Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.181
123.219.309
 
Nóc Trời Và Đáy Cát
Nguyễn Hiệp

Chẳng có ánh sáng, chẳng có tia lửa nào được thắp lên từ những câu chuyện của ba tôi. Trong cái túi tâm trí tôi, nó chỉ thuần là những lời thì thào của những con sóng, hay cao hơn một chút chỉ là lời nhắc nhủ: Con người có linh hồn đấy! Đương nhiên tôi chưa tin và lại buồn cười nữa, vì một người vô thần lại đi nhắc nhở điều ấy.

 

Trong lần về nhà, ngồi trên chiếc ghế bành, người thụt sâu vào đêm thâu, ba tôi thì thầm kể chuyện, (thì thầm, ba luôn như vậy). Đó là những ẩn dụ, những ám chỉ nhàm chán, đại loại, tôi chỉ nghĩ “mọi chuyện lại trút hết vào mình”. Tôi nhớ như in thái độ hoài nghi, bất mãn của mình: Bàn tay tôi đặt trước mặt, một ngón trỏ tựa gò má hơi nhú chút lên thái dương, ngón giữa che ngang miệng, ngón cái đỡ lấy cằm. Chân và tay tôi gập lại, khuỷu tay chạm gối, trán gần đụng vào cạnh bàn trà. Gió bão xoay vần trong tôi: phần muốn mạo xưng đứa con ngoan biết vâng lời “bề trên”, cho vị “bố già giỏi nghề đánh giặc” của mình yên lòng, phần khác lại muốn bùng phát chống lại, muốn nói lên sự thật trong lòng mình cho “bề trên” hiểu một điều đơn giản, có phần nào đó sự nhận thức khác biệt giữa các thế hệ, ở góc kín có sự “đồng sàn dị mộng” của các thế hệ cận kề, điều chất chứa trong lòng những đứa con, đơn giản mà chưa bao giờ được soi tỏ, thấu đáo. Tôi nhảy đầm, tôi giao lưu với những người đàn bà tiếng tăm bất hảo, tôi tiếp khách bằng rượu Tây hằng đêm, tôi mưu tính, tôi thực dụng, tôi xem mọi chuyện thuộc “phạm trù sinh hoạt”, tôi đi về giữa đêm hôm khuya khoắt… nghĩa là tôi thoáng rộng, tôi văn minh, tôi tự tin, tôi thức thời chứ không có nghĩa là tôi “Tây hoá”, tôi bê tha, tôi xâm hại đến gia phong, tôi làm cho đồi bại cái gọi là đạo đức hoặc những thứ quy định truyền thống khác… Không biết giờ này là mấy giờ, Chắc là khuya lắm rồi, nhưng giọng ba vẫn còn rất khỏe:

 

Thùng gì to lắm bà con ơi!” Từ ngoài khơi xa, từ đâu đó bên bờ kia của biển, một thùng gỗ to tê trôi lừng lững vào gần bờ. Họ, những khuôn mặt hốc hác, những bàn tay chai sần, vàng chạch, những đôi vai u xoắn vì cả đời chèo, kéo, chính họ đã bơi ra, đẩy cái thùng gỗ ấy vào bờ. Chính tay họ đã cạy nậy từng mảnh gỗ thông  để phát hiện đó là một thùng đường cát trắng đầy nhóc. Đàn ông, đàn bà, nam phụ lão ấu ùn đẩy nhau, giành giựt chỗ của nhau để vốc từng bụm đường lớn cho vào miệng, ăn như chưa bao giờ được ăn, ngốn ngấu, ực vội, ực vàng…

 

Trước ngày ba ngã bệnh nặng rồi mất, ba chỉ mặc độc bộ pyjama, luôn đứng vịn tay và nhìn vào bức tường trắng, ba không phải là thiền sư, trong hồ sơ, ba là một vị tướng vô thần nhưng hình ảnh ba cứ mãi chập chờn trong tôi như hình ảnh “cửu niên diện bích” để tìm sự  chứng ngộ từng ghi vào lịch sử Phật giáo trên con đường hoằng dương Phật pháp của tổ sư Đạt Ma. Mắt ba thâm tím thành quầng sâu vì mất ngủ, những giấc chợp mắt mơ màng thoáng chốc của ba tràn ngập ác mộng, trong đó, cả bầu trời bay đầy đường cát trắng như những ngọn cát bay ven biển trong ngày biển động, tháng giêng động dài, tháng hai động tố, cả mặt đất nhầy nhụa mật vàng, những xoáy vòng nâu nâu, hôi hám, cuộn, gợn, rút sâu, lôi đi, cuốn theo tất cả. Ba thấy mình biến thành một nòng súng khét cháy, những viên đạn lửa đỏ rực nhưng vừa ra khỏi nòng đã rơi ngay xuống đất, rồi ba lại thấy mình là đám mây bay lên xoay vòng, ngưng trệ bên trên đời sống xum xuê lá cây và những cánh chim. Nóc trời xuống thật thấp, ba vói tay là đụng phải cái ánh sặc sỡ bóng nhẫy trên đầu. Ba nghi ngờ thứ nóc trời ấy nhưng lại phải thừa nhận nó thật mê hoặc, đến mức có lúc ba tiếc mình không là thi sĩ để ca ngợi nó bằng dòng suối ngôn ngữ trác tuyệt…

 

(Khi vác ba lô về ở hẳn nhà với mẹ con tôi ba thì thầm kể với tôi như vậy). Những ngày cuối đời, ba cứ mãi nhìn tôi như muốn gửi gắm điều gì đó, rồi lại thở ra như muốn nói “Con chưa đủ sự chuẩn bị”, rồi lại chăm chăm nhìn tôi lo lắng, sự lo lắng ấy tôi đọc thấy trong ánh mắt quắc lại, chỉ còn loé sáng đôi ánh tinh anh rực mạnh nơi đôi đồng tử, ba ú ớ đòi gặp tôi, ba muốn nói với tôi… nhưng cuối cùng khi đã tỉnh táo, ba chỉ cầm tay tôi, siết thật chặt, ba lại chậm rãi, có lúc lơ mơ,  lúc vụn rạc,  lúc chậm rãi, nhấn giọng, ba lại tiếp tục kể tôi nghe câu chuyện đã kể hàng chục lần, tôi cũng bị lây từ lúc nào không biết cái ám ảnh ghê rợn của câu chuyện. Nhiều lúc tôi muốn năn nỉ ba thôi đừng kể nữa, nhưng lại sợ mình rơi vào cái thói “lạt non buộc tre già” của những thằng con được ăn học chút đỉnh liền ngạo mạn chẳng coi cha mẹ ra gì. Kinh nghiệm đôi lúc cũng thật nguy hiểm nhưng cũng không nên xem thường.

 

… “ Một thanh niên trần trùng trục, hai vồng ngực đen bóng, hai tay dài gần đụng chân, trèo lên ngã gập trên miệng thùng gỗ, cứ một bụm đường đầy tọng vào mồm, anh ta lại ấn mạnh bàn tay lên ngực mà vuốt, “trái khế” trên cổ giật một cái thật mạnh về phía cằm, đầu gật xuống, mắt trợn lên, râu mép dính đầy những hạt đường li ti, trắng tinh, anh ta cứ độc chiếm ngất nghểu trên mép thùng mà hít hà xuýt xoa ực ậm quên hết sự đời. Người đàn bà tóc tai xổ tung, giở cả áo xống lên để lùa, hứng dòng thác đường trắng xoá chảy ra từ mảnh gỗ bể bên hong thùng, rồi buộc túm tà áo lại thành một khối, một nùi chắc nụi to bè trước cổ, quên cả sự mắc cỡ, ngượng ngùng, quên để ý cả đôi vú nồng nỗng xà ra, quên cả hai cái núm vú xơ đen như ruột cau khô đính trên hai trái vú mướp nhão nhợt vì cả đời “rút ruột” làm mẹ làm vợ ấy, hai quả núi chúc xuống lắc qua lắc lại trước mặt mọi người như biểu hiện sự hy sinh cuối cùng, tận cùng cho con, cho chồng. Đàn bà miền biển vốn mang cái bệnh lo âu mãn tính, nay được dịp trổ tài giành giựt, vốc chứa, tom góp, dành để những hạt đường trắng tinh quý hoá, phòng khi chồng con mình bị trúng độc củ nần, củ mài, rau dại trong mùa đói rã mắt, đói teo xương. Mức đường trong thùng đã hạ xuống hơn gang tay. Người trong làng vẫn tiếp tục đổ ra, đổ vào, vết chân chồng nhau, xới tung, rạch hằn một luống sâu nối từ cái thùng gỗ vào làng với cát trắng và đường cát trắng lẫn lộn, tung toé trên nhau; nào nồi đồng, chảo gang, nào mo cau, thùng thiếc… họ lôi hết các vật đựng được trong làng ra để chứa đường cát trắng, họ tối mặt tối mũi vì đường cát trắng. “Để dành ăn quanh năm và để giải độc củ nần, củ mài”, họ chỉ bảo nhau như thế, họ hả hê với nhau như thế, họ cười với nhau ngầm ý như thế. Ai đó thốt lên: “ Đường bắt đầu có màu vàng”. Người ta nhốn nháo phản ứng: “ Vàng cũng là đường cát” …

 

Phải chăng, phải chăng? Tôi luôn tự hỏi, cố tình giải mã một giấc mơ buồn thương, cố tình muốn chạm tới, thấu hiểu các góc khuất của thế hệ đi trước, thế hệ anh hùng, thế hệ sản sinh ra chúng tôi. Tôi ước ao ba mình biết chia sẻ những vướng bận trong tâm trí mình về những vấn đề hiện đại, về giấc mộng tham gia vào cuộc cách mạng “xanh lam” mà tôi đang dồn tâm dồn trí làm sao để mở ra hướng đi mới về du lịch nghỉ dưỡng ở vùng biển, làm sao để khai thác được tiềm năng về biển, về bờ biển một cách hiệu quả nhất, làm sao để giàu thật nhanh chóng. Tôi về quê ngoại lần này cũng chính vì cuộc cách mạng “xanh lam” ấy, hơn là một cuộc “về chơi quê ngoại” như trong câu chuyện học trò. Tôi biết cái làng biển dài ngoằng nhỏ thó trước khi dân bị dồn Ấp chiến lược ấy chính là quê ngoại của tôi. Ông bà ngoại tôi từng là địa chủ ở đây, toàn bộ dãy ruộng bưng chạy mút mắt ven chân động cát là sở hữu của ông bà, chính điều này từng là trở lực rất lớn trong quá trình vun đắp tình yêu của ba má tôi, tổ chức cương quyết không chịu, bắt ba làm kiểm điểm gửi cấp trên, ba cương quyết xây dựng gia đình với “con gái nhà địa chủ”, kiểm điểm vẫn viết nhưng cuối cùng thòng một câu tuyên bố “xanh rờn”: “ Tôi không yêu địch, tôi yêu dân, quân với dân như cá với nước, cô ấy là một trí thức giác ngộ Cách mạng, tôi không thấy vấn đề tội lỗi ở đây. Các đồng chí nghĩ sao tùy các đồng chí!” May là lúc ấy tên tuổi của ba đã quá lừng lẫy, ba đã tận lực, tận tâm cho cuộc kháng chiến đầy máu và nước mắt, một phần má cũng quyết đinh thoát ly theo ba chứ không cùng ở nơi thê hương mẫu quán nên cũng không ảnh hưởng mấy. Khi đó, người dân quanh vùng đã quen gọi đại đội bằng cái tên trìu mến: Đại đội Năm Ngọc, cấp trên cũng thừa biết đó là cái tên ghép tên ba và má tôi... Má tôi đúng là viên ngọc được trời đất nơi này hun đúc mà nên, nhưng là viên ngọc buồn, viên ngọc hy sinh một đời, nếu không có tình yêu có lẽ viên ngọc ấy đã trở nên mờ đục khuất lẫn trong cát bụi sình lầy.

 

Từ ngày ba tôi qua đời, tôi thực sự bước vào cuộc khởi hành nội tâm mới, tôi muốn làm điều gì đó thật lớn lao cho má, bởi vậy tôi mới tính toán triển khai dự án “khai thác bờ biển bằng du lịch- nghỉ dưỡng” đầu tiên của mình trên quê ngoại. Dự án của tôi táo bạo, nặng tính “đón đầu”, nặng tính “cách mạng” nên khả năng thất bại cũng rất cao, may mà Ban lãnh đạo công ty Du lịch hiểu tôi và có sự đồng cảm quý báu.

 

Cũng như ba, tôi sợ cô đơn, bởi bên trong sự cô đơn là tình trạng thực, là hình ảnh phản chiếu con người thực của mỗi cá nhân. Mỗi khi suy tư, tôi không dám phán xét ba, nhưng tôi suy mọi điều từ ruột gan mình, tuy nhiên cho tới giờ này, tôi cũng chưa biết ba hay chính mình là kẻ cố đào thoát ra khỏi thực tại, một thực tại trong tâm trí lịch sử, trong tâm trí của từng con người đã sống, đang sống. Cha con tôi đã trở nên quá đỗi bất an. Vì lẽ gì? Đâu là lý do trong tất cả các lý do? Tôi có nên xem ba tôi như một ngôi đền thờ mà ở đó chỉ có những kinh kệ, những bài học suông? Tôi đã từng chỉ cho ba thấy những nhà cách mạng hoặc những nhà na ná cách mạng đang xây biệt thự, vợ con họ đang dùng xe hơi đời mới của cơ quan để đi dạo chơi, cúng bái chùa chiềng; mỗi “nhà” như thế đang là chủ sở hữu của hàng chục sổ đỏ đất đai, vườn tược, tiền vàng của họ gửi cả ra ngân hàng Thụy Sĩ… Chẳng lẽ họ đã tự quên lãng? Chẳng lẽ cuộc Cách mạng vĩ đại  này đang tự quên lãng? Chẳng lẽ cả đất nước này đang lao vào cuộc chạy trốn chính mình? Chẳng lẽ giàu có, thêm nhiều điều kiện phục vụ cho đời sống con người là tình trạng tệ hại đáng bị lên án hay sao?... Cuộc sống mỗi giai đoạn đều có lý lẽ của riêng nó chớ ba… Và lần tranh luận này tôi thấy rõ ràng chất lính của ba tôi đã bộc phát: mắt ông hằn đỏ, ông lớn tiếng: “Khốn nạn! Lý lẽ nào? Phản lại dân tộc mà là lý lẽ sao? Con sâu làm rầu nồi canh lại có lý lẽ con sâu hay sao? Con ơi là con! Tại sao lại một kẻ có ăn có học lại chúi đầu vào cát để né tránh như thế? Giàu là tốt, phương Tây cũng nhờ giàu có mà văn minh. Sao ba lại không biết điều đó? Nhưng cũng có những xác chết giàu có… Đó, cái mà con gọi là na ná đó chính là những vết thương trong óc não Cách mạng, trong lục phủ ngũ tạng của dân tộc này. Tại sao có bệnh tật? Tại sao có vết thương? Tại sao rối mù rối tung lên như thế? Con cười mỉa ai vậy? Cười vì quá buồn? Hay buồn quá mà cười? Khuôn mặt của một người gai góc thường được gắn hoa. Con bị lừa bởi chính mình sao? Ba má cho con ăn học để làm gì? Trả lời đi! Đó, con trưởng thành rồi đó, trả lời đi! Học cao mà còn nhập nhằng sáng tối như thế chi bằng không sách không vở, chi bằng dốt nát mà biết dùng lương tâm để phân định rạch ròi sáng tối. Học nhìn bằng con mắt của mình đi con! Ba tôi nói tới đó liền quay mặt đi. Đó là lần duy nhất cha con tôi nói chuyện to tiếng với nhau, cũng là lần duy nhất ba nói với tôi nhiều như vậy.

 

Trong lần về quê này, người đầu tiên tôi đến chào là một vị lão thành cách mạng địa phương, là ông giáo làng nổi tiếng, câu đầu tiên cụ hỏi tôi cũng là hỏi về ba tôi, nhưng tôi không còn thấy buồn hay dị ứng như xưa. Ông cụ giảng giải cho tôi nghe bức hoành phi bằng chữ Hán sơn son thếp vàng treo giữa nhà: “Liên Phương Tục Diệm”, ông bảo cái tâm thế ở đời phải hướng tới điều này, “thơm lâu sáng mãi” đó là nỗ lực làm người chân chính của ngàn đời, danh nhưng là chính danh. Sau hồi thao thao thuyết giảng, ông chấp hai bàn tay khum khum chập lại rồi run run đưa vút lên cao, mắt ông sáng rực và gọi ba tôi, người đồng chí muôn đời của ông, vị đại đội trưởng cũ của ông là Bông Sen Biển. Tôi biết ngôn ngữ thể xác của cụ già rất chân thật nhưng mấy từ  “Bông Sen Biển” làm tôi ngỡ ngàng, lần đầu tiên tôi nghe đến tên một loài hoa như vậy. Chẳng lẽ cụ lại so sánh ba tôi với một loài hoa không có thật!? Hiểu sự thắc mắc của tôi, vị lão thành cách mạng lại phải giải thích về hình ảnh bông hoa hoá thân của một thần tượng rất gần gũi với chính ông: Sen biển rất hiếm chỉ nở mùa biển động, giêng động dài, hai động tố chính là mùa sen biển nở, tháng ba thì dây mơ, trứng chuồng đã tấp bờ phủ kín mọi thứ, nên chỉ có những con dân máu thịt với biển mới biết loài bông quý này. Sen biển cánh không mỏng manh rung rung nở trong tĩnh lặng như sen ao hồ, cánh sen biển như được tạc từ đá xanh , bùng nở mạnh mẽ giữa làn sóng xoáy, giữa cơn dập duềnh giật đập của nước, của sóng. Ngó giống sen, giống quỳnh tức là trước khi nở chuyển mình hướng thượng…  Ông cụ bảo: Thực sự ông không còn đủ minh mẫn để tả hết nét đẹp của bông sen biển, “anh phải xuống biển mà tìm, tìm thành tâm sẽ gặp”, rồi ông cười khà khà đệm mấy câu riễu mình vui vẻ: “Chữ nghĩa mớm dần con trẻ hết/ Râu ria đâm mãi cái già ra”.

 

Trên đường về nhà ngoại, tôi đã bước những bước chân nhẹ bỗng, im lặng nghĩ ngợi mọi điều. Tôi nhớ ba tôi, cố nối kết với ba, nhưng trong tôi ngay lập tức bị lấp tràn bởi đoạn kết của câu chuyện mà ba tôi đã kể đi kể lại cả chục lần :

 

… “Đường ở dưới thum thủm !”

“Thum thủm cũng là đường cát!”

“Đường mà sao thúi dữ?”

“Thúi cũng là đường cát!”

 

Đám đông lại láo nháo như cháo trộn cơm, già trẻ lẫn lộn không còn vai vế, không còn sĩ diện, tay thồn miệng nhai cho đến khi có người đột nhiên nhào xuống lũi chạy ra thật xa, đầu cúi gằm xuống sát mặt cát, cơn sóng bạc đầu vừa trào lên lại rút ngược xuống cuốn theo cái mớ bèo nhèo bọt bóng mật xanh mật vàng mà anh ta vừa ọc ra giữa hai bàn chân. Ai đó la lên thảng thốt: “ Tóc”. Tiếng người đủ thứ giọng điệu râm ran, ồ lên, âm thanh nghẹn ứ, âm thanh hằn học: “cái đầu”, “xác chết”, “đường lịm xác chết”, “gớm quá”, “xác của người Tây, to lắm”... Đám người thụp xuống, dàn ra, móc, ọe, nôn thốc nôn tháo, mặt cắm xuống những cơn sóng bạc đầu. Người thanh niên độc chiếm ngất nghễu trên miệng thùng đường nhảy phóc xuống vừa chạy bổ vào làng vừa ú ớ bụm miệng, bụm mặt như một thằng câm bị thương. Người đàn bà lòi vú bung mạnh hai tà áo, đường cát trắng xà đầy xuống chiếc quần đen, ruồi nhặng bu dọc theo tới tận hai bàn chân bè bè vênh móng. Bà ấy chết trân như trời trồng, hai mắt trợn tròn trắng dã, một lúc sau mới tỉnh lại thọng mạnh tay vào ngực mong cho số đường đã ực vào giờ hộc  ra, nhưng chỉ có nước dãi vàng vàng nhễu chảy kèm nhèm, lòng thòng nơi khoé miệng. Cả đám đông nam phụ lão ấu ngồi thụp xuống bãi biển, những âm thanh lạ râm ran rộ lên như đoạn cuối trong lễ tế thần của một hội tu kín. Mặt đỏ kè như tôm nướng, họ móc họng móc hầu, họ chửi rủa cái thùng đường liệm xác chết, họ chửi rủa họ, họ chửi rủa nhau, họ chỉ thật chửi thật, họ chỉ bóng chửi thật, họ chỉ thật chửi bóng, họ chỉ bóng chửi thật, họ chỉ bóng chửi bóng... và cuối cùng họ nguyền rủa chính mình. Cả khuôn mặt tập thể trên bãi biển ấy chuyển từ đỏ kè sang trắng dã, từ trắng dã sang xanh mét, rồi trở lại đỏ, đỏ bầm, tím bầm, họ run giật từng hồi, đập ngực tức tối, danh dự của họ đã chết thật. Sau, người ta cúi đầu im lặng tản mát, bãi biển còn trơ cái thùng gỗ lượm xác chết, mấy tấm gỗ thông vung vãi, đường cát trắng vung vãi trên dấu chân người, hiện trường như một bữa ăn bị trời đánh, “trời đánh tránh bữa ăn”, cái luân lý cuối cùng ấy ở đây cũng không còn nữa. Cái im lặng đáng sợ bao trùm cả làng, mọi lý lẽ để người làng không đủ can đảm nhìn mặt nhau gói gọn trong một tiếng “nhục”. Nhục hết chỗ nói, nhợn hết chỗ nói, có người ngã bệnh, có người không ăn được gì nữa kiệt sức, có người lẳng lặng giữa khuya, tay vác lưới, tay bồng con lên thúng chai bỏ làng mà đi. Một người ra đi, nhiều người ra đi. Gã thanh niên độc chiếm ngất nghễu trên miệng thùng đường ra đi đầu tiên. Cái thùng gỗ đã thành một khối ruồi đen đen, dòi từ trong xương cái xác chết ấy dòi ra, mùi thúi bốc tràn trên bãi vắng.”

 

Dư âm câu chuyện tràn lạnh qua óc tôi lần nữa, rùng mình, miệng đắng ngắt, nhờn nhợn. Giờ thì tôi hiểu sâu sắc ba tôi định nói gì, lo sợ gì, không phải đường nào cũng là đường liệm xác chết, nhưng sự tỉnh táo không bao giờ thừa.

 

Đầu tháng ba, sứa lửa và dây mơ bắt đầu tấp bờ, tắm biển vào những lúc này thật “không biết gì về biển”, tôi nghĩ mình có lý do riêng để gắn cặp “chân vịt” vào và nhảy tùm xuống dòng nước đục ngầu. “Thành tâm sẽ gặp”, tôi luôn lẩm nhẩm lời của ông cụ lão thành Cách mạng, cả năm nay, tôi đã bắt đầu cuộc hành trình nội tâm mới, tôi đã thật sự lọc bỏ bớt những hành vi chẳng hay hớm gì mà có một thời tôi đã quan niệm “như vậy là sành điệu, văn minh”. Công trình du lịch biển- nghỉ dưỡng của công ty chúng tôi đã gần hoàn thành xây dựng cơ bản, tôi hình dung đến những trang sách mới đầy nắng ấm. Chiều hôm qua, trong lúc ngắm hoàng hôn nhuộm đỏ con triều lên xuống, tôi đã nhớ đến ba thật nhiều, mọi điều tốt đẹp, rồi cũng bằng cách nào đó, rời xa chúng ta như con sóng đỏ rực kia đang rút xuống tắt dần theo màn đêm. Ngay lúc ấy, trong đầu tôi loé sáng một khao khát, tôi sẽ tìm, tìm bằng được bông sen biển. Tôi lách mình qua một bầy sứa lửa như những chiếc dù lửng lơ trong làn nước đục, đợi cơn sóng rút ra, tôi nương theo, kéo kính che mắt rồi lặn xuống một hơi. Nước đã bớt đục, tôi biết mình đã ra thật xa, tôi thả ngửa mình, mũi hếch lên hít thở lấy lại sức. Trong lần lặn tiếp theo tôi đã thấy được tia sáng mặt trời xuyên lóng lánh trong dòng nước. Lặn sâu, nhìn sâu vào biển, vẫn không thấy gì ngoài những ảo ảnh lấp loá, tôi cố xuống thật sát đáy cát, bầy cá mặt đá đang ùn đẩy dây mơ và những hạt sạn, có lẽ chúng đang làm tổ, tôi quờ tay bò sát lại, chúng trơ ra không hề hốt hoảng như những loài cá khác. Sau tiếng “rắc” nhẹ trong màng nhĩ, bỗng tôi nghe có tiếng âm âm, rền rền, tôi giật thót người trồi lên mặt nước. Tôi hít không khí đầy lồng ngực, thở ra từ từ, những lúc mất bình tĩnh tôi thường làm vậy để cân bằng. Tôi xoay oặn người lặn thẳng xuống chỗ lúc nãy, bầy cá mặt đá đã biến mất, tôi chắc mình đã trệt đi tí chút, nơi đây, sóng nước chao đập hơn, vấn vít hơn, giữa mịt mờ loạn cuồng bóng nước xen hoà ấy, trong khoảnh khắc mông lung ấy, thật bất ngờ, tôi chợt thấy ngay trước mặt những chiếc lá tròn tròn bằng bàn tay đang xoè ra ụp vào, dưới chân một bông hoa xanh như được tạc từ cẩm thạch, mạnh mẽ, lung linh, hướng thượng, từ đây, âm thanh lúc nãy lại vang lên, tôi nằm im, lắng tai, những âm âm xáo động quy tụ dần, tôi đã nghe rõ từng tiếng thì thầm quen thuộc, thân thuộc…

 

Tôi chỉ kịp nhận thức mình đang bị hút đi thật mạnh, cơ thể chợt tan biến và tôi rơi vào trạng thái vô thức, không lưu gì trong não. Tôi từ từ hé mắt: Bầu trời tím ngát, cơ thể tôi nhanh chóng tụ lại đúng tư thế nằm dưới đáy nước ở thế giới bên kia. Tôi mở mắt, con ngươi mở hết cỡ, tôi quá đỗi ngạc nhiên thấy ba mẹ tôi đang từ từ di chuyển về phía tôi. Tôi định lao lên, định há miệng kêu nhưng đành bất lực, tôi không điều khiển được tứ chi hay bất cứ phần cơ thể nào, chỉ còn tâm trí tôi là vẫn đang làm việc, đang ghi nhớ tất cả. Ba mẹ tiến đến trước mặt tôi, ánh mắt vô ưu, khuôn mặt thư thái, điều tôi chưa bao giờ thấy lúc họ còn sống. Ba trao tận tay tôi một bông sen xanh, một làn hương thơm lạnh tràn đầy lồng ngực. Tôi hít thật sâu, năng lượng sống ứ tràn trong từng tế bào và tôi từ từ nhắm mắt, một trạng thái minh mẩn sáng suốt đang ngự trị trong óc não tôi./.

 

Chân núi Tà Cú 8/2010

Nguyễn Hiệp
Số lần đọc: 1762
Ngày đăng: 30.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người Thầy Dạy Búp Bê - Phan Trang Hy
Thế Kỷ Nào - Đặng Kim Côn
Ngôi Nhà - Võ Tấn Khanh
Good-bye days - Vũ Lập Nhật
Mùa Nước Nổi - Nguyễn Minh Phúc
Ông Bầu - Nguyên Minh
Thầy Thích - Kinh Dương Vương
Những mảnh vỡ (23) - Nguyễn Thị Hậu
Chùa Cô Ba - Mang Viên Long
Không Tìm Thấy Biển - Hồ Việt Khuê
Cùng một tác giả
Bông Cỏ Giêng (truyện ngắn)
Dứt dây (truyện ngắn)
Gai Sen (truyện ngắn)
Huyết nhân ngải (truyện ngắn)
T&P (truyện ngắn)
Lũy báo (truyện ngắn)
Hồn cát (truyện ngắn)
Núi hiện (truyện ngắn)
Cái quẹt tim gòn (truyện ngắn)
Phấn (truyện ngắn)
Giải thuật (truyện ngắn)
Âm Thanh Đổ Bóng (truyện ngắn)