Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.112
123.229.563
 
Bài Ký Núi Phấp Phỏng
Nguyễn Thanh Hiện

Ở cái làng quê cái gì cũng hạng bét, đất đai hạng bét, núi sông hạng bét, lại nổi lên một áng văn chương, bài ký núi Phấp Phỏng của ông Cử Doãn, kẻ thích tô hồng cuộc sống tất sẽ cho đó là văn chương hạng bét vì chỉ mang lại cho con người ta cảm tưởng chẳng bình yên.

 

Làng Cù. Đấy là tên của làng. Có người nói Cù là tên con vật thời hồng hoang, đương yên ngủ, bỗng trở mình quậy phá vùng đất này, Cù dậy. Có người nói Cù là ông Cù, ông tổ lập đất lập làng. Có người nói Cù là kiểu gọi nhân hóa một trận động đất nào đó đã từng xảy ra ở đây. Cái tên làng cắt nghĩa sao cũng được, nên cũng dễ xếp vào hạng bét. Nhưng đấy lại là nơi tôi hết mực yêu quí, bỡi là vì nơi chôn nhau cắt rốn của tôi.

 

Thì cũng có con sông chảy qua làng, sông Cạn, chứ không phải là không. Nhưng dường trời sinh ra con sông này là để cho cảnh trí phong phú, chứ không phải thực sự là sông. Có nghĩa, còn mưa thì sông còn nước, hết mưa thì sông hết nước. Cho nên, tiếng có sông chảy qua, nhưng ruộng đồng làng tôi phải ăn nước trời, mãi mãi mỗi năm một vụ, vì địa hình tự nhiên ở đây là không thể làm hồ chứa nước cho việc cày cấy.

 

Làng cũng có hai ngọn núi, nhỏ và thấp, nằm ở phía đông, tựa hồ lúc tạo núi sông thì trời để rơi vãi ở đây hai cụm đất đá. Đứng ở làng tôi mà nhìn thì thấy ngọn đứng trước cao hơn ngọn đứng sau. Nên người làng tôi gọi ngọn đứng trước là hòn Trồi, ngọn đứng sau là hòn Sụt. Nhưng đứng ở  phía bên kia núi mà nhìn, thì thấy ngược lại. Nên những người làng ở phía bên kia núi lại gọi hòn Sụt là hòn Trồi, và gọi hòn Trồi là hòn Sụt.

 

Phải nói vì yêu mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình, tôi đã tìm đọc nát hết các sách, cổ thư có, tân thư có. Và dĩ nhiên là cuối cùng chẳng thấy có sách nào nói đến đất đai sông núi làng quê tôi. Làm sao thế gian lại có đủ sách vở để chứa cả những thứ hạng bét như thế ! Cũng may, ở trong làng có ông cử Doãn, vị khoa bảng có ý muốn đi tìm nghĩa lý của cuộc đời ở ngay làng quê mình, đã soạn bài ký tả được một phần nào sông núi quê tôi. Bài ký chép bằng chữ Hán. Bản dịch sau đây là dịch theo sát nghĩa.

 

Hay những người đi trước muốn ký thác lòng mình cho núi chăng? Sao lại là chim nửa đêm? Sao lại là hoa lưu huyết? Ta nay nghe nhắc đến những thứ ấy thì cứ thấy nôn nao, tựa hồ như mình là kẻ trong cuộc. Lên năm ta đã thuộc được sự tích về chim và hoa của núi. Vào một sớm tinh mơ, muốn gần hụt hơi ta mới bước kịp cha ta. Phải lên núi cho kịp xem hoa lưu huyết nở. Sự tích nói hoa lưu huyết chỉ nở vào sớm tinh mơ, lúc nở thì xòe ra những cánh hoa màu máu, chỉ trong tức khắc, rồi tàn. Tất nhiên là sáng hôm ấy, khi lên đến đỉnh núi, cha ta chỉ cầm lấy trong tay những cánh hoa đã tàn để giảng cho ta nghe, rằng cũng chỉ nghe sự tích nói thế, chứ xưa nay chưa có ai trông thấy hoa lưu huyết nở. Ta hỏi cớ sao lại chẳng ai trông thấy? Cha ta bảo khi ta đã thành người lớn tất sẽ hiểu. Nửa khuya mà nghe chim nửa đêm kêu, thì sáng hôm sau tất có hoa lưu huyết nở. Sự tích cũng nói thế. Cho nên, nửa khua mà nghe chim nửa đêm kêu, thì sáng hôm sau thế nào cũng có người trong làng lên núi để xem hoa lưu huyết nở. Sở dĩ gọi là chim nửa đêm vì chưa ai biết mặt loài chim ấy, chỉ nghe tiếng kêu của chim vào khoảng giữa đêm, nên gọi là chim nửa đêm vậy thôi. Chờ ai đứt ruột. Đấy là cách dịch tiếng chim ra tiếng người. Mà quả là con chim nửa đêm kêu nghe buồn thật. Sao nửa khuya nghe chim nửa đêm kêu thì sáng hôm sau có hoa lưu huyết nở? Ta thì không nhìn thấy mối liên quan nhân quả giữa hai thứ ấy, mà cảm thấy dường như đấy chỉ là hai cách diễn tả về mỗi một sự vật mà thôi. Nhưng bạn ta là ông nghè Lê lại trưng ra sự tích. Phía bên kia núi là cõi chết. Mỗi lần cái đất nước ở bên kia xua quân sang thì đám đàn ông con trai bên này núi lại bị bắt đi. Đã bị bắt đi là không có ngày về. Nhưng những người ở lại thì vẫn lên núi trông chờ trong nỗi phấp phỏng. Lịch sử như là sự nối tiếp của các cuộc xâm lấn và các cuộc phấp phỏng trông chờ. Có người con gái lên núi chờ người yêu của mình suốt bao nhiêu năm. Cho đến đêm đó thì đứt ruột chết. Máu nàng thấm vào đất, mọc lên cây hoa lưu huyết. Còn hồn nàng thì hóa làm chim nửa đêm. Ông nghè Lê dừng ở đó. Ta hỏi sao lại kể thiếu đi cái câu kết, rằng sau đó thì hòn Trồi hòn Sụt còn được gọi là núi Phấp Phỏng. Bạn ta chỉ cười. Ta bảo cách cắt nghĩa đó của người đời thì cũng cũ như chim nửa đêm với hoa lưu huyết. Bạn ta nói cuộc phiêu lưu lớn nhất của con người là muốn cắt nghĩa lại quá khứ, bỡi con người là luôn mong mỏi cái khác với cái hiện là, luôn mong mỏi được cập vào một bờ khác.

 

Ta đi chơi núi Trồi núi Sụt vào một ngày mùa thu. Chọn đi vào một ngày mùa thu là có ý để cho sự hứng thú của mình có chút hơi hướng của tàn rữa. Thì chẳng phải núi đã mang sẵn trong mình thứ sử thi tàn rữa hay sao? Đừng sợ. Kẻ nào không nhận ra sự tàn rữa thì kẻ ấy khó giữ được sự sống cho mình. Biết là chẳng thể trông thấy hoa lưu huyết nở, song ta vẫn cứ nghe bồn chồn lo lắng trong lòng. Thì đang leo lên cái phấp phỏng, làm sao không phấp phỏng? Khi lên tới đỉnh hòn Trồi, ta quên khuấy chuyện xem hoa lưu huyết nở, vì mắc đuổi theo chuyện cái bờ bến khác là ở đâu. Bấy giờ thì mặt trời đã lên cao. Nơi đỉnh hòn Trồi có lắm loài hoa dại đang tàn. Nhưng bấy giờ thì ta chẳng chủ ý đến đám hoa tàn, vì đang dõi mắt coi thử bên dưới bầu trời mùa thu có thứ hơi hướng tàn rữa ấy, nơi đâu là cái bờ khác ấy? Và ta như vẫn còn y nguyên niềm phấp phỏng là có nhận ra chốn ấy không, khi đã sang đứng ở nơi đỉnh hòn Sụt để tiếp tục nhìn ngóng đất trời.

 

Bạn ta là ông nghè Lê hỏi ta đi chơi núi Trồi núi Sụt có nhìn thấy hoa lưu huyết không, có nhìn thấy loài chim nửa đêm không? Ta đáp là đã nhìn thấy y như trong lòng ta đã thấy. Bạn ta hỏi là thấy thế nào? Ta đáp là đã nhìn thấy một nỗi khao khát. Lại hỏi, khao khát thế nào? Ta đáp, khao khát như chim nửa đêm đã kêu thì phải kêu cho đến đứt ruột, như hoa lưu huyết đã nở thì phải thắm đỏ một màu máu. Lại hỏi, như thế có nghĩa là sao? Đáp, như thế thì gọi là ký thác.

 

Chép đến đây, đọc lại, chợt nghĩ đến lời người thầy cũ là chuyện lập ý trong văn chương cũng khó như chuyện lập quốc, nên ta chỉ biết thở dài.

 

Bấy giờ triều đình nhà Nguyễn ở Huế đã ký hòa ước Patenôtre, tức Việt Nam chính thức thuộc Pháp. Và vua Hàm Nghi đã ban hịch Cần Vương kêu gọi quốc dân chống sự đô hộ của  Pháp. Tôi thì trước sau vẫn nghĩ bài ký của ông Cử Doãn ẩn chứa niềm khao khát của nhân gian. Nhưng vua tôi triều đình Huế lại cho là văn chương chống đương triều, nên ông mới bị bắt giải về kinh. Người làng tôi bấy giờ ai cũng  phấp phỏng lo cho số phận của ông Doãn. Nhưng cuối cùng người ta cũng đem chém ông ở trên núi Phấp Phỏng./.

 

2008

 

Nguyễn Thanh Hiện
Số lần đọc: 1936
Ngày đăng: 11.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Biển có sóng - Trần Lệ Thường
Chia Tay - Vũ Lập Nhật
Gã cực sướng - Lê Trâm
Thằn Lằn - Phạm Vũ Thịnh
Chim Gõ Kiến - Khải Nguyên
Ông nông dân đi ra phố - Nguyễn Hiếu
Quán Khánh Giang - Hồ Thủy Giũ
Bản phố - Nguyễn Danh Bằng
Lá Cuối Mùa - Ngô Thị Ý Nhi
Những Giọt Nước - Kinh Dương Vương