Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.188
123.212.431
 
Nguyễn Khuyến - Mơ Màng Cuộc Thế Cũng Cầm Bằng 2
Đỗ Ngọc Thạch

*

Chân dung tự họa của Nguyễn Khuyến

 

Nguyễn Khuyến được kính trọng không chỉ vì tài văn chương mà còn vì ông đạo đức sáng như gương và có tấm lòng nhân ái bao la. Bài thơ Khóc Dương Khuê  (+) gây xúc động lan tỏa và được xem là bài thơ hay nhất về tình bạn đương thời cũng như về sau:

(Tác giả tự dịch bài Vãn đồng niên Vân Đình tiến sĩ Dương thượng thư).

 

Bác Dương thôi đã thôi rồi,

Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.

Nhớ từ thuở đăng khoa[1] ngày trước,

Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau;

Kính yêu từ trước đến sau,

Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời?

Cũng có lúc chơi nơi dặm khách,

Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo;

Có khi tầng gác cheo leo,

Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang;

Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp,

Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân,

Có khi bàn soạn câu văn,

Biết bao đông bích, điển phần[2] trước sau,

Buổi dương cửu[3] cùng nhau hoạn nạn,

Phận đấu thăng[4] chẳng dám tham trời;

Bác già, tôi cũng già rồi,

Biết thôi, thôi thế thì thôi mới là!

Muốn đi lại tuổi già thêm nhác,

Trước ba năm gặp bác một lần;

Cầm tay hỏi hết xa gần,

Mừng rằng bác vẫn tinh thần chưa can,

Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác,

Tôi lại đau trước bác mấy ngày;

Làm sao bác vội về ngay,

Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời.

Ai chẳng biết chán đời là phải,

Vội vàng sao đã mải lên tiên;

Rượu ngon không có bạn hiền,

Không mua không phải không tiền không mua.

Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,

Viết đưa ai, ai biết mà đưa;

Giường kia treo những hững hờ[5],

Đàn kia gẩy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn[6].

Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở,

Tôi tuy thương, lấy nhớ làm thương;

Tuổi già hạt lệ như sương,

Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan!

 

Chú thích :

1. Đi thi đỗ.

2. Đọc sách, tra cứu.

3. Ý nói thời gian nan.

4. Cái đấu, cái thăng, đơn vị đo lường ngày xưa. Câu này ý nói: trước cảnh đời đổi thay phải từ quan về, nhà thơ không dám tham công danh bổng lộc nữa.

5. Trần Phồn đời Hậu Hán, dành riêng cho bạn thân một cái giường khi bạn đến thì mời ngồi, lúc bạn về thì treo lên.

6. Nhắc lại tích Bá Nha và Chung Tử Kì: Khi Tử Kì mất thì Bá Nha đập nát cây đàn, không gảy đàn nữa.

 

Quả là khi mất đi người bạn tri âm thì nhà thơ cô đơn tuyệt đối: một ông già cô đơn sống trong cảnh hàn Nho chính là chân dung tự họa của Nguyễn Khuyến được vẽ bằng những vần thơ nao lòng:

 

Tự trào

 

Cũng chẳng giàu, mà cũng chẳng sang,

Chẳng gầy, chẳng béo, chỉ làng nhàng.

Cờ đang dở cuộc, không còn nước,

Bạc chửa thâu canh đã chạy làng.

Mở miệng nói ra gàn bát sách,

Mềm môi chén mãi tít cung thang.

Nghĩ mình lại gớm cho mình nhỉ,

Thế cũng bia xanh, cũng bảng vàng!

 

Tự thuật

 

Tháng ngày thấm thoát tựa chim bay,

Ông ngẫm mình ông, nghĩ cũng hay.

Tóc bạc bao giờ không biết nhỉ?

Răng long ngày trước hãy còn đây.

Câu thơ được chửa, thưa rằng được.

Chén rượu say rồi, nói chửa say.

Kẻ ở trên đời lo lắng cả,

Nghĩ ra ông sợ cái ông này.

 

Mạn hứng

 

Cáo việc kinh đô, sống ở nhà.

Mấy năm nghèo ốm chỉ mình ta.

Trước cửa, mặt trời thu bóng ngắn,

Ngoài sân, gió thổi khóm tre ngà.

Lão nông biết ruộng cằn hay tốt.

Người buôn hiểu rõ đấu non già.

Hứng lên, chỉ bạn cùng chai rượu,

Ngồi nhìn ngọn núi biếc xa xa.

 

Cảnh già

 

Nhớ từ năm trước hãy thơ ngây,

Phút chốc mà già đã đến ngay.

Mái tóc chòm xanh chòm lốm đốm,

Hàm răng chiếc rụng chiếc lung lay.

Nhập nhèm bốn mắt tranh mờ tỏ,

Khấp khểnh ba chân dở tỉnh say.

Còn một nỗi này thêm chán ngắt,

Đi đâu dở những cối cùng chầy.

 

Đại lão

 

Năm nay tớ đã bảy mươi tư,

Rằng lão, rằng quan tớ cũng ừ.

Lúc hứng, uống thêm dăm chén rượu,

Khi buồn ngâm láo một câu thơ.

Bạn già lớp trước nay còn mấy?

Chuyện cũ mười phần chín chẳng như[1].

Cũng muốn sống thêm dăm tuổi nữa,

Thử xem trời mãi thế này ư?

 

Chú thích: 1.Đời mười phần không vừa ý mình đến tám, chín phần.

 

Cảm hứng

Ngày trước cũng lên lạy cửa trời[1],

Lâu nay vắng vẻ bặt tăm hơi.

Nước non man mác về đâu tá?

Bạn bè lơ thơ sót mấy người.

Đời loạn đi về như hạc độc[2],

Tuổi già hình bóng tựa mây côi[3].

Đã hay nhờ được hao mòn lắm,

Một thí[4] lòng son chửa rõ mười.

 

Chú thích:

1. Ý nói: nhà thơ lúc làm quan cũng đã cùng với bạn vào chầu vua ở triều đình

2. Con hạc một mình cô độc, không có bạn.

3. Đám mây lẻ loi như  mồ côi.

4. Một chút

 

Đêm đông cảm hoài

 

Nỗi nọ, đường kia xiết nói năng!

Chẳng nằm, chẳng nhắp, biết mần răng?

Đầu cành, mấy tiếng chim kêu tuyết.

Trước điếm, năm canh chó sủa trăng.

Bảng lảng lòng quê khôn chợp được.

Mơ màng cuộc thế cũng cầm bằng.

Canh gà eo óc đêm thanh thả,

Tâm sự này ai có biết chăng?

 

Chính cảnh cô độc đó của một trái tim nhạy cảm, của một nỗi lòng ưu thời mẫn thế đã cho đời một Thi nhân với cốt cách thanh cao, sáng đẹp…Hãy nghe tâm sự cuối cùng Nguyễn Khuyến gửi lại hậu thế:

 

Di chúc

(Tác giả tự diễn Nôm bài Di chúc văn thành thể song thất lục bát).

 

Kém hai tuổi xuân đầy chín chục.

Số thầy sinh phải lúc dương cùng[1].

Đức thầy đã mỏng mòng mong,

Tuổi thầy lại sống hơn ông cụ thầy.

Học chẳng có rằng hay chi cả.

Cưỡi đầu người kể đã ba phen[2];

Tuổi là tuổi của gia tiên,

Cho nên thầy được hưởng niên lâu ngày.

Ấy thuở trước ông mày chẳng đỗ[3],

Hóa bây giờ cho bố làm nên;

Ơn vua chửa chút báo đền,

Cúi trông hổ đất, ngửa lên thẹn trời.

Sống không để tiếng đời ta thán,

Chết được về quê quán hương thôn;

Mới hay trăm sự vuông tròn,

Sống lâu đã trải, chết chôn chờ gì?

Đồ khâm liệm chớ nề xấu tốt,

Kín chân tay đầu gót thời thôi;

Cỗ đừng to lắm con ơi,

Hễ ai chạy lại, con mời người ăn.

Tế đừng có viết văn mà đọc,

Trướng đối đừng gấm vóc làm chi;

Minh tinh[4] con cũng bỏ đi,

Mời quan đề chủ[5] con thì chớ nên.

Môn sinh[6] chớ bổ tiền đặt giấy,

Bạn của thầy cũng vậy mà thôi;

Khách quen chớ viết thiếp mời.

Ai đưa lễ phúng con thời chớ thu.

Chẳng qua nợ để cho người sống,

Chết đi rồi còn ngóng vào đâu!

Lại mang cái tiếng to đầu,

Khi nay bày biện, khi sau chê bàn.

Cờ biển của vua ban ngày trước,

Khi đưa thầy con rước đầu tiên;

Lại thuê một lũ phường kèn,

Vừa đi vừa thổi mỗi bên dăm thằng.

Việc tống táng nhung nhăng qua quýt,

Cúng cho thầy một ít rượu hoa;

Đề vào mấy chữ trong bia,

Rằng: "Quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu".

 

Chú thích:

1. Ý nói nhà thơ đã đến ngày tận số

2. Ý nói: nhà thơ qua ba kì thi đều đỗ đầu bảng (tam nguyên)

3. Ông cụ thân sinh nhà thơ thuở trước cũng là chân học khoa cử, nhưng không đỗ đạt cao

4. Một mảnh lụa, mảnh vải hoặc mảnh giấy đề tên hiệu, tên thụy, tuổi và chức tước, địa vị người chết trong khi đưa đám ma

5. Viết tên và hiệu người chết vào. Việc viết này thường được coi là tôn trọng, nên phải mời người có chức tước làm

6. Học trò cùng học một thầy

 

Sài Gòn, tháng 10-2010

 

Chú thích:

(*) Nguyễn Khuyến (1835-1909): tên thật là Nguyễn Thắng, hiệu Quế Sơn, tự Miễn Chi; Quê ngoại làng Văn Khế, xã Hoàng Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định; Quê nội của ông là làng Và, xã Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Cha Nguyễn Khuyến là Nguyễn Tông Khởi (1796-1853), thường gọi là Mền Khởi, đỗ ba khóa tú tài, làm nghề dạy học. Mẹ là Trần Thị Thoan (1799-1874), nguyên là con của Trần Công Trạc, từng đỗ tú tài thời Lê mạt.

 

Năm 1864, Nguyễn Khuyến đỗ đầu cử nhân (tức Giải nguyên) trường Hà Nội. Năm sau (1865), ông trượt thi Hội nên phẫn chí, ở lại kinh đô học trường Quốc Tử Giám. Đến năm 1871, ông mới đỗ Hội Nguyên và Đình Nguyên (Hoàng giáp). Từ đó, Nguyễn Khuyến thường được gọi là Tam Nguyên Yên Đổ.

 

Năm 1873, ông được bổ làm Đốc Học, rồi thăng Án Sát tại tỉnh Thanh Hóa. Năm 1877, ông thăng Bố Chính tỉnh Quảng Ngãi. Sang năm sau, ông bị giáng chức và điều về Huế, giữ một chức quan nhỏ với nhiệm vụ toản tu Quốc Sử Quán. Nguyễn Khuyến cáo quan về Yên Đổ vào mùa thu năm 1884 và qua đời tại đây.

 

Tác phẩm của Nguyễn Khuyến gồm có: Quế Sơn thi tập, Yên Đổ thi tập, Bách Liêu thi văn tập, Cẩm Ngữ,"Bạn đến chơi nhà" và nhiều bài ca, hát nói, văn tế, câu đối truyền miệng. Quế sơn thi tập khoảng 200 bài thơ bằng chữ Hán và 100 bài thơ bằng Chữ Nôm với nhiều thể loại khác nhau. Có bài tác giả viết bằng chữ Hán rồi dịch ra tiếng Việt, hoặc ngược lại, ông viết bằng chữ Việt rồi dịch sang chữ Hán. Cả hai loại đều khó xác định vì nó rất điêu luyện. Trong bộ phận thơ Nôm, Nguyễn Khuyến vừa là nhà thơ trào phúng vừa là nhà thơ trữ tình, đậm tư tưởng Lão Trang và triết lý Đông Phương. Thơ chữ Hán của ông hầu hết là thơ trữ tình.

 

(**) Đào Tiềm (365 - 427), hiệu Uyên Minh, tự Nguyên Lượng biệt hiệu là Ngũ liễu tiên sinh, người đất Tầm Dương, nay thuộc huyện Cửu Giang, tỉnh Giang Tây, là một trong những nhà thơ lớn của TQ.

 

Năm 29 tuổi, ông làm Tế tửu Giang Châu. Mười ba năm tiếp theo, mấy lần ông làm quan nhỏ, mỗi lần chỉ trong thời gian ngắn. Khoảng 40 tuổi, vì nhà nghèo mà còn phải nuôi mẹ già, vợ con (ông có năm người con trai), nên ông ra làm huyện lệnh Bành Trạch (vì thế còn gọi là Đào Bành Trạch). Được hơn 80 ngày, nhân cuối năm quận phái viên đốc bưu đến huyện, nha lại khuyên Đào Tiềm chỉnh đốn y phục ra đón. Ông than rằng: "Ngã khởi năng vị ngũ đấu mễ chiết yêu quyển quyển sự hương lý tiểu nhân đa" (Ta sao lại có thể vì năm đấu gạo mà phải chịu còng lưng, vòng tay thờ bọn tiểu nhân nơi thôn xóm ấy ru!).

 

Ngay hôm ấy ông viết bài Quy khứ lai từ (Lời bày tỏ việc trở về), rồi trả ấn bỏ quan mà về. Năm ông 62 tuổi, gặp lúc đói kém, nhà thơ lâm cảnh khốn cùng đến mức phải đi xin ăn. Tiêu Thống đời Lương viết Truyện Đào Uyên Minh kể lại rằng: “Khi Thứ sử Giang Châu là Đàn Đạo Tế đến thăm thì thấy nhà thơ nằm co ro, nhịn đói đã mấy ngày. Đạo Tế cho đưa rượu thịt tới, ông vẫy tay bảo đưa ra. Không bao lâu thì mất" (năm 427 thời Nam Bắc triều), thọ 63 tuổi. Ông mất, để lại một số thơ văn, người đời sưu tập lại thành Đào Uyên Minh thi văn tập, 10 quyển, trong đó có trên 120 bài thơ.

 

(***) Quê hương, đất nước: xin đọc thêm một số bài thơ sau:

Trở về vườn cũ

(Tác giả tự dịch bài Bùi Viên cựu trạch ca. Bài thơ này được sáng tác sau khi Nguyễn Khuyến từ chối chức Tổng đốc Sơn-Hưng-Tuyên cáo quan về ở ẩn).

 

Vườn Bùi[1] chốn cũ,

Bốn mươi năm lụ khụ lại về đây.

Trông ngoài sân đua nở mấy chồi cây,

Thú khâu hác lâm tuyền âu cũng thế.

Bành Trạch[2] cầm xoang ngâm trước ghế,

Ôn công[3] rượu nhạt chuốc chiều xuân.

Ngọn gió đông ngảnh lại lệ đầm khăn

Tính thương hải tang điền qua mấy lớp?

Ngươi chớ giận Lỗ hầu[4] chẳng gặp.

Như lơ phơ tóc trắng lại làm chi

Muốn về sao chẳng về đi?

 

chú thích:

1. Vườn Bùi, ở thôn Vị Hạ, xã Yên Đổ, huyện Bình Lục (Hà Nam) quê hương Nguyễn Khuyến.

2. Bành Trạch tức Đào Tiềm đời Tấn, cáo quan về ở ẩn ; xem chú thích (**).

3. Ôn công tức Tư Mã Quang đời Tống, khi cáo quan về ở ẩn chỉ uống rượu tiêu sầu.

4. Tức Lỗ Bình Công.

 

Thể loại: Hát nói

 

Chơi chợ trời Hương Tích

 

Ai đi Hương Tích chợ trời đi!

Chợ họp quanh năm cả bốn thì.

Đổi chác người tiên cùng khách bụt,

Bán buôn gió chị lại trăng dì.

Yến anh chào khách nhà mây tỏa,

Hoa quả bày hàng điếm cỏ che.

Giá áo, lợn, tằm, tiền, gạo đủ.

Bán mua mặc ý muốn chi chi.

 

 

Chơi núi Non Nước


Chom chỏm trên sông đá một hòn,

Nước trôi sóng vỗ biết bao mòn?

Phơ đầu đã tự đời Bàn Cổ[1],

Bia miệng còn đeo tiếng trẻ con.

Rừng cúc tiền triều[2] trơ mốc thếch,

Hòn câu Thái phó[3] tảng rêu tròn.

Trải bao trăng gió xuân già giặn,

Trời dẫu già, nhưng núi vẫn non.

 

Chú thích: Núi Non Nước là một thắng cảnh nằm ven bờ sông Đáy ở thành phố Ninh Bình.

1. Ông Bàn Cổ sinh từ lúc mới có trời đất

2. Triều vua thời trước

3. Tảng đá mà thái phó Trương Hán Siêu đã ngồi câu cá

 

Chơi thuyền Hồ Tây (1)

 

Thuyền lan[2] nhè nhẹ.

Một con thuyền đủng đỉnh dạo Hồ Tây.

Sóng rập rờn sắc nước lẩn chiều mây[3],

Bát ngát nhẽ dễ trêu người du lãm[4].

Yên thủy mang mang vô hạn cảm,

Ngư long tịch tịch thục đồng tâm[5].

Rượu lưng bầu, mong mỏi bạn tri âm[6].

Xuân vắng vẻ, biết cùng ai ngâm họa?

Gió hây hẩy bỗng nức mùi hương xạ,

Nhác trông lên, vách phấn[7] đã đôi bài.

Thơ ai, xin họa một vài.

 

Chú thích:

1. Hồ Tây: tên một cái hồ ở phía tây thành phố Hà Nội lại có tên chữ là "Lãng bạc hồ".

2. Thuyền lan: thuyền làm bằng gỗ mộc lan.

3. Sắc nước lẩn chiều mây: màu nước hồ có vẻ mây che phủ, vì mặt nước phản chiếu mây ở trên trời.

4. Người du lãm: người đi chơi để xem cảnh.

5. Câu 5-6: khói nước mông mênh (gây nên) cảm xúc vô hạn. Cá và rồng vắng vẻ lấy ai bạn cùng?

6. Tri âm: ở đây là người bạn thân thiết, hiểu biết mình, cũng như chữ "tri kỷ".

7. Vách phấn: vách quét vôi trắng.

 

Thể loại: Hát nói

(****) Hát Nói: Xin xem Đỗ Ngọc Thạch: Ca Trù – Nơi Gặp Gỡ Giai Nhân, Tài Tử .

 

(+) Dương Khuê (1839-1902), hiệu Vân Trì; quê ở làng Vân Đình huyện Sơn Minh phủ Ứng Hòa tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội); đỗ Tiến sĩ năm 1868, làm quan đến chức Thượng thư, sáng tác nhiều bài thơ chữ Nôm làm lời cho các bài hát ca trù nổi tiếng.

 

Dương Khuê thi Hội đỗ cử nhân năm 1864, cùng khoa này Nguyễn Khuyến đỗ Hội nguyên. Năm Mậu Thìn (1868), thời vua Tự Đức, ông dự thi Đình đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ. Sau khi đỗ Tiến sĩ, Dương Khuê được bổ làm tri phủ Bình Giang (Hải Dương), rồi được thăng làm Bố chánh. Nhưng vì dâng sớ lên can vua Tự Đức: không nên nhượng bộ Pháp nữa, nên ông bị điều đi làm Chánh sứ sơn phòng lo việc khai hoang. Sau đó ông lại được cử giữ chức Án sát Hải Phòng, rồi Tổng đốc Nam Định - Ninh Bình, cuối cùng làm Thượng thư cho đến khi xin cáo quan về hưu.

(hết)

Đỗ Ngọc Thạch
Số lần đọc: 3702
Ngày đăng: 07.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bạn Đọc Việt Nam Và Thơ Hiện Đại? - Hoàng Hưng
Phiếm luận về ba người đàn bà cá biệt trong cổ kim văn học Việt Nam - Phạm Thành
Thơ Tình Huyền Diệu Pha Lẫn Phàm Tục So Với Thơ Tình Thuần Chất Huyền Diệu - Trần Văn Nam
Sử Thánh Tư Mã Thiên Và Sử Ký 1 - Đỗ Ngọc Thạch
Sử Thánh Tư Mã Thiên Và Sử Ký 2 - Đỗ Ngọc Thạch
Con Rồng Trong Tâm Thức Người Việt - Phùng Thành Chủng
Vẻ đẹp “siêu thực” trong Thơ. - Yến Nhi
Thiên nhiên vắng bóng trong tiểu thuyết Lê Văn Trương - Trần Văn Nam
Tây Du Ký – Đệ tam danh tác - Đỗ Ngọc Thạch
Vai Trò Của Hà Nội Trong Sự Phát Triển Của Chữ Quốc Ngữ, Báo Chí Và Văn Học Việt Nam Thời Hiện Đại (Nửa Đầu Thế Kỷ XX) - Lại Nguyên Ân
Cùng một tác giả
Nữ võ sĩ huyền đai (truyện ngắn)
Anh hùng thọ nạn (truyện ngắn)
Người chép sử (truyện ngắn)
Tướng sát phu (truyện ngắn)
Chị em sinh ba (truyện ngắn)
Truyện ngắn ngắn-1 (truyện ngắn)
Truyện ngắn ngắn -2 (truyện ngắn)
Chuyện một nhà báo (truyện ngắn)
Núi lở (truyện ngắn)
Hai lần bác sĩ (truyện ngắn)
Báo hiếu (truyện ngắn)
Nhà tiên tri (truyện ngắn)
Bạn học lớp hai (truyện ngắn)
Tương tác trên net (tiểu luận)
Bạn học lớp năm (truyện ngắn)
Bà Nội (truyện ngắn)
Cô giáo mầm non (truyện ngắn)
Ma lai (truyện ngắn)
Cánh đồng mùa đông (truyện ngắn)
Em ở Tây hồ (truyện ngắn)
Sự tích chim đa đa (truyện ngắn)
Kén vợ kén chồng (truyện ngắn)
Nghêu, Sò, Ốc, Hến (truyện ngắn)
Đấu trường 100 (truyện ngắn)
Làng nói trạng (truyện ngắn)
Lý Toét (truyện ngắn)
Đám Cưới Vàng (truyện ngắn)
Táo quân truyện (truyện ngắn)
Mùng ba tết thầy (truyện ngắn)
Chuyện ngày tết (truyện ngắn)
Y tá xã (truyện ngắn)
Băng nhân (truyện ngắn)
Ô Quan Chưởng (truyện ngắn)
Bạn học đại học (truyện ngắn)
Kiếm sống (truyện ngắn)
Ô Chợ Dừa (truyện ngắn)
Ký ức làm báo (truyện ngắn)
Trộm long tráo phụng (truyện ngắn)
Ba chìm bảy nổi (truyện ngắn)
Bác Sĩ Thú Y (truyện ngắn)
Lệnh Phải Thi Đỗ (truyện ngắn)
Giai Điệu Mùa Hè (truyện ngắn)
Lấy Vợ Xấu (truyện ngắn)
Địa sứ (truyện ngắn)
Cô Dâu Gặp Nạn (truyện ngắn)
Bà Ngoại (truyện ngắn)
Ô Đống Mác (truyện ngắn)
Quận He (truyện ngắn)
Tam Thập Lục Kế (truyện ngắn)
Cắm sừng (truyện ngắn)
Nguyễn Vỹ (chân dung)
Nhà Nho - Nhà Báo (tiểu luận)
Dòng Sông Ám Ảnh (truyện ngắn)
Ba Lần Thoát Hiểm (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 2 (truyện ngắn)
Kiếm Sống 2 (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 3 (truyện ngắn)