Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.178
123.222.708
 
Khẩu Trang
Vũ Lập Nhật

Tôi nhìn cô. Ngày nào tôi cũng nhìn cô. Mỗi ngày ít nhất là hai lần.

Sự thật, tôi không biết cô là ai. Tôi cứ nhìn.

 

Xanh dương

 

Hôm kia, 2/3 khuôn mặt của cô là màu xanh dương nhạt. Giống với màu của nước.

Tôi nhớ đến hôm nọ, đã thấy mười khối não trên tay mình. Mười khối não đến từ sự nhão nhoét của hai bàn tay đã ngâm trong mảng màu xanh dương ấy quá lâu. Sự thể thì nước trong phòng tắm của nhà tôi màu trắng, không phải màu xanh. Đôi lúc, tôi muốn gọi nước là màu trắng. Việc này ngỡ như đơn giản nhưng cuối cùng tôi vẫn không làm được. Khi nghĩ đến vật thể đó, não trạng của tôi chưa kịp định hình chữ “nước” thì màu xanh dương đó đã đến trước.

Tôi vẫn chưa thể gọi nước là màu trắng. Có lẽ vì đại dương ngoài kia quá lớn.

Nước vốn không phải màu xanh. Và nó cũng không phải là màu trắng.

Chỉ có phòng tắm nhà tôi là trắng.

Gạch trắng. Tường trắng. Sơn trắng. Lavabo trắng. Bồn cầu trắng. Gương trắng.

Đôi bàn chân lấm lem bùn đất của tôi vấy bẩn, in những đốm đen li ti trên nền gạch trắng.

Tôi cởi áo. Dựa vào bức tường trắng thở dài. Bức tường thẩm thấu những phức cảm trong tôi.

Nước tung tóe. Màu sơn trên cao ẩm nước trắng.

Tôi hì hục rũ bỏ bụi đường ở lavabo trắng.

Mặc nhiên để nỗi buồn trong cơ thể trôi đến bồn cầu trắng.

Nhìn vào gương trắng, tôi tự hỏi: đã thật sự rũ bỏ được bụi đường và nỗi buồn trong cơ thể?

 

Cuối cùng, tôi không gọi nước là màu trắng một lần nào. Nếu tôi gọi nó là màu trắng, tôi cũng sẽ chẳng khác với những người vì đại dương màu xanh mà gọi nước màu xanh. Đương nhiên, khi gọi nước là màu xanh, tôi vẫn giống họ.

Nước không màu, hay nó màu trong suốt. Tôi biết thế. Nếu tôi gọi nước là màu trong suốt, tôi vừa đúng lại vừa khác với số đông. Tuy vậy, trong tầng ý thức nào đó của tôi vẫn không thể chấp nhận được sự thật ấy. Cái sự thật rằng nước không thể làm chủ màu sắc của nó, phó mặc cho xung quanh biến chuyển bản thân. Và như thế, nước mất đi sự tự do của mình. Nhưng tôi nghĩ, nước có bao giờ được tự do? Nó luôn cần một cái hố để mọi người biết đến sự tồn tại của mình. Hồ, sông là những cái hố nhỏ. Và cả biển, cả đại dương cũng chỉ là những cái hố lớn. Nếu không có những cái hố này, nếu mặt đất phẳng lì, nước sẽ chạm vào đất, biến thành đất. Người ta sẽ không thấy nước nữa. Chỉ còn lại mặt đất nhão nhoét. Mười khối não đó vẫn còn nhão nhoét trong tay tôi dù toàn thân người đã được lau khô ráo.

Não trên từng ngón tay của tôi có nhiều nếp nhăn, xoắn xít, vây cuộn từng thớ thịt.

Lúc nhỏ, mỗi lần nhìn hai bàn tay nhăn nheo vì tắm quá lâu, tôi chỉ nghĩ rằng đây là bàn tay của người già. Chỉ trong một tích tắc, tay tôi đã già đi. Một khuôn mặt non trẻ nhưng lại có bàn tay của người già. Lần đầu tiên sợ hãi, tôi đưa tay cho mẹ xem. Có ai vì tắm mà già đi không? Không, con đừng lo. Chốc nữa, tay con sẽ trẻ lại.

 

Có ai vì tắm mà già đi không?

Bây giờ tôi đã nhận ra đây không phải là điều bất khả dĩ.

 

Người ta chỉ tắm khi nào cảm thấy người mình thật nhơ nhuốc, những vết ố đang hoen gỉ nỗi buồn trên nhiều nhiều phần da thịt. Tắm để thanh tẩy bản thể, tìm lại sự tươi trẻ. Và khi không tìm được sự tươi trẻ, nỗi buồn cứ nép chặt vào da thịt cào cấu sau mỗi lần thanh tẩy, người ta nhận thấy mình đã già. Kể cả khi nghĩ rằng mình đã tìm lại được tuổi xuân, con người vẫn luôn già đi hàng giờ, hàng giờ. Cảm giác tươi mới trên cơ thể sau mỗi lần thanh tẩy không thể cứu vãn được sự già đi của nó trong khoảng cách vài giờ đồng hồ giữa hai lần tắm.    

Cứ như thế, con người ta già đi sau mỗi lần tắm lúc nào không hay.

 

Cơ thể tôi luồn lách qua một hình tròn, hai hình ống trụ. Ngày nào nó cũng phải khổ sở luồn qua đó. Nhưng đấy chỉ mới là phần trên. Phần dưới của nó lại phải tiếp tục luồn qua hai hình ống trụ.

Vào một lần nào đó, trước và sau khi tắm, tôi vô tình nhận thấy rằng khi cởi đồ ra, tôi đã luôn cởi quần trước, áo sau. Khi mặc đồ vào thì ngược lại. Tôi tự hỏi những người khác thì như thế nào? Sự trái ngược trình tự của quần và áo khi mặc vào, cởi ra có hàm chứa một ý nghĩa tâm thức nào trong con người tôi không?

Lẽ đương nhiên, đó chỉ là những thắc mắc vu vơ của tôi. Tôi tự hỏi và ngay lúc đó chưa dành đến một giây để suy nghĩ câu trả lời. Bây giờ, tôi cũng không nhớ vì lẽ gì lần tắm lúc ấy, câu hỏi đó lại thành hình.

 

Quần áo chỉnh tề.

Tôi xòe rộng hai bàn tay để ngay tầm mắt nhìn. Mười khối não vẫn còn nguyên trên đó.

Bây giờ, khi nhìn mười bàn tay nhăn nheo này, tôi không còn nghĩ đó là tay của người già nữa. Tôi bắt đầu nhìn ra nó giống một khối não nhỏ từ lúc ăn não heo. Mẹ cho tôi ăn vào dịp tôi chuẩn bị thi đại học vì lí do “ăn gì bổ nấy, ăn cho bổ não, thông minh, sáng suốt hơn”. Cuối cùng, tôi đã thi đậu đại học. Tôi không biết mình có thật sự thông minh, sáng suốt hơn khi ăn nhiều não heo như vậy không? Tôi chỉ biết một điều, mỗi ngày trôi qua, tôi lại có cảm giác não trong đầu tôi mỗi ngày một tăng khối lượng vì phải chất chứa quá nhiều điều nghĩ ngợi. Biết đâu có khi kí ức từ bộ não của những chú heo kia đã thật sự thâm nhập vào luồng suy nghĩ của não tôi.

Não trong đầu tôi nặng quá!

Cứ sau mỗi lần tắm nó lại một nặng thêm. Vì vậy, nó phải trút bớt trọng lượng của mình cho mười đầu ngón tay.

A! Thì ra não của tôi có hình dạng như vậy. Nhăn nheo như da của một người già.

Tôi khoái trá đưa não vào trong miệng cắn.

Tôi ăn não của mình mỗi ngày.

Tôi không ăn não heo nữa.

Tôi đã quá no khi ăn não của mình.

 

 Sau khi chấm dứt khẩu phần thức ăn não, tôi lại bước vào phòng tắm trắng, nhìn chiếc gương trắng và chải lại mái tóc rối bù mà lúc vừa tắm xong vội mặc áo vào trước, chưa kịp làm cho nó ngay ngắn.

Khuôn mặt tôi lộ diện dần sau lớp màn tóc. 

“Khuôn mặt con nhìn lúc nào cũng buồn. Chẳng khi nào thấy mặt con tươi tỉnh hơn được một chút. Có lẽ vì vậy mà nó đem lại sự xui xẻo cho con quá nhiều”, mẹ tôi đã nói như thế khi cùng ăn cơm với tôi, lúc đó, tôi đang ăn não heo.

 

Giờ đây, qua tấm gương, tôi chỉ chú ý đúng 1/3 khuôn mặt của mình. Tức là phần từ trán đến dưới hai mắt. Có lẽ cái khuôn mặt mà mẹ tôi nói đến, chủ yếu xuất phát từ khoảng 1/3 này. Đôi mắt của tôi nhìn có vẻ gì đó bần thần giống như mắt của một người đang buồn bã tìm kiếm một điều nào đó vừa đánh mất trong giấc mơ khi mới thức dậy. Cho dù khoảng 2/3 dưới, cái miệng tôi có toét ra hết cỡ thì nhìn toàn vẹn 3/3 vẫn thấy đó không phải là khuôn mặt của một người đang cười. Dường như, đó là vì người ta khó tìm lại được thứ đã đánh mất trong giấc mơ.

Tôi lại nhớ đến 1/3 khuôn mặt của cô gái đi chung tuyến xe bus cả lượt đi và về với tôi mỗi ngày. Tôi giá mà mẹ thấy được 1/3 khuôn mặt của cô gái đó. Vì nếu thấy 1/3 khuôn mặt ấy, có lẽ, mẹ đã không tủi hờn vì khuôn mặt u ám của con gái mình.

Tuy chỉ thấy được 1/3, tôi vẫn cảm nhận rất rõ, nếu thấy hết cả khuôn mặt của cô, đó sẽ là một khuôn mặt ảo não hơn tôi rất nhiều. Mái tóc cô để dài, lòa xòa che gần hết cả phần trán. Một vài cọng đã bắt đầu lấn sang phần mắt. Tôi không biết đó là vì cô chưa kịp cắt ngắn hay vốn dĩ cô thích tóc mái dài ủ rũ như vậy. Nếu như không tính phần tóc, khoảng khuôn mặt cô mà tôi nhìn được chỉ có 1/6. Tôi chỉ thấy đúng mỗi đôi mắt của cô. Đó là đôi mắt của một người muốn mãi mãi chìm trong giấc mơ để tìm lại những thứ mình đã đánh mất. Đôi mắt đó buồn vì chối từ sự tỉnh táo, sự mở ra toang hoác của hai mí mắt. Như vậy, cô hơn tôi cả một cấp bậc.

 

Tôi cứ nhìn cô và bắt đầu tưởng tượng ra câu chuyện trong đầu mình: tôi sẽ chào hỏi cô khi chuyến xe bus này đến trạm cuối, tôi sẽ bảo cô cởi bỏ khẩu trang, cô sẽ chấp nhận (tôi không biết cô có vui vẻ khi làm điều đó hay không vì chỉ thấy được 1/6 khuôn mặt của cô), lớp khẩu trang được cởi bỏ, ngay lập tức tôi yêu cô, tôi không biết rõ tôi có yêu cô thật lòng hay không, điều tôi muốn làm nhất sau khi yêu cô là dẫn cô về nhà để gặp mẹ tôi, tôi tự hào chỉ vào khuôn mặt của cô mà nói, “đây là người con yêu, mẹ thấy không, khuôn mặt của cô ấy còn buồn hơn con nữa nhưng cô ấy vẫn rất đẹp, và con vẫn có thể yêu một người có khuôn mặt lúc nào cũng muộn phiền đấy thôi”, mẹ tôi sẽ gật đầu mỉm cười hài lòng, từ đó, bà sẽ không trách móc tôi vì khuôn mặt nữa bởi lẽ khi mang khuôn mặt sầu thảm vẫn có thể được một ai đó yêu tha thiết, tình yêu của tôi dành cho cô ấy là một minh chứng, vì vậy, sau này cũng sẽ có một người nào đó yêu lại khuôn mặt của tôi.

Câu chuyện tưởng tượng trong đầu tôi chấm dứt ở đó với một kết thúc có hậu. Mẹ tôi tỏ ra khá sốt ruột khi đến giờ này vẫn chưa ai yêu tôi dù tôi đã yêu đơn phương rất nhiều người và thường hay than thở với bà về tình yêu. Bà quy hết tất cả chuyện bất thành là do khuôn mặt của tôi. Tôi nghĩ, trong câu chuyện tưởng tượng đó, tôi yêu bản thân mình hơn là yêu cô. Tôi chỉ muốn lấy cô như một hình nhân thế mạng cho những rắc rối của tôi.

 

Thân hình cô lắc lư theo chiếc xe. Càng ra ngoại thành, đường đi càng gập ghềnh, xe càng lắc lư, đôi lúc là dừng lại đột ngột.

Vẫn còn vài chiếc ghế trống trên xe nhưng cô không ngồi. Lúc nào cô cũng đứng dù còn ghế trống hay không. Ngay cả khi người soát vé xe yêu cầu cô ngồi, cô chỉ lắc đầu. Họ yêu cầu cô lần thứ hai, cô chỉ đơn giản bảo rằng: “Trạm sau, chắc chắn sẽ có người già. Em cứ đứng sẵn vậy nhường chỗ cho họ. Em cũng muốn đứng để tranh thủ tập thể dục cho khỏe người nữa” (khi nói như vậy, cô vẫn không gỡ bỏ khẩu trang ra).

Ban đầu, không một người nhân viên nào quen với việc ghế còn trống mà có người đứng. Sau một tuần, họ mặc nhiên coi đó là điều bình thường.

Cô luôn đứng ngay góc cột ở cửa sau xe. Ánh mắt cô đăm đắm nhìn ra khung cảnh phía ngoài. Nó cho tôi một cảm giác khá lạ lùng. Tôi luôn có cảm tưởng như cô sắp ra khỏi xe ở trạm kế tiếp.

Trạm đầu tiên đỗ, cô không bước ra khỏi xe. Ánh mắt cô chăm chú nhìn con đường đang trôi ngang.

Trạm thứ hai đỗ, cô vẫn không bước ra khỏi xe. Con đường vẫn trôi ngang trong mắt cô.

Dường như, trạm nào cô cũng muốn dừng lại mà dường như không trạm nào khiến cô thật sự muốn dừng lại. Hay là vì cô không thể dừng lại bất cứ trạm nào cho dù trong lòng có mong muốn?

Trông cô cứ như một người mộng du đang lang thang vô định trên những con đường trong giấc mơ của mình. Hết con đường này đến con đường kia.

 

Lẽ dĩ nhiên, tất cả những suy nghĩ trên chỉ là huyễn tưởng của tôi trong khoảng thời gian rảnh rỗi nhìn ngắm cô trên xe bus.

Ngay từ đầu, tôi đã biết chắc chắn rằng cô cũng sẽ dừng lại ở trạm cuối giống như tôi. Cô mặc bộ quân phục màu xanh lá. Cô đang trải qua kì học quân sự giống như tôi.

  

Tôi luôn thích ngồi vị trí ở cửa sau, gần bên cạnh cửa sổ khi đi xe bus. Khoảng thời gian khi bắt đầu đi xe bus, tôi thay đổi chỗ ngồi thường xuyên. Cho đến khi phát hiện vị trí lí tưởng này, tôi đã luôn ngồi ở đó. Nó lí tưởng với tôi vì ngồi ở đây, tôi vừa có thể ngắm được khuôn mặt, phản ứng của những người lên xuống xe bus lại vừa có thể nhìn khung cảnh qua cửa sổ. Tất nhiên, đối tượng nhìn ngắm đầu tiên vẫn quan trọng hơn và là nguyên nhân chính yếu của tôi khi thích ngồi ở đây. Bởi lẽ, ngắm cảnh thì ngồi bên cửa sổ bất cứ vị trí nào cũng có thể thấy được nhưng nhìn cận cảnh nhất khuôn mặt của những người lên xuống xe bus thì chỉ có vị trí này.

Vì sở thích hay thói quen đó, tôi vô tình nhìn ngắm cô mỗi ngày ít nhất hai lần. Và rồi việc tôi nhìn ngắm cô đã trở thành một thói quen hay sở thích lúc nào không hay.

 

Xe dừng lại ở bến.

Xuống bến xe, nếu ai có đeo khẩu trang, họ đều gỡ bỏ nó ra.

Khẩu trang màu xanh dương nhạt vẫn che 2/3, à không, 4/6 khuôn mặt của cô.

Cô không đi xe ôm. Cô đi bộ.

Tôi thích đi bộ để vừa thong thả ngắm cảnh đường, vừa tranh thủ tập thể dục.

Tôi hiểu cảm giác sức khỏe ốm yếu mà không có thời gian tập thể dục. Nhưng tôi không tranh thủ đến mức luôn đứng trên xe bus như cô.

Có lẽ…sức khỏe của cô rất yếu.

Tôi lặng lẽ đi bộ theo sau cô quãng đường dài.

Nhiều lúc, tôi muốn vượt lên cô, nhân lúc cô không chú ý, tôi sẽ nhanh chóng gỡ bỏ lớp khẩu trang của cô để xem 4/6 khuôn mặt còn lại ấy.

“Dù gì khi vào trường, cô ấy cũng sẽ phải gỡ bỏ khẩu trang”, tôi nghĩ như thế và lại tiếp tục lầm lũi bước theo sau cô.

 

Tôi đã lầm. Ngay cả khi đã có hiệu lệnh tập hợp, cô vẫn cứ đeo khẩu trang. Tôi đành phải về đại đội của mình. Tôi ở đại đội 2. Có vẻ như cô ở tận đại đội 9,10. Tôi hoàn toàn không thể thấy được cô. Bóng cô đã hòa vào rừng áo xanh lá.

 

“Tại sao đã vào hàng ngũ tập trung rồi mà một số em vẫn còn đeo ba lô, xắn tay áo lên cao, không đội mũ, có em còn đeo cả khẩu trang. Tất cả các em phải lập tức chỉnh trang lại quân phục, tác phong”

 

Dù giọng nói đó rất nghiêm trang và dõng dạc, tôi vẫn phì cười ở đoạn “…có em còn đeo cả khẩu trang…”, khi nghĩ đến khuôn mặt của cô gái ấy. Có lẽ bây giờ, 5/6 khuôn mặt của cô đã lộ diện. Tôi tự hỏi vì sao cô không thể tháo bỏ khẩu trang ấy sớm hơn?

 

Vàng

 

Mỗi ngày, cô mang một khẩu trang màu khác nhau.

Hôm nay, trên khuôn mặt cô hiện diện màu vàng.

 

Tôi vật vờ theo từng lời giảng của thầy về lý thuyết chính trị. Tối qua, một vài xáo động trên mạng đã làm tôi thức khuya ngoài ý muốn để tích tụ nỗi buồn lên cực điểm rồi tải hết nó sang máy tính.

Tay trái tôi đặt theo phương nằm ngang, song song với chiều dài của bàn. Tay phải đặt kế bên tay trái, hợp với tay trái một góc đúng 90o . Nghe có vẻ giống như tôi đang rao giảng về một tư thế nào đó trong quân sự. Kì thực, tư thế lúc đó của tôi là chống cằm, mắt chốc chốc nhắm, chốc chốc mở, đầu cứ gục lên gục xuống. Ai không biết, nhìn từ xa có lẽ nghĩ tôi đang nghe giảng rất hăng say. Khi đầu tôi gục xuống thì người ta nghĩ là tôi đồng ý kiến với thầy; đầu tôi ngẩng lên, người ta nghĩ tôi đang thở dài về những câu hỏi không lời đáp (hay chưa tìm ra lời đáp) của thầy; khi tôi nhắm mắt, người ta nghĩ tôi đang suy tư về những câu hỏi ấy; khi tôi chợt mở to mắt, người ta nghĩ tôi đã tìm được câu trả lời. Cứ như thế, tôi thành một người học trò chăm ngoan với ai đó. Ai đó là ai? Tôi lại bắt đầu tưởng tượng câu chuyện về ai đó để chống chọi với cơn buồn ngủ.

 

Chợt. Tôi tỉnh hẳn.

Không phải vì câu chuyện trong đầu tôi đang tưởng tượng. 

Cơn đau bụng bỗng dưng từ đâu ập đến.

Tôi nắm chặt phần áo ở ngay bụng, tôi xoa xoa nó. Cơn đau vẫn không dứt mà có xu hướng mỗi ngày một tăng.

Tôi đã biết lí do của cơn đau bụng này. Thức ăn trong cơ thể tôi đang biểu tình đòi đi ra cửa sau.

Không. Tôi không muốn điều đó xảy ra. Tôi sẽ làm những biện pháp quyết liệt để chống đối cuộc biểu tình của nó cho đến khi về nhà. Những lần đi tải nước trong các phòng vệ sinh ở khu vực giảng đường dành cho học viên, tôi không bao giờ dám đặt cả bàn tọa của mình trên bồn cầu. Đất cát luôn dính đầy quanh mép. Tôi luôn phải trong tư thế nửa đứng, nửa ngồi mà tải nước đến vị trí an toàn trong cái lỗ của cầu. Chỉ là tải nước thôi đã thật khó khăn. Tôi không dám nghĩ đến việc nếu tải thức ăn thì sẽ như thế nào?

Tôi lấy dầu xoa vùng bụng. Đám thức ăn vẫn chưa chịu chấm dứt cuộc biểu tình. Có một lúc tôi tưởng chúng đã đầu hàng. Nhưng không, chúng chỉ nghi binh để kêu gọi thêm lực lượng thôi.  

Tôi đau. Cơn đau làm tôi tưởng chừng như nước mắt mình sắp trào ra. Không được rồi. Tôi phải làm chuyện đó ở ngay đây. Tôi nhìn đồng hồ. Còn gần cả tiếng nữa mới đến giờ ra chơi.

Tôi cố gắng suy nghĩ đến chuyện mình sẽ tải thức ăn ở đâu. Chắc chắn không phải ở những phòng vệ sinh có đất cát dính đầy quanh mép bồn cầu. Tôi chợt nhớ ra rằng, trước đây, dù học ở trường nào, phòng vệ sinh dành cho nhân viên của trường bao giờ cũng sạch sẽ hơn phòng dành cho học sinh. Bữa nọ, tôi đã thấy phòng vệ sinh dành cho nhân viên nhà bếp ở gần canteen.

 

Reng…reng…reng…

Tiếng chuông báo hiệu cuộc giải phóng bắt đầu.

Tôi rảo bước nhanh qua những dãy hành lang dài, qua các bãi tập. Tôi đến canteen và đi thẳng vào nhà bếp. Một chị đang khệ nệ ôm khay chén, dĩa, muỗng thấy tôi đi ngang qua nói nhanh: “Em đi vệ sinh hả? Nhớ đi sạch nha em”. Tôi gật đầu.

 

Nhà vệ sinh trong canteen không sạch hơn trong các khu giảng đường là bao nhưng được một cái là vắng vẻ, bồn cầu của nó nằm sát mặt đất. Như vậy, tôi chỉ việc ngồi xổm là có thể giải quyết được mọi chuyện. Tuy nhiên, nhà vệ sinh ở đây lại không có đèn, khi tôi đóng cửa lại, mọi thứ đều tối om.

Tôi bắt đầu cởi quần trong bóng tối mờ mờ.

Tôi dùng hết sức bình sinh để tống khứ đám thức ăn ra khỏi cơ thể.

Vẫn không được.

Đám thức ăn này lạ! Biểu tình đòi ra khỏi cũi nhưng đến khi người ta cho ra rồi thì lại cứ muốn ở lỳ trong đó!

Đau. Đau.

Tôi vừa đau bụng, vừa đau ở cửa sau.

Tôi chưa bao giờ làm chuyện này trong tình trạng đau đớn ở cả hai nơi như thế.  

Đã năm phút trôi qua rồi mà tôi vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ tải thức ăn đến vị trí an toàn. Tôi bắt đầu cảm nhận được đàn ruồi muỗi, côn trùng nhặng xị các thứ đang vo ve, vo ve ở cái thùng tràn đầy rác đằng sau, ở cái lỗ tròn chứa nước, ở cửa sau của tôi. Bóng tối mờ mờ từ một nơi khuất sáng vào ban ngày càng như vây chặt lấy tôi. Tôi sợ hãi. Thật sự sợ hãi.

Tôi đã một số ít lần tải thức ăn ở các địa điểm khác: trường hồi tôi còn học tiểu học, trung học, phổ thông, đại học, công viên đông người. Không lần nào tôi mang tâm trạng sợ hãi như lần này. Những lần đó, nỗi sợ của tôi chỉ dừng lại ở cái sự mất vệ sinh của nó. Nỗi sợ lần này thật khác biệt. Cảm giác giống như nỗi sợ hãi của một người biết rằng có thể mình sẽ phải bị kẹt lại mãi ở nơi tăm tối như thế này.

Một đứa ngay cả khi ông ngoại chết cũng không khóc như tôi bắt đầu rươm rướm nước mắt chỉ vì…không cho được cặn bã ra khỏi cơ thể mình. Tôi thật sự muốn khóc.

Chưa bao giờ tôi thấy mình yếu đuối và lại sợ hãi một điều nào đó như vậy.

Lần đầu tiên trong đời, tôi thật sự hối hận vì đã không theo bất cứ tôn giáo nào. Trong lúc con người yếu đuối và sợ hãi nhất, tôn giáo cho họ sức mạnh. Tôi đồ rằng, nếu những người có tôn giáo lâm vào hoàn cảnh giống tôi lúc này, không chừng họ đang cầu nguyện Chúa, Đức Phật, Thánh Ala…giúp mình qua được kiếp nạn này cũng nên.

Bây giờ, tôi không có bất cứ hình ảnh nào trong đầu để nghĩ đến cả. Tôi không thể nghĩ đến những người tôi đã từng yêu và vẫn còn đang yêu vì từ rất lâu rồi, tôi không còn tồn tại trong thế giới của họ nữa. Nghĩ đến họ lúc này chỉ làm tôi thêm yếu đuối. Tôi phải nghĩ đến ai đây?

Đau. Đau quá.

Đám thức ăn trong cơ thể tôi bắt đầu chịu nhượng bộ đôi chút. Chúng đã thò được cái đầu ra ngoài. Tôi tưởng tượng đến cảnh khi chúng thò hết chân tay, toàn bộ cơ thể rồi nhẹ nhàng đáp xuống cầu, đứa nào đứa nấy cũng màu vàng.

Vàng.

Tôi nhớ đến khẩu trang màu vàng cô đeo sáng nay.

Cô vẫn luôn đeo khẩu trang suốt đoạn đường từ lúc bắt đầu bước vào xe bus cho đến khi tập trung trong hàng ngũ ở trường. Chỉ khác là hôm nay, mái tóc cô đã được kẹp lên gọn gàng trông duyên dáng. Cái kẹp hình con bướm màu nâu gỗ. Tôi nhớ rằng tự nhiên lúc đó tôi thấy vui. Vui vì được biết thêm 1/6 khuôn mặt của cô.

A…a…a…

“…em…em ơiii…”, tiếng nói nội tâm trong đầu tôi vang lên mạnh mẽ.

Tôi đột nhiên muốn gọi tên cô lúc này. Nhưng…tôi đâu biết tên cô để gọi…Không hiểu sao, nghĩ đến cô lúc này lại khiến tôi thấy mình thêm mạnh mẽ. Tôi phải cố gắng thoát ra khỏi nơi đây để gặp lại con người đó.

“…em…em ơiii…giờ này em ở đâu? Tôi đang nhớ em. Nhớ nhiều lắm em có biết không?...”

Khi chữ “không” trong câu hỏi của tôi kết thúc cũng là vừa lúc tôi hoàn tất nhiệm vụ tải thức ăn của mình. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Tôi đã có thể gặp lại con người đó rồi. Bây giờ, tôi chỉ việc giải quyết nốt phần việc vặt vãnh còn lại. Tôi thò túi áo lấy tờ giấy đôi mà tôi đã bứt ra từ quyển tập của mình. Tôi cọ xát nó vào cái cửa thông hành. Tấm giấy căn cước màu trắng bỗng chốc biến thành vàng. Tôi ghê tởm nhìn nó và vứt vào thùng rác. Công việc cuối cùng khó khăn hơn tôi nghĩ. Bồn cầu không tự động dội nước được. Chỉ có một thùng nước và một cái ca. Không còn cách nào khác, tôi phải tự mình đối diện với cặn bã trong con người tôi.

Nó kia rồi.

Thì ra thứ khiến cho tôi đau đớn có hình dáng như vậy. Nó vàng ố, nhão nhoét và cưng cứng như khối bùn đất thấm nước. Cái ấy của con người cũng đâu khác cái ấy của động vật, thực vật là bao nhiêu.

Tôi tạt ca nước đầu tiên.

Nước vẫn chưa thể cuốn trôi hết mớ bùng nhùng đó.

Sang ca nước thứ hai.

Thêm một số đứa đã ra đi.

Đến ca nước thứ ba.

Vẫn còn vài đứa cứng đầu ở lại.

Khi tạt hết ca thứ năm.

Mọi thứ mới thật sự bị thanh trừ.

 

Thì ra, nước cũng có màu vàng.

Qua luồng sáng nhờ nhờ, tôi đã nhận ra điều đó trước khi bước ra khỏi chốn tối tăm vào giữa ban ngày ấy.

 

Đột ngột, bất ngờ rồi nhanh chóng say đắm, cuồng dại. Như bất cứ tình yêu nào trong phim ảnh hay sách báo (có khi là cả ngoài đời), tình yêu điên rồ khi vừa bước vào tuổi 20 của tôi cũng bắt đầu theo cách như thế. Chỉ khác là khung cảnh diễn ra trong những nơi đó thường lãng mạn như: công viên, quán coffee, nhà hàng, trên mạng…Tình yêu của tôi lại diễn ra trong một hố xí. Nếu như không có cái hố xí ngày hôm nay, tôi sẽ không thể nào nhận ra rằng tôi đã yêu cô ngay từ ánh nhìn đầu tiên và mỗi khi lên xe bus, tôi quên hết những người xung quanh chỉ để nhìn mỗi cô.

Tôi rảo bước chậm rãi qua canteen, các bãi tập, những dãy hành lang dài. Đang vào những ngày mùa mưa nên bầu trời rất xám xịt. Tuy vậy, những ngọn gió mát vẫn nhẹ thổi qua người tôi. Màu xám dễ khiến người ta thấy buồn khi nhìn nó nhưng lúc này, nó không đủ sức mạnh để cướp lấy niềm vui trong tôi. Chỉ cần có con gió nhẹ, lòng tôi đã thấy vui. Cuộc đời này chưa bao giờ dễ thương hơn thế. Cảm giác thật sự yêu một người nào đó là như thế này sao? Không chỉ nghĩ đến người đó vào những khi vui nhất hay buồn nhất mà còn là kể cả khi làm những chuyện riêng tư nhất, tế nhị nhất thuộc về nhu cầu tự nhiên của con người. Cảm giác này tôi chưa trải qua bao giờ. Trước đó, tôi chưa từng yêu ai đến mức kể cả khi đi vệ sinh vẫn nghĩ đến người ấy.

 

Chiều hôm đó, trên chuyến xe bus đi về, tôi cứ vừa nhìn cô, vừa cố che giấu nụ cười thầm vì hạnh phúc của mình. Có lẽ, vì cô đã bắt đầu để ý rằng tôi luôn ngồi cố định ở vị trí đó nên ngày hôm ấy, thi thoảng cô đưa mắt nhìn sang chỗ tôi ngồi. Một vài lần, nó khiến tôi giật mình vì trước đây, lúc nào cô cũng chăm chăm nhìn vào cái trạm kế tiếp không thể dừng lại của mình.

 

Khoảng thời gian đầu sau khi xảy ra chuyện này, tôi đã vui mừng đón nhận thứ cảm giác mới mẻ đó: đi vệ sinh mà nghĩ đến người yêu. Dù vậy, sau đó một thời gian, tôi thật sự thấy hối hận vì đã nghĩ đến cô vào lúc làm chuyện ấy. Bởi lẽ bây giờ, mỗi lần nhớ đến cô, bãi phân vàng trong hố xí tăm tối đó lại hiện ra trong đầu tôi thay cho khuôn mặt ẩn sau lớp khẩu trang của cô. Tôi cố gắng tách biệt hình ảnh khuôn mặt cô và thứ màu vàng đó. Không thể nào để tình yêu của tôi đồng loại với cặn bã được. Nhưng tôi bất lực. Hình ảnh cô, ý niệm về cô và cái thứ đó giống như ba chất hóa học đã tìm được một loại dung môi thích hợp để hòa lẫn vào nhau. Tôi chỉ còn biết thẫn thờ đứng nhìn cái ống nghiệm sóng sánh chất màu vàng đó.  

Ngày qua ngày, tôi lặng lẽ nhìn nó.

Cây cột mà cô vẫn đứng tựa trên chuyến xe bus chúng tôi đi chung cũng màu vàng.

Cô ôm cây cột vàng đó. Màu vàng ngập ngụa trong não tôi.

Tôi ôm màu vàng. Cô ôm lấy nỗi buồn của tôi.

 

Đỏ

 

Hôm cuối cùng học quân sự,

cô mang khẩu trang màu trắng.

 

Chiếc xe bus ngày hôm ấy tôi đi không có thanh chắn ngang màu vàng ở hàng ghế mà tôi vẫn thường hay ngồi. Tôi có một chút cảm giác không an toàn khi bước lên xe và nhìn thấy thanh chắn đó biến mất. Tuy vậy, tôi yêu hàng ghế đó, để nhìn ngắm người yêu vào ngày cuối cùng, tôi phải ngồi ở hàng ghế đó. Vị trí gần cửa sổ đã bị một người nhanh chân hơn tôi ngồi vào. Tôi ngồi ở ghế bên trong.

Ngày qua ngày, tôi đã luôn lặng thầm theo dõi cô suốt một tháng qua. Có lẽ, cô cũng cảm nhận được sự hiện diện của tôi. Thế nhưng, chúng tôi vẫn không nói một lời nào mà im lặng thụ hưởng cảm giác có một người đang tồn tại vì mình. Cho dù rất có thể, những suy nghĩ này chỉ là huyễn tưởng của riêng bản thân tôi, hôm nay cũng đã là dấu chấm hết cho tất cả. Khi nhìn dáng cô nghiêng nghiêng, tôi rất muốn chạm vào cô, muốn biết đằng sau bộ quân phục màu xanh lá đó, cơ thể cô như thế nào. Tôi đã tự dìm mình ngộp thở trong cái ham muốn đó quá lâu. Cuối cùng, vẫn chẳng có chuyện gì xảy ra. Hôm nay, tôi yếu ớt ngoi lên mặt nước để thở. Chỉ một hôm nay nữa thôi, tôi sẽ thoát khỏi cái hố sâu đó.

 

Chiếc xe bắt đầu lăn bánh.

Tôi nhìn cô mỉm một nụ cười nhẹ nhàng. Có lẽ khuôn mặt tôi lúc đó thật sự đã giống khuôn mặt của một người đang cười. Tôi cười đồng thời vì hạnh phúc và vì nỗi buồn sắp phải chia tay cô dâng đầy tâm trí.

Cô vẫn đứng nghiêng nhìn những trạm xe trong tưởng tượng. Cô không thấy tôi đang cười.

 

Tôi đeo headphone vào. Bật bản nhạc Akai Ito (Sợi chỉ đỏ) của Kobukuro và Gakky.

 

Hai ta đã gặp nhau lần đầu tiên ở đây, cũng vào ngày này hai tháng về trước

Anh vẫn không biết cách nào để hôn em, sweet girlfriend đầu tiên của anh.

Ngày kỉ niệm nhỏ nhoi ngớ ngẩn của chúng ta, anh đã lặng lẽ ghi nó trên tờ lịch

“Em có biết hôm nay là ngày gì không?”, anh hỏi, một chút ngỡ ngàng em trả lời

 

Chiếc xe rung lắc dữ dội.

Thân hình cô mờ nhòe, như một vật thể không thực trước mắt tôi.

 

“Là ngày sinh nhật bạn trai cũ của em”, em đã trả lời với một nụ cười, khuôn mặt em thoáng chốc hờn dỗi

Những lời nói đó hẳn nhiên đã làm đôi tai anh đau nhói

Anh không thể sánh bằng những kỉ niệm ba năm em đã có với người ấy

Nhưng anh vẫn thật sự rất thích em, sự khác biệt về quãng thời gian làm mọi thứ như quay cuồng

 

Kétttt…

Trước khi kịp nhận thức được điều gì đang xảy ra, một cơn đau nhói buốt xương ập đến với tôi. Bản nhạc đứt quãng, lúc này tôi nhận ra mình đã bị đập mặt vào thanh sắt màu vàng ở hàng ghế phía trước. Tôi đang phủ phục dưới chân cô. Chiếc xe đã thắng gấp và vì không có thanh chắn ngang màu vàng, tôi hoàn toàn bị chúi người về phía trước, ngã hẳn ra khỏi ghế ngồi.

Tôi ngửi thấy một mùi tanh phát ra từ trong miệng mình. Môi tôi đau nhức, hàm răng ê buốt, tôi có cảm giác như mình đã bị gãy răng. Tôi lập tức đưa tay chạm vào hai hàm răng của mình để biết rằng nó vẫn còn nguyên.

Nhiều người quay xuống nhìn tôi, một vài người phát ra tiếng kêu ú ớ, những người còn lại khuôn mặt không lộ ra vẻ thất kinh thì cũng sửng sốt. Tôi không hiểu vì sao họ lại có thái độ như thế khi nhìn tôi.

Tôi lộm cộm đứng dậy, ngồi lại vị trí của mình.

 

Đột nhiên, cô tiến lại gần tôi. Ánh mắt lo lắng.

“Bạn bị chảy máu mũi nhiều lắm đó. Bạn có sao không?”

Tôi hoảng hốt, không kịp trả lời câu hỏi của cô mà đưa tay lên chạm vào mũi mình. Bàn tay tôi dính đầy máu đỏ. Bây giờ, tôi đã hiểu được vì sao những người ấy lại có phản ứng như thế khi nhìn khuôn mặt tôi.

Một tay cầm cột, một tay cô loay hoay lục lọi túi xách.

“Bạn ngẩng đầu lên đi, để mình lau máu mũi cho”, cô nói và dịu dàng chậm khăn giấy xung quanh vùng mũi dính máu của tôi. Tôi ao ước được nhìn thấy toàn bộ khuôn mặt đó vô cùng khi ngước lên nhìn cô. Tôi tự tưởng tượng rằng nếu không đem khăn giấy, rất có thể vì tốt bụng, cô sẽ tháo khẩu trang ra và dùng nó để lau máu của tôi.

Bàn tay cô đã chạm vào tôi. Tôi quên cơn đau, quên cả những nỗi buồn, quên hết những điều bất hạnh mà mình đã gặp phải trong khoảng thời gian gần đây. Hơn lúc nào hết, ngay bây giờ, tôi cảm thấy thật hạnh phúc. Ước nguyện nhỏ nhoi được chạm vào cô ngỡ như sẽ chỉ mãi là chuyện xảy trong những giấc mơ hoang đường của tôi cuối cùng đã trở thành hiện hữu. Cái chạm của cô làm cho những tình cảm tôi cố gắng kiềm nén suốt một tháng qua bùng phát mạnh mẽ. Tôi không còn thể kiểm soát nó nữa. Tôi sợ mất cô. Tôi chỉ muốn ôm cô vào ngay lúc này.

Cô cầm tờ khăn giấy đã dính đầy máu của tôi bỏ vào trong túi áo. Có lẽ, cô làm vậy để khi xuống xe, gặp bất cứ thùng rác nào, cô sẽ vứt nó ngay lập tức. Cô đưa cho tôi một tờ khăn giấy mới.

“Mình đã lau sạch hết máu mũi cho bạn rồi nhưng nó vẫn còn chảy đó. Bây giờ bạn tự dùng khăn để chặn lại, không cho nó chảy ra ngoài thêm nữa nha.”

Hình như cô mỉm cười với tôi. Vì khẩu trang hôm nay của cô màu trắng nên tôi thoáng thấy được 4/6 cơ mặt ẩn giấu của cô. Đôi mắt cô nhìn tôi khi ấy thật hiền.

“Không sao đâu”, cô đã nói như thế.

“Cảm ơn bạn”, tôi chỉ có thể nói đơn giản như vậy.

 

Sau khi xuống bến, người tài xế đã xin lỗi tôi rối rít. Ông kể lể rằng đó không phải là lỗi của ông mà do một chiếc xe honda đã băng qua đường cẩu thả, không chú ý. Ông phải thắng gấp để không đụng chiếc xe đó. Trước đây, ông không bao giờ thắng gấp như vậy. Người nữ soát vé thì mong tôi đừng kiện cáo gì hết, chị sẽ mua cho tôi bịch đá để chậm chỗ môi cho hết sưng xem như là bồi thường một phần nào đó cho tôi. Họ kể lể với tôi bằng những giọng rất tha thiết, thảm thương như thể không phải tôi mà chính họ mới là người bị đập mặt vào thanh sắt vàng đó. Tôi phải thuyết phục mãi rằng đây là lỗi của tôi vì đã ngồi ở vị trí đó trong khi vẫn còn dư những chỗ trống khác, không phải lỗi của họ, tôi hứa sẽ không kiện cáo gì cả, họ mới cho tôi đi và cảm ơn rối rít.

Khi tôi bước xuống xe, tôi không thấy cô đâu.

Tôi cố gắng chạy thật nhanh về con đường phía trước. Vẫn không thấy cô.

 

Chuyến xe bus hôm đó vào lượt về cũng không có cô. Có lẽ, cô đã đổi đi chuyến khác. Tôi không thể biết được đó là tuyến xe số mấy.

Từ hôm đó, tôi không còn gặp cô nữa.

Tôi chẳng là gì cả trong cuộc đời cô. Thử đặt mình vào vị trí của cô: đột nhiên một ngày, có một người xa lạ nói với tôi rằng người đó rất yêu tôi, yêu đến nỗi vẫn thường hay nghĩ về tôi, gọi tên tôi mỗi khi đại tiện khó khăn, có lẽ tôi sẽ cười sặc sụa và cho rằng người này điên.

 

Sợi chỉ đỏ.

Máu đỏ. Khăn giấy đỏ

Bàn tay cô đỏ.

Tình yêu màu đỏ.

Nhớ đến cô, hơi thở tôi cũng màu đỏ./.

 

5:21 AM

9.8.10

Vũ Lập Nhật
Số lần đọc: 1838
Ngày đăng: 13.11.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chiều Mưa - Minh Hương
Công Tằng Tôn Nữ Ngọc Trân - Kinh Dương Vương
Lời từ nơi hư ảo - Vinh Anh
Thị Trấn Êm Đềm - Mang Viên Long
Vua Ngu - Nguyễn Thanh Hiện
Con Dốc - Vũ Lập Nhật
Sợi Tóc Mong Manh - Nguyên Minh
Chết Không Nhắm Mắt - Nguyễn Viện
Chuyện cổ tích ông kể cháu nghe - Huỳnh Văn Úc
Người Thầy muôn đời - Thái Quang Hy
Cùng một tác giả
Đóng…?...Mở…? (truyện ngắn)
Sóng (truyện ngắn)
Chia Tay (truyện ngắn)
Khói (truyện ngắn)
Good-bye days (truyện ngắn)
Chạm (truyện ngắn)
Con Dốc (truyện ngắn)
Khẩu Trang (truyện ngắn)
Red Skirt Red Shoes (truyện ngắn)
5w1h (truyện ngắn)
Yellow (*) (truyện ngắn)
Mắt kính (truyện ngắn)
Nhét (truyện ngắn)