Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.188
123.214.249
 
Con Ngựa Đen Đốm Trắng
Ngô Thị Ý Nhi

Hai cái xách nặng oằn vai, với một đứa bé con cứ túm lấy váy, tôi đứng tần ngần trước chiếc cổng đen màu sơn đã bạc. Ngần ấy năm tháng trôi qua nhưng căn nhà này  vẫn không có gì thay đổi. Vẫn ba cây thông chụm đầu vào nhau phía cuối góc vườn. Vẫn bộ bàn ghế bằng đá đã cũ đi vì dầu dãi… Tôi đưa tay bấm chuông. Có tiếng chân người rồi một khuôn mặt thân quen hiện ra. Chiếc cổng mở, Ngọc ôm chầm lấy tôi la lên:

- Trời đất, mẹ con mày dắt nhau lên sao không cho tao hay để tao đi đón?

Nó bế Bi hôn hít:

- Mau lớn quá. Mới đây mà đã… Mà vào đi. Mày làm như khách lạ không bằng. Tao vẫn dành cho mày cái phòng cũ đó. Cái phòng hồi còn sinh viên…

- Nhưng hai bác đâu? Để tao chào hai bác đã.

- Ba mẹ tao về Sài gòn rồi, đi ăn cưới. Tao ở nhà làm biếng, nghĩ bán một ngày cho thỏai mái, ai ngờ… có khách qúy.

Tôi mở cửa phòng như một người thân thuộc đã lâu trở về chốn cũ. Vẫn chăn, vẫn nệm, vẫn chiếc bàn con phảng phất một mùi hương ấm áp. Tôi thả mình xuống ghế, thèm một cảm giác nghĩ ngơi. Bi níu kéo cái gì đó ngòai cửa sổ. Tôi chòang tỉnh:

- Không được nghịch, Bi, gió đánh giập tay đấy. Mà con tha giày vào dơ hết nhà dì Ngọc rồi còn gì.

Ngọc đang loay hoay thu dọn chiếc tủ áo, quay lại cười giòn tan:

- Tao giao căn phòng này lại cho hai mẹ con mày muốn làm gì thì làm. Này, Lan, cho áo quần vào tủ đây nhé. Tao đi lo cái gì cho mẹ con mày ăn tối. Đêm nay tụi mình sẽ ngủ chung với nhau trên chiếc giường này… Rộng chán! … Mà này, sao không nói gì hết vậy? Tối nay kể tao nghe nhé, chuyện bạn bè, chuyện thành phố dưới đó, chuyện chồng con mày…

 

Đêm đó, chúng tôi ngồi thật lâu trước hai ly cà-phê đã nguội, bên cửa sổ mở tung gió cứ thốc vào. Tôi thèm những cơn gió đến lạ lùng. Những cơn gió lùa vào lành lạnh, chóang ngợp làm đầu óc không còn nghĩ quẩn, nghĩ quanh. Bên ngòai vườn tối om chập chờn những lùm cây đen sẫm và xa hơn là những chấm đèn lập lòe của một thành phố cao nguyên. Đêm lạnh và ẩm ướt. Thấy tôi thu tay vào áo len, Ngọc cười:

- Thích gió mà cũng thấy lạnh kia à?

Tôi nhấp một ngụm cà-phê:

- Biết lạnh chứ. Nhưng thích gió nên thích lạnh. Nhất là cái lạnh Đà Lạt.

- Triết lý vụn hở? Mà này, mày tập uống cà-phê từ bao giờ thế? Tao nhớ hồi đó lên đây chơi, mày theo tụi tao đi Thủy Tạ chỉ để… uống sữa. Bây giờ… không sợ mất ngủ à?

Câu hỏi như đâm nhói vào tôi một mũi kim. Đã từ bao giờ… tôi không biết. Lâu lắm rồi tôi không sợ mất ngủ. Oi, những đêm dài… Tiếng Ngọc vẫn xa xôi:

- Dạo đó vui quá nhỉ? Tụi mình nghĩ hè về đây quậy. Cái giường này chất lên bốn đứa. Mà đứa nào cũng nghịch như qủy.

- Ừ, nghịch nhất là con Hương.

- Mày ở dưới đó có gặp Hương không?

- Không, lâu lắm rồi. Sau vụ đó nó trốn mất tiêu. Cứ như chìm nghỉm trong cái thành phố biển người hỗn độn.

- Tôi nghiệp, chắc tại nó xấu hổ với bạn bè.

 

Tôi chợt nghĩ đến Hương, mái tóc đen dài, khuôn mặt ửng hồng với hai lúm đồng tiền “giàu duyên nặng nợ”. Hương yêu một người đã có vợ con, bỏ cả gia đình dan díu với người đàn ông đó cho đến khi không chống đở nổi ngón đòn của người vợ cả, rồi biến mất như tăm cá sủi lên trên mặt sông mênh mông.

Ngọc khuấy mãi ly cà-phê:

- Cuộc đời nghĩ cũng buồn. Chỉ còn lại tao với mầy vậy mà bộn bề công việc bao năm rồi mới găp nhau. Tao nhớ lần cuối ghé thăm mày là dịp đầy năm cu Bi. Bây giờ nó đã bốn năm tuổi.

- Qua cái tuổi vô tư rồi, Ngọc ạ. Ai cũng trăm công ngàn việc không còn đầu óc đâu mà nghĩ… Như Hạnh, nó vô tình đến nỗi mấy năm không có cho mình một dòng. Lên máy bay theo chồng là đi luôn, không ngóai lại.

Câu hỏi của Ngọc đột ngột đưa tôi về thực tại:

- Thế còn mày?

- Tao? Sao cơ?

- Tao muốn hỏi dạo này mày ra sao?

Tôi cúi đầu xuống thấp hơn nữa:

- Tao cũng bình thường, công việc đều đặn.. Xin nghĩ phép ít ngày lên đây với mày cho thư thả.

- Còn anh Thức? Dạo này ông xã mày làm ăn khá lắm phải không? Lên lầu, có cả Dream…

- Thì anh ấy vẫn… vẫn…

- Tao nghĩ cho cùng mày là đứa sướng nhất. Con Hạnh lấy ông chồng Việt kiều ngó mà ớn. Hơn nó ít nhất cũng hai chục tuổi. Tao thì giờ này còn lông bông, bỏ việc về làm cô chủ tiệm áo len, còn con Hương… chỉ có mày, mày đẻ bọc điều đấy con ạ.

 

Tôi quay mặt ra cửa sổ. Hai cánh cửa đã mở tung rồi mà vẫn thấy ngộp. Một cơn gió quất vào, một cơn nữa, thêm một cơn nữa… Tôi nắm lấy chấn song, tóc phủ đầy trên mặt. Ngòai kia, đêm tối đen. Ngọc chợt đến ôm quàng lấy vai tôi thân thiết:

- Thôi, ngủ đi mày. Đêm khuya rồi. Để tao đóng cửa sổ. Thấy cuộc sống mày ổn định, ấm êm là tao mừng lắm rồi.

 

Suốt đêm tôi không ngủ được. Không phải do tác dụng của cà-phê nhưng lâu lắm rồi tôi đã quen trăn trở, quen úp mặt vào tóc nghe tiếng tic tắc của đồng hồ. Cành thông ngòai cửa sổ đong đưa những cánh tay ma quái. Và tiếng gió… gió lùa suốt đêm như không bao giờ mệt mỏi. Ngọc đã ngủ say với hình ảnh  hạnh phúc ấm êm của tôi mà nó hằng mơ ước . Oi, Ngọc, đứa bạn thương tôi hết lòng mà chưa bao giờ hiểu tôi trọn vẹn. Đôi lúc tôi muốn đánh thức Ngọc dậy để được kể lể, để nói với nó rằng… nhưng nói làm sao đây? Bắt đầu như thế nào? Bằng những giọt nước mắt ư? Hay bằng cây bút và mấy tờ giấy trắng mà tôi mang theo trong chiếc xách tay. Tờ giấy cho một quyết định cuối cùng tôi phải viết: Đơn xin ly hôn!

 

Cứ chập chờn và lơ mơ, giấc ngủ nặng nề như một hình phạt quấn lấy tôi cho đến sáng. Mơ hồ tôi biết Ngọc thức dậy đi ra rồi đi vào phòng rón rén. Tôi biết cả tia sáng đầu tiên chiếu qua cửa kính. Oi, cái ánh sáng trong lành của cao nguyên! Sau một ngày đi đường vất vả, Bi vẫn ngủ say. Hàng lông mi đều đặn khép trên làn da trắng nõn. Con tôi, thằng bé đáng yêu lạ lùng.

 

Trên chiếc bàn con là một lọ hoa tươi đủ màu sắc còn đẫm sương. Tôi thoáng mỉm cười nghe tim mình lắng xuống khi nghĩ đến sự ân cần của bạn. Ngọc vẫn nhớ đến sở thích của tôi. Một bó hoa dại cho một sớm mai trong lành. Tôi vin một cánh hoa. Giọt sương rơi xuống tập sách nhỏ đặt kế bên. “Lettres de mon moulin”! Cái tựa sách làm tôi thoáng chau mày. Nó gợi nhớ đến một cái gì qúa đẹp, quá mỏng manh mà tối đánh mất, đánh mất lúc nào cũng không hay. Tôi lật vào trang trong “Tặng Hòang Lan - Viễn”. Tôi cắn môi.Viễn! Cái tên xa xôi dội về từ cõi nhớ. Viễn, làn da rám nắng với nụ cười tươi! Viễn… Nhưng sao cuốn sách này lại ở đây? Quà tặng cho tôi ư? Phải rồi, tôi đã gặp Viễn, chỉ một lần cũng tại đây, thành phố này, ngôi nhà này…

 

Một buổi sáng cũng như sáng hôm nay, tôi thức dậy thật sớm, sớm hơn cả mặt trời. Bầu không khí lạnh và ướt sương bao trùm lấy căn nhà nhỏ. Qùang vội chiếc khăn, cho hai tay vào túi áo ấm tôi đi ra ngõ, men theo con đường phía sau nhà. Một con đường đẹp và hoang vắng lạ. Càng đi càng thấy xa hun hút. Hàng thông cao, dương xỉ và hoa dại mọc đầy như một cánh rừng hoang. Cho đến một lúc cái vắng vẻ làm tôi thấy sợ. Một bước, hai bước ngại ngùng… tôi dừng chân rùng mình và tự nhiên quay người đâm đầu chạy. Tiếng gió như tiếng cười ngạo nghễ đuổi theo. Chung quanh, cảnh vật cứ chập chờn… Đột nhiên, một cú va điếng người làm tôi bừng tỉnh. Tôi đã đâm đầu vào một người đi ngược chiều. Đến khi bối rối gỡ sợi tóc cuối cùng mắc vào cúc áo người đối diện, ngước lên tôi mới thấy mình đỏ bừng mặt vì bắt gặp một nụ cười tinh quái:

- Cô bị … ma đuổi hở?

 

Tôi cắn môi, ngượng điếng người, lầm lũi trở về nhà. Ong bạn không quen lẽo đẽo theo sau. Rồi trên phần đường còn lại tôi mới biết anh là Viễn, cháu gọi mẹ Ngọc bằng dì, cũng như tôi, mới đến thành phố lần đầu tiên, ngày hôm qua. Căn nhà hiện ra trước mặt nhưng chúng tôi cố tình lờ đi, không ai bảo ai, cứ tiếp tục đi nữa. Thành phố mù sương cứ lôi kéo mãi bước chân. Chúng tôi qua những con dốc dài, tháp nhà thờ vút cao, những mái nhà chìm khuất dưới hoa và đôi lúc dừng chân ở một gian quán nhỏ nào đó chênh vênh trên đường ngồi nghe thông reo. Đến khi chiều tối, lất phất mưa, tìm về nhà thì khuôn mặt đầu tiên tôi bắt gặp là Ngọc. Bờ môi tái nhạt, bàn tay run rẩy, nó ôm chầm lấy tôi nói như khóc:

- Mày đi đâu, Hòang Lan! Tụi tao tìm mày suốt ngày. Tao tưởng… tưởng…

 

Phút xúc động ấy qua đi và khi hiểu chuyện, tôi bị đem ra làm trò đùa cho cả bọn đến tối tăm mặt mũi. Thế rồi mấy ngày hè ngắn ngủi của đời sinh viên cũng trôi qua trong tiếc nuối và kỷ niệm nhỏ nhoi ấy rồi cũng nhạt nhòa theo tháng năm…

 

Tôi cầm cuốn sách nhỏ trên tay nhẹ nhàng lật từng trang một. Hình như tôi đã nói với anh rằng Đà Lạt làm tôi liên tưởng đến xứ Provence của Alphonse Daudet. Cũng nắng, gío và rất nhiều thông xanh. Tôi đã đọc say sưa bản dịch rồi mơ ước có một bản tiếng Pháp để cố gắng mò mẫm xem sao. Chẳng lẽ ước mơ ngô nghê thời hai mươi tuổi của tôi giờ anh vẫn nhớ…

Ngọc đột ngột mở của tíu tít:

- Dậy rồi hả? Này, bó hoa là của tao tặng. Cuốn sách là của ai thì mày biết rồi đấy. Anh ấy nhờ tao đưa lại cho mày vì phải đi Bảo Lộc từ sáng sớm.

- Anh Viễn cũng ở đây à?

- Lên đây từ tuần trước… Dự định ở lại đây viết lách cái gì đó. Ngày nào cũng đi sớm về trễ nên mẹ tao giao cho căn phòng biệt lập cuối nhà với chìa khóa riêng để được … tự do tuyệt đối.

Rồi đột ngột Ngọc cười tinh quái:

- Mà sao mày đã không thành… chị tao nhỉ? Oi, nếu những con đường Đà Lạt dài thêm một tí thì có lẽ “cục diện” ái tình của mày đã thay đổi rồi chăng.

 

Câu nói đùa của Ngọc cứ bám lấy tôi gần hai ngày trời. Tại sao? Có lẽ vì lúc đó tôi còn quá trẻ, quá hồn nhiên hay chừng ấy là quá ít để bắt đầu một tình yêu bền bỉ? Tình yêu? Thì tôi đã chẳng yêu Thức đó sao? Yêu tha thiết để đi đến một cuộc sống chung tưởng như trọn vẹn. Vâng, tôi đã yêu, đã lấy chồng. Và giờ đây, về lại nơi này nhớ lại thời tuổi trẻ để thấy mình mất mát. Trái tim tôi nặng trĩu những lo phiền. Viễn đã trở về. Ngòai những bữa cơm, tôi tránh gặp anh, tránh cái nhìn lặng lẽ và sắc sảo như đọc hết tâm can người khác. Hình ảnh anh, nụ cười anh như khơi bùng lên trong tôi một thời vụng dại. Tôi của mùa hè năm cũ và tôi cũa bây giờ… Cũng may tôi còn có bé Bi bên mình. Với cái hiếu động của cậu bé lên bốn hầu như Bi không để cho tôi yên mà vẩn vơ suy nghĩ. Và đôi lúc nhờ con tôi đã gỡ được tình thế khó khăn. Hai ngày trời không đi chơi xa chỉ quẩn quanh với ưu tư dằn vặt. Tôi thèm được kể lể cùng Ngọc, được gục đầu vào nó tha hồ khóc như ngày xưa… Nhưng sao khi ngồi một mình với nó tôi hòan tòan câm lặng, một mình ôm lấy cõi lòng nặng trĩu.

 

Bóng nắng chiếu xuyên qua lá thông đổ xuống chiếc bàn con lỗ chỗ. Tôi sực tĩnh nhìn dĩa bánh trên tay.

- Bi, đừng nghịch đất dơ, con.

- Con không nghịch đất, con đang vẽ cái nhà dì Ngọc.

Ngọc từ đâu chạy lại reo lên:

- Đẹp ghê Lan ạ, có đủ bốn cái cửa sổ.

- Lại đây ăn nốt chỗ bánh này đã, Bi.

- Không, con không ăn nữa.

- Hư nào, Bi, còn mấy thìa nữa ăn cho hết.

Ngọc giằng lấy dĩa bánh:

- Mày để tao. Còn mày, cứ ngồi mà mơ mộng tiếp đi. Qủy ạ, chồng con rồi còn mơ gì nữa.

Tôi cúi đầu để nghe cái gì đó trong tôi cứ dâng trào lên chóang ngợp. Vâng, từ lâu lắm rồi tôi vẫn quen cúi đầu. Giọng Ngọc vẫn vui vẽ:

- Hôm sửa nhà tao muốn chặt mấy cây thông nhưng ông Viễn can bảo để khi nào buồn ngồi nghe nó reo.

Rồi nó cười giòn tan:

- Mày biết không, tao “lật tẩy” liền. Câu nói này ông ấy “chôm” của mày chứ đâu phải của ông ấy… Mà này, sao mày không là chị dâu tao…

Ngọc đút thêm cho Bi một miếng bánh:

- Tao nghĩ lẩn thẩn chuyện đời chơi chớ lấy ông Viễn mà làm gì. Viết lách lông bông phát chán. Ong Thức của mày là số một. Tuổi trẻ, học thức, sự nghiệp… đủ, kể cả ái tình.

Tôi lại cúi đầu và cắn môi không tìm ra câu gì để nói. Bi níu cánh tay tôi:

- Mẹ… mẹ, có cái xe ngựa kìa. Mẹ hứa cho con đi xe ngựa.

- Ừ để rồi mẹ cho đi.

- Không, mẹ cho con đi liền.

- Thì ăn hết thìa bánh này đi nào. Phí công dì Ngọc. Dì làm bánh cho Bi mà.

- Con ăn rồi mẹ cho con đi xe ngựa nhé.

- Ừ, Bi ngoan nào.

Tôi quay sang Ngọc:

- Thôi, để tao dẫn Bi đi chơi loanh quanh một chút. Mai tao về Sài gòn.

- Về làm chi vội. Mới ở chưa được hai ngày đã đòi về. Mày nghĩ phép bao lâu?

- Chưa hết phép nhưng…

- Nhưng nhớ ông xã chứ gì. Thôi được, tao không dám giữ. Mày bây giờ là của ông Thức.

Tôi bây giờ là của ai? Của ai? Liệu tôi còn chút gì của tôi không? Trời đã về chiều và sương xuống. Trên con đường nhỏ Bi giả làm ngựa chạy loăng quăng không biết mệt. Mấy cô gái đi lễ về áo dài và khăn san trắng. Tôi thèm một góc khuất nhà thờ mặc dù tôi ngọai đạo. Tôi thèm một nơi nào đó để thả những dòng nước mắt dồn nén trong tôi. Con đường loanh quanh dẫn đến bờ hồ. Bi níu lấy tay tôi hớn hở:

- Ngựa, ngựa kìa mẹ. Mẹ cho con đi xe ngựa.

- Ừ, từ từ đã nào.

 

Một chiếc xe dừng lại. Một tốp năm sáu người leo lên nói cười vui vẻ. Tôi nhìn theo họ. Bên đường bụi dã qùy buông xuống những bông hoa vàng ngây dại trong sương. Tôi nhìn theo chuyến xe, con đường xa hút mắt và bất giác rùng mình… Gió, gió thổi tóc tôi rối bời, tim tôi lạnh buốt. Tôi bế Bi lên, ôm ghì lấy nó. Hai mẹ con đứng co ro bên con đường hoang vắng. Một chiếc xe ngựa khác chạy qua nhưng tôi không dám vẫy. Con tôi nhìn theo thất vọng. Không, tôi không tiếc tiền nhưng tôi sợ hình ảnh hai mẹ con trong một chuyến xe trống trải với một buổi chiều đầy sương. Con đường thì xa hun hút và hai bên là gió. Rồi chuyến xe sẽ đưa tôi về đâu nếu như… Tôi không dám nghĩ tiếp. Bi vùng vẫy trong tay tôi:

- Mẹ, mẹ gọi xe đi. Ngựa kìa.

Người lái xe dừng lại trước hai mẹ con tôi:

- Chị cho cháu đi xe.

- Không, cảm ơn bác, chiều quá rồi.

Chuyến xe quay đi và Bi khóc:

- Mẹ không cho con đi xe. Mẹ đã hứa, hứa…

- Bi ngoan nào , ngoan nào… Mẹ chờ xe khác. Cái xe có con ngựa đen kia.

- Ngựa đen chạy hay hơn hở mẹ?

- Ừ, ngựa đen có cái đốm trắng to ở trán đẹp lắm. Mà bác đánh xe rất tốt. Bác ấy sẽ đưa mình đi… đi..

- Mẹ quen bác ấy hở?

- Ừ, quen… Thôi, Bi ngoan mình vào đây chờ bác ấy nhé. Đứng đây trời lạnh quá, con.

 

Tôi dẫn con vào quán, gọi một ly cà-phê và ủ ấm con nào áo len, nào mũ trùm đầu. Thằng bé ngồi yên trong lòng tôi nhưng mắt vẫn dõi trên đường vắng:

- Mẹ, con ngựa đen kìa, con ngựa đen!

Chiếc xe trờ tới, giọng thằng bé buồn xo:

- Nhưng không có đốm trắng mẹ ạ. Không phải xe của mình.

Đôi mắt trẻ thơ vẫn nhìn theo con đường xa tít tắp. Nó chờ đợi, mong mỏi chờ đợi. Tôi lại thấy lòng trào lên xót xa cay đắng.

- Con ngựa vàng.

- …

- Con ngựa vàng.

- …

- Con ngựa trắng.

- …

- Không phải con ngựa đen… Không phải…

Thằng bé lẩm bẩm rồi ngủ thiếp trong lòng tôi. Sương đã phủ mặt hồ. Thành phố lên đèn, những đốm sáng mờ ảo trong sương… Phía bên kia là thủy tạ bồng bềnh trên vùng trời nước mênh mông. Tôi cảm thấy lẻ loi hơn bao giờ và lại rùng mình vì gió.

- Hai mẹ con đi hóng gió vào mùa này à?

Tôi quay lãi bắt gặp Viễn. Ao gió xám tro, tóc lào xòa trên trán với nụ cười gần gũi. Anh ngồi xuống bên tôi:

- Nghe nói mai Lan về Sài gòn.

- Vâng.

Như không còn tìm được gì để nói tôi ngập ngừng:

- Cám ơn anh về cuốn sách.

- À, tình cờ tôi tìm thấy nó trong một quầy bán sách cũ. Tự nhiên nghĩ đến Lan và mua nhưng không nghĩ đến chuyện gửi tặng.

 

Anh lại cười hồn nhiên:

- Rồi tình cờ hôm nay mình gặp nhau. Mà hình như mình chỉ tòan chuyện tình cờ.

Tôi bắt chước thói quen của Ngọc khuấy nhẹ ly cà-phê im lặng. Giọng anh vẫn đều đều:

- Tôi đã nhiều lần trở lại đây và gần như đã đi hết những con đường của thành phố.

Mắt tôi bỗng nhìn xa xăm:

- Em sợ những con đường, những con đường bí ẩn và xa hun hút, những con đường không biết sẽ đưa mình đến đâu…

Anh gẩy tàn thuốc, lặng lẽ nhìn xóay vào mắt tôi:

- Vậy thì xưa kia khi lang thang suốt ngày trên những con đường em có biết trước nó sẽ đưa mình đến đâu không?

 

Tôi nghe tim mình đau nhói, những bóng đèn xung quanh như muốn nhòe đi.

- Người ta sợ những con đường chỉ vì cô độc, vì thiếu một người bạn đồng hành đấy thôi, Lan ạ.

Lại có một cái gì đó dâng lên, dâng lên trong tôi nhưng lần này thì vỡ thành nước mắt. Bây giờ thì tôi hiểu vì sao mấy hôm nay tôi cố tình trốn tránh cái nhìn của anh. Viễn lặng lẽ hút thuốc, lặng lẽ nhìn tôi khóc:

- Lan ạ, ở đời người ta thường khổ vì những gì người ta có. Và với cuộc đời, những cái em có trong em đã làm khổ em.

Nước mắt vẫn lăn dài trên má tôi nhưng có lẽ vì vậy mà tôi cảm thấy phần nào nhẹ nhàng hơn. Những bóng đèn bên kia hồ tạo nên một vòng sáng lung linh huyền ảo. Đêm đã xuống tự bao giờ. Giọng Viễn vẫn êm đềm bên tôi:

- Đôi khi để sống dễ dàng mình cũng phải bắt chước người khác mà sống và nếu cần thì đôi khi cũng phải biết chấp nhận.

 

Lại một cơn co thắt ở tim làm tôi điếng người. Phải chấp nhận! Tôi phải chấp nhận những gì? Sự lừa dôi và phản bội ư? Và đến lúc không cần lừa dối nữa thì phải chấp nhận sự phản bội như một đặc quyền của đàn ông. Tôi phải biết nhìn xung quanh. Người này như vậy, người kia như vậy thì chồng tôi cũng vậy. Và tôi cần phải làm lơ hoặc cúi thấp đầu. Vâng, tôi không la hét được nên đã cúi thấp đầu. Nhưng sao mỗi lần cúi đầu xuống thì có cái gì trong tôi cứ trào lên, trào lên cay đắng mà không thể vỡ ra thành nước mắt trước mặt chồng. Tôi thương trái tim nhỏ nhoi tôi nghiệp của mình, trái tim âm thầm đau xé.

- Ngọc nói với anh về em, rất nhiều. Gia đình, cuộc sống và hạnh phúc của em.

Tôi nhắc lại cái danh từ trừu tượng nhất:

- Hạnh phúc!

- Với một số người thì như em đã là hạnh phúc. Ngọc nói em thay đổi nhiều, ít nói, trầm tĩnh, vững vàng hơn vì đã làm mẹ… Anh thì anh thấy em chẳng đổi gì mấy tí. Chẳng qua cảnh sống khác thì sự biểu hiện khác đi thôi. Em… dễ bị cuộc sống làm thương tổn. Em nên… nghĩa là cần phải…

Tôi ngửng đầu lên và lần đầu tiên dám nhìn thẳng vào mắt anh:

- Phải chấp nhận?

 

Một giây bối rối thoáng qua Viễn:

- Quả tình anh không biết khuyên em như thế nào. Như em, anh không nghĩ em đã sống dễ dàng. Nhưng nếu khuyên em làm như người khác, cố gắng làm như người khác thì có lẽ anh sẽ đau khổ vì đánh mất một cái gì anh từng yêu qúy. Mà chắc gì em làm được. Thôi thì em cứ nhận ở anh tấm lòng của một người bạn, người anh, một người hiểu em và mong mỏi em vượt qua được những vấp váp của cuộc đời…

 

Bàn tay tôi đặt rất gần tay Viễn nhưng tôi thấy tay mình lạnh băng trước một ly cà phê nguội ngắt. Viễn rít một hơi thuốc lá. Khói thuốc làm cay mắt tôi. Trên con đường vòng quanh hồ, đèn của những chiếc xe chạy nối nhau như không ngừng đuổi bắt. Những đốm sáng chợt tắt, chợt bừng lên. Có phải đó là vòng quanh cuộc đời không? Như tôi, bao nhiêu năm xa thàn phố này để rồi hôm nay trở lại… Nhưng còn ngày mai… chuyện gì rối sẽ tới? Tôi sẽ cúi đầu trước cơn thịnh nộ của chồng vì đã tự ý bế con đi. Đêm đêm sẽ nằm nghe tiếng xe cộ thưa dần trên con đường vắng , mở to đôi mắt ráo hỏang đợi chờ chồng mà nghe tình yêu giẫy giụa… Tôi chợt nghĩ đến mấy tờ giấy mang theo trong chiếc xách tay. Mấy tờ giấy vẫn còn nguyên là giấy trắng. Không, tôi phải viết, phải viết thôi… Rồi tôi lại thấy hiện ra trước mắt hình ảnh hai mẹ con co ro đứng bên đường hoang lạnh. Những chuyến xe ngựa đi qua, đi qua… Tôi ngơ ngác như đợi chờ ai đó mà chẳng biết phải chờ ai… Gió lại phả một làn khói thuốc của Viễn vào mắt tôi. Mùi thuốc thơm nồng làm lòng tôi chợt dịu xuống. Tôi nhìn anh và chợt thèm một bờ vai rộng đủ để tôi đặt đầu mình vào đó, trong đêm đầy sương gió này. Anh và tôi, chúng mình chỉ tòan chuyện tình cờ như anh nói. Tôi khép mắt, nghe tiếng nhạc bềnh bồng trôi. Bài hát buồn về một cuộc tình lênh đênh…

 

Tôi thèm như đứa con trong lòng tôi, thanh thản mỉm cười trong mơ và tin rằng con ngựa đen đốm trắng đang tung bờm phóng về với nó. Oi, niềm tin và mơ ước!... Tôi buông một tiếng thở dài rất khẽ nhưng cũng đủ đánh thức Viễn ra khỏi suy tư. Anh đặt tay lên chiếc mũ len của Bi dịu dàng:

- Về thôi Lan, khéo không thằng bé bị cảm lạnh đấy.

Viễn nhẹ nhàng bế lấy Bi trong lòng tôi. Thằng bé chòang tỉnh ngơ ngác:

- Mẹ, xe ngựa đến rồi hở mẹ?

Viễn bật cười:

- Cháu ngủ quên nên bầy ngựa chạy hết về rừng rồi còn đâu.

Thằng bé dụi mắt quay sang tôi:

- Con ngựa đen đốm trắng cũng không chờ mình hở mẹ?

Tôi nói với con như nói với chính mình:

- Muộn quá rồi, con.

 

Giọng tôi buồn ướt nhòe nước mắt. Tôi kéo lại khăn quàng. Gió hất ngược tóc tôi. Trước mặt và sau lưng tôi những đốm sáng chập chờn như những đôi mắt đợi chờ mệt mỏi. Đà Lạt ơi! Cần bao nhiê đèn cho đủ ấm? Sương bềnh bồng trôi… Núi đồi chập chùng với bóng cây đen thẫm. Mơ hồ tôi thấy bầy ngựa tản mạn phóng vào rừng, bờm tung bay trước gió. Và chập chờn đâu đó có cả con ngựa đen đốm trắng của mẹ con tôi./.

 

Ngô Thị Ý Nhi
Số lần đọc: 2123
Ngày đăng: 25.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trứng … - Phạm Toàn
Đường Kiến - Kinh Dương Vương
Đêm ngửa mặt - Trầm Hương*
G - Võ Đình
Giữa những hàng ghế trống - Trân Sa
Nước Mắt Bỏng - Hà văn Thùy
Như tâm thần hoang tưởng - Đỗ Lê Anh Đào
Trăng Lý Bạch - Đặng Kim Côn
Khói - Vũ Lập Nhật
Cuộc Chơi - Lữ Quỳnh