Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.093
123.232.216
 
Sợi Tóc Mong Manh
Nguyên Minh

Sáng nay, như mọi lần tôi thức dậy sớm, tự pha cho mình một tách cà phê sữa, nhưng tôi bỏ cuộc đi dạo bộ trên con đường phố vắng người cùng xe cộ lúc trời còn lờ mờ, ánh điện đường chưa tắt. Tôi ngồi trên gác, nhìn ra cửa sổ, ngoài kia là bãi cỏ xanh mướt rộng thênh thang của vòng đai phi trường Tân Sơn Nhất, sương mù còn lãng đãng bao quanh. Tự nhiên thấy lòng mình buồn vô hạn. Tôi mở máy vi tính, để dĩa nhạc Vô Thường. Tiếng đàn guitar, từng tiếng một, thánh thót vang lên như từng mũi tên bắn vào tận trái tim. Trong âm thanh buồn tê tái ấy, quyện vào đó là những khuôn mặt của những người thân đã đi vào đời tôi. Cứ chập chờn, khi ẩn khi hiện. Người Cha. Bà Mẹ. Những thằng bạn. Đã chết. Hoặc còn sống thì xa cách nửa vòng trái đất. Rồi nụ cười. Rồi những giọt nước mắt của cô gái mười bảy tuổi xa xưa. Cũng như những bước đi nhẹ nhàng êm ái, tay người nắm lấy tay ta, đi cạnh nhau qua những con đường có hàng me xanh trong đêm Sài Gòn, trời mát dịu, lần gặp gỡ lại nhau, sau ba mươi năm cách biệt. Người con gái năm xưa và người đàn bà bây giờ. Có gì cách biệt? Có gì khác đâu? Một cuộc tình dang dở ngày xưa? Một cuộc hội ngộ bây giờ. Rồi người cũng lại ra đi, trở về mái nhà bên kia địa cầu. Bỏ lại những gì người đã làm lòng tôi ấm lên. Đốt lên một ngọn lửa rồi cháy hừng hực làm bùng dậy trong tôi bao nhiêu cảm xúc mà từ lâu tưởng đã chìm trong đống tro tàn. Đã 25 năm tôi gác bút, tưởng như không còn gì nữa để phải viết lên trang giấy, trải lòng mình vào chữ nghĩa văn chương, dù đời tôi biết bao nhiêu khổ đau, ê chề sau một cơn biến động lịch sử kinh hồn đã quăng tôi và bạn bè ra tứ phía.

 

Cám ơn “người tình muôn đời” ấy đã là một động cơ lớn thúc đẩy tôi phải cầm bút viết văn trở lại.

 

Những nhân vật trong truyện của tôi sau này đều là những người thân yêu. Người yêu cũ. Người vợ hiền. Cô bạn láng giềng ngây thơ ngày thơ ấu. Người Mẹ bao dung. Người cha khắc nghiệt. Những người bạn, cùng say mê văn chương. Thời thanh xuân chúng tôi cùng nhau làm một tạp chí văn học nghệ thuật mang tên Ý Thức. Tất cả những người thân yêu đó, bấy lâu tưởng đã hóa đá trong tâm hồn tôi. sau bao nhiêu năm tháng, một hôm bỗng rủ nhau trở lại thành người, đánh thức tôi, gợi lại những xúc cảm mới. Tôi nghĩ về họ. Tôi nghiệm ra  rằng, từ thuở ấu thời đến tuổi xế chiều, họ đã cho tôi biết bao nhiêu điều muốn nói. Tất cả những người thân yêu đó đã quyện vào tôi như nhập thành một. Tại sao tôi phải im lặng.

 

Phải chăng nói về những người thân đi qua đời tôi cũng có nghĩa là nói về mình. Ngược lại, viết về mình cũng có nghĩa là viết về họ. Không thể tách riêng ra tôi và họ.

 

Cũng như, người bạn tình, người bạn đời, người bạn hữu, tất cả những người phái nữ ấy có chung cùng một chữ bạn nhưng khác nhau chữ tình, chữ đời, chữ hữu. Cám ơn trời đã cho tôi cùng một lúc ba người đàn bà ấy. Ranh giới giữa bạn tình, bạn đời, bạn hữu ấy chỉ cách nhau một đường chỉ nhỏ như sợi tóc. Một sợi chỉ mong manh.

 

Sợi chỉ ấy, vợ tôi - người bạn đời - đã cảm nhận ra từ lâu. Sau khi mối tình của tôi và T. tan vỡ, nàng bỏ đi lấy chồng. Tôi thề rằng không bao giờ tôi lấy người tôi yêu. Hôn nhân đến với tôi như một cái duyên nợ. Tôi cưới vợ trong một tình cờ. Khi từ Sài gòn về Tuy Hòa để gặp một số nhà văn, tôi ghé thăm người cậu, em út của mẹ tôi. Nhìn thấy cô gái trước mặt, bên kia con hẻm nhỏ, cùng mấy cô bạn gái khác đang vui đùa. Trông nàng dễ thương. Nét ngây thơ còn hiện rõ trên khuôn mặt. Tôi nói với cậu tôi là tôi muốn lấy vợ. Và người đó là cô gái ấy. Đám cưới sau đó một tháng. Tôi chưa kịp nói một câu làm quen. Tôi đem vợ về sống ở một thị xã nhỏ. Một cô gái tuổi 18, ngây thơ và trong trắng. Tất cả những vui buồn, đau khổ cũng như hạnh phúc về T. để lại cho tôi, tôi đều tâm sự với nàng. Tôi còn đưa cả những lá thư tình cùng hình ảnh của T. Vợ tôi cảm động và khuyên tôi cứ nên cất giữ, để bây giờ, ba mươi năm sau, tôi gặp lại T. tôi đưa cho nàng xem lại những lá thư tình ướt át đó, những tấm ảnh vàng ố ấy đã hoen màu thời gian. Nàng cũng xúc động, đôi mắt của người đàn bà cũng rơm rớm nước mắt, những giọt nước từ lâu tưởng đã khô cạn.

 

Trước khi lấy chồng, vợ tôi chưa hề biết tình yêu là gì. Nhiều lần nàng tỉ tê hỏi tôi. Tôi trả lời nàng mà như nói thầm với mình: “Tình yêu buồn lắm, chỉ đem lại cho mình những khổ đau, dằn vặt, đôi khi chỉ mang lại một ít hạnh phúc, nhưng rồi như mây khói chợt đến rồi chợt tan”.

 

Bao nhiêu năm qua, chúng tôi sống bên nhau, cùng chia sẻ những đớn đau về vật chất cũng như tinh thần mà cuộc đời bể dâu, nhất là sau cơn biến động kinh hồn của lịch sử, năm 1975, đã làm tan nát cả những gì mà chúng tôi đã gầy dựng nên. Một nhà in. Một nhà xuất bản. Một tạp chí văn học Ý Thức. Một nhà phát hành sách Hàm Thụ. Tất cả cuốn trôi theo cơn bão tố. Trong những lúc trò chuyện, chúng tôi tránh nhắc tới những vết thương đó cũng như về những chuyện bực mình do người chung quanh gây ra. Chúng tôi chỉ kể cho nhau nghe kỷ niệm êm đềm đẹp đẽ xa xưa của người thân yêu để lại. Chúng tôi chung nhau vun đắp tương lai cho các con của mình, dù hôm nay phải còng lưng làm lụng vất vả như cuốc đất trồng cây, lam lũ dưới đồng ruộng.

 

Đôi lúc đời sống vợ chồng cũng có lúc làm tôi bực bội, giận dữ, nhưng tôi bỏ đi lang thang trong xóm làng một lúc rồi thôi. Vì tôi nghiệm ra rằng có những lúc bản thân mình chưa làm mình vừa lòng, không thỏa mãn được những gì mình mong ước, làm mình ray rứt thì làm sao buộc người khác phải hoàn toàn làm mình vui lòng. Có những lúc nàng giận hờn hoặc trách móc tôi, tôi nói cho nàng hay những điều tôi đã nghiệm ra đó. Nàng im lặng và sau đó nàng cười như xóa lỗi. Làm người không ai hoàn toàn được. Giữa cái xấu và cái đẹp chỉ cách nhau một ranh giới rất mơ hồ. Sống với nhau suốt đời, cái gì đẹp giữ lại còn cái xấu xóa đi. Thế thôi. Tôi thương vợ tôi nên tôi phải thương những người thân yêu của nàng. Ngược lại nàng cũng quí mến chân tình, thương yêu những người đã đi vào đời tôi. Cũng như tôi tôn trọng nàng. Nàng cũng tôn trọng lại tôi. Hạnh phúc vợ chồng của chúng tôi chỉ có thế mà thôi.

 

Ngày xưa, lúc tôi còn thơ ấu, tôi có một cô bạn láng giềng, mãi đến bây giờ dù tôi đã lên hàng ông nội ngoại, tóc đã bạc, lưng đã còng, nhưng tôi vẫn không thay đổi tình cảm trân trọng, quí mến về cô ấy, như thuở nào. Một tình bạn trong sáng.

 

Ngày đầu quen nhau, cô bé mặc chiếc áo đầm, đứng trước hiên nhà, tựa cằm lên khung cửa sổ nhìn vào ngơ ngác nhìn tôi đang cầm chiếc đàn mandolin gẩy từng tiếng nhạc Ngày Mùa. Cô bé nói giọng Bắc kỳ, nghe lạ tai, thánh thót như chim hót. Hỏi ra mới biết cô nàng là bạn láng giềng, vừa mới từ Bắc theo gia đình di cư vào Nam. Cô bé tên Khánh, nhỏ thua tôi một tuổi. Ngay từ đó, Khánh thường nghe lời tôi. Và ngược lại, tôi cũng thường làm theo lời khuyên của Khánh, khi tôi làm điều gì sai quấy.

 

Lớn lên, khi Khánh vừa ra dáng con gái, nhiều anh chàng theo đuổi Khánh, nàng đều kể cho tôi nghe. Và tôi cũng thế. Có vài bóng hồng làm tôi đôi chút xao xuyến, tôi cũng thổ lộ với Khánh. Ngày tôi gặp T. và yêu T. lúc ấy Khánh đã theo gia đình vào Sài Gòn, nên mỗi lần có dịp vào Sài gòn tôi mang theo cả ảnh T. cho Khánh xem và tâm sự với Khánh. Cô bạn gái ấy nhắc nhở tôi nên quan tâm chăm sóc người yêu vì từ lâu Khánh biết tánh tôi thường lơ đãng trong mọi lảnh vực ngoài văn chương. Cô bạn láng giềng thuở thiếu thời giờ đã thành cô thiếu nữ xinh đẹp, Khánh cùng tôi đi vào thương xá, nàng chọn hộ tôi một sợi dây chuyền bằng bạch kim để tôi mua về làm quà tặng người yêu. Tôi biết mãi đến giờ T. cũng không biết việc này. Khi mối tình của tôi và T. tan vỡ, Khánh trách  chỉ tại tôi vô tâm, sao không thể hiện tình yêu qua những cử chỉ âu yếm thường tình. T. đã lấy chồng, Khánh khuyên nếu lần sau tôi có yêu ai nữa thì đừng bao giờ lỗi hẹn, dù là một lời hứa dạo phố chẳng hạn. Tôi cười như đồng ý.

 

Còn chuyện tình của Khánh đã làm tôi đau lòng, đứt ruột. Mối tình từ thuở học trò do tôi gầy dựng, vun đắp lên, đẹp như một vầng trăng sáng, như ánh mặt trời rạng rỡ đầu ngày, nhưng rồi cũng tan đi, không nhẹ nhàng như mây khói mà cuồng cuộn cuốn theo cơn giông bão để lại những cảnh đổ nát tan hoang. Tôi giận Tân, tên bạn thân và cũng là người yêu của Khánh, đã tự hủy đời mình bằng một phát súng cùng bí ẩn của cái chết mang theo. Không cần hắn để lại di chúc nhờ tôi an ủi Khánh, tôi cũng san sẻ những khổ đau vì mất mát người thân yêu nhất của đời mình với Khánh. Những lần có dịp vào Sài Gòn tôi đều ở lại nhà Khánh đôi ba ngày, chúng tôi mặc sức mà hàn huyên.

 

Bấy giờ, chúng tôi đã đến tuổi ba mươi, nhưng trong những lần dạo chơi ở vườn bách thú, rủ nhau đi ăn nhà hàng, hoặc chui vào rạp chiếu bóng, vừa xem phim vừa ăn kem, chúng tôi vẫn tưởng mình còn là những đứa bé chơi đùa vô tư hồn nhiên. Những lúc đó, bao nhiêu những ray rức khổ đau trong lòng tôi về một mối tình tan vỡ của tôi và T. đều tan biến đi.

 

Sau đó, Khánh cũng đi lấy chồng, theo lời khuyên và phân tích tỉ mỉ của tôi. Sao ta không thành hôn với người mà ta không yêu. Còn gì nữa đâu, quả tim đã một lần tan nát. Lấy người yêu mình và chung sống với nhau, để rồi nảy sinh ra một thứ tình cảm mới: đó là nghĩa vợ chồng. Tôi cũng vậy. Lấy vợ xong, vào Sài gòn việc đầu tiên là tôi dẫn vợ đến thăm Khánh. Và Khánh xem nàng như một cô em gái thân thương.

 

Cơn lốc lịch sử đã cuốn gia đình Khánh qua bên kia nửa địa cầu. Chúng tôi biệt tăm từ đấy. Mỗi lần nhớ đến những ngày xưa thân ái tôi chỉ biết lật từng trang ảnh nhìn những tấm ảnh đã hoen ố về người bạn gái láng giềng xinh đẹp. Vợ tôi cũng bảo tôi tìm cách liên lạc với Khánh xem chị ấy sống như thế nào? Có hạnh phúc không?

 

Bước qua thế kỷ mới. Đầu năm 2000 tôi nhận được thư Khánh từ bên kia nửa địa cầu về thăm hỏi. Từ lâu Khánh vẫn còn nhớ đến người bạn xa xưa này, và cũng thường hỏi thăm tôi qua cô em gái cũng là bạn Khánh từ thuở nhỏ, cũng sang Mỹ cùng thời với Khánh. Tôi xếp mấy tờ thư lại. Những phút giây xúc động thấm vào tim tôi. Hình ảnh cô bạn láng giềng từ thuở còn thơ ấu ấy lại chập chờn trong tâm tưởng. Với tôi bao giờ Khánh cũng là cô bé 13 tuổi ngây thơ, hồn nhiên và tôi trong mắt cô ấy cũng chỉ là cậu bé vui tính. Dù giờ này chúng tôi tuổi đã gần sáu mươi và các cháu nội ngoại xấp xỉ với tuổi chúng tôi ngày mới quen nhau. Tuổi thơ của tôi là Khánh. Tôi quí trọng tuổi thơ mình. Vợ tôi cũng quí trọng tình bạn giữa tôi và Khánh. Nàng nói: “Không phải ai cũng có được tình bạn như thế.”  Sau đó, Khánh và tôi cũng nói chuyện qua điện thoại. Vẫn giọng nói Bắc kỳ thánh thót, âm điệu trầm bổng. Tự nhiên tôi muốn nghe Khánh hát, như ngày xưa Khánh đã hát cho tôi nghe vào những buổi chiều nhiều mây trắng lênh đênh trên trời xanh. Những lúc ấy tôi quên hết mọi ưu phiền mà mối tình của tôi và T. làm tôi ray rứt, khổ đau.

 

Qua thư từ tôi được biết Khánh sống hạnh phúc với chồng con. Tôi không còn thao thức sau khi tỉnh dậy thoát cơn mơ chập chờn hình ảnh Khánh đã thành người đàn bà già nua sống âm thầm bên cạnh người chồng lạnh lùng, còn người đàn bà đó đôi mắt lúc nào cũng buồn bã nhìn về một cõi xa xăm nào đó. Tôi vẫn thường nằm mơ thấy Khánh như thế. Lúc ấy tôi giận Tân vô cùng. Bao nhiêu câu hỏi đặt ra: “Tại sao mày chết.” Cái gì thúc đẩy hắn phải tự kết liễu đời mình bằng một phát súng vào đầu. Cái chết đầy bí ẩn đó bao nhiêu năm qua, đã hơn 40 năm nhưng ám ảnh theo suốt cuộc đời tôi.

 

Trong buổi ra mắt tập truyện Tưởng Chừng Đã Quên của tôi do Thư Ấn Quán xuất bản, tôi cùng bạn bè, có T. từ Mỹ về, vợ tôi ngồi bên cạnh, dù lúc ấy tôi đang bị cơn đau bao tử hành hạ, tôi cảm thấy chưa bao giờ mình được hạnh phúc như thế. Anh em Ý Thức, số còn lại bên nhà, nhất là Lữ Kiều có nhận xét là trong tất cả các truyện ngắn hầu hết nhân vật đều có mặt là những người nữ thân yêu của tôi như T., Lan, Khánh. Còn nam có Vô Thường, Trịnh Công Sơn, Ngy Hữu, Lữ Quỳnh, Đỗ Quang Em, Trần Hoài Thư, Lữ Kiều. Tôi còn sót, chưa viết về một người bạn thân thiết rất ảnh hưởng đến tôi. Phải, đã nhiều lần tôi suy nghĩ và viết về hắn nhưng có một cái gì đó bí ẩn cứ đè nặng tâm trí và cảm xúc của tôi làm tôi ngừng lại. Nhưng trước sau gì tôi cũng phải viết về hắn như để trả nợ. Đó là Tân, người bạn chí thân với tôi và cũng là người yêu của cô bạn láng giềng yêu quí của tôi.

 

Trong một lá thư Khánh gởi cho tôi sau khi đã nhận được tờ Ý Thức Bản Thảo số 2 có đăng truyện “Tiếng hát dưới trăng” mà nhân vật chính là Khánh. Nàng trách tôi thậm tệ. Sao tôi viết chi mà ác thế, khơi lại làm gì vết thương từ lâu tưởng đã lành lặn, nay đọc truyện của tôi làm vết thương trong lòng nàng chợt òa vỡ ra. Khánh phân trần là Tân chết không phải vì nàng mà vì một người con gái khác, người đó không ai xa lạ trong đám bạn bè thuở còn đi học với chúng tôi. Khánh nói tôi là bạn thân của Tân, biết chuyện đó mà giả vờ làm ngơ.

 

Thôi hãy cho những chuyện tình thuở học trò đẹp như một làn sương mai đi vào quá khứ và quên hẳn nó đi để mình còn sống hạnh phúc bên người chồng. Còn chuyện giữa nhân vật xưng tôi và Khánh, ngày ấy, sao lại có những cảnh tôi đến đón Khánh ở sở làm, đi ăn, dìu nhau đi ciné và ngồi chung một ghế. Trong truyện “Tiếng hát giữa đêm trăng”, tôi có nói một ý chính rất rõ ràng là khi ngồi chung một ghế, cầm cây kem đưa lên miệng mà tôi cứ tưởng rằng người con gái ngồi bên cạnh chỉ là một cô bé lên mười, người bạn láng giềng của tôi mà thôi. Tôi mất cô láng giềng cũng như tôi đã mất tuổi thơ hồn nhiên của mình. Một tình bạn vẫn mãi mãi trong sáng. Tôi biết Khánh biết điều đó, giờ tuổi đã già, đời sống quá bon chen ê chề quá hay sao mà mình lại đánh mất tình bạn ấy. Khánh yêu cầu tôi viết truyện không nên để tên thật và nơi chốn của nhân vật trong truyện. Khánh viện cớ là để tránh ngộ nhận của chồng con, anh em, bạn bè. Việc này tôi có lỗi, quên đi những phiền toái đó. Khánh khuyên tôi khi có gia đình rồi mà yêu một người có chồng như Khánh là không ổn. Tôi chưng hửng đến ngơ ngác. Giá như lúc này có Khánh ngồi đối diện, tôi vẫn xem nàng như cô bạn gái thuở mười ba mà la lên: Bộ bà điên rồi hay sao? Chỉ vì một truyện ngắn, mà đó chỉ là một hoài cảm về một tình bạn. Vì một lý do nào đó mà mình có thể phủ nhận những tình cảm trong sáng ấy.

 

Tôi có đưa bức thư đó cho vợ tôi đọc, nàng biết tôi đang bị tổn thương rất lớn. Người bạn gái thân của mình đến giờ này vẫn không nhận ra sợi chỉ mong manh, ranh giới giữa tình yêu, nghĩa vợ chồng và bằng hữu mà từ thuở nào đến tuổi đã xế chiều vẫn tồn tại trong tôi.

Còn tình yêu suốt đời tôi chỉ dành cho một người.

 

Bây giờ, dù sao tôi cũng cám ơn Khánh đã làm tôi chợt nhận ra vì sao Tân tự kết liễu cuộc đời thanh xuân của mình. Tôi tự hỏi: “Thuở ấy, chàng thanh niên 23 tuổi đời chưa nhận ra được sợi chỉ mong manh ấy trong tâm hồn mình, đến nỗi chàng đã lầm lẫn giữa tình yêu và tình bằng hữu. Chàng tưởng mình là kẻ phụ tình. Chàng căm thù nó đến mức phải giết hắn đi.”

 

Phải đã đến lúc tôi viết một truyện ngắn về hắn, xoay quanh ba nhân vật nữa là tôi, Khánh và Hoàng, như một món nợ phải trả, dù đã 40 năm trôi qua./.

 

Nguyên Minh
Số lần đọc: 2039
Ngày đăng: 10.11.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện cổ tích ông kể cháu nghe - Huỳnh Văn Úc
Người Thầy muôn đời - Thái Quang Hy
Vỡ Tổ - Đặng Kim Côn
Chuyện Về Một Ngôi Nhà. - Mang Viên Long
Tuần Lễ Một Đời Ngừơi - Trần Minh Nguyệt
Nỗi đau - Minh Hương
Phía Bên Kia Tồn Tại - Nguyễn Thanh Hiện
Lên Non Hái Trái - Nguyễn Lệ Uyên
Đồ quỷ! - Huỳnh Văn Úc
Vượt Ngục - Đặng Kim Côn