Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.166
123.223.516
 
Gươm mài bóng nguyệt
Giang Kiều

Thù trả chưa xong đầu đã bạc

Gươm mài bóng nguyệt biết bao phen

( Đặng Dung )

 

Trời đã khuya, tiếng sương rơi trên tàu chuối càng lúc càng nhặt. Nhẹ nâng  thanh kiếm lên, nhìn sắc thép loáng ngời dưới ánh trăng , Đặng Dung chợt rùng mình. Kiếm lạnh mà trời cũng lạnh. Khoan thai bước về phía góc vườn nơi có tảng đá mài rộng bằng cái bàn và một bể nước bằng đá vôi, ông nhúng cả thanh kiếm vào bể đoạn nhẹ nhàng kéo nó lên đặt trên mặt tảng đá, mặc cho nước chảy loang khắp, ông chậm rãi ngồi xuống và bắt đầu mài gươm .

 

Sau những thời khắc triều chính, vào buổi tối Đặng Dung vẫn thích được tự tay mình mài gươm. Trong thinh lặng đêm, những âm thanh giao hòa giữa sắt, đá và nước vang lên luôn giúp ông quên đi những lo âu trong ngày, nhưng đêm nay thì không vì dẫu đã cố tập trung vào từng đường kiếm đi trên đá nhưng sao lòng ông vẫn ngỗn ngang trăm mối. Ông vừa có cái cảm giác nhẹ nhỏm của một người sắp về tới đích nhưng đồng thời lại có cái ray rứt của một người kẻ đã lỡ bỏ quên một cái gì đó rất quan trọng trên đường. Tâm trí ông rối bời với những chuyện của ngày mai. Ôi ngày mai ! Cái ngày của hận thù và trả thù. Ngày đầu Thân Lưu Chính và Nguyễn Quỹ,  hai kẻ giết cha ông phải rơi dưới lưỡi gươm báu này.

 

Khẽ đưa ngón tay cái miết dọc theo hết lưỡi kiếm và khi nghe  từng sớ vân tay rung lên, biết kiếm đã đủ bén Đặng Dung bèn đứng dậy rời khỏi bàn đá tiến vào giữa sân. Nâng thanh kiếm báu lên bằng cả hai tay, ông ngửa cổ nhìn kiếm và nhìn mặt nguyệt. Rằm tháng tư mà không hiểu sao trăng lại có quầng đỏ như máu. Máu ! Thù cha ! Nghĩ tới đây hai quai hàm ông liền tự nghiến chặt vào nhau làm phát ra những tiếng kêu ken két. Nghe tiếng răng nghiến, tên cận vệ đang đứng ở góc sân liền lặng mình chờ một tiếng hú của chủ và ngay lập tức tiếng hú ấy đã vút lên xuyên vào trời đêm : Cha ơi…!

 

Ông vẫn thường cất cao giọng hú gọi cha mình như vậy kể từ cái buổi chiều mà ráng đỏ phủ khắp dòng sông thơ mộng của miền đất mới Thuận an. Buổi chiều ấy khi đang cùng bọn con hát nâng chén rượu ngất ngưỡng bên bờ sông Hương thì bỗng thằng cận vệ chạy xộc vào báo tin làm ông tỉnh hơi men và vội phốc lên mình ngựa phi về phủ. Mấy tên lính vừa thoát từ kinh thành về đứng bên trong cửa phủ trông thấy ông vào liền kính cẩn cúi đầu.

- Cha ta đã bị giết ư ! Ai giết ?  Chưa xuống ngựa ông đã thét lớn  .

- Dạ bẩm đại nhân ! Ngài bị giết vào cuối giờ mùi ngày mồng chín.

- Ai giết ! Làm sao mà hắn giết được cha ta !

- Dạ đó là vệ sĩ Thân Lưu Chính. Hắn bóp cổ ngài đến lòi hai con mắt!

- A … ! Thân Lưu Chính ! Tiếng kêu của ông như nghẹn lại. Hình dung cảnh đôi mắt cha mình bị bóp lòi ra ngoài khiến lòng ông đau khôn tả .

 

Ai chớ tên Thân Lưu Chính này thì ông biết rất rõ. Hắn chính là vệ sĩ của Giản Định đế, hắn có một thân mình cao lớn và tay chân đầy lông lá. Trên người hắn cái gì cũng khác thường, từ cặp mắt ốc nhồi cho đến cái miệng ngoắc lên như hai quai chảo kéo dài tới tận mang tai. Nhưng quái nhất mặt hắn vẫn là cái mũi đười ươi, phần sống mũi quá ngắn khiến cho hai đầu lỗ mũi không có mái che của hắn lộ hẳn ra ngoài trông tựa như ống tre vát ngược phơi mớ lông mũi xoắn tít dựng lên tua tủa như hầm chông .

 

Thuở nhỏ nhờ có sức vóc hơn người nên khi tung hoành trên mạn ngược hắn được bọn thảo khấu tôn làm phó tướng. Tới khi Giản Định đi thảo phạt, hắn bị bắt. Chẳng những được tha chết mà hắn còn được ông ta cho làm cận vệ. Cảm cái ân của Giản Định từ đó hắn một lòng một dạ với ông và đã không ít lần liều thân cứu chủ.

Năm ngoái, bên ngoài thành Cổ Lộng khi bị quân Minh truy đuổi gắt, ngựa Giản Định sa lầy giữa đám sậy, không kể mối nguy kề bên, Lưu Chính đã lội xuống dùng sức mạnh phi thường của mình nâng cả ngựa lẫn người lên bờ cứu nguy cho chủ .

 

Nhưng tại sao hắn ta lại dám ra tay sát hại cha ông là Đặng Tất trong khi Đặng Tất vừa là nhạc phụ của chủ hắn lại vừa là một quốc công đầy quyền uy.

- Sao nó dám thế ! Ai sai nó ! Ông gầm lên

- Dạ vì có lệnh triệu tập của đại vương Giản Định nên Quốc công và tướng Cảnh Chân đã phải cùng nhau về Trường Yên họp, nhưng khi cả hai chưa qua khỏi sông Hoàng Giang thì ngài đã bị giết chết ngay trên thuyền, còn tướng Cảnh Chân tuy thoát được lên bờ nhưng cũng bị bọn vệ sĩ rượt theo chém rơi đầu .

- A… ! Vậy là Giản Định .

- Dạ khi ấy chúng con không thấy Đại vương …

- Đại vương gì thằng khốn đó ! Giản Định ! Mi là cục đất thúi được nặn thành vua mà không biết thân !

Chém mạnh thanh kiếm vào cột nhà ông thét lớn :

- Thù này quyết trả  !

Vẫn biết xưa nay Giản Định không ưa gì Đặng Tất nhưng Đặng Dung không ngờ hắn lại nhẫn tâm tới độ ra tay sát hại cha ông và cũng là cha vợ hắn. Cái bụng hẹp hòi của hắn đã không hiểu nổi cái chí lớn nơi con người Đặng Tất. Kẻ sĩ sống giữa thời loạn phải biết quyền biến với đời. Cha ông nào phải là phường tham sống sợ chết, nào phải loại người mơ bả vinh hoa. Trọn tấm lòng ông luôn dành cho đất nước .

 

Giữa buổi triền miên hỗn loạn Đặng Tất không tử tiết theo nhà Trần, cũng chẳng chết vì nhà Hồ, không chạy sang thần phục vua Chiêm cũng chẳng quỳ gối trước giặc Minh như những Trần Khát Chân, Nguyễn Hy Chu, Hồ Xạ hay Mạc Thuý ...

 

Tuy ngoài mặt ông phải trá hàng quân Minh nhưng đó chẳng qua là cái thế chẳng đặng đừng: ông phải ẩn mình để chờ cơ hội dành lại sơn hà. Là một Thái học sinh (tiến sĩ) hiểu tường tận đạo thánh hiền nhưng ông không khư khư ôm lấy chữ “trung quân “ của các hủ nho. Ông giữ mạng sống nhưng nào phải là giữ cho riêng mình! Vì thế dẫu chỉ nắm chức tri phủ nơi vùng Hoá Châu xa xôi, nhưng ông vẫn chứng tỏ được bản lĩnh của một kẻ sĩ biết mệnh trời, khi tiến khi thối để tùy hoàn cảnh mà bảo vệ con dân dưới quyền khiến bao người phải nể phục. Thế mà Giản Định lại nghe theo lời xiểm nịnh của hoạn quan Nguyễn Quỹ, cho cha ông là kẻ bất trung đang mưu đồ phản loạn cần loại bỏ!

 

Đặng Dung còn nhớ cái lần hai cha con ông cùng vào chầu Giản Định tại Diễn Châu, hôm ấy nếu cha ông không ra tay ngăn cản thì cái đầu của Trần Diệp đã phải rơi vì miệng lưỡi tên Nguyễn Quỹ.

 

Lúc ấy đang xảy ra trận Bình Than, quân ta bị hơn tám ngàn quân Minh vây đánh khiến tướng giữ thành là Dư Thanh phải sai đội trưởng Trần Diệp mở đường máu về xin tiếp ứng. Tại cung thành, dù đã được nhắc nhở là phải thay quần áo trước khi vào chầu nhưng Diệp vẫn cứ để nguyên bộ đồ trận rách rưới với mùi khó ngửi mà sãi bước tiến vào hành cung. Đầy giận dữ, tên hoạn quan Nguyễn Quỹ vội chạy theo nắm áo Diệp mà kéo lại nhưng Trần Diệp vừa đưa tay gạt mạnh vừa quát vào mặt hắn :

- Đồ rùa hôi thối ! Mau tránh ra để ta cấp báo việc binh. Giờ này chỉ một khắc chậm trể là trăm thây phải phơi nơi sa trường thì sá gì mớ quần áo này .

 

Và ngay trước mặt bá quan văn vỏ đang đứng chờ chầu, Diệp đưa tay cởi phăng hết mớ áo xống rồi ném chúng xuống đất khiến trên người y chẳng còn gì. Thấy Diệp trần truồng, một viên quan đứng kề vội lột chiếc áo thụng xanh của mình quăng lên, Diệp đỡ lấy khoác hờ lên vai. Tấm áo không đủ che hạ bộ nhưng Diệp vẫn cứ thế mà đường hoàng tiến vào điện.

Đang ngự trên bệ rồng, Giản Định giật mình khi thấy tô hô bước vào một con người trần truồng, giận dữ ông quát lớn :

- Tên kia ! Mi là ai mà dám trần truồng vào đây !

- Dạ bẩm hạ thần là Trần Diệp, lính lệnh của tướng quân Dư Thanh .

- Sao dám cả gan trần truồng trước ta .

- Dạ xin bệ hạ thứ lỗi. Vì việc quân cần gấp nên hạ thần đành liều.

- Chỉ có từng đó mà nhà ngươi dám trần truồng trước ta ư !

- Dạ thần xin bệ hạ thứ lỗi. Đúng chỉ vì từng đó, nhưng chính vì nó mà bao tướng sĩ của bệ hạ đã phải đổ máu để thần về tới được đây. Thần trộm nghĩ kẻ bề trên phải coi sinh mạng bề tôi như của chính mình.

- A ! Thằng này láo ! Mày dám dạy khôn ta !

Tên Nguyễn Quỹ hùa theo

-Tội khi quân ! Xin bệ hạ bêu đầu làm gương !

Thấy tình thế căng thẳng có thể làm tráng sĩ Trần Diệp rơi đầu,  Đặng Tất vội tiến lên lời qua tiếng lại với Nguyễn Quỹ để cứu Diệp. Bẽ mặt trước quần thần, Quỹ sinh lòng thù hận và từ đó hắn luôn tìm dịp ám hại cha ông …

 

…Thân Lưu Chính, kẻ đã dùng bàn tay bóp cổ cha tới lòi mắt và Nguyễn Quỹ tên hoạn quan dùng miệng lưỡi ton hót khiến cha phải chết. Ngày mai cả hai ngươi … Nhưng còn Giản Định đế !  Ôi chính mi mới  là kẻ chủ mưu! Ước gì ta cũng được thấy cái đầu mi  lăn lóc dưới lưỡi gươm này …

Tâm hồn ông rối bời giữa một bên là cơ đồ đất nước và một bên là đạo hiếu. Ông tự hỏi không hiểu những việc mình đang làm đây có gì sai với lẽ đạo trung hiếu hay không. Nhưng cha ơi ! Còn quân thù, còn giang sơn …

 

Ông nhớ lại lúc mình cùng với Nguyễn Cảnh Dị, trai trưởng của tướng công Nguyễn Cảnh Chân, cả hai đều vì thù nhà mà dấy binh dốc vào trấn Thanh Đô tìm vương thất họ Trần mà tôn làm vua để chống lại Giản Định. Một số con cháu nhà Trần như Trần Nhị, Trần Trương con của Bảo Ninh Đại vương, Trần Vinh, Trần Công Nam con của Trung vương Dự … nghe tin đã tìm tới .

 

Trong bọn họ, Đặng Dung thấy chỉ có Nhập nội thị trung Trần Quý Khoáng con của Mẫn Vương Ngạc, gọi Giản Định Đế bằng chú là đứa thông tuệ và có khí phách hơn người nên mặc cho Cảnh Dị muốn lập Trần Trương vì bản tính tên này rất chậm chạp. Dị nói với ông:

- Hãy xem gương phụ thân của hai ta thì biết nên, ta đừng dại dột mà chọn đứa có dũng khí . Nghe nói thế Đặng Dung liền khẳng khái trả lời :

- Chúng ta chọn vua là để làm vua chớ không phải để sai khiến !

 

Và thế là vào ngày 17 tháng 3 tại Chi La, tất cả đã đồng lòng tôn Quý Khoáng lên ngôi. Quý Khoáng liền đổi niên hiệu là Trùng Quang, phong cho Nguyễn Súy làm Thái phó, Nguyễn Cảnh Dị làm Thái bảo, Đặng Dung làm Đồng bình chương sự để cùng mưu việc lớn là phế Giản Định đuổi giặc Minh .

 

Nhưng thời gian sau đó, cuộc chiến với quân Minh và bọn Giản Định cứ đi vào ngõ cụt, các thành trì cứ liên tiếp rơi vào tay giặc mà lòng người thì càng lúc càng ly tán, nội tình càng lúc càng chia rẻ. Trong thế túng quẩn, một đêm Trùng Quang đã cho mời riêng Đặng Dung và Cảnh Dị tới trướng để bàn chuyện. Bên chén trà nhà vua đột ngột ngõ ý rằng trong hàng ngũ thân tín của Giản Định đang có nhiều tướng muốn trở về hợp tác  :

- Tình hình nguy cấp lắm rồi, nếu chúng ta không thống nhất được lòng dân về một mối thì e rằng việc lớn khó thành. Nghe nhà vua nói thế Cảnh Dị liền lớn tiếng tâu :

- Bẩm hoàng thượng! Muốn hợp nhất thì phải giết Giản Định trước .

- Không được ! Các ngươi muốn giết ai thì giết nhưng riêng Giản Định thì không. Ta mà giết hắn thì làm sao thu phục được lòng của ba quân. Hãy vì đại cuộc mà bỏ thù riêng. Thôi ! hai ngươi cứ về nhà suy nghĩ cho kỹ rồi ngày mai hãy tới mà trả lời ta.

 

Suốt đêm đó Đặng Dung không sao ngủ được, ông trằn trọc với thù cha, thao thức với vận mệnh sơn hà. Ông biết hiện nhiều nơi, với mục đích ly tán lòng dân Nam, vua Minh Thái Tông đã treo chỉ dụ với những lời lẽ phỉnh nịnh: " Người Giao Chỉ là dân của trời, nay trẫm đã vỗ về chúng thì chúng đều là con đỏ của trẫm. Chúng nhất thời đi theo bọn giặc liền mấy năm nay không được yên nghỉ. Nghe tin chúng bị giết, trẫm thực lòng thương xót, sao lại nỡ để như vậy ?  Bọn gây ác chỉ có mấy đứa mà thôi còn trăm họ nơi bãi biển, hang núi kia đều là những kẻ vì bị cưỡng bức mà phải theo làm giặc …”

 

Với tình hình như vậy nếu không mau tạo chính danh để đoàn kết lực lượng thì làm sao thu phục được lòng người. Có kéo dài chinh chiến chỉ khiến trăm họ phơi thây vô ích. Hơn nữa  Cảnh Dị cũng là anh rể của ông, con hắn gọi ông là cậu mà! Càng suy nghĩ ông càng thấy lời đề nghị của Trùng Quang là hợp lý. Vận nước phải được đặt trên thù nhà. Tới sáng hôm sau, sau khi đã phân tích hơn thiệt với Cảnh Dị, cả hai liền cùng vào chầu và xin vua cứ theo ý hợp nhất mà tiến hành.

 

Việc hợp nhất diễn ra thuận lợi đến không ngờ. Nhờ có nội ứng, chỉ trong có một đêm quân của Nguyễn Súy đã đột kích thành công vào Ngự Thiện, bắt sống cả Thân Lưu Chính lẫn Nguyễn Quỹ, khống chế được Giản Định, bắt toàn bộ tướng sĩ của y phải thần phục .

 

Khi mọi việc xong xuôi, Trùng Quang liền giao cả hai tên Thân Lưu Chính và Nguyễn Quỹ cho Đặng Dung, ông bảo: Ta giao chúng cho các khanh, muốn làm gì thì làm .

 

Muốn làm gì thì làm ?  Còn làm gì nửa ! Chém ! Nhìn Thân Lưu Chính đang đối diện với cái chết mà sắc mặt hắn vẫn thật bình thản khiến Đặng Dung dù đầy oán hận vẫn phải thầm khâm phục.

-Tên khốn kia ! Ai sai mày giết cha tao?! Ai sai mày !?

- Đừng nhiều lời ! Thân Lưu Chính này đã thờ chúa nào thì chỉ biết chúa ấy mà thôi. Nhà ngươi mau ra gươm đi !

Riêng tên Nguyễn Quỹ thì hai chân run cầm cập, vừa ra khỏi cũi hắn đã bỉnh một đống ra quần.

Trước bàn thờ phụ thân, Đặng Dung rút gươm chém đầu Thân Lưu Chính còn cái mạng Nguyễn Quỹ được dành cho tướng quân Cảnh Dị hóa kiếp.

Thủ cấp Thân Lưu Chính khi đã nằm yên trên mặt đất rồi  mà đôi mắt hắn vẫn trừng nhìn lên nhấp nháy tới ba lần rồi mới chịu đứng tròng !

 

Về phần Giản Định sau khi được tôn làm Thái Thượng hoàng đã triệu quân binh hợp nhất với quân của Trùng Quang. Tin này khiến muôn dân vui mừng và ùn ùn tìm về dưới trướng, vượng khí nhà Hậu Trần nhờ vậy mới hưng thịnh trở lại giúp cho cuộc khởi nghĩa thêm thuận lợi. Trong vòng chưa đầy hai tháng mà đạo quân của Trùng Quang đã chiếm lại được bốn thành, giết được vô số giặc khiến quan quân nhà Minh phải khiếp sợ  

 

Tuy thế, vì mệnh trời chẳng thuận nên vua tôi Trùng Quang không thể dành lại được sơn hà nhưng tấm lòng vì đại nghĩa của hai tướng Đặng Dung và Cảnh Dị muôn đời còn ghi khắc …./.

 

* Viết theo Đại Việt sử ký toàn thư và Đại Nam nhất thống chí .

 

Giang Kiều
Số lần đọc: 1874
Ngày đăng: 04.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mảnh Vỡ Của Ngày. - Hồ Thanh Ngạn
Cây Cầu Tuổi Dại. - Nguyễn Mộng Giác
Gò Bồi Bên Kia Sông - Trần Hoài Thư
Ly - Trần Duy Phiên
Những Lớp Mây Phai - Hồ Minh Dũng
Hội trường - Nguyễn Hiếu
Bản giao hưởng cổ tích - Đặng Văn Sinh
Số Phận Lũ Sáo Nhà - Kinh Dương Vương
Mưa Ở Phnom Penh - Nguyễn Xuân Tường Vy
- Nguyễn Hồng Nhung