Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.013
123.201.488
 
Mùa Nước Nổi
Nguyễn Minh Phúc

Ngồi trong phòng chờ của khách sạn là một người đàn ông ngoại quốc lớn tuổi. Cái dáng to bè, mái tóc vàng hoe và bộ đồ Jean bó sát người làm tôi mừng rơn khi liếc nhìn qua cửa kiếng bước chân vào phòng hướng dẫn. Đã hơn tháng trời khách sạn vắng hoe không có khách nước ngoài sau trận bão lũ ở miền Trung. Hôm nay đúng là ngày may mắn. Tôi sẽ hướng dẫn du lịch cho người đàn ông ngoại quốc nầy vì là phiên trực của mình. Tôi cần tiền gửi về cho mẹ. Mùa nước nổi, bà không làm lụng được, lấy gì mà ăn.

 

Ba tôi mất sớm, mẹ giờ gần sáu mươi nhưng đã già yếu lắm, lại chẳng có gì thêm thu nhập, mọi sinh hoạt chỉ  chờ vào đồng lương ít ỏi hàng tháng của tôi.

 

*

...  Ba tôi mất đã lâu, khi tôi mới lên mười bảy và đó quả là thời gian ảm đạm nhất đời tôi. Ba mất đi trong mùa nước nổi, nhà không còn hạt gạo, mẹ lại đau nặng, có gì đáng giá để bán. Tôi nhớ hôm đưa tang ba, trời mưa tầm tả, bầu trời xám xịt, những bông điên điển vàng ướt sũng dưới làn nước xối xả hắt xuống mịt mù trời đất. Bông điên điển mọc nhiều ở vùng sông nước quê tôi khi mùa nước về, chen kín cả vùng, rộ lên màu vàng rực, ảm đạm và ướt át. An tượng của tôi về người cha mất sớm lẫn khuất đâu đó trong màu vàng nhức mắt dưới cơn mưa nặng hạt dầm dề kể từ lần cuối cùng ấy.

 

Ông khách ngoại quốc kiên nhẫn chờ tôi. Hình như ông không bận tâm đến những gì chung quanh, đôi mắt xanh đục mơ màng nhìn bầu trời đen kịt qua khung cửa kiếng mờ bụi nước. Đến sát với câu chào xã giao, ông mới giật mình nhìn tôi chăm chú. Đôi mắt ông màu xanh ngọc mờ đục, lấp loáng nụ cười buồn phảng phất trên gương mặt đã nhiều nếp nhăn. Màu tóc hoe vàng bao trùm mái đầu lẫn những sợi bạc khiến tôi đoán ông tròm trèm bảy chục tuổi. Ông trầm ngâm, ít nói và sau khi giới thiệu tên mình, ông muốn tôi đưa ông đi về thăm một vùng nước nổi trong mùa mưa nầy. Lại nước. Tôi chán ngấy cảnh suốt ngày ngồi trên chiếc xuồng bì bõm giữa mênh mông biển nước, những giề lục bình trôi dằng dẳng và bầu trời xám xịt nặng nề nhưng rồi cũng đồng ý theo ông. Tôi đang cần tiền và nếu chịu khó vài ngày đi với ông cũng được bồi dưỡng chút ít. Chắc một nhà khoa học thích nghiên cứu về đất đai, thổ nhưỡng gì đây hay một người muốn tìm về thăm vùng đất có nhiều kỷ niệm xưa lần cuối trong đời, tôi đồ vậy. Những người khách nước ngoài lớn tuổi thường có những ý thích lạ lùng, kỳ quặc mà tôi đã quá quen.

 

*

Xe chạy quanh co trên những con đường sũng nước, chốc chốc lại tạt lên hai bên từng mảng bùn đất đen kịn. Tài xế là một anh thanh niên tuổi không quá ba mươi đưa qua đưa lại chiếc vô lăng như làm xiếc trên những vũng ổ gà tung tóe nước. Ngồi cạnh tôi phía sau, người khách vẫn im lặng. Hình như ông đang suy nghĩ điều gì, đăm chiêu nhìn trân trối vào những bông điên điển vàng chạy dài dọc theo ven sông. Từ khi bước chân lên xe, ông vẫn im lặng như theo đuổi ý nghĩ riêng tư nào đó nên tôi không dám mở miệng. Tôi cọ quậy, áy náy vì chưa giúp được gì cho ông thì đã nghe ông hỏi:

- Hoa đó quê cô người ta gọi bằng gì? Đó! Hoa mọc từng chùm màu vàng trước mắt, cô thấy không ?

 

Hoa điên điển, một cái tên lạ hoắc, dân dả hình như chỉ có ở quê tôi. Nó có thể nấu canh, làm gỏi, ăn sống và đặc biệt vị ngọt, rất ngon lẫn chút đắng chát làm cho món ăn kèm thêm nhiều hương vị. Quê tôi mỗi mùa nước nổi là xuất hiện không biết cơ man nào loài hoa nầy. Những chùm hoa ken kín bờ sông, mọc chen lẫn với từng ghề lục bình trôi lơ lững trên mặt nước bật lên ánh vàng rực trong màu trời ảm đạm. Từ trong xe, chúng tôi có thể nhìn rõ qua tấm kiếng dày từng chùm hoa điên điển lướt qua.

 

Không khí trong xe dễ chịu hơn bắt đầu là giọng của người khách ngoại quốc. Gương mặt ông trầm tư như cố nhớ lại những gì đã xảy ra rất lâu giờ lần lượt hiện về :

- Chuyến về đây của tôi là lần thứ ba để tìm một người đàn bà. Người phụ nữ tôi từng chờ đợi trong nhiều năm từ khi về nước …

Ông cố nén tiếng thở dài, đưa tay vuốt những giọt nước chạy dài theo ô cửa kiếng, mắt nhìn về phía trước, đôi gò má giần giật theo mỗi cú xốc của bánh xe.

- Nhưng không lần nào tôi gặp được. Tôi biết là bà ấy đang ở đâu đó, bà ấy vẫn còn sống và có thể cũng đang đợi tôi. Nhưng tôi biết tìm đâu bây giờ. Tôi chỉ nhớ là vùng sông nước địa phương nầy, mỗi năm nước dâng lên suốt tháng và đặc biệt lúc ấy, loài hoa vàng nở rộ không biết cơ man nào mà kể. Linh cảm mách bảo tôi thế nào cũng gặp được người xưa nhưng không biết bao giờ. Lần nầy về có lẽ là lần cuối. Nếu không tìm được bà ấy có lẽ tôi sẽ không đi được nữa. Tuổi đã già mà tôi lại bị bệnh ung thư giai đoạn cuối ...

 

Tôi thật không biết chia sẻ với ông thế nào vì không hiểu mối quan hệ giữa ông và người phụ nữ nào đó đang chiếm hết tâm hồn ông. Tình cảm kể cũng lạ. Có nhiều người ta chỉ gặp gỡ một vài lần, nói vài ba câu chuyện bâng quơ hoặc cùng chung nhau một kỷ niệm nào đó và thế là ám ảnh ta suốt đời. Có phải người đàn ông ngoại quốc ngồi bên cạnh tôi đang gặp phải điều ấy ...

 

Bầu trời nhờ nhờ đục, như sà xuống thấp, nặng nề bởi những cụm mây đen khổng lồ giăng kín. Vào những tháng mưa vùng nước nổi, hầu như lúc nào trời đất cũng xám xịt một màu, bầu trời đìu hiu nặng nước. Chiếc xe dừng lại một quán giải khát ven đường theo yêu cầu ông khách. Chúng tôi nghỉ ngơi đôi chút sau cuộc hành trình mệt mỏi hơn hai tiếng đồng hồ từ khách sạn về đây. Co ro trong tấm áo choàng rộng thùng thình, tôi bước theo người đàn ông vào quán với tâm trạng âu lo, nặng trĩu.

 

*

...Ba tôi trước giải phóng làm công nhân trong một xưởng dệt của người nước ngoài. Đời sống vào những năm chiến tranh bấp bênh và nhiều bất trắc. Cũng nhờ làm việc ở đây mà ông khỏi đi quân dịch, tuy kham khổ nhưng tính mạng được bảo toàn. Lương ông lĩnh không nhiều nên gia đình tôi ngày càng sa sút. Mẹ tôi bị bệnh tim không làm lụng gì được, chỉ trông nhờ vào đồng lương ba. Nhà nghèo, tôi nghỉ học sớm. Mùa nước nổi, tôi cùng mấy đứa bạn trong xóm rủ nhau ra hái bông điên điển nở vàng ở ven bờ sông đem về nhà luộc ăn thay cơm, còn dư mang ra chợ bán, loài hoa nầy cũng có người mua ăn thay rau cải. Thật ra không được nhiêu tiền nhưng tôi mừng vì được giúp gia đình trong những ngày mưa gió khó khăn, không bói đâu ra đồng bạc.

 

Ông chủ nước ngoài, nơi ba tôi làm việc, có lần tình cờ ghé nhà tôi, hình như dự một đám giỗ do ba tôi mời. Bước vào gian nhà trống hoác trước sau, chứng kiến cảnh nhà tôi nghèo khổ, mẹ tôi đau ốm, ông thương cảm hứa sẽ giúp đỡ. Quả vậy, sau đó không lâu, ông cho người đến sửa sang nhà, mua tặng nhà tôi miếng đất gần đó để ba trồng cây ăn trái kiếm thêm thu nhập và nhất là đưa mẹ tôi ra thị xã chữa bệnh. Việc giúp đỡ của ông ấy hoàn toàn vô tư vì chúng tôi đâu có gì mà đền đáp. Tôi còn quá nhỏ để hiểu rằng chính điều ấy đã gây nhiều phiền toái sau đó cho cả nhà.

 

Mẹ tôi sau khi bớt bệnh bỗng trẻ và xinh đẹp hẳn ra. Gái một con và hình như bà ngấm thuốc, da dẻ hồng hào, sức khỏe hồi phục. Hơn một năm nằm điều trị tại bệnh viện, mẹ không muốn về quê, bàn với ba bán nhà lên thị xã. Ba tôi nhất định không chịu và bắt đầu nghi ngờ. Chẳng là, ông chủ ngoại quốc kia khi rỗi việc thường đến bệnh viện thăm mẹ, có khi một tuần vài lần, mang cho mẹ đủ thứ quà cáp. Không biết chuyện gì xảy ra nhưng ba ghen tuông, bỏ mặc mẹ không thèm thăm hỏi. Suốt ngày ông li bì trong men rượu, uất ức đau khổ, nghĩ đến thân phận nghèo hèn không làm gì được.

 

Chuyện không dừng lại ở đó. Sau khi mẹ từ  viện về nhà vài hôm, ba  hành sách, hạnh họe. Tội nghiệp mẹ chỉ biết khóc, thanh minh gì cũng không được, cắn răng ngậm miệng không nói một câu. Rồi sau đó, ba uống rượu nhiều, vài năm sau thì mất. Hình ảnh còn đọng lại trong tôi là những bông điên điển vàng nhòa trước mặt cùng bóng dáng gầy gò cam chịu của ông khuất dần trong màn mưa lênh láng.

 

Ngày ba mất, ông chủ nước ngoài có đến thăm nhà tôi lần nữa. Đó là khoảng thời gian gần giải phóng, ông chuẩn bị về nước và bán xưởng dệt lại cho người khác. Ông đến và nghe tất cả câu chuyện thương tâm của gia đình tôi. Quả ba tôi nông nổi quá, ông nói vậy. Ông chỉ xem mẹ như người bạn không hơn không kém. Ông kể rằng ông có vợ nhưng vô sinh. Vợ ông sống với ông vài năm thì mắc bệnh tim và sau đó qua đời. Đời ông cứ ân hận vì không cứu được vợ mình. Khi đến nhà, thấy mẹ tôi bệnh, căn bệnh giống vợ ông ngày trước nên ông quyết định giúp mẹ khỏi lưỡi hái tử thần. May mà bệnh viện đã can thiệp kịp thời chứ không, mẹ chỉ sống được vài năm nữa. Tôi chỉ biết thở dài, tiếc thầm cho hạnh phúc của ba mẹ tôi và buồn nẫu ruột.

 

Trước khi về nước, ông cho mẹ tôi địa chỉ bảo có dịp liên lạc với ông nhưng từ những năm sau giải phóng đến nay, phần thất lạc địa chỉ phần lo toan với việc kiếm sống hàng ngày, hình ảnh ông chìm dần trong lãng quên của những người đã có thời mang ơn ông mà chưa trả nợ. Mọi việc rồi cũng trôi theo dòng thời gian cuồn cuộn đổ về. Hình như ký ức con người đành phải đầu hàng trước lớp bụi ken dày, mờ mịt của nó. Còn đọng lại trong tôi là hình ảnh người cha hiền lành tội nghiệp, làng quê nghèo vùng nước nổi lai láng, ngôi nhà xiêu xiêu, bợt bạc khi mùa mưa tới và bông điên điển vàng rực trôi dập dềnh trên những nhánh sông quê.

 

*

...Sau khi ở quán ra,  người đàn ông ngoại quốc bảo tôi phiên dịch cho anh tài xế rằng ông ta muốn tìm một nhà trọ qua đêm ở vùng nước nổi nầy. Tôi không hỏi gì thêm bởi đã quá quen với nhiều ý thích lạ lùng của người nước ngoài. Họ có thể ngồi uống rượu suốt sáng hoặc cả ngày lang thang mà không vì mục đích gì. Có khi họ thích ngủ qua đêm ở vùng quê yên tĩnh nào đó chỉ để tận hưởng không khí êm đềm và thơ mộng của vùng sông nước.

 

Trời vẫn mưa rả rích đến tối. Tôi định về phòng nằm nghỉ sau bữa ăn tẻ nhạt và buồn bã thì ông khách ngoại quốc cho anh tài xế gọi. Ông rủ tôi ra ngoài ban công nói chuyện. Hình như ông cô đơn và khó ngủ trong đêm mưa gió xa nhà thế nầy.

- Tự nhiên tối nay tôi muốn tâm sự điều nầy, ông mở đầu câu chuyện khi tôi vừa ngồi xuống chiếc ghế đối diện, vì ngày mai tôi đã rời nơi đây, không bao giờ có thể trở lại. Tôi biết căn bệnh tôi đã đến lúc kết thúc. Cô là người đầu tiên mà tôi muốn kể cho nghe câu chuyện tôi đã muốn giấu kín gần suốt đời mình

Ông ngừng lại một lát như để qua cơn xúc động. Bờ vai ông run lên, đôi mắt xanh khép lại trên gương mặt nhợt nhạt, đôi môi mím chặt:

- Chúa trừng phạt tôi, cô ạ! Giọng ông trầm hẳn xuống và như thì thầm với ai đó chứ không phải tôi. Trước kia, tôi là chủ của một cơ sở làm ăn tại vùng đất nầy. Ở đây, hình như số mệnh sắp đặt, tôi kết thân với một người đàn ông mà từ đó, bi kịch xảy ra. Người bạn ấy có vợ giống vợ tôi, mang thứ bệnh nan y. Biết bà ấy bệnh tim, tôi cố sức thuyết phục đưa vào bệnh viện gần chỗ tôi điều trị và tìm cách đến thăm nom, an ủi để vơi đi nỗi nhớ người vơ cũ. Nhưng hình như người bạn tôi hiểu lầm tình cảm ấy. Ông ta uống rượu nhiều vì buồn và mất sau đó vài năm. Ngày tôi về nước, gặp nhau lần cuối, mặc dù tôi gợi ý bà ấy đi thêm bước nữa nhưng bà chỉ xem tôi như một người bạn đúng nghĩa. Mặc dầu chồng mất nhưng bà không còn thương yêu ai được nữa. Biết nói sao bây giờ ngoài lòng khâm phục mối tình chung thủy của bà. Nhưng tôi tin, một ngày nào đó bà ấy sẽ đổi ý trước tấm chân tình của tôi. Và tôi chờ đợi. Định mệnh nào đó đã gắn kết tôi về đây, vùng nước nổi có những bông hoa điên điển rực rỡ nhưng buồn bã nầy tôi cũng không biết. Đây, tấm hình bà ấy tôi hãy còn giữ…

 

Ông ta ngưng lại vì thấy tôi như đang lên cơn sốt, run bần bật mở to mắt ngạc nhiên nhìn ông chằm chằm. Câu chuyện sao giống hệt hoàn cảnh gia đình tôi. Ba tôi, ông chủ xưởng dệt, người đàn bà bệnh tim, làng quê mùa nước nổi. Linh cảm mách bảo người đàn ông đang ngồi trước mặt mình, người đã vô tình xen vào gia đình tôi mấy chục năm trước khiến tôi bần thần, choáng váng.

 

Đúng lúc ấy, ông mở ví lấy tấm hình đã cũ vàng, nhợt nhạt vì thời gian quá lâu đưa ra trước mặt tôi. Hình chụp một người đàn bà mà tôi không còn nghi ngờ gì khi nhìn vào gương mặt thiếu phụ xinh đẹp còn rõ nét dưới ánh đèn vàng vọt yếu ớt tỏa ra từ phía tường nhà trọ.

Tấm hình của mẹ tôi.

 

Trong cơn mơ vô thức ập đến, trước mắt tôi là hình ảnh ba tôi cùng những bông điên điển vàng năm xưa lững lờ trôi trên dòng sông loang loáng mùa nước nổi ./.

Nguyễn Minh Phúc
Số lần đọc: 2825
Ngày đăng: 28.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ông Bầu - Nguyên Minh
Thầy Thích - Kinh Dương Vương
Những mảnh vỡ (23) - Nguyễn Thị Hậu
Chùa Cô Ba - Mang Viên Long
Không Tìm Thấy Biển - Hồ Việt Khuê
Tu luật, hay sự nhẫn tâm? - Nguyễn Vĩnh Căn
Chuyện Tình Của Má Tôi - Lâm Bích Thủy
Bầu Trời Cảm Lạnh - Đỗ Mai Quyên
Cánh Cửa Đóng - Mường Mán
Con Ngựa Đen Đốm Trắng - Ngô Thị Ý Nhi
Cùng một tác giả
Đứa con trên cát (truyện ngắn)
Chai rượu tắc kè (truyện ngắn)
Người khóc mướn (truyện ngắn)
Gã đạo tỳ (truyện ngắn)
Con thỏ bông (truyện ngắn)
Hoa huệ trắng (truyện ngắn)
Đêm vô cùng (truyện ngắn)
Vai phụ (truyện ngắn)
Người sợ đàn bà (truyện ngắn)
Chiếc ghế (truyện ngắn)
Người hoang tưởng (truyện ngắn)
Người của biển (truyện ngắn)
Tiếng hát bay xa (truyện ngắn)
Hoa Dã Qùy vàng (truyện ngắn)
Tiếng đàn kìm (truyện ngắn)
Nhan sắc mùa xuân (truyện ngắn)
Đêm biển động (truyện ngắn)
Có thật vậy không ? (truyện ngắn)
Người đàn ông cùi (truyện ngắn)
Sông trôi về đâu (truyện ngắn)
Tấm ảnh (truyện ngắn)
Cái tát (truyện ngắn)
Cõi người (truyện ngắn)
Cuốn sách còn lại (truyện ngắn)
Người cùng nhóm máu (truyện ngắn)
Cơn mưa nghịch mùa (truyện ngắn)
Sát na (truyện ngắn)
Gió rừng u minh (truyện ngắn)
Viên ngọc trai (truyện ngắn)
Mây của trời (truyện ngắn)
Đờn ca tài tử (truyện ngắn)
Mùi của đàn ông (truyện ngắn)
Khúc lý chiều chiều (truyện ngắn)
Chùm hoa tím (truyện ngắn)
Đời không là … (truyện ngắn)
Mùa Nước Nổi (truyện ngắn)
Dáng Núi (truyện ngắn)
Bến Tình (truyện ngắn)
Bùa mê (thơ)