Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.165
123.203.464
 
Con Sâu Trong Mắt
Lữ Kiều

 

NHÂN VẬT

 

NGƯỜI ĐÀN ÔNG, tên Quyết

CHÚ TIỂU

NGƯỜI TRẺ TUỔI có con sâu trong mắt

ANH NĂM, Lãnh đạo và đại diện Tù binh

NGƯỜI GIÁM THỊ TRẠI GIAM

MỘT SỐ NGƯỜI TÙ

 

 

 

CẢNH

 

Sân khấu rộng.

Bên phải là một cảnh Chùa. Một cái cổng tam quan, thứ cổng có mái hiên che nắng. Phía sau cổng là bóng cây và những mái chùa. Lá rụng từ cây bàng cao bên cánh gà.

Bên trái là một khoảng rộng. Cảnh ở đây thay đổi tùy theo hồi tưởng của nhân vật. Có thể dùng những màn đề-co thay đổi để tạo những không gian khác, thời gian khác. Người dựng kịch tùy ý dựng ở cảnh này theo kỹ thuật tượng trưng để tạo nên lần lượt một sân trại giam có hàng kẽm gai; vọng canh; ánh trăng trên một khu rừng lau,  rồi một phòng giam.

Ghi chú: Nếu kỹ thuật cho phép thực hiện một sân khấu lửng để thay thế cảnh TRÁI nói trên thì rất tiện cho sự diễn xuất của những nhân vật hồi tưởng, cũng như dễ dàng chuyển đạt đến khán giả cái không khí khác hẳn với không khí dưới cổng tam quan, (với ánh sáng khác, âm thanh khác...)

 

Tác giả chủ trương các nhân vật được giản lược phần hóa trang đến mức tối đa. Nhưng đặt quan trọng ở kỹ thuật âm thanh và ánh sáng.

 

Màn mở với sự yên lặng thanh tịnh. Người đàn ông nằm gác đầu lên những bậc thềm cổng tam quan nón úp lên mặt. Một chú tiểu hân hoan đuổi theo con bướm bay vào Chùa. Chú vấp phải người đàn ông, té nhào, đứng dậy,  phủi bụi, nhớn nhác, ngượng nghịu.  Người đàn ông vẫn nhắm mắt, đưa tay tìm chiếc nón úp trở lại lên    mặt. Chú tiểu chạy vào Chùa. Một lát, chú lại chạy ra theo con bướm, cảnh cũ tái diễn. Lần này người đàn ông thức dậy.

 

 

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

Nè, chú nhỏ.

CHÚ TIỂU

Ủa. Gì vậy Bác?

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

Cấm sát sanh.

CHÚ TIỂU (bẽn lẽn)

Bướm đẹp quá. Tui chạy theo coi mà. Tui nói thiệt.Lỡ đụng bác...

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

Cấm ham sắc đẹp.

CHÚ TIỂU (bực mình)

Cấm, cấm hoài. Bộ ông nội người ta sao! Lãng xẹt.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

Cấm vọng ngữ.

CHÚ TIỂU

Thôi. Không nói với ông nữa. Người gì kỳ cục. (chạy vào chùa)

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

(với theo)

Cấm sân si!

Người đàn ông mỉm cười. Một nụ cười buồn. Rất chậm rãi, y nằm xuống, gối đầu lên bực cấp, nón úp lên mặt. Ta nghe tiếng trống. Một tiếng trống nhỏ - trống cơm chẳng hạn - bập bùng như tiếng tim đập của người đàn ông. Một lát. Rồi tiếng trống ngừng. Người trẻ       tuổi hiện ra trong sự im lặng tuyệt đối. Y ngồi xuống bó gối, đăm đăm nhìn người đàn ông. Tiếng trống vọng lại, tiếng của hai cái trống như tiếng tim đập của hai người.

 

NGƯỜI TRẺ TUỔI

Cầm thanh gỗ, từ từ dùng cây gỗ giở nón người đàn ông. Tiếng trống ngừng

Anh Quyết!

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

(thức dậy, chậm rãi)

Anh là ai?

NGƯỜI TRẺ TUỔI

Anh thử đoán...

 

NGƯỜI ĐÀN ÔNG  (nhìn)

Chịu. Không đoán ra. Tôi không thích làm bốc sư. Với lại, sáng này tôi chỉ muốn nằm ngủ. Và đừng bị ai quấy rầy!

NGƯỜI TRẺ TUỔI   (giễu cợt)

Thì sáng nào anh cũng lại cổng Chùa này. Anh cũng úp nón lên mặt. Cũng nhắm mắt. Nhưng chắc gì anh đã    ngủ?

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

À. À. Thì ra đã theo dõi tôi. (gật gù) Tôi bắt đầu đoán  biết anh là ai...

NGƯỜI TRẺ TUỔI

Đôi khi ta làm bốc sư bất đắc dĩ.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG  (đổi giọng)

Không đùa nữa. Anh muốn gì? Anh là ai?

NGƯỜI TRẺ TUỔI (giễu cợt)

Ấy, ấy chớ mất bình tĩnh (chậm rãi) Anh hỏi tôi muốn gì, rồi lại hỏi tôi là ai (cười) Lẽ ra anh phải hỏi ngược lại. Nếu anh biết tôi là ai, tức khắc anh biết tôi muốn gì.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG  (buồn rầu)

Tôi đoán ra rồi. Trại A. Phải không?

NGƯỜI TRẺ TUỔI

Phải. Trại A ở trại giam tù binh ngoài đảo. Anh còn nhớ!

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

Vẫn nhớ. Nhưng không nhớ ra anh.

NGƯỜI TRẺ TUỔI

Ừ, làm sao nhớ ra tôi. Trại bao nhiêu là người. Nhưng tôi thì nhớ anh, anh Quyết ạ. Cũng như anh chẳng thể nào quên anh Năm.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

Anh Năm. Anh Năm đã chết.

 

 

NGƯỜI TRẺ TUỔI  (Đổi giọng)

Phải. Anh Năm đã chết. Tất cả những người theo anh Năm đều chết (đanh thép) anh Quyết, bây giờ anh biết tôi muốn gì rồi.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

(Bình thản, mơ màng)

Những ngày ấy như cơn mộng dữ.

NGƯỜI TRẺ TUỔI

Anh chưa trả lời câu hỏi.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

Còn phải trả lời nữa sao?

NGƯỜI TRẺ TUỔI (nghiêm trang)

Vậy thì tôi phải nói ra. Hôm nay tôi đến tìm anh hỏi thăm về mối hận cũ.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

Hận thù. Hận thù. Chưa đủ ư ?

NGƯỜI TRẺ TUỔI

Với tôi, chưa!

NGƯỜI TRẺ TUỔI

Tôi biết anh em nghĩ gì về tôi.

NGƯỜI TRẺ TUỔI (quyết liệt)

Kẻ phán bội.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

Đúng. Cả trại A đều nghĩ như vậy. Trừ anh Năm.

NGƯỜI TRẺ TUỔI

Và những người đã chết nữa chứ. Vì họ không còn     nghĩ ngợi được nữa. (khinh bỉ) Anh Quyết, anh muốn chạy tội?

NGƯỜI ĐÀN ÔNG (cười)

Chạy tội... Ha... (đổi giọng cao ngạo) này chú, không phải vậy. Tôi hiểu những lầm lẫn của tôi. Anh Năm còn sống, anh ấy cũng hiểu. Trừ các anh. Nhưng tôi nghĩ chuyện ấy đã qua, ta phải lo sống phần đời còn lại Tôi thì chẳng còn bao nhiêu năm. Như chú thì còn quá trẻ .

NGƯỜI TRẺ TUỔI (hằn học)

Lập luận lãng mạn. Anh muốn nói chúng ta phải quên để bắt đầu lại cuộc đời?

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

Đúng vậy. Phải biết quên. Cũng như phải biết nhớ. (đổi giọng, thân ái hơn) Này anh, chúng ta còn nhiều thì giờ Chuyện đâu còn đó. Ta thử bắt đầu cùng nhau nhớ lại

Ánh sáng tối dần. Hai người biến thành hai cái bóng đen bất động rùng rợn. Tiếng trống vọng lại. Tiếng người đàn ông thầm thì

Này anh, anh có nghe tiếng tim mình đang rộn ràng đập. Khi ta nghe được tiếng tim mình, là lúc ta trở lại với ta đó …

 

Cổng tam quan tối hẳn. Cánh trái sáng dần, từ từ ánh sáng đỏ tím thê lương. Ta nhìn thấy một sân trại giam, hàng kẽm gai, cùng những vọng gác bao quanh, những người tù lô nhô ngồi ở giữa,  những tiếng nói lao xao hỗn độn rõ dần rồi ta nghe tiếng hô to, tiếng hô đả đảo đáp lại. những bàn tay giơ cao nhịp nhàng. Một lát rồi trong đám tù lô nhô, một người đứng đậy. Y nổi bật sau hàng kẽm gai. Lúc y đưa hai tay lên thì những âm thanh lắng dần.

ANH NĂM (quay lưng lại khán giả)

Các bạn hãy nghe tôi. Tôi yêu cầu các bạn giữ trật tự Chúng ta phải kỷ luật. Cuộc tranh đấu không kỷ luật là tự sát. Các bạn nghe rõ chưa (tiếng đáp lại: Rõ!) Tôi biết              chúng ta đã tuyệt thực sang ngày thứ năm, tinh thần khích động, cho nên phải đề cao cảnh giác hơn lúc nào cả (hỏi lớn) các bạn nghe rõ không (tiếng đáp đồng loạt: Rõ.)

Anh Năm từ từ bỏ hai tay xuống, quay về phía vọng gác nói với giám thị.

Thưa trung úy Giám thị trại A. Thay mặt toàn thể anh em tù binh, tôi xin trung úy chuyển những yêu cầu của chúng tôi lên bộ chỉ huy trại giam (ngừng một lát, gằn giọng) Chúng tôi đã tuyệt thực sang ngày thứ năm, và đây là lần thứ năm tôi nhắc lại yêu cầu. (im lặng hoàn toàn trên sân khấu. Giọng anh Năm chậm và rõ) Thứ nhất: Yêu cầu trại giam tôn trọng qui ước Giơ-neo về Tù Binh, trong đó chúng tôi nhấn mạnh hai điều khoản: Cấm hành hạ tra tấn tù binh, cấm bắt tù binh thi hành những công việc có tính cách quân sự cho trại giam (ngừng một lát). Thứ hai: yêu cầu trả lại những tù binh trại A bị biệt giảm từ ba tháng nay. Nếu không được trả về, chúng tôi xem như họ đã chết, đã bị giết (gằn giọng). Đây là những cuộc ám sát! (ngừng một lát) Thứ Ba: Yêu cầu trả cho chúng tôi xác chết của những anh em đào thoát bị bắn đêm mùng mười. Chúng tôi muốn tẩm liệm và chôn cất họ. (dịu giọng) Thưa trung úy Giám Thị, năm ngày tuyệt thực, chúng tôi chỉ yêu cầu - đúng ra, thỉnh cầu - có vậy. Nếu trại giam tiếp tục im lặng làm ngơ, Trại Giam phải chịu trách nhiệm về hậu quả xấu trước dư luận trong và ngoài nước.

Anh Năm quay lại phía tù binh, hai tay giơ lên.

Xin các bạn kiên nhẫn. Ta tiếp tục chờ đợi. Tiếp tục tranh đấu. Hãy ngồi trật tự giữa sân nắng này. Vì Tổ       quốc, ta mất tự do. Vì sự sống, ta chỉ còn thân xác và sự       chết để tranh đấu. Chúng ta không sợ chết, phải không ? (Tiếng đáp đồng loại: PHẢI!) Vậy, tôi yêu cầu anh em hãy im lặng mặc niệm những đồng chí vừa gục ngã. Những lời phản đối hỗn loạn sẽ bị trại giam cho là khiêu khích, ta không lường được hậu quả (hỏi) Các bạn nghe rõ chứ? (Tiếng đáp đồng loạt: Rõ) Tuyệt đối bất bạo động, các bạn nhớ kỹ như vậy. Tất cả những kẻ kiệt lực ngất xỉu hãy mang vào giữa!

Anh Năm ngồi xuống. Tiếng lao xao bắt đầu.

GIỌNG KIM

Chờ đợi. Chờ đợi hoài. Chúng ta đã chờ năm ngày giữa nắng, đói khát. Yêu cầu giám thị ra đây.

GIỌNG THỔ

Chết hay tự do!

GIỌNG KIM

Đả đảo giám thị. Đả đảo giám thị.

TẤT CẢ

Đả đảo Đả đảo

ANH NĂM (đứng đậy, giơ hai tay lên trời)

Im lặng (nói lớn hơn) Tất cả nghe tôi, hãy im lặng. Chúng ta không tranh đấu với giám thị. Chúng ta đòi hỏi bộ chỉ huy trại giam thỏa mãn những yêu cầu chính đáng của chúng ta. Im lặng! (nghiêm nghị hơn) Tất cả nghe tôi, Im lặng!

Tiếng động hỗn loạn nhỏ dần. Anh Năm lúc bấy giờ quay lại, đối điện với khán giả. Ta nhìn thấy mặt một trung niên khắc khổ, râu rậm, mắt quắc sáng. Y đứng bất động trong một thế chờ đợi khốc liệt. Một lát, rồi bóng những người lính hiện ra sau lưng y, trước những vọng canh, mũ sắt, súng cầm tay, ánh sáng thay đổi..

TIẾNG GIÁM THỊ

Alô. Alô. Đây, tiếng nói của bộ chỉ huy trại giam trả lời các tù binh. Trước hết, chúng tôi yêu cầu các tù binh     bình tĩnh, bộ chỉ huy chủ trương mọi bất đồng đều có     thể giải quyết ôn hòa. Chúng tôi lần lữa trả lời những     yêu sách của tù binh như sau (ngừng một lát) Thứ nhất: chúng tôi luôn luôn tôn trọng qui ước Giơ-neo về Tù     binh. Sự tụ tập giữa sân, phản đối không cho giám thị vào điểm danh là những vi phạm qui ước. Chúng tôi cho đó là một hành động khiêu khích. (ngừng) Thứ hai: chúng     tôi bảo đảm tính mạng của những Tù Binh bị biệt giam Họ vẫn mạnh. Tôi có thể đem họ đến trình diện. Tuy nhiên, họ là những tên đầu sỏ của nhũng cuộc vượt     thoát chúng tôi mang họ sang trại khác, chớ không thể trả họ về môi trường cũ. Điều này cũng không trái với qui ước Tù Binh! (ngừng) Thứ Ba: về những kẻ bị bắn hạ     ngoài vòng kẽm gai, thì điều đó là quyền của chúng tôi đã ghi trong qui ước. Về cái chết của họ, có biên bản     trong đó có chữ ký của đại diện Tù binh. Vì vậy chúng     tôi đã chôn cất họ vì lí do vệ sinh. Chúng tôi không thể trả những xác chết để tù binh lấy đó làm cái cớ sách động. (Dịu giọng) Chúng tôi ghi nhận rằng nhịn đói, từ     chối khẩu phần là quyền của các anh. Nhưng bổn phận  của chúng tôi là phải cung cấp thức ăn. Ban hỏa thực  trại giam đã mang đủ khẩu phần cho Tù Binh mỗi ngày và hiện còn để trước cổng vì chính các anh không mở  cổng trại nhận thức ăn. (ngừng một lát) Tuy nhiên trại giam tỏ thiện chí bằng cách cho sáu đại diện trại A ra nghĩa địa thăm mộ những kẻ đào thoát bị bắn hạ. Sáu người, chúng tôi nhắc lại. Ngược lại, chúng tôi yêu cầu tù binh ngưng tuyệt thực và giải tán. Chúng tôi hẹn một giờ. Sau một giờ, chúng tôi sẽ hành động mạnh để giải tán những tù binh ngồi ngoài sân. Chúng tôi nhắc lại: một giờ. Sau đó, không còn vấn đề gì nữa (đe doạ) Các Tù binh hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc làm của các anh (dịu giọng). Sau đây, Sĩ quan Tâm Lý Chiến có đôi lời với các tù binh tuyệt thực.

TIẾNG NGƯỜI SĨ QUAN TÂM LÝ CHIẾN

Cùng các bạn bên kia chiến tuyến. . .

Tiếng nói xa hút, đều đều, rồi nhỏ dần, mất hẳn. Chỉ còn Anh Năm vẫn đứng bất động tự nãy giờ.

Người đàn ông và tên nông phu ở cổng tam quan từ từ đến gần anh Năm, họ như bước sang một thế giới khác - một thời gian khác - một không gian khác...

ANH NĂM (vẫn bất động)

Chú Quyết đó ư ?

NGƯỜI TRẺ TUỔI (mau mắn)

Dạ. Anh Quyết và em là trưởng toán đào hầm đây.

ANH NĂM (nhìn hai người)

Tình hình bắt đầu khó rồi đây. Họ hẹn ta một giờ. Công việc đến đâu rồi chú Quyết?

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

Hầm đào được tám mươi mét. Những khó khăn lúc đầu đã giải quyết. Hiện tại anh em đào rất nhanh chóng.  Nhưng nếu chỉ một giờ nữa thì công trình phải bỏ dở.

ANH NĂM

Đúng vậy, ta không thể thoát ra giữa ban ngày.

NGƯỜI TRẺ TUỔI

Vả lại, lúc ấy miệng hầm thoát ra ngay ở... (ngập ngừng)

ANH NĂM

Ở đâu?

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

Bãi mìn.

ANH NĂM (suy nghĩ)

Phải xét lại. Phải tìm cách kéo dài thì giờ, phải ngồi cho đến lúc đêm xuống. (với người trẻ tuổi) Công việc ngụy trang thế nào?

NGƯỜI TRẺ TUỔI

Toán đào hầm làm việc ngày đêm. Đất cát đào lên được đổ vào thùng phân và rải đều trên sân, anh em ngồi    lên, đất mới sẽ nhẵn như đất cũ.

ANH NĂM

Còn miệng hầm?

NGƯỜI TRẺ TUỔI (tinh quái)

Những người giả vờ ngất xỉu nằm che lên miệng. Bọn    giám thị không thể nào khám phá đâu. Chúng em phải chuyền từng nắm đất để phi tang. Lúc nào ồn ào mất trật tự thì sự phi tang dễ dàng hơn. (ngập ngừng) Thưa anh lương khô bí mật dự trữ cũng gần cạn…

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

Nếu kéo dài đến tối, thì đường hầm dự trù được 100 mét. Miệng thoát ra khỏi bãi mìn. Bóng đêm sẽ giúp ta.

ANH NĂM

Đúng. Chỉ cần đến đêm. Khoảng 9 giờ tối những người đào thoát sẽ xuống hẳn, và thoát ra ở miệng hầm đàng kia chúng ta sẽ ở giữa khu rừng lau. Cách rừng cây 100 mét.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

Chỉ cần bò vào rừng, đã có người anh em chờ ở phía   Bắc.

NGƯỜI TRẺ TUỔI (nôn nóng)

Một trăm người sẽ đào thoát. Con số làm bạt vía bọn   giám thị. Nhưng chúng nó chỉ gia hạn chúng ta thêm   một giờ. Một giờ...

ANH NĂM (ngẫm nghĩ)

Chúng ta đã tuyệt thực năm ngày. Họ đã kiên nhẫn để chúng ta ngồi giữa sân năm ngày. Biết đâu họ đang nghi ngờ chúng ta mưu tính gì đây. Một giờ. Một giờ. Nếu họ tràn vào giải tán chúng ta. . .

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

Họ vào với những cây gậy sắt bọc cao su. Luật cấm   lính canh vào trại tù với vũ khí.

ANH NĂM

Vẫn không thay đổi được tình thế. Chúng ta không chống cự được lâu đâu ! Phải lấp miệng hầm chờ một dịp   khác

NGƯỜI TRẺ TUỔI

Không. Chúng ta sẽ tổ chức chống cự. Trong lúc đó, những người đào thoát cứ chui xuống hầm.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

Để thoát ra dưới bãi mìn, dưới ánh sáng mặt trời?

 

NGƯỜI TRẺ TUỔI

Chấp nhận hy sinh. Không còn cơ hội nào khác.

ANH NĂM (gằn giọng)

Chú đủ can đảm cho anh em chạy trên bãi mìn, dưới những họng súng từ các vọng canh? Đào thoát không     phải là tự sát.

NGƯỜI TRẺ TUỔI

Em dự trù thoát một nửa.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

Một nửa, còn một nửa banh xác vì mìn hoặc gục ngã vì đạn. Chú nghĩ cái giá ấy không đắt ư ?

NGƯỜI TRẺ TUỔI (lạnh lùng)

Không!

ANH NĂM

Với tôi, quá đắt

NGƯỜI ĐÀN ÔNG (xúc động)

Tôi biết anh Năm không chấp nhận giải pháp ấy. Vậy     chỉ còn cách cuối cùng, (buồn rầu) lấp miệng hầm lại. Mùa mưa tới. Nếu không còn cơ hội nào, thì đường hầm ngập nước...

NGƯỜI TRẺ TUỔI

Công sức năm ngày tuyệt thực để che mắt cuộc đào hầm này thành vô ích. Một dịp khác... Bao giờ...

ANH NĂM (ngắt lời, quyết định)

Vấn đề là đường hầm dài 100 mét, ra khỏi bãi mìn và đêm tối. Chú hiểu chưa?

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

Tôi cần thêm 6 tiếng đồng hồ nữa. Ôi, phải chi ta có cuốc xẻng.

NGƯỜI TRẺ TUỔI (khích động)

Ta có bàn tay. Có ý chí. Có lòng khát khao...

NGƯỜI ĐÀN ÔNG (nghiêm trang)

Tôi biết lòng chú nóng rực lửa. Nhưng chú hãy để yên cho anh Năm suy nghĩ và quyết định. (với anh Năm) Anh Năm, anh em khích động lắm rồi. Tôi sợ lộ mất.

Tiếng lao xao bắt đầu. Rồi tiếng trống như ba quả tim đang đập. Tiếng trống lúc đầu rời rạc. Về sau thúc giục hơn. Anh Năm cúi đầu đi lại khi anh ngẩng lên thì tiếng trống im. Ánh sáng chiếu thẳng vào mặt.

ANH NĂM

Giơ hai tay lên, quay lưng lại phía khán giả.

Anh em hãy nghe tôi. Tôi sẽ tiếp xúc với giám thị lần cuối. Anh em hãy giữ bình tĩnh (đưa tay làm loa, hướng về vọng gác) Yêu cầu cho chúng tôi tiếp xúc lần cuối. (Bóng những người lính hiện ra trước vọng canh). Điều thứ nhất: chúng tôi tin tưởng trại giam tôn trọng quy ước tù binh (mỉa mai). Chúng tôi vẫn tin như thế, nhưng cứ phải nhắc lại ngoài ý muốn. (ngừng) Thứ hai: chúng tôi đồng ý những người bị biệt giam sẽ sang trại khác, nhưng xin trại giam cho các đương sự đến với chúng tôi để xác        nhận họ chưa chết. (ngừng) Thứ ba: chúng tôi rút lại đòi    hỏi những xác bị bắn hạ đêm mùng mười. (Giọng xúc    động) Nhưng thưa Trung úy Giám Thị, tôi thay mặt tất    cả tù binh trại A xin Trung úy cho phép chúng tôi ngồi    lại giữa sân này để mặc niệm những anh em đã chết.    Chúng tôi xin ngồi cho đến giờ giới nghiêm của trại    giam. Bởi vì đêm nay là đêm rằm, đêm rằm tháng bảy, ngày xá tội vong nhân... Chúng tôi sẽ im lặng, mặc niệm cho tất cả anh em bạn cũng như thù, đã chết . . .

Anh Năm nhìn người đàn ông và người trẻ tuổi. Người đàn ông lại gần, đặt tay lên vai anh Năm, xúc cảm.

TIÊNG LAO XAO

Anh Năm yếu quá.

GIỌNG KIM

Không chấp nhận nhượng bộ.

 

GIỌNG THỔ

Hy sinh tới cùng. Trả xác các bạn lại...

GIỌNG KIM

Chúng tôi không sợ bạo lực.

GIỌNG THỔ

Chỉ có bạo lực cách mạng là vô địch.

Tiếng lao xao hỗn độn một lát rồi im. Sân khấu chỉ còn ba người nổi bật trong phút quyết định.

ANH NĂM

Bây giờ ta chờ. Hy vọng sau năm ngày tranh đấu, đến hôm nay ta đấu dịu thì họ sẽ dễ nhượng bộ.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG (còn xúc cảm)

Nếu anh không nhắc, tôi không nhớ đêm nay là đêm rằm tháng bảy. Mẹ tôi còn sống, thế nào bà cũng      cúng vái (buồn rầu) xá tội vong nhân...

NGƯỜI TRẺ TUỔI

Anh Năm đã quyết định thật khéo léo. Nếu họ để yên chúng ta đến chín giờ tối, giờ giới nghiêm, ta      thành công.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

Đường hầm đã đến rừng lau.

ANH NĂM

Khỏi bãi mìn? Chắc chắn?

NGƯỜI TRẺ TUỔI

Dư sức.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

Chúng ta đã thực hiện một đường hầm vượt sức người.

ANH NĂM

Với tay không và các gà men cất dấu, không cuốc, không xẻng, tôi thành thật khen ngợi các bạn.

NGƯỜI TRẺ TUỔI (khoái trá)

Sức người mà anh. Còn huống chi ý chí của anh em bừng bừng nuốt trôi đất cát!

ANH NĂM

Nhưng chúng ta phải chờ trại giam trả lời.

Tiếng trống nhỏ dần rồi ánh sáng tối dần. Giọng người Giám Thị dội lại từ xa.

NGƯỜI GIÁM THỊ

Alô. Alô. Đây, bộ chỉ huy trại giam trả lời đề nghị       của tù binh (tiếng trống ngừng) Chúng tôi ghi nhận thiện chí của tù binh trại A. Vì vậy, bộ chỉ huy đồng ý cho       phép tù binh được ngồi tại chỗ mặc niệm. (gằn giọng)Tuy nhiên, sau giờ yêu cầu, nghĩa là sau tiếng kẻng giới nghiêm, ban giám thị sẽ vào trại điểm danh. Từ bây giờ, các anh phải tôn trọng lời hứa: tù binh tuyệt đối im lặng, trật tự. Mọi khiêu khích đều không được tha thứ. Mọi chống cự sẽ trả giá đắt. Chúng tôi sẽ nổ súng. Sau đây, sĩ quan tâm lý chiến có đôi lời nói với tù binh.

SĨ QUAN TÂM LÝ CHIẾN

(ngọt ngào một cách giả dối)

Cùng các bạn bên kia chiến tuyến... ..

Tiếng nói xa dần rồi mất hẳn. Ánh sáng rõ dần.

ANH NĂM (rạng rỡ)

Chúng ta thành công một nửa.

NGƯỜI TRẺ TUỔI

Ha. . Ha! Ta sẽ vượt thoát trước mũi tụi giám thị mà chúng nó không hay!

ANH NĂM

Đừng, chủ quan vội. Anh em phải thận trọng.

NGƯỜI TRẺ TUỔI

Dạ. Em trở về với công việc. Xin chào hai anh.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG (với người trẻ tuổi)

Khoan. Đừng vội. Tôi giao bản đồ đường hầm cho chú. Công việc của tôi đến đây là hết.

 

 

NGƯỜI TRẺ TUỔI (ngạc nhiên)

Ủa. Sao vậy anh? Anh không chỉ huy tụi em đào tiếp?

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

Đoạn khó nhất đã xong. Công việc cứ thế mà tiếp tục. Đường hầm để dành cho anh em đào thoát. Tôi ở lại.

NGƯỜI TRẺ TUỔI

Anh ở lại? Sao vậy anh? Sao anh không đi với anh em? Công lao của anh...

ANH NĂM (nghiêm nghị)

Thôi, chú đi đi. Đây không phải là vấn đề của chú.Chú ráng điều khiển anh em hoàn thành tốt công tác.  Chào chú. Anh Quyết ở lại.

Người trẻ tuổi trở lại dưới bóng tối ở cổng tam quan, trong vị thế cũ ở trại giam, ánh sáng thay đổi, tưởng như ở một không gian khác.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

Anh Năm!

ANH NĂM

Anh Quyết, đêm nay anh trốn đi.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

Không, chính anh mới là kẻ phải đi. Anh ở lại sẽ  không sống nổi với sự trả thù của họ đâu.

ANH NĂM

Tôi là kẻ có tuổi. Tôi còn bổn phận với những người ở lại. Anh là một kỹ sư giỏi. Tổ quốc cần những người như anh.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

Tôi là kỹ sư. Nghề của tôi là đào hầm. Tôi sẽ rời trại giam với cái hầm cuối cùng.

ANH NĂM

Đừng anh hùng cá nhân. Anh phải đi.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

Tôi ở lại vì tự xét còn hữu ích. Trại giam chưa biết     tôi là kỹ sư. Còn anh là đại diện, mất đi một trăm     người, anh là cái đích để họ trả thù. Vả lại, anh phải     dìu dắt một đoàn người trốn lên phía bắc; không có anh họ sẽ lạc lối, sẽ bị bắt trở lại, công trình của chúng ta hóa ra vô ích.

ANH NĂM

Anh đã nghĩ đến sự trừng phạt tập thể nếu không có tôi?

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

Trừng phạt ư? Có phải đó chỉ là một thói quen mà chúng ta đã học được để chịu đựng trong những ngày tháng tù đày? (đổi giọng) Anh Năm, anh hãy tưởng tượng         đến lòng hân hoan của tôi, khi đến giờ giới nghiêm, họ vào điểm danh và thấy mất đi một trăm người. Vậy thì  sá gì sự trả thù ấy... (nghiêm trang) Còn anh, anh phải đi.

ANH NĂM

Bỏ đi! (suy nghĩ, đi lại) Bỏ đi, thoát khỏi chốn này...

(tiếng trống vọng lại, rời rạc, buồn bã...) Bỏ đi. Thôi được, tôi sẽ vượt ngục cùng anh em. (quay lại nhìn người đàn ông, ánh sáng thay đổi, hai người chìm trong một thứ ánh mờ thê lương)

Anh Quyết, tôi sẽ nhớ anh mãi (nắm hai vai người đàn ông)  Anh hãy thay tôi lãnh đạo anh em. Họ còn quá trẻ. Họ có trái tim, nhưng thiếu khối óc. Anh là khối óc của họ.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

Tôi cố gắng không phụ lòng tin của anh Năm (ngập  ngừng) Còn một điều nữa (một lát) khi thoát về, anh tin  cho vợ tôi hay, tôi đã chết.

ANH NĂM

Đã chết?

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

Tôi muốn vợ tôi khóc một lần. Tôi không muốn vợ tôi mõi mòn chờ đợi (ngậm ngùi) Chờ đợi một cái gì đó ở bên kia đường thấp thoáng, ta bước đến nhưng chẳng thấy         gì. Như một trò hú tim. Trò chơi kéo dài. Cho đến lúc ta không biết mình chờ gì. Và người đàn bà như cái hoa, tàn héo. (Đổi giọng, tâm sự) Đúng ra, trong một nghĩa nào đó, tôi đã chết, đã chết vì không còn như xưa. (trở lại cứng cỏi) Xin lỗi anh, anh Năm, chúng ta sắp chia tay, anh là người tôi kính phục, tôi xin thú thật điều này: tôi là một kỹ sư, nhưng tôi là một kẻ lãng mạn.

ANH NĂM

Tôi hiểu, anh Quyết ạ. Anh không chỉ có một khối óc,     mà còn một con tim nồng nàn.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG (dịu đàng)

Anh cũng vậy. Phải có trái tim mới không chấp nhận     những bàn chân chạy trên bãi mìn.

ANH NĂM (cười buồn)

Vậy mà đôi khi cũng phải biết ôm bom vào giữa trận anh Quyết ạ. Từ biệt anh...

 

Sân khấu tối. Một lát. Khi đèn bật sáng trở lại thì trở lại ở cảnh đầu: người đàn ông và người trẻ tuổi ngồi dưới cổng tam quan, tư lự, suy nghĩ.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

Phải, tôi không quên được cuộc đào thoát của chúng ta ngày ấy. . .

 

NGƯỜI TRẺ TUỔI (bật cười)

Cuộc đào thoát của chúng ta! Ha! Ha! Cuộc tự sát tập thể mới đúng chứ! (đổi giọng) Tôi cũng không quên, không hề quên. (hồi tưởng) Tôi nhớ cái ánh trăng rằm trên khu rừng lau, khi chúng tôi từ miệng hầm chui lên từng người,  từng người.

Cánh trái sân khấu hiện lên cảnh khu rừng lau ở ngoài trại giam. Xa xa là rừng cây. Một ánh trăng vàng lớn ở trên đầu, những người tù binh từ từ chui từ miệng hầm lên. Cảnh này diễn tả sự hồi tưởng của người trẻ tuổi.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

Đêm ấy, giữa sân trại giam, ánh trăng cũng ở trên đầu chúng tôi.

Nhưng ánh đèn pha sáng quắc tứ bề chiếu tới không đủ làm nhòa đi cái ánh trăng của đêm rằm tháng bảy. Những người được chỉ định trốn ngồi gần lại miệng hầm, rồi từng người, thận trọng, im lặng, chui xuống hầm, biến mất. Những người còn lại cũng thận trọng, im lặng, xích lại gần nhau để che lấp chỗ trống của người vắng mặt, che mắt bọn lính canh không nhìn thấy. Cứ thế, từng người, từng người. Tôi nhớ chú Hai là người xuống      hầm đầu tiên, chú cầm theo sợi dây dài do thắt lưng của anh em tuột ra nối lại. Những người đi sau dò theo sợi dây ấy (ngừng một lát) Anh Năm là người xuống miệng hầm sau cuối. (tiếng trống rộn ràng) Đó là cái phút hồi hộp của những người ở lại. Mặt đất như chuyển động đưa các anh thoát trại giam. Một trăm người ra đi. Bốn trăm quả tim còn lại đập cùng nhịp. Từng phút. Từng phút. Giờ giới nghiêm gần kề. Anh em lấy tay hốt bụm từng nắm đất lấp miệng hầm lại...

NGƯỜI TRẺ TUỔI

Phải, chúng tôi nắm sợi dây chú Hai buộc nơi bụng,  dò theo đường hầm. Mỗi lần sợi dây giật là một kẻ chui lên khỏi hầm. Ôi làm sao tả cái phút tự do giữa tứ bề là khu rừng lau sậy.

 

Cảnh khu rừng lau. Những người tù hiện lên càng lúc càng đông. Họ ôm lấy nhau mừng rỡ sung sướng mà không gây một tiếng động.

NGƯỜI TRẺ TUỔI (giọng đều đều)

Lúc anh Năm hiện ra ở miệng hầm, chúng tôi ôm lấy anh và hình như ai cũng rơi nước mắt. (đổi giọng,khích động) Đúng lúc đó, thảm kịch bắt đầu. Khởi đầu là     tiếng kẻng (một hồi kẻng). Rồi tiếng còi hụ (tiếng còi hụ). Ánh sáng vụt tắt. Sân khấu tối đen, chỉ trừ ánh trăng và bóng những người tù lờ mờ đang ôm chầm lấy nhau. Một tiếng hô từ hậu trường cất lên.

TIẾNG HÔ

Bắn! Bắn! Tàn sát!

Súng nổ liên hồi. Những đốm lửa đỏ. Những tiếng kêu rú. Những thây người ngã dần xuống. Một lát. Tiếng súng ngừng. Sân khấu im lặng tuyệt đối. Những người tù đều ngã xuống.  Bóng trăng vàng, tím dần rồi tắt.

Một tiếng cười quái dị cất lên. Tiếng cười kéo dài, nhỏ dần, rồi mất hẳn. Ánh sáng tỏ dần ở cổng chùa. Người trẻ tuổi và người đàn ông đều lấy tay bưng mặt khiếp đảm.

NGƯỜI TRẺ TUỔI (hồi tưởng)

Một trăm người. Một trăm cái bia thịt cho ba khẩu đại liên đặt chéo hình quạt bắn vào chúng tôi ngã     chồng lên nhau. Hình như không ai đủ ngạc nhiên để  nhìn thấy cái chết. Một trăm người. Không ai thoát.  Bấy giờ, tôi cũng ngất đi. Lúc tỉnh dậy là lúc thấy mình nằm dưới những thây người lạnh ngắt, khắp thân là máu, máu của anh em đã khô đặc lại. Một tia nắng mai sau những khe hở thây người. Tai tôi nghe tiếng cuốc, tiếng xẻng. Họ đang chôn chúng tôi. Mồ chôn tập thể. Tôi đã bị ném vào mồ này hồi nào, tôi không biết, nhưng tôi biết mình đang còn thở, đang bị chôn sống với những người anh em đã chết. Tôi không hiểu tại sao tôi chui ra được khỏi nấm mộ chung, bò vào bìa rừng, để ngất đi lần thứ hai. Khi tỉnh dậy tôi thấy một khuôn mặt cúi xuống. Tôi biết mình đã thoát. Những anh em trong rừng nghe tiếng súng họ tìm đến gần trại giam để xem có ai thoát không. Tôi là kẻ thoát duy nhất. (một lát) Anh có biết câu đầu  tiên những người anh em hỏi tôi là gì không?

NGƯỜI ĐÀN ÔNG  (mơ màng)

Họ hỏi gì?

NGƯỜI TRẺ TUỔI

Tên kẻ phản bội.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG (ngậm ngùi)

Kẻ phản bội!

NGƯỜI TRẺ TUỔI

Phải. Họ hỏi tên kẻ đã bán đứng anh em cho trại giam. Kẻ đã cho tin bọn giám thị để chúng phục kích những người đào thoát ngay miệng hầm, không kịp tẩu tán. Hắn là ai? Lúc bấy giờ tôi chưa định thần để nghĩ ra ai đã phản bội. Tôi hoàn toàn không biết những người ở          lại ra sao?

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

Anh muốn biết ư ?

NGƯỜI TRẺ TUỔI

Tôi muốn biết. Bởi tôi biết rằng tên phản bội còn ở lại đó trong trại giam.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

Thật tình anh muốn biết?

NGƯỜI TRẺ TUỔI (cười ghê rợn)

Ha! Ha... Sự thật nào cũng đau lòng? Phải không anh Quyết?

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

Anh hãy bình tĩnh. Tôi biết anh đang nghĩ gì trong đầu. Tôi biết anh em ở trại A đã nghĩ gì về tôi. (cười nhạt) Tôi biết lưỡi dao anh dấu trong tay áo. Không. Tôi không chạy tội. Tôi chờ đợi cái phút này từ lâu. Mỗi  buổi sáng, mỗi buổi chiều. Tôi biết sẽ gặp lại anh, hay một anh em khác. (ngậm ngùi) Một cố nhân với cây dao sắc dấu sau lưng, hoặc một viên đạn trong nòng súng. Khi mặt trời mọc, cũng là lúc tôi tìm đến cái cổng chùa này. Để làm gì? Anh cười. Anh chế riễu tiếng chuông, tiếng mõ. Anh khinh bỉ tiếng động của thiên nhiên. Anh cho là tôi sám hối. Không. Hơn thế nữa. Còn một thứ mãnh liệt hơn: sự quên lãng. Quên đi. Quên đi những ngày rùng rợn khi cuộc đào thoát thất bại, anh  em bị giết.

NGƯỜI TRẺ TUỔI

Anh đã biết? (cười) Tôi nghĩ gì về anh? Tất cả tù binh trại A nghĩ gì về anh? Chỉ một ý nghĩ: anh là kẻ phản bội. Vậy thì anh đã hiểu số phận của anh. (khích động)  Con dao này ư, anh tinh mắt thật (rút dao ra) Tôi đã dấu trong mình ba năm qua. Anh còn muốn phân trần điều gì nữa không?

NGƯỜI ĐÀN ÔNG (buồn bã)

Thành thật mà nói: không còn gì để nói. Sống sót sau những tháng ngày ấy là một tội lỗi. Đúng vậy. Nhưng bởi anh muốn biết chuyện gì xảy ra ở trại giam khi anh đã thoát ra, tôi muốn chia sẻ với anh những tháng ngày ấy. Hận thù, trong tim anh chỉ có vậy, phải không? Trong tim tôi, ừ nhỉ, trong tim tôi còn gì? Hình như chẳng còn gì. (tiếng trống) Hình như trái tim tôi chẳng còn đập cùng nhịp với tim đồng loại. Tôi đã thoát ra từ một lò luyện người, tôi biến thành kẻ khác. Chỉ trừ cái trí nhớ, trí nhớ cay nghiệt như con sâu cựa quậy trong đầu đau buốt từng cơn. Giờ đây, tôi chỉ muốn quên. Anh nói đúng, tôi đến đây, gối đầu lên những bực cấp cổng chùa này, tôi nhắm mắt, nhưng không ngủ. Không thể ngủ được, cũng như không thể quên được.

NGƯỜI TRẺ TUỔI  (riễu cợt, háo thắng)

Tôi giúp anh quên bằng lưởi dao này, lẹ lắm.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

Tôi không phản đối. Nhưng tôi muốn thẳng thắn đối diện với sự thật còn làm tôi bàng hoàng cho đến bây giờ. Không phải cái sự thật đau lòng như anh nói đâu. Đau đớn. Nhảm. Có sá gì với cõi lòng này. (thân mật) Này anh, dù sao tôi cũng cám ơn anh. Có anh, tôi hình như sáng suốt hơn, như thể đang đối diện với một quá khứ    vẫn làm tôi như lạc hồn bấy lâu. Anh bạn, hãy cho tôi gọi như thế, anh bạn hãy cất dao đi. Tôi nhắc lại: chúng    ta còn nhiều thì giờ mà...

NGƯỜI TRẺ TUỔI

Nhất trí. Tôi cất dao. Nhưng Thần Chết vẫn cạnh anh, ông kỹ sư Trần Văn Quyết ạ.

Ánh sáng mờ dần. Giọng người đàn ông trở nên xa xôi, hồi tưởng. Cánh trái hiện ra với hình ảnh trại giam, những song sắt, những người tù câm lặng nối đuôi nhau đi quanh phòng, đầu cúi. Ở một góc, một ngọn nến bập bùng soi bóng những người tù lên tường. Bây giờ chỉ còn ánh sáng dội thẳng vào mặt người đàn ông, đưa ông ta gần lại với khán giả.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

Phải, tôi không thể quên tiếng kẻng giới nghiêm. (tiếng kẻng, nhưng thật nhỏ) rồi tiếng còi hụ (tiếng còi dài, cũng thật khẽ) Tất cả các họng súng ở những vọng gác chĩa mũi vào sân trại, nơi anh em ngồi. Năm ngày đói khát, khích động, giờ đây anh em như tê liệt trí óc. Chúng tôi đứng dậy sát cánh nhau, và chờ. Chờ gì? Chờ nghe tiếng giám thị gọi tên. Chờ nghe tiếng “có mặt.” Chờ nghe tiếng im lặng của người anh em đã thoát. Hình như sức lực của chúng tôi cạn đi, và chúng tôi đứng dưới bóng trăng, dưới những họng súng như trong cơn mộng du. Chờ. 5 phút. Rồi 10 phút. Bây giờ tôi linh cảm một cái gì ghê gớm sắp xảy đến. Không phải là cái hình phạt tập thể mà trại phải chịu sau mỗi cuộc đào thoát. Một cái gì đó. Ghê gớm hơn, lạnh lẽo hơn, như cái chết chẳng hạn. Chúng tôi đứng như vậy, không biết bao lâu nữa, im lìm, nghe rõ từng hơi thở, tưởng như nghe luôn máu đang chảy trong thân thể. Và tiếng súng nổ, ôi, tiếng súng nổ ròn tan cách nơi sân trại đúng 100 thước. Bây giờ chúng tôi đã hiểu. Đã hiểu họ bị sập bẩy, họ đang bị giết.

NGƯỜI TRẺ TUỔI (kinh bạc)

Bấy giờ anh mới biết? Chứ không phải anh đã biết cái gì chờ anh em bên kia đường hầm từ khi anh đưa cho tôi cái họa đồ để đào nhát đất đầu tiên?

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

Đừng vội. Đừng quyết đoán vội. Cứ giả thiết như lúc bấy giờ tôi không hay gì cả cho đến khi nghe tiếng súng. (buồn bã) Phải, cứ ví dụ như thế. (ngừng một lát, giọng đều đều buồn bã hơn) Thảm kịch của các anh chấm dứt bằng tiếng súng phục kích ở miệng hầm. Thảm kịch của chúng tôi bắt đầu từ đó, từ cái chết của anh em ở bờ rào, cách những người ở lại một trăm thước. (Đứng dậy, hằn học) Anh bạn trẻ, anh muốn biết cái gì xảy ra trong trại sau đó ư?  Cái đó, cái đó tương tự như cái đang nằm trong lòng anh vậy.

NGƯỜI TRẺ TUỔI

Hận thù.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

Phải. Hận thù. Khi chúng tôi biết đường hầm bại lộ, anh em bị phục kích chết, chúng tôi biết có kẻ phán bội báo tin cho giám thị. Lập tức, chúng tôi lập hội đồng kỷ luật để điều tra và trừng trị kê phản bội (cười nhạt) Trừng trị theo cách của chúng ta. Đêm tối là thời gian sinh hoạt của hội đồng kỷ luật, gồm 8 người. Tôi là một trong 8 người. Họ toàn là những người kỳ cựu trong cuộc tranh đấu.

Ở phòng giam, những tù binh rút đi bớt, chỉ còn lại 8 người đứng đâu mặt với nhau, ngọn nến được một người thổi tắt chỉ còn lại bóng tối bí mật.

Mỗi đêm, chúng tôi họp nhau lại. Tên một kẻ tình nghi bội phản được nêu ra. Đêm sau ban hành động mời kẻ tình nghi đến.

Ở phòng giam, những ngọn nến được thắp lên, người tình nghi bị hai người to lớn trói tay lại dẫn vào giữa vòng tròn của tám thành viên.

Mỗi thành viên trình bày lí do nghi ngờ đương sự. Những lí do, có thể gọi đó là lý do được không khi chúng tôi sống trong sự mù quáng của lòng thù hận, khi mà hai mắt nhìn đâu cũng chỉ thấy kẻ tình nghi, kẻ phản bội. Sau phần trình bày lí do, chúng tôi không có thì giờ cho nạn nhân phát biểu ý kiến, chúng tôi biểu quyết công khai số phận của y. Nếu xét y có tội, giơ tay lên, có hay không. Không có vấn đề do dự. Đa số thắng thiểu số, đó là nguyên tắc bất di bất dịch mà chúng ta học được từ cuộc tranh đấu.

Phòng giam. Những thành viên hội đồng kỷ luật cứng ngắt bao quanh nạn nhân cúi đầu run rẩy. Một tiếng hô khẽ: Biểu quyết. Năm bàn tay giơ cao. Nạn nhân muốn vùng chạy. Nhưng một người đã bụm miệng y, một người đâm vật nhọn vào ngực y. Nạn nhân vùng vẫy một lát rồi gục hẳn. Vòng tròn giải tán!

Phải, kẻ bị tình nghi phản bội bị trừng trị theo cách chúng ta. Sáng mai lại, giám thị điểm danh thì thấy     thiếu một tên lúc bấy giờ đã biến thành cái xác. Đây là lúc giám thị ra tay điều tra ai giết nạn nhân, lại đánh đập tra tấn, cái vòng lẩn quẩn cứ thế tiếp tục ngày qua ngày. Trại A biến thành địa ngục của sự sợ hãi. Của luật im lặng. Của lòng nghi kỵ. Ai cũng đáng nghi. Khuôn mặt ai cũng ẩn dấu khuôn mặt của kẻ phản bội. Mỗi đêm hội đồng họp là mỗi lần có thêm kẻ nghi ngờ bị giết - ta gọi là thanh toán...

Trở lại cảnh trên, một vòng tròn tù binh vây một người vào giữa, những bàn tay giơ lên, nạn nhân bị đập vào đầu. bị thắt cổ v.v…

Còn tôi, sau những cuộc thanh trừng, trở lại chỗ nằm, tôi không ngủ được. Tôi thao thức. Bao nhiêu kẻ đã chết     dưới tay mình, kẻ tình nghi, luôn luôn là kẻ tình nghi, kẻ     tình nghi bị thanh toán vì không chứng tỏ được mình vô tội. Có thể, có lần tạp dịch nào đó, hắn trò chuyện với lính canh, nhận một điếu thuốc, một lon đồ hộp dư thừa   bọn lính vứt cho. Có thể hắn là kẻ vừa được thăm nuôi vì bắt được liên lạc với gia đình, hắn vừa nhận tiếp tế một cái khăn mặt xa xỉ hay một gói thuốc đắt tiền. Thế là đủ để cho hắn khác anh em, trở nên kẻ bị nghi ngờ. Nhưng trong thâm tâm, tôi biết những người chết đã chết oan. Và hình như các thành viên ban kỷ luật cũng nghĩ như tôi, vậy mà không ai dám nói thẳng: Này các anh, chúng ta có chủ trương thanh toán cho đến kẻ tình nghi cuối cùng không? Ôi, phải chi anh Năm còn giữa chúng tôi. Tôi chắc anh Năm sẽ có cùng linh cảm với tôi rằng kẻ phản bội thực sự đang ở đâu đó, rất gần chúng tôi, đang riễu cợt nhìn chúng tôi chơi trò thanh toán. Tôi chắc anh Năm sẽ không nhất trí với cái tòa án khắc nghiệt của ta. Nhưng bởi anh đã chết cùng với bao người. Những cái chết kia đang cần những con vật tế thần. Và bởi vì trong trại giam, chúng ta thiếu con vật nên đành dùng con người vậy. (mỉa mai) Những con người để tế thần (nghiêm giọng) Phải tôi tin kẻ phản bội đích thực còn đó. Bởi vậy, tôi không thể giơ tay lên kết tội những kẻ tôi không tin họ có tội. Tôi trở nên kẻ tiêu cực Tôi mất lòng tin của hội đồng. Đây lại là một linh cảm. Anh cười, tôi linh cảm nhiều quá? Đúng. Và chính linh cảm này hại tôi. Dù sao, anh cũng ráng hiểu cho tôi, tôi ghét máu. Tôi ghét sự chết. Mà tay tôi đã ngập máu đến cùi chỏ. Mà sự chết của anh em đã đầy trái tim này... cho đến một đêm...

Sân khấu tối dần. Người đàn ông từ từ bước từ cổng chùa sang phòng giam. Những cây nến được thắp lên. Người ta thấy khuôn mặt người đàn ông nổi bật giữa vòng tròn tạo nên bởi những người tù của hội động kỷ lưật. Không khí khốc liệt chờ đợi. Tiếng trống trầm trầm, rộn rã hơn, rồi ngừng. Hai người lực lưỡng áp giải một nạn nhân bị trói ké vào giữa vòng tròn. Y còn rất trẻ. Ánh sáng chói lòa cho thấy vẻ mặt khiếp hãi của y. Y  nhìn quanh. Mọi người đều im như tượng.

NẠN NHÂN (Lắp bắp)

Lạy các anh. Xin các anh xét lại cho em. Em oan uổng. Lạy các anh, em thề trên linh hồn mẹ em.

MỘT GIỌNG NÓI

Im! Chưa hỏi tới chú!

MỘT GIỌNG NÓI

Chú bị kết tội có hành động cộng tác với địch, bị nghi ngờ phản bội anh em trong vụ tiết lộ đường hầm…

MỘT GIỌNG KHÁC

Anh em thấy chú nhận thuốc lá của tên giám thị.

MỘT GIỌNG KHÁC

Người ta thấy chú giả vờ đánh rơi khăn tay để ra hiệu với giám thị chú muốn tiếp xúc để trao tin.

MỘT GIỌNG KHÁC

Anh em bắt gặp quá tang chú đứng nói chuyện riêng     với tên giám thị trong lần đi tạp dịch tuần rồi.

NẠN NHÂN (khóc)

Trời ơi. Xin các anh xét lại cho em nhờ. Quả em có nhận điếu thuốc của tên lính canh, bị em thèm quá...(khóc) mà hắn mời: Em không nhớ mình có làm rơi khăn tay hay không. Nhưng thật sự em không phản bội anh em, oan em lắm...

MỘT GIỌNG NÓI (lạnh lùng)

Chú nói xong rồi?

NẠN NHÂN (hấp tấp)

Dạ con điều này nữa. Hôm rằm, chính em ngồi gần anh Năm. Anh Năm biểu anh Quyết trốn đi. Vậy mà anh Quyết không chịu đi, nói rằng anh Năm phải trốn với anh em. (khích động) Sao anh Quyết không đi ? Nếu anh Năm ở lại anh đâu có chết. Vậy sao không ai nghi ngờ anh Quyết. Còn em có làm gì đâu mà các anh nỡ nghi ngờ (khóc).

Vòng tròn im lặng. Những con mắt nhìn nhau. Một lát. Không khí nặng nề.

MỘT GIỌNG NÓI

Biểu quyết.

Có bốn bàn tay giơ lên. Rồi một bàn tay hạ xuống. Chỉ còn ba bàn tay giơ lên, nhưng không được vững vàng như trước.

MỘT GIỌNG KHÁC

Anh Vui, hội đồng kỷ luật quyết định tha anh.

NẠN NHÂN

Lạy các anh. Đội ơn các anh đã rõ nỗi oan của em.

Hai người lực lưỡng đến mở trói cho nạn nhân. Mọi người đều im lặng, cứng ngắt. Chỉ trừ người đàn ông cúi đầu, như thể nhận tội.

Phòng giam tối dần. Một người đến thổi tắt ngọn nến, rồi trở lại vị trí cũ. Một lát. Rồi người đàn ông rời khỏi vòng tròn, bước khỏi phòng giam để tiếp tục câu chuyện với người trẻ tuổi.

Cổng chùa sáng dần.

NGƯỜI TRẺ TUỔI

Họ có lí do để nghi ngờ anh.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

Tôi hiểu. Cái mà anh gọi là lí do tôi gọi là. . .

NGƯỜI TRẺ TUỔI

Là gì?

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

Lòng tàn nhẫn. Chỉ có lòng tàn nhẫn mới giúp ta thẳng tay nhúng vào máu người anh em mà ta nghi ngờ. Chỉ có lòng tàn nhẫn mới làm cho họ chỉ còn thấy kẻ bị    nghi ngờ là một cái cớ, một sự kiện, chứ không phải một người. Người ta yên ổn, bình tâm triệt hạ những sự kiện, chứ khó lòng triệt hạ con người, phải không (buồn bã, tâm sự) Dù sao mọi sự đều đã muộn. Hình như hội đồng kỷ luật chỉ chờ câu nói của nạn nhân để thức tỉnh và họ bắt đầu nghi ngờ tôi. Này, anh bạn, anh đã rõ. Cứ nói xấu, cứ bôi nhọ đi, thế nào cũng để lại một cái gì. Một cái gì. Cái đó ghê sợ quá: nó tước đoạt nhân cách của tôi. Trong một phút thôi: tôi đã mang bản án. Bản án thầm lặng.

Người đàn ông như lạc thần, y quay lại phía phòng giam, ở đó, trong bóng mờ, những người tù vẫn đứng yên, bất động.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG (khích động, cầu khẩn)

Này các đồng chí, các đồng chí nghi ngờ tôi sao? Tôi: kẻ chuyên môn đào hầm. Những đường hầm đã giải thoát    bao nhiêu anh em khỏi địa ngục trần gian này ? Tôi: kẻ ở lại, ở lại để tiếp tục đào hầm, để cùng chịu chung số phận của anh em. Các đồng chí nghi ngờ tôi thật tình sao? (hét lớn) Hãy nhìn tôi! Hãy nhìn thẳng tôi. Tôi có thể là kẻ phản bội không? Sao mọi người im lặng. Các  đồng chí chết cả rồi sao?

Những tù binh vẫn bất động, một người đến thổi tắt ngọn nến cuối cùng, rồi đoàn người từ từ quay lưng khuất vào hậu trường.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG (mê sảng, với theo)

Các đồng chí! Các đồng chí cho tôi nói, nghe tôi nói...  (gục xuống, một lát, trở về với thực tại) Họ không nghe tôi. Hận thù và lòng tàn nhẫn làm tai họ điếc. Tim họ chai. Họ đã nghi ngờ tôi. Ôi, những người anh em tôi hết lòng yêu mến đã nghi ngờ tôi.

NGƯỜI TRẺ TUỔI

Họ không còn là những người anh em của anh nữa.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

Tôi vẫn một lòng yêu mến họ. Nhưng làm sao cho họ thấy tôi vô tội. Không chứng tỏ được mình vô tội nghĩa là có tội. Trí óc tôi căng thẳng. Tôi không sợ chết nhưng tôi không muốn chết bởi bàn tay của anh em, dù là những anh em không còn tin cậy tôi.

NGƯỜI TRẺ TUỔI (cười nhạt)

Vì vậy nên anh ra qui hàng bọn giám thị?

NGƯỜI ĐÀN ÔNG (nghiêm nghị)

Sai. (ngừng một lát, uất ức, rồi trở lại bình tĩnh) Buổi sáng hôm sau, giờ tập họp, tên giám thị kêu đích danh tôi ra khỏi hàng. Hắn biểu tôi thu xếp đồ đạc để sang trại        khác. Bây giờ, tôi biết kẻ phản bội có thật, ở gần tôi. Y  quá thâm độc, dồn tôi tới chân tường, y biến tôi thành kẻ phản bội công khai được che chở bởi giám thị. Bốn        trăm đôi mắt căm hờn nhìn tôi. Và lòng tôi nữa, lúc ấy cũng sôi sục căm hờn kẻ giáng tai họa xuống đầu mình, tôi không kiểm soát thân thể mình được nữa, như cái máy, tôi bước theo chân tên giám thị. Rồi tôi chợt nghe trong đám đông một tiếng hét rùng rợn. "PHẢN BỘI! MÓC MẮT HẮN!" Lập tức tôi bị một đám đông túm lấy. Tôi nghe tiếng súng nổ. Những người lính canh đã nổ súng để giải thoát tôi. Máu của anh em lại chảy để giữ nguyên đôi mắt còn lại trong tròng này. Không còn là máu thương yêu. Mà là máu thù hận. Tôi được dìu ra khỏi trại. Từ phút ấy, tôi coi như mình đã chết. Đã chết. Đêm sau, họ nhốt tôi ở trại C, tôi vượt ngục. Tôi chạy băng qua hàng kẽm gai, băng qua bãi mìn, súng ào ào sau lưng. Tôi thoát. Tôi vào rừng, đi mãi nhưng tôi không hướng lên phía Bắc mà tôi biết có nhiều anh em đang lẫn trốn, tôi xuôi về Nam. Một buổi sáng, tôi tìm thấy bờ biển, một làng đánh cá. Tôi nhập bọn. Tôi muốn làm lại cuộc đời; không phải của một kẻ chiến đấu, mà của một người     bình thường. Ba năm. Bao nhiêu là thay đổi. Tôi đã lưu lạc bao nhiêu nơi. Không nhớ hết. Nhưng tôi biết có ngày sẽ gặp lại anh em. Ta không quên được chuyện cũ Hận thù. Hận thù. Hận thù giữ chặt chân con người trên quả đất này.

NGƯỜI TRẺ TUỔI (cười gằn)

Hừ, anh biện minh giỏi lắm. Vậy anh không phải là kẻ phản bội.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

Không. Vì đường hầm tôi chỉ huy anh em đào mà một trăm người chết. Vì tôi, anh Năm chết. Nhưng tôi  không phải là kẻ phản bội.

NGƯỜI TRẺ TUỔI (gằn giọng)

Không đúng. Chỉ có 99 người chết. Còn một kẻ thoát  được nhờ đường hầm của kỹ sư Trần Văn Quyết, cái đường hầm phi thường thực hiện trước mắt quân thù và     cũng kết thúc dưới mắt quân thù. (cười) Đúng ra tôi phải cám ơn anh. Nhưng quá nhiều người chết đang nằm trong lòng tôi. Tôi phải rửa hờn cho họ. Một lần cho xong, phải không

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

Trước những người chết, chúng ta đều có tội. Chúng ta cùng nhau tranh đấu, nhưng chết đơn độc... Nói cho cùng, chúng ta đều là những kẻ sát nhân. Bây giờ chuyện đã ba năm. Nấm mồ chung đã xanh cỏ, mà lòng hận thù chưa nguôi. Này anh, còn tình cảm nào mãnh liệt hơn lòng thù hận không?

NGƯỜI TRẺ TUỔI

Không.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

Tình yêu?

NGƯỜI TRẺ TUỔI

Nhảm.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

Vậy thì không còn gì để nói. Tùy anh định đoạt.

NGƯỜI TRẺ TUỔI (rút dao,  bình thản)

Tôi giết anh.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

(thụt lùi, định chống cự, nhưng lắc đầu)

Anh nghĩ là tôi nói dối để chạy tội?

NGƯỜI TRẺ TUỔI (bật cười, hiểm độc)

Nói dối. Nói thật. Nhân danh cái gì mà tôi phán xét anh chứ? (cười ghê rợn) Nhưng bởi đã có nhiều người chết đi, bởi nhiều người tin rằng anh là kẻ phản bội, nên lòng căm thù của họ biến anh thành kẻ có tội!

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

(đau khổ, nhưng bình tĩnh)

Anh nghe tiếng chuông chùa không?

Tiếng chuông từng hồi...

NGƯỜI TRẺ TUỔI

Tôi chưa vào chùa lần nào. Tôi có thấy Phật. Nhưng Phật hiền quá!

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

Anh có tin sự giải thoát?

NGƯỜI TRẺ TUỔI

Có chứ. Sự giải thoát trong kiếp này. Bằng chính con người.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG

Anh tin địa ngục?

NGƯỜI TRẺ TUỔI (giọng ghê rợn)

Tôi khinh bỉ địa ngục. Tôi chấp ma quỉ!

NGƯỜI ĐÀN ÔNG (bình thản)

Vậy thì ngực tôi đây, anh cứ đâm.

Người đàn ông giật áo, banh ngực ra. Ta thấy cái ngực đầy dấu vết tra tấn. Người trẻ tuổi dơ dự một lát, rồi đâm vào ngực người đàn ông. Tiếng trống rộn rã. Người đàn ông trợn mắt đau đớn, nén tiếng kêu khỏi bật ra, ngã xuống từ từ, êm thắm. Tiếng trống chậm dần. Người trẻ tuổi đỡ người đàn ông kê đầu lên bực cổng tam quan, rút dao từ ngực ra, úp nón lên mặt như tư thế của ông ta lúc đang ngủ. Tiếng trống ngừng. Người trẻ tuổi cầm dao giơ lên ngắm nghía, chùi máu vào áo, vứt dao vào cổng chùa rồi đột ngột y bật lên cười. Ánh sáng thay đổi. Ta nghe một tiếng cười lạ hơn khác với tiếng cười thường của y, một lát thì người ta nhận ra đó chính là giọng cười quái dị trong cái đêm đoàn tù bị tàn sát dưới ánh trăng. Khi tiếng cười ngưng, ánh sáng lại thay đổi. Bây giờ khán giả mới nhìn thấy rõ một người trẻ tuổi hơn, y có một cái gì vừa đổi khác trên nét mặt, trong mắt nhìn.

NGƯỜI TRẺ TUỔI (nói một mình)

Vậy là xong. Kỹ sư Trần Văn Quyết đã chết. (một lát)

Tôi biết anh vô tội, nhưng tôi phải giết anh. Người ta cần kẻ phản bội, và họ chọn anh. Lỗi tại anh đó, lỗi tại trái tim anh. Anh Năm và anh đều cá mè một lứa. Trái

tim. Trái tim. Trái tim là cái thứ gì? Đúng là giọng lưỡi của bọn lãng mạn. (mơ màng hơn)

Phải, bây giờ tôi là kẻ duy nhất còn sống biết rằng anh không phải là kẻ phản bội, anh Quyết ạ. Cũng như trong cái đêm vượt ngục, khi chui xuống hầm tôi là kẻ

duy nhất biết ba khẩu đại liên đang chờ những người tù đào thoát ở miệng hầm bên kia. Vì lẽ đó, không phải anh Năm là kẻ thoát lên miệng hầm sau cùng. Mà là tôi. Là tôi. (đổi giọng) Và tôi đã không lên (khích động) Tôi ở lại trong đường hầm, chờ cho tiếng súng tàn sát ngừng hẳn, tiếng rên la cũng ngừng, tôi mời từ từ thò đầu khỏi miệng hầm. Một bàn tay kéo tôi lên. Bàn tay tên giám thị. Nguồn tin tôi cung cấp cho hắn quí hóa quá, hắn mừng rỡ ôm lấy tôi giữa bãi thây người. Sau những cuộc tổ chức đào thoát thành công, đường hầm của kỹ sư Quyết đã bị khám phá vào cái phút đáng giá nhất (riễu cợt) Than ơi!

Người trẻ tuổi cười, tiếng cười quái dị càng lúc càng ghê rợn và điên rồ. Rồi y tự trấn tĩnh rất nhanh trận cười. Khuôn mặt y cũng đổi khác. Ta nghe tiếng chuông chùa nhẹ nhàng. Tiếng chim hót. Rồi tiếng chân chú tiểu từ trong chùa chạy ra.

CHÚ TIỂU

Ha! Bây giờ lại thêm một người nữa.

NGƯỜI TRẺ TUỔI

Này chú nhỏ.

CHÚ TIỂU

Gì vậy ? Bộ hai người sắp uýnh lộn hả?

NGƯỜI TRẺ TUỔI

Đâu có. Lại đây. Chú đang làm gì đó?

CHÚ TIỂU

Tôi đuổi theo con bướm.

NGƯỜI TRẺ TUỔI

Cấm sát sánh.

CHÚ TIỂU

Giỡn chơi mà.

NGƯỜI TRẺ TUỔI

Cấm nói dối.

CHÚ TIỂU

Bướm đẹp quá. Tôi đuổi theo để ngắm. Tôi nói thiệt mà.

NGƯỜI TRẺ TUỔI

Cấm ham sắc đẹp.

CHÚ TIỂU (bực mình)

Cấm. Cấm hoài. Lãng xẹc.

NGƯỜI TRẺ TUỔI

Cấm vọng ngữ.

CHÚ TIỂU

Ủa, cái ông này. Ông nói y hệt cái ông nằm ngủ kia kìa!

NGƯỜI TRẺ TUỔI

Ông ấy và tôi là bạn cũ. Lại đây chú nhỏ. Lại đây chú nhỏ (chú tiểu lại gần). Lại gần đây. Đừng sợ (dịu dàng)   Chú có bao giờ nhìn thấy mặt một kẻ phản bội chưa?

CHÚ TIỂU

Phản bội? Phản bội là gì nhỉ?

NGƯỜI TRẺ TUỔI (ngậm ngùi)

Chú không hiểu, nghĩa là chú chưa thấy. Khó cắt   nghĩa cho chú quá. Thật ra thì kẻ phản bội thường lẫn lộn   giữa những người khác, nhưng hắn có một cái khác hẳn.

CHÚ TIỂU

Cái gì?

NGƯỜI TRẺ TUỔI

Cái ấy phải nhìn thật gần mới thấy được. Lại gần đây nữa chú nhỏ. Hãy nhìn tôi. Hãy nhìn tôi thật kỹ.

CHÚ TIỂU

Nhìn sát mặt người đàn ông.

Rồi.

NGƯỜI TRẺ TUỔI

Chú thấy gì không?

CHÚ TIỂU

Những vết sẹo.

NGƯỜI TRẺ TUỔI

Ấy những vết sẹo hả? Tất cả đàn ông đều mang sẹo trên mặt. Nếu ai không có là vì họ dấu không cho thấy, hoặc họ chẳng phải là đàn ông. Chú hãy nhìn cho kỹ. Mặt kẻ phản bội có một cái khác hẳn. Nhìn đi. Nhìn sâu vào hai mắt ta (ôm hai vai chú tiểu) Chú thấy gì không?        (chú tiểu lắc đầu, sợ hãi, vùng vảy, muốn thoát chạy) Đừng sợ. Ta có làm gì chú đâu. Ta chỉ muốn chú phân biệt kẻ phản bội với kẻ khác. Thật chú không thấy gì trong hai mắt của ta sao? Có HAI CON SÂU, có hai con sâu đang bò trong ấy. Tất cả kẻ phản bội đều có CON SÂU TRONG MẮT. Có HAI CON SÂU đang bò trong hai mắt của ta…

Tiếng nói nhỏ dần, nghẹn ngào rồi nức nở.

 

Màn hạ

1972

 

Lữ Kiều
Số lần đọc: 2885
Ngày đăng: 27.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Kẻ Phá Cầu - Lữ Kiều
Cái Bóng Hình - Khải Nguyên
Đất Thánh - Nguyễn Viện
Mẹ và con - Khải Nguyên
Thằng đổ vỏ - Trần Huy Thuận
Nỏ Thần -1 - Khải Nguyên
Nỏ Thần -2 - Khải Nguyên
Nỏ Thần -3 - Khải Nguyên
Iram, Thành đô cột cao ngất -1 - Kahlil Gibran
Iram, Thành đô cột cao ngất -2 - Kahlil Gibran