Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.200
123.205.205
 
Về Quái
Nguyễn Bình Phương

Quái là một nhân tố quan trọng trong sự tồn tại của thế giới này. Quái  hoà quyện với từng cá nhân và thật khó có thể khẳng định được rằng nó là cái ở ngoài ta hay ở trong ta, là cái tạo sinh ra ta hay ta tạo sinh ra nó. Điều dễ thấy nhất là Quái thông báo cho ta có những chân trời khác cũng như có những cảm giác khác nữa. Quái là loại thuốc bí truyền dân gian chuyên dùng cho những căn bệnh nan y và kết cục có thể là sự thăng hoa đến vô bờ bến của tâm hồn hoặc sự đột quỵ của nhận thức. Quái chính là một luồng chảy độc đáo của dòng tư duy truyền thống, thứ tư duy luôn ngả về bản năng và mặc dù không đánh nhịp chủ đạo nhưng lại có vai trò quan trọng trong sự tồn vong của các dân tộc phương Đông. Quái đi vào chính sử khá khiêm tốn, chừng mực, nhưng ở bên lề lịch sử, nó lại chảy mạnh mẽ, ồ ạt và dòng chảy của nó hùng cường đến mức chẳng quyền năng thế tục nào đủ sức ngăn cản được. Sự dai dẳng của Quái một phần ở tính không giải thích đi kèm với tính linh thiêng vốn có, phần nữa cực quan trọng là ở tâm lý không muốn hoá giải. Dân gian có đủ khả năng hoá giải Quái nhưng dân gian không  làm việc đó bởi như thế cũng đồng nghĩa với việc chân trời tâm linh bị thu hẹp lại. Quái được nuôi dưỡng và chiều chuộng một cách kín đáo, trở thành nơi vừa ẩn náu vừa chôn vùi những bất lực của thực tại. Điều này là một hé mở cho việc giải thích mức độ tồn tại bí ẩn của nó. Trong chừng mực nào đó Quái chính là địa điểm để tư duy đánh thông sang chân trời khác, dù cho rất ít người đủ can đảm và sức vóc tiến tới chân trời khác ấy. Những bế tắc về lý trí sẽ được truyền qua cảm tính để giải quyết và đường truyền này chính là Quái. Quái không phải là câu trả lời, càng không phải câu hỏi, nó thuần tuý chỉ là nơi dung chứa vừa tạm thời vừa vĩnh cửu tất cả những gì dân gian cần dung chứa trước sự truy bức của những tư tưởng vô thần cực đoan mù quáng. Quái không cố định, trái lại nó luôn biến và lạ lùng thay chỉ biến trong chính bản thân nó, không hề lạc sang địa hạt khác. Chỗ này bộc lộ cho ta thấy Quái có sự phong phú đến mức khó thể kiểm soát nổi nếu chỉ thông qua tư duy lô gíc. Có lẽ dùng hình ảnh mây để nói về Quái ở khía cạnh này sẽ sát thực hơn cả. Quái không pha tạp, nó thuần khiết hơn những yếu tố khác vì thế mà nó mang tinh thần độc lập cao. Khả năng thao túng của Quái với các yếu tố khác là rất lớn trong khi đó thì không hề có sự thao túng ngược lại. Quái chẳng bao giờ hao tổn ngay cả ở những thời điểm cực thịnh của lý trí. Hãy hình dung nếu thiếu Quái, có lẽ thần linh sẽ là lực lượng lúng túng nhất bởi chẳng có cơ sở để xuất hiện và chẳng có lý do chính đáng lưu giữ sự tồn tại của các vị đó. Không có quái, nghệ thuật chắc chắn là tẻ nhạt và trơ cạn vì trí tưởng tượng chẳng có chỗ để cất cánh, sẽ chỉ còn lại những sao chép ngô nghê đến mức vô nghĩa lý. Đặc biệt với thơ, sự vắng mặt của Quái sẽ kéo theo sự tan rã của cấu trúc và khi ấy thơ sẽ chẳng còn chút ma lực nào nữa. Ngay cả trên những mảnh đất hiện thực trơ cằn nhất, chỉ cần Quái có mặt, dù là thoáng qua, lập tức nghệ thuật sẽ nảy mầm.Đứng trước một cây cổ thụ, ta gặp Quái, ngồi trước máy vi tính ta cũng sẽ gặp Quái.Thế giới sụp đổ, Quái vẫn đứng vững, chỉ khi chúng ta sụp đổ nó mới biến mất./.

Nguyễn Bình Phương
Số lần đọc: 1664
Ngày đăng: 15.11.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Con tim và lý trí của thi sĩ Xuân Diệu: giai đoạn 1954-1958 (phần 4) - Lại Nguyên Ân
Con tim và lý trí của thi sĩ Xuân Diệu: giai đoạn 1954-1958 (phần 3) - Lại Nguyên Ân
Hàn Mặc Tử thi sĩ của đau thương và bất hạnh - Thụy Khuê
Hàn Mặc Tử, lãng mạn hay tượng trưng? - Trần Văn Nam
Con tim và lý trí của thi sĩ Xuân Diệu: giai đoạn 1954 – 1958 (phần 2) - Lại Nguyên Ân
Phê bình văn học - Tứ bề thọ địch - Đỗ Ngọc Thạch
Con tim và lý trí của thi sĩ Xuân Diệu: giai đoạn 1954-1958 (phần 1) - Lại Nguyên Ân
Thơ Như Con Sông Đào, Tùy-Bút Như Con Sông Thiên Nhiên - Trần Văn Nam
Mối quan hệ của Thông diễn học hiện đại với văn học - Ngô Phương Quốc
Xuân Sách Và Thơ Chân Dung Nhà Văn (Bài 2) - Đỗ Ngọc Thạch