Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.166
123.224.160
 
Giữa những hàng ghế trống
Trân Sa

Thuở nhỏ tôi lấy ý đâu đó trong một cuốn sách và tự đặt cho mình một trò chơi gọi là “phát huy lòng trắc ẩn”. Tôi chơi trò này với rất nhiều đứa con trai mới lớn. Nhất là những đứa tính tình nhút nhát, yếu đuối, có mặc cảm gì đó. Tôi có chiếc miệng rất đẹp có thể nở những nụ cười thật quyến rũ, cùng đội mắt nhìn vừa tình tứ vừa làm lúng túng người đối diện. Cộng với khả năng nói láo rất có duyên, tôi làm bọn thanh niên cùng tuổi chết mệt vì tôi. Bây giờ đã là một người đàn bà ba mươi tuổi, thỉnh thoảng tôi vẫn còn chép lại những cái tên người từng mặt trong trò đùa “phát huy lòng trắc ẩn” thành một cái list khá dài. Có những cái tên không gợi lên một điều gì cả trong lòng tôi. Nhưng cũng có và cái tên làm tôi mơ màng nhớ, tự hỏi họ bây giờ đang ở đâu, đang sống thế nào. Một cách chủ quan, tôi thường nghĩ rằng người nào đã yêu tôi sẽ không bao giờ yêu vợ một cách toàn hảo. Tôi là một bóng mây. Không bao giờ bay khỏi trí nhớ họ. Thứ bóng mây làm tối đi tâm hồn họ mỗi khi một điều gì đó làm họ nhớ đến tôi. Có thể chỉ là một chiếc lá, một cơn mưa, một cơn bão nhỏ, một cành hoa trắng, hoặc chỉ là một viên sỏi, một hạt cát vướng trong kẻ tay.... đó là xảo thuật của tôi, tôi chỉ cần tặng họ một sợi tóc mỏng cùng với một nét nhìn u uẩn, họ cũng sẽ nhớ tôi suốt đời.

 

 

 

Dạo đó tôi thích ban tặng kỷ niệm. Tôi nghĩ đời người không có một tình yêu đẹp (sẽ tan đi như bọt nước) thì vô cùng uổng phí. Người ta cần phải có một cái gì để nhớ. Tôi muốn làm giàu quá khứ của mỗi người con trai tôi quen biết, và đó là hành động thể hiện lòng trắc ẩn của tôi.

 

Tôi dẹp trò chơi ấy khi khám phá ra càng ngày tôi càng có nhiều kẻ thù. Những kẻ thù rất hiền lành. Họ trả thù tôi bằng ánh mắt nhiều hơn bằng lời nói. Một người bạn gái cũng đã từng nói như một lời tiên tri “Bà sẽ bị quả báo.” Rất bướng bỉnh, tôi trả lời người bạn rằng tôi chỉ ban cho, tôi chưa hề đòi nhận gì ở ai. Nếu tôi có lỗi gì với ai, có lẽ chỉ bởi vì khi họ cho, tôi không muốn nhận. N. đến với tôi vối sự nghi ngờ. Chàng không bao giờ tin rằng tôi thành thật với chàng mặc dù đối với N. tôi vô cùng thành khẩn. Tôi yêu N., không có một tí gì gọi là trò chơi, là sự phát huy lòng trắc ẩn. Nhưng mà giữa tôi và N. luôn luôn có một khoảng cách dù vô hình vẫn rắn như đá, cao như núi: đó là quá khứ của tôi. N. kiêu ngạo tột đỉnh, tôi tự ái ngất trời, hai đứa không kẻ nào chịu làm kẻ bước tới để xô ngã cái khoảng cách đó.

 

Chúng tôi là đôi tình nhân ngu xuẩn nhất trần đời.

“Anh không muốn là cái tên kế tiếp trong danh sách trò chơi của em.”

“Danh sách đó đã chấm dứt trước khi anh đến. Cái tên của anh đứng một mình. Có lẽ không có ai tiếp theo đâu.”

“Tại sao lại có lẽ?”.

Có lẽ, bởi vì nó còn tùy thuộc và anh. Em đâu phải là thượng đế để xác quyết...chân lý. Anh đế ý từng chữ em dùng, như vậy bất cứ điều gì anh cũng có thể bắt vẻ em được.”

“Làm sao anh tin được vào một lời nói không có sự khẳng định của một người luôn luôn không tự tin ngay với chính những lời nói của chính mình.”

“Khi người ta không yêu thì người ta không tin.”

“Anh không tin em nhưng mà anh tin anh. Anh là anh-yêu-em (không có chữ có lẽ).”

“Làm sao người ta yêu một người mà người ta thiếu tin tưởng?”

“Vẫn có thứ tình yêu đó. Nếu không thì chẳng ai đau khổ vì tình.”

“Tình yêu thật sự không có đau khổ. Tình cảm gây ra đau khổ là một sản phẩm giả tạo của tình yêu.”

Vân vân...

 

Cả hai chúng tôi đều mệt mỏi sau hai năm hẹn hò với những mâu thuẫn. Nhưng chưa người nào có can đảm nói trước lời giã biệt. Có thể sẽ là N. chứ không phải là tôi. Tôi nghĩ N. yêu tôi, nhưng không nhiều đủ. Chỉ cần nhìn thấy tôi đứng bên cạnh một người đàn ông nào không phải là N, chàng cũng bắt đầu điên tiết lên và buộc cho tôi cái tội tôi chưa bao giờ phạm với chàng. Còn tôi có yêu N. hoàn toàn như tôi luôn luôn nghĩ không, có lúc tôi cũng còn phân vân tự hỏi lòng mình. Nếu có, thì tôi đã chấp nhận được sự đòi hỏi vô lý của chàng mà trốn vào trong núi, không hề tiếp xúc với một kẻ đồng loại nào, ngoài N.?

 

Nếu có, thì tôi đã không thỉnh thoảng cáu sườn lên mà chọc tức chàng như tôi đã từng làm bằng cách giả vờ như đang có một mối liên hệ tình cảm với một người khác (nhưng vẫn không quên cho chàng biết là không ai có thể thay thế được chàng trong quả tim tôi!).

 

*

 

Tội nghiệp P.. hắn chỉ là nạn nhân của tôi và N.. P. không bao giờ biết hắn chỉ bị tôi mượn để làm cho N. tức lên. Chỉ trong một buổi chiều. Một buổi chiều mà làm P. thay đổi đến mực tôi không thể nào ngờ tới.

 

Trong mắt tôi, P. chỉ là người-con-trai-của-một-bệnh-nhân. Tôi là social worker của bệnh viện mẹ P. đến điều trị. Sau cơn stroke nặng, mẹ P. liệt hết nửa người. Bà về nhà sau thời gian nằm viện, nhưng thể chất lẫn tinh thần bà rất suy yếu nên tôi vẫn đến thăm nhà để an ủi và giúp đỡ khi cần thiết. Tôi vô tình đâu biết đã ảnh hương đến P. như thế nào trong những lần thăm viếng ấy. Trong khi tôi ngồi nói chuyện và chăm sóc mẹ hắn, P. thường ngồi sững sờ trong một chiếc ghế nhìn từng cử động, nghe từng lời nói của tôi, một cách cảm động và tri ân. Chính mẹ hắn nói cho tôi biết mối tình P. dành cho tôi. Đôi mắt đục lờ rưng rưng khi ôm bàn tay tôi vào hai bàn tay nhăn nheo run rẩy của bà:

 

“P. đã ba mươi sáu tuổi mà chưa từng thương yêu ai như thương yêu cô. Nó chỉ biết đi học, tốt nghiệp thì đi làm, từ sáng đến tối. Về nhà là săn sóc tôi hay cắm đầu vào cái máy điện toán. Đây là lần đầu tiên tôi thấy nó bối rối, thương nhớ một người. Bữa nào biết cô sẽ đến, nó mua hoa cắm vào lọ, nghỉ cả làm việc để đi ra đi vào trông ngóng. Cô đến trễ là nó đứng ngồi không yên, cứ đứng bên cửa sổ vén màn nhìn ra. Nghe tiếng xe ai chạy ngang nó cũng nhổm người dậy nói “Cổ đến rồi”. Nếu không phải là cô, nó vò đầu gục mặt xuống. Cô biết không..., P. nó thương cô quá làm tôi cũng tội nghiệp cho nó. Tôi chỉ có một đứa con...Nhà hiu quạnh quá...”. Tôi dở khóc dở cười. Tôi đang yêu N. đến mức có thể chết được. Tôi nghĩ tôi sẽ không thể yêu ai trong một thời gian rất dài nếu chúng tôi không còn nhau. P. vĩnh viễn cũng không là đối tượng kế tiếp của tôi!

 

P. không là tuýp người như tôi và N.. Nói chuyện với tôi, hắn chỉ say mê nói về những chương trình điện toán, (lâu lâu dừng lại đề nhìn tôi tha thiết). Hắn không biết gì về xã hội, về văn chương, nghệ thuật, và ngay cả tâm lý con người. Hắn vụng về, lắp bắp những câu nịnh đầm khuôn sáo, đại loại: “Hôm nay cô mặc áo đẹp quá”, “Cô giống như những cái hoa”, “Cô nói chuyện hay quá! Tôi không biết làm sao để nói chuyện cho hay như cô”.

 

Và P. xấu trai thậm tệ. Người P. loắt choắt, nhỏ bé. Khi hắn cười, đôi mắt — như một lằn chỉ đầy những vết nhăn xung quanh, sau hai mặt gương dày cộm. Khi không cười, đôi mắt lại lờ đờ như một người mất ngủ kinh niên. Miệng P., trái ngược với khuôn mặt, rộng hoác; đôi môi dày thâm màu và những chiếc răng quá tội, vàng ố, đầy những vết trám lổ chỗ. Khi bất chợt nhìn vào những chiếc miệng như thế làm sao có cơ hội hôn ai.

 

Tôi chỉ tội cho bà mẹ của P.. Hình như bà nuôi niềm hy vọng theo đứa con trai. Dưới mắt hai mẹ con, tôi là một mẫu người đàn bà lý tưởng, khỏe mạnh, xinh đẹp, có học vấn, thông minh, nhất là có nhiều lòng tốt. Tôi không có nhiều lòng tốt như họ tưởng lầm, tôi đến với họ thuần túy vì công việc. Cũng có một chút thương hại đó. Nhưng nếu sự thương hại của tôi không được phát lương có lẽ nó cũng giảm thiểu lại rất nhiều.

 

*

           

Tôi đã làm một việc điên rồ: Chấp nhận lời mời đi ăn với P. và mẹ hắn một buổi chiều. Hôm đó giận N. lỡ hẹn, tôi gật đầu như một cái máy khi P. ấp úng ngỏ lời. Sự đồng ý của tôi làm P. ngạc nhiên. Hắn trố mắt nhìn tôi như không tin rằng tôi đã đồng ý thực.

 

“Cô...đừng thay đổi ý kiến nhé?”

“Tôi không đổi ý đâu. Cái gì làm anh nghĩ tôi sẽ đổi ý?”

“Tôi không biết nữa. Tôi sợ...sợ...cô ngại...”

“Anh đến đón tôii, phải không?”

“Vâng, tôi đón cô ở bệnh viện, trước cửa ra vào.”

“Thôi, đợi ở đó lạnh lắm. Tôi muốn về nhà thay đổi quần áo. Tôi cũng nên phải làm dáng một chút chứ hở.... Anh đón tôi tại nhà khoảng bảy giờ nha?”

“Tôi sẽ gọi cô trước khi tôi đến. Số điện thoại của cô là...”

 

Tôi điên rồ thêm một chút nữa khi hăng hái viết số điện thoại lên một mẫu giấy nhỏ, bằng bút chì kẻ mắt màu xanh. Thật là lãng mạn, thật là đàn bà. Những thứ có thể làm chết một đàn ông! Tôi có muốn làm chết P. đâu. Tôi chỉ muốn N. sẽ điên lên vì tôi, khi chàng biết tôi đi chơi với P.. Tôi sắp đặt quá nhanh trong đầu. Chiều thứ sáu nào N. cũng đến nhà ăn cơm tối với tôi, như tục lệ của dân Do Thái để dành hoàn toàn buổi chiều thứ sáu cho bữa cơm gia đình. Chiều thứ sáu chàng đến và nhìn tôi bước lên xe P.. Chàng sẽ chẳng để ý gì tới mẹ của P., chỉ thấy rằng P. không có một người đàn bà nào bên cạnh, P. không đeo nhẫn vàng ở ngón áp út. Vậy là đủ cho N. nóng bừng mặt mũi. Vậy là tôi có thể trả thù được đêm hôm trước tôi đợi N. mỏi mòn nhưng chàng không đến, cũng không một lời giải thích.

 

Bữa ăn tối ở một nhà hàng Tàu sang trọng. Bàn có trải khăn xanh, có chưng hoa tươi. Có những waiters mặc sơ mi trắng, thắt nơ đen và waitress mặc áo sườn xám xẻ sâu bên đùi. Có những bức thủy mạc mơ màng như mộng. Khá nhất là có sự yên lặng. Những nhà hàng Tàu khác thường ồn ào như một cái chợ thu nhỏ, tiếng Quảng đông xì xồ chát chúa và tiếng chén bát va chạm rổn rảng mỗi khi bus boy túm lấy những đầu khăn nhựa, đem đi một lần tất cả chén dĩa ly tách và thức ăn thừa trong cùng một chiếc khăn. Nhưng tôi đã ăn rất ít. Món ăn Tứ xuyên đậm đà, cay, nóng, mà tôi vẫn thích lại trở thành nặng nề, khó nuốt. P. lăng xăng gắp bỏ đồ ăn cho mẹ hắn và cho tôi. Mặt hắn tươi rói rạng rỡ chưa từng thấy. Mẹ hắn thì cứ nhìn tôi với nụ cười âu yếm như đối với một cô con dâu tương lai!

 

Cơn giận của tôi đã hạ xuống ngay lúc bước lên xe P. quay lại thấy N. đứng nơi cửa nhìn theo với nụ cười nửa miệng rất buồn. Tôi giận tôi chứ không còn giận chàng. Tôi hồ đồ quá, ngu ngốc quá. Tôi đã tạo thêm một dịp cho N. đay nghiến tôi, nghi ngờ tôi. Mà lẽ ra tôi phải cố gắng để lau tấm gương của lòng tôi cho càng lúc càng trong để N. nhìn thấy suốt tình tôi. Tôi đã bôi thêm cho bẩn tấm gương. Mặc dù tình tôi bao giờ vẫn vẹn nguyên như thế nhưng N. đâu có được đôi mắt thần để phân biệt đâu là vết dơ giả tạo. Chàng chỉ là một phàm nhân tầm thường vọng động như bao nhiêu kẻ khác, nhưng tôi đang ngồi bên cạnh P. mà nhớ gã phàm nhân kia quay quắt.

 

P. gọi thật nhiều thức ăn và cứ mỗi lần gắp thức ăn cho mẹ hắn và tôi xong, hắn ngấu nghiến nhai, nuốt, chan, húp sùm sụp. Tôi nhìn mẫu thịt quay hắn đang đưa lên miệng, muốn rùng mình. P. ngồm ngoàm miếng thịt trong miệng, muốn rùng mình. P. ngồm ngoàm miếng thịt trong miệng ngó tôi cười. Tôi nhìn lơ xuống cánh tay lơ thơ những sợi lông thật đen thật dày của hắn, lại muốn rùng mình.

 

Bỗng nhiên tôi thấy ghét P. kinh khủng. Tôi muốn đừng dậy và bỏ đi ngay lập tức. Cái ý muốn đứng dậy bỏ đi quá mạnh khiến tôi cứ nhìn trừng trừng cánh cửa ra vào. Một người đàn bạ mặc áo đen (may cắt rườm rà như dành cho dạ hội hóa trang) từ đâu đến đứng ngáng ngay cánh cửa một hồi lâu. Tôi quay lại nhìn thấy mẹ P. ngó tôi với cặp mắt lo âu. Tôi mỉm cười và cúi mặt xuống.

 

*

 

P. bám riết theo tôi từ đó. Hắn đến bịnh viện tôi làm việc mỗi ngày. Cứ hễ tan việc, bước ra là tôi đã nhìn thấy hắn đứng chờ sẵn bên cạnh chiếc cửa xoay. Cứ hai ba ngày, hắn lại đem đến cho tôi một bó hoa hồng. Hắn làm tôi ngượng! Lại có cái màn đưa hoa trước công chúng nữa, cứ y hệt như trong ciné và tiểu thuyết!

 

Riết rồi tôi không còn thấy ngượng mà thấy giận P. kinh hồn. Tôi thấy P. hề, P. lố bịch, P. dị hợm. Càng lúc hắn càng xấu đi trong mắt tôi. Khi mà việc đón tôi để tặng hoa kéo dài đến hai tuần lễ, tôi dứt khoát không nhận nữa. Tôi không còn được một chút xíu trắc ẩn nào dành cho P. và mẹ hắn.

 

Tôi đóng hồ sơ case của mẹ P.. Clients của tôi thì nhiều lắm. Ai cũng khổ sở đáng thương hết. Tình thương của tôi dành cho tha thân càng ngày càng vơi cạn. Ngày nào tôi cũng nghe những tiếng khóc, tiếng thở than, tiếng rên rỉ, tiếng trách móc, tiếng nguyền rủa thống hận đời sống...mãi rồi những xúc động thương hại của tôi chai lì đi. Tôi nghe họ nói như cái máy. Tôi vỗ về, an ủi họ cũng như cái máy. Tôi làm việc như một cái máy. Đó là phương thức tồn sinh hữu hiệu nhất của tôi. Nếu không thì quả tim một thời nhạy cảm của tôi đã rạn, nứt, vỡ không biết bao nhiêu đường, mảnh với bao nhiêu là vấn đề khó nghĩ, thương tâm.

 

Trong thời gian này tinh thần tôi tuột dốc kinh khủng. Tôi và N. không liên lạc với nhau nữa. Sau chiều tối đi ăn với P., tôi gọi N. đề nói chuyện nhưng bao giờ cũng nghe cái answering machine trả lời. Tôi đến nhà kiếm N. vài lần, chàng không có nhà. N. không trả mời messages của tôi. N. cố chấp nên tôi cũng lờ đi, không tiếp tục gọi chàng. Tôi nghĩ N. muốn trừng phạt tôi. Như thế thì vẫn còn dễ thở. Rồi tôi nghĩ N. không bao giờ yêu tôi, hoặc đã không còn yêu tôi. Ý nghĩ sau làm tôi chóng mặt, lảo đão. Càng lúc tôi càng nhớ ra những lời nói, những hành động của chàng giúp tôi tự xác định được rằng N. không yêu tôi thật sự bao giờ.

 

“Tình Yêu” mà chàng nói dành cho tôi cũng tương tự như cái trò đùa thời tuổi nhỏ của tôi. Chỉ khác là chàng không “phát huy lòng trắc ần” như tôi đã “cho”. Trò chơi của N. là “phát huy sự chiếm hữu”, nghĩa là N. đòi nhận một cách tuyệt đối tất-cả-tôi.

 

Trong lúc tôi buồn chán, rã rời đến tột độ như thế mà P. vẫn tiếp tục quấy nhiễu một cách đáng ghét. Cứ vài ba buổi tối P. lại gọi điện thoại đến. Lần nào cũng vào mười giờ tối, hắn gọi chỉ để nói “chúc em ngủ ngon”.

 

Trời ơi, cứ mỗi lần hắn gọi đến như thế là tôi giận tới tím mặt. Từ bao giờ tôi là “em” của hắn? Tôi đã dặn đi dặn lại “Đừng đến đón tôi nữa, đừng gọi điện thoại cho tôi nữa, đừng gọi tôi bằng em nữa. Ông làm tôi bực mình lắm.” Hắn vẫn làm như hắn chưa bao giờ nghe. Hắn vẫn tiếp tục gọi điện thoại. Tôi không biết hắn làm gì với những bó hoa vì tôi không bao giờ nhận. Và tôi cũng không bao giờ bắt phone vào buổi tối.

 

Một cách kiên nhẫn kỳ dị, hắn vẫn có mặt ở hành lang bệnh viện dù tôi có nhìn hắn hay không. Và buổi tối, chuong điện thoại vẫn reo mãi vào lúc mười giờ dù có ai bắt hay không. Chỉ nhìn thấy P. tôi cũng đủ lợm giọng rồi. Giọng nói hắn lại càng làm tôi muốn nôn mửa. Tôi không ngăn được sự ác độc càng ngày càng ăn mòn trái tim tôi như một dung dịch acid. Tôi hết cả lịch sự, nói thẳng thừng vào mặt P..

 

“Dù trái đất này không còn một người đàn ông nào tôi cũng chẳng bao giờ đi chơi với ông thêm một lần nữa. Ông đừng uổng công theo đuổi tôi.”

“Em không đi chơi với tôi, nhưng ít ra cũng nhận dùm tôi một bó hoa, cũng để tôi chúc em ngủ yên giấc...”

“Hoa hồng của ông đầy gai. Và những lời chúc của ông làm tôi ngủ trong ác mộng.”

 

Đôi mắt lờ đờ của P. vẫn bám cứng trên mặt tôi như một con đỉa. Mặ hắn buồn thê thảm trong một vài phút ngắn rồi hai hàm răng vàng khè lại nhe cười.

 

“Ông cười cái gì?”

“Câu nói của em ác quá. Nếu tôi không cười thì tôi sẽ khóc. Nhưng tôi không thể khóc được.”

 

Lời nói hắn như nước chảy lá môn không làm tôi động lòng dù chỉ là một thoáng nhỏ thôi.

Cách đây một tuần hắn khoe với tôi rắng mới mua được một khẩu súng. Tôi chợt nhớ tới cuốn phim Fatal Attraction xem xong vẫn còn bực mãi đến giờ vì sự điên khùng vô lý phi nhân của cả “chàng” lẫn “nàng” trong phim.

 

Mua súng để làm gì? Định muốn bắn tôi sao?”

“Không. Đời nào tôi muốn bắn em. Tôi yêu em hơn như thế. Tôi mua để giết tôi đó. Nhưng mà cứ mỗi lần đẩy họng súng vào miệng, ngón tay để lên cò, tôi lại nghĩ đến mẹ tôi. Bà đã bị tê liệt...tôi ước gì bà không tê liệt như vậy để tôi rảnh rang ra đi.”

 

Thói quen nghề nghiệp của tôi trỗi dậy:

“Ông phải đi gặp bác sĩ tâm thần ngay lập tức. Ông không nên nghĩ vớ vẩn như vậy.”

 

P. không còn là P. ngày tôi mới gặp. Dạo đó hắn rất chải chuốt, chưng diện, có lẽ để bù đắp lại sự khiếm khuyết của khuôn mặt và nhân dáng. Càng ngày P. càng thảm hại, tóc không cắt chải, y phục xốc xếch, bẩn thỉu. P. bắt đầu uống rượu và có lẽ uống quá nhiều. Da mặt hắng bủng đi, viền mắt sưng và đỏ kè. Hắn làm tôi vừa sợ vừa mắc cở mỗi khi hắn đến bệnh viện tôi làm việc. Tôi phải giải thích với người gác cửa. Tôi gọi cả cảnh sát để họ mang hắn vào nhà thương tâm trí. Nhưng không ai nhận hắn nhập viện, lý do hắn chỉ bị khủng hoảng tinh thầnh nhẹ, không có gì đáng nguy hiểm. Người ta chỉ cho nhập viện nếu hắn có thể làm hại đến kẻ khác và có tư tưởng tự sát. Cảnh sát lục nhà hắn nhưng không tìm ra môt khẩu súng nào. Họ nghỉ hắn chỉ nói đùa với tôi.

           

Đời sống của tôi không còn yên ổn nữa. P. giết chết hết những buổi chiều, buổi tối mà sự cô độc bình thản là điều mong muốn còn lại của tôi. N. đã đi một tỉnh khác làm việc, chàng viết cho tôi một lá thư rất ngắn để báo tin.

 

*

 

Mấy ngày hôm nay tôi cáo bệnh ở nhà. Đầu óc tôi không tập trung để làm việc được nữa. Lá thư của N. tôi đọc cả trăm lần. Chàng cho tôi số điện thoại chỗ ở mới của chàng nhưng mỗi lần nhấc phone lên tôi lại bỏ ngay xuống. N. lại muốn tiếp tục đùa nữa sao? Và phone cho N. tôi sẽ tiếp tục là trò chơi của N.? Trò chơi mà nếu tôi tham dự, suốt đời tôi phải quì dưới chân chàng?

 

Bây giờ thì P. gọi tôi hầu như liên tục. Tôi không trả lời điện thoại, chỉ để máy answering. Lúc nào cũng là P. “Tại sao em không đi làm việc? Em bệnh thế nào? Cho tôi đến thăm em. Tôi van em.”. “Em có đi bác sĩ không? Em uống thuốc chưa?”. “Nhớ đi ngủ sớm”.

 

Trước cửa nhà tôi không biết bao nhiêu là hoa. Hoa phủ hết những bậc tam cấp. Tôi cứ để ớ đó cho P. biết tôi không muốn nhận.

 

Tôi khóa cửa cẩn thận. Tôi sợ vơ vẩn. Ngay cả tiếng chân của người phát báo, đưa thư cũng làm tôi tự hỏi có phải là P.. N. vẫn chờ tôi điện thoại và tôi nghĩ mối tình chúng tôi sắp đến hồi kết thúc. Có khi tôi nhớ N. tê dại. Có lúc tôi thấy mọi chuyện giữa tôi và N. vô nghĩa đến khôi hài. Có khi tôi hoàn toàn trống rỗng. Có điều tôi bắt đầu sợ sự cô độc đến rợn người. Giam mình trong căn nhà từ sáng đến đêm với từng giấc ngủ ngắn đứt đoạn, tôi thấy mình như một con chuột lủi thủi trong chiếc hầm bỏ hoang, như một bóng ma trong nhà mồ. Như giữa tôi và đời sống con người không còn mảy may liên hệ.

 

Tôi khởi sự sợ. Sợ. Sợ. Sợ. Tôi không sợ trò chơi của N. và khuôn mặt dị hợm của P. bằng nỗi sợ vào chính tôi khi bắt gặp mình mân mê trên tay những viên thuốc ngủ.

 

Đến ngày nghỉ thứ tư thì tôi không còn chịu nổi. Ngày mai thế nào tôi cũng phải đi làm lại. Nhưng mà còn cả một buổi tối! Đêm hôm qua tôi nằm mơ thấy P. trong hình thù một con chim bằng đá xanh. Khuôn mặt vẫn là của hắn với hai con mắt nhỏ lờ đờ và chiếc miệng rộng hóa, nhưng lại xanh ngắt màu xanh của ngọc thạch pha lẫn màu lá cây. Mặt hắn trùm phủ một vẻ tuyệt vọng ghê rợn làm tôi kinh hoàng mỗi khi nhớ lại. Hắn bay vút về phía tôi với một tốc độ nhanh dữ dội. Và trong giấc mơ tôi đứng đó như trời trồng, vô vọng, không thể nào tránh né.

 

Tôi gọi N., chàng không có nhà.

Tôi nghe đi nghe lại bài hát Meaning of the Word của R.P. & R.F., L. Branigan hát.

 

“Two people to proud to give

Afraid of what the heart demands

Two of a kind

We made up our minds to live without the ties that bind

Each to each

No surrender

Out of reach, where not one tender sound was heard

Not a cry or a whisper

No farewell

Nothing spoken

Silence fell

While hearts were broken

No one stared

Was it LOVE?

Did we everknow the meaning of the Word?

...

Don’t know where you are tonight

Or how tôi tell the things we say

From what we mean

Or why we could never cross the distance in between...”

 

Tôi lại gọi N.. Chàng vẫn chưa trở về. Ngọn đèn vàng góc phòng toả ánh sáng mỏng yếu, buồn rầu. Cái máy hát kêu “cạch” một tiếng ngắn và nằm im, trả tôi về với niềm hiu quạnh chơ vơ.

 

Tôi lại quay số điện thoại của N. sau mỗi năm ba phút, không còn tự chủ được bàn tay cho khỏi run.

Khi điện thoại đột nhiên reo, tôi nhào tới như kẻ đói khát lâu ngày vừa được mời ăn.

 

Giọng mẹ P. nức nở làm tôi khựng người.

 

P. vừa gặp tai nạn xe hơi trên xa lộ. Hắn đâm đầu vào một chiếc xe vận tải lớn đi ngược chiều. Hắn uống rượu quá say và lái xe quá tốc lực. Bác sĩ nói có lẽ hắn không thể sống được.

Mẹ P. nài nỉ tôi đưa bà đến gặp P. trước khi P. chết. Tôi nói như người mất hồn “Cháu sẽ đến ngay” và bỏ máy nghe xuống. Từ đây chiếc điện thoại này sẽ không còn reo mỗi mười giờ đêm!

 

*

 

Tôi kinh hoàng ngồi như cái tượng đá. Tôi biết mẹ. P. đang chờ. Nhưng hai chân tôi bỗng dưng giống như hai chân mẹ P., tê liệt không thể di động được.

 

Mắt tôi mở tôi nhìn vào khoảng không. Tôi thấy từ khoảng không đó đôi mắt ti hí buồn thảm của P. sau chiếc gương cận dày cộm. Tôi thấy cái miệng rộng của P. đang nhe răng cười. Tôi thấy cái dáng đi lủi thủi, chiếc lưng hơi khòm xuống của P., và nhớ lại có lần tôi thầm ví P. với hình ảnh của “thằng gù nhà thờ đức bà”.

 

Tôi thấy P. thiểu não chìa bó hồng về phía tôi. Gió thổi mái tóc bù rối của P. dựng đứng lên. Gió thổi những-cánh-hoa-của-P. rụng rơi lả tả. Gió thổi tiếng nói khàn yếu của P. “Ít ra cũng nhận dùm tôi bó hoa...”. Tất cả lọt thỏm, nhỏ tí, mờ dần...trong một nền trời càng lúc càng xám hẳn.

 

Đêm đột nhiên sâu hút. Mọi sự giống như một cuốin phim đang chiếu đột ngột đứt ngang. Đèn bật lên. Màn ảnh trắng trơ, trống hốc. Tất cả đều rơi hẫng trong một sự im lặng lạnh lẽo kỳ dị.

 

Và chỉ có một mình tôi. Giữa những hàng ghế trống./.

  

Toronto, Canada

 

Trân Sa
Số lần đọc: 1485
Ngày đăng: 23.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trăng Lý Bạch - Đặng Kim Côn
Khói - Vũ Lập Nhật
Cuộc Chơi - Lữ Quỳnh
Tiếng Gọi ThẦm - Trần Minh Nguyệt
Trên Cõi Sương Mù - Châu Văn Thuận
Vịt và người - Phạm Toàn
Lão Hạ - Kinh Dương Vương
Tiếng Cười Đoàn Viên* - Khuất Đẩu
Sông Núi Trở Màu - Đặng Kim Côn
Những Mảnh Vỡ (22) - Nguyễn Thị Hậu