Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.188
123.217.727
 
Hàn Mặc Tử, lãng mạn hay tượng trưng?
Trần Văn Nam

Bài này xin được viết như một lần bước đọc lại thơ Hàn Mặc Tử, nghĩa là không phải như một nghiên cứu với hiểu biết thấu đáo. Vì sau khi hằng theo dõi các sách viết về thơ Hàn Mặc Tử và sau một số tài liệu về thi phái Tượng Trưng của văn học Pháp, người viết bài này có hai điều bâng khuâng sau đây: Một là chỉ có tác giả Thạch Trung Giả (trong cuốn "VĂN HỌC PHÂN TÍCH TOÀN THƯ") và Nguyễn Tấn Long - Phan Canh (trong "KHUYNH HƯỚNG THI CA TIỀN CHIẾN") mới sắp xếp Hàn Mặc Tử theo khuynh hướng Tượng Trưng, trước đó thì Hoài Thanh (trong "THI NHÂN VIỆT NAM") và Vũ Ngọc Phan (trong "NHÀ VĂN HIỆN ĐẠI") chỉ nói Hàn Mặc Tử có một phần thơ thuộc khuynh hướng kinh dị.

 

 

Ta nghĩ khuynh hướng kinh dị, thơ với đề tài về những điều ghê rợn, không hẳn thuộc về thi phái Tượng Trưng. Ví dụ những bóng ma Hời với xương người rợn trắng, rải rác trong thơ Chế Lan Viên, đó chỉ là do đề tài đặc biệt về nước Chàm điêu tàn, riêng của Chế Lan Viên mà thôi. Ta sẽ lần bước theo Thạch Trung Giả, Nguyễn Tấn Long - Phan Canh xét khuynh hướng Tượng Trưng của Hàn Mặc Tử.

 

Bâng khuâng thứ hai là chính về thi phái Tượng Trưng Pháp, tại sao từ những bài thơ mở đầu dễ hiểu, sát ý nghĩa trượng trưng như bài thơ "Hải Âu" (L'Albatros) hoặc bài "Những Con Chim Cú" (Les Hiboux) của Baudelaire, khuynh hướng Tượng Trưng lại có ý nghĩa thần bí với chủ trương Vạn Vật tương ứng tương tác. Thuyết chủ nghĩa tượng trưng (Le Symbolisme) do Jean Moréas đề ra trong báo Le Figaro ngày 18 tháng 9 năm 1886, tức 29 năm sau ngày Baudelaire sáng tác bài thơ "Correspondances". Bài thơ về Con Người giao ứng với sự vật này Moreéas gọi là sáng tác mở đầu cho chủ nghĩa Tượng Trưng.

 

 

Ảnh liệu về Hàn Mặc Tử, chụp tại Quy Hoà (Quy Nhơn)

 

Xin được lần bước tìm hiểu sự liên hệ giữa hai ý nghĩa tượng trưng này (Tượng Trưng như một Biểu Tượng Đại Diện và Tượng Trưng như một Giao Ứng Vạn Vật). Chợt nhớ chương trình lớp văn chương Đệ Nhị Trung Học (lớp 11 bây giờ), giáo trình giờ Pháp Văn giáo sư phụ trách chỉ trích giảng những bài thơ dễ hiểu của từ ngữ tượng trưng, từ đó cứ bị vướng mắc thơ tượng trưng của Baudelaire nói về những biểu tượng đại diện mà ai cũng dễ thông cảm (Như con chim hải âu bay lượn đẹp mắt trên bầu trời sẽ trở thành vụng về khi chẳng may rớt xuống một sàn tàu, vụng về vì chính đôi cánh quá lớn của nó, làm trò cười cho đám thủy thủ: Hình ảnh tượng trưng cho người quân tử với tâm hồn cao đẹp sẽ trở thành vụng về nơi chốn bon chen. Hoặc như hình ảnh của những con chim cú trầm lặng, mắt mở lớn ngó xuống phố thị hoàng hôn: tượng trưng cho các bậc hiền triết nhìn xuống cõi đời xôn xao danh lợi). Biểu tượng đại diện một ý nghĩa nào đó không riêng gì trong thơ Baudelaire, mà rất nhiều thi nhân khác khắp Đông Tây Kim Cổ vẫn làm như vậy. Phần trích giảng thi phái Tượng Trưng cho một lớp Trung Học Việt (lớp Đệ Nhị Ban Văn chương Sinh ngữ, năm 1958) chỉ đến đó, cái phần thần bí vạn vật tương ứng thì sách giáo khoa trung học gác qua một bên, trong khi đây mới chính là cốt tủy của chủ nghĩa Tượng Trưng thuộc văn học Pháp. Mãi đến tháng 3 năm 2004 khi đọc cuốn “Lí Luận Phê Bình Văn Học Phương Tây Thế Kỷ 20” của ông Phương Lựu (nhà xb, Văn Học, Hà Nội, năm 2001), người viết bài này mới đọc được một câu làm sáng rõ sự khác nhau giữa Tương Trưng và Chủ Nghĩa Tượng Trưng: “… quan hệ giữa người và người hoặc giữa người với sự vật có nhiều điều huyền bí không thể biểu hiện bằng ngôn ngữ, mà phải dùng những sự vật để tượng trưng” (trích trong bài “Chủ Nghĩa Trực Giác”, trang 200, sách đã dẫn). Vậy đã rõ: Tượng Trưng là lấy biểu tượng thay thế cho ý tưởng, nhà thơ có ý thức trong việc này, và có thể diễn tả điều ấy bằng ngôn ngữ quy ước ai cũng thâu nhận được. Còn Chủ Nghĩa Tượng Trưng là lấy biểu tượng thay thế cho trực giác, trực giác điều huyền diệu ấy nhà thơ cảm thấy nhưng không diễn tả bằng lời quen thuộc được, phải biểu thị bằng hình ảnh có khi rất lạ với thế gian.

 

Về chủ nghĩa lãng mạn trong thơ Hàn Mặc Tử, các sách văn học đều nhất trí nhận định Hàn Mặc Tử là một trong những nhà thơ lãng mạn tiền chiến, chẳng còn gì phân vân. Những bài thơ lãng mạn này đưa Hàn Mặc Tử vào đại chúng với những bài thơ tình buồn, một chút xa cách:"Đây Thôn Vỹ Dạ"; pha chút dục vọng thể xác: "Bẽn Lẽn"; tình nơi êm đềm thôn dã: "Tình Quê"; tình nơi xứ lạnh làm con người lắng nghe lòng mình: "Đà Lạt Trăng Mờ"; tình trong sáng vui tươi chưa báo hiệu một căn bệnh nghiệt ngã: "Mùa Xuân Chín"; tình mơ hồ dư ảnh một nàng xa xôi nào đó, pha trộn mỹ cảm cảnh vật huyền ảo với thần cảm trời cao: "Huyền Ảo".

 

Bài thơ "Đà Lạt Trăng Mờ" và "Huyền Ảo", trích trong tập thơ "ĐAU THƯƠNG" của Hàn Mặc Tử, tựa đề tập thơ cho biết thơ sáng tác trong lúc Hàn Mặc Tử đã hay mình có bệnh, nhưng tình cảm còn lãng mạn. Thơ như đang chuyện trò một người tình mơ hồ; không thấy rõ nhân dạng, và vòm trời tinh tú trên cao lặng im truyền cho mầu nhiệm thần cảm:

 

... Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều

Để nghe dưới đáy nước hồ reo

Để nghe tơ liễu rung trong gió

Và để xem trời giải nghĩa yêu.

 

Hàng cây lấp loáng đứng trong im

Cành lá im như đã lặng chìm

Hư thực làm sao phân biệt được

Sông Ngân Hà nổi giữa màn đêm

 

Cả trời say nhuộm một màu trăng

Và cả lòng tôi chẳng nói rằng

Không một tiếng gì nghe động chạm

Dẫu là tiếng vỡ của sao băng.

(Đà Lạt Trăng Mờ)

 

... Đang khi mầu nhiệm phủ ban đêm

Có thứ gì rơi giữa khoảng im

Rơi tự thượng tầng không khí xuống

Tiếng vang nhè nhẹ dội vào tim

 

Ánh trăng mỏng quá không che nổi

Những vẻ xanh xao của mặt hồ

Những nét buồn buồn tơ liễu rũ

Những lời năn nỉ của hư vô.

Mỗi ảnh mỗi hình thêm phiếu diễu

Nàng xa xôi quá có nghe chăng?

(Huyền Ảo)

 

Vòm trời tinh tú trong thơ Hàn Mặc Tử lúc này mơ mộng thuộc cõi bình yên dưới thế, bình yên trong tâm hồn, tưởng rằng bệnh không quá trầm trọng. Căn bệnh sau này càng lúc càng ám ảnh kinh dị qua thơ không thuộc về khuynh hướng lãng mạn nữa. Còn lúc này, có khác nào vòm tinh tú "Silent Night, Holy Night" của một linh mục nhạc sĩ người Áo hứng cảm sáng tác vào đêm Giáng Sinh trong cảnh rừng thông tuyết trắng, sao sáng đầy trời.

 

Rung cảm về mầu nhiệm từ cõi thiêng liêng. Cũng với cảnh im lặng dưới trời sao khi ngồi với người yêu trên đồi bao la, một nhà vật lý lại thấy cái mầu nhiệm khác: tinh tú là những lò phản ứng nguyên tử do khí Hydrogen tập trung, quay cuồng vào trung điểm, làm thành những tụ điểm quá nóng mà phát sinh phản ứng hạt nhân giống như nguyên tắc tạo ra bom khinh khí:

 

Lấp lánh, lấp lánh, tinh tú xa xôi kia

Ta không kinh ngạc ngươi là gì

Nhờ hiểu về quang phổ

Ta biết ngươi là khí Hydrogen

 

(Twinkle, twinkle, little star

I don't wonder what you are

For by spectroscopic ken

I know that you are Hydrogen

(Ian D. Bush)

 

Richard Feynman, cố giáo sư vật lý giải Nobel thuộc Viện Caltech (Pasadena, California) đã kể chuyện ấy, chuyện nhà khoa học với bạn gái một đêm sao, lần đầu tiên tiết lộ mầu nhiệm vật lý đó - trong cuốn sách về sáu bài thuyết giảng, dễ hiểu cho đại chúng. Và cố giáo sư đã nói sao các thi sĩ ngày nay không viết về cái đẹp vật lý kia mà lại đi chê trách khoa học làm mất vẻ thẩm mỹ của bầu trời sao đêm. (Richard Feynman, trong "Six Easy Pieces", từ trang 59 đến 61). Ta nghĩ đi tìm sự thật huyền ảo vật lý ấy vẫn là ý hướng siêu hình, ý hướng khám phá bí mật Tạo Hóa. Và tìm thấy sự thật phát sinh tinh tú chưa phải là hết chuyện về vũ trụ vô cùng tận, càng phát giác càng thêm vô bờ.

 

Bây giờ ta trở lại vòm trời tinh tú của Hàn Mặc Tử khi căn bệnh đã đến hồi trầm trọng, cái chết gần kề. Hàn Mặc Tử thoát hồn bay vào thinh không, một vòm trời vừa rùng rùng nổi gió vừa muôn tầng tinh khí lạnh. Hàn Mặc Tử cảm thấy "buồn thảm và lạnh lẽo vô cùng. Thật là lời của người nằm thiêm thiếp mơ màng trong những giờ hấp hối" (Vũ Ngọc Phan đã viết như vậy). Cảm thấy sảng sốt lạc lõng vì Hàn Mặc Tử không muốn đi vào cõi đó:

 

… Vì không giới, nơi trầm hương vắng lặng

Nên hồn bay vùn vụt tới trăng sao

Và vướng phải muôn vàn tinh khí lạnh

Hồn mê man bất tỉnh một hồi lâu.

… Hồn cảm thấy bùi ngùi như rớm lệ

Thôi hồn ơi! Phiêu lạc đến bao giờ!

(Hồn Lìa Khỏi Xác)

 

Hàn Mặc Tử nắm níu hồi sinh, ở lại trần thế, nên vòm trời tinh tú kia chưa phải là cõi chín tầng trân châu như khi có Đức Tin chốn Thiên Đàng. Khi đã ớn lạnh trong giây phút thần cảm, vòm trời trăng sao thật là huyền diệu trong thơ Hàn Mặc Tử:

 

... Maria!  Linh hồn tôi ớn lạnh

Run như run thần tử thấy long nhan

Run như run hơi thở chạm tơ vàng

… Tôi ưa nhìn Bắc Đẩu rạng bình minh

Chiếu cùng hết khắp ba ngàn thế giới

… Hỡi Sứ Thần Thiên Chúa Gabriel

Khi người xuống truyền tin cho Thánh Nữ

Người có nghe xôn xao muôn tinh tú

Người có nghe náo động cả muôn trời...

(Ave Maria)

 

Thơ Hàn Mặc Tử về ánh trăng ảnh hưởng có tính chất hành xác cho người bị bệnh cùi, hoặc thơ về lúc mê man hấp hối; hoặc thơ về cõi trời của Đức Tin, đó chỉ là thơ với đề tài đặc biệt của Hàn Mặc Tử, chưa thấy dấu vết gì của thi phái Tượng Trưng. Thi phái Tượng Trưng chủ trương thuyết Giao Ứng do Jean Moréas triển khai khởi từ bài thơ "Correspondances" của Baudelaire: "Thế giới là tổng thể những biểu tượng, nhưng biểu tượng không còn là hình ảnh tượng trưng thay thế cho một ý tưởng trừu tượng. Biểu tượng là cái gì được nhìn thấy bởi con người, nhưng chính con người đó cũng không phải là trung tâm, mà là con người cũng bị nhìn thấy bởi sự vật". (Le Monde est un ensemble de symboles, mais symbole ne signifie plus image substituée à une idée abstraite. Le symbole est cela même qui est vu par l'homme, mais vu par un homme qui ne se prend plus pour un centre, vu par un homme qui se sent regardé par les choses).

 

Ta theo sát lời định nghĩa trên về Chủ Nghĩa Tượng Trưng (le symbolisme), về giao ứng giữa con người và tạo vật, ghi trong "BÁCH KHOA ĐẠI TỪ ĐIỂN LAROUSSE’’ của Pháp (Grand Larousse Encyclopédique, ấn hành năm 1964, cuốn 10, trang 103-104) để lần bước đọc lại bài thơ Hàn Mặc Tử, xem có bài thơ nào hoặc câu thơ nào thuộc về thi phái Tượng Trưng như Thạch Trung Giả và Nguyễn Tấn Long - Phan Canh đã hé thấy… Có phải do ánh trăng ảnh hưởng đến bệnh phong cùi, nếu vậy thì các câu thơ sau đây của Hàn Mặc Tử chính là sự giao ứng. Nó quá ghê rợn nên sự tương tác này ai cũng thấy là do bệnh hoạn, dù trước đây khi đọc thơ Hàn Mặc Tử ta chưa biết tới thuyết giao ứng:

 

...Gió rít từng cao trăng ngã ngửa

Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô

Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy

Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra.

(Say Trăng)

 

Bài thơ "Cô Liêu" của Hàn Mặc tử do tác giả Thạch Trung Giả trích dẫn, quy định thuộc khuynh hướng Tượng Trưng (trong "VĂN HỌC PHÂN TÍCH TOÀN THƯ"). Quả là có sự tương ứng giữa con người và tạo vật, tương tác qua lại: tiếng rú của con người xô giạt hàng vi lô; cái đau của tâm hồn rung tầng không khí; vũng cô liêu tương tác qua lại với tâm tư hiu quạnh:

 

...Tiếng rú hồn tôi xô vỡ sóng

Rung tầng không khí, bạt vi lô

… Chao ôi!  Ghê quá trong tư tưởng

Một vũng cô liêu cũ vạn đời!

 

Nhưng Hàn Mặc Tử có ý thức mình làm thơ theo lối Tượng Trưng hay không? Chưa thấy bài viết nào của Hàn Mặc Tử trực tiếp xác nhận. Qua vài bài viết về nghệ thuật và qua vài câu thơ của Hàn Mặc Tử, ta thấy có những yếu tố gần với “Chủ Nghĩa Tượng Trưng”:   Hàn Mặc Tử thấy chiêm bao không phải điều vu vơ; nước đem lại cảm giác sợ hải; tạo vật có âm điệu, chẳng hạn ánh sáng nghe có tiếng xôn xao; vũng tĩnh lặng biểu hiện tính thời gian…

 

Chủ nghĩa Tượng Trưng của văn học Pháp đã tuyên ngôn vào năm 1886 trên báo Le Figaro và Hàn Mặc tử là một thanh niên tân học thuộc thế hệ Tiền Chiến ở Việt Nam, tức thế hệ 1932- 1945, nên chắc chắn Hàn Mặc Tử đã biết các chủ nghĩa văn chương của Pháp. Qua những lời Hàn Mặc Tử viết về nhà thơ Bích Khê, ta thấy phảng phất thuyết Giao Ứng, mà cũng có thể chỉ là ý kiến tương đồng của Hàn Mặc tử: "Thi sĩ Bích Khê là người có đôi mắt rất mơ, rất mộng, rất ảo, nhìn vào thực tế thì thực tế sẽ thành chiêm bao, nhìn vào chiêm bao lại thấy xô sang địa hạt huyền diệu" (trong cuốn "Khuynh Hướng Thi Ca Tiền Chiến" của Nguyễn Tấn Long và Phan Canh, Sài Gòn 1969, trang 451).

 

Theo định nghĩa trong cuốn Đại Từ Điển kể trên: Biểu tượng không còn là hình ảnh tượng trưng thay thế cho một ý tưởng trừu tượng. (Symbole ne signifie plus image substituée à une idée abstraite). Vì vậy những biểu tượng có ý nghĩa tượng trưng dễ hiểu ở những bài thơ "Chim Hải Âu" và "Những Con Chim Cú" của Baudelaire như xa cách với chủ nghĩa Tượng Trưng tuyên ngôn gần 30 năm sau các bài thơ đó. Jean Moréas triển khai chủ nghĩa thi phái từ bài thơ "Giao Ứng" của Baudelaire. Nhà biên khảo Thạch Trung Giả nhận định: "Bài Correspondances nói về lẽ vạn vật tương ứng của Baudelaire có thể coi là tuyên ngôn của thi phái Tượng Trưng... Tượng Trưng chủ nghĩa là tiếng sấm báo sinh Thần Bí Chủ Nghĩa". (trích trong cuốn “Văn Học Phân Tích Toàn Thư”, trang 645, Lá Bối xb, Sài Gòn, năm 1973).

 

Cũng vậy, những bài thơ ta thường gọi là siêu thực của Đinh Hùng là do đề tài Siêu Thực, không phải chịu ảnh hưởng từ chủ nghĩa Siêu Thực (Surréaslisme) của văn chương Pháp.  "Những nhà siêu thực hứng thú với giấc mơ và tiềm thức. Trong văn chương, chủ nghĩa Siêu Thực thường được ghi dấu như những tiếng gọi hướng về cảm giác và liều lĩnh với cách sắp xếp bất hợp về chi tiết". (Surrealists were interested in dreams and the subsconsconcious. In literature, surrealism is often marked by sensory appeals and by incongurous, daring arrangement of details". (Trích trong phần giải thích từ ngữ khó của cuốn "Adventures in World Literature", xuất bản năm 1970, Hoa Kỳ).

 

Phải là liều lĩnh trong hành văn và bố cục mới thuộc về chủ nghĩa Siêu Thực, không chỉ do đề tài Siêu Thực hay kinh dị. Có chăng là ở thơ Đinh Hùng thỉnh thoảng xuất hiện sự đột ngột hứng cảm vô thức có tính chất "Mê Hồn Ca" (Như ở bài thơ "Gửi Hương Hồn Thạch Lam": trong lời lẽ kể lại kỷ niệm thông thường với người bạn hiền thì đột ngột có câu thơ vọng thanh rùng rợn từ cõi âm. Hoặc thấy ở bài thơ "Khi Mới Lớn": trong lời lẽ kể lại tuổi học trò dạo chơi khi trốn học nơi vườn Bách Thảo thì đột ngột hứng cảm "Mê Hồn Ca" về tiếng gọi dục vọng của hương thơm da thịt đàn bà). Theo chú giải đã kể trên, tiếng gọi hướng về cảm giác thể hiện một phần thuộc chủ nghĩa Siêu Thực. Thơ Hàn Mặc Tử cũng rải rác vài câu mời gọi cảm giác:

 

...Ống quần vo xắn lên đầu gối

Da thịt, trời ơi! Trắng rợn mình.

(Nụ Cười)

 

Chỉ sáng tác vài câu thơ đột ngột có vẻ siêu thực, hoặc vài câu giao ứng có vẻ Tượng Trưng, thì thiển nghĩ thật ít ỏi để được coi như nhà thơ Siêu Thực hay nhà thơ Tượng Trưng. Cho đến nay thì đa số độc giả như đều đồng ý xác định: Hàn Mặc tử là nhà thơ lãng mạn và nhà thơ của Đức Tin Tôn Giáo./.

 

Walnut, California, bổ túc bài viết cũ, tháng 10 năm 2010

Trần Văn Nam
Số lần đọc: 8224
Ngày đăng: 11.11.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Con tim và lý trí của thi sĩ Xuân Diệu: giai đoạn 1954 – 1958 (phần 2) - Lại Nguyên Ân
Phê bình văn học - Tứ bề thọ địch - Đỗ Ngọc Thạch
Con tim và lý trí của thi sĩ Xuân Diệu: giai đoạn 1954-1958 (phần 1) - Lại Nguyên Ân
Thơ Như Con Sông Đào, Tùy-Bút Như Con Sông Thiên Nhiên - Trần Văn Nam
Mối quan hệ của Thông diễn học hiện đại với văn học - Ngô Phương Quốc
Xuân Sách Và Thơ Chân Dung Nhà Văn (Bài 2) - Đỗ Ngọc Thạch
Về Một Thuật Ngữ Thuộc Văn Hoá Học - Ngô Phương Quốc
Thơ Như Đường Gươm Múa Lượn, Đường Gươm Không Gươm, Và Đường Gươm Tuyệt Kỹ - Trần Văn Nam
Sự Đồng-Điệu Và Đột-Ngột Trong Thơ Đinh Hùng - Trần Văn Nam
Allen Ginsberg, Hồn Thơ Biển Cả - Hoàng Hưng
Cùng một tác giả
Bạt (điểm sách)