Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.195
123.210.097
 
Vòng Qua Chân Đồi
Trần Hữu Ngũ

1.

Đồi Chu Prài nằm ở giữa. Chiếc đồi không cao, kể từ đất bằng, khoảng 30 thước đã quá, nhưng có một chiều dài chênh vênh, lưng mọc lởm chởm những tảng đá bạc, thoai thoải kéo dài và nối tiếp là hai chiếc đồi nằm ngang. Hai chiếc đồi không mang tên tuổi, cây cỏ mọc cằn khô, những mu đá ù lì, hợp với Chu Prài tạo một bức bình phong cho thị trấn kế cận. Từ đỉnh Chu Prài nhìn xuống, bên tay phải, đi từ mặt trời lặn, là một con sông, nước hai mùa, khi cạn khi đầy. Có những ngày lòng sông trơ mình, bãi cát vàng ưỡn bụng và bầy chim đỗ xuống nghỉ ngơi; có những khi lòng sông ngập lụt, màu phù sa bạc phếch, nước băng băng đổ về xuôi. Bên kia sông là cánh rừng lúp xúp cây hoang dại, ngút về ngàn, và xa tít là những dãy núi xanh cao vút, mây và sương thường lấp đầy đỉnh ngọn. Con sông hình như cũng được thoát nguồn từ đó. Phía bên này sông, mấy thửa ruộng trái mùa, và một thôn dân cư lưa thưa nhà cửa. Thôn này do một nhóm dân lập nghiệp từ lâu đời, và dân chúng sống bằng nghề trồng tỉa đủ thứ. Ở phía trên dòng sông ngày trước cũng có một xóm dân, nay họ đã dời đi. Từ thôn dân cư đó đến chân đồi Chu Prài có một con đường mòn. Con đường này nhỏ và hẹp, vòng qua chân đồi, đâm thẳng xuống một con lộ lớn. Ngoài ra, con đường chính của thôn này được nối liền với thị trấn thì dài và xa hơn, men theo con sông, rồi quặc ra phía bên kia đồi. Phía bên trái đồi Chu Prài, cũng kể từ mặt trời lặn, là một con đường nhựa lớn, thẳng nhưng không bằng, tiếp là một thị trấn nhỏ, nhà cửa chen chúc. Con đường là sinh lộ chính của thị trấn với phi trường quân sự.

 

Đồi Chu Prài là một  yếu điểm an ninh quan trọng cho phi trường và thị trấn. Từ đó, những chiếc lô cốt được dựng lên, rải rác trên lưng Chu Prài. Những cần sắt truyền tin, những ổ súng nòng đen và những tên lính chiều chiều ngó mông lung. Khu đồi nằm ở một vị trí độc lập, lợi hại. Vòng quanh sườn Chu Prài là những hàng rào kẽm gai, và những giao thông hào nối tiếp. Khu đồi được chọn làm yếu điểm quân sự chưa tròn năm, kể từ khi phi trường được thiết lập. Ngày xưa, đồi Chu Prài là nơi hẹn hò thơ mộng của những trai gái thị trấn này. Những đêm trăng thì tuyệt. Đó là nét đẹp êm đềm của thiên nhiên, của những hóc đá, của những chòm cây. Con đường lên lưng chừng, nối tiếp bằng những mu đá phẳng và gió thì mơ màng thổi qua. Bây giờ nét đẹp đã đổi khác, sự im lặng của đêm, và bóng trăng thì nằm bướng bỉnh trên hàng rào kẽm gai, làm cho  khu đồi mang dáng dấp của một bí mật. Có khi ánh trăng được thay thế bằng một hỏa châu màu vàng chóe, chập chờn trên đỉnh đồi. Những chiếc lô cốt cách khoảng, những im lặng nối dài, và những lỗ châu mai ngó mãi xa vời, như một thân xác bất tỉnh với con mắt nhìn sự chết đang qua mà không thấy.

 

2.

Trung sĩ Hòa thay chiếc áo hành quân xong, lách mình qua khung cửa và ra ngoài lô cốt. Bây giờ là buổi chiều. Một buổi chiều đổi gió, trời lành lạnh. Đứng từ trên cao nhìn xuống, lòng trung sĩ man mác làm sao ấy! Một sự man mác, không do một tình cảm nào hết, nhưng, phải nói đó chỉ là một sự man mác. Đôi mắt trung sĩ Hòa xa vời và mông lung. Một cảm giác kỳ lạ thoáng qua gần như một êm đềm lãng mạn! Trước mắt trung sĩ Hòa là bốn chiếc lô cốt với chín tên lính đồn trú. Những tên lính hình như có vợ con ở dưới thị trấn kia. Những tên lính canh phòng và quan sát vùng bí mật trước mặt. Những cây cần sắt đó, và những đôi mắt đó. Lòng trung sĩ Hòa man mác thật. Một cứ điểm. Một nhiệm vụ. Một quan trọng. Những tên lính ít nói năng, mỗi người một góc lô cốt, một cây súng, một ống dòm, một chiếc máy. Trung sĩ Hòa bỏ hai tay vào túi. Buổi chiều tập họp và trình diện. Thiếu tá Hồng, chi khu phó, giới thiệu với binh sĩ. Trung sĩ Hòa… Trung sĩ Hòa… Trung sĩ Hòa…, vâng, một chiến sĩ… một hạ sĩ quan xuất sắc… sẽ chỉ huy tiểu đội khu đồi Chu Prài cùng các bạn… Trung sĩ Hòa cười nhẹ. Chín khuôn mặt, và trung sĩ Hòa nhận ra mình đang đứng trước chín khuôn mặt đó, như một bắt gặp cô đơn kỳ thú.

Trung sĩ Hòa nhìn bao quanh một lần. Vị trí khu đồi thuận tiện và an ninh. Chiếc lô cốt phía cuối đồi thật lợi hại, nhìn xuống thấy được ba phía. Những tên lính đã trở về mỗi lô cốt. Trung sĩ Hòa nằm với lô cốt trung ương. Buổi chiều gió nhiều và lạnh. Phi trường từ phía xa mù mịt bụi cát, âm thanh máy bay vang rền. Tự nhiên, trung sĩ  Hòa nghĩ đến vị trí của mình và anh em. Vị trí phòng vệ và canh giữ. Vị trí của những lô cốt và những lỗ châu mai. Vị trí mà người ta bày ra và đặt mình vào. Đó là số phận của một trung sĩ Hòa, của mỗi tên lính…

 

Tên hỏa đầu quân từ lô cốt đàng sau, ấp úng sau lưng trung sĩ Hòa:

- Thưa trung sĩ đã đến giờ ăn cơm.

Trung sĩ Hòa bỗng quay lại, ngạc nhiên:

- Cơm mà cũng có giờ giấc nữa à?

- Dạ đó là thông lệ của chúng ta.

Trung sĩ Hòa như cảm thấy mình lỡ lời, phân bua:

- Tôi nghĩ rằng, với anh em ít ỏi như thế này lúc nào ăn chả được. Có là ăn khỏi giờ giấc.

- Dạ.. cũng được.

Trung sĩ Hòa nhìn thẳng vào tên hỏa đầu quân:

- Anh gọi lệnh cho mọi người ăn cơm. Giờ chừ yên tĩnh. Khỏi ai trực hết.

- Dạ.

Tên hỏa đầu quân đứng thế chào rồi quay đi. Một lúc có tiếng còi réo lên. Từ các lô cốt, mấy tên lính kéo lại. Trung sĩ Hòa nhìn quanh một lượt, rồi quay đi.

Lần đầu tiên, những tên lính có vẻ ít nói. Có lẽ vì trung sĩ Hòa mới đến?

 

3.

Lão già Tân, buổi mai như buổi chiều, từ bao năm, một mình cầm gậy, lưng mang gùi, đầu đội chiếc nón nhà binh đã bạc, lếch đếch đi qua con đường mòn quanh chân đồi. Buổi sáng lão thường đi thật sớm, và buổi chiều, lão về thật tối. Hình ảnh lão đối với con đường mòn này như một định mệnh gắn liền vào nhau, không tách rời và không phụ bạc. Con đường có cỏ mọc chằng chịt, và cây cối lúp xúp hai bên. Chiếc gùi của lão không bao giờ thay đổi, và chắc cũng chẳng nặng lắm. Lão vẫn ra đi mỗi sáng, và về mỗi chiều. Dáng lão cô đơn, di động thật chậm chạp trên con đường mòn vòng qua chân đồi. Gió vẫn lộng, và những bước chân của lão thì yếu.

Quê lão già Tân nằm phía con sông, căn nhà phía trên hết. Lão chỉ sống về đêm tại căn nhà này, ngọn đèn dầu leo loét, và cánh cửa thì đóng kín. Lão trở nên bí mật và ít tiếp xúc với ai trong dân làng, từ khi đứa con độc nhất của lão tử trận. Vợ lão qua đời từ lâu, khi lão còn trẻ. Ngày xưa lão sống bằng nghề trồng trọt, rồi sau đó, lão đổi nghề. Lão ra đi mỗi sớm và về mỗi chiều. Lâu dần thành quen mắt dân làng. Và dạo sau này, lão ít gặp dân làng, vì lão không đi trên con đường lộ chính như họ. Lão dùng độc nhất con đường này. Và chỉ có lão già Tân dùng nó mà thôi. Bước chân của lão không đủ uy hiếp nỗi hoang vu. Lão cũng chẳng ngại ngùng, vì lão thường nghĩ khi con đường đã phủ lấp mất tích, thì chắc lão cũng đã chết. Thế là lão yên tâm. Số phận của lão đã được quyết định và giới hạn. Lão vẫn yên tâm. Con đường còn tốt. Điều quan trọng, con đường đó ngắn và rút bớt thời gian để cho lão về nhà.

Lão cũng thường nghe, người ta bảo con đường mòn này nguy hiểm và đã cấm người qua lại. Nhưng lão chưa bao giờ gặp một trở ngại nào cả. Lão vẫn đi qua mỗi sáng sớm, và trở về mỗi chiều tối, một cách bình yên. Không bao giờ lão thấy một người nào trên con đường này. Lão biết thế, dù mắt lão đã mờ phần nào. Nhưng ít nhất, lão cũng không nghe một giọng hỏi nào cả. Con đường như một quen thuộc bình yên, có gì cấm đoán đâu. Lão đã đi bao năm trên con đường này rồi. Từ khi mắt lão còn sáng, từ khi con lão ra đời, từ khi vợ lão còn đi bên lão ra chợ buôn bán… Có ai cấm đoán đâu. Nhưng, từ năm nay, lão đã nghe ông ấp trưởng đến tận nhà căn dặn lão và khuyên lão. Lão không bao giờ nghe, dù lão cứ thắc mắc trong lòng. Quân đội sao lại cấm? Vùng quân sự nào? Lão có thấy gì đâu? Thế là lão vẫn đi, tuổi già trở nên cứng cỏi và quả quyết. Lâu dần, ông ấp trưởng chẳng thèm nói. Chính con đường này đã đưa lão về quê nhà, nơi mỗi đêm lão ngủ những giấc ngủ vùi lãng, để sáng mai lại lên đường, để rồi trở về. Như một điệp khúc. Đời lão biến thành một cái đồng hồ đúng giờ giấc. Thế mà lão được yên tâm.

 

4.

Trời chiều vừa đổ thấp, trung sĩ Hòa nhìn qua ống kính nhiều lần, và thật kỹ. Hình ảnh ông già bỗng đâu lếch thếch trên con đường mòn vòng qua chân đồi. Trung sĩ Hòa liền gọi binh nhất Lý lại hỏi:

- Vùng dưới đó đã có yết cấm ?

- Dạ có.

Trung sĩ Hòa nghiêm nét mặt:

- Có, sao vẫn có người qua lại nơi này ?

- Đó là một ông già. Một ông già đã đi qua đây bao nhiêu năm rồi, như một thói quen, không ai để ý.

- Sao lại không để ý ? Chính cái thói quen đó là một tai họa cho chúng ta.

Binh nhất Lý thanh minh:

- Thượng sĩ Bình trước đây cũng không để ý, vì ông già này chỉ biết đi qua mà thôi.

Hình như hơi bực mình, trung sĩ Hòa hỏi vội:

- Ông là ai ?

- Dạ, tôi cũng không rõ, nhưng ông là một ông già lụ khụ, sáng đi chiều về, nhà ông ở bên thôn dân cư kia.

- Có bao giờ xuống gặp ông chưa ?

- Dạ chưa.

- Sao tin người vậy ?

- Em đâu biết. Tại cấp trên không xuống.

- Được…

 

Trung sĩ Hòa ra lệnh cho binh nhất Lý trang bị súng ống và xuống giữ ông ta lại để kiểm soát. Binh nhất Lý vâng lời. Chốc lát hai người đã đứng giữa con đường mòn.

Lão già Tân lưng hơi cong xuống vì chiếc gùi, lếch đếch đi, bỗng nghe một tiếng quát :

- Đứng lại.

 

Lão đảo mắt nhìn lên. Lão không thấy rõ dáng hình nào, nhưng lão biết đó là những người lính, vì mùi áo lính bay thơm nồng. Lão dừng lại, chống mạnh chiếc gậy xuống đất. Đôi mắt lão nhướng lên. Một khuôn mặt gầy, ốm, nhăn nheo, hai má hóp, đôi mắt sâu, môi khô và cái miệng há hốc ngạc nhiên chưa nói nên lời. Trung sĩ Hòa nhìn xuống áo quần lão. Một chiếc áo màu đà đã bệch, và chiếc quần vận ống cao ống thấp. Từ người lão toát ra một mùi già khét và khó chịu. Trung sĩ Hòa đưa tay níu chiếc gùi xuống và nhìn vào. Không có gì. Vài con cá diếc nằm ngữa nghiêng và một gói gạo đã bị rách đổ tràn ra. Lão già Tân ngơ ngác nhìn tò mò như muốn biết ai ở trước mặt. Trung sĩ Hòa hiểu ý, nói:

- Chúng tôi đồn trú tại đồi Chu Prài này. Ông nghe rõ không?

Lão già Tân gật đầu. Trung sĩ Hòa nói tiếp:

- Ông có biết con đường này cấm từ lâu không?

Lão già Tân lại nhướng mắt lên, rồi ngơ ngác:

- Tôi có nghe. Tôi có nghe. Nhưng điều đó có gì hệ trọng đâu?

- Cấm mà không hệ trọng à?

- Tôi đã đi ngang qua đây từ 60 năm nay, có bao giờ ai cấm tôi. Tôi chỉ biết con đường này dẫn về nhà tôi và cũng là ngõ tôi đi làm ăn. Tôi, con tôi, vợ tôi, đã đi qua đây…

Trung sĩ Hòa nghe lão già lý luận chợt khó chịu:

- Nhưng bây giờ con đường này đã cấm. Đây là vùng quân sự. Tôi lưu ý vì an ninh của ông. Ông nghe rõ?

Lão già Tân bỗng cười chua xót:

- Tôi nghe rõ, vì tôi đâu có điếc. Tôi già, nhưng tôi là một người. Chỉ tại đôi mắt tôi hơi mỏi mòn. Tại vợ tôi, con tôi…

- Sao lại tại vợ ông, con ông?

- Tại, chứ sao ! Tại là bởi nó tại. Tại vậy. Tôi đâu có điếc! Tôi biết an ninh lắm. Cái thân già này sống quá sức tưởng. Cho nên tại hết.

Binh nhất Lý nãy giờ nghe mẫu đối thoại lý lẽ kỳ cục của lão già Tân, sự nóng nảy của trung sĩ Hòa và bóng chiều thì sắp tắt, liền nói:

- Ông già này hình như say rượu trung sĩ à.

Lão già Tân bỗng quắc thước ra, khuôn mặt rắn lại:

- Tôi đâu có say, tôi tỉnh. Tôi đang đứng trước các ông lính. Có phải thế không? Tôi đang đứng trên vùng đất an ninh này. Có phải thế không? Tại sao lại bảo tôi say?

Binh nhất Lý nói lớn:

- Nếu ông không say, thì ông nghe chúng tôi bảo ông phải đi khỏi khu vực này, và từ nay không đi qua con đường này nữa. Nếu bất tuân, sẽ bị nghiêm trị, hay bị bắn không chừng.

Lão già Tân cười ròn:

- Không, tôi chỉ biết con đường này đưa tôi về nhà tôi. Chỉ con đường này, sao phải cấm tôi…

- Không, một con đường này! Ông hãy đi con đường trên kia.

- Tôi chưa bao giờ nghĩ tới.

- Con đường trên kia có tráng nhựa, rộng và an ninh.

- Nhưng tôi không thích.

- Ông sẽ thích !

- Tôi không thích. Tôi chọn con đường này, vì đó là con đường mà tôi đã đi qua 60 năm nay kể cả vợ tôi, con tôi…

- Vợ ông, con ông đâu? Trung sĩ Hòa hỏi.

- Vợ tôi, con tôi đã chết. Mồ mả còn ở cuối đường này…

- Chết ?

- Vợ tôi, con tôi đã chết. Đó là hậu quả của đất nước này. Đừng hỏi tôi. Cho tôi đi, và để tôi đi.

- Nhưng ngày mai, tôi cấm ông đi trên con đường này.

- Tôi không biết. Nhưng chắc tôi không làm gì hơn, mắt tôi đã lòa, và con đường là một sự quen thuộc của tâm khảm. Mỗi bước chân tôi rời được là nhờ tâm khảm của tôi dẫn dắt.

- Ông ăn nói kỳ lạ.

Lão già Tân không nghe, lếch thếch đi. Hai người lính thấy vậy, đứng xê ra. Bóng chiều như xuống hẳn. Hình ảnh lão già Tân xa dần. Hai người lính, không nói nên nửa lời, đứng một đôi trên con đường mòn, và nhìn lão già Tân.

 

5.

Thôn Mỹ vào một buổi sáng sương mù. Đám cây đứng yên mình bất động. Ít tiếng chó sủa từ trong xóm. Những con đường rẽ vắng teo. Mấy nhà tranh còn ngái ngủ. Trời lành lạnh…

 

Lão già Tân lách qua khe cửa, rồi khép cánh lại gài cẩn thận bằng một sợi dây thòng. Lão đứng tần ngần, sửa lại chiếc gùi trên lưng, một chốc, lão ra ngõ. Con đường mòn đã ở trước mặt, và lão bước đi./.

 

Ý Thức 4, ngày 15 tháng 11 năm 1970.

Trần Hữu Ngũ
Số lần đọc: 1535
Ngày đăng: 31.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nóc Trời Và Đáy Cát - Nguyễn Hiệp
Diễm Xưa - Trần Yên Hòa
Bài Ca Của Tuyết Băng - Kinh Dương Vương
Quãng đời lấm láp - Phạm Đình Trọng
Người Thầy Dạy Búp Bê - Phan Trang Hy
Thế Kỷ Nào - Đặng Kim Côn
Ngôi Nhà - Võ Tấn Khanh
Good-bye days - Vũ Lập Nhật
Mùa Nước Nổi - Nguyễn Minh Phúc
Ông Bầu - Nguyên Minh
Cùng một tác giả
Vòng Qua Chân Đồi (truyện ngắn)