Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.111
123.229.614
 
Lan Man Chuyện
Phùng Thành Chủng

Lan Man Chuyện: “Mèo Lại Hoàn Mèo!”

 

Trong kho tàng văn học dân gian của ta, có câu chuyện ngụ ngôn: Mèo lại hoàn mèo!

Xưa có một ông nuôi một con mèo, nghĩ con mèo của mình khôn ngoan, tài giỏi không ai có nữa, mới đặt tên cho là: “Trời”

Một hôm có người đến chơi, thấy sự lạ, hỏi ông ấy rằng:

- Sao ông lại gọi nó là con “Trời”?

Ông ta đáp:

- Con mèo của tôi quý hoá có một, gọi nó là con mèo không được. Phải gọi nó là con "Trời" mới xứng đáng, vì không ai hơn được Trời.

Người kia nói:

- Thế mây chẳng che được Trời là gì!

Ông ta bảo:

- Thì tôi gọi nó là con “Mây” !

Người kia lại nói :

- Thế nhưng gió lại đuổi đựơc mây !

Ông ta lại bảo :

- Thì tôi gọi nó là con Gió !

- Thế nhưng thành lại cản được gió !

- Thì tôi gọi nó là con Thành !

- Thế nhưng chuột lại khoét được thành !

- Thì tôi gọi nó là con Chuột !

- Thế nhưng mèo lại bắt được chuột !

- Thì tôi gọi nó là con ....Mèo ! 

Vậy là ... mèo ...lại hoàn ...mèo !  

Theo thuyết âm dương, ngũ hành của người Trung hoa cổ, vật chất gồm năm “thể”  chủ yếu là : Kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ; năm thể (gọi là ngũ hành) có tương sinh :

Kim sinh thuỷ, thuỷ sinh mộc, mộc sinh hoả, hoả sinh thổ, thổ sinh kim.

Có tương khắc :

Kim khắc mộc, mộc khắc thổ, thổ khắc thuỷ, thuỷ khắc hoả, hoả khắc kim.

Trong sinh có khắc, trong khắc có sinh:

Kim khắc mộc, nhưng kim lại sinh thuỷ là cái sinh ra mộc.

Hoả sinh thổ, nhưng hoả lại khắc kim là cái mà thổ sinh ra....

Quan hệ sinh, khắc giữa các hành là mối quan hệ qua lại có tính biện chứng: Khắc nhờ có sinh mà không bất cập; ngược lại, sinh nhờ có khắc để khỏi đi đến chỗ thái quá. Cả hai vừa thúc đẩy, vừa chiết giảm, vừa nương tựa vừa kiềm giữ, tác động và điều chỉnh lẫn nhau để cùng tồn tại.

Trở lại câu chuyện ngụ ngôn: “Mèo lại hoàn mèo”, chúng ta nhận được từ bức thông điệp của tác giả một bài học có ý nghĩa sâu sắc về triết lý nhân sinh:

1. Phải gọi tên sự vật đúng với bản chất của nó.

2. Vật nào chỗ ấy, đều có vị trí của mình. Đứng đúng vị trí của mình là thuận, ngược lại là nghịch.

3. Quan hệ sinh, khắc, chế, hoá trong giới tự nhiên là một tất yếu để tồn tại.Với ý nghĩa ấy, mọi vật đều bình đẳng, không cái gì có thể đứng ngoài, đứng trên (mà không chịu) sự “điều chỉnh” của nó; kể cả đó là .....Trời!

 

Ông Thánh, Nhà Phê Bình Văn Học, Và Ngưi Hưng Đạo…

…. Sau nhiều năm chu du hết nước này đến nước khác, mong gặp được một vị vua sáng để khả dĩ có thể đem thực hành cái đạo của mình, nhưng vì không phù hợp với đường lối của những nhà cai trị, rốt cục Khổng Tử không đựơc nước nào dùng! “Đạo ta cùng rồi! Nếu đạo của ta không được dùng thì ta biết lấy gì để cho đời sau thấy ta!” - Trở về nước Lỗ (quê hương ông), Khổng Tử đã dành thời gian còn lại của những năm cuối đời cho việc làm sách: San định các kinh: Thi, Thư, Lễ, Nhạc; bổ sung phần “Thập dực” trong Kinh Dịch và làm Kinh Xuân Thu (từ Lỗ An Công đến năm thứ 14 đời Lỗ Ai Công, bao gồm 12 đời vua). Trong lĩnh vực này, Khổng Tử đã chứng tỏ: Không những là bậc sư tổ của đạo Nho, ông còn là một nhà phê bình văn học xuất sắc.

 

Kinh thi có đoạn:

 

“Đường lệ chi hoa

Thiên kỳ phản nhi

Khởi bất nhĩ ti

Thất thị viễn nhi”

 

Nghĩa:

“ Cây đường lệ đơm hoa,

Dường như nó cảm động mà cho hoa nghiêng và lay động theo chiều gió;

Tôi (vốn có tình cảm) há chẳng nhớ tưởng người sao?

Ngặt nỗi ở xa mà không tới đó thôi!”

 

Khổng Tử đã phê: “Vị chi tư dã. Phù hà viên chi hữu” (Như vậy là chưa thật nhớ tưởng đó, chứ nếu thật nhớ tưởng thì có quản ngại gì nỗi đường xa).

(Luận ngữ. Quyển 5, chương thứ 9: Tử Hãn - bản dịch của Đoàn Trung Còn).

 

Lại chuyện “Mất cung” trong “Thuyết uyển”:

“Sở Cung Vương trên đường đi săn đánh mất cung. Các quan theo hầu vội vàng đổ xô nhau đi tìm để mong có dịp tâng công. Sở Cung Vương bảo:” Thôi tìm làm gì! Người nước Sở đánh mất cung, người nước Sở lại bắt được cung, nào có thiệt gì đâu!”

 

Biết chuyện Khổng Tử đã than: “Đáng tiếc cho cái chí của vua nước Sở không làm to hơn được nữa! Hà tất phải nói: “Người nước Sở…!” Giá nói: “Người đánh mất cung, lại người bắt được cung… thì chẳng hơn ư!”…

 

Trước chúng ta 2500 năm có lẻ (551 TCN – 479 TCN), nhưng quan niệm về đức nhân của Khổng Tử vẫn còn nguyên tính thời sự. Không bị trói buộc bởi những định kiến của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, chữ nhân của Khổng Tử là chữ nhân hướng tới chủ nghĩa nhân đạo mang tinh thần nhân loại cao cả. Chỉ riêng điều đó thôi - với chúng ta – ông đã là bậc chí thánh (đáng tiếc là cho đến hôm nay vẫn còn có người cho rằng: đó là chủ nghĩa nhân đạo chung chung, cần được phê phán!)

 

…Thời Xuân thu Chiến quốc là thời đất nước Trung Quốc thuộc quyền phân vùng cát cứ của các chư hầu. Chiến tranh liên miên giữa các nước, kiểu cá lớn nuốt cá bé, hòng thôn tính lẫn nhau để tranh dành ngôi bá chủ! Vua tôi, cha con, anh em, vợ chồng, bè bạn có thể sẵn sàng giết nhau vì những thủ đoạn chính trị bẩn thỉu(!) Trước khi chết, Khổng Tử đã phải thốt lên với học trò mình là Tử Cống: “Thiên hạ không có đạo đã lâu rồi, không ai biết theo ta…”, rồi khóc mà hát rằng: “Núi Thái Sơn sắp đổ, cột trụ nhà sắp gãy, kẻ triết nhân sắp tàn…”

 

Ai đó đã nói: “Vai trò hướng đạo của người trí thức có quan hệ đến sự thịnh suy hay hưng vong của vận mệnh đất nước”. Quả đúng vậy thay!./.

 

 

Phùng Thành Chủng
Số lần đọc: 4067
Ngày đăng: 10.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vài Ý Nghĩ Nhân Hội Thảo Về Tố Hữu - Lại Nguyên Ân
Những Đám Mây Màu Lúa Chín - Khuất Đẩu
Cà Phê Mùa Thu - Nguyễn Thị Hậu
Còn Nợ Một thời - Nguyễn Ước
Ý Thức Và Nỗi Bơ Vơ Của Bầy Ngựa Hoang - Trần Hoài Thư
Những Kỷ Niệm Về Một Thời Ý Thức - Lữ Quỳnh
Ngày Ấy… Bây Giờ - Kim Quy
Viết Về Những người bạn (Ý Thức) - Phạm Văn Nhàn
Một Thời Với Ý Thức - Nguyễn Lệ Uyên
Gió Mai, Những Ngày Hoang Dại - Lữ Kiều
Cùng một tác giả
Nhà thiện xạ! (truyện ngắn)
Bán Khoán. (truyện ngắn)
Bà Tôi (truyện ngắn)
Lan Man Chuyện (tạp văn)
Đi Tìm Vua Lê (truyện ngắn)
Người Khôn Ngoan (truyện ngắn)