(Đôi dòng về tập thơ THƠ TÌNH MỘT THUỞ của Trần Áng Sơn)
Trong kiếm hiệp Kim Dung, chữ TÌNH được tôn lên trên tất cả võ công, trên mọi binh thư và trên cả bạo quyền tham vọng. Tất nhiên một nhà văn kiêm học giả như Kim Dung có lý do để suy tôn điều đó. Ông có đủ lý do để đưa chữ TÌNH thành một triết lý sau khi đã trải qua bao dâu bể cuộc đời. Người Việt Nam chúng ta cũng rất tôn trọng chữ TÌNH. Dù biết trước rằng “tình là tình khi không mà có, tình là tình nhiều lúc có như không” thì tình yêu, tình bạn, tình đời vẫn là một cái gì thiêng liêng mà không ai nỡ xúc phạm khi đề cập đến.
Trần Áng Sơn thoạt tiên là một con người tiêu biểu cho sự gìn giữ chữ TÌNH thiêng liêng đó. Ngay từ năm 1958 tại Đà Lạt anh đã ngẫu hứng viết bốn câu tứ tuyệt như sau:
Bois d’amour ngọn thông rồi đồi thông
Em không về thượng du anh mong
Trăng Đà Lạt chôn sâu vào than thở
Yêu em rồi sương núi mênh mông
(Bài Bois d’amour trong tập THƠ TÌNH MỘT THUỞ)
Anh chẳng những không dám xúc phạm mà còn cố thủ trong dinh lũy tình ái mỗi khi gặp biến cố đổ ập xuống đời mình:
Em hiện nguyên hình thung lũng đêm
Trên con đường thiên lý thật êm
Anh về hoa cúc ươm đầy áo
Trời đã vào thu để nhớ thêm
Em bỗng mênh mông cả tiếng cười
Mới bên anh đã thoáng phương trời
Anh nhìn anh thấy tâm hồn khóc
Tiếng khóc đầu tiên thảng thốt rơi
Từ đó anh yêu những bóng cây
Những vùng yên tịnh cả hơi may
Những điều u uẩn không hề nói
Thong thả theo cùng khói thuốc bay
(Trích bài Chân Dung Tình Yêu trong tập THƠ TÌNH MỘT THUỞ)
Ba khổ thơ sáng tác tại Lai Khê năm 1968 quá đẹp về từ và hàm xúc về ý. Tuy nhiên chữ TÌNH không hề đơn giản như vậy. Để có thể hùng hồn phát ngôn chân lý đó, tôi đã từng biết Trần Áng Sơn ở một dạng “phân thân” khác.
Đó là thời kỳ đầu giải phóng, cụ thể vào cuối thập niên 1970, Trần Áng Sơn là một trong số những cây bút cũ đã từng thành danh và có độc giả trong làng văn làng báo Sài Gòn. Những bài thơ đầu tiên của anh đăng năm 1956 ở báo Nhân Loại, Bông Lúa… lúc tôi, kẻ viết bài này, mới lên hai tuổi. Sau giải phóng, giống như mọi người, anh yêu nước. Và cũng giống như một nhà văn yêu nước chân chính, anh sáng tác. Tôi và anh có kỷ niệm là in chung sáng tác trong một tuyền tập dày cộm của thành phố năm 1976, một tuyển tập quy tụ các ngòi bút tên tuổi, được tuyển chọn rất khắt khe, với số tiền nhuận bút cho bài viết khá cao so với thời buổi ấy. Từ kỷ niệm ban đầu đó, chúng tôi có nhiều lần cụng ly nhau tại căng tin Hội Văn Nghệ TPHCM 81 Trần Quốc Thảo, quận 3.
Đó là vào những năm đất nước kham khổ và gay go nhất. Đất nước trải qua thù trong giặc ngoài. Đất nước năm 1978, 1979 ăn bo bo khoai mì đánh giặc. Giặc ở biên giới phía Bắc rồi phía Tây Nam. Giặc đớn hèn khiếp nhược cầu an ở ngay trong nội bộ. Những năm đáng nhớ ấy, tôi trong bộ đồ đặc công thủy Đoàn 10 Rừng Sát mỗi lần về phép đều được anh và bạn bè của anh mời nhậu bia hơi kèm mồi theo dạng tem phiếu xếp hàng. Những năm ấy tôi đọc thơ trong bàn rượu sang sảng khiến anh và bè bạn anh ngẩn ngơ:
Nước là nơi chúng tôi hồi hộp
Ngực bỗng có vây và chân có đuôi xòe
Hai tay bỗng mọc dài như bạch tuộc
Đón thủy triều sau cơn khát say mê
Nước là nơi chúng tôi ra đi
Những thằng con trai coi thường bão biển
Không biết mình giống hệt nhân ngư
Qua tiếng hát tỏ tình trừu tượng
Nước là nơi chúng tôi xuất trận
Cá sấu gặp nhau ít nói ngày về
Chúng tôi chia tay miệng đầy nước mặn
Mà ngọt cái nhìn chiến thắng hả hê
Nước là nơi lưng giắt lưỡi lê
Bén và ngọt như đau thương hạnh phúc
Ai cũng để dành hào khí Yết Kiêu
Trong cách thả bọt lạnh lùng như cá vược
Nước là nơi chúng tôi tìm nhan sắc
Biển và em chen chúc đến nồng nàn
Như thể đó là chiếc gương soi được
Tiếng nói ban đầu của tình ái lặng câm
Ở với nước ai dám quên tình đất
Đất như mía lau để nước ngọt như đường
Chúng tôi lớn suốt một thời thân mật
Tình nguyện làm người gác cửa quê hương
(bài thơ ĐỊA CHỈ ĐẶC CÔNG THỦY của Bùi Chí Vinh)
Bài thơ Đặc Công Thủy và những bài thơ tương tự như thế của tôi đã thắt chặt tình huynh đệ giang hồ với anh Trần Áng Sơn. Thắt chặt đến mức anh đã triển khai một chữ TÌNH theo dạng “tình bạn” khi viết về tôi và những trận đánh mơ hồ ngoài biển như huyền thoại trong bộ sách giai thoại về các nhân vật mang tựa NHỮNG TRANG SÁCH KHÉP MỞ gồm 3 cuốn của anh.
Trong thời gian mà anh khiêm tốn “lắng nghe và thấu hiểu” những cơn quậy thi ca của một người tuổi trẻ là tôi như thế thì tôi không bao giờ biết năm 1959 ở Huế (lúc tôi mới 5 tuổi) Trần Áng Sơn đã có bốn câu thơ tình lục bát đầy thơ mộng:
Gặp em tóc ở trên vai
Lúc xa tóc mới chớm dài lưng thuôn
Bao nhiêu câu chuyện đều buồn
Nữa là tình ái trong hồn lứa đôi…
(trích bài Mưa Thành Nội trong tập THƠ TÌNH MỘT THUỞ)
Ngoài tình ái, như đã nói, chữ TÌNH của Trần Áng Sơn còn phát xuất từ mối hảo cảm giao tình mang chất nghĩa khí của Người Bình Xuyên, của những người hùng Lương Sơn Bạc với nhau. Tôi còn nhớ khoảng đầu thập niên 1990 khi tôi vì mưu sinh phải lột xác thành một nhà văn bất đắc dĩ thì anh cũng lâm vào hoàn cảnh viết sách không đủ cung cấp cho các đơn đặt hàng của các Nhà Xuất Bản. Nếu tôi viết được 110 cuốn phiêu lưu mạo hiểm tuổi teen như bộ TỨ QUÁI TTKG 70 cuốn, bộ NGŨ QUÁI SÀI GÒN 40 cuốn thì Trần Áng Sơn cũng viết cả trăm cuốn tiểu thuyết dày cộm tương đương. Đất nước cởi trói vặn mình theo nền kinh tế thị trường để tìm lối ra thì giới văn nghệ sĩ sáng tác có tài cũng vặn mình phát huy năng lực của 24 chữ cái:
Lần này nghiên bút xa nghìn dặm
Vùng vẩy mình anh dưới ánh đèn
Khiêu vũ từng đêm quay giữa mộng
Vòng tay siết mãi chỉ còn em
(trích bài Chân Dung Tình Yêu trong tập THƠ TÌNH MỘT THUỞ).
Coi, mới đó mà đã hơn 30 năm hai thế hệ cùng đồng hành chung một chữ TÌNH. Ngày xưa là tình lứa đôi lãng mạn, tình bằng hữu lãng tử, tình yêu quê hương đất nước còn bây giờ là tình cố cựu tri âm. Chính điều đó khiến tôi rất hạnh phúc khi phát hiện Trần Áng Sơn thể hiện chữ TÌNH sau 50 năm làm thơ hơi bí mật của anh bằng 2 tập thơ ra đời liên tiếp mang tựa CHỈ CÒN LẠI THƠ TÌNH (NXB Thuận Hóa) và THƠ TÌNH MỘT THUỞ (NXB Thanh Niên).
Trong lời trần tình đơn giản đầu tập thơ kỷ niệm 50 năm ấy, Trần Áng Sơn đã viết “Trong hơn nửa thế kỷ ấy, lịch sử chuyển mình dữ dội và thi ca cũng phải thay đổi, thơ niêm luật du dương trầm bỗng buộc phải cùng tồn tại với phong trào thơ mới, cuộc cách tân kỳ diệu sản sinh ra nhiều thế hệ thi sĩ đầy tài năng. Họ tiếp thu và chuyển hóa tinh hoa của thi ca thế giới để hình thành một nền thi ca gọi là thơ mới, một nền thi ca quyến rũ, rực rỡ và tồn tại đến bây giờ”.
Thú thật với anh, lúc nhận 2 tập thơ tôi có cảm giác thật thoải mái và nhẹ nhàng hình dung lại thời vàng son của văn chương Sài Gòn ngày nào. Hình dung đến nhà thơ NH. Tay Ngàn sang trọng, đến Thanh Tâm Tuyền quý phái rồi đến chính anh, Trần Áng Sơn tuổi đã cao mà tâm hồn cứ như trẻ thơ.
Nếu không tin điều đó, các bạn hãy đọc khái niệm về chữ TÌNH mới nhất của anh với những sự giận dỗi như trẻ con sau 50 năm bể dâu:
Bây giờ tình yêu như một cơn mê
Bây giờ hơn thua như một trò hề
Bây giờ nghênh ngang như loài dã thú
Bây giờ vùng vẫy như một cơn gió
Bây giờ không yêu vẫn làm thơ được
Không còn hiến dâng không còn từ khước
Những ngày xao động tiếng bọn ve chai
Những ngày chếnh choáng như vừa mới say
...
Bây giờ yêu thương đã là có tội
Bây giờ nói thật cũng là nói dối
Không có thì giờ để yêu nữa đâu
Nhưng có thì giờ để lừa dối nhau
Bây giờ tư duy ở một tầng thấp
Bây giờ mưa phùn cũng có cơn lốc
Bây giờ rủi ro như một cái hôn
Hôm nào hôm nào làm ta buồn nôn…
(trích bài Cơn Dịu Hiền Độc Ác từ tập THƠ TÌNH MỘT THUỞ)
Tôi không tin chữ TÌNH mà anh nuôi nấng suốt một thời lãng mạn vàng son đang bị biến dạng anh Sơn ạ. Giữa thời buổi thực dụng sinh sản không ít kẻ bàng quan vô cảm, người thi sĩ cần phải tỉnh táo và thơ mộng hơn bao giờ hết để đóng tròn vai một quan sát viên, một nhà tiên tri, một nhân chứng bản lãnh của thời đại. Trong tư thế cùng bắt tay anh giữ gìn một chữ TÌNH vĩnh cửu ấy, tôi xin kết thúc bài viết về THƠ TÌNH MỘT THUỞ bằng 4 câu tứ tuyệt đốt đuốc ngay giữa ban ngày để đi tìm tri âm của mình:
Thơ mà làm tại chỗ ư ?
Dẫu không tâm đắc cũng ừ một phen
Mặt người nửa lạ nửa quen
Ban ngày ta vẫn đốt đèn đi soi
(bài họa thơ “Cổ Nhân Bĩnh Chúc” từ ý thơ Cao Bá Quát của Bùi Chí Vinh)
Tháng 10-2010