG” và một bài bảy chữ “TẠ TỪ” . Cả hai bài đều hay.

 

Những bài thơ của tuổi hai mươi đã định hình tác giả. Cảm hứng thi ca ấy theo họ rất lâu về sau này. Có nhiều người đã thành danh. Có nhiều bạn không còn làm thơ nữa. Thay đổi là lẽ thường tình của cuộc sống.

 

*

Phần văn, mà tiêu biều là truyện ngắn, là phần phong phú nhất của tờ báo, chiếm nửa số lượng trang. Có 7 tác giả, bảy truyện. Yên My mở đầu với truyện “MỘT NGÀY ĐÃ QUA” (trang 29-34). Yên My là bút hiệu của Trần Hữu Lục. Lục là em của Trần Hữu Ngũ tức Ngy Hữu. Hai anh em cùng viết văn làm thơ, nhưng ở hai bút nhóm khác nhau. Ngy Hữu trong ban chủ trương của nhóm Gió Mai, còn Lục là cây viết nòng cốt của nhóm Việt. Thuở ấy Lục gầy gò, đẹp trai, mái tóc bồng bềnh rất nghệ sĩ, ăn mặt tươm tất chải chuốt, đối nghịch hẳn với anh trai! Đọc lại truyện của Lục, tôi ngạc nhiên về tính hiện thực sâu sắc trong cái nhìn về quê hương bấy giờ: Một vùng đất đang có giao tranh, những số phận con người ở đó. Sau này, Trần Hữu Lục thành danh trong lãnh vực thơ văn và cả nghề làm báo. Chúng tôi vẫn chia sẻ với nhau những thao thức và dự tính văn chương, thực hiện các tác phẩm cũ và mới. Sợi dây ràng buộc chúng tôi từ 35 năm trước gần như không bao giờ lơi lõng. Tôi nhớ, trước mùa xuân Mậu Thân, trong dịp ra mắt số báo này, Lục là người tổ chức họp mặt tại nhà 66 Lê Lợi ở Huế, của hai nhóm Gió Mai và Việt, trong mục đích hình thành một tờ báo thể hiện tiếng nói chung của những người cầm bút trẻ ý thức sứ mệnh của mình trước lịch sử. Tôi nhớ, trong cuộc họp ấy đã có mặt những người bạn nhóm Việt như Mường Mán, Đông Trình, Trần Duy Phiên, Thái Luân, Ngụy Ngữ. Bên cạnh tôi là Lữ Quỳnh, Ngy Hữu. Cuộc kết hợp không thành vì sau đó, chúng tôi mỗi người một ngã, quay cuồng trong cơn lốc của cuộc chiến. Thế nhưng, từ đó, nhóm Gió Mai đổi thành nhóm Ý Thức, và những người bạn tôi vừa kể đã trở thành bạn văn của chúng tôi cho đến ngày hôm nay.

 

Đặc biệt xuất hiện truyện ngắn “NỖI BUỒN NGÀY TẾT” của Nguyên Thạnh. Nguyên Thạnh là bút hiệu của Nguyễn Mậu Hưng. Đó là một chàng trai mạnh mẽ, tràn đầy tinh thần hướng đạo sinh, học giỏi, ngăn nắp trong việc học cũng như trong văn chương. Chúng tôi học một lớp từ đệ thất đến tú tài, sau đó tôi và Hưng là hai người đậu vào trường y khoa Sài Gòn năm 1962, đại diện cho thế hệ học sinh Huế đi “du học Y” ở Sài Gòn. Kề cận bên chúng tôi, Hưng cũng lây bệnh văn nghệ, thỉnh thoảng làm một bài thơ, viết một truyện. Năm 1997, tôi qua Hoa Kỳ, Hưng từ Florida sang California thăm tôi. Hai thằng bạn già có biết bao nhiêu chuyện để nói. Giờ đây, Hưng đi vào con đường giải thoát trong Phật giáo. Hưng đưa cho tôi tập “TRANH CHĂN TRÂU”, với những bài thơ anh dịch từ bản tiếng Anh, những lời thơ thiền ấy mang dấu ấn tâm linh của sự thức tỉnh, Tôi nghiệm ra chúng tôi không còn trẻ. Chúng tôi là hai cố nhân từ thuở học sinh, giờ đây, bạn trở thành một cư sĩ. Như một hành giả tìm được đường. Điều ấy thật hạnh phúc. Ít nhất bạn cũng chia cho tôi một chút an lạc của bạn.

 

Truyện “TRIỂN HẠN” của Hồ Thủy Giũ, tên thật là Hồ Đắc Từ, người đã góp mặt trên Gió Mai từ 1958. Đối với tôi, rất chủ quan, anh là một cây bút tài năng, rất tài năng. Đọc lại “Triển hạn”, tôi thấy rất gần với tác phẩm của các nhà văn tiểu thuyết mới Pháp (nouveau roman). Văn phong của Từ gần với A. Grillet, cho dù Từ rất xa lạ với văn chương hiện đại Pháp. Tôi mê truyện của Từ, và từ lòng yêu văn bạn, tôi đã tập hợp các truyện của Từ thành tác phẩm “MÙA XUÂN TRÊN ĐỈNH CÂY”. Đó là một tài năng lớn trước 1975. Sau này anh có đổi thay trong tư duy sáng tạo. Anh cũng vẽ. Thậm chí, năm 2002 tôi, Từ và Thanh Hằng thực hiện một cuộc triển lãm chung tại Sài Gòn, với chủ đề “Tình yêu và bằng hữu”. Cuộc triển lãm thành công, bán được gần nửa số tranh bày là điều chúng tôi không mơ tới. Bây giờ anh sống ở Huế. (Từ sau 1975, Hồ Thủy Giũ vẫn viết, nhưng đỉnh cao sáng tạo văn học đã qua rồi). Gần anh, tôi thấm thía ý nghĩa của một tinh hoa phát tiết quá sớm, để giờ đây lụn tàn cùng với tháng năm, giũa thành quách cũ, bên dòng sông Hương, trong một căn nhà nhỏ thơm mùi hương sen hồ Tịnh Tâm. Lần gần đây nhất, tôi và Hồ Thủy Giũ cùng nhau tìm về thượng nguồn sông Hương, vùng Bình Điền, ở đó dòng sông chảy giữa hai triền núi. Chúng tôi nói về đời thường, về các trường lớp Từ đã trải qua, về quyết định nghỉ hưu sau hơn 30 năm dạy học của anh, về người vợ vừa chết, về mộ phần của Từ trong tương lai. Không một câu bàn về văn chương. Bạn tôi, Hồ Thủy Giũ đó. Nhưng cớ sao tôi vẫn yêu mến bạn như vậy, có phải vì bạn là thế ấy cho nên tôi là thế này?

 

“XÁC PHÁO CHÀNG” là truyện của Nguyên Minh. Anh có mặt với Gió Mai từ 1959, và hiện diện cho đến bây giờ, có thể nói là nhân vật chính trong Căn nhà Gió Mai bây giờ – Anh là người nhóm lửa, thổi lửa cho bằng hữu cháy lại niềm say mê văn học, vì nói cho cùng, giờ đây, ở tuổi 60 cõi lòng chúng tôi chỉ còn một đống tro than!

 

“XÁC PHÁO CHÀNG” (trang 55-67), sau này in lại trong tập truyện “Căn nhà hoang” (xuất bản năm 2000), với lời bạt của Lữ Kiều. Truyện của Nguyên Minh chính là đời anh, sống và viết với anh là một. Viết là sống lần thứ hai cuộc đời mình. Anh nói như vậy.

 

Viết về anh bây giờ có lẽ bài của An Nhiên, đăng trong số này, phác họa chân dung của anh đúng hơn cả. Phần tôi, với tư cách một người viết thầy thuốc, tôi đã chứng kiến căn bệnh gan mật và đường ruột hành hạ anh những năm gần đây, tôi cũng không thể đau thế cho anh được, chỉ có thể làm giảm đi, và cuối cùng thì hiểu ra rằng, đôi khi ta phải hòa thuận với thân xác mình, lúc khỏe cũng như lúc bệnh. Thậm chí, giờ đây cơn đau của anh như có chu kỳ, anh biết trước lúc nào sẽ nóng lạnh, ói, đau thượng vị. Tôi nói bạn nên viết một truyện tả tâm trạng của  người chờ bệnh.

 

“MẢNH VỠ CỦA NGÀY” là một đoản văn của Hồ Thanh Ngạn. Đó là một loại tự truyện xen lẫn tùy bút, viết về bằng hữu, về thân phận tuổi trẻ, về tình yêu. Bài văn dài 15 trang, có nhiều hình ảnh của căn gác nơi Ngạn sống, các bạn trên các chuyến hải hành, những trầm tư không đầu đuôi về những vấn đề vô thủy vô chung. Thuở ấy, Ngạn sống trong Hải quân của quân đội Sài Gòn. Căn gác ở Thị Nghè, ở Xóm Chiếu của Ngạn là nơi họp mặt của tôi, Hưng, Ngy Hữu, Lữ Quỳnh và rất nhiều bằng hữu khác. Gần đây, Ngạn làm thơ, xuất bản tập Dấu Thời Gian. Tôi đã viết tựa cho tập thơ ấy. Luôn luôn là người sôi nỗi, Ngạn chia sẻ với bằng hữu những bài thơ mới nhất, những trầm tư đầy cảm tính của mình. Có một đêm, trên lầu cao, tôi cùng Ngạn uống với nhau những ly rượu nồng. Ngạn hăng say bày tỏ. Tôi nghe. Và lòng lênh đênh. Có một thời, tôi cũng tin ở ngôn ngữ. Bây giờ thì tôi tin những khoảng im lặng. Tôi nói điều đó với Ngạn, giữa hai ly rượu đắng.

 

Tôi cũng nhắc qua về tân truyện “BUỔI MAI TRẮNG” (trang 40-54) của tôi, Lữ Kiều. Bấy giờ tôi thử nghiệm một bút pháp mới, gần với các tác giả hiện đại của Pháp (nhóm nhà xuất bản Minuit), trong đó tôi xen kẽ tâm thức của mình với những sự kiện chung quanh. Đó là những sự kiện có thật. Bối cảnh: chiến tranh Việt Nam 1967, tinh thần phản chiến của trí thức thành thị. Không gian là căn gác của Hồ Thanh Ngạn, nhân vật là Châu Văn Thuận lúc ấy từ Phan Thiết vào Sài Gòn chờ nhập ngũ theo lệnh động viên. Căn gác nằm trong xóm trọ lao động, nổi tiếng bụi đời là Xóm Chiếu.

 

Chúng tôi uống rượu với nhau suốt đêm trên căn gác ấy. Sáng dậy, Ngạn đi làm sớm, chỉ còn tôi và Thuận. Sau đó, bạn gái của Thuận đến thăm. Còn tôi thì suy nghĩ. Câu chuyện nhắc đến một thầy giáo dạy văn: Thầy Phạm Đình Bách. Tôi và Lữ Quỳnh đến thăm thầy hồi chúng tôi học lớp đệ tứ. Căn nhà của Thầy ở gần nhà máy phát điện Huế, gần dòng sông An Cựu. Cuộc viếng thăm để lại một ấn tượng rất mạnh.

 

Không ngờ trong Tết Mậu Thân, một viên đạn từ bên kia sông bắn qua trường kiểu mẫu trúng thầy. Vết thương đầu. Thầy chết trườc mắt tôi. Và như vậy, những dòng tôi viết về Thầy vĩnh viễn Thầy không bao giờ đọc.

 

Truyện dài nhất (trang 87-95) là truyện CHIM LẠ của Ngy Hữu. Đó là một hoạt cảnh thôn quê thời chiến. Thấp thoáng quê hương Vân Dương cùng bà mẹ chất phác của Ngy Hữu. Văn phong tuôn trào như tính chất sôi nổi của Ngy Hữu. Tôi nhớ, nét chữ của anh nhỏ bé chi chít, một trang bản thảo của anh bằng hai trang của tôi và Lữ Quỳnh. Ngy Hữu lớn hơn tôi và Lữ Quỳnh, và luôn luôn anh là người xung phong đi đầu, trong cuộc sống đời thường cũng như trong cuộc đời văn nghệ thuở ấy.

 

Phan Rang là nơi anh lập nghiệp. Nơi anh đã viết THỊ TRẤN KHÔ để trả nợ cho vùng đất lành cưu mang mình, nơi đã cho anh một gia đình, một sự nghiệp. Đã có nhiều cái được. Nhiều cái mất. Bây giờ thì chỉ còn lại một nấm mồ dưới chân núi Chà Bang, để buổi trưa, những con trâu quanh quẩn gặm cỏ quanh nơi anh nằm lại vĩnh viễn. Tôi nhớ những con trâu làng Vân Dương của tuổi trẻ chúng tôi.

 

Có lẽ số Gió Mai 4 này là tâm huyết cuối cùng của anh. Vì sau đó, anh bắt đầu xa dần văn chương. Anh nói đến ý đồ làm thương mại để có tài chánh thực hiện một nhà xuất bản Ý Thức. Nhưng tất cả chỉ là ảo tưởng. Cuối đời, anh viết trở lại, gửi cho tôi một số bản thảo. Nhưng những tờ bản thảo ấy không góp gì vào những sáng tác đã có của anh. Tôi không bao giờ quên bài thơ NGA tuyệt vời anh làm năm 1959. Những truyện ngắn ý nghĩa như NỖI BUỒN CỦA H’ BRU, VÒNG QUA CHÂN ĐỒI trong tập NỘI CHIẾN.     Khép lại tờ báo là mục “XUÔI DÒNG”. Chữ xuôi dòng do tôi đặt. Dòng này có nghĩa là dòng đời, dòng chữ, dòng thời gian… Tôi giữ mục ấy, và trong số này, tôi viết về Ernesto Che Guevara. Viết vào tháng 12. 67.

 

“CHE” bị giết vào tháng 9. 67. Bài viết tưởng niệm chỉ sau cái chết bị bưng bít kia có 3 tháng. Hình như đó là bài tưởng niệm sớm nhất viết về Che trong tình trạng thiếu thông tin và nhiễu thông tin. Tôi không còn nhớ đã lấy tài liệu từ đâu (hình như là những số báo tiếng Pháp truyền tay bí mật trong giới sinh viên tranh đấu) Nhưng cảm hứng về Che thì rất dào dạt. Bởi Che là con người cách mạng hành động, thần tượng của chúng tôi. Cái chết gây xúc động. Và tôi viết như thế này: Cái chết đẹp. Đẹp như đời sống. Như những giọt nắng rực rỡ trên cây xương rồng khẳng khiu chơ vơ… Không phải cái chết của nhà cách mạng. Đối với tôi và bạn bè, đó là cái chết của thi sĩ. Người thi sĩ đã hoàn thành bài thơ dài, một anh hùng ca yêu thương và hận thù, nhẫn nhịn và quật khởi, bài thơ của chính đời mình.

 

Câu thơ cuối cùng là cái chết.

Tôi xấu hổ cái thế giới ở đó người ta giết thi sĩ.

 

Đọc lại những dòng mình đã viết tôi bàng hoàng. Lịch sử hình như lặp lại; sau này, năm 1973 thì phải, người ta cũng đã giết Ngô Kha, một thi sĩ một đàn anh của chúng tôi. Và có còn ai xấu hổ?

 

*

 

100 trang, những bài viết như thế đó, 35 năm về trước. Một tờ báo kỷ niệm 10 năm Gió Mai, một khoảng đời trai trẻ, chứng tích một tình bạn của 3 thằng con trai là tôi, Lữ Quỳnh, Ngy Hữu. Chúng tôi đã cùng đi một đường, tay trong tay. Tôi có thể nói cụ thể: Đó là khoảng tuổi 15 đến 25 của tôi, các bạn tôi cũng vậy, hơn thua nhau vài ba tuổi. Tôi nghĩ rằng đó là tuổi đẹp nhất của đời người. Với tôi, làm nên cái đẹp đó là các bạn, là văn chương. Giờ đây, nghĩ lại, tôi còn bồi hồi xúc động về những ngày xuân trẻ ấy, quả tim già nua này tưởng như có thể rung động trở lại một tình bạn xưa, một đôi mắt cũ, những bước chân song hành gõ nhịp, những chia sẻ đầu đời về một mối tình tuyệt vọng dành cho một cô gái ở cổ thành…

 

Nói như Dostoievski, quãng đời về sau của một người là phóng chiếu của quãng đời về trước. Tôi nói thêm: Quãng đời tuổi 20 mà tôi và các bạn đã hình thành nên Gió Mai là quãng đời trước của tôi.

 

Bìa Ý Thức 14

 

Bước sang năm 1968, tờ báo mang tên Ý Thức. Lúc bấy giờ, chúng tôi có thêm nhiều bạn hữu: Trần Hoài Thư, Lê Ký Thương, Võ Tấn Khanh, Thế Vũ, Mang Viên Long, Hoàng Khởi Phong… Nhiều, nhiều nữa.... Nhưng đó là chuyện về sau của giai đoạn đã trưởng thành, và người nhạc trưởng bấy giờ là Nguyên Minh.

 

Phải, giờ đây đọc lại những trang viết tuổi 20, tôi thật sự xúc động. Và ngậm ngùi. Không phải là hay hoặc là dở, nhưng những dòng chữ ấy là chúng tôi, một thế hệ trải qua nhiều biến động lịch sử. Chúng tôi không chọn lịch sử. Lịch sử chọn chúng tôi, đặt chúng tôi vào vị trí, ở đó, chúng tôi vui buồn, hạnh phúc và đau khổ, thành công và thất bại. Có người tồn tại, nhưng cũng có người chấm dứt đời mình. Chiến tranh chẳng chừa một ai. Bây giờ, tôi nghĩ thêm: hoà bình cũng vậy. Cuộc sống thì của riêng nhưng tai ương là định mệnh chung./.

Lữ Kiều
Số lần đọc: 2122
Ngày đăng: 01.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mùa Thu Berlin - Nguyễn Thị Hậu
Ghi chép szeptember. - Nguyễn Hồng Nhung
Trời ươm nắng - Nguyễn Thánh Ngã
Nghe Mưa - Kiệt Tấn
Viết Cho Mùa Thu - Nguyễn Thị Hậu
Kỷ Niệm 12 Năm Ngày Mất Của Nhà Thơ Yến Lan ( 1998-2010): 12 Năm Người Đã Đi Xa… - Mang Viên Long
Học trò trường huyện - Đức Tiên
Văn Có Phải Là Người Không? - Mang Viên Long
Dù Chỉ Một Lần Cũng Không Thể - Âu thị Phục An
Trăng Lưng Đồi - Nguyên Minh