1.
Những bước chân đi thất thểu trên cát như muốn lún sâu đời chị xuống. Nhưng rồi chị vẫn lê bước đi như một quán tính. Chị bước đi về một cõi mà chị chưa hề biết và cũng không định hướng: đêm nay mình sẽ về đâu?
Một đôi người nằm hóng gió, thấy dáng dấp chị như thế thì nghĩ rằng: Một mụ tâm thần dở hơi? Chỉ biết rằng, những ngày sau đó, thành phố biển có một người phụ nữ bụng mang dạ chửa, đi bán vé số dọc theo bãi biển.
Ngày đầu tiên khi chị bước vào đời bằng đôi mắt tròn xoe ngơ ngác, và ngỡ ngàng như chú nai vàng bên rừng thu xao xác nhìn lá vàng rơi. Chị bỡ ngỡ trước cảnh đời ngược xuôi, người đi qua kẻ đi lại trong dáng vẻ hấp tấp vội vàng để bươn chải trong cái dòng đời đó, khiến chị nghĩ: không biết mình sẽ xoay xở ra sao cho cuộc mưu sinh với đôi bàn tay trắng trơn này? Sau cùng, chị cũng tận dụng được cái vẻ hiền thục, chân chất đến ngu ngơ của mình để người đại lý vé số cảm thương cho số phận bụng mang dạ chửa mà cung cấp vé số cho chị đi bán dạo.
Ngày đó, cầm xấp vé số trong tay, chị đi hết quán này đến nhà hàng khác mà cứ e thẹn ngại ngùng, chẳng dám mở miệng ra chào mời khách hàng. Ngày đầu tiên, chị chỉ bán được đúng mười tấm vé, đủ để mua một ổ bánh mì, khiến bà đại lý phải thoảng thốt: “Chị làm ăn cái kiểu nầy thì làm sao nuôi sống nổi, rồi lại sắp sửa đến ngày sinh con, thì cuộc đời chị sẽ ra sao đây?”. Chị biết, lời trách cứ đó chứa đầy sự quan tâm với chị, nhưng chị cũng kịp nhận ra rằng, mình đang phải đối mặt với cuộc sống hết sức khắc nghiệt để mưu sinh.
Những đêm về dưới mái nhà lá, chị lại được an bình trong tâm hồn khi cất lên lời kinh tiếng hát trong phụng vụ giờ kinh. Rồi chị bỗng thiếp vào giấc ngủ lúc nào không hay trong cái túp lều mái lá dừa đó, mặc cho gió thét biển gầm rào rạt.
Một ngày mai bắt đầu bằng lời kinh cảm tạ ca khen Chúa trong an bình tĩnh tại. Rồi chị lại dõi bước rong ruỗi hết quán hàng, phố xá đến khắp bãi biển để chào mời khách hàng mua từng tấm vé số. Nhưng càng ngày chị càng quen dần với cách chào mời, và thậm chí nài nỉ khách hàng cho thật dẻo miệng thì cánh đàn ông keo kiệt đến mấy, cũng tan chảy dưới nụ cười tươi tắn thuỳ mỹ để mua cả xấp vé cho chị. Nhưng đôi khi, khách hàng quá chén, dở trò sàm sở với chị, khiến chị thật bối rối khó xử. Lần nọ, chị tởm lợm với những lời đề nghị thô bỉ: “Ngoan nào cưng, đằng nào thì cũng có bầu với chồng rồi, thôi thì chiều anh một tí, anh cho tiền mà”. Hắn đà đà say, ôm lấy mông chị sờ nắn. Không chịu nổi sự sàm sở quá trớn đó, chị đánh nó một tát rõ mạnh: “Buông ra! Đồ thô bỉ”. Người đàn ông bị cú tát bất ngờ, và cái đau tan tát như làm hắn tỉnh lại. Hắn nắm lấy tóc chị rồi thoả sức đấm đá: “Đồ con đĩ thối thây! Mày tưởng tao thèm lắm hả!”. Kịp khi người ta can ra thì chị đã nằm bất tỉnh.
Ngày hôm sau. Khi chị tỉnh lại, thấy mình đang nằm trong bệnh viện.
2.
- Bố khóc đấy à!
- Bố không sao đâu, con cứ tiếp tục kể đi, bố nghe đây.
Đó là lần đắng cay đầu đời mà chị phải nếm trải. Nhưng rồi chị không còn thời giờ để ngồi gậm nhấm nỗi đau đó nữa, vì cái bầu chị mang ngày một lớn dần, nên chị phải dốc tâm vào việc kiếm tiền, phòng khi sinh nở. Sau này, chị giao du với những người đồng cảnh ngộ đi bán vé số, thấy hoàn cảnh của chị bi đát như thế mới hỏi:
- Chứ chồng con chị đâu mà để chị bụng mang dạ chửa gần đến ngày sinh, còn phải bươn chải thế này?
Chị nén những giọt nước mắt vào lòng, rồi trả lời qua quýt:
- Anh ấy đi biển rồi không thấy về nữa.
- Thế còn bên nội bên ngoại chị đâu?
Đến lúc này thì chị không nén khóc được nữa rồi. Nhớ đến cha mẹ, anh chị em, bà con họ hàng, chị oà khóc. Mấy người thấy thế, về sau không ai dám hỏi, vì nghĩ chị có niềm u uẩn riêng tư nên không ai dám chạm vào nỗi đau của chị nữa. Quả thật, không ai biết được nỗi niềm oan nghiệt của chị, mà chị cũng không bao giờ dám thổ lộ cho ai hay. Mấy người bạn nghĩ, chắc chị lầm lỡ với ai để không dám về quê nhà nữa chẳng? Ngay cả chị, lần ra đi khỏi nơi dấu yêu mà chị đã từng chung sống mấy chục năm thân thương nghĩa tình, ai cũng nghĩ rằng chị sẽ về quê với cha mẹ. Nhưng rồi chị nghĩ, mình đã bôi tro trét trấu vào mặt cha mẹ, anh em họ hàng, thì còn mặt mũi nào về gặp lại họ!? Hơn nữa ở một xứ đạo thì tiếng lành đồn xa tiếng dữ đồn xa. Một vết nhơ xấu xa như thế, làm sao gột rửa được những định kiến của người làng để sống cho nổi. Và chị quyết định xa mãi nơi ấy, dẫu biết rằng, như thế là bất hiếu với cha mẹ mình.
3.
Ngày vượt cạn, chị đã dành được một số tiền đủ để trang trải tại một bệnh viện nghèo từ thiện. Nhưng rồi chị không ngờ cái đêm trở dạ lại đến quá sớm để chị không kịp trở tay. Đêm đó, chị nhớ rất rõ là cái ngày lễ Vu Lan, mưa gió tầm tả. Những tàu lá dài mượn sức gió đánh vùn vụt. Nằm trong nhà, chị nghe giông bão bập bùng qua mái lá. Mưa càng lúc càng to, và dần xâm chiếm hết cái không gian vốn đã bé nhỏ, nay lại mưa dột choán khắp nhà, càng làm cho nó nhỏ hẹp hơn. Chị vừa đau bụng trở dạ lại vừa phải chống đỡ gió mưa, và sau cùng chị quá mệt mỏi, để ngã gục xuống. Đau đớn của một cuộc vượt cạn con so, khiến chị bất tỉnh.
Cũng may, mấy ngày sau thấy vắng chị, mấy người bạn đã đến thăm và đỡ đần, giặt giũ nấu nướng cho chị. Ai cũng thương cảm cho hoàn cảnh côi cút của chị: “Con ni gan thật, ai đời vượt cạn một mình giữa đêm mưa gió như thế”. Một người bạn trách yêu chị. Chị cười tươi bên chú bé kháu khỉnh: “Ơn trời thương mẹ con em mới sống, chứ lúc đó biết nhờ cậy ai. Mà em cũng đâu ngờ lại sinh sớm thế!”.
Những tháng ngày sau đó, nếu không có sự giúp đỡ của các chị em đồng nghiệp, chị nghĩ không biết mình sẽ xoay xở ra sao với hoàn cảnh éo le, con dại tay bồng tay bế!? Chị biết mình không thể ỷ lại ăn nhờ tình thương của đồng bạn mãi, nên chị quyết định đi bán trở lại. Chị nghĩ bây giờ bồng bế con đi bán vé số là không ổn rồi. Chỉ còn cách mua sắm thúng gióng, gánh đi bán quanh quẫn trên bãi biển gần nhà là hợp lý hơn cả. Mấy chị em can chị mãi: “Cháu còn bé lắm! Chị chưa nên đi bán vội, có gì mấy chị em san sớt dùm chị, chị cứ yên tâm khỏi phải lo”. Chị mừng rướm nước mắt khi ở một chốn đơn côi không người thân, mà có những tấm lòng xa lạ sẻ chia ngọt bùi, bảo sao chị không khóc.
4.
Đến đây thì cha bố - cha linh hướng, nước mắt rạn rụa. Cha bố gục xuống bàn, hai tay ôm lấy đầu như đau đớn lắm! Cha ra hiệu để đứa con thôi kể.
Người con - người tu sinh, lấy làm lạ: không biết chuyện của mẹ mình mà sao cha bố lại bồi hồi xúc động và day dứt đến thế? Nhưng bây giờ thì không tiện hỏi nữa rồi, vì phải dìu bố vào phòng tỉnh dưỡng cho qua cơn sốc choáng.
Mấy hôm sau cha bố khoẻ lại. Người con chưa kịp hỏi điều thắc mắc, thì được gọi lên để kể tiếp câu chuyện về người phụ nữ bất hạnh ấy. Người con tự nhủ: Mình cứ kể xong câu chuyện rồi hỏi cũng không muộn.
Thế là mỗi sáng, khi trời trong biển rộng, nắng chiếu toả ngút ngàn không gian, chị lại quảy gánh một bên con, một bên hàng: Me, cốc, ổi, xoài, thuốc lá, hạt dưa, rượu đồ nhắm: mực, cá khô nướng…Trong khi mọi người nhỡn nhơ tắm biển, và nằm hóng mát thả hồn thơi thảnh, thì chị nhẫn nại để gọt mấy trái cốc, xoài, hay nướng mấy con cá, mực…đưa đến tay phục vụ khách hàng, để chị đổi lấy từng đồng bạc lẻ nuôi sống con mình trong nỗi nhục nhằn.
Năm tháng đong đưa tuổi thơ của đứa con trên đôi vai gầy chị, với gánh quảy đè vai. Những khi nắng cháy mưa sa, tấm thân gầy mẹ che chắn cho đứa con yêu dấu của mình. Nhưng đó lại chính là niềm hạnh phúc của đời chị.
Rồi đứa con chị lớn dần theo năm tháng tuổi thơ. Nhưng rủi thay, chất thơ và sự êm đềm đó lại hằn dấu lên người mẹ những sợi tóc màu sương pha dần choán hết mái tóc. Những vết chân chim dần ghi dấu trên khắp khuôn mặt dày dạn nắng mưa của một người mẹ tần tảo nuôi con, mà người con vô tình chẳng hề hay biết được nỗi cực nhọc nghiêng hết trên đôi vai gầy yếu của mẹ mình, để vô tư vui chơi trong tháng ngày thơ ấu đó.
5.
Câu chuyện bỗng dừng lại trong tiếng khóc nghẹn ngào của người con. Cha bố ra dấu:
- Bây giờ con đang quá xúc động, thôi để lần khác kể đi.
- Không sao đâu bố, để con kể tiếp đoạn cuối của người đàn bà bất hạnh cho bố nghe.
Và khi chú bé càng lớn khôn, thì áp lực kinh tế càng đè nặng lên vai chị, để chị phải lo chuyện ăn học: sách vở bút giấy, tiền học… Cuộc đời khi đó, dẫu có bao truân chuyên dâu bể, nhưng cũng không ngăn được những sự yên vui hạnh phúc trong cái nhà rách nát đó. Ban ngày hai mẹ con phải xa nhau, thì chiều về hai mẹ con lại đầm ấm bên bếp lửa, với mâm cơm đạm bạc mắm muối, nhưng lại rất đậm tình yêu thương mẹ con. Bên ánh đèn dầu leo lét, tiếng con học bài râm vang vui nhà, thì người mẹ giặt giũ đồ xong, lại ngồi may vá đến khuya. Chờ mẹ đi ngủ mãi không được, đứa con rúc vào lòng mẹ để mùi hương bồ kết tóc mẹ toả ra quyện hơi ấm nồng nàn đã ru đứa con vào giấc ngủ lúc nào không hay. Nhưng rồi có đêm, người con chợt thức giấc, thấy bên mình trống trải thì chạy đi tìm mẹ...
Biển về đêm như con thú đói, thét gào hung dữ. Trên bầu trời sao rắc vừng lấm tấm trên cái bánh đa khổng lồ, chiếu xuống mặt biển nhấp nhô những điểm sáng lung linh trôi nổi. Người mẹ ngồi lặng lẽ, dõi mắt về phía xa xôi như gửi niềm thương nhớ về quê nhà. Chỉ xa quê nhà chưa đến nửa ngày đường, mà sao ngăn cách đến thế. Mười mấy năm trời xa cách quê nhà, không biết thầy mẹ anh em mình bây giờ ra sao? Mà thầy mẹ cũng đã trên tuổi thất thập, không biết bây giờ còn hay mất? Thương thay thầy mẹ tuổi già mà con cái không về phụng dưỡng được, thì lòng chị cơ hồ như dao cắt. Nhiều đêm nằm nhớ quê nhà, nước mắt chị ràn rụa. Chỉ đến khi người con kêu mẹ ơi, chị mới chợt tỉnh để gạt nước mắt quay về với thực tại. Chị dắt con vào nhà rồi hai mẹ con lại đầm ấm trong giấc nồng.
6.
Ngày đứa con học hết cấp một, chị đã toại nguyện khi gửi được đứa con vào Tiểu chủng viện. Điều đó làm cho chị yên tâm hơn để buôn bán, và cũng là ý nguyện của đời chị.
Rồi một lần nọ, thấy mẹ đang vui vẻ, đứa con hỏi mẹ: “Thế bố con ở đâu, mà con chưa bao giờ nghe mẹ nhắc tới”. Đang vui phấn chấn là thế, bỗng mặt mẹ chĩu xuống, buồn chảy nước mắt. Rồi bỗng ánh mắt ánh lên niềm căm phẩn. Chị hét lên như có ai đang đứng trước mặt: “Đồ khốn nạn!”, khiến cho đứa con ngơ ngác nhìn. Mãi một lúc sau như chợt tỉnh, người mẹ ôm lấy con: “Mẹ xin lỗi con!”. Từ đó về sau, đứa con không bao giờ dám chạm đến nỗi đau của mẹ mình nữa.
Những mùa hè trôi qua mau. Người mẹ lại tiễn con trong nước mắt đầm đìa. Nhưng rồi có một mùa hè nọ, người con về thấy mẹ mình có vẻ xa cách, lạnh đạm với mình. Dường như mẹ không muốn mình đến gần. Điều lạ lùng là mẹ luôn đeo khẩu trang, và tay luôn đeo găng. Người con hỏi tại sao? thì mẹ trả lời là mấy ngày nay mẹ bị mê đay phong ngứa nổi lên, nên phải che kín để tránh gió. Người con ngu ngơ để đâu biết rằng, đó là mùa hè cuối cùng mình được ở với mẹ nữa!!!
Và cái ngày học hết cấp ba, người con mừng lắm! Vì được vào Đại chủng viện và lần đầu được mặc chiếc áo dòng tu, chắc mẫm mẹ mình sẽ mừng lắm! Lòng hân hoan khấp khởỉ về báo cho mẹ hay tin. Nào ngờ nhà trống vắng hoang tàn. Người con không biết chuyện gì xẩy ra với mẹ mình? Mấy ngày sau, có người bạn trao lại một lá thư và một số tiền mẹ đã dành dụm được. Người con mở thư ra đọc với hai hàng nước mắt nhạt nhoà: “Mẹ về quê, chắc lâu lắm mẹ mới lên được. Mẹ biết con đã được mặc áo dòng, đó là ước nguyện duy nhất của đời mẹ. Con gắng giữ gìn sức khoẻ, và bền lòng tu trì theo chân Chúa đến cùng. Đó là điều làm mẹ vui sưóng nhất đời. Có lẽ, mẹ chẳng bao giờ gặp lại con nữa. Một ngày nào đó con sẽ biết về mẹ. Hẹn gặp con ở cõi vĩnh hằng, nơi đó mẹ con mình sẽ chẳng còn chia ly và đau khổ nữa phải không con!?
Một người mẹ bất hạnh.
Đọc đến hết thư, người con khóc rống lên thảm thiết. Từ đó đến nay, người con đã không gặp lại mẹ nữa.
7.
Chính người kể chuyện cũng đang nghẹn ngào khóc để nói câu kết cuối cùng:
- Đó chính là người mẹ con đấy bố ạ!
Cha bố cũng quá đỗi bất ngờ, để hỏi lại:
- Mẹ của con thật ư?
- Đúng vậy đó bố!
- Sao lúc kể con không nói trước cho bố biết.
Cha bố lẩm bẩm: chẳng lẽ lại có sự trùng hợp ngẫu nhiên đến thế sao? Điều đó càng làm cha bố day dứt khốn khổ hơn bao giờ hết.
- Hình như bố biết mẹ con thì phải?
Cha bố trống lãng để không trả lời câu hỏi.
- Bây giờ con đang cảm xúc dâng trào, bố chưa tiện kể, để hôm nào rãnh rỗi bố sẽ kể cho con nghe câu chuyện về một nữ tu.
Từ đó, cha bố cứ sống trong khắc khoải dằn vặt: Tại sao chuyện đời lại xẩy ra oan nghiệt như thế cơ chứ!? Đúng ra, mình đã dự phần vào làm cho cái kết cục bi thảm này của câu chuyện.
Phần người con, cũng suy nghĩ rất lung: không biết vì lý do nào mà mẹ mình lại bỏ mình ra đi biền biệt như thế? Chẳng lẽ mẹ mình lại quẫn trí trầm mình xuống biển tự tử hay sao? Với sự đạo đức của mẹ, người con không thể tin là mẹ mình sẽ làm cái chuyện tội lỗi rồ dại như thế được. Thế thì tại sao mẹ mình lại ra đi, trong khi nỗi hân hoan đang chờ đón mẹ? Hay có điều gì uẩn ức bức bách mẹ mình đây? Có lẽ, chỉ còn cách tìm gặp bố, may ra sẽ biết được đôi điều về mẹ vậy.
Cha bố như đang sẵn sàng chờ người con đến để kể câu chuyện về một người nữ tu. Nhấm nháp ly trà nóng đang bốc khói, cho tâm thần tỉnh táo, rồi chậm rãi kể.
8.
- Cha ạ! Khi chị Niệm khấn tạm, con chưa lên làm Mẹ Tổng. Nhưng con biết chị ấy rất rõ, bởi chị ấy ở trong nhóm phụ trách phụng vụ giờ kinh của con. Mẹ Tổng kể với cha.
Chị Niệm vào tu viện khá trể, khi đã bước vào tuổi đôi mươi. Chị bước vào phòng khách tu viện với chiếc áo phông trắng gom vào quần rin xanh bạc màu, càng làm cho dáng chị cao và thon thả hơn. Ai cũng tưởng như cô người mẫu nào đi lạc vào chốn tu viện nầy. Mấy chị thấy thế cứ xì xầm với nhau: “Người đâu đẹp dáng thế mà đi tu cho uổng đời! Chắc cũng khó qua vài con trăng là xin tại ngoại mất thôi”. Đã thế lại kén ăn, và tiểu thư không ai bằng.
Đó là những năm tháng rất khó khăn với chị ấy! Bởi chị là một tiểu thư con nhà giàu, ăn sang mặc sướng, tiêu xài tuỳ thích, ngay cả cha mẹ chị cũng còn nghi ngờ ý tưởng đi tu của chị nữa là…Nay lại phải ép mình tù túng trong khuôn phép, giờ giấc kinh nguyện của tu viện. Biết thế nên cả tu viện và ngay cả Mẹ Tổng cũng hết sức cưng chiều chị. Vì cho rằng, chị là đoá hoá đáng yêu nhất trong tu viện. Vì thế thời gian đầu, mẹ chẳng giao cho chị bất cứ công việc gì, thậm chí là giờ kinh nguyện cũng buông lỏng cho chị tuỳ thích.
Sáu tháng sau. Một sáng chủ nhật nọ, chị tìm đến phòng Mẹ Tổng khiến các chị nháy nhó nhau: “Chắc là chịu đời không thấu xin ra đây!”. Mẹ Tổng thấy chị Niệm bước vào phòng mình cũng chột dạ:
- Con có điều chi cần gặp mẹ?
Sau một lúc thăm hỏi mẹ, chị Niệm vào vấn đề:
- Thưa mẹ, con rất buồn vì bị mẹ và các chị phân biệt đối xử với con.
Mẹ Tổng ngạc nhiên:
- Không biết mẹ và các chị đã vô tình đối xử điều gì bạc đãi với con, khiến con không hài lòng đây? Có gì khúc mắc, con cứ nói thật cho mẹ biết, để có chi sai trái mẹ sẽ góp ý lại với các chị.
- Thưa mẹ, con phàn nàn mẹ và các chị đã ưu đãi con quá đáng. Không bắt con vào khuôn phép tu viện, thì biết bao giờ cho con đắc đạo để khấn đây mẹ!
Mẹ Tổng nghe xong thở phào nhẹ nhỏm. Ấy vậy mà mẹ cứ tưởng…
- Con muốn mẹ giao cho con một nhiệm vụ nào đó, để có việc làm, kẻo đức tin không có việc làm là đức tin chết như thánh Phao lô đã nói đấy mẹ!
Nghe những lời nói đó, mẹ mát lòng đến dường nào. Mẹ không ngờ Niệm lại sớm có ý thức tu đức đến thế!
- Niệm ơi! Mẹ và các chị đã đánh giá sai lầm về con rồi. Mẹ mừng lắm! Mẹ không ngờ con lại ngộ đạo được như thế!
Hôm sau, mẹ kể lại cho các chị nghe, ai cũng thầm phục chị.
Tháng năm trôi qua trong việc tu đức của chị ngày một tốt đẹp hơn cả dự tưởng rất nhiều. Ngày chị khấn tạm, cả gia đình bạn bè bà con thân thương đến chúc mừng cho chị. Thật không ai ngờ, đời sống tu viện lại làm nên một “Ma sơ” hiền thục và mỹ miều đến thế. Cái tính đỏng đảnh kiêu sa của chị đã biến mất, để nhường chổ cho sự đằm thắm, dịu dàng, khiêm tốn và hiền hậu. Mặc dầu chỉ mới khấn tạm, nhưng không còn ai nghi ngờ cái ngày khấn trọn sẽ theo thời gian đến với chị.
9.
- Cha ạ! Ngày chị Niệm khấn trọn thì con đã lên chức Mẹ Tổng rồi. Từ đây mọi việc xẩy ra với chị ấy con biết càng rõ ngọn ngành hơn.
Đó là một ngày trọng đại của tu viện, vì tiếng lành đồn xa: “Tu viện có một nữ tu xinh đẹp như thiên thần, lại vừa đạo hạnh sắp khấn trọn đời”. Mẹ Tổng mừng lắm! và chọc chị:
- Ngày mai con sẽ là một động vật quý hiếm của tu viện, được nhiều người trầm trồ đến tham dự đấy!
Chị nũng nịu mẹ Tổng:
- Con bắt đền mẹ đấy! Mẹ làm như con là động vật hoang dã để mọi người hiếu kỳ đến xem không bằng.
Và quả thật, ngày khấn trọn của chị Niệm thật long trọng. Người nhà không quản công sức để mở tiệc ăn mừng cho hoành tráng, vì tu viện đã đem lại cho dòng của họ niềm tự hào: có một nữ tu đẹp như thiên thần và đạo hạnh.
Sau một thời gian dài chị được chuyển qua phòng tiếp tân, vì ở chị có nhiều ưu điểm: ăn nói nhẹ nhàng mặn mà, lại duyên dáng đẹp người, khiến cho bên chính quyền cũng phải trầm trồ khen chị: “Một bông hồng trong vườn hoa tu viện, vừa diễm kiều vừa đức hạnh làm sao!”.
Ngày đó, tu viện còn đảm trách thêm công tác từ thiện xã hội: đi thăm nuôi trại cùi. Công việc phục vụ từ thiện này, khá nguy hiểm, vì ai cũng nơm nớp sợ lây phải bệnh phong cùi thì khốn, nên không thể cắt cử ai đi được, mà phải là người tự giác tình nguyện xin đi, mới được chấp thuận.
Không ai ngờ, chị đang ở chốn phòng khách trang nhã là thế, mà lên xin Mẹ Tổng tình nguyện đi thăm nuôi trại cùi, quả là hơi bị lạ! Ngay cả gia đình cũng kinh ngạc nghĩ rằng, không biết con nó có bị hâm không?
Sau nhiều lần nài nỉ, mẹ Tổng phải chiều ý chị, vì nếu không, chị dỗi hờn: “Mẹ không cho con đi, con sẽ giận mẹ cho xem!”. Mẹ Tổng cười xoà: “Gớm thật! Lớn từng ấy tuổi rồi mà còn nũng nịu như đứa trẻ! Cứ muốn gì được nấy.”. “Trẻ con hay trẻ nào cũng được, miễn là mẹ cho con đi”.
10.
Từ tu viện đến trại cùi, nếu ra đường quốc lộ phải hơn 15 cây số. Nhưng các chị phụ trách thường đi xe đạp bằng đường tắt, chỉ 7 cây số. Đúng hơn là một con đường mòn đất đỏ, để cho người nông dân đi làm rẫy bằng xe bò, xe càng... Đoạn đường ngoằn ngèo đi qua đồi dốc, và cả hoang mạc rẫy nương trông khá thơ mộng.
Thường là một tổ ba người sáng đi chiều về. Đối với các chị, đoạn đường ấy không có chi là quá vất vả, mà có khi các chị còn thích là đàng khác. Vì sau một ngày làm việc vất vả được thư giản qua hoang mạc có chim hót suối reo, cũng thật thú vị.
Công việc của các chị ở trại cùi là xức rửa vết thương cho những người cùi lở. Những vết thương sần sùi bầm tím, loang lổ nước vàng lẫn máu chảy, trông rất tởm lợm. Nhưng các chị vẫn tận tuỵ phục vụ cho họ như: thay quần áo, giặt giũ, tắm rửa, và giúp họ ăn uống khi quá liệt lào ốm yếu. Từ ngày có các chị tới phục vụ, trại phong cùi như được thổi vào luồng sinh khí mới. Ngay cả các y, bác sĩ, cũng phải thừa nhận rằng: “Có bàn tay dịu dàng của các chị, bệnh nhân bớt rên la, và vui vẻ hẳn lên. Những nụ cười dịu hiền luôn mở trên môi lời thăm hỏi an ủi vổ về, đã giúp cho những người bệnh nhân phong cùi như được tiếp thêm nguồn vui sống mới. Họ không còn ủ ê, chán sống chờ chết như lúc trước. Những bài ca sinh hoạt cộng đồng vang lên, làm cho không khí trại cùi thêm rộn ràng. Mà nhất là sự tận tuỵ, nhục nhằn của các chị, đã khiến cho nhiều bệnh nhân bất mãn, ương bướng, bất cần đời cũng đã bị khuất phục”.
Có lần chị Niệm đụng phải một gã gần guộc, chai lỳ, nhịn ăn để chịu chết. Lần đầu chị đưa tô cháo đến dỗ ngọt cho gã ăn, bị gã hất văng cả tô cháo xuống nền nhà, nhưng chị vẫn nhẫn nhục vui vẻ lau nhà, chùi rửa sạch sẽ, rồi chị lại bưng lên một tô cháo khác lại gần gã. Lần này, gã quay mặt vào tường không thèm nhìn chị, nhưng chị cố ra sức thuyết phục: “Sự sống mới đáng quý! Chứ chết thì có khó khăn gì? Như bác biết đấy, ai cũng tưởng rằng ở tu viện là sung sướng lắm ư? Bác lầm rồi. Thực sự con người chỉ cảm thấy sung sướng, khi họ tự biết bằng lòng với số phận của mình mà thôi. Nếu bác không biết tự bằng lòng, thì dẫu cho bác có lên mặt trăng, bác vẫn cứ thấy khổ. Bác thấy đấy, ngay cả con thằn lằn, dẫu biết rằng đứt đuôi rất là đau đớn, nhưng nó vẫn phải hy sinh để được sống”. Quá bức bối, gã gạt văng tô cháo và thét lên: “Tôi không muốn sống nữa, cô đừng lảm nhảm thuyết phục tôi vô ích”. Ai cũng nghĩ là chị Niệm sẽ nản lòng. Vậy mà chị vẫn nhẫn nhục bưng tô cháo khác, lại ngồi lặng lẽ bên gã. Một lúc lâu, mọi người bỗng nghe tiếng gã khóc rưng rức. Chị mừng khi biết rằng: “thép đã tan chảy thế đấy!”. Những ngày sau, gã vui vẻ và chịu ăn uống trở lại một cách ngon lành. Ngày chị chia tay trại cùi, cả trại khóc tiễn chị về mà lòng cứ bịn rịn vương vấn mãi.
11.
Và cái ngày ấy! Cái ngày Mẹ Tổng vẫn mãi nhớ đời trong ân hận tiếc nuối. Khi xe cấp cứu chở chị Niệm vào bệnh viện với bộ áo quần nhau nát, mẹ vừa trông thấy đã lăn ra ngất xỉu.
Hôm sau mẹ hồi phục, và đã nghe hai chị kể lại:
“Đó là ngày cuối cùng chị hết phụ trách trại cùi sau ba năm phục vụ. Chị muốn đến để chào mọi người. Và Mẹ Tổng nhắn chị về sớm để soạn sửa đồ đạc, sáng hôm sau về một nhiệm sở mới ở GX ….
Chiều đó. Một mình chị đạp xe lọc cọc ra về. Và bước ngoặc của đời chị đã được định đoạt vào buổi chiều mưa ấy. Chị đi nửa đường, thì cơn mưa rào rạt như trút nước. Người chị ướt sủng. Đi dầm giữa mưa lạnh buốt khiến cho chị lên cơn sốt. Vừa lúc gặp một chiếc lều tranh trống trải giữa đồng hoang vu, chị vội vào trú mưa kẻo để lâu cảm lạnh. Trời vẫn mưa to gió lớn. Và bất ngờ, có một gã đàn ông chạy về lều trú. Khi cả màn trời trắng xoá với mưa giăng kín lối thì chuyện đã xẩy ra với chị Niệm. Nước mưa ướt sủng tấm áo dòng, làm thân thể chị căng cứng lên với những đường nét quyến rũ của một người con gái trinh trong như thế, thì thằng đàn ông nào cưỡng nổi cơn động dâm giữa chốn đồng mông hiu quạnh này chứ! Và sau đó, chuyện gì xảy ra, có trời mới biết nổi.
Mãi đến chiều tối, trời quang mây tạnh, hai chị về sau, phát hiện ra chị Niệm đang ngồi khóc nức nở với áo quần bị xé toạc và lấm láp bùn đất đầy người. Thấy sự việc thảm hại như thế, hai chị chẳng cần hỏi han chị Niệm, cũng đã đoán biết sự việc tồi tệ đã xảy ra với chị. Quá thương cảm cho chị Niệm, hai chị cũng oà khóc theo.
12.
Câu chuyện xảy ra quá đơn giản, đến mức mẹ Tổng không thể tin nổi số phận lại nghiệt ngã như thế với chị Niệm.
Những ngày sau đó, chị như ngây như dại. Ngồi câm nín cả ngày chả thiết ăn uống chi. Những chiều mưa gió, chị thảng thốt la lên như bị tự kỷ ám thị. Mẹ Tổng hết sức thương yêu để an ủi vỗ về chị. Nhưng mẹ cũng không quên tự trách mình: Nếu mẹ không dặn chị về sớm, thì có lẽ sự việc đâu xẩy ra tai quái như thế!
Cả tu viện thương chị lắm!
Thời gian như một liều thuốc nhiệm mầu, dần dà xoá mờ những ký ức buồn đau trong chị, để chị nói năng trở lại, nhưng đôi mắt chị vẫn buồn u uẩn. Mẹ Tổng luôn gần gũi để vổ về an ủi chị. Trong thâm tâm, chị chưa bao giờ oán trách mẹ. Nhưng dù sao mẹ cũng thầm mừng, vì càng ngày chị càng bớt u sầu và đã có tiếng cười nói.
Nhưng rồi hoạ vô đơn chí. Điều mẹ mừng chưa kịp no, thì những ngày sau chị Niệm cứ nôn oẹ. Điều mẹ thầm lo lắng trong mấy tháng nay đã đến. Sự việc xảy ra trước đó, đã khiến cho mẹ khó nghĩ: Liệu chị Niệm có còn được tồn tại trong tu viện này nữa không? Khi luật tu đã rõ ràng. Trong các lời khấn thì đức khiết tịnh, trinh trong đối với các nữ tu bao giờ cũng vẫn là quan trọng hàng đầu. Bây giờ chuyện xẩy ra thế này, làm sao có thể cứu vãn cho chị ấy được nữa đây! Điều đó cứ làm mẹ mãi day dứt. Nhưng mẹ biết, điều này không hoàn toàn do mẹ quyết định. Mẹ thầm mừng vì biết đâu...
13.
Cha bố bổ sung vào câu chuyện:
- Thông thường mỗi tu viện đều có cha Tuyên huấn để linh hướng cho tu viện, khi gặp phải những điều gì khúc mắc, khó xử, mà nội bộ tu viện không giải quyết được, thì phải nhờ đến cha Tuyên uý giải quyết.
Thế là Mẹ Tổng đến gặp cha Tuyên uý để trình bày cặn kẹ sự việc, để hòng nhờ cha tháo gỡ.
Cha Tuyên uý nghe xong câu chuyện cũng rất xúc động, khiến cha phải ngậm nghĩ mãi. Đến nỗi Mẹ Tổng phải sốt ruột:
- Không biết ý kiến cha thế nào về chị ấy ạ?
- Trong trường hợp này cũng thật đáng tiếc, bởi tu luật của dòng đã rành rành văn tự đỏ ra đó rồi, còn chi phải bàn cãi nữa.
- Nhưng về mặt tinh thần, chị ấy vẫn đồng trinh đấy thưa cha! Chẳng hạn như Đức mẹ vẫn cứ đồng trinh đấy thôi.
- Nếu chị ấy không có thai thì chuyện có thể linh động được. Xưa nay, chưa có tu viện nào lại cưu mang một nữ tu đẻ con cái như thế? Chuyện của Đức Mẹ là chuyện Thánh thiêng, chúng ta không thể lấy người trần tục mà so sánh với Đức Mẹ được.
Mẹ Tổng cố gắng đem hết năng lực hiểu biết ra để cố gắng biện hộ cho chị ấy:
- Hay là khi chị ấy sinh nở xong, chúng ta giới thiệu với chị một dòng tu kín nào cho chị ẩn tu thưa cha?
- Làm như thế, có khác chi chúng ta dối trá và lọc lừa dòng tu khác, khi chính mình đã không dám cưu mang.
- Nhưng luật làm ra là để phục vụ con người chứ đâu phải để con người phục vụ luật thưa cha. Hơn nữa chị ấy đâu có tội tình gì? Chẳng qua là ngoại cảnh đem đến cho chị mà thôi.
- Đúng là như thế thật! Nhưng điều này, xưa nay chưa từng có tu viện nào phá lệ cả, nên dẫu rất đau lòng chúng ta cũng phải hy sinh những trường hợp cá biệt, để duy trì cái kỷ cương phép dòng cho được nghiêm. Đành phải thế thôi con ạ!
14.
Mẹ Tổng ra về trong nỗi thất vọng não nề. Vì mẹ biết, mẹ sẽ nói ra sao với chị Niệm đây? Mẹ không thể tưởng tượng nổi, khi chị Niệm biết điều này sẽ gây sốc cho chị biết dường nào.
Mẹ chưa kịp nói chuyện với chị ấy, thì lạ thay, chị đến xin mẹ hồi tục, vì chị biết trước sau gì tu viện cũng sẽ cho chị hồi tục. Chị đi bước trước như thế, để khỏi làm khó Mẹ Tổng khi đặt vấn đề này với chị.
Hai mẹ con ôm nhau chết lặng, khi dòng nước mắt cứ tuôn chảy không đừng.
Ngày chị ấy chia tay tu viện, tưởng như ngày đại tang của tu viện. Cả tu viện khóc rấm rức, ai cũng tỏ ra tiếc nuối và thương cảm cho chị ấy.
Còn Mẹ Tổng thì lặng đứng rất lâu, để ngỡ như mình đã mất đi mãi mãi một đứa con mà mẹ hằng yêu dấu, mà rủi thay, chính mẹ là người gây ra nỗi oan khiên này. Mẹ cứ ngẫn ngơ tiếc nuối mãi: phải chi bữa chiều đó…
15.
Câu chuyện đã kết thúc. Thế mà hai cha con vẫn ngồi trầm ngâm rất lâu, như để cho dòng chảy thấm đẫm vào sâu thẳm tâm hồn mình về một câu chuyện đầy thương tâm.
Cha bố lên tiếng:
- Người Linh mục Tuyên huấn đó, chính là bố! Và người mẹ khốn khổ đó chính là mẹ của con đấy!
Bỗng một sự oà vỡ. Người con khóc rống lên:
- Trời ơi! Thật là khốn khổ cho người mẹ của con. Vì cớ sự nào mà mẹ con phải gánh chịu oan khiến đó hả bố?
Nhìn nét mặt cha bố co rúm lại, có khi còn khốn khổ hơn cả đứa con mình. Cha bố tự trách mình: Phải chi bữa đó, mình linh động hơn, thì sự việc đâu đến nỗi đẩy người đàn bà ấy vào cuộc dâu bể nghiệt ngã đến thế!
16.
Mấy năm sau, trong thánh lễ mở tay của một tân linh mục, người linh mục ấy đã nhạt nhoà nước mắt, khi nói những lời cảm ơn đầy cảm xúc:
“…Và sau hết, con xin cám ơn người mẹ khốn khổ của con. Suốt một đời mẹ cực nhọc nuôi con ăn học, để hôm nay cây đời đã cho hoa trái, thì mẹ lại biện biệt một chốn xa xôi nào đó, bảo sao lòng con không đau xót khi thiếu vắng bóng mẹ. Và mẹ ơi! Ở một nơi nào, xin mẹ thấu cho tấm lòng của con, và xin mẹ tha thứ những lỗi lầm đời con. Cũng vì lo cho con, mà đời mẹ đã nếm trải bao đắng cay tủi nhục dâu bể. Mẹ ơi! Con đời đời nhớ ơn mẹ!!!”.
Ở nơi một trại phong cùi. Có một người mẹ, mà đến vành môi cũng không còn, để nở một nụ cười chúc mừng con mình trong một ngày trọng đại như thế, nhưng trong lòng người mẹ ấy mãn nguyện lắm!
Cùng dâng lễ đồng tế với người con, nhưng cha bố đã âm thầm đau khổ, để mãi day dứt: “Tu luật hay là sự nhẫn tâm?”.
.
Châu Sơn – ngày 28/05/2008.