Bằng sức sống mãnh liệt của dân tộc, với tâm hồn và ý sống của bước đường mở cõi phương Nam, dòng nhạc tài tử Nam Bộ theo dòng đời mà hình thành, tồi tại và phát triển mạnh vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Trên đà phát triển đó, năm 1919 tại Bạc Liêu, cố nhạc sư Cao Văn Lầu (thường gọi Sáu Lầu) đã sáng tác cho ra đời bản Dạ Cổ Hoài Lang gồm 20 câu, mỗi câu 2 nhịp, mang hơi nam và hơi oán. Bản này được giới nghệ sỹ đương thời chú trọng ưa thích và mau chóng đi vào lòng người. Đến năm 1927, tại Bạc Liêu, bản Dạ Cổ Hoài Lang được mở nhịp mỗi câu 4 nhịp và mang tên Vọng Cổ Hoài Lang. Đến năm 1940, bản Vọng Cổ Hoài Lang được mở nhịp 8 mỗi câu, mang tên là Vọng Cổ Bạc Liêu. Từ khoảng 1955, tại Sài Gòn, bản Vọng Cổ Bạc Liêu được tiếp tục mở nhịp 16, rồi nhịp 32. Khoảng năm 1964, có nơi mở nhịp 64. Và hiện nay thông dụng nhất là bản Vọng Cổ nhịp 32.
Qua khảo sát, nghiên cứu về căn gốc, về bước đường sáng tạo chỉnh lý thì phải nói bản Dạ Cổ Hoài Lang đã được giới nhạc sĩ, nghệ sĩ tài danh đầu tư rất nhiều công sức, vừa sử dụng, vừa nghiên cứu, phát huy đúng mức giai điệu độc đáo ban đầu, để rồi sáng tạo cho phong phú thêm. Điều đáng nói là, dù có sáng tạo, phát triển qua bao giai đoạn, nhưng người ta vẫn giữ được căn gốc, giữ được giai điệu, cái hồn của bản Dạ Cổ Hoài Lang buồn mang m1c, chất chứa niềm u uất, ai oán, thổn thức, nghe lòng vang nỗi buồn vạn kỷ.
Cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, sinh năm 1982 tại xã Thuận Mỹ, quận Bình Phước, Long An (thời Pháp thuộc Long An thuộc tỉnh Gia Định). Ông mất năm 1976. Qua nghiên cứu tài liệu và qua gặp gỡ trao đổi với ông Sáu Lầu lúc còn sanh tiền, thì qua giai điệu, âm hưởng của Bài Từ, bản dân ca do một nhà sư, thuộc đoàn người từ miền ngoài đi vào mở cõi phương nam. Đêm đêm thanh vắng, nhà sư ấy ngâm hò Bài Từ này. Dân gian trong vùng bắt theo. Ông Sáu Lầu cảm nhận được giai điệu Bài Từ đó, rồi chỉnh âm, sáng tác ra bản Dạ Cổ Hoài Lang.
Từ lồng bản gốc, các nghệ nhân dùng nghệ thuật diễn tấu bằng ngón nhấn, rung , vuốt, tại âm cống thường tấu Xể, tại dứt câu 9 và 23 âm Xự (hay Lịu) đưa Xang. Đặc biệt nhấn rung âm xang phải đúng điệu mới bộc lộ giai điệu truyền cảm của bản Vọng Cổ.
Ở bản Vọng Cổ, người ca phải hết sức luyện hơi, luyện giọng để xuống âm Hò (tức Vọng cổ đầu) và âm Hò cuối lái bắt buộc.
Ca vọng cổ theo phong cách tài tử thì đờn vô trước 4 nhịp, rồi người ca vô sau.
Ca Vọng Cổ theo phong cách cải lương, người ca nói lối hoặc ca bài bản gối đầu, rồi vô vọng cổ Hò. Ngày trước cũng có vô vọng cổ Xang hoặc Xê, tùy câu, nay không thấy.
Để phù hợp thời lượng cho phép khi ca diễn ở tụ điểm văn nghệ hoặc trong tuồng cải lương, hoặc phát sóng trên đài truyền thông, thường chỉ dùng đôi ba câu, hoặc 4 câu (1-2-5-6) hoặc 5 câu (1-2-3-4-6 hay 5-6), hoặc 6 câu (1-2-3-4-5-6). Các bài ca vọng cổ lưu hành hiện nay cũng chỉ soạn số câu như vừa nêu. Từ thực tế này đã đưa đến sự ngộ nhận rằng bản Vọng Cổ 20 câu nay chỉ còn là 4 câu, 5 câu hay 6 câu. Thậm chí có người bảo bản Vọng Cổ 20 câu đã được cải tiến rút ngắn còn 6 câu. Ví như con voi ép nhỏ lại thành con chuột. Không hề có như vậy, bản Vọng Cổ 20 câu vẫn là 20 câu. Còn sử dụng số câu nào đó thực chất chỉ trích dùng từ 20 câu vọng cổ mà thôi. Soạn giả, tuỳ trạng huống, tâm trạng nhân vật ở vở cải lương mà chọn trích bất cứ số câu nào trong số 20 câu Vọng Cổ. Ngày xưa, khi bản Vọng Cổ ở nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16 thì có soạn bài ca đến 20 câu, thu vô đĩa đá hát máy.
Bản Vọng Cổ đã tạo cho người đờn , người ca nhiều điều kiện sáng tạo nghệ thuật rất phong phú. Nghệ thuật ngón nắn nót cung đàn, nghệ thuật sắp chữ đờn đã nở hoa nhiều nhạc sĩ thiên tài. Nhiều cách lên dây đờn như: dây Rạch Giá, dây Bạc Liêu, dây Sài Gòn, dây Hò đậy, dây Tố Loan, dây Tứ Nguyệt, dây Ngân Giang hạ,v.v…
Bản vọng cổ được tôn vinh là "bà hoàng cải lương". Một vở cải lương mà thiếu bài vọng cổ khó được chấp nhận.
Rất nhiều đào kép nổi tiếng trên sân khấu cải lương cũng nhờ từ bản vọng cổ. Ngoài chất giọng thiên phú còn cần phải khổ công luyện tập nghệ thuật phun hơi nhả chữ, nghệ thuật ngân giọng, nghệ thuật xếp chữ ca,v.v…
Những năm gần đây, một số nghệ sĩ nôn nóng muốn cải tiến, sáng tạo đổi mới bằng lối ca vọng cổ trăm chữ. Ở phần nói lối vô vọng cổ hò, hoặc ở phần cuối từ nhịp 24 đến dứt câu thì dùng lối ca như tụng kinh, lẹ như xe lửa chạy. Giọng ca khi vút cao, hạ thấp, lượn lách, kiểu cọ nhiều chặp để rồi dứt câu bị đứt hơi, hoặc hơi có hột. Người nghe cảm thấy như muốn đứng tim. Lối ca diễn mất căn, mất điệu, phi nghệ thuật như thế ban đầu thấy ngồ ngộ, người ta vỗ tay nhưng rồi dần dần bị chê trách, bị phê phán, bị tẩy chay.
Tóm lại, bằng tâm hồn nghệ sĩ thanh cao, bằng tim bằng óc bằng tài nghệ, bằng tar1ch nhiệm nghệ thuật cao, các nghệ nhân tiền bối và thế hệ tiếp theo, đã khai hoa nở nhụy bản Dạ Cổ Hoài Lang, rồi chắt chiu nâng niu phát huy sáng tạo, phát triển thành bản Vọng Cổ nhịp 32, cống hiến cho đời bản nhạc dân tộc hết sức độc đáo có giá trị nghệ thuật vượt thời gian.