Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.197
123.208.778
 
Lý luận về tiểu thuyết đi quá chậm so với sáng tác
Nguyễn Hiếu

1.Trên dưới một tháng, báo Văn Nghệ liên tiếp cho đăng hai bài bàn về Tiểu thuyết. Bài thứ nhất của nhà văn bậc đàn anh Bùi Bình Thi. Tôi đồ rằng bài viết này của Bùi Bình Thi có ý bóng gió để nói cho rõ hay cũng là một sự giải thích ý đồ viết tiểu thuyết của cá nhân ông sau vụ “dại tình “. Cuốn tiểu thuyết này tôi chưa được đọc nên không có ý kiến gì nhưng với bài viết “nhà văn và tiểu thuyết” của ông tôi lại được một chút mở mang và ôn lại kiến thức về âm nhạc nhất là nhạc giao hưởng. Còn bàn về tiểu thuyết nhà văn đàn anh này cũng không hé lộ cao kiến hoặc kinh nghiệm gì đặng để đồng nghiệp cũng như đàn em đi theo. Ngoại trừ ông diễn đạt theo cách của ông về một nguyên lý văn học khi bàn về thể loại tiểu thuyết tuy rằng nếu đọc kĩ thì thấy ý kiến của nhà văn đàn anh này còn thiếu một về. Theo Bùi Bình Thi thì tiểu thuyết là một thể loại “ tổng hòa được trong đó diện mạo của các mối quan hệ giữa người và người để rồi từ đấy mà phơi ra một chủ đề, một tư tưởng”. Nếu đủ câu văn viết dưới dạng lý luận này cần thêm một mệnh đề “để từ đó với một cách nhìn, kiến thức, vốn sống sẽ vẽ nên một bức tranh xã hội thể hiện một chủ đề, một tư tưởng “. Nói tóm lại bài viết của nhà văn đàn anh họ Bùi này nặng về sự cảm khái và trần tình dễ thông cảm bởi nhiệt tình đáng quí của một nhà văn đã 72 tuổi mà vẫn năng nổ trong viết lách, trong sự khẳng định mình. Còn bài viết có đầu đề rất to “một cơ sở cho lý luận về tiểu thuyết Việt nam” của Tiến sĩ Nguyễn Văn Tùng thì lại gây ra sự thất vọng về sự nói lại những điều đã quá cũ, một thứ giáo trình không hoàn chỉnh, sơ sài vì không tiệm cận được thực tế về nền tiểu thuyết Việt nam đang biến động. Có thể xem bài viết của TS Tùng như một dẫn chứng điển hình về sự đi sau, chậm trễ một cách đáng trách của các nhà làm lý luận văn học nói riêng và lý luận nói chung. Bài viết này cũng có thể coi là điển hình của sự trì trệ lười suy nghĩ, chỉ chép lại, nói khác đi những điều người khác nói mà không có một ý kiến nào của riêng ông Nguyễn Văn Tùng có hàm là tiến sĩ. Cả một trang dầy đặc chữ với một đầu đề quá lớn bài viết chỉ là sự viết lại, tóm tắt ý kiến của tác giả chuyên luận “tiểu thuyết Việt nam hiện đại “. Một cuốn sách đã ra đời cách đây 35 năm. Với tôi giáo sư Phan Cự đệ là thầy dậy trực tiếp, lại là một nhà văn viết và ít nhiều trăn trở trong việc tìm được bút pháp phù hợp mỗi khi viết tiểu thuyết nên quả tình đọc đầu đề bài viết tôi rất hi vọng về sự phát hiện, đánh giá một cách công bằng thành tựu tiểu thuyết của nước ta trong giai đoạn hiện nay. Nhưng đọc đi đọc lại bài viết của Tiến sĩ Tùng tôi thấy qúa thất vọng vì sự cũ kĩ trong lập luận, trong các luận điểm đưa ra. Tóm lại những điều Tiến sĩ Tùng tuy cố nói một cách đao to, búa lớn, cùng những lý luận đưa ra với vẻ hàn lâm nhưng thực chất chỉ là sự lặp lại kiến thức của gần nửa thế kỉ trước. Sự lặp lại này lại càng rõ nét và không có đường ra, không có một luận điểm nào của riêng mình bởi tư liệu cũng như hiện thực về tiểu thuyết Việt nam cực kì phong phú trên văn đàn không được Tiến sĩ Tùng tiếp cận. Bài báo dày đặc những dòng theo kiểu lý luận thừa thải này thêm một lần tố cáo sự lười đọc lười suy nghĩ nếu không muốn nói là vô trách nhiệm của các học giả, các nhà nghiên cứu nước ta. Còn với chuyên luận của thầy Đệ( nói chính xác đây là một giáo trình) không có gì đáng trách khi đối tượng tiểu thuyết mà thầy nghiên cứu chỉ dừng ở giai đoạn 1945-1975. Tất nhiên tác phẩm của giáo sư Phan Cự Đệ ở chỗ này chỗ khác còn cần đến sự bàn cãi, tranh luận của các nhà chuyên môn, song dù sao cũng ghi nhận đây là một công trình đáng trân trọng và coi như một thành tựu lý luận văn học của nước ta trong một giai đoạn. Còn với Tiến sĩ Tùng thì quả là …

 

2. Gần đây không hiểu vì lý do gì mà trong giới lý luận thường để xẩy ra hiện tượng là trong các bài viết của mình các vị học giả có hàm vị hẳn hoi lại quá yêu không gian tháp ngà của mình mà quên thời gian hiện hữu. Hay nói chính xác hơn lý luận của ta ( từ lý luận chung đến lý luận văn học) cố tình né tránh sự phức tạp của thực tế, chấp nhận sự đi sau cuộc sống như kiểu “nói cho có nói,viết cho có viết bất chấp hiện thực của đời sống, những chuyển biến của dòng lý luận trên thế giới, và cuối cùng là sự tác động của lý luận với người đọc, đến xã hội như thế nào “. Tôi đã từng đọc một lần, để rồi không muốn mất thời gian của mình khi đọc bài viết của một vị có hàm giáo sư, tiến sĩ mà hơn một thập kỉ nay mỗi khi có một ngày lễ trọng đại nào là y như rằng vị này lại tung ra bài viết mà cái cốt của nó cũng như cách lập luận thì chỉ là sự thay đổi một số từ ngữ, một vài sự kiện thời sự, một vài con số thời thượng còn gần như vẫn rập y nguyên bài báo đã đăng từ hơn mười năm trước. Tệ và trì trệ hơn nữa là nhắc lại, cố tình làm mới những nguyên lý mà lý luận thế giới đã bỏ qua, xếp xó. Lạ một nỗi là các bài báo lặp lại hàng vài ba chục lần này vẫn được đăng trang trọng trên trang đầu của tờ báo mà ông là người đứng đầu( có lẽ vì vậy nên tác phẩm báo chí này thường được trả nhuận bút ở mức vượt khung). Vì nể chức sắc, học vị của vị gíáo sư này hay bản thân các vị biên tập thấy cái đầu đề to, dòng lý luận cao đạo tuy đã quá cũ thì vẫn cho thông qua hay thậm chí họ cũng chẳng đọc gì vì tên tuổi của tác giả đã tạo ra sự an toàn của tờ báo, hay có đọc cũng chẳng tiếp thu nạp được điều gì mới mẻ gì cho kiến thức của mình. Đọc các bài viết của vị giáo sư này người ta có cảm giác thời gian bị kéo lùi lại ít nhất hai thập kỉ bởi những ngôn từ quá lớn mang tính khẩu hiệu nhiều hơn là những luận cứ diễn giải. Còn trong lý luận văn học các vị có hàm, có danh hẳn hoi vì lười đọc, vì trí tuệ cũng quá mòn không đủ phát hiện những cây bút mới, những hiện tượng văn học đang phát sinh lại loay hoay xào xáo quanh những tên tuổi đã định hình với những dòng lý luận vừa sáo vừa đại ngôn. Vậy mà theo nhà thơ Đỗ Hoàng thì chính những tác phẩm chết khô về lý luận, mòn vẹt về kiến thức này lại chiếm hết giải lý luận ở cấp này, đến cấp khác. Tôi thực sự buồn khi cũng có cảm giác đó khi đọc bài lý luận có vẻ kinh viện của Tiến sĩ Tùng trên báo Văn Nghệ trong số gộp 35-36 vừa qua. Như trên tôi đã nói cho đến bây giờ khi nhân loại đã bước gần qua thập kỉ đầu tiên của thế kỉ 21 mà tiến sĩ Tùng vẫn bưng nguyên xi lý luận của Giáo sư Phan cự Đệ viết từ những năm đầu của thập kỉ 70 của thế kỉ 20, về một nền tiểu thuyết trong giai đoạn 1945-1975. Những lập luận sơ khai như tiểu thuyết gắn liền với sử thi, ngôn ngữ đa thanh, song thanh của tiểu thuyết, cốt truyện và tính cách nhân vật, độc thoại nội tâm và phép biện chứng pháp tâm hồn được minh chứng qua tiểu thuyết của Tônstôi…Vẫn được tiến sĩ Tùng tán tụng như những phát hiện mới. Tiến sĩ Tùng còn bê  nguyên xi những luận điểm của Goóc Ki, rồi thành tựu nghiên cứu của Mbakhtin về Đốttôiépski( nhà văn của thế kỉ 19) trong giáo trình của Giáo sư Phan Cự Đệ ra tán tụng “cho thấy khả năng áp dụng những thành tựu lý luận tiểu thuyết tiên tiến trên thế giới trong việc xây dựng lý luận tiểu thuyết của Việt nam”. Sự cố gán ghép này càng chứng tỏ Tiến sĩ Tùng không mấy hiểu chuyên luận của giáo sư Phan Cự Đệ. Ở vài dòng trên tôi đã nhấn mạnh.Chuyên luận của thầy Đệ tôi là một giáo trình nên nó mang nặng chất giáo khoa để giảng dậy. Hồi đó cách dậy của khoa văn Trường ĐHTH mặc dù chương trình chính là dậy phương pháp luận và truyền thụ kiến thức lý luận cơ bản nhưng cũng có những nét gần giống với trường viết văn Nguyễn Du dạo đó. Bên cạnh lý luận là sự phân tích các kĩ thuật viết văn, nên không phải ngẫu nhiên nhiều sinh viên khoa văn của ĐHTH sau này trở thành những nhà sáng tác. Cũng cần nhớ đến giai đoạn vào những thập kỉ 60 ,70 của thế kỉ 20 do điều kiện hoàn cảnh thời kì đó nên các giáo trình của nhiều bộ môn như triết học, lý luận văn học, văn học sử của nước ta cũng như một vài quốc gia có nền văn học ảnh hưởng đến văn học nước ta như Liên xô, Trung Quốc cùng một số nước trong phe xã hội chủ nghĩa cũng chỉ khuôn vào một số tài liệu định hướng. Các vấn đề gọi theo từ nhậy cảm bây giờ như nhân văn giai phẩm, sự lạ trong văn học Liên xô như Jônnitxưn, Pactênác cùng các tác phẩm của họ cũng như nền văn học phương tây thì chỉ được nhắc qua theo kiểu “dòng ý thức “của Mác xen Pruts bị phê phán như thế này, tiểu thuyết “lâu đài” của Kasp ka bị phê phán như thế kia, hay Mác phê phán chủ nghĩa biện chứng duy tâm của Hê Ghen như sau ..mà sinh viên không được tiếp cận nguyên ủy các tác phẩm cần phê phán .. Trong tình cảnh như vậy nên với tư cách là một người thầy trên một giảng đường của một trường ĐH chính thống giáo trình viết dưới dạng chuyên luận về Tiểu thuyết Việt nam giai đoạn 1945 – 1975 được thể hiện một cách quan phương của giáo sư Phan cự Đệ như vậy là chuẩn mặc dù nó không phản ảnh đủ và hết thực tế của tiểu thuyết Việt nam giai đoạn đó. Tôi chỉ đơn cử giáo trình đó đã bỏ qua sự cách tân trong dòng tiểu thuyết kinh dị ,đường rừng, trinh thám của Lan Khai, Lê Văn Trương, của Thế lữ… khi các ông xử dụng thành thạo các thủ pháp mà người sành văn học nước ngoài đã thấy ở Et pa Go. Hoặc sự bỏ sót đáng tiếc của chuyên luận của Giáo sư Phan Cự đệ về phong cách, thế giới quan, trình độ học vấn…  của tác giả quyết định đến hình thức, chất lượng và sức hút của tiểu thuyết ra sao. Chuyên luận của thầy Đệ có thể phù hợp với giai đoạn đó khi ông nhấn mạnh đến sự quyết định của thể loại đối với sự hình thành phong cách tác giả. Đáng tiếc đến giai đoạn này mà TS Tùng vẫn tán dương về những điều cũ kĩ để rồi ông tung ra những câu rối mù, đánh đố người đọc  Tiểu thuyết từ bỏ tính một phong cách của thể loại sử thi ,bi kịch .. tạo nên tính tổng hợp về phong cách và ”thanh điệu thu hút nhiều thể loại vào cấu trúc của mình “.

 

3. Tôi vừa đọc xong chuyên luận “văn học Mỹ - Nghệ thuật viết văn và kỉ xảo” của Giáo sư Huy Liên cũng là thầy đã từng dậy tôi ở khoa văn trường ĐHTH Hà Nội( nay là Trường Đại học xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội ). Và chính vì những kiến thức và những lý giải của Giáo sư Huy Liên đã phần nào xóa đi trong tôi suy nghĩ về sự lười nhác trong sự đọc và sự kém tiếp cận với xu thế văn học trong đó có tiểu thuyết của các dòng văn học lớn và mới. Bằng một tư duy lo gíc chặt chẽ được dẫn chứng một cách hệ thống trong sự phát triển của nền học Mỹ từ giữa thế kỉ 19 đến cuối thế kỉ 20. Việc đề cập các tác giả tiêu biểu nhất trong các giai đoạn của văn học Mỹ với những tác phẩm tiêu biểu của họ trong chuyên luận của giáo sư Huy Liên đã mang lại cung cấp cho người đọc nói chung dòng chẩy của văn học, tiểu thuyết Mỹ qua hơn một thế kỉ. Đặc biệt với phương thức tư duy đầy trí thức và kinh nghiệm của một nhà lý luận văn học sử cùng với sự phản xạ mau lẹ của một nhà phê bình giáo sư Huy Liên đã đưa ra phần nào những điểm mạnh, điểm yếu trong các tác phẩm chủ yếu , những đóng góp  cho nền văn học Mỹ cũng như văn học thế giới của các tác giả kinh điển của nền văn học, nền tiểu thuyết Mỹ. Trong chuyện luận này có thể là lần đầu tiên người đọc nước ta tiệm cận được qui mô của văn học Mỹ qua một thế kỉ rưỡi cùng diện mạo của các nhà văn tiêu biểu. Từ Harriet Beecher Melvill ( tác giả “Túp lều của bác Tom” , Witman( tác giả Tập thơ “Lá cỏ”), truyện ngắn kinh dị của Edgar Allen Poe đến F.Scott Fitzgerald ( tác giả của tiểu thuyết ‘Gátsby vĩ đại “- Một trong những cuốn tiểu thuyết lớn nhất của văn học Mỹ và thế giới )đến J.Steinbeck.E Hemingway , J. Salinger… Không chỉ cung cấp một cái nhìn khái quát, hệ thống cùng sự đọc đáo của nền tiểu thuyết mỹ mà không ít chương giáo sư Huy Liên còn giữ vai trò là nhà phê bình mổ xẻ điểm mạnh cùng những đặc trưng của các tác phẩm kinh điển của nền tiểu thuyết Mỹ như Phần 2 trong chương 6 Giáo sư Huy Liên ghi rõ “hai bình diện nghệ thuật trong cấu trúc tiểu thuyết Gatsby vĩ đại”. Giáo sư Huy Liên dành cả phần 2 của chương 9 để mổ xẻ và tiệm cận “những khám phá về thi pháp trong tiểu thuyết “con thỏ phất lên “( của nhà văn Jonhn Updike)… Với cách viết này giáo sư Huy Liên không chỉ mang lại kiến thức cho độc giả phổ thông ,các nhà lý luận mà còn tạo ra rất nhiều gợi ý cũng như cảm hứng sáng tác cho các nhà văn.. .

 

Chính vì đọc chuyên luận của giáo sư Huy Liên khi trở về bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Văn Tùng tôi nhận ra bên cạnh những giáo sư thực sự có kiến thức, có tầm nhìn và có trách nhiệm trong công việc và tác phẩm của mình còn không ít các học giả chỉ làm nhiệm vụ xào xáo tác phẩm của người khác, nhắc lại một thụ động kiến thức thiên hạ để đẻ ra những “tác phẩm “ chỉ có tác động là làm lãng phí những trang báo và làm mất thời gian của người đọc và thêm một lần trở thành một dẫn chứng cho sự quá chậm trễ của lý luận trước thực tế xôi động của thực tế xã hội cũng như văn học .

 

Quỳnh Mai tháng 9.2010

Nguyễn Hiếu
Số lần đọc: 2121
Ngày đăng: 22.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Poseidon - Hamvas Béla
Lý Thuyết Freud Đang Trở Thành Thời Thượng Ở Trung Hoa - Hiếu Tân
Nghĩ Về Nhan Đề “Bướm Trắng” Của Nhất Linh - Trần Văn Nam
Người đọc Phương Tây nói gì về các tác phẩm văn học VN đương đại? - Hoàng Hưng
Tây Tiến, Tuyệt Chiêu của Quang Dũng - Nguyễn Khôi
Nguyễn Duy – Hành Trình Từ Truyền Thống Đến Hiện Đại - Đỗ Ngọc Thạch
Áng mây trắng xứ Đoài Quang Dũng - Văn Giá
Chiến-Đấu-Ca Và Bi-Hoài-Ca Song Hành Trong Bài Thơ Tây-Tiến - Trần Văn Nam
Nghĩ Về Ba Giai Đoạn Diễn Ý Của Nguyễn Bỉnh Khiêm - Trần Văn Nam
Cần Xem Xét Lại Mục Tiêu Dạy Học Tác Phẩm Chí Phèo - Phạm Ngọc Hiền