Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.163
123.203.530
 
Nước Mắt Bỏng
Hà văn Thùy

 

-  Tiên sinh, tiên sinh!

Dường như có tiếng ai đó vọng đến bên tai. Trong vô thức, gã mang máng nhận ra đấy là ngôn ngữ truyện Tàu hay trong vở tuồng nào đó. Làm gì có kiểu xưng hô cổ lỗ thế ở cái thế kỷ văn minh cùng mình này? Gã vẫn im lặng cúi đầu suy nghĩ.

-  Trần tiên sinh, Trần tiên sinh!

Lần này tiếng gọi rõ ràng là hướng về gã, hình như còn kêu đúng họ gã nữa. Rời khỏi trạng thái trầm tư mặc tưởng, gã ngẩng nhìn. Thất kinh, đứng trước mặt gã là người đàn ông tầm thước, khuôn mặt gầy nổi rõ góc cạnh, vẻ phong sương, cặp mắt hơi xếch dưới đôi mày rậm của một võ tướng. Càng lạ lùng hơn khi gã nhận ra chiếc khăn xếp trên đầu và áo lương đen phủ quần ống xớ màu trắng cổ xưa của người đàn ông. Người lạ nhìn gã chăm chăm, mặt buồn rượi. Nhận ra vẻ bối rối của gã, ông ta nói:

- Tiên sinh không nhận ra tôi sao?

Trong ngữ điệu câu nói, dường như có ý trách móc. Gã há mồm ngạc nhiên:

- Ông là?... Có thể gọi người lạ bằng bác thậm chí bằng anh vì anh ta còn trẻ, đang độ tráng niên, nhiều lắm cũng trong vòng tuổi “băm”. Nhưng do cách xưng hô cổ lỗ của khách và bộ quần áo anh ta mặc, gã phải chọn trong đám đại từ nhân xưng rối rắm của tiếng Việt được từ “ông” và ấp úng: "Ông… ông là..."

Sắc mặt người đàn ông hơi nghiêm lại:

- Tiên sinh mau quên quá. Tôi xin nhắc lại để tiên sinh nghe. Tiên sinh biết tôi rõ quá mà! Tiên sinh từng làm thơ về tôi, từng viết kịch về tôi và mới đây tiên sinh còn có bài luận, giọng văn hùng hồn lắm.

 

Nghe tới đó, gã tái mặt, sụp xuống chân người đàn ông, dập đầu vái như tế sao:

- Cụ Nguyễn, cụ Nguyễn! Cắn cỏ lạy cụ trăm lạy, xin cụ xá tội, con có mắt như mù, không nhận ra ngài tuy có lúc cũng ngờ ngợ.

Cúi người xuống, hai tay ân cần đỡ gã dậy, cụ Nguyễn nói ôn tồn:

- Ðừng, đừng làm vậy, tiên sinh!  Ðâu phải quỳ lạy mới là tôn kính? Vả tiên sinh cũng đừng gọi tôi bằng cụ. Những người thiên cổ chúng tôi không có tuổi. Dù hơn trăm năm đi qua nhưng tôi vẫn chỉ là tráng niên, trẻ hơn nhiều so với tiên sinh bây giờ. Kêu ngài là tiên sinh, tôi có cân nhắc cả.  Ở tuổi tác tiên sinh một phần, phần nhiều hơn ở lòng tôn trọng với người có học, với bậc văn nhơn. Tiên sinh biết đấy, dân chài dân ruộng chúng tôi vốn ít chữ. Càng ít chữ chúng tôi càng tôn trọng người học vấn. Tiên sinh nên kêu tôi như lúc đầu, như vậy phải hơn. Nhưng mà thôi, đừng để việc vặt làm mất thời giờ quý báu của tiên sinh, xin đi vô câu chuyện. Ðến thăm tiên sinh bữa nay tôi có hai điều sở nguyện. Thứ nhứt là cảm ơn tiên sinh và sau nữa, muốn cậy tiên sinh một việc. Tiên sinh chớ lấy làm lạ. Tôi cảm ơn tiên sinh cũng là phải đạo. Tôi có hy sinh thực nhưng tôi coi là bổn phận của mình, tôi đâu dám lấy đó làm công, càng không dám ỷ y chờ hậu thế mang ơn. Nói cho cùng, cái sự hy sinh ấy đâu chỉ mình tôi mà hàng ức triệu người. Cái chết nào cũng là cái chết. Tôi biết ơn tiên sinh trước hết ở tấm lòng. Tiên sinh dành cho tôi lòng yêu mến chân thành. Ðiều nữa, đáng quý hơn là tiên sinh hiểu tôi. Kính trọng sùng bái có nhiều, nhưng người thực hiểu mình đâu có bao nhiêu?! Tiên sinh thuộc vô cái số không nhiều ấy. Cổ nhơn gọi là tri âm. Như vàng mười, như ngọc quý, tri âm tri tâm bao giờ cũng hiếm. Tôi biết, người đời băn khoăn nhiều về hành trạng của tôi ở Phú Quốc: Tôi bị bắt, đầu hàng hay nạp mình? Người đời đã tranh biện nhiều và sẽ còn tranh biện. Có người nói tôi làm mất khí tiết. Ðàng nào cũng chết sao không đánh đến cùng để chết giữa trận mạc? Hay thậm chí tự vẫn để toàn phẩm giá! Họ coi tôi như kẻ chiêu hồi. Ngược lại, có người vì quá yêu lại nói rằng tôi đánh tới cùng rồi bị thương, bị bắt. Họ muốn tránh cho tôi tiếng xấu đầu hàng. Giữa hai luồng ý kiến ấy, giữa mê hồn trận của những ý đồ áp đặt và cơ hội ấy, tiên sinh đã trung thực gọi đúng tên sự vật. Việc làm cuối cùng của tôi ở Phú Quốc không thể gọi khác hơn là sự đầu hàng. Chấp nhận sự thật trần trụi và đau lòng ấy, tiên sinh cũng là người đốt bùng lên cái ý nghĩa triết học, ý nghĩa thẩm mỹ - như lời lẽ của tiên sinh- của hành động đó. Xin thú thực, khi yêu cầu một nghĩa quân trói mình lại để ra hàng, tôi chưa nghĩ tới những điều cao siêu như vậy. Tôi chỉ nghĩ đơn thuần: thế đã đến nước cùng, chỉ có đầu hàng mới cứu được mẹ tôi cùng sĩ tốt vô tội. Sau cái việc làm chẳng đặng đừng ấy, tôi quyết đền nợ nước. Nhưng thưa tiên sinh, nếu việc làm của tôi có được cái ý nghĩa như ngài đã biểu dương thì tôi cũng chẳng vì lý do gì mà chối từ. Nhân đây cũng xin thưa, trong bài thơ, tiên sinh mô tả tôi lấy dây rau muống biển trói mình. Ðiều này quả không có. Nó quá lãng mạn đối với kẻ võ biền như tôi. Nhưng không sao, tôi cũng chẳng phiền trách gì. Nếu như nó làm đẹp được phần nào cho thơ ca, xin tiên sinh cứ việc!

Nói tới đây ông Nguyễn khẽ cười, nụ cười thật hiền, đầy cảm thông và độ lượng.

- Thưa ông Nguyễn, gã đánh bạo lên tiếng, tôi không sáng tạo. Ðấy là truyền thuyết…

- Phải, truyền thuyết! Ông Nguyễn gật gật đầu. Tự bao giờ, truyền thuyết tồn tại trong dân gian như vỏ sò trên bờ bể. Cái công của nghệ sĩ là biết nhặt mảnh vỏ sò ghép nên bức tranh. Việc mà tiên sinh làm, đó đích thực là kỳ công của nghệ sĩ! Xin tiên sinh yên tâm, chẳng việc gì phải áy náy...

Ông hơi cúi xuống, gật gật đầu như tán thưởng câu nói chí lý của mình. Rồi đổi tư thế, chân phải đưa ra trước, hai tay chắp nhau đặt trước bụng, ông nhìn gã bằng cặp mắt xếch nghiêm nghị.

-   Rất cảm ơn tiên sinh, nhưng tôi cũng có một sở nguyện xin được tiên sinh chiếu cố. Tiên sinh biết đấy, hồi ở Hà Tiên tôi làm việc với quan Tuần vũ họ Huỳnh. Rất may mắn được gần cụ, tuy chẳng bao lâu nhưng Trực tôi rất trọng cụ. Sau này, Cụ cũng có lòng với tôi trong bài thơ điếu. Tư chất của cụ, cả khi đó cả sau này khiến tôi kính sợ. Tôi càng thấm lời răn của tiền nhơn: phải biết kính sợ các bậc văn nhơn! Vậy nên bữa nay, cũng với tấm lòng như thế, tôi tới gặp tiên sinh. Tôi biết rằng, chỉ tiên sinh mới đáp ứng được sở nguyện của tôi. Không có người thứ hai đâu, tiên sinh nhớ cho. Và tiên sinh cũng nhớ điều này: Trực tôi không ép buộc mà hoàn toàn sở cậy nơi lòng tự nguyện của tiên sinh…

 

Trong khi nói những lời trịnh trọng ấy, ông Nguyễn nhìn thẳng vào mắt gã

- Xin hỏi tiên sinh có ý kiến gì về cái gọi là mộ và hài cốt Nguyễn Trung Trực ?

Theo phản xạ tự nhiên, gã lướt nhìn ông Nguyễn thật nhanh rồi cúi mặt, không dám nhìn đáp lại luồng nhỡn quang sáng rực tỏa ra từ mắt ông. Tim gã đập đổ hồi và nỗi lo ập tới, nỗi lo của kẻ tội đồ trước còng số 8. Và rồi như bất cứ kẻ hèn nào khác, gã ấp úng:

- Thưa, thưa ông Nguyễn, tôi được biết, trong khu đình thờ ngài có ngôi mộ xây rất mô-đec, có đề chữ "Anh hùng Nguyễn Trung Trực" và thưa ông Nguyễn, như nhiều người dân Rạch Gía, tôi được chứng kiến cuộc rước hết sức long trọng hài cốt ông Nguyễn từ Nhà Bảo tàng tỉnh về đình. Vâng, cuộc rước long trọng lắm. Có cờ, có biển, có kiệu, có lọng, có trống khua, kèn thổi, có cả cảnh sát đi xe Huê Kỳ dẹp đường. Sau đó, đọc nhựt trình, người ta còn  biết, Nhà nước có sắc chỉ công nhận đình và mộ là di tích lịch sử…

 

Ông Nguyễn cười mỉm:

- Biết, điều đó tôi biết, nhưng tôi muốn hỏi suy nghĩ thực của tiên sinh trước những cái diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật ấy? Im lặng nhìn gã ý nhị, ông chậm rãi nói tiếp: Tiên sinh đừng dấu. Tiên sinh thừa hiểu đang nói chuỵện với ai. Bữa nay tôi rời bỏ chiếc ngai của thánh thần về đây đối thoại với tiên sinh như giữa những con người. Ðã coi tôi là thánh thần, xin tiên sinh đừng lấy vải thưa...

 

Ðôi mắt ông Nguyễn nhìn gã cười, vừa có vẻ bỡn cợt vừa có phần khích lệ. Rồi ông lại gật gật đầu:

-  Thôi được, để tôi giúp tiên sinh vậy. Thưa ngài cử nhơn bác vật học, ngài nghĩ gì khi chính mắt ngài nhìn ngắm nắm xương tàn được gọi là “hài cốt Nguyễn Trung Trực”?

Gã choáng người gần như muốn xỉu. Ðúng là tài thánh, không phải thánh thì sao ổng biết được mình đã từng mài đũng quần trên ghế giảng đường ? Hoảng quá, lòng ham sống sợ chết ứ lên, lấp cả trí khôn, gã lắp bắp:

- Ông… ông Nguyễn thường vặn họng người ta phải không ạ ?

Buột miệng nói xong, gã biết ngay là mình lỡ lời, ngu quá, thậm ngu. Gã tự rủa xả, nhưng nhất ngôn xuất khứ… Ông Nguyễn sựng người như bị vấp. Ông lắc lắc đầu tỏ vẻ không hài lòng rồi hỏi lại:

- Tiên sinh, bậc trí giả cũng tin vậy sao? Không đợi trả lời, chắp tay sau lưng, ông bước những bước ngắn quanh phòng rồi dừng lại trước mặt gã. Không nhìn gã, đầu hơi cúi vẻ suy tư. Trăm năm nay người ta đã tin vậy. Họ cho tôi là kẻ giết người, là tên đồ tể vặn họng người như vặn họng gà. Không, không, ông xua xua tay, ngoài cái việc bắt buộc phải làm là vặn họng mấy thằng Lang-sa, Trực này chưa từng vặn họng ai khác. Ông Nguyễn ngẩng nhìn: mong tiên sinh có dịp nói với người đời điều đó. Trực này chưa từng vặn họng ai. Nhưng tiên sinh cũng nhớ cho một điều: tôi nói chưa chớ không nói không vì giữa chưa và không khác nhau xa lắm. Nhưng thôi, ta trở lại câu chuyện chính. Giờ đây tôi cần câu trả lời của tiên sinh. Nói rõ hơn là cần tấm lòng trung thực của tiên sinh!

 

Ông Nguyễn đưa tay trái lên vuốt mặt. Có  lẽ đó là một thói quen. Gã chợt loé mắt vì luồng ánh sáng vàng chóe phát ra từ cổ tay ông.  Và gã sửng sốt nhận ra chiếc đồng hồ đắt tiền mà từ đầu tới giờ bị ống tay áo dài đen che lấp. Có lẽ thấy bộ dạng tức cười của gã, ông Nguyễn liếc nhìn chiếc đồng hồ rồi ngượng ngùng phẩy tay:

- Chuyện vặt, tiên sinh đừng chấp! Qua lại Hòn Chông, thứ nầy như vỏ sò, tôi nhận một trong những cái người ta đem cúng. Nó thiệt cần vì bây giờ không còn tin được lũ gà trống nữa, mà giờ giấc nơi âm giới quá sít sao!

Cúi đầu xuống để tránh cái màu vàng ám ảnh của chiếc đồng hồ, gã nói với vẻ lo lắng:

- Thưa ông Nguyễn, ông đặt tôi trước hai điều lựa chọn mà thực ra chẳng thể chọn lựa được gì: chém đầu hoặc treo cổ! Không nói thì phạm tội với thần thánh, nói thì mắc tội với thế quyền. Thưa ông Nguyễn, dầu sao thì tôi cũng là một con người, chỉ một lần da đến thịt. Tôi lại còn vợ, còn con. Xin ông Nguyễn tha cho!

 

Vừa ấp úng nói gã vừa lấm lét nhìn ông Nguyễn với vẻ hoảng sợ van lơn của con chó sắp bị đem cắt tiết. Tránh cái nhìn thảm hại của gã, ông Nguyễn ôn tồn:

- Tôi biết, tôi biết, thưa tiên sinh. Ðó là việc khó khăn và hệ trọng. Sự thật mất lòng. Trực tôi cũng biết, trong thâm tâm nhiều người không tin vào những gì họ chứng kiến. Bên cạnh những kẻ nông nổi, nhẹ dạ, cả tin sì sụp quỳ lạy trước ngôi mộ, không ít người bước qua nó với vẻ dửng dưng, trong bụng vừa xót xa vừa cười nhạo trò đời dối trá. Trực tôi cũng hay chuyện một số vị lão thành đã có cả văn thơ gởi cơ quan hữu trách phản đối việc này. Dư luận đã ồn lên một dạo nhưng rồi cũng chìm đi như bao nhiêu sự im lặng đáng sợ ở đời. Tôi hiểu, họ vấp phải thế lực quá mạnh. Mặt khác, những con người già cả ấy cũng như tôi, vốn ít học. Họ có tấm lòng, có dũng khí nhưng thiếu hiểu biết cùng sự khôn ngoan. Chẳng những thế, họ còn mắc tội thái quá. Thái quá thì bất cập. Rõ ràng, người ta đã đào mộ vào ban ngày, giữa lúc mặt trời chính ngọ. Và hài cốt trong đó là hài cốt người An Nam, nào phải của thằng Tây! Chính cái bất cập này làm hại họ. Và họ đã chịu thua trước những lời lẽ ngụy tạo và uy danh của đám học giả! Thưa tiên sinh, sự đời là thế đó. Người dám nói thì không đủ khôn ngoan. Kẻ khôn ngoan thì không dám nói! Cũng có thể nói, mấy ông già trong Hội Kháng chiến cũ thất bại chính là do sự im lặng của tiên sinh. Ôi, tôi hiểu, đó cũng là thường tình của người đời… Nhưng có điều, chắc tiên sinh cũng đồng ý với tôi là từ sự thất lợi của các ông già mà việc ngụy tạo được củng cố thêm. Giống như thứ vi trùng, liều thuốc không đủ mạnh sẽ làm chúng lờn thuốc, sống dai hơn. Thắng thế bước đầu, để giỡn mặt các vị, người ta còn định dùng đá quý Hà Tiên điểm trang ngôi mộ nữa, dùng cái đẹp, cái đắt tiền che lấp sự dối lừa. Phải chăng họ hy vọng vì thế mà giả sẽ thành chân?  Thưa tiên sinh, ngày nay đã thế, còn sau này? Cái giả trá có mặt thường trực sẽ dần dần hóa thật! Người ta vẫn ngày ngày nhang khói, năm năm tế lễ. Rồi sẽ tới ngày, nếu tiên sinh dám nói lên sự thật thì chẳng ai tin nữa. Người đời sẽ nói tiên sinh là khùng, là điên và người ta sẽ xua đuổi, sẽ ném đá vào tiên sinh để bảo vệ tín điều của họ! Vì vậy, thưa tiên sinh, sự việc càng nghĩ càng hệ trọng. Hôm nay hoặc sẽ không bao giờ! Tất cả tùy thuộc ở như tiên sinh...

 

Ông Nguyễn lại nhìn gã chăm chăm rồi gật gật đầu:

- Thôi được, nếu không muốn nói trước đám đông thì tiên sinh nói riêng với tôi vậy. Và tiên sinh cứ giữ lấy bí mật của mình. Trực tôi hứa tuyệt đối giữ kín cuộc nói chuyện bữa nay. Như vậy sẽ tránh cho tiên sinh khỏi bị vặn họng mà cũng không sợ chém đầu!

Biết mình đã bị dồn tới chân tường nhưng do tính lươn lẹo của thằng trí thức hèn, gã đánh bài sạo:

- Thưa ông Nguyễn, giọt màu sẻ đôi thành hai giọt máu nhưng bí mật chia đôi đã bật mí mất rồi! Hơn nữa, cuộc đời đã dạy tôi biết sợ. Vừa nói, gã vừa nhìn như bị hút vào cái vật vàng chóe trên tay ông Nguyễn, trong bụng nghi ngại, biết đâu, ông này trong khi qua lại Hòn Chông chả "chôm" được chiếc cassette mi-ni, quà vi thiềng của những đại gia buôn lậu cỡ Bỉnh Họt, bây giờ gài sẵn trong mình? Có đồng hồ, ông tha gì cassette?!

 

Thấy vẻ kỳ khôi của gã, ông Nguyễn cúi xuống, hỏi:

- Tiên sinh còn ngại điều gì nữa?

- Ông, ông Nguyễn có mang theo máy nghe lén không ạ? Miệng gã lắp bắp run rẩy.

- Máy nghe lén? Ông Nguyễn đứng thẳng dậy, ngây người ra một lúc rồi gật gật đầu: À, à, tôi hiểu, chắc tiên sinh nghi rằng, tôi đã nhận đồng hồ tất sẽ có cassete mà biết đâu còn có cả camêra nữa? Ông Nguyễn bật cười lớn, tiếng cười sảng khoái. Khà khà, đáng thương cho cái bụng thường tình của con người! Hẳn tiên sinh cho tôi là tay trùm buôn lậu hay một kẻ nhận hối lộ đáng nguyền rủa? Lại chuỗi cười dòn dã. Sau tiếng cười vang, ông Nguyễn lắng lại hồi lâu rồi nói như tự nói với mình: Ta hiểu, ta hiểu cái lòng, cái ruột con người. Hóa ra cả tới bậc văn nhơn cũng không thoát khỏi thói nghi kỵ tầm thường ấy? Thật đáng thương, thật đáng thương! Nhìn chiếc đồng hồ với vẻ diễu cợt, ông thở dài: Cái đồ quỷ này khiến ta phải lấn bấn! Đoạn ông nhìn gã:

-  Sự nghi ngờ của tiên sinh không phải không có cơ sở. Quả là khi bước lên Hòn Chông, đồn trại cũ của ta, bây giờ là thương cảng lớn, ta thấy từng kho từng đống đồ lạ ngoại bang. Trong những thứ đắt tiền ấy, ta còn biết có 24 thùng mang bí số A3 và A5. Nghe nói là quan thuế đã khui ra để kiểm tra liền có lệnh phải đóng kín lại và hủy luôn biên bản vì trong đó chứa “công cụ bảo vệ an ninh quốc gia” gồm giấy chùi đít, quần lót đàn bà, xà bông tắm ghẻ… Ta còn nhớ lúc đó ta thấy lo: cái trôn của con cháu ta bây giờ hư hỏng, phải bịt bằng xì-líp ngoại bang, phải xài giấy chùi nhập cảng. Ta cũng tội nghiệp cho con cháu vì ghẻ, vì lác quá xá mà phải xài đến xà bông tắm ghẻ tận Tây dương. Nói thiệt cùng tiên sinh, ta vốn không tò mò, mà ta cũng chẳng cần gì máy nghe lén. Nhưng thôi, để tiên sinh yên lòng, mời tiên sinh coi đây!

 

Bất đồ ông Nguyễn vén áo lên. Trong khảnh khắc, tấm thân gầy gò của ông với những vết sẹo chằng chịt phô ra. Thương ông quá và cũng sợ quá, gã vội quỳ sụp xuống dưới chân ông, dập đầu lạy rối rít. Nâng gã ngồi lên ghế, ông nói ôn tồn:

- Ðừng chấp chi chuyện vặt, tiên sinh. Chúng ta phải sòng phẳng. Bây giờ đã hiểu nhau, xin tiên sinh...

Thấy để ông Nguyễn đứng mãi e mắc tội, gã xin nhường chiếc ghế duy nhất trong phòng cho ông. Ông Nguyễn xua tay:

- Ta đứng quen rồi!

Tất cả các trò đánh trống lảng hòng chạy xịt của hắn bị bể mánh. Không còn cách nào khác, gã đành thú thật:

- Thưa ông Nguyễn, đúng là tôi có được nhìn thấy bộ xương mà người ta gọi là “hài cốt Nguyễn Trung Trực”. Chỉ mới thoạt nhìn, tôi hiểu ngay rằng đó chẳng phải xương ông Trực nào ráo trọi  cũng như chẳng phải xương tôi vậy. Tôi nâng hộp sọ trên tay và ngắm nghía ba cái răng hàm trên bên trái còn sót lại, những cái răng mà sau này người ta gọi là “ba cái răng cùn”. Ðúng là chúng cùn thật. Căn cứ vào độ mòn của mặt răng, tôi hiểu, chủ nhân của chúng đã hưởng lộc trời tới hơn phân nửa cái giới hạn ba vạn sáu ngàn ngày của cõi nhân sinh. Rồi căn cứ theo cấu tạo xương đỉnh, tôi biết chủ cái sọ lúc thiếu thời được hưởng cuộc sống sung túc. Vóc dáng cao lớn của bộ xương cho thấy chủ nhân của nó phải là quan lại hay chí ít cũng là phú ông quá chừng no đủ, điều mà ông chài Lịch không thể nào có được!

Vừa nói, gã vừa lo lắng quan sát nét mặt ông Nguyễn. Ông chăm chú nghe rồi gật gật đầu như vừa lòng:

- Cảm ơn, cảm ơn tiên sinh! Ta mừng là đã chọn đúng người. Rồi ông chuyển giọng trầm ngâm, xin tiên sinh bỏ quá, trong những điều tiên sinh vừa nói, cái can hệ là bộ răng. Ta về trời khi vừa ba chục tuổi, còn đây, như tiên sinh mô tả là bộ xương của một ông già! Vì vậy, ta hỏi tiên sinh: những người cả quyết đó là hài cốt Nguyễn Trung Trực, chứng lý của họ ra sao?

- Họ bảo: Một người đáng tin cậy chỉ cho họ một ngôi mộ, nói là mộ Nguyễn Trung Trực. Ðào lên, thấy xương thì đích thị đó là xương ông Nguyễn. Ðể chắc ăn, họ nói thêm là “lãnh đạo đã nhất trí rồi!"

- Ðơn giản vậy thôi sao?

 

Ông Nguyễn nói nhỏ như tự nói với mình. Họ không chịu nhớ rằng, có thời, viên chủ tỉnh Rạch Giá, họ Nguyễn, nhận là hậu duệ của ta, dám treo giải một triệu đồng cho ai kiếm ra hài cốt ta mà thiên hạ đành chịu chết thèm đó sao? Mà ngôi mộ có ở đâu xa, nó nằm đấy bao nhiêu năm, được quây bằng lòi tói sắt, trải bao nhiêu trào, khi kêu Toà bố, lúc gọi Ủy ban, có lúc ông chủ tỉnh xây chuồng heo trên đó... Ðoạn ông ngẩng lên hỏi:

- Ta còn nghe nói, họ có phép gì giảo nghiệm hài cốt linh lắm phải không?

Gã ngẩn người ra nghĩ lúc lâu mới hiểu:

- Dạ, thưa có, nghe nói là họ đưa tới tận Ðức quốc để xét nghiệm bằng C14, kết quả đúng boong xương ông Nguyễn, người ta bảo thế!

Ông Nguyễn nhếch mép mỉm cười, lắc đầu:

- Xin hỏi thực tiên sinh, chớ người ta bày đặt ra cái trò mồ mả với xương cốt này để làm gì? Cổ kim thiếu gì kẻ chết chẳng toàn thây? Cứ để ta yên như từ trước chẳng được sao?

- Thưa, theo thiển ý, có lẽ hiện nay võ nghiệp được tôn vinh. Khắp nơi xây đài, dựng tượng chứng tỏ lòng tri ân với tiên liệt. Còn gì hay ho hơn, công lao hơn và giật gân hơn là tới trào mình tìm được hài cốt vị anh hùng được dân mến mộ sau hơn trăm năm bị vùi lấp? Hậu thế đầy tội lỗi luôn mặc cảm về tội lỗi của mình. Ðáp đền tạ tội là xu hướng tự giải thoát của tâm linh. Nhưng thưa ông Nguyễn, lòng người vô tận, vô cùng. Biết đâu có thể một ai đó trong những giờ suy tư trằn trọc, đã tìm ra giải pháp mà họ cho là đắc sách nhất: lấy lòng dân chúng bằng cách ăn theo nắm xương tàn?! Nói cho ngay, đó cũng là một kiểu buôn lậu. Ngày xưa Lã Bất Vi buôn vua, ngày nay người ta buôn xương lính Huê Kỳ. Bộ xương anh hùng dân tộc đắt giá hơn sao lại không thể thành hàng hoá? Và để ngon hơn, để khuếch trương lãi suất, họ còn gắn bảng danh dự, ông này đặt viên đá đầu tiên, ông kia vẽ kiểu… để xí chút phần vào sự bất tử!

-  Ðại tội, đại tội! Ông Nguyễn kêu lên. Ðại tội là dối lừa cả con người lẫn thần thánh! Trực tôi còn nhớ, trong vở kịch của mình, tiên sinh từng lên án những kẻ buôn thần bán thánh, lợi dụng tôi để hành nghề mê tín dị đoan. Họ có tội thật, nhưng suy cho cùng, vì sinh nhai, vì chén cơm manh áo, họ phải bịp bợm, mà nhiều lắm cũng chỉ dối lừa hàng trăm người. Còn ở đây, những kẻ chẳng phải vì manh áo, chén cơm mà vì ham danh chuộng lợi đã bới lên nắm xương tàn chẳng phải của ta để lừa cả triệu người, lừa cả lịch sử và hậu thế, lại cả gan bỡn cợt cả thần linh. Những kẻ đó tội gì?

 

Nãy giờ gã lo sợ nghĩ rằng ông Nguyễn sẽ nổi giận quát tháo và cơn sấm sét sẽ trút xuống đầu kẻ bất hạnh là mình. Nhưng không ngờ giọng ông vẫn ôn tồn, sâu lắng, mang âm hưởng của nỗi đau thâm trầm.

- Ta muốn nói điều này nữa, tiên sinh chưa đề cập nhưng ta thì nhức nhối trong lòng. Ta đã đến Tân Hội, đã qua Tà Niên, An Biên, đã ra Phú Quốc. Ở đâu ta cũng thấy xóm ấp tiêu điều lê dân bần bách, đám cường hào mới nổi lên như ong tận hang cùng xóm vắng đè đầu cưỡi cổ dân đen. Trái ngược với cảnh lam lũ của lê dân là một lớp người sống phè phỡn, lợi dụng chức quyền tham ô, hối lộ buôn gian bán lậu. Hòn Chông nơi ta luyện quân dựng trại biến thành tụ điểm của lũ gian thương. Và ngay trước ngôi đình thờ ta đây, ngày ngày tàu ra tàu vô chở gì trong đó? Ác hại thay, để chạy tội, chúng bày đặt ra những công trình thế kỷ… Chúng còn cả gan nấp sau bia mộ của ta, nấp sau máu ta để che đậy bộ mặt sâu dân, mọt nước của chúng. Ôi, tiếc thay! Gã thót tim vì thấy mặt ông Nguyễn nghiêm lại một cách đáng sợ. Tiếc thay, đó không phải mộ ta. Nếu đúng là mộ ta, hẳn ta sẽ đội mồ đứng dậy vặn họng hết bọn chúng! Tiên sinh thử nói xem, những kẻ đó tội gì?!

 

Gã tưởng khi nói những lời đó, ông Nguyễn sẽ thét lên phẫn nộ, nhưng không, giọng nói ông chỉ rắn đanh lại như âm thanh của sắt thép bị kìm nén.

- Thưa ông Nguyễn, tội của họ, gã ấp úng, với thần linh, sẽ được luận theo luật âm phủ. Vạc dầu, hỏa ngục, chó ngao… là việc của Diêm vương. Còn nơi cõi người, chúng tôi cũng có Bộ luật hình sự. Nhưng xin thưa, luật nào cũng chẳng bằng lệ. Có lẽ cùng lắm họ cũng nhận được quyết định xử lý nội bộ! Nhưng thưa là tôi đã lạm bàn vì điều đó ngoài vòng hiểu biết của kẻ hèn này!

-  Ta hiểu, ta hiểu, tiên sinh yên lòng! Ông nhìn thẳng cặp mắt xếch với đôi mày rậm vào gã.  Cảm ơm, cảm ơn tiên sinh đã nói thực lòng. Những điều tiên sinh vừa nói chẳng phải ta không biết. Ta chỉ muốn thử tiên sinh và cũng qua việc thử thách này, ta muốn kiểm tra sự hiểu biết của tiên sinh. Ta hài lòng. Tiên sinh thấy đó, mục đích của ta chẳng phải là tìm kiếm sự thật mà là tìm người có khả năng nói ra sự thật. Tiên sinh có đủ can đảm để nói ra những gì đã biết không?

 

Thấy gã cụ cựa, ông Nguyễn giơ tay ra:

- Khoan, để ta nói hết. Tiên sinh đừng cho là ta lật lọng. Ðúng là lúc nãy ta có bảo tiên sinh nói riêng với ta. Ta vẫn giữ cam kết ấy, không ép buộc tiên sinh cũng không đem những điều tiên sinh vừa nói để đối chất! Ðó không phải việc của ta. Nhưng ta có quyền yêu cầu tiên sinh phải nói ra sự thật. Tiên sinh nghĩ gì trước nắm xương bị đánh tráo? Tiên sinh có thấy người dân trung hậu đáng thương bị xúc phạm tới cỡ nào không? Trong đời ta, ta chưa bao giờ chứng kiến sự dối lừa bẩn thỉu và tệ hại đến vậy! Nói ra sự thật này là nghĩa vụ và trách nhiệm của tiên sinh! Không phải bỗng dưng mà đất nước nghèo khó nầy hội nơi tiên sinh hai nguồn tri thức: vừa là bác vật học, vừa là văn nhơn. Không ép buộc nhưng ta nhân danh tổ tiên và sự thật nhắc tiên sinh về sứ mệnh của mình. Dân chài đánh cá, dân ruộng đi cày không ai nuôi tiên sinh bằng cá giả gạo giả! Vì vậy, sống trên đời, hưởng lộc tự trời đất, tiên sinh không được viết giả! Không thể nuôi sống con người bằng sự giả dối!

 

Ông Nguyễn vẫn  nói bằng giọng ôn tồn, nhưng gã cảm thấy nghẹt thở bởi sức nặng của những lời, sức xiết bóp của những tiếng chẳng khác nào tiếng xiết của sợi dây treo cổ.

- Khó, rất khó ! Sau khi bước một vòng quanh phòng, ông Nguyễn trở lại trước mặt gã. Quả là Trực tôi đã đẩy tiên sinh vào tình thế khó khăn. Chắc tiên sinh cũng tiên lượng, trước cả khi sấm sét, búa rìu của thế quyền ập xuống thì đao bén, dáo nhọn đã kề sẵn bên rồi. Cú đòn của những kẻ cùng hội cùng thuyền bao giờ cũng ác hiểm nhất! Nhưng dù sao đi nữa, nói ra sự thật là việc mà tiên sinh phải làm!

 

Máu hèn ham sống sợ chết lại tràn lên cổ khiến gã bổ nhào xuống chân ông Nguyễn, dập đầu trước mũi hia cong cong, miệng lắp bắp:

- Trăm lạy ông Nguyễn, ngàn lạy ông Nguyễn, cắn cỏ xin ông tha cho. Con còn vợ còn bốn đứa con. Con làm sao dám nói sự thật? Kinh cung chi điểu, con hãi lắm rồi! Trước đây con chỉ vừa mon men đến bên rìa sự thật nghiệt ngã thì cái nghiệt ngã thật sự đã chụp xuống đầu con! Trăm ngàn lạy ông, ông tha cho thì được vì ngoài ông ra chẳng ai biết!

 

Gã lải nhải không biết bao lâu. Ông Nguyễn vẫn đứng yên không nói, chân ông run run. Ðánh liều ngước mắt nhìn lên, gã choáng váng thấy đôi mắt ông nhòa nước. Một giọt từ mắt ông nhỏ xuống trán gã nóng bỏng. Nhìn gã bằng con mắt thất vọng, ông nói, giọng xót xa:

- Thôi được, ta miễn thứ. Nhưng tiên sinh nhớ rằng cái sự thật đang ấp ủ trong lòng dân kia không mất. Như mưa rừng, nó thấm vào đất rồi tới ngày thành suối thành sông. Sự dối trá không thể lâu bền trong cuộc đời cũng như ung nhọt không thể ở mãi trong cơ thể! Một trăm năm mươi, hai trăm hoặc một nghìn năm sau, sự thật âm ỉ trong lòng dân sẽ cháy lên thành lửa! Ta chỉ tiếc cho tiên sinh đã bỏ lỡ dịp ngàn năm có một để làm cái sứ mạng trọng đại nhứt của văn nhơn là nói lên sự thật!

Nhìn gã lần nữa rồi ông Nguyễn ngẩng nhìn trời, lắc đầu thất vọng:

- Ðiều gì đã làm cho một bậc văn nhơn phải hèn tới mức này hở trời? Uổng quá, máu ta!

Rồi để mặc gã gục đầu thảm hại trên nền gạch, quay người, ông bước những bước chậm ra khỏi phòng.

 

Thức giấc vì con mơ hãi hùng. Mồ hôi lạnh toát toàn thân. Gã trằn trọc không sao ngủ lại được. Mãi rồi gã thiếp đi trong giấc ngủ nặng nề. Mơ màng thấy có người kéo tay: "Dậy, dậy bố ơi !” Thì ra đứa con gái út của gã. Gã lồm cồm bò dậy, tay dụi mắt cay xè.

- Kìa bố, trán bố có máu kìa !

 

Nghe con nói, gã dí cái bản mặt xanh xao hốc hác của gã vào gương thì giật mình thấy đúng giữa trán một vết tròn đỏ như máu. Gã sợ hãi nhớ lại giấc mơ đêm qua. Một cảm giác buôn buốt, buốt tới tận gan./.

 

Rạch Giá, 1990

Hà văn Thùy
Số lần đọc: 2652
Ngày đăng: 23.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trăng Lý Bạch - Đặng Kim Côn
Khói - Vũ Lập Nhật
Cuộc Chơi - Lữ Quỳnh
Tiếng Gọi ThẦm - Trần Minh Nguyệt
Trên Cõi Sương Mù - Châu Văn Thuận
Vịt và người - Phạm Toàn
Lão Hạ - Kinh Dương Vương
Tiếng Cười Đoàn Viên* - Khuất Đẩu
Sông Núi Trở Màu - Đặng Kim Côn
Những Mảnh Vỡ (22) - Nguyễn Thị Hậu
Cùng một tác giả
Xứ ra ghe (truyện ngắn)
Nước Mắt Bỏng (truyện ngắn)