* Căn nhà 11 Nguyễn Thái Học – Phan Rang
Năm 1968, khi tôi về làm việc ở Phan Rang, qua lời giới thiệu của mộ người bạn thơ, anh Tô Đình Sự, tôi được dịp quen với anh Nguyên Minh. Nguyên Minh đang dạy học và là “một cây văn nghệ”, như Sự nói.
Hồi đó, số anh em “làm văn nghệ” không “đại trà” như bây giờ, nên chỉ cần nhắc đến tên là có thể thân nhau và quí trọng nhau. Một người viết văn hay làm thơ, có bài đăng trên trang văn nghệ của một tờ báo hay tạp chí văn học ở Sài Gòn, dẫu không có một xu dính túi, muốn đi “giang hồ vặt” từ tỉnh này đến tỉnh khác cũng khá dễ. Cứ đến từng tỉnh một, tìm một anh văn nghệ nào đó được một anh văn nghệ nào khác giới thiệu là có thể sống thoải mái vài ngày, không tốn tiền ăn ở mà còn “sáng cà phê thuốc lá, tối nhậu lai rai”, rồi muốn lang thang tiếp mà không có tiền tàu xe thì cũng được “đáp ứng” ngay.
Vừa mới quen nhau, đi uống cà phê với nhau đôi ba lần, có lẽ Nguyên Minh mến tôi nên rủ tôi về nhà anh ở thay vì ở trọ nơi khác. Thật may mắn cho tôi, vừa có chỗ ở không tốn tiền, vừa có bạn văn nghệ bên cạnh để trò chuyện, tâm sự trong lúc xa nhà, không gì diễm phúc bằng.
Căn nhà của Nguyên Minh nằm trên đường Nguyễn Thái Học, một con đường ngắn, yên tĩnh, chỉ có hơn mười nóc nhà, giống như nhiều con đường khác trong thị xã Phan Rang hiền hòa, an bình. Nhà anh số 11, mái ngói, một tầng, phía sau có căn gác gỗ là phòng riêng của anh, hơi khác với những căn nhà khác nằm trên đường đều mang kiến trúc nhà trệt có lan can kiểu Pháp. Phòng trước khá rộng, trước đó anh mở quán cà phê văn nghệ Tao Nhân, năm 1967 nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã về đây hát một đêm đầy ấn tượng đẹp cho người hát lẫn người nghe, bấy giờ là Cở sở In Rô-nê-ô Nguyễn của anh. Anh sống chung với người mẹ kế, chị Mận – chị ruột – và hai đứa con của chị – chồng chị công tác ở tỉnh khác, cùng bốn đứa em dễ thương. Tôi được mọi người trong gia đình anh xem như “người trong nhà” nên sống rất thoải mái như trong gia đình mình.
Nguyên Minh có nhóm bạn văn nghệ Gió Mai gắn bó mật thiết với nhau thời học ở trường Quốc Học (Huế) như Lữ Kiều (còn có bút hiệu Nàng Lai), Lữ Quỳnh, Hồ Thủy Giũ, Thụy Văn (Châu Văn Thuận), Ngy Hữu Trần Hữu Ngũ (anh ruột của Yên My Trần Hữu Lục), Nguyễn Mậu Hưng, Hồ Thanh Ngạn… Thế hệ này lớn hơn tôi đến bốn năm tuổi. Tôi có đọc những sáng tác thơ văn của họ trên các tạp chí Mai (Hoàng Minh Tuynh chủ nhiệm), Bách Khoa, Tình Thương,v.v… Riêng Trần Hữu Ngũ có truyện ngắn “Những mẫu chữ thêu” ký tên Ngy Hữu cùng in trên tạp chí Đất Nước (Thế Nguyên chủ nhiệm) số 3, 1968 với một bài thơ của tôi. Tôi rất thích truyện ngắn này vì cốt truyện và cách diễn đạt khá lạ.
Những thành viên trong nhóm Gió Mai mỗi người làm việc ở mỗi tỉnh khác nhau: Lữ Kiều, Hồ Thanh Ngạn, Nguyễn Mậu Hưng ở Sài Gòn, Lữ Quỳnh, Châu Văn Thuận ở Qui Nhơn, Hồ Thủy Giũ ở Huế…, nhưng họ vẫn gắn bó với nhau và thỉnh thoảng cho ra đời một tập san in rô-nê-ô lấy tên Gió Mai, đăng những sáng tác của anh em trong nhóm và truyền tay nhau đọc. Lúc bấy giờ họ chuẩn bị thực hiện một tạp chí văn học lấy tên mới là Ý THỨC, dưới hình thức in rô-nêô và phổ biến hạn chế. Người có điều kiện và thực hiện tạp chí này chẳng ai khác là Nguyên Minh. Nguyên Minh ngỏ ý với tôi tham gia nhóm, cùng anh lo công việc của tạp chí. Và tôi đến với anh em nhóm Gió Mai trong một cơ duyên như vậy.
Tờ Ý THỨC Rô-nê-ô SỐ ĐẦU TIÊN ĐƯỢC THỰC HIỆN TẠI CĂN NHÀ 11 Nguyễn Thái Học, Phan Rang. Bài vở thì Ngy Hữu chịu trách nhiệm đôn đốc anh em trong nhóm và mời những bạn văn nghệ thân quen tham gia nhóm hoặc cộng tác thường xuyên… Nguyên Minh và tôi lo phần trình bày, in ấn và phát hành.
Vào thời điểm này, trên các sạp báo ở miền Nam xuất hiện một số tạp chí như Hành Trình (GS. Nguyễn Văn Trung chủ biên), Thái Độ (nhà văn Thế Uyên chủ biên), Việt (nhóm sinh viên ĐHSP Huế chủ trương), v.v…, nội dung thì khác nhau, nhưng hình thức đều in rô-nê-ô (được hiểu là in lậu). Khi Ý Thức số 1 đến tay bạn đọc, mọi người đều nghĩ rằng nó được in ty-pô chứ không tin là in rô-nê-o-! Bởi vì từ giấy in (thay vì dùng giấy in rô-nê-ô, chúng tôi dùng giấy in báo), cách trình bày, kiểu chữ, bát chữ, độ mực từng trang in (khi in mỗi trang chúng tôi đều lót một tờ giấy trắng để cho mực khỏi lem mặt sau trang in) chẳng khác nào tờ tạp chí in ty-pô được chăm sóc cẩn thận, nghĩa là kỹ thuật in rô-nê-ô được Nguyên Minh nâng cao đến mức hoàn hảo, điều mà trước đó chưa ai nghĩ đến. Nhưng người có công lao làm cho tờ báo hoàn hảo về mặt hình thức mà anh em trong nhóm luôn luôn quí trọng chính là chị Hồ Thị Kim Phương là thư ký đánh máy của Cơ sở In rô-nê-ô Nguyễn đồng thời là bạn của Nguyên Minh. Chị chịu khó ngồi canh lề từng bát chữ cũng như từng mẫu tự, kể cả các dấu, đều nhau. Tôi nghĩ nếu không nhờ bàn tay đánh máy khéo léo và lòng yêu nghề của chị thì Ý Thức không được đẹp như vậy.
Khi báo in xong, đến khâu xếp đóng thì không khí rộn hẳn lên, ai cũng nôn nóng xem “đứa con đầu lòng” tròn vuông như thế nào. Lúc này trong nhóm có thêm Võ Tấn Khanh (dạy học, có thơ in trên tạp chí Văn, ký bút hiệu Tôn Nữ Hoài Mi). Anh em Ý Thức ở Phan Rang, có cả chị Thân Thị Huế, vợ của Thụy Văn, đang dạy ở trường trung học Duy Tân đều tập trung “đánh nhanh”, dọn dẹp sạch “chiến trường”.
Ý Thức thực hiện được 6 số, tạo ấn tượng tốt trong giới văn nghệ và độc giả. Đó là niềm khích lệ tinh thần lớn lao để anh em nghĩ đến chuyện xin giấy phép chính thức làm bán nguyệt san văn học, in ty-pô đàng hoàng.
Trong thời gian này, Ý Thức còn xuất bản được tập truyện ngắn: “Nỗi bơ vơ của bầy ngựa hoang” của Trần Hoài Thư, số lượng 1000 tập. Bìa do tôi trình bày.
2. Làm báo Ý Thức ở Gài Gòn.
* Bước khởi đầu.
Hè năm 1970. Nguyên Minh đã từ giã nghề “gõ đầu trẻ”, quyết tâm vào Sài Gòn để làm báo. Anh lo thủ tục xin giấy phép chính thức ra tờ bán nguyệt san văn học nghệ thuật Ý Thức. Anh nhờ dược sĩ Nguyễn Thị Yến, bạn anh, quê ở Phan Rang, đứng tên chủ nhiệm, chị Nguyễn Thị Dung (vợ Hồ Thanh Ngạn) quản lý, anh là Tổng Thư Ký Tòa soạn. Những thành viên nòng cốt trong nhóm đồng ý góp mỗi người 5.000 đồng (theo thời giá 1970) để làm vốn ban đầu cho tờ báo. Giấy phép có. Vào thời điểm này, tôi có mặt ở Sài Gòn để cùng anh lo in áp-phích quảng cáo và tìm nhà in in báo. Qua bạn bè giới thiệu, tờ áp phích được in ở một nhà in nằm trên đường Nguyễn Thông mà chủ nhân là một nhà thơ. Còn báo, sau khi tìm hiểu nhiều nhà in, cuối cùng anh em quyết định in ở nhà in Đăng Quang trên đường Phan Thanh Giản, gần ngã bảy. Nhà in này chuyên in sách của nhà xuất bản An Tiêm, có tiếng in đẹp lúc bấy giờ. Tôi phụ Nguyên Minh trình bày bìa, làm ma-két tờ bán nguyệt san Ý Thức số 1 rồi phải về lại Phan Rang. Những số đầu chỉ một mình Nguyên Minh lo toan mọi việc, sau này có thêm anh Thái Ngọc San giúp một thời gian ngắn…
* Nhà in Thanh Bình, 666 Phan Thanh Giản.
Năm 1971 tôi có dịp vào lại Sài Gòn học bổ túc Anh ngữ một thời gian dài. Lúc bấy giờ, nhà in Thanh Bình đã hình thành, chỉ cách nhà in Đăng Quang khoảng 100 mét, chủ nhân chẳng ai khác là chị đầu của Nguyên Minh – chị Mai. Chị Mận, chị kế của Minh cũng đưa gia đình từ Phan Rang chuyển vào Sài Gòn sinh sống, làm thư ký kiêm kế toán nhà in. Nguyên Minh được chị Mai giao công việc quản lý. Ý Thức may mắn được “in nhà in nhà”, từ in ty-pô chuyển sang in offset.
Như trên đã nói, đại gia đình Minh xem tôi như “người trong nhà” nên tôi lại may mắn sống với gia đình chị Mai. Tôi ở chung với Minh một phòng trên tầng ba, mỗi ngày đi học một buổi từ 13 giờ đến 18 giờ, thời gian còn lại phụ anh trong công việc quản lý nhà in đồng thời cùng anh trực tiếp lo cho tờ báo từ hình thức đến nội dung.
Nhà in Thanh Bình thành lập vào thời điểm khởi đầu kỹ thuật in offset. Lúc đầu nhà in có một máy ty-pô tự động, tiếp đến chị Mai mua thêm một máy offset một màu tự động, một thời gian không lâu lại lắp thêm một máy offset bốn màu tự động. Ý thức in ty-pô được 19 số thì chuyển sang in offset theo khổ vuông – sáng kiến của Nguyên Minh. Kỹ thuật in offset ở Sài Gòn hơn ba mươi năm trước còn phôi thai, hết sức nhiêu khê so với bây giờ. Sách báo in offset vẫn xếp chữ chì như in typô. Nhà in nào cũng phải có “sếp typo” phụ trách phòng xếp chữ và một hai đệ tử ruột thạo việc làm phụ tá, nhưng thợ xếp chữ đều là các em học nghề không lương, trình độ văn hóa lớp năm, lớp sáu, có em phải kê đòn đứng mới với tới hộc chữ, nên lỗi morasse dày đặc từng trang in thử. Vì vậy, hầu hết nhà in đều có thầy cò (correcteur) và được xem như một nghề. Tôi phải kiêm luôn nghề thầy cò. Phần chữ hoàn chỉnh thì xếp typo “mise” thành tay sách rồi lên khuôn trên máy in typo để in trên giấy kính bao sách vở. Sau đó, đến công đoạn chữa bản chữ và montage thì tôi và Minh trực tiếp làm. Hai công đoạn này chẳng có trường lớp nào dạy, nhưng Minh có thiên khiếu về ngành in, anh “học lóm” nghề từ một nhà in ở Chợ Lớn rồi “truyền” cho tôi và chúng tôi vừa làm vừa học. Chúng tôi phải phết kín nhủ bột trên mặt chữ in trên tờ giấy kính để khi phơi bản ánh sáng không xuyên qua, từng nét chữ đều hiện rõ trên mặt bản kẽm, sau đó mới cắt từng trang rời “montage” trên “support” để đưa đi phơi bản… Tôi nhớ Lữ Kiều gởi cho chúng tôi hai con dao mỗ để làm công việc “montage”. Vì “vừa làm vừa học” nên số Ý Thức in offset đầu tiên trông không được đẹp, nhiều lỗi kỹ thuật. Tôi là người đứng tên trình bày nên nhận trách nhiệm về mình, bèn viết một mẫu tin xin lỗi độc giả đăng trên mục “Chuyện vòng vo” ở số tiếp theo.
Ý Thức ra mỗi tháng hai số đồng thời còn lo xuất bản tác phẩm của anh em, nhưng mọi việc từ tòa soạn đến trị sự, kể cả phát hành cứ nối đuôi nhau liên tục mà chỉ có Nguyên Minh và tôi đảm trách. Sau này, Nguyên Minh mời thêm anh Trần Quang Huề và tuyển thêm hai nhân viên lo phần xuất bản và phát hành. Nhiều hôm chúng tôi đứng bên bàn “montage” suốt ngày đêm, nếu mệt quá thì nằm trên đống giấy in ngủ một giấc ngắn rồi dậy làm tiếp cho xong việc. Việc học của tôi chỉ có ở trường, về nhà là bỏ hết. Có hôm đứng bên bàn “montage”, khi nhìn đồng hồ thấy hơn 12 giờ trưa, bỏ ăn, vội vàng thay quần áo chạy ra đường Trần Quốc Toản đón xe lam đến trường. Lắm lúc toát mồ hôi vì không đón được xe…
3. NHỮNG KỶ NIỆM KHÓ QUÊN
* “Chiếc xe vương giả màu…đen”.
Nguyên Minh có chiếc xe gắn máy hiệu Suzuki màu đen. Khi còn ở Phan Rang, mỗi lần Ý Thức in xong, tôi chở anh mang ra Nha Trang phát hành, đoạn đường dài hơn 100 cây số. Một lần, xe chạy qua khỏi Cam Ranh, gió thổi ngược chiều quá mạnh đến nổi tôi không giữ được tay lái nên đâm xuống ruộng. Minh ngồi sau vội nhảy khỏi xe nhưng hai tay vẫn ôm chặt gói báo, còn tôi thì lao theo xe. May là người tôi không bị xây xát nhiều. Chúng tôi chỉ biết nhìn nhau cười và cùng đẩy xe lên đường. Khi nổ máy xe tiếp tục cuộc hành trình thì tôi thấy mất nắp xăng, đi tìm, không thấy, đành lấy khăn tay làm tạm nắp đậy bình xăng. Ra đến Nha Trang, tôi mua nắp đậy bình thủy thay, nhưng cứ chạy được một đoạn ngắn thì xe tắt máy mặc dù bình xăng vẫn còn đầy. Suy nghĩ mãi tôi mới đoán bình xăng thiếu không khí để “thở”, bèn lấy đinh dùi lỗ trên nắp bình thủy, không ngờ đúng thật. Tôi và Nguyên Minh rất thích phim “Chiếc xe vương giả màu vàng” do Alain Delon đóng vai chính, nên đặt tên cho nó là “chiếc xe vương giả màu… đen”. Nó theo Minh vào Sài Gòn. Khi Ý Thức in Ty-pô ra số đầu tiên. Minh chở người yêu và một chồng báo đến nhà Hồ Thanh Ngạn nằm bên kia cầu Phan Thanh Giản để họp mặt bạn bè ăn mừng. Giữa đường gặp mưa, xe tắt máy. Minh nôn nóng ôm chồng báo đón xe tắc-xi đến nhà Ngạn cho kịp giờ hẹn vì biết các bạn cũng nôn nóng muốn biết “đứa con đầu lòng” chính thức của nhóm ra sao, bỏ cả người yêu lẫn xe bên đường dưới cơn mưa Sài Gòn. Khi đến nơi, bạn bè hỏi Minh còn T. đâu? Minh kể sự việc. Bạn bè biết tính Minh vì mê làm báo mà có thể bỏ hết mọi thứ. Lữ Kiều vì bạn phải tình nguyện mặc áo mưa đi đón T. tuy chưa biết mặt T. Theo lời mô tả của Minh về cách ăn mặc và mái tóc của T. cùng địa điểm, Lữ Kiều tìm mãi chẳng thấy cô nào giống như Minh tả (anh chàng mê báo đến nỗi không nhớ được kiểu tóc,màu áo của người yêu), cuối cùng nhận ra “chiếc xe vương giả màu… đen” mới đánh bạo hỏi cô nàng đứng bên cạnh nó thì đúng là T.!…
Chiếc xe gắn liền với Ý Thức suốt một thời gian dài. Khi vào lại Sài Gòn làm báo với Minh, tôi dùng nó chạy công việc. Một hôm khi tôi chạy về đến gần 666 Phan Thanh Giản thì bị cảnh sát thổi hỏi giấy tờ xe. Lý do xe mất bảng số đăng ký. Anh cảnh sát yêu cầu tôi về lấy giấy tờ xe để kiểm tra rồi cho đi, không phạt. Tôi mừng, về nhà hỏi Minh, Minh nói: “Hôm trước tao chở báo đi phát hành cũng bị cảnh sát chận vì mất bảng số xe, họ lấy giấy tờ, viết cho cái biên nhận, bảo khi nào làm bảng số xe xong thì đến nhận lại giấy tờ. Mày biết, tao có thèm để ý tới chuyện đó đâu. Bây giờ biên nhận tao bỏ đâu rồi không biết. Thôi, bỏ xe luôn cũng được!”
* Căn gác bên kia cầu Phan Thanh Giản – Đếm số nhà và bịch chè trôi nước.
Nhà của vợ chồng Hồ Thanh Ngạn ở bên kia cầu Phan Thanh Giản, trong một con hẻm, mái tôn, có căn gác gỗ, chật hẹp. Nhưng, như ông bà xưa thường nói “hẹp nhà chứ không hẹp bụng”. Ngạn sống với mẹ và hai cô em đang học trung học. Đó là nơi anh em trong nhóm Gió Mai (sau này là Ý Thức) thường tụ họp nói chuyện văn chương một cách say sưa bên những ly bia, ly rượu thâu đêm suốt sáng, ai buồn ngủ thì cứ nằm ngay trên sàn gác mà ngủ, không sợ phiền, vì gia đình Ngạn coi chúng tôi như người trong nhà.
Khi làm báo Ý Thức, tôi và Nguyên Minh thỉnh thoảng xuống nhà Ngạn ở lại vào mỗi tối cuối tuần để chơi trò cầu cơ với hai cô em. Những lúc chúng tôi “cạn túi”, chưa biết mượn ai thì nghĩ đến chị Dung (vợ Ngạn, quản lý báo Ý Thức).
Hôm đó là ngày chủ nhật, sau khi “montage” báo xong, chúng tôi muốn xuống phố Lê Lợi “xả hơi”, nhưng lục túi thì thấy không đủ tiền bát phố, bèn nghĩ đến chị Dung. Tôi và Minh đón taxi xuống nhà Ngạn, chẳng may vợ chồng Ngạn đều đi vắng. Hai thằng không đủ tiền taxi về nhà, chỉ còn cách đi bộ, vừa đi vừa đếm số nhà cho quên đường dài. Gần nhà có một gánh chè trôi nước, trong túi tôi chỉ còn đủ tiền mua một viên mang về định chia nhau ăn cho…lại sức sau hơn một tiếng đồng hồ đi bộ. Minh xách bịch chè, kêu cửa. Lúc bấy giờ cả gia đình chị Mai đều về Đà Nẵng nghĩ hè, nhà chỉ còn Minh, tôi và cô H., em họ chồng chị Mai, dân Nha Trang đang học đại học Văn khoa Sài Gòn. Cô H. mở cửa. Minh nhanh tay đưa bịch chè cho cô và nhanh miệng nói:
- Mời cô H. ăn chè.
Cô H. lịch sự hỏi:
- Các anh ăn chưa?
Minh vội trả lời:
- Tụi này ăn rồi, phần này là của cô H.
Khi về phòng, đóng cửa, hai thằng ôm bụng cười một trận đến quên mệt mà không sợ cô H. nghe, vì phòng cô cách phòng chúng tôi khá xa.
* Thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc.
Khi Ý Thức từ nhà in Đăng Quang chuyển về “nhà in nhà”, Thái Ngọc San vẫn còn làm việc ở tòa soạn. Tôi nhớ hôm đó có một số đông anh em ở các tỉnh về như Lữ Quỳnh, Ngô Kha, Trần Hữu Lục… tập trung ở tòa soạn rồi kéo nhau đi ăn trưa ở ngã bảy Phan Thanh Giản. Từ tòa soạn đến ngã bảy chỉ hơn trăm mét. Chúng tôi đi bộ, chưa được nửa đường thì bị cảnh sát xét hỏi giấy tờ. Chúng tôi gần chục người có đầy đủ giấy tờ hợp lệ chứng minh không phải là dân trốn lính, trừ Thái Ngọc San. San nói với anh chàng cảnh sát rằng cái ví đựng giấy tờ bỏ quên ở tòa soạn và nhanh trí quay sang tôi nói:
- Mày về lấy giùm tao, nó nằm trong túi quần mắc trên cây cột trong phòng xếp chữ.
Anh em đều biết San đào ngũ, chẳng có thứ giấy tờ nào trong người, nên mỗi người một tiếng năn nỉ anh chàng cảnh sát cho đi. Trong khi đó tôi cũng tỏ vẻ”hăng hái” về tòa soạn lấy giấy tờ cho San. Không ngờ, chàng ta tưởng thiệt, đồng ý cho San đi. Hú hồn!
Có lẽ sau vụ thoát hiểm này, San bỏ Sài Gòn đi luôn…
* Muốn làm Saint Francis
Năm 1971, khi làm sách thiếu nhi, Minh ra Đà Nẵng đưa Hồ Đắc Ngọc vào sống chung với chúng tôi cùng một phòng. Chúng tôi mua giấy, màu cho Ngọc vẽ bìa sách. Lúc bấy giờ Ngọc đã nổi tiếng nhờ những minh họa bằng bút sắt làm bìa cho các tạp chí Văn, Ý Thức, Tuổi Ngọc… Nhưng khi vẽ màu thì tôi thấy Ngọc còn lúng túng, chưa quen.
Mỗi tối, sau khi cơm nước xong, nếu thư thả chúng tôi thường kéo nhau đến quán bia trên đường Kiều Công Hai, gần nhà, “giải khát” mỗi thằng một chai 33 rồi về ngủ.
Tôi không biết hôm đó vì lý do gì mà cả bốn thằng đều “bốc”. Uống một chai chưa đủ, uống đến chai thứ hai, chai thứ ba rồi kêu luôn một két mang về, lên sân thượng vừa uống vừa nói chuyện văn chương. Hết cả két bia, Minh “chôm” một chai Johnny Walker trong tủ rượu của ông anh rể uống tiếp. Thời điểm đó, tiểu thuyết “Alexis Zorba” của nhà văn Hy Lạp Nikos Kazanzaski được Nguyễn Hữu Hiệu dịch với tên “Zorba, con người chịu chơi” đang được giới mê văn chương tìm đọc. Chúng tôi bàn luận về anh chàng Zorba chịu chơi. Ngọc tỏ vẻ “kết” nhân vật phóng đãng này. Tôi may mắn đọc được bản tiếng Anh tiểu thuyết “Saint Francis” cũng của Nikos, chưa dịch sang tiếng Việt, kể cho Minh và Ngọc nghe. Nội dung hai tác phẩm này (với hai nhân vật chính) trái nghịch nhau. Một Zorba sống theo bản năng được một người trí thức khâm phục, còn Thánh Francis thì được một người bần cùng ngưỡng vọng. Ngọc hứng lên, đòi làm Thánh Francis, rồi như người lên đồng, ôm tảng đá cảnh nhảy tõm xuống hồ nước trên sân thượng. Áo quần ướt cả, nhưng Ngọc vẫn để nguyên. Chúng tôi vẫn tiếp tục uống, tiếp tục nói chuyện văn chương một cách hăng say…
Đến nửa đêm, tôi giựt mình thức giấc, thấy toàn sương khói vây quanh, cứ tưởng mình đến được chốn Đào Nguyên, hết sức sảng khoái và vô cùng hạnh phúc. Nhưng khi định thần, mới biết mình đã ngủ một giấc ngon lành ngay trên sân thượng, còn Minh, Ngọc và Lũ Kiều không biết ngủ ở đâu…/.