Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.211.050
 
Bác Ba Phi, sự thật và huyền thoại
Đặng Huỳnh Lộc

1.

 

Ngày nay, nói đến chuyện kể bác Ba Phi hầu như người dân cả nước đều biết đó là những câu chuyện cười sảng khoái có một không hai về thiên nhiên rừng U Minh hoang dã. Nhưng ít người biết bác Ba Phi có một cuộc đời phiêu bạc.

 

 

Di ảnh bác Ba Phi

Từ Cà Mau tôi theo con đường về hướng rừng U Minh, qua Giồng Kè vượt dòng sông Ông Đốc, một con sông nằm vắt ngang ven rừng U Minh chảy từ Đông sang Tây ngày ngày chỡ mặt trời, mặt trăng đi qua và là nhân chứng của hàng triệu cuộc chia tay năm 1954 khi tiễn con em miền Nam tập kết ra Bắc. Vượt qua sông Ông Đốc chúng tôi đi về phía biển Tây để đến xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời tìm Kênh Ba Phi, ấp Đường Ranh thăm xứ sở bác Ba Phi.

Ngày nay, trong trí nhớ từ người già đến lớp trẻ còn thuộc nằm lòng hàng trăm chuyện cười bác Ba Phi kể về thiên nhiên trù phú U Minh. Nhưng thú vị nhất là những câu chuyện kể về bác Ba Phi đầy dí dỏm.

Bác Ba Phi là người có thật, tên Nguyễn Long Phi. Ông có đến... 3 người vợ. Có người nói bác Ba Phi sinh năm 1890 trong một gia đình nông dân ở Đồng Tháp Mười. Nhưng theo bà Nguyễn Thị Thuận, con gái út của người vợ hai bác Ba Phi, thì ông sinh năm 1884 tại Cà Mau thuộc vùng Cái Rắn, huyện Cái Nước, trong một gia đình họ tộc dưới thời chúa Nguyễn. Ông là người con lớn nhất trong một gia đình có năm anh em. Thuở thiếu thời người ta gọi ông là Hai Phi, gọi bác Ba Phi là gọi theo thứ người vợ cả từ tập quán với người ở rễ gọi theo thứ của vợ.

Ông Nguyễn Văn Huyện, con người em thứ sáu của bác Ba Phi, kể: “Năm bác Hai tôi (tức Ba Phi) lên mười tuổi, cả gia đình đã phải bồng chống xuống tận Kinh Ngang (nay là kênh Ba Phi, thuộc xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời) để tránh sự truy đuổi của quan, quân chúa Nguyễn.

Thuở ấy, rừng U Minh nê địa với bao chim muông, rắn độc, thú dữ. Ông Hai Phi lớn lên trong cuộc “khai sơn phá thạch” thực sự giữa rừng U Minh hoang vu. Năm 15 tuổi, ba của Hai Phi lâm bệnh qua đời. Hai Phi phải gánh vác mọi việc. Năm 17 tuổi, ông trở thành chàng trai sức vóc, mỗi ngày phát xong một công rưỡi đất cỏ, tầm ba mét tức khoảng 1.900m2, trong khi trang lứa khoẻ mạnh cũng chỉ phát nổi một công. Lao động cực nhọc suốt ngày nhưng Hai Phi say mê đờn ca tài tử và rất giỏi đờn cò. Nhưng rồi, năm 18 tuổi Hai Phi bị Pháp bắt đi phu và sau đó trở thành lính lê dương bị đưa sang Pháp. Sau ba năm lính, Hai Phi lưu lại “mẫu quốc” thêm bốn năm, sau đó cùng hai lính Pháp lê dương cùng bỏ ngũ trốn sang Xiêm (Thái Lan) và cuối cùng tìm đường về giữa rừng U Minh hoang dã ẩn náo. Tại đây, Hai Phi quen thân với Sáu Lớn, một tù Côn Đảo vượt ngục. Những ngày ẩn náo giữa rừng U Minh, Hai Phi kết bạn với Tư Ứng, con trai ông Trần Văn Tế, một vị quan chức Hội tề nên còn gọi là Hương quản Tế giàu có nổi tiếng nhất vùng.

Thấy Hai Phi khoẻ mạnh, thật thà, Hương quản Tế nhận Hai Phi làm công, trông coi ruộng đất. Khi có Hai Phi, uy thế gia đìnhh Hương quản Tế càng được nâng cao, bọn lính làng và cả đám cò Tây không dám léo hánh hăm he khó dễ, cướp bóc. Có công ăn, việc làm Hai Phi có điều kiện giúp người tù vượt ngục Sáu Lớn và hai người bạn Pháp. Ông Hương Quảng Tế thấy Hai Phi chịu khó, siêng năng, có nghĩa khí ông quyết định gã Trần Thị Lữ con gái thứ ba cho Hai Phi, ông trở thành anh vợ Tư Ứng. Từ đó cái tên Hai Phi không còn nữa, người ta gọi ông theo thứ của vợ, tức Ba Phi! Và, cũng từ đó hai cái tên Ba Phi, Tư Ứng thường được gọi gắn liền với sự kiêng nể của giới anh chị.

 

 

 

Mộ bác Ba Phi nằm giữa hai bà vợ

Mặc dù Ba Phi được Hương quản Tế hứa gã con gái, nhưng Ba Phi vẫn không được cưới bà Ba Lữ, mà phải ở rễ thêm ba năm trong khi chưa biết mặt vợ. Lúc đó bà Ba Lữ còn đang ở miệt điền Thứ Vãi, nay thuộc huyện Phú Tân, Cà Mau. Bà Ba Lữ không được xinh đẹp, vì vậy mà Hương quản Tế đã chia cho con rễ Ba Phi hàng ngàn công đất để bù đấp. Bác Ba Phi trở thành tiểu điền chủ của xứ U Minh.

Có được điền đất riêng, vợ chồng Ba Phi chăm lo xây dựng cơ nghiệp. Ông huy động hàng ngàn lượt “dân công” tá điền đào một con kinh giữa ruột rừng U Minh chạy thẳng ra biển Tây để vận chuyển sản vật U Minh bán cho tàu buôn Pháp đậu trong Vịnh Thái Lan. Sau đó bác Ba Phi cho tá điền trồng tràm dọc theo hai bên bờ kinh, từ đó kinh Lung Tràm thành tên.

Bác Ba Phi sống với bà Ba Lữ gần 5 năm nhưng không có con. Nhiều đêm buồn ông ngồi một mình hút thuốc kéo đờn cò đến khuya. Cám cảnh nổi buồn của chồng, một hôm bà Lữ mở lời cưới vợ hai cho ông. Người vợ hai đó chính là bà Huỳnh Thị Cham, còn gọi là Cà Cham, người con gái dân tộc Khơme Nam Bộ người đang ở đợ trong gia đình bà Lữ. Bà Cà Cham sống với bác Ba Phi sinh được ba mặt con thì qua đời. Lúc đó bà Cà Cham vừa tròn 24 tuổi. Cũng trong thời gian này bác Ba Phi thường thay ông Hương quản Tế chỡ cá lên chợ Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang để bán. Con gái ông chủ vựa cá ở Mỹ Tho đem lòng thương yêu Ba Phi và mang thai. Khi biết người vợ thứ ba có thai, Ba Phi đem bà về kinh Lung Tràm sống với ông. Sau khi sinh cho ông đứa con trai Nguyễn Tứ Hải thì bà bỏ về Mỹ Tho. Ông Hải đã qua đời năm 1962, cách nay 48 năm. Hiện vợ ông Hải là bà Nguyễn Thị Anh đang trông coi đất đai và mồ mã bác Ba Phi.

Năm 1942, trước Cách mạng tháng Tám thành công bác Ba Phi đã hiến hàng ngàn công ruộng cho cách mạng để cấp cho dân nghèo. Bác Ba Phi chỉ chừa chưa đến 50 công để ở và làm ruộng.

Bác Ba Phi qua đời vào ngày 3-11-1964, thọ 80 tuổi. Nhưng cái tên Nguyễn Long Phi (tức Ba Phi) vẫn còn là một dấu ấn in đậm không chỉ trên mảnh đất quê nhà vùng U Minh giàu truyền thống cách mạng mà tên tuổi ông còn lan rộng cả đồng bằng Nam bộ và cả nước. Ngôi mộ của ông hiện nằm giữa hai ngôi mộ của hai bà vợ Trần Thị Lữ và Huỳnh Thị Cham dưới bóng dừa tại đầu kinh Lung Tràm, ấp Đường Ranh, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.                     

Theo ông Mười Huyện, bác Ba Phi là người vui tính, không ưa xu nịnh, sẵn sàng cưu mang những người thân cô, thế cô. Từ nhỏ, bác Ba Phi rất thông minh. Sau nầy những câu chuyện bác Ba Phi kể ra làm cho người nghe cũng cười ha hả dù biết là “chuyện dóc”.

Vào những năm 60 của thế kỷ hai mươi, chuyện kể bác Ba Phi xuất hiện lý thú gây sự chú ý nhiều người, dần dà cuốn hút mọi người từ người dân quê đến chị em giao liên, chiến sĩ bộ đội. Bác không chỉ nổi danh qua từng câu chuyện kể in đậm cá tính của người và đất Cà Mau, mà còn là sáng tạo độc đáo qua từng câu chuyện kể.

Về U Minh nghe kể chuyện bác Ba Phi tôi như thấy ẩn hiện một bác Ba Phi trước mặt với tấm lưng trần, đầu quấn khăn rằn, một tay đang đặt cây mác vót xuống bắp vế, trên môi còn “bập bập” điếu thuốc gò vấn bằng giất nhựt trình bự bộn.

 

Nhà báo, nghệ sĩ Nguyễn Hải Tùng, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Minh Hải, nay là hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu nói với tôi: Bác Ba Phi có tới hàng trăm chuyện cười hấp dẫn kể về thiên nhiên trù phú rừng U Minh một cách cường điệu tột độ nhưng lại lôi cuốn người nghe cười ra nước mắt. Ông là một nghệ sĩ dân gian thực thụ vừa sáng tạo tác phẩm vừa biểu diễn. Điều lạ và hiếm là ông chỉ biểu diễn một mình với bất cứ chỗ nào, miễn có người nghe, dù đó là “đám bầy trẻ” hay chú bộ đội ghé qua nhà.

 

Không ít người xem “chuyện Ba Phi” là những câu chuyện... nói dóc. Thậm chí trong một vài vỡ hài kịch, nhân vật Ba Phi là một “ông lão” nhỏ choắt, ăn nói ác mồm ác miệng... Theo trí nhớ của nhiều người dân địa phương bác Ba Phi là một lão nông phương phi, thường kể những câu chuyện về thiên nhiên phú trù của rừng U Minh cộng với niềm tự hào được nhân lên trong mỗi câu chuyện...

Bà Út Thuận, con gái út của bác Ba Phi nói: “Tía như thuộc lòng từng sản vật rừng U Minh nên bao giờ ông cũng có sẵn trong bụng một kho chuyện tưởng tượng để kể. Lâu lâu, không có ai đến nghe “nói dóc” là Tía tôi không chịu nổi. Vậy là kêu má tôi mần gà, mua rượu mời mấy ông bạn già lối xóm đến ngồi nghe Tía tôi... nói dóc”.

Ông Nguyễn Văn Búp, con người em trai thứ sáu của bác Ba Phi, kể: “Điều ngộ nghĩnh là khi “nói dóc” bác Hai tôi bao giờ cũng mong người nghe nghĩ là bác đang nói... dóc. Mỗi khi kết thúc câu chuyện, người nghe cười lộn ruột, vợ con Bác cũng cười nghiêng ngã như ngầm xác nhận chuyện Bác kể là nói... dóc, bác Hai tôi cũng cười xòa thừa nhận: “Tao đang nói dóc đó đa, đứa nào tin ráng chịu!”.

“Nhưng thúng không úp được voi. Bác Hai tôi nói dóc có lúc cũng bị... kẹt” – uống xong ly rượu, ông Út Búp kể. Một hôm, bác Hai đi rừng với bác gái về, gặp thằng Văn, bác kể ngay: “Hồi nãy tao với Bác gái mầy đi vô rừng gặp con rắn hổ mây lớn hết biết”. Thằng Văn hỏi: “Lớn cỡ nào Bác Ba?”. Bác Ba trả lời: “bề ngang nó cả chục sải”. Bác gái thấy Bác Ba nói quá trớn ngắt Bác mấy cái để ổng kềm bớt lại. Văn hỏi tiếp: “Vậy nó dài cỡ nào Bác Ba?”. Biết hớ, Bác Ba đối phó ngay: “Tại Bác gái mầy ngắt hết mấy khúc rồi chứ không thì nó dài mấy trăm sải!”. Thế là tiếng cười nổ ra.

Cũng ông Út Búp kể: “Bữa đó tao câu dính một con cá sấu, nó lôi xuồng tao từ Cái Đôi Vàm ra tới Vàm Đình rồi không hiểu sao nó quay đầu lôi xuồng tao về lại chỗ nầy... (tức Lung Tràm-PV). Người nghe không nén được cười, hỏi lại: Thưa Bác! Cháu nhớ hồi đó ở Nhà Cũ có một cái đập?...- Ừ... thì...thì... con sấu nó kéo tuốt xuồng tao qua đập luôn...!. Hổng tin hỏi bả coi!”. Bác Ba Phi luôn có những cách giải nguy khá đặc biệt, rất Ba Phi như vậy.

 

Ai từng đặt chân đến rừng U Minh có vào giữa rừng tràm leo lên các “vồ dớn” trong mùa nước nổi nghe rắn hổ mang ngoạo nguậy dưới chân. Mùa khô, vào rừng đến các trảng trống nghe cá lóc ký “rùn rùn” dưới lớp lá dớn, tận mắt thấy những đóng xương cá rũ chất chồng mới thấy chuyện bác Ba Phi có lý và đó là những câu chuyện có thật. Đến U Minh mùa mưa, chân rừng nổi nước, nhìn những đám hẹ đồng xanh lặc lìa lắc lay dưới đáy nước mới hiểu hết câu chuyện “Lúa trổ ngầm” dưới nước chuyển mình nghe rào rào. Đến U Minh có thấy cá rô “mề” hai con một ký, cá “sặc bản” lớn bằng bàn tay, cá lóc “kếnh” da đen cháy, mọc râu mới hiểu hết những câu chuyện “cá lóc ăn dừa khô béo ngậy”, “cá sặc ăn cao tầm vung chát ngấm” của bác Ba Phi. Có ăn cơm nếp Gò Hương giống rặc, hột suông óng, mỗi công tới ba mươi giạ mới hiểu hết câu chuyện “ dề nếp dẻo” bác Ba xới cơm văng lên dính trên xiên nhà, chó săn chiến nhào lên táp treo lủng lẳng, bác Ba nắm chân chó kéo xuống. Răng chó dính chặt trong dề cơm nếp dẻo làm cho con chó... bị đứt đầu.

 

Rừng U Minh thơm ngát hương tràm, ong mật kéo về từng bầy mới có thể có câu chuyện bác Ba ngủ trưa nằm gát chân tréo nguẩy, ong mật thấy chân bác Ba tưởng kèo ông nên làm tổ. Nhân vật trong chuyện bác Ba Phi là ong, khỉ, cúm núm, ếch, trăn, chim giang sen, chàng bè, diệc mốc... bay rần rần, đen trời đen đất. Nhiều đến nỗi chỉ việc cầm roi tre quất là rơi lộp độp, nằm sắp lớp và Bác phải mướn cả trăm ghe chài chở đi bán, mua lại được 999 thiên giạ nếp Nàng Hương... (chuyện “Bắt chim sen”).

 

Bà Út Thuận, con gái út bác Ba Phi kể, một lần kể chuyện “nói dóc” về chim, cá U Minh cho đám bầy trẻ trong xóm nghe, Tía tôi nói: “Tao đã từng đi Đông, đi Tây nhưng hổng thấy nơi nào bằng xứ mình... coi âm u, lầy lội, nước độc, rừng thiên vậy đó mà thằng Tây, thằng Nhật thất trận về bên nó còn tiếc xứ nầy”.

 

Bác Ba Phi không nói dóc. Nhân vật trong câu chuyện có lý lịch, cá tính riêng biệt rất... nông dân và sự việc trong câu chuyện của bác Ba Phi có địa chỉ rõ ràng đó là Lung Tràm. 

 

Sản vật rừng U Minh trù phú cả về số lượng, chủng loại, lớn về kích cỡ đã tạo thành một thế giới riêng, một mô típ riêng với những câu chuyện kể về lúa, cá, rùa, heo rừng.... và hợp thành thế giới sản vật U Minh trong chuyện Ba Phi. Ngoài những câu chuyện về thiên nhiên trù phú, chuyện Ba Phi còn là chuyện khẩn đất, làm ruộng, đi rừng săn... hòa vào hệ thống hình ảnh, mô típ chung của văn học dân gian Nam Bộ.

 

Theo nhà văn Phan Trung Nghĩa, Trưởng phòng Phóng viên Báo Bạc Liêu, chuyện Ba Phi thì hay lắm, không chê được. Nhưng phải nói, những ghi chép chuyện Ba Phi đều không đạt được cái hồn, cái duyên, cái thần của chuyện Ba Phi. Tôi nghĩ đó là do hạn chế của văn học viết. Bởi vì, khi kể chuyện, người ta có thể miêu tả, bổ sung, hỗ trợ bằng những động tác cái cười, tiếng nói, giọng nói điệu bộ mà những từ ngữ văn chương viết ra bằng giấy trắng mực đen không bao giờ có thể diễn đạt được tất cả những sắc thái đó. Chuyện Bác Ba Phi là một kho tàng còn ẩn chứa nhiều bí mật, cần đào sâu, khám phá. Nhiều lúc tôi nghĩ, bác Ba Phi đáng được dựng tượng đài.

 

 

2.

 

Chuyện Ba Phi từ lâu đã trở nên quen thuộc không chỉ với người dân Cà Mau mà với cả Nam Bộ nói chung. Nhân vật trong chuyện kể của Bác Ba Phi là những hình ảnh quen thuộc chim muông, cọp dữ, cá sấu...  Thiên nhiên trong chuyện kể bác Ba Phi không chỉ có hoang dã, đáng sợ mà còn là sự trù phú, đáng yêu thể hiện lòng tự hào về thiên nhiên giàu có. Đó cũng là nét nổi bật của bức tranh thiên nhiên rừng U Minh. Đất U Minh đã từng nổi tiếng với những vườn chim, vườn cò... Nhiều câu chuyện bác Ba Phi kể về chim, cá nổi bật là số lượng và chủng loại phong phú với sự phóng đại “quá cỡ thợ mộc”.

Trong một cuộc trà dư tửu hậu, anh Toàn cán bộ Văn hóa xã Khánh Hải kể cho chúng tôi nghe mấy câu chuyện của bác Ba Phi có nhiều chi tiết thú vị.

 

“Ở ven rừng U Minh thuở trước, chim nhiều không kể xiết. Nhiều đến mức mỗi khi mang lúa giống ra vải mạ, chim bu lại nhiều như ong vỡ tổ, chỉ việc lấy roi tre quất là chúng rơi lộp độp nằm xấp lớp, phải mướn mấy trăm ghe chài chở đi bán, mua được 999 thiên giạ lúa Tét hành” (chuyện Bắt chim trời). “Vịt trời, le le thì không biết mấy ngàn con mà kể, trứng lượm đầy một xuồng be tám (chuyện Trứng vịt trời). Trong chuyện bác Ba Phi, tiếng chim được miêu tả như bản nhạc rừng hòa tấu vang rân đất U Minh với hàng ngàn chủng loại từ giang sen, gà đãy, lông ô, khoang cổ, tu hú... đến trích cồ, chàng bè, trao trảo... rần rần. Đó là những chuyện kể Chim trời, Tiếng chim, Chim và chuột, Quạ trong bụng trâu, Bắt Giang sen, Gài bẫy...

 

Trong chuyện bác Ba Phi, trên trời có chim bay rần rần thì dưới kinh cá quẫy ùn ụt. Cá lóc Lung Tràm táp gọn cả chiếc xuồng, cá đem làm nắm cả chục cái mái đầm (chuyện Cá Lung Tràm), cá kèo lội đặc như bánh canh (chuyện Bắt cá kèo), cá rô “ụt như cơm sôi”, con nào con nấy cầm nặng tay, da đen trạy, lớn bằng cái cái tĩn Nam Vang. Cá tra nuôi mới 6 tháng nặng ba, bốn ký, cả ngàn con thi nhau đào cái đìa rộng đến 2 thước, dài 7 - 8 tầm (chuyện Cái đìa ngầm).

 

Không phải ngẫu nhiêu mà trong dân gian lưu truyền câu “nhất phá sơn lâm nhì đâm hà bá”, “dữ như cọp vườn trầu, ác như sấu Vũng Gấm”. Thực tế ở rừng U Minh có nhiều thú dữ như cọp, sấu, hổ mang luôn là mối hiểm hoạ đối với người khẩn hoang. Truyện kể dân gian Nam Bộ có nhiều câu chuyện về đánh cọp, bà mụ đỡ đẻ cho cọp... Đối với vùng đất U Minh khai phá muộn màng nên dấu ấn về cọp hùm, cá sấu, hổ mang còn lại càng đậm nét.

 

Nhưng cọp trong chuyện bác Ba Phi luôn gần gũi với con người, như chuyện “bắt cọp rừng”, “cọp ăn chè”, hay rất thú vị là “Cọp xay lúa”: Hồi nẳm, cọp thường vô xóm chơi với người, cọp “liếm” Bà Tám, chơi với hai đứa con Tư Mít. Một hôm bác Ba Phi khiêng cối ra xay lúa, cọp nhảy phủ đầu, bác Ba né ngang, cọp bấu chân vào giằng xay, xay đến hết mười thiên giạ lúa, mỗi thiên một ngàn giạ...

 

Bác Ba Phi kể về cá sấu: Xứ này, trời nắng sấu lên nằm ở hai bên bờ sông cũng như cũi lụt (cây tràm ngã do trận bão lụt hồi năm Thìn năm 1928). Sấu lớn bằng mái đầm, câu cá sấu phải bằng dây mây dóc bện lại bự hơn bấp chân. Sấu mắc câu kéo thuyền chạy như bay qua cả... đập Cầu Dừa (chuyện Câu cá sấu). Hay như chuyện “Xuồng cá sấu”: Xứ này, cá sấu nhiều, nổi có bầy, bác Ba Phi muốn đi đâu thì cứ nhảy lên lưng sấu mà đi khỏi phải chống xuồng. Một hôm, bầy cá sấu chỡ bác Ba đi lạc ra tới chợ Cà Mau, nhơn tiện bác Ba kêu bán luôn cho chành chỉ chừa một con cỡi về. Bác còn nuôi một con cá sấu lớn, sáng cỡi sấu đi ruộng, ngồi uống trà, ca vọng cổ, chiều sấu lặn kiếm mồi... nhậu!

 

Chuyện bắt cọp, câu cá sấu trong chuyện bác Ba Phi là những hình ảnh tiêu biểu trong truyện dân gian Nam Bộ. Tuy nhiên, trong chuyện bác Ba Phi được phóng đại hơn và giàu chất hài nhưng cùng hướng về thiên nhiên khắc nghiệt của buổi đầu khai phá.

Chuyện bác Ba Phi còn là những sự việc quen thuộc. Trong chuyện “Gày bẫy chim”, con lươn da vàng đầu nhọn hoắc buộc chỉ ni-lông ở rún, gà đẩy mổ vào đầu làm con đau quá vọt luôn vô bụng con chim rồi dùi tuột ra sau lỗ đít. Tới phiên con giang sen rồi con chàng bè cũng y chang vậy... Đến đoạn cao trào, bác Ba Phi kể: “Tui cầm mỗi tay một cây ngáng buộc vào dây câu, la cho chim bay lên rồi lái từng cập xâu chim hô “ví, thả” (ví: sang phải, thả: sàn trái - cách điều khiển trâu cày - PV), chim bay sang phải rồi lái sang bên trái một mạch về nhà giao cho bả trói đem ra chợ sông Đốc bán”.

Hay trong truyện “Ếch đờn vọng cổ”, con ếch ăn con vịt đẻ “mập sà đít” mắc câu, “nó giãy đùng đùng, lúc lắc cái đầu, sáu sợi nhợ câu thẳng băng, hai tay nó bứt dây lia lịa bật ra tiếng kêu bổng trầm vô “sang” ra “hò” mùi quá, tôi ngứa miệng ca liền sáu câu vọng cổ”. Hay trong truyện “Con chó săn dũng cảm”, con chó bị heo rừng đánh vào sọ bể làm tư dược đắp cỏ thuốc hàn lấy dây buộc lại còn sũa trợ chiến cho lũ con, tiếng sũa nghe “cạch cạch...”. Những chi tiết từ những chuyện quen thuộc hàng ngày để gài vô những tình tiết lạ chim bay lôi theo người, ếch gãy đàn, chó bể đầu còn sũa... cạch cạch làm cho người nghe chấp nhận một cách thú vị.

Nhân vật trong chuyện kể bác Ba Phi phần lớn là rùa, rắn, chim chóc, cọp nai... của vùng U Minh. Mỗi “nhân vật” được bác Ba Phi kể lại đều có cá tính rất giống với tính cách của... lão nông dân bác Ba Phi cần cù, dũng cảm, rộng rải, hào phóng và hay cà rỡn. Như chuyện “Chim chuột ở U Minh”, khi bác Ba đem lúa giống ra vải mạ, chuột đứng sắp hàng, một tay chắp sau đít, một tay đưa ra hứng lúa giống mới đâm mộng mền mụp, chuột vừa ăn vừa vuốt râu. Đến chừng coi lại không có một hột giống nào rớt tới đất. Hay trong chuyện “Ếch đờn vọng cổ”, con ếch “bà” thấy mồi, đưa “tay” khỏa bèo xong cúi xuống hớp nước súc miệng sào sào, phun ra cái phèo rồi chồm tới bên con vịt, nhướng mắt táp cái bụp, nhai rau ráu. Những động tác của con ếch là hình ảnh người nông dân bắt gặp thường ngày được bác Ba “gắn” cho con ếch, toát ra tính cách hay cà rỡn của bác Ba Phi. Trong chuyện “Chiếc tàu rùa”, bác Ba Phi kể, hồi nẳm rừng Lung Tràm bị cháy, lửa rừng rực, khói mịt mù, rùa chạy trốn có hàng đàn. “Chúng chạy bằng ba chân, còn một chân trước đưa lên che mặt, con nào cũng chảy nước mắt nước mũi choàm ngoàm”... Sự lý thú trong chuyện bác Ba Phi là từ tính cách quen thuộc bất ngờ xuất hiện những chi tiết lạ bật ra tiếng cười.

 

Không giống Trạng Quỳnh, Xiểng Bột, Ba Giai Tứ Xuất... Ba Phi không chọc ghẹo, phê phán, đả kích ai cả. Ông tự sáng tác và tự biểu diễn những gì ông nghe, ông thấy quanh ông. Ba Phi luôn kể chuyện thật về thiên nhiên trù phú rừng U Minh. Ba Phi không hề nói dóc.

Cà Mau có quyền tự hào vì sản sinh ra một Bác Ba Phi không chỉ tài hoa mà còn độc đáo, một quái kiệt có một không hai nhưng chẳng kém gì những câu chuyện truyền kỳ, huyền thoại xưa kia về Trạng Lợn, về Ba Giai, Tứ Xuất...

Chuyện bác Ba Phi không để phê phán, đả kích ai, không ý đồ hiểm ác, không nhằm trào lộng mà kể để cười ha hả cho vui. Đó là những câu chuyện ước mơ cháy bổng về sự sung mãn, giàu có của rừng U Minh. Chỉ cần giăng hai giềng câu dọc be xuồng, móc mồi bằng... lá tràm là cá dính nẹo. Rải một mớ nếp thơm trên sân đã quyến rũ hàng triệu chim trời lao đến, gác tréo chân nằm ngủ trưa, ong kéo bầy đến đóng tổ vắt ra hàng chục lít mật... Đó là sản phẩm của một bộ óc tưởng tượng lạ lùng, độc nhất vô nhị. Theo bác Ba Phi, U Minh trù phú đến độ bác Ba “lỡ tay” lấy nạng giàn thun lấp hột mận bắn trúng mắt nai, hột mận liền nẩy mần mọc lên, trái chín đỏ ối ăn tanh rình. Nai ăn lúa, chỉ cần lấy cây trúc chẻ tư cậm xuống là lưỡi nai rụng hàng rổ. Cá lóc ăn toàn dừa khô, nấu cháo khỏi để nước cốt dừa mà vẫn béo ngậy. Cá sặc bổi ăn cau tầm vung thịt chát ngắt, nửa đêm đói bụng bắt một con gà mái đem đi cắt cổ... nhìn kỹ hóa ra là một con muỗi. U Minh có một thứ nếp dẻo đến nỗi văng lên mái nhà, con chó nhảy theo đớp, thế là bị đính luôn trên đó, treo lủng lẳng. Cái sọ cá trê làm ghe chở cả trăm giạ lúa. Con ếch khổng lồ ngoạm một con vịt Xiêm mà vẫn còn chê hôi lông, bèn nhổ ra, khoát tay chùi mép. Khi bị dính câu thì ếch gồng mình kéo sợi dây câu thẳng băng như dây đờn, ếch lấy “tay” gảy dây câu xuống “xang” vô “hò, xang, sự” mùi như sáu câu vọng cổ. Ven đăng đốt đồng, hàng hà sa số rùa theo đòn dài bò xuống ghe, chỉ cho rùa cái xuống ghe cũng đủ khẳm mẹp, rùa đực vì quá thương rùa cái, một tay bám vào be ghe, một tay quạt nước, ghe chạy ào ào như tàu binh, đến nổi mấy bà chèo xuồng phải la hoảng: Xuồng  khẳm! Tàu tốp máy!... và Bác Ba phải ôn tồn giải thích!: Bà con thông cảm! Tàu rùa! Tàu rùa!... Con chó săn đang có chữa, bị heo rừng đánh toét bụng, thế là một bầy chó con xổ ra, áp nhau hạ sát con heo rừng... Cái nòi chó săn của Bác nó hay như vậy đó... Trong mắt bác Ba Phi, sản vật U Minh mới là tuyệt đỉnh. Con rồng bị cắn đuôi đã phải xổ ra hàng nùi trứng mới mong thoát nạn, nhưng trứng rồng ăn xảm xì!

Bác Ba Phi có một nghệ thuật kể chuyện phi phàm mà chỉ có một bộ óc có sức tưởng tượng kiệt xuất mới sáng tạo được. Chuyện bác Ba Phi bao giờ cũng mở đầu với những kịch tính, chi tiết hết sức lạ lẩm và kết thúc câu chuyện bao giờ cũng hết sức bất ngờ khiến người nghe phải lăn ra cười. Biết là bác Ba Phi “nói dóc” nhưng vẫn muốn nghe, càng nghe càng khoái.

Nghe chuyện kể bác Ba Phi, “sướng” nhất là những chi tiết tỉ mỉ cuộc sống hàng ngày hết sức độc đáo và như... thật về cảnh và người vùng đất U Minh. Ai đã từng sống ở vùng U Minh đều nghe chuyện rắn hổ mây tát nước bắt cá, nhưng thật ra chẳng mấy ai đã từng nhìn thấy. Qua chuyện bác Ba Phi, người nghe như đang thấy rắn hổ tát... đìa: “Cái đuôi nó ngoéo vô đám mây dóc bự hơn buội tre gai, cái đầu nó ngoéo vô gốc tràm lụt, thân hình nó dẹp lép đu đưa. Sau một hồi đìa cạn, cá rô, cá trê đen thùi lùi quẩy đành đạch trên bùn”. Nghe xong, như tận mắt thấy rắn hổ mây tát đìa. Cá rô, cá trê quẩy đành đạch trên bùn thì ai ở U Minh cũng tận mắt nhìn thấy hàng ngày không tin sao được? Hay như chuyện “Chiếc tàu rùa”. Mỗi trận cháy rừng, rùa chạy trốn lửa ai cũng từng nhìn thấy, nên chuyện rùa xếp hàng nối nhau bò xuống ghe rồi kết thành bè đẩy ghe chạy như tàu. Kết câu chuyện là chuyện kêu tàu tốp máy cũng là chuyện hàng ngày xảy ra trên sông rạch U Minh. Bằng những chuyện có thật hàng ngày được bác Ba Phi kể lại với những tình tiết giả tạo mà nghe như... thật.

Tương tự, trong chuyện “Cọp xay lúa”. Xay lúa là công việc làm hàng ngày ai cũng biết. Khi bác Ba Phi kể: “Chờ cọp nhảy ra phủ đầu, tui hụp xuống, trịch ngang, hai bàn tay cọp bấu cứng vào cán giần xay, theo đà cọp đẩy giần xay kéo tới kéo lui, cối xay quay ào ào. Tui đứng một bên, cứ xúc lúa châm vô cối liền một hơi hết một thiên (1.000 giạ-PV)”. Dân miền Tây, thời nhà máy xay lúa chưa phổ biên, không ai không nhiều lần nhìn thấy thậm chí tự tay châm lúa vô cối xay, không tin sao được?

Từ chi tiết thật hàng ngày bác Ba Phi đã phóng đại lên, rồi gắn kết với những sự việc có thật mà mọi người thường ngày trải qua. Từ đó mà người nghe cảm thấy hết sức gần gũi và cảm thấy như có mình tham gia trong câu chuyện kể, thuyết phục người nghe chấp nhận những tình tiết phóng đại đang xảy ra trong quá trình diễn tiến của câu chuyện.

Chuyện bác Ba Phi kể: “Bữa đó tao đi, lỡ đường sa vô một đám đốt đồng, khói đặc kẹo, tao ngộp muốn chết, ráng chạy riết mà không qua khỏi. May thay tao gặp một cái cây, tao vội vàng leo lên, mong lên cao cho đỡ ngộp. Tao leo, tao leo, mà sao cái cây trơn quá... cuối cùng tao cũng lên được chảng ba, tao mừng quá, hả miệng thở cái khì. Vừa mở mắt ra thì trời ơi! Tao đang ngồi trong miệng của một con rắn hổ mây!... Nó cũng đang bị ngộp!

Khác với truyện dân gian của nước ta cười là để châm chọc, phê phán... Chuyện bác Ba Phi là tiếng cười vui, được phát ra từ tấm lòng chân thành, bằng sự bất ngờ được thể hiện trong từng mẫu chuyện. Thực tế thiên nhiên giàu có, hào phóng của rừng U Minh trù phú với những con người cần cù, dũng cảm, hào phóng của miền đất U Minh là cội nguồn sản sinh ra chuyện bác Ba Phi độc đáo. Chính thực tế tự nhiên của rừng U Minh lạ lùng “con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh” đã gắn bó cuộc đời bác Ba Phi với quê hương xứ sở với chất sống dồi dào và dữ dội của tự nhiên là cơ sở hình thành nên chuyện bác Ba Phi.

 

Mỗi chuyện bác Ba Phi đều có nét riêng không lẫn vào đâu. Là người ít chữ, nhưng trong chuyện kể đầy ắp âm thanh cuộc sống hàng ngày của người dân Nam bộ tác động cảm giác người nghe.

 

Nghe anh Chiến ở xã Khánh Hải kể chuyện bác Ba Phi tôi bỗng giật mình không biết ở đâu ra mà bác Ba Phi có nhiều từ ngữ đến như vậy? Kể chuyện chiến tranh, đạn nổ, pháo thụt hay chuyện đi săn rượt đuổi quật ngã con thú là những âm thanh “ầm ầm, ào ào, rốp rốp, ùng ình”. Tiếng cá quẩy thì “ùn ụt”, chim bay thì “rần rần”, gà nhà lai… cúm núm rừng thì gáy “cum cum, ò ó o… cúm”, ếch “súc miệng” thì phun sào sào, phèo phèo, ăn mồi thì bầm bập, nhai thì rau ráu, cọp xay lúa thì “ồ ồ”, tiếng la thì chói lói, ơi ới, bài hãi; cá giãy thì lõm bõm, tê tê; lửa cháy thì rào rạt, rớt thì cái tũm, chạy thì cái rẹt, bay thì cái rần, “lúa nở ngầm” thì nghe rào rào…

 

Nam Bộ có cách phát âm rất dễ nhận diện, gắn liền với tính cách như một nét đặc thù không thể lẫn với các phương ngữ khác. Trong chuyện kể, bác Ba Phi gọi con kênh là con kinh, “bệnh" nói là "bịnh", “thật" nói "thiệt", "bảo" nói "biểu"; "phó mặc" nói "phú mặc", "mất công" thành "mắc công"; "giật mình" sang "giựt mình". "nhất" sang "nhứt"…

 

Chuyện bác Ba Phi hình ảnh đầy ấn tượng. Ếch thấy mồi thì mắt nhấp nháy và vô vàn từ đặc tả như nhắm hít mắt, chim quần đảo mát trời, chuột đứng xơ rơ, đứng chực hờ… Khi bác Ba Phi “nói dóc” thì bả “bấm một cái đau điếng” và hàng loạt những âm thanh, hình ảnh kêu trời một tiếng, giãy tê tê, treo tòn ten, giậm nhẹp, ăn quýnh uáng, ăn sạch bách, bắt sạch nhách. Còn nhiều, rất nhiều những từ ngữ như thế trong chuyện bác Ba Phi.

 

Trong phương ngữ Nam bộ có từ “bậy” hàm nghĩa sai trái lại được bác Ba Phi “xài” theo kiểu khác. Khi ếch dính câu gảy dây câu nghe mùi quá, bác Ba Phi kể: “…tui liền ca bậy sáu câu vọng cổ”. Ai nói trật thì bác Ba Phi bảo: “Đừng nói tầm bậy”. Nhưng tới phiên bác Ba Phi thì lại nói: “…bắn bậy ba con chim”, “kiếm bậy vài con cá”. Làm ăn khó khăn thì bác Ba Phi nói “làm không đủ lủm”, nghèo thì bác nói “không có đồng xu cạo gió”. Quả là chuyện bác Ba Phi nghe thật sướng tai?

 

Thiên nhiên trong chuyện bác Ba Phi là sông nước, đồng rừng, miệt vườn rất riêng biệt không giống khung cảnh bất kỳ đâu. Đó là những xứ, lung, bàu, đìa, ao vũng, kinh rạch, nước xoi mội, con nước ròng, mùa nước rọt, khúc eo sông, tầm đất, lùm ráng, miệt đất, mé rừng, ruộng nương rẫy bái, hậu đất, bờ mương ống, đất trấp phập phều... Phương tiện đánh bắt tôm cá là rượng đáy, ghe cà don, ống trúm, lờ, búng, ống bọng, lọp, nom, chụp cá, bẫy cò ke, bẫy đạp, bẫy mỗ… Sản vật thì là cá bổi phệt, cá trê nộng, cá lóc kếnh, cá rô mề, nếp Cò Hương, lúa Nàng Phượt…

 

Mặc dù đi Đông, đi Tây nhưng  bác Ba Phi đã kể chuyện bằng giọng Nam Bộ chính gốc thoải mái, bình dân, chân chất, không cầu kỳ, gò bó, không khép mình vào những khôn vần làm cho người nghe như cảm nhận giọng nói của chính mình trong mỗi câu chuyện. Mỗi câu chuyện bác Ba Phi đều có địa danh U Minh, Rạch Lùm, Trùm Thuật, Bãi Ghe, Kinh Ngang, Lung Tràm, Khánh Bình, Đá Bạc… làm lay động lòng người gắn bó với miền đất này.

 

Thời gian trong chuyện bác Ba Phi cũng rất đặc biệt, đó là hồi xửa hồi xưa, năm nẳm, bữa  hổm, giác hừng đông, gà gáy hiệp ba, đi chừng hút tàn điếu thuốc, trời sáng thiệt mặt, gần xế bóng mặt trời…Xưng hô thì tui, bả, má sắp nhỏ, qua, chả, anh bạn già, già Hai Móm… rất có duyên.

 

Bác Ba Phi cũng sử dụng từ ngữ thông dụng rất riêng trong sinh hoạt của nông dân Nam Bộ như tán dóc, mắc điếm (bị gạt), chút đỉnh, túng tiền xài, mắc công, mê "mèo"… Bác Ba Phi “xài” từ chỉ tính chất cũng là những đặc tả rất… Nam bộ như mướt rượt, láng ngời, bóng lưỡng, suông óng, trọng bân... Rùa chạy trốn cháy rừng thì nước mắt, nước mũi chàm ngoàm, nằm thì ngay đơ, nhỏ thó… Với bác Ba Phi chim chuột U Minh nhiều vô kể, lúa giống vừa quăng ra là “không còn một hột để nhổ râu”. Hạn tới chó nằm lỳ hàng ba dòm trời le lưỡi, gà ấp trên ổ hót cổ thở hết ra hơi, trâu thèm nước đổ mồ hôi hột…Màu sắc trong chuyện bác Ba Phi cũng rất đặc biệt, nước văng trắng dã, trắng phau, trắng ớn, trắng xát, vàng hực, vàng lơ thơ, ngà ngà, đen thẩm, đen trạy, đen kịt, đen cuộn, đen thùi lùi…Trạng thái tâm lý trong chuyện bác Ba Phi cũng rất cá tính Nam Bộ, bộc trực, ngang tàng, buồn, giận, yêu, ghét rất rõ ràng.

 

 

Hàng vú sữa bác Ba Phi trồng thuở mở đất Lung Tràm

 

Dù là người ít chữ, nhưng chuyện bác Ba Phi nghe khá trau chuốt. Anh Tấn, Chánh Văn phòng UBND xã Khánh Hải kể tôi nghe chuyện “Mô đất biết đi” như sau: “Năm đó, nước Sông Đốc màu ngà ngà dâng lên, nước U Minh đen cuộn tràn xuống. Gió Nam thổi hù hù. Trên ruộng mà sóng bủa ba đào… nước U Minh đen thẫm như trà, chảy ngập tới đâu, thì cây cỏ èo ọt tới đó.... Hay trong chuyện “Lúa nở ngầm”: “Năm đó ruộng vừa cấy xong là trời chụp xuống lù bù suốt nửa tháng liền, mấy cánh đồng như Lung Tràm, Kinh Ngang nước lên mênh mông lai láng. Ban ngày gió nổi, sóng bổ có vòi. Đồng lúa mới cấy, ngập lút mất tăm. Trên mặt ruộng, chỉ còn số ít loại cây điên điển trổ bông vàng lơ thơ. Đêm đêm bày cúm núm phải đậu trên ngọn sậy mà gừ. Tiếng "cum cum", "cóc cóc" trải vẳng trên mặt nước đồng nghe mà nẫu ruột…”.

 

  

 

Kinh Lung Tràm ngày nay vẫn rợp bóng cò

 

Chuyện bác Ba Phi thường có so sánh dí dỏm, “pháo thụt ầm ầm như giã gạo chày ba, đạn pháo bay từng bầy chẳng khác nào le le về ăn đám mạ, trái kêu khè khè khẹt khẹt như tiếng vịt xiêm cồ gù…” Hình ảnh trong chuyện bác Ba Phi cũng rất hài hước. Anh Đoàn, cán bộ VHTT xã Khánh Hải kể chuyện “Ven rừng U Minh thuở trước”: “Tảng sáng, lũ Giang Sen, Gà Dãy, Khoang Cổ, Chàng Bè ra "tập thể dục" rần rần. Trích Cồ làm "thầy hô" nháy nháy cặp mắt… la tò le tét le. Vợ chồng nhà Quạ "dạ" rân, Vạc ăn đêm ngủ nướng giật mình, "nhảy mũi" hạt hạt; Cưỡng Bông lé mắt thổi kèn tây, chị em Tu Hú thấy hừng đông chạnh lòng nhớ quê, anh Chàng Nghịch dầm mưa nhảy mũi, bác Mỏ Nhác đau bụng rên tằng yết… Chàng bè rề rề theo đổ trống vịt xiêm, đẻ ra vịt con có cái mỏ giống Chàng Bè nhọn thon như mũi kéo”. Hay chuyện “Chim và chuột U Minh”: Mấy con chuột già không hứng được lúa để ăn, ngồi ngoài rìa đám mạ mặt mày buồn thiu. Chim nhiều đến nỗi, đuổi chim riết cả xóm khan cổ, bà con Lung Tràm không ai nói được ra tiếng, gặp nhau chỉ đứng chỉ trỏ, ra dấu! (Bắt chim trời ăn lúa). Chuyện “Ếch đờn vọng cổ”: Khi mắc câu, hai tay nó quày lia lịa làm sáu dây bật thành tiếng kêu bổng trầm tẳng tăng tùng tẳng, có chỗ vô sang nghe mùi làm tui ứng thanh ca bậy mấy câu vọng cổ…

 

Chuyện kể bác Ba Phi đầy chất khẩu ngữ tràn trề sức sống, là một sản phẩm tinh thần tiêu biểu của dân gian Nam Bộ. Những chuyện kể làm phong phú thêm cho kho tàng văn học dân gian, phản ánh một cách khá sinh động về thiên nhiên và con người ở địa đầu phương Nam tổ quốc. Chính những sắc thái độc đáo và đặc sắc của tiếng cười ở chuyện kể Ba Phi đã khiến tác phẩm và tên tuổi Bác Ba Phi vượt ra khỏi địa giới U Minh, lưu truyền cả một vùng rộng lớn Nam Bộ. Bác Ba Phi đã thực sự góp vào kho tàng chuyện cười cả nước những tiếng cười sảng khoái.

 

3

Cuối thế kỷ 17, lưu dân người Việt, người Hoa đã đến rừng U Minh cùng với cư dân bản địa khẩn hoang, đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt. Trước thiên nhiên hoang sơ, nhiều truyện dân gian Nam Bộ đã hình thành với những câu chuyện kể trong hành trang mang theo của lớp dân lưu cư từ quê cũ cộng với những nét rất riêng ở vùng đất mới. Nam bộ bắt đầu xuất hiện những câu chuyện của ông Ba Me, Bảy Lẹ, ông Bàng, ông Cheo ông Trùm Pho… với những chuyện cười, nói dóc cho vui. Tiêu biểu là chuyện ông Ó ở Bến Tre (Bùi Quang Nho ghi chép, xuất bản tại Sài Gòn năm 1913) và chuyện bác Ba Phi.

Nếu phía Bắc, miền Trung có truyện Trạng Quỳnh, Thủ Thiệm giỏi chữ nghĩa biện bác, ứng đối uyên thâm thì chuyện kể bác Ba Phi lại là lối nói nôm na của người nông dân Nam bộ được phóng đại li kỳ và kết thúc bằng tiếng cười sảng khoái. Bác Ba Phi đã dùng lối ngoa dụ, phóng đại ca ngợi rừng U Minh đầy muỗi, mòng nhưng cũng rất trù phú.

Tôi không biết mặt bác Ba Phi, nhưng nghe kể chuyện bác Ba Phi qua lưu truyền có thể hình dung ra ngay đó là một ông nông dân Nam Bộ với cá tính phóng khoáng, ngang tàng, tự tin và rất lạc quan.

Ngồi nghe anh Chiến (Phó chủ tịch UBND xã Khánh Hải), anh Tấn (Chánh văn phòng UBND xã), anh Đoàn (cán bộ Văn hoá Thông tin xã Khánh Hải) kể chuyện bác Ba Phi có thể nhận ra ngay lối ngoa dụ dân gian được bác Ba Phi kết hợp cảnh thật, việc thật, người thật với những câu chuyện thực thực, hư hư nói lên mơ ước thầm kín của những người mở đất muốn chinh phục thiên nhiên.

 

Tiếng cười lạc quan đã bật lên hầu hết chuyện bác Ba Phi. Mùa nước nổi, lúa thóc tưởng chừng sẽ “đi theo bà thuỷ”, ai nấy đều “chờ hạ con nước chum mà đi bắt cá, đặt lươn ăn qua ngày”, sống trong cảnh “nẫu ruột” ấy nhưng bác Ba Phi vẫn có thể bông đùa: Lúa đang nở ngầm dưới đáy nước. Lúa đang chuyển mình nở nghe rào rào. Những con chàng bè mò cá ăn, lớ quớ thế nào mà đút đầu vào giữa gốc bụi lúa, lúa nở ra, mắt kẹt đầu rồi cứ chổng cẳng mà chòi. Khoái quá, tui chống xuồng đi “nhổ” chàng bè. Làm một lát, tui trói nó đầy một xuồng be tám. Chống xuồng rút về xóm, tui cho bà con hay, biểu ruộng ai thì ra bắt chàng bè về ăn, rồi cắt tranh mò mẫm bó từng bụi lúa lại, kẻo nở quá, tới mùa nó lép hết” (chuyện Lúa nở ngầm). Câu chuyện cho thấy đất rừng Phương Nam vô cùng trù phú. Chim chóc thì sống lẫn lộn, lai giống với gia cầm: “Riết rồi cúm núm ngoài đồng, con trống nào chân cũng có mọc cựa, còn gà trống trong nhà thì cất tiếng gáy vang: "Ò, ó o… Cúm! Cúm…" (Ven rừng U Minh thuở trước). Chuột thì “đứng sắp hàng, nhỏ đứng trước, lớn đứng sau đều bân mặt đất. Chuột nhỏ thì đưa hai tay lên, chuột lớn thì một tay chắp sau đít một tay đưa ra hứng lúa. Có mấy con chuột già không hứng được lúa để ăn, ngồi vuốt râu, mặt mày buồn thiu". (Chim và chuột U Minh). Cá trê thì đầy lung, đến con nai chà lội qua kinh chỉ trong nháy mắt đã bị cá trê bu theo “rỉa sạch trọi thịt thà, xương xóc”, “làm cho con nai cứ trồi lui, trồi tới” như đang lội, “kéo nai lên thì được cả tạ cá trê, con nào con nấy to bằng cườm tay người lớn” (Cá trê Lung Tràm).

 

 

 

Cây ớt bên cạnh nhà bà Út Thuận cho thấy U Minh trù phú làm nên những câu chuyện bác Ba Phi.

Chuyện “Cá lóc Lung Tràm” nghe như “thấy” cả U Minh: Đang lúc “nhả khói phung mây” phì phèo, tôi bỗng nghe ở gần đâu đây có ổ ong mật đang sổ nực… Trời ơi! Ổ ong đang đóng ngay dưới bắp chân đây chớ hổng đâu xa… Tấm tàn ong lớn bằng cái nia vậy. Còn lại khúc mức, nó rớt xuống tấm vải mủ đụi đụi. Từng khối mật vàng óng bằng trái dừa khô nằm chất đống trên tấm vải mủ. Tui chặt cây khoanh thêm mấy tấm nữa làm bồn chứa… Tui nắn sáp thành một chiếc xuồng lớn chở độ vài chục thùng mật… Chiếc xuồng nặng quá con trâu phải bườn è ạch mà vẫn trèo lên bờ không nổi… Một con cá lóc trừng lên táp trụm lủm chiếc xuồng sáp chở đầy mật ong của tui rồi còn gì đâu!... Con cá lóc đang nhai nhai chiếc xuồng sáp một cách ngon lành dưới lung. Mật ong trào ra hai bên khoé miệng nó vàng óng cả một khúc nước Lung Tràm”.

Bác Ba Phi còn có cả một kho chuyện kể đặc sắc về chiến tranh chống Mỹ được lưu truyền.

Trong những năm chống Mỹ, rừng U Minh là trọng điểm giặc Mỹ chà xát. Nhưng người dân U Minh vẫn vui tươi bám trụ tăng gia sản xuất nuôi quân, đóng góp vũ khí cho bộ đội và che chở cách mạng… Chuyện bác Ba Phi kể: Bị thằng cảnh sát Xọn bắt vì “tội ba năm không đóng thuế đất, và không chịu làm khế ước cho nó”. Bác bèn nghĩ kế… Vậy là cả quận trưởng Rạch Ráng cũng bị lừa (chuyện “Nói dóc có sách”). Cái khí phách và sự thông minh của cư dân Nam Bộ coi thường cái “sức mạnh xâm lược”. Xe lội nước, máy bay trực thăng, tàu chiến… với bác Ba Phi đều là những món đồ vô dụng! Trong chuyện “Rùa U Minh” bác Ba Phi kể đã đạp chiếc xe tăng “văng bổng lên khỏi đọt nga, rớt trái giữa lung Bùn một cái rầm”. Chuyện “Chém trực thăng”: Cái đầu chiếc máy bay cán gáo bê qua, cái đuôi vừa quật lại, đang lúc sôi máu giận, tui vớt lái thêm một phảng nữa. Nghe “bụp” một tiếng, tức thì chiếc cán gáo rụng mất khúc đuôi, thét lên hù hụ, xịt khói đen ra đít. Nó tròng trành, tròng trành, rồi cắm đầu xuống Lung Tràm”. Bác Ba Phi có rất nhiều câu chuyện cười về chiến tranh như vậy. Qua những chuyện "nói dóc", bác Ba Phi coi cỗ máy chiến tranh hiện đại “chẳng ra cà ram” nào. Nhờ lạc quan mà người dân U Minh có được sức mạnh tinh thần bám trụ giữ đất suốt bao năm chiến tranh vô cùng ác liệt ngay trong lòng địch!

 

Chuyện kể bác Ba Phi đã trở thành một hiện tượng văn hoá đặc sắc với những sắc thái biểu hiện cái hài độc đáo. Hiện nay, trong những chuyện kể bác Ba Phi đang được lưu truyền sâu rộng khắp vùng Nam Bộ và lan dần ra cả nước có không ít mẫu chuyện của “con cháu bác Ba Phi” kể chuyện.

 

Có một đóng góp mà chính bác Ba Phi cũng không ngờ tới, đó là những câu chuyện “kể cho vui” đã lan ra các xóm, được giao liên kể lại trên các chặng đường dây, bộ đội kể cho nhau nghe trên các chặng đường hành quân, sau cơn sốt hay trước trận đánh.

 

Từ một người có thật, bác Ba Phi dần trở thành nhân vật huyền thoại, sản phẩm trí tưởng tượng của nhiều người. Từ đó, “con cháu bác Ba Phi” tha hồ thêu dệt những mẫu chuyện về Bác Ba Phi, sáng tạo thêm những câu chuyện theo cách kể chuyện của bác Ba Phi để kể cho nhau nghe.

 

Chuyện Ba Phi thành một “phương tiện” giải trí động viên nhau trước gian khó, hy sinh. Chú Sáu Động (Nhà văn Anh Động) ở Kiên Giang kể tôi nghe câu chuyện khá lý thú. Hồi kháng chiến chống Mỹ, trên tuyến đường 1C (đường vận tải từ biên giới Campuchia về Tây Nam Bộ - PV) đầy gian khổ. Một hôm, cả đoàn vận tải mệt nhọc và đói lả  tưởng không thể vượt qua con lung lầy. Chú hô lên: “Tới bờ bên kia, tôi kể chuyện Ba Phi cho nghe!”. Cả đoàn reo lên, vai vác nặng mà vẫn chạy một mạch...

 

Từ những năm 1960, “chuyện Ba Phi” bắt đầu lan rộng trong cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Tây Nam Bộ. Nhiều hình ảnh trong các câu chuyện bác Ba Phi trở thành câu nói cửa miệng của nhiều người như cá Ba Phi, nếp Ba Phi hay “nói dóc như... bác Ba Phi”.

 

Nhà văn Lê Đình Trường, Hội Văn học nghệ thuật Cà Mau, nói: “Có người may mắn được nghe bác Ba Phi kể chuyện, có người nghe qua lưu truyền rồi kể lại cho nhau. Mỗi lần được kể lại, người kể gia giảm thêm bớt cho hợp với hoàn cảnh, người nghe. Từ đó, chuyện Ba Phi ngày càng nhiều và đậm sắc dân gian”.

 

Hồi còn là phóng viên của báo Minh Hải (Cà Mau và Bạc Liêu ngày nay), có lần tôi ngồi trên một chuyến xe đò về huyện Thới Bình, ven rừng U Minh. Trên xe, những người đồng hành đã thay nhau “kể chuyện” bác Ba Phi bằng chính phương ngữ của vùng đất, giọng điệu Nam Bộ, ngay giữa thiên nhiên đặc trưng bìa rừng U Minh. Đây thật sự là một quá trình truyền khẩu của văn học dân gian. Một người kể chuyện “Muỗi U Minh chích bể bánh ô tô”: Hôm bữa cắt băng khánh thành con đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa chạy vô Miệt Thứ, mấy ông hổng vô coi? Chó lạ mùi xe hơi chạy theo rần rần cả bầy, sũa như sũa ma. Toàn chó săn Phú Quốc thứ dữ. Mấy ông tài xế có dám chạy chầm chầm cho đám chụp hình bấm bôi nào đâu. Mấy ổng sợ chó giỏi đánh hơi táp bể bình xăng. Chó tổ chức chạy tiếp sức từ Miệt Thứ Nhứt tới Thứ mấy không nhớ nữa, chỉ biết là chạy theo hết đường vào, tới nửa đường ra mới quen hơi tha cho. Chó đã tha rồi, xe quan khách vẫn nối đuôi chạy như xe chữa lửa trên thành phố. Biết sao hông? Rình rang sợ ông trời sụp tối, muỗi U Minh chích bể bánh xe, làm sao về Cà Mau”.

 

Một người kể tiếp: “Mấy chú hết dòm ngó cái túi bự của tui chưa? Toàn mùng không hà! Một chục Sa Đéc mười tám cái mùng, hổng tin mở ra coi? Trước khi đi, tui có hỏi thăm mấy bà thường đi U Minh nên tui thủ sẵn. Một chục cũng hổng đủ đâu, đừng ai mượn nghe. Theo như lời mấy bả kể lại, mỗi sáng sơ sẩy là mất một cái mùng. Biết sao hông? Khi gỡ tới cái dây mùng thứ tư thì mùng vỗ cánh bay lên trời. Nói cho ngay hổng phải mùng mà là muỗi lọt vô mùng, đồng lòng vỗ cánh bay lên. Cái mùng cứ vù vù như gắn máy Kole tư, biến mất tiêu”.

 

Lại một người khác tiếp lời: “Tui khỏi cần mượn! Cũng khỏi cần đem theo mùng. Mấy ông, mấy bà hổng biết chớ, muỗi U Minh nên thuốc dữ lắm. Ngay trân trại giam K1 Cái Tàu của ông Sáu Nhiệm chớ hổng đâu xa. Có bà lên thăm chồng mắc tội ăn cát đá con đường về Thới Bình bị giam về kể lại, muỗi nhiều tới mức - nói xin lỗi - hổng tè được. Mắc mấy thì mắc, cứ tụt quần xuống, nghe muỗi hù lại kéo lên liền. Lên xuống riết mõi tay, tức mình nín luôn mấy ngày. Cho tới khi về được sân nhà dưới Rạch Lùm, ngồi đại góc sân làm cái ồ, bể tành bành cái lu hứng nước mưa. Biết sao hông?  Bắn ra một cục to bằng cái hột vịt. Hết trơn bệnh sỏi thận”.

 

Ngày nay, nhiều chuyện kể mô phỏng bác Ba Phi. Theo đó, chuyện bác Ba Phi vẫn sống, vẫn tiếp tục sinh sôi nẩy nở. Một thời gian dài, báo Minh Hải có “Câu lạc bộ Bác Ba Phi”, với những câu chuyện do con cháu bác Ba Phi kể chuyện.

 

Khoảng năm 1982, một ngư dân ở Gành Hào (nay thuộc tỉnh Bạc Liêu) đánh lưới hàng khơi được một con rùa biển nặng khoảng 600kg tặng cho Lâm viên 19-5 (Cà Mau). Chưa đầy tháng sau rùa chết do môi trường sống chật hẹp. Tôi viết một chuyện kể… bác Ba Phi có tên “Rùa trợ lý”. Câu chuyện đại khái, rùa chết xuống Diêm Vương gặp bác Ba Phi đang gác cổng. Hai người nhận ra mặt nhau, nhưng nhìn kỷ lại bác Ba thấy cụ rùa lạ hoắc. Hỏi ra mới biết, trong đợt cháy rừng U Minh (đợt cháy lớn nhứt trong lịch sử cháy rừng U Minh hạ năm 1982), cụ rùa chạy trốn lửa ra Hòn Đá Bạc, gặp con con trai Long Vương kết bạn. Từ đó, cụ rùa làm trợ lý Long Vương không còn bươi quào cào quấu, mỗi ngày chỉ việc vỗ tay tán thưởng nên hai bàn tay dẹp lép.

 

Lúc đó, anh Chung Thanh Thủy đang là biên tập viên Đài Phát thanh – Truyền hình Minh Hải được rút về làm trợ lý cho Chủ tịch UBND tỉnh. Anh Khánh Hồng, Chánh văn phòng Ban tuyên giáo tỉnh ủy đem câu chuyện trên kể với anh Thủy (hiện là nhà biên kịch, đạo diễn truyền hình, Đài truyền hình Cà Mau) kèm theo câu nói: Huỳnh Lộc nó “chơi” ông đây! Báo hại anh Thủy xin thôi làm trợ lý, trở lại Đài PT-TH Cà Mau và giận tôi cả năm trời.

 

Theo thống kê, bác Ba Phi có 56 truyện cười. Trong đó, chủ yếu là thiên nhiên quanh bác Ba Phi ở vùng rừng U Minh. Những nếp dẻo, lúa nở ngầm, cây mận biết đi, cây bần biết chạy, voi nhổ mạ, cọp xay lúa, ếch đờn vọng cổ, ong đờn sáu câu... là sự “hôn phối” giữa con người với thiên nhiên. Xuyên suốt chuyện bác Ba Phi hầu hết là đề tài môi trường, một vấn đề sống còn của nhân loại hôm nay, chuyện Ba Phi đã tham gia tích cực vào cuộc sống hiện đại. Đây là một tài sản vô giá, mở ra phong cách truyện kể bác Ba Phi với những “bước tiến thân” do “con cháu bác Ba Phi kể chuyện” có những tác động nhất định trong đời sống xã hội.

 

Truyện “tiếu lâm” bắt đầu từ cội nguồn văn hóa sông Hồng góp mặt cho văn học dân gian, nhưng chính tại châu thổ Cửu Long mới thật sự có một rừng cười hồn nhiên đúng nghĩa của truyện “tiếu lâm”. Đó là chuyện cười bác Ba Phi./.

 

Lung Tràm, tháng 8-2010

Đặng Huỳnh Lộc
Số lần đọc: 7075
Ngày đăng: 11.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhật Ký Hai Ngày “Đại Lễ Nghìn Năm” - Hoàng Hưng
Mưa Thu Và Mưa Hạt Sồi - Mây Ngàn Phương
Ý Thức Và Tôi - Trần Duy Phiên
Tưởng Trong “Giây Phút” Mà Thành…“Thiên Thu” - Lê Ký Thương
Đồ Sơn trăn trở - Khải Nguyên
Hội Thảo Thân Thế Sự Nghiệp Linh Mục Léopold-Michel Cadière: Tại sao tôi không là một vị thánh? - Nguyễn Hữu An
Tiếp Nối Những Mùa Trăng Tuổi Thơ - Mang Viên Long
Sương gió qua đường: Hạt Lúa Trên Đèo Daknue - Nguyễn Hàng Tình
Đà Lạt, trải lòng với thiên nhiên ! - Phan Chính
Nhớ Chú Nguyễn Đình - Lâm Bích Thủy