Ta thử vạch ra sự tương đối thuần nhất trong diễn trình sáng tác của thi sĩ Đinh Hùng qua bài thơ "Sóng Nước Đồng Chiêm". Phần thuần nhất đó phơi bày khá rõ ràng trong bố cục và vũ trụ ngôn ngữ thấy chung trong tập "Đường Vào tình Sử". Bài thơ mô tả sóng nước mênh mang trên miền đồng chiêm, mùa nước lụt, khung cảnh làm nền cho cuộc chia ly giữa tác giả và người yêu. Ngoại giới mênh mông của sóng nước chỉ là một dịp dàn trải sự nhớ nhung trên khắp chiều dài và chiều rộng. Tác giả đã bố cục qua ba phần chính: bốn câu thơ đầu gần như là một ngoại giới vô ngã vì chưa có sự can thiệp của tình người; mười hai câu thơ tiếp theo làm xuất hiện một nhân vật nữ mặc dù hình bóng của nàng chỉ thấp thoáng ra đi trong cảnh tràn đầy của mùa nước lớn; và hai mươi câu thơ sau cùng là vai trò của nhân vật nam bao trùm lên ngoại giới bằng một nội tâm thương nhớ. Ngoại giới vô ngã, chuyển động của người đi, tình của kẻ ở, có lẽ đó là trật tự của bài thơ.
Đã tìm thấy một dấu vết nhỏ của sự mạch lạc trong những phân đoạn, bây giờ ta thử truy tầm dấu vết luận lý chìm ẩn trong cách thức sáng tạo từ ngữ của Đinh Hùng. Có thể nói tập thơ "Đường Vào Tinh Sử" của Đinh Hùng phơi bày một sự mâu thuẫn nội tại trong một số bài thơ giữa không khí mê hồn và khí hậu bình dị. Không khí mê hồn bắt nguồn từ tập thơ trước của ông mà ta có thể tóm tắt trong những chủ đề: Tiếng gọi tiền sử hoang vu có người rừng sống đời muông thú man dã - Cõi thần tiên có loài hươu sao vàng diệp thơ thẩn trên triền núi - Ca ngợi nữ sắc liêu trai trong lâu đài ma quái - Thần chú gọi hồn thiên cổ trong mộ tối của điêu tàn phế tích Trung Đông... Khí hậu bình dị biểu hiện trong những bài thơ buồn nhớ bạn hiền; cảm hoài về phía quê hương; hơi thở ruộng đồng in bóng người tình có thật trong đời (như trong bài "Sóng Nước Đồng Chiêm" trích dẫn ở đây).
Không khí mê hồn có những từ ngữ đặc thù làm nên, không khí bình dị có những ngôn ngữ đồng dạng. Có ý thức làm thành mỗi thứ khí hậu, điều đó chứng tỏ sự can thiệp của lý trí. Lý trí chọn lựa những ngôn ngữ thích hợp cho bài thơ thuộc loại bình dị hay mê hồn. Còn xuất-thần là đột nhập hoàn toàn vào công trình sáng tác trong một lóe sáng kỳ diệu ngắn ngủi. Vậy lựa chọn từ ngữ là một công trình có hoạch định của lý trí. Thi sĩ Đinh Hùng rõ ràng đã có sự chọn lựa từ ngữ, nhưng đôi khi ông không tránh được sự mâu thuẫn nội tại trong một số bài thơ. Chẳng hạn bài "Sóng Nước Đồng Chiêm" thuộc loại có khí hậu bình dị nhưng thỉnh thoảng lại xen kẽ một vài câu thơ có khí hậu mê hồn. Từ ngữ mê hồn có nhiều đặc tính, riêng bài thơ kể trên thì tính chất mê hồn nằm trong hình ảnh sự bạo động đối với thiên nhiên. Tâm hồn nhà thơ muốn chuyển dời ngoại giới, khác với ý hướng đem tâm tình thỏa hiệp lên vạn vật. Con người “hòa đồng” với thiên nhiên thuộc không khí bình dị, con người “nuốt chửng” thiên nhiên thuộc khí hậu mê hồn. Trời và nước bị nhìn như kề vai lả lướt, khác với cộng hưởng thành một màu xám hay màu thiên thanh: “Trời nước kề vai lả lướt buồn/ Từng cù lao nhỏ nép sơn thôn”; dẫy núi đá nhìn ngây ngất người đi một cách si tình, một cách dục vọng, khác với sự luyến tiếc trong vị trí đứng âm thầm: “Em đi, dãy núi nhìn ngây ngất/ Đá cũng tình si nhớ gót son”; dòng sông nơi viễn thôn, dòng Đà Giang, bị thu hình nghiêng trong khóe mắt: “Em vượt Bồng Sơn đến Tuyết Sơn/ Đà Giang nghiêng nửa khoé thu buồn”; nhà cửa gối chăn trôi nổi rạc rời trong giấc chiêm bao nghiêng đổ sự vật: "Giấc mộng đêm nào cũng gió mưa/ Gối chăn như hải đảo vô bờ/ Sóng dâng hồn vách sầu nghiêng bóng”. Có thể nói đó là những câu thơ mang tính chất bạo động với sự vật, làm nên một cơ cấu mê hồn in đậm nét bản ngã có lẽ đầy nhiệt huyết, có khi tới cường độ bạo động; tương tự như những câu thơ dữ dội trong tập thơ “Mê Hồn Ca”:
… Đôi tay vò xé loài hoang thảo
Đỏ máu căm hờn trên cỏ cây
… Ta thản nhiên đi trở lại núi rừng
Một mặt trời đẫm máu xuống sau lưng
… Ôm nhan sắc với hai bàn tay sắt
Phấn hương nhầu tan tác áo xiêm bay…
Những từ ngữ, những giọng thơ ấy có vẻ không thể đồng dạng với giọng thơ hiền hậu và bình dị của tính chất thỏa thuận với thiên nhiên, khép mình thụ động mặc tình cho sự vật dời đổi: "Tình đến bên người núi chắn ngang/ Tà dương mái tóc ngút mây vàng”; hoặc như: "Chiều lại chiều mưa nước ngập đồng/ Mộng vàng hoa mướp rụng ven sông/ Dài thương mặt nước mênh mang gió…”
Dấu vết lý trí trong cách lựa chọn từ ngữ đồng dạng của tác giả dường như không đạt tới chỗ hoàn hảo, một bài bình dị xen kẽ vài câu thơ mê hồn, biểu lộ sự không nhất trí trong diễn trình sáng tác. Ta có thể tìm thấy sự không nhất trí này trong bài thơ "Khi Mới Lớn" (mơ mộng hiền lành tuổi thiếu niên đột ngột nghĩ đến mùi hương da thịt đàn bà); hoặc như ở bài thơ "Gởi Hương Hồn Thạch Lam" (buồn nhớ kỷ niệm bạn hiền đột ngột nghe tiếng văng vẳng từ cõi âm). Sự pha trộn giữa hai khí hậu ấy chứng tỏ lý trí không làm chủ tình hình khi sáng tạo, cảm hứng về một điều gì khác vẫn nhiều dịp bất tuân sự điều động xếp đặt của tiến trình mạch lạc nhằm quy tụ những đồng điệu, như bài thơ "Sóng Nước Đồng Chiêm" thỉnh thoảng in đậm nét lòng nhiệt huyết muốn làm dời đổi thiên nhiên của thi sĩ Đinh Hùng. Ngoại vật đảo nghiêng trong cơn mê sảng của nội tâm chỉ thích hợp cho những sáng tác “Mê Hồn Ca”, không thích hợp thời kỳ bình lặng của tâm hồn trong "Đường Vào Tình Sử". Như thế, một bài thơ vừa có phần mạch lạc trong cách bố cục, điều động cho thuần điệu một vũ trụ ngôn ngữ, vừa có cảm hứng khác lạ đột nhập. Phải chăng đây là sự đồng hành hằng có trong diễn trình sáng tác một bài thơ?.
(Trích từ sách “Đinh Hùng, tác giả và tác phẩm”, nhà xb. Đời, Nam California 1992) (Bản gửi từ tác giả)
Trọn bài “Sóng nước đồng chiêm” của Đinh Hùng:
Loang loáng thuyền khơi vệt nắng chìm
Trùng dương về bạc khắp đồng chiêm
Một rừng nhiệt đới in lòng nước
Tay vớt trời xanh đụng cánh chim.
Trời nước kề vai lả lướt buồn
Từng cù lao nhỏ nép sơn thôn
Em đi, dẫy núi nhìn ngây ngất
Đá cũng tình si nhớ gót son.
Chưa khuất đầu non đã cố nhân
Người ơi cho núi chuyển theo gần
Vầng trăng mười bảy rưng rưng nhớ
Con nước đầy vơi lệ thủy ngân.
Em vượt Bồng Sơn tới Tuyết Sơn
Đà Giang nghiêng nửa khóe thu buồn
Sóng xanh tỏa bóng hàng mi rợp
Con mắt trao về nẻo viễn thôn.
Tình đến bên người, núi chắn ngang
Tà dương mái tóc ngút mây vàng
Bỗng nghe lạc trận mưa ngàn đổ
Cả một mùa thu đã quá giang.
Sóng tóc rừng mưa gợn trập trùng
Nghẹn ngào từng tiếng nấc thu không
Sương pha áo mỏng gầy non bạc
Chiều lặng soi gương sót má hồng.
Chiều lại chiều mưa nước ngập đồng
Mộng vàng hoa mướp rụng ven sông
Đợi em từ mấy phương bèo rạt
Mưa lọt chiêm bao, tóc rối bồng.
Giấc mộng đêm nào cũng gió mưa
Gối chăn như hải đảo vô bờ
Sóng dâng bốn vách sầu nghiêng bóng
Thoáng ngọn đèn trôi ánh mắt xưa.
Vọng tiếng chim đêm, núi nhớ rừng
Đồng chiêm nghe cũng thủy triều dâng
Dài thương mặt nước mênh mang gió
Lòng bỗng trôi ra biển mấy trùng.
ĐINH HÙNG
(Trích trong thi phẩm “Đường Vào Tình Sử”)