LỜI THƠ PHÙ ẢO TRÊN BẠCH-VÂN-AM
Bạch Vân Am, căn nhà trên đỉnh mây trắng: nơi cư trú cũng chính là hình ảnh thể hiện triết lý. Nguyễn Bỉnh Khiêm thực thi triết lý bằng chính cuộc đời ẩn dật, và cuộc đời ấy phát tán những lời thơ phù ảo. Nguyễn Bỉnh Khiêm tỏ bày gần với triết lý Lão Trang qua những ý tưởng thoát vòng danh lợi, thấy trước cuộc biển dâu của lòng người và thời thế, đi tìm sự bình yên cho tâm hồn. Ấy là những phát biểu trực tiếp về triết lý đượm màu sắc Lão Trang. Ngoài ra có những lời triết lý gián tiếp, chưa phải những ý tưởng mà là hình ảnh ẩn dụ. Trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, ta thấy vãng lai những ẩn dụ tạo vật vô thường. Và còn những lời thơ cũng triết lý gián tiếp, nhưng ở bậc thứ ba: lưng chừng vừa trừu tượng vừa cụ thể.
Vì vậy, có thể nói thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm thể hiện những ý tưởng đồng điệu triết lý Lão Trang qua ba trình độ: giai đoạn trừu tựợng, giai đoạn cụ thể, giai đoạn trung gian giao thoa ý tưởng và hình ảnh. Đầu tiên, giai đoạn triết lý bằng triết lý, nghĩa là bằng ý tưởng trực tiếp đề cập đến danh lợi phù du, sự an nhàn, sự hòa hài nhân ái. Những ý tưởng trên hiện diện rất thường gặp trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, có lẽ không cần phải trích ra đây. Tiếp theo, giai đoạn trình bày triết lý bằng ẩn dụ, bằng ám chỉ; tức giai đoạn triết lý cụ thể. Ẩn dụ dòng sông luân lưu nói về lẽ biến dịch và chóng qua của tạo vật, đó không là điều gì mới, nhưng lời thơ phát xuất từ Bạch Vân Am đọc lên có âm hưởng như một sự đã đành; một sự an phận trước những điều không vĩnh cửu, trước những đẩy đưa tình cờ bèo giạt mây trôi:
Nước xuôi nước ngược sóng dâng triều
Thuyền khách chơi thu, nọ phải dìu…
Con người phải sống thích nghi với thiên nhiên, cần giao hòa làm bạn cùng muôn vật, phải chăng đây là ẩn dụ về ý tưởng hoà đồng Tiểu Ngã và Đại Ngã, muốn xóa bỏ biên cương giữa ta với người và vũ trụ. Hình ảnh con người biết ơn cỏ cây, không tàn phá môi trường; và con người thân mật với muông thú, không giết hại chúng khi không cần thiết; phải chăng là ý tưởng cộng-sinh để cùng tồn tại trên thế gian:
Le vịt cùng ta như có ý
Tới đâu thời cũng thấy đi theo…
Lòng nhân dục làm cho đôi mắt trần tục không nhìn thấy ánh sáng của nội tâm, ngụy tạo và chân lý làm sao phân biệt khi mà mình vẫn ở trong vòng cương tỏa của vô minh. Nhung triết lý này thể hiện ra sao để không làm mất đi tính chất phù ảo từ căn nhà trên đỉnh mây trắng? Thay vì phát biểu trực tiếp ý tưởng trừu tượng nói về cái tâm trong sáng không ngụy tạo, Nguyễn Bỉnh Khiêm triết lý gián tiếp với ẩn dụ tạo vật thường thay hình đổi dạng làm khó biết đâu là bản chất thực sự của chúng:
Hoa mai bạc vì trăng tỏ
Bóng trúc thưa bởi gió lay…
Giai đoạn triết lý cụ thể dễ gợi cảm cho những người yêu thơ, nhưng giai đoạn trung gian giao thoa giữa ý tưởng trừu tượng và hình tượng cụ thể cũng không phải thiếu chất thơ; thật ra lại được tăng cường thi tính với mỗi câu có hai điều đối xứng:
Ái ưu vằng vặc trăng in nước
Danh lợi lâng lâng gió thổi hoa…
Lòng vô sự trăng in nước
Của thảng lai gió thổi qua…
Ở câu một, hình tượng “trăng in nước vằng vặc” đối xứng với ý tưởng về sự đậm đà của “lòng ưu ái”. Ở câu thứ ba, hình tượng “trăng in nước lặng lẽ” đối xứng với ý tưởng thanh thản của “lòng vô sự”. Cũng phân biệt như trên, ta thấy ở câu hai, hình tượng “gió thổi hoa phơ phất” đối xứng với ý tưởng “danh lợi phù du”. Ở câu thứ tư, hình tượng “gió thổi qua chốc lát” đối xứng với ý tưởng “của thảng lai mau tàn ”. Cụ-thể của ẩn dụ và trừu-tượng của ý tưởng nằm kề trong từng câu, ta gọi đó là giai đoạn triết lý giao thoa giữa phát biểu ý nghĩa do tâm trí và biểu thị hình ảnh do thị giác, thính giác, xúc giác…
Bạch Vân Am, căn nhà trên đỉnh mây trắng, nơi ẩn dật của một người phơ phơ đầu bạc, dõi nhìn xuống thế gian bằng con mắt thấu thị. Câu thơ “Leo lẻo dòng xanh con mắt mèo” chính là trực giác trong suốt đó của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ánh sáng của đạo nội tâm vén lên tấm màn mờ tối của nhân dục, từ đó thành tựu những lời thơ phù ảo trên Bạch Vân Am, trong số có những lời thơ được đồn đãi như những sấm ngôn thấu thị xuyên qua cuộc dâu biển của mọi thời./.
(Bổ khuyết bài trích ở Tạp chí Thời Tập, Sài Gòn, số 14, tháng 11.1974 – Bản gửi từ tác giả)